Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Ghé thăm các Blogs: 27/05/2011

BLOG MAI THANH HẢI



Mai Thanh Hải Blog - Chuyện 1 "ông Tỉnh ủy" ở tỉnh Trung du Bắc Bộ có khu nhà nghỉ cuối tuần hoành tráng, bị phát giác và đưa hình quảng bá lên trang của Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, thực ra là chuyện đã được nhiều người biết và bàn tán từ rất lâu rồi.


Cách đây cả chục năm, các quan đầu tỉnh xa Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã biết lẳng lặng gây dựng cơ ngơi dưới Hà Nội, TP để lấy chỗ đi lại, cho con cháu xuống ở trong thời gian đương nhiệm, phải "lo việc chung địa phương" và khi về hưu thì chuyển hẳn xuống đó, từ Hộ khẩu cho đến sinh hoạt Đảng, để "thuận lợi vui thú điền viên". Ngược lại, các quan ở Trung ương, thành phố thì lại "di cư ngược": Ngoài Hà Nội thì nhao lên Ba Vì, Láng - Hòa Lạc, Hòa Bình, Tam Đảo, Đại Lải... tìm mảnh đất đèm đẹp, rồng rộng với sự giúp đỡ của... địa phương để xây trang trại nuôi lợn, chăn gà, thả cá, trồng rau bên căn nhà sàn vững chãi hoặc tòa đá ong, đá xanh bản sắc và cuối tuần rồng rắn kéo nhau về "ăn chơi ngủ nghỉ", rõ là "hướng nội"; trong TP.Hồ Chí Minh, người ta cũng đua nhau sang Đồng Nai, lên Bình Phước, ra Vũng Tàu, ngược Mũi Né... để xây nhà vườn, biệt thự nằm kề biển, ven sông, thậm chí làm hẳn cả chục, trăm ha đất vừa trồng cao su, cà phê, tiêu - điều kinh doanh, vừa tranh thủ xây tòa nhà giữa vườn để cuối tuần, đưa gia đình, chiến hữu về nhậu nhẹt, thăm thú, kiêm "kiểm tra hoạt động kinh doanh"...

Tuần rồi mình vào miền Nam, mới biết chuyện một "ông Tỉnh ủy" của tỉnh Đông Nam Bộ, ngoài đất đai trồng cao su - cà phê dễ đến gần trăm ha, mấy trang trại - khu nghỉ riêng còn có riêng 1 trang trại nuôi cả trăm con trâu bởi ông này có tính... mê trâu, dọc đường đi công tác, thấy trâu đèm đẹp là dừng xe ngắm nghía, thậm chí tìm mọi cách... cưỡi trâu, xong rồi mới đi tiếp; cũng tuần rồi lên Hòa Bình, cu em đồng nghiệp chơi rất sang, dẫn hẳn vào nhà sàn người quen, xách can rượu ngâm trong... hang đá lên xe đi uống và thì thầm chỉ mấy ngôi nhà sàn kềnh càng, nằm nép dưới bóng núi đá, ven QL6: "Nhà này của Thứ trưởng T, nhà kia của Cục trưởng L...". Nhà nào cũng oách xờ lách và hơi bị... kiêu sa.

Chẳng nói đâu xa, mới đây mình công tác và chứng kiến 1 Chủ tịch UBND tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ đứng ra xây nhà thờ họ to như biệt thự với đồng lúa bọc ngoài, ao cá bọc trong, đường rải nhựa (do 1 Cty Xây dựng trong tỉnh ủng hộ, đảm trách thi công) nối từ Tỉnh lộ vào và bên trong khu nhà, đủ cả "phòng nói chuyện" (giống y Hội trường), phòng ăn tập thể, phòng nghỉ, ghế đá giống ngoài công viên có ghi đầy đủ tên các đơn vị, doanh nghiệp "cúng tiến" Chủ tịch xây nhà thờ...

Vẫn biết làm quan thì phải có bổng lộc và "một người làm quan, cả họ được nhờ", nhưng "chơi sang" một cách công khai, lộ liễu ngay khi đương chức là điều mà những người đi theo con đường chính trị tuyệt đối tránh xa. Nội dung tư tưởng này, được bảo vệ, cảnh báo, ràng buộc bằng rất nhiều quy định như: "Những điều cán bộ, Đảng viên không được làm", Luật Công chức - Viên chức và nhất là biện pháp "Kê khai tài sản cá nhân"... Thế nhưng, trước tình trạng "chơi sang" trước mắt bàn dân thiên hạ, của một số lãnh đạo đương chức trong thời gian vừa qua, những ràng buộc trên giấy tờ liệu có còn hiệu lực, thành... trò cười trong dư luận ("Ai cũng hiểu, chỉ 1 người không hiểu", "Ai cũng biết, chỉ vài người không biết") và tạo hiệu ứng xấu, gây ảnh hưởng đến những cán bộ - lãnh đạo, địa phương khác?.

Lại nhớ đến chuyện dân gian của bà con Vân Kiều tại Quảng Trị, đại khái: Trước bầu cử, phóng viên đến bản Ka Lu của bà con Vân Kiều để làm phóng sự về không khí "ngày hội nhân dân". Phóng viên hỏi già Hồ Màn: "Thưa cụ, năm nay cụ định bầu cho ai ạ?". Già đáp: "Vẫn bầu cho cán bộ Hồ Ang thôi". Phóng viên: "Ồ, sao suốt 20 bà con chỉ bầu cho cán bộ Hồ Ang vậy?". Già cười: "Thằng cán bộ đó nó lên lâu rồi, nó ăn no rồi, nên chừ nó ăn ít lại, nên bà con ưng cái bụng, nên bà con bầu cho nó. Chứ bầu đứa cán bộ mới lên, nó đang đói, nó cố ăn cho đầy cái bụng nó thì mệt lắm đó"...

Lại tò mò: Bao nhiêu lãnh đạo có trang trại, khu nghỉ riêng như "Ông Tỉnh ủy" ở cái tỉnh Trung du Bắc bộ nghèo xác nghèo xơ dưới đây nhỉ? Ai biết, chỉ địa chỉ và... gửi hình cho mình biết với?...

Và lại cười: "Ích nước lợi nhà" thành... tư gia lãnh đạo?..

-------------------------------------------------------
NTT: Có một người quen gửi cho hơn chục bức ảnh “Nhà nghỉ của ông Tỉnh ủy”. Xem đi xem lại phục sát đất về thẩm mỹ “dân tộc – hiện đại” của ông quan cách mạng. Tư duy của ông  quan này nên nhân rộng để các đ/c lãnh đạo khác học tập, làm đẹp (giàu) cho giới quan chức Việt Nam ta. Tạp chí Nhà Đẹp nên tìm hiểu và viết bài giới thiệu cho toàn dân thưởng thức.


Nhìn từ trong khuôn viên


Sân sau


Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân


Cây lộc vừng


Sân cỏ


Hành lang


Hành lang


Hầm rượu quí (chum lớn 1,5 m3)


Cầu thang lên tầng 2


Phòng khách


Phòng ngủ duy nhất có giường tre dành cho 2 người



BLOG HIỆU MINH


Tin tức về bất ổn kinh tế vĩ mô ở mức nghiêm trọng khiến lạm phát tiếp tục tăng và chỉ số chứng khoán tụt xuống mức thấp nhất trong hai năm. Bloomberg đưa tin, chỉ số chứng khoán VN Index sụt giảm tới mức thấp nhất kể từ tháng 07/2009.

Chợt nhớ ra bài về chứng khoán và nuôi chó Nhật viết hồi tháng 4-2007 từ lúc mới tập tọe viết báo.  Bài đăng trên VNN nhưng bị mất tiêu do VNN bị đánh phá gần đây.

Xin đăng lại hầu bạn đọc trong lúc đợi bài mới.

Câu chuyện nuôi chó Nhật hôm qua
Viết bài báo này tôi nhớ lại hơn chục năm trước đây về phong trào nuôi chó Nhật. Vợ chồng bác hàng xóm gần nhà tôi ngoại ô Hà Nội, tuy đã về hưu nhưng vẫn cần cù kiếm tiền. Có bao nhiêu tiền tiết kiệm hai bác rút hết đầu tư mở cửa hàng bán lặt vặt, lại mở thêm dịch vụ trò chơi điện tử nên cũng dư dật đồng ra đồng vào. Lúc rỗi việc tôi sang chơi, làm chục phút điện tử thư giãn, mắt không rời cô con gái út xinh xinh bán hàng.

Bẵng đi vài tuần, tôi đến chơi thấy hàng đóng cửa. Tivi và trò chơi điện tử đã bán hết, cửa đóng kín. Tôi vỡ lẽ, nhà bác chuyển sang kinh doanh chó Nhật theo phong trào với hy vọng đổi đời.

Tin vui về chuyện nuôi chó Nhật lãi lớn đã về đến làng tôi. Nhà bác mua hai “cô chó”, giá 5 triệu một “cô”, rất xinh, lông trắng muốt, mặt gẫy, đầu rẽ ngôi, đầu bảng lúc bấy giờ.

Nhớ lúc đó 5 triệu là một cây vàng và có thể mua mảnh đất 200 mét vuông ven đô với khoảng 4-5 cây vàng. Bác trai phải nhờ chuyên gia đi mua rất khó khăn mới được đôi này vừa ý. Vừa được vài hôm đã có người hỏi mua lại với giá 6,5 triệu một con, nhưng hai bác nhất quyết không bán.

Các bác còn hỏi vay tôi thêm cây vàng để mua một “cô” nữa. Cả cơ nghiệp của tôi có hơn một cây, nhưng vì nể lại đang muốn tán cô con gái út xinh đẹp nên tôi nghiến răng đồng ý, tuy trong lòng rất phân vân chỉ sợ họ lỗ nặng. Bác gái còn rủ tôi mua một con nuôi cùng “để hai bác ở nhà trông cho, cháu không phải lo gì hết”.

Thôi thì đủ các loại cao lương mỹ vị dành cho các “cô” chó. Chó uống sữa tươi Mộc châu, xơi trứng vịt lộn rồi ăn thịt bò sào chín trong khi gia chủ chỉ ăn rau muống luộc chấm mắm. Lấy giống cho chó đắt hơn cả mua vé máy bay vào Sài gòn.

Thế rồi hai “cô” đầu có thai. Dân buôn nghe tin lại đến đòi mua 10 triệu một con. Nếu bán thì đã lãi gấp hai lần trong vòng mấy tháng. Hai bác tính toán nếu để chúng đẻ con sẽ lãi gấp năm, gấp  mười, cầm trăm triệu như chơi.

Thấy “tính cua trong giỏ” lãi quá, tôi cũng phát sốt. Tuy nhiên, vốn tính “ăn non” nên  ngày nào sang chơi tôi cũng khuyên bán đi. Đơn giản là tôi sang tán cô con gái bị chó sủa ầm ỹ, cả làng biết nên ghét bọn chó Nhật, bé tý mà sủa rất to. Thỉnh thoảng cô chủ yêu chó quá nên đưa tôi bế, các “cô” chó lại cho tôi thưởng thức một “bãi nước” vào cái quần ximili diện nhất của tôi.

Nhưng rồi tin xấu về thị trường chó đang có nguy cơ “cung” cao hơn “cầu” đã đến với làng tôi. Đúng lúc ấy, hai “cô” chó lại sinh hạ cho 8 cún con xinh đẹp như trong mộng, bán cả mớ có thể đựợc hai chục triệu. Cả nhà nghe tin chó xuống giá nhờ tôi phóng xe babeta cà tàng lên phố tìm người mua chó. Nhưng ai cũng lắc đầu và khuyên “mang cho đi là vừa, bên Tầu họ không tiêu thụ nữa”.

Không nói bạn đọc cũng biết là kết quả thế nào rồi. Chỉ biết sau đó tôi không dám sang hàng xóm nữa vì cô gái út nhìn tôi là lạ như thủ phạm gây nên nạn buôn chó Nhật. Và vì bấy giờ nhà ấy có 11 con chó Nhật, tất cả đồng thanh sủa lúc tôi bấm chuông.

Câu chuyện chứng khoán hôm nay
Vào đầu tháng 2/2007, tôi đi công tác ở Jakarta, gặp mấy anh bạn từ Hà nội đến. Lâu lắm mới gặp nhau, tay bắt mặt mừng, rủ nhau đi ăn uống. Chọn một chỗ khá sang trọng, các anh ấy bảo: “Hôm nay để chúng tớ chiêu đãi Việt kiều “dởm” nhé vì bọn tớ vừa trúng chứng khoán”.

Các anh còn hỏi thăm lương bổng của tôi bên Mỹ. Tôi nói ngắn gọn ở Mỹ không ai tiết kiệm được, có bao nhiêu lương chuyển vào ngân hàng, sau đó chuyển khoản trả tiền thuê nhà và phần còn lại ra thẳng shopping mall luôn, chả thấy tờ “xanh” nào vào ví mình.

Họ cười khuyên tôi bỏ việc về Hà nội tham gia chứng khoán với các anh “lãi vô cùng tận” và “say như chơi ma túy”. Sáng sáng trong khách sạn, các anh vẫn dậy sớm vào mạng internet, mặt mũi đăm chiêu, lẩm nhẩm tính toán và thỉng thoảng lại mỉm cười một mình. Đầu năm ngoái, một anh bỏ vào chứng khoán 200 triệu nay đã là hơn một tỷ. Không ngành kinh doanh nào sánh được.

Tôi đưa tờ báo Asian Times về tin sụp đổ của thị trường Thượng Hải, một anh cười và bảo: “Việt nam mình hay lắm, chứng khoán quốc tế xuống nhưng Việt nam mình vẫn lên. Cứ mua là thắng”. Nhà nhà chứng khoán, người người cổ phiếu. Ngồi nói chuyện một lúc là quay sang chuyện lên sàn. Không làm ăn gì sao mà tiền đẻ ra lắm thế. Hôm trước mua vào, hôm sau bán ra đã có lãi. Ai cũng thắng, chưa thấy ai thua. Các cô, các bà thi nhau ra chợ chứng khoán, cười nói vui như đi xem biểu diễn ca nhạc.

Kể chuyện cho vợ tôi nghe, cô ấy trách mãi: “Năm ngoái, anh nghe em mua chứng khoán của VP Bank thì lãi to rồi. Người đâu mà chán thế, chả dám làm ăn gì lớn, nghèo là phải rồi. Mã anh chỉ biết viết bài “lá cải” cho mấy tờ báo tường thôi”. Tôi nhớ câu chuyện chó Nhật ngày xưa – không dám kể cho cô ấy nghe một phần vì sợ cô ấy hay ghen – và kinh nghiệm cho tôi biết rằng, dịch vụ làm ăn nào mà lãi lớn, lan rộng đến các bà bán hàng xén hay về đến làng quê nghĩa là sắp đến hồi kết.

Ông Robert Kiyosaki, chuyên gia kinh tế nổi tiếng chuyên viết các lời khuyên về đầu tư kể là một lần ông đến cửa hàng mua thực phẩm, thấy bà bán hàng khi thanh toán tiền xong, đưa cạc-vi-sít và nói: “Nếu ông mua nhà hãy gọi điện cho tôi”. Ông hiểu ngay là thị trường bất động sản đang có chiều hướng chững lại và giảm giá. Ông về lập tức viết bài cảnh báo các nhà đầu tư thì bị lên án và chửi bới không thương tiếc.
Nhưng chỉ gần tháng sau, dự đoán của ông rất đúng vì ông biết “người không biết gì về bất động sản mà cũng mối lái kinh doanh nhà nghĩa thị trường đó đang bão hòa”. Điều đó khá đúng với hiện trạng chứng khoán Việt Nam hiện nay.

Đã có nhiều chuyện vui buồn quanh thị trường chứng khoán trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Kinh doanh thì có người thắng kẻ thua. Đó là lẽ đương nhiên.

Nhưng kinh doanh theo phong trào thì Việt Nam ta mang yếu tố điển hình. Người tham gia không hiểu gì về “điện” cũng cứ làm: “Họ làm được, mình cũng làm được”. Tâm lý ấy giống như ta đợi đèn đỏ chỗ ngã tư. Không thấy công an đứng gác, một người phóng xe vượt ẩu, y như rằng cũng nhiều người lao theo sau và không biết như thế là sai.

Các bạn tôi chơi chứng khoán nhưng không hiểu gì về chứng khoán, không có thông tin về công ty có cổ phiếu nhưng “có người quen nên biết chính xác khi nào công ty đó lên sàn” hoặc “ông chú em làm ở ủy ban chứng khoán mà”. Theo lời kể, họ trúng liên tục. Nhưng người dân thường thì sao đây? Họ mua bán cổ phiếu theo tin đồn, không có phân tích hay luận chứng khoa học. Lên lớp học về chứng khoán, không để ý đến các bài giảng – vì thật ra rất khó với các khái niệm trừu tượng về kinh tế, chỉ có học hành nghiêm chỉnh mới có thể hiểu được – họ chỉ hỏi giáo viên “hôm nay mua gì thầy ơi”.

Câu chuyện vui về cổ phiếu sau đây khá điển hình nếu người chơi không biết thông tin hoặc không gặp may: nếu anh mua 1.000$ cổ phiếu của Nortel năm ngoái thì năm nay chỉ còn 49$. Với cổ phiếu của Enron thì giá chỉ còn 16$ và WorldCom từ 1.000$ giá trị nay chỉ còn 5$. Tuy nhiên, nếu bạn mua 1.000$ tiền bia Heineken và uống thỏa thích cả năm và chỉ cần trả đủ vỏ bia, nhà phân phối sẽ thối lại cho bạn 214$.

Bạn chơi cổ phiếu nên tính là uống bia và trả lại vỏ hay đi mua cổ phiếu đây? Lời khuyên chân thành là hãy mua sách, đến lớp học, nghiên cứu kỹ về quy luật thị trường, thông tin về giá trị cổ phiếu và chứng khoán trước khi bắt tay vào mua bán cổ phiếu. Nếu không hiểu lắm nên để tiền đi uống bia tốt hơn.

Câu chuyện buôn chó Nhật của mười lăm năm trước và phương cách dân ta kinh doanh chứng khoán hôm nay, tôi thấy na ná giống nhau. Những người có hiểu  biết và đầu tư bài bản, tôi tin họ sẽ thắng nhưng không lọai trừ có kẻ thua.

Tôi chỉ lo nhất cho những người nghèo, nhất là các bác về hưu hay cán bộ với đồng lương còm cõi. Nếu họ dồn tất cả vốn liếng vào buôn chứng khoán mà không có hiểu biết thì thảm họa sẽ rơi trên đầu. Giống như người ta vượt đèn đỏ không sao, nhưng mình chỉ cần lấn vạch cũng bị đưa vào đồn công an. Mấy hôm nay thị trường chứng khoán Việt Nam ảm đạm, khi bài báo này lên khung chắc cũng có người khóc mếu rồi.
Bây giờ thỉnh thoảng về làng, tôi rón rén đi qua nhà bác hàng xóm nuôi chó Nhật ngày xưa. Nhớ chuyện cũ và cố khuyên bảo vợ mỗi khi nàng nổi cơn buôn cổ phiếu: “Để anh viết bài báo về chứng khoán, may ra tòa soạn đăng và trả nhuận bút, sẽ tặng em đi mua cổ phiếu FPT”…

 Hiệu Minh (Washington DC, 4-2007)


BLOG MANH QUÂN


Đầu năm đến nay, có bao nhiêu cái chết đau đớn bởi cái thói vô trách nhiệm. Có những cái chết tức tưởi bởi thói vô trách nhiệm của người có chức quyền, có những cái chết khốn khổ bởi chính sự vô tâm, thiếu trách nhiệm của chính người gặp nạn.


Vụ chìm tàu ở vịnh Hạ Long làm chết 12 người, trong đó có chục chú tây ba lô mấy tháng trước có cả sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chức trách về quản lý tàu thuyền ở vịnh Hạ Long, của cơ quan quản lý du lịch: sao để cho một công ty du lịch (AZ Queen) kinh doanh lữ hành quốc tế trái phép?,  hướng dẫn viên thì không có thẻ, tàu ra khơi thì không có cái áo phao nào, chủ tàu thì vô trách nhiệm đến tệ hại khi  không đóng van để nước chảy vào trong thuyền, bỏ trực... Sau vụ đắm làm chết bao người như thế, người ta mới đi kiểm tra mà phát hiện ra còn gần 40 tàu du lịch khác lúc nào cũng có khả năng đắm vì những lỗi đại loại như: các vách chắn thủy chưa kín, hệ thống bơm cứu đắm, cứu hỏa  không đạt yêu cầu... Thế thì nếu không có vụ đắm trên, một lúc nào đó một vụ đắm tương tự, có thể gây chết người nhiều hơn, hoặc ít hơn hoàn toàn có thể xảy ra. Thế mà đến giờ, cũng không có chắc là tình trạng trên đã được chấn chỉnh.

Mấy hôm nay thì bà con khắp nơi, kể cả ở cơ quan mình cũng thấy rên rỉ, xót thương cho số phận của 16 người, trong đó chủ yếu là những người trong cùng một gia đình, dòng họ chết đuối tức tưởi theo con tàu Dìn Ký. Cái thói vô trách nhiệm đến rợn người lại thấy ở đây khi người ta phát hiện được ngay ra là con tàu hết hạn kiểm định, khu vực bến tàu lại  không có giấy phép hoạt động. Với những lỗi như thế, mà không được tổng kiểm tra, chấn chỉnh nghiêm ngặt, được một thời gian, mọi thứ sẽ lại đâu vào đấy. Rồi thì các vụ tương tự như dàu Dìn Ký, như con tàu du lịch Vịnh Hạ Long lại cứ liên tiếp xảy ra. Mạng người cứ như là cỏ rác.

Mà chẳng cứ mấy cái vụ đắm tàu, ở đâu cũng thế, hoạt động nào cũng thế. Trong vô vàn các vụ tai nạn giao thông làm chết gần 13-14 ngàn người một năm, có biết bao nhiêu vụ là do cái thói vô trách nhiệm của tài xế cứ liều băng qua đường sắt, của chính sự liều lĩnh của bao người tham gia giao thông? Rồi trong lĩnh vực y tế, xây dựng, môi trường... đâu đâu cũng thấy sự hiện hữu của thói vô trách nhiệm đến cùng cực. Thỉnh thoảng thì lại thấy một vụ người chết vì dây điện thả rơi giữa đường, vài tháng lại nghe có vụ trẻ em rơi vào hố ga quên đậy nắp... mà sau cũng không thấy ai bị xử lý, chí ít là cách chức, đuổi việc. Người ta biết chắc mất rừng thì có lũ lớn, có thể làm chết hàng ngàn, vạn người, thổi bay biết bao nhà cửa, ruộng vườn ở hạ lưu nhưng người ta vẫn cứ phá rừng làm mấy cái thuỷ điện be bé, người dân ngay chính vùng đó vẫn hàng ngày vào cưa, chặt cây cối, đốt cả khu rừng để kiếm một khoảnh trồng cái gì đấy. Thế nên nói, chẳng có mấy lĩnh vực nào mà ở đó mọi việc người ta làm có quy chuẩn, có trách nhiệm cao, thậm chí có quy chuẩn thì coi như chẳng có nên cái gì cũng vô cùng tệ hại: môi trường ô nhiễm mọi nơi; thực phẩm ăn gì cũng nơm nớp lo ngộ độc, nền giáo dục nghèo nàn, tệ hại... chẳng cái gì ra cái gì hết.

Có ai đó đã từng nói: cái thói vô trách nhiệm  là căn bệnh đã thâm căn cố đế trong tính cách người Việt  nói chung?  Và cái thói vô trách nhiệm ấy lại càng nặng nề trong một xã hội luật pháp, việc thực thi luật pháp, trách nhiệm người thực thi, giám sát luật pháp... cũng không ra gì. Có đúng không nhỉ ?- Nếu như những người lãnh đạo trong một bộ máy mà có đạo đức, có trách nhiệm cao nhất thì tự khắc họ sẽ thay đổi được thói quen của dân chúng chứ? Nếu đổ cho dân chúng tất thảy đều vô trách nhiệm chẳng phải cũng vô lý lắm hay sao?

Mà cái đang làm mình mơ hồ khiếp sợ hơn nữa là những công trình to lớn mà nhà nước đã, đang  và sẽ đổ hàng núi tiền  ra để làm. Mấy cái hồ chứa bùn bauxite ở Tây Nguyên có chắc sẽ không thể vỡ một khi có động đất, thiên tai, mưa bão lớn không ?. Người ta nói đủ các kiểu để trấn an nhưng mà tớ thì tớ không dám chắc đâu nha. Chẳng có cái zề là tuyệt đối cả, huống hồ mấy cái công trình có mấy thằng tàu khựa tham gia. Rồi thì các đập thuỷ điện lớn như Hoà Bình, Sơn La, có anh mấy anh tiến sĩ khoa học về địa chất nói rằng: lo lắm vì cái đập có phải bê tông 100% như các nước đâu mà có công trình thực chất vẫn là đập đất đấy. Cho nên mỗi lần đọc báo, nghe tin có động đất vùng đó lại thấy một nỗi lo mơ hồ, khủng khiếp.

Rồi các công trình nhà máy điện hột nhưn Ninh Thuận ? Ở Nhật Bản, trình độ công nghệ, quản lý công nghệ của nó thuộc loại nhất rồi mà đến khi có thảm hoạ, người ta cũng vỡ lẽ ra là những người Nhật tưởng chừng rất khoa học, trách nhiệm với chất lượng công trình, sản phẩm một cách ngặt nghèo... hoá ra cũng vẫn chưa thực sự trách nhiệm lắm. Chính phủ Nhật chẳng phải đã nhận trách nhiệm là chọn chiến lược đầu tư năng lượng điện hạt nhân là sai đó ru ? Thủ tướng còn từ chối nhận lương những tháng này. Thế thì ở Việt Nam, khi trình độ công nghệ, khả năng nắm bắt, quản lý công nghệ thua xa người Nhật không biết là bao nhiêu mà vẫn tiếp tục lao vào đầu tư cho các công trình ấy thì cái nỗi lo tái diễn đại thảm hoạ ở Nhật tưởng phải ghê gớm lắm ?. Nhưng kỳ thực, qua quan sát trên cả báo chí, ngoài đời thì dường như chẳng thấy gì. Chưa thấy một hội thảo, một cuộc họp bàn nghiêm túc, đáng kể nào về việc có nên tiếp tục đầu tư điện Hạt Nhân Ninh Thuận sau thảm hoạ hạt nhân ở Nhật hay chí ít cũng là bàn rút kinh nghiệm, học hỏi thế nào?

Thế cho nên khi xem, đọc mấy vụ chết người hàng loạt, tang tóc ngập tràn như ở vụ chìm tàu Dìn Ký, chìm tàu Hạ Long muốn chảy nước mắt ra thật nhưng nhìn rộng ra, xa hơn, lại càng thấy khiếp sợ. Cái thói vô trách nhiệm ngút trời ấy mà chẳng thể thay đổi được thì nào chỉ có những vụ chết mươi, mười lăm người đó là thôi đâu ? Rồi đây có thể còn có những vụ chết hàng ngàn, vạn người lắm ấy chứ, không phải lo hão ! Cho nên, có nhiều người nước ngoài khi về nước, hỏi điều gì nhớ mãi về Việt Nam, họ hay nói: cứ mỗi ngày ở VN -cái xứ coi mạng người nhưu cỏ rác ấy qua đi mà vẫn thấy sống khoẻ là đã cảm thấy may mắn lắm, về được đến nhà là cả niềm hạnh phúc. Ấy là họ cũng không phải là nói chơi đâu vậy.


BLOG BÚT LÔNG


1. Gần như là đều đặn vào mỗi tuần, độc giả của các trang báo mạng lại được một lần xôn xao vì các clip sex. Dĩ nhiên, đó là các clip sex của những cặp đôi yêu nhau vừa ân ái mặn nồng vừa dùng điện thoại, máy chụp ảnh tự động có chức năng quay phim… để cùng ghi lại khoảnh khắc mà lý ra không nên để nhiều người cùng xem ấy, làm kỷ niệm. Cũng có thể, họ bị quay lén trong một nhà nghỉ, phòng trọ hoặc góc khuất nào đó tại công viên, bãi giữ xe, trên phố vắng…

Như một kịch bản có lớp lang, những clip ấy vào một sáng đẹp trời hoặc một tối mưa dầm não nề nào đó, xuất hiện trên các website.

Website lưu trữ những đoạn clip được gọi là clip sex, dĩ nhiên không phải là những website đàng hoàng. Nói theo kiểu cửa miệng của cộng đồng mạng, thì đó là những trang web sex hoặc web đồi trụy.


Thói thường, những website như vậy luôn kích thích trí tò mò của cư dân mạng. Mấy ai biết về Internet mà chưa một lần vào trang tìm kiếm google gõ từ khóa "sex" để tìm một chút kích thích thị giác.

Nhưng, dường như những đoạn clip sex được các diễn viên của nền công nghiệp giải trí thuần tính phồn thực không đủ thỏa mãn trí tò mò cho người xem. Họ không thích xem những clip sex không rõ tên diễn viên, không biết về nhân vật… Vậy là họ rình rập một cách đầy mưu toan những đoạn clip được cho là của nữ sinh Việt, của sinh viên đại học này, cao đẳng kia.

Những đoạn clip được quay với chất lượng cực kém, màu sắc lẫn hình ảnh đều rất tệ. Nhưng dường như không sao, vấn đề chính là những clip ấy được đóng dấu "cây nhà là vườn".

Sau khi xem xong các clip ấy, họ sẽ làm gì (?!).

2. Giới công chức, nhân viên văn phòng xem xong một clip sex tự quay hoặc bị quay lén của một cặp đôi nào đó sẽ quay sang bàn tán và chuyển đường link trang web cho nhau cùng xem.

Những tín đồ của các forum trên mạng sẽ nhanh chóng copy lại đường link để chuyển lên trang web mà mình đang là thành viên.

Một ít vội vã lấy đoạn clip sex ấy từ trên mạng xuống, chép vào ổ lưu trữ trong máy tính để xem nhiều lần cho… thuần thục.

Có vài kẻ chép sang điện thoại di động để xem khi rảnh rỗi.

Hiếm hoi hơn, dăm ba người sau khi xem xong clip họ bắt đầu… viết báo.

Họ viết rất hăng, viết như mình đang là một cây bút nhiệt huyết xông pha ngoài trận tuyến trong cuộc chiến bảo vệ thuần phong mỹ tục, lưu giữ nền văn hóa rực rỡ Á Đông.

Họ sử dụng những ngôn từ cao vời vợi so với nội dung của clip sex mà họ vừa xem xong, họ gọi đó là sự băng hoại về đạo đức của giới trẻ, sự xuống cấp về tinh thần, thói ăn chơi trác táng… Họ vội vã đi phỏng vấn những tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý học, chuyên viên tư vấn tình yêu hôn nhân và gia đình để cố tìm ra nguyên nhân: "Vì sao giới trẻ lại trụy lạc đến mức vừa yêu nhau vừa quay clip?".

Chính họ loan tin về những clip sex của giới trẻ rồi chính họ tỏ ra lo lắng cho đạo đức đang bị xuống cấp (?!)

Không dừng lại ở đó, họ nháo nhào yêu cầu ngành giáo dục của địa phương này phải chịu trách nhiệm, của thành phố kia phải vào cuộc. Họ xắn quần, mang công lệnh, vác theo máy ảnh, chuẩn bị máy ghi âm, kè kè sổ ghi chép để…. nhào vào tận nhà của nhân vật nam hoặc nữ chính trong đoạn clip sex mà họ đã xem đến mỏi mắt trên một trang website để chất vấn rằng: "Tại sao bạn lại đi quay đoạn phim ấy?".

Mà tình thật thì trong trạng thái hoang mang của người bị lộ chuyện phía sau cánh cửa phòng ngủ, có nhân vật nào đủ tỉnh táo để từ chối những câu hỏi, theo quan điểm của tôi, là trơ trẽn. Nếu như không muốn nói là vô văn hóa.

3. Một phóng viên giỏi, sẽ đánh hơi được đề tài thu hút người đọc. Nếu phóng viên không thể đánh hơi, người làm nội dung của tòa soạn mà họ đang công tác sẽ làm giúp họ chuyện đó. Nhưng, đánh hơi để thu hút người đọc và sẽ thu hút bằng cách nào lại là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Sự phát triển như vũ bão của các trang báo mạng khiến người làm nội dung của những trang báo ấy cuống cuồng tìm cách tăng lượng truy cập của người xem bằng mọi cách.

Họ đặt tít giật gân, chưa đủ. Họ đưa tin vụ án diễm tình hoa lệ, tàn ác man rợ, vô nhân phi tính…, chưa xong. Họ đưa tiếp về chuyện trang này núp bóng làm báo, trang kia sỉ nhục đồng nghiệp, chưa đã. Họ lại bàn về, "sao" này hở ngực, "sao" kia không mặc… đồ lót, vẫn chưa đủ "đô".

Vậy là họ tung tuyệt chiêu cuối cùng bằng cách… loan tin về clip sex.

Họ dư sức biết cách kích thích tối đa trí tò mò của người đọc dễ tính. Và họ làm hết sức mình để… thỏa mãn sự tò mò dễ dãi ấy.

Họ không quan tâm đến chuyện, hàng triệu người sẽ truy cập vào cái clip sex vốn dĩ im ắng, không "vang danh" trước khi được họ tự "xôn xao" trên trang báo mạng của họ.

Tiền nhân gọi đây là chuyện "vừa ăn cướp, vừa la làng".

Họ câu lượng người truy cập người xem bằng sự hổ thẹn của một cặp đôi trong lúc bốc đồng. Họ miệng nói cần cứu lấy giới trẻ, trong lúc hai tay đang lăm lăm hung khí, tư duy đã sẵn sàng để tấn công vào cuộc sống riêng tư của đối tượng mà chính họ giành trách nhiệm giải cứu…

Chính họ khiến giới trẻ không biết rúc mặt vào đâu, rồi họ lại lôi giới trẻ ra, chỉ vào mặt giới trẻ và bảo: "Này, bảo cho mà biết, đừng quay những clip sex như vậy nữa, nghe chưa! Như thế là không tốt…".

Duy có điều, sau cánh cửa phòng ngủ là một thế giới khác. Một đôi yêu nhau có quyền làm mọi thứ, nếu cả hai đều đồng ý. Thi thoảng, họ cũng "nóng đầu" trong cơn hưng phấn để làm chuyện này chuyện kia mà bất chấp hậu quả…

Cái hậu quả lớn nhất mà họ phải trả giá chính là việc họ quên đề  phòng những "phóng viên" chuyên đắm chìm vào các trang web sex để tìm clip sex tự quay của giới trẻ Việt. Sau đó, "phóng viên" vừa xem thích mắt vừa viết báo để… kiếm nhuận bút (?!).
Nói tếu táo là "Được cả chì lẫn chài".

Mà sao dẫu có ý đợi mãi, nhưng vẫn chưa thấy cặp đôi nào dũng cảm dắt tay nhau đi kiện thử một lần trước các thông tin được xếp vào hàng tiểu nhân mà lại ảo tưởng mình… hảo hán ấy, nhỉ(?!)

BLOG BUI TIN