Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011
Ghé thăm các blogs: 27?04/2011
BLOG TRẦN KỲ TRUNG
Xác voi bị chém chết ở Đà Lạt
Tin con voi đực Beckham 38 tuổi, có ngà, đang khỏe mạnh, ở Đà Lạt bị những kẻ thất nhân tâm dùng dao chém nhiều nhát vào lưng, mông, đầu... để dẫn đến cái chết đau đớn, đang gây bức xúc trong dư luận.
Tôi nhìn ảnh chụp lại những vết chém trên xác con voi này mà thấy đau đớn quá! Nào nó có tội tình gì, nó hiền lành thế kia, nó đang mang lại niềm vui cho con người mà nỡ nào... những kẻ lòng dạ ác thú lại xuống tay.
Chúng nó là thú chứ không phải là người!
Những kẻ gây ác, có lẽ chỉ có thể dùng từ đó là chính xác.
Nghĩ thế rồi lại giật mình.
Nhìn cảnh con vật bị hành hạ còn bức bối như thế, vậy những hình ảnh cứ hàng ngày báo chí đề cập đến thì sao?
Một thằng dáng thư sinh, có học dám đâm chết người hắn không yêu được bằng hàng chục nhát dao giữa thanh thiên, bạch nhật!
Lại một thằng khác, cũng có học, dám chặt người yêu cũ ra mấy mảnh, vứt mỗi mảnh một nơi...
Rồi cả chuyện, thằng con quá căm thù bố vì ông bố có tật nát rượu, hành hạ vợ, con... bất chấp đạo lý, thằng con chém bố cho đến chết, để rồi ra tòa lĩnh án...
Để trả thù chồng ngoại tình, vợ dám đóng đinh vào đầu của một đứa trẻ, con riêng của chồng.
Kinh hãi một chuyện, để trốn nợ, thằng này giết cả hai chị em người chủ nợ, bỏ vào thùng xốp, vứt dọc đường...
....
Đó là những chuyện dã man, nhưng không dã man bằng những chuyện sau:
Không đội mũ bảo hiểm, cũng bị đánh đến chết.
Mới nghi ăn trộm, cũng bị đánh chết, gia đình đến nhận lại xác, thì được báo “chết do tự tử”.
Đứa trẻ chạy đi xem người lớn nói chuyện với nhau về chuyện đất cát, cũng bị xơi ngay một phát đạn vào người... người bắn đứa trẻ không biết xử lý như thế nào?
Thế vẫn không kinh khủng bằng chuyện:
Nhà, đất của người ta đương yên, đương lành, cho một phát “quy hoạch”, được đề bù một ít tiền. Số tiền đủ lắm xây lại ngôi nhà, sắm thêm ít tiện nghi... thế là hết. Cả gia đình không biết lấy gì mà ăn, thất học... từ đấy mầm mống sinh ra tội ác, nhiều tội ác còn lớn gấp hàng chục lần tội ác đã điểm ở trên.
Tiền đóng thuế là của dân, lợi dụng chức quyền để tham ô, tham ô khủng khiếp, có tiền tha hồ ăn chơi, xây dựng biện thự, trang trại, cho con đi học nước ngoài... khoảng cách giàu nghèo gia tăng, ngày càng lớn. Nhiều kẻ thất học, cộng với nghèo, dốt đi đến chuyện liều mạng, bất chấp luật pháp, gây nên những vụ giết người kinh hoàng như giết xe ôm, giết cả nhà cướp vàng, giết lái xe tắc xi...
Luật pháp không nghiêm, những kẻ “Quyền cao, chức trọng” rút ruột nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, quá lắm là “phê bình”, “cảnh cáo” , “về hưu” còn người dân “đói ăn vụng, túng làm liều” chỉ ăn cắp vặt, tù mục xương... Nỗi căm thù cứ như vậy, chất chứa, đầy nguy cơ tiềm ẩn bùng phát những cuộc bạo lực giết người!
Nghĩ như thế, thì chuyện con voi bị giết ở Đà Lạt nào đã thấm tháp gì!
Thương nhất là mạng người Việt Nam hiện nay, nhất là những người nghèo khổ.
An toàn, có sức khỏe, ổn định kinh tế, tinh thần thỏa mái...
Chỉ thế thôi! Mà sao khó lắm thay.
BLOG ĐINH TẤN LỰC
“Quyền lực có thể tạm ém sự thật. Nhưng mà quyền lực thì có lúc lụi tàn, trong khi sự thật vẫn y nguyên và trước sau gì cũng sẽ hiển lộ”.
- Giám quan Thư Long Kỳ, trong bộ phim truyền hình dã sử cổ trang Hàn quốc Dong-Yi.
Báo QĐND, với tiêu chí “vì nhân dân phục vụ…”, hiện dồn sức đẩy mạnh chiến dịch phòng thủ be bờ với bài chính luận lộ hàng hoành tráng chưa từng thấy, nhân dịp lễ Phục Sinh năm nay: Chống “Diễn biến hòa bình” – Nhiệm vụ quan trọng.
Bài báo khẳng định rằng khái niệm diễn biến hòa bình dứt khoát “không phải là con ngáo ộp”, mà là sản phẩm thần kỳ của G.Kaiman, một tay “chiến lược gia xuất sắc nhất của Hoa Kỳ (thời kỳ sau chiến tranh thế giới thứ hai)”, với chủ trương thay thế vũ lực bằng nỗ lực đấu tranh ôn hòa làm “thay đổi tính chất chính quyền nhà nước XHCN”.
Nội dung bài chính luận này còn cực lực lên án ý niệm cốt lõi trong quyển “1999-chiến thắng không cần đến chiến tranh” của tác giả R.Ních-xơn (tức cựu TT Mỹ Richard Nixon), trích nguyên văn: “Rốt cuộc sự cạnh tranh giữa các hệ thống xã hội cuối cùng, cái có tác dụng quyết định đối với lịch sử là tư tưởng chứ không phải vũ khí”.
Lịch sử thế giới cận đại đã và còn đang minh chứng rằng hai ý niệm (bị báo QĐND đồng thời vừa lên án vừa xiển dương) nói trên là đúng và cực kỳ…lợi hại, suốt già nửa thế kỷ qua, ngay trong hiện tại, và còn rất cao xác suất giữ nguyên giá trị trong những năm dài trước mặt. Khởi từ các cuộc cách mạng nhung/cách mạng màu làm thay đổi bản đồ châu Âu… cho tới các vụ tập họp trên đường phố làm nóng cả Trung Đông cùng Bắc Phi hồi đầu năm nay và hiện còn tiếp diễn.
Bức tường Quốc-Cộng ở Bá Linh đã bị kéo sập từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước.
Bức tường Sợ Hãi các chế độ độc tài ở khắp nơi hiện đang lần lượt đổ, và tiếp tục tạo dư chấn làm rung chuyển nhiều khu vực khác. Bất luận là cộng sản hay không cộng sản. Bất luận là đã phát triển, đang phát triển, hay còn thuộc thế giới thứ ba. Bất luận là đang ngồi, đang ngáp hay đang ngáy trong phiên gác canh chừng nền hòa bình thế giới. Bất luận là cương thổ còn nguyên hay đã mất dần biển đảo…
Hệ quả của chuỗi chấn động rung chuyển đó, ở đây, hiển thị qua loạt bài chính luận dồn dập và hoảng loạn như trống hộ đê của tờ QĐND, chính là hợp âm sự chuyển dịch tất yếu của Nỗi Sợ, từ nhân dân sang nhà nước VN.
So với các trường hợp tiền lệ của các bạn Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Quốc Quân, Điếu Cày, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long v.v… thì, các phiên tòa sơ thẩm cùng hai bản án tiền chế gần đây dành cho các bạn Vi Đức Hồi và Cù Huy Hà Vũ là những nấc thang đỉnh điểm Sợ Hãi của nhà nước CSVN.
Nói theo vị giám quan họ Thư ở thời hoàng cung dậy sóng vào cuối thế kỷ 17 của Hàn quốc, các bản án tiền chế này có thể giữ chân những người xiển dương Sự Thật một thời gian hữu hạn nào đó trong bốn bức tường của nhà tù nhỏ, nhưng nhất định là không tài thánh nào giam được chính Sự Thật, hay ngăn được sức lan tỏa của Sự Thật đã thấm đẫm lòng dân cả nước.
Ngoài độ tuổi trung niên sung mãn ý chí, tri thức và nghị lực, những vị thức giả dũng cảm gióng tiếng cho Sự Thật đó còn có những điểm chung nào khác đã dồn hoàng cung Ba Đình ngày nay vào cơn khủng hoảng tâm thần?
Họ không ấp úng nhân danh lòng yêu nước. Họ công khai hiển thị hành động yêu nước.
Họ nghi ngờ cây thước đo công/tội cận đại. Họ phân ranh rõ ràng lợi/hại cho đất nước.
Họ gác qua bên cái biểu đồ thương/ghét. Họ phân định rạch ròi mọi việc đúng/sai.
Họ chẳng cần núp bóng các thần tượng một thời. Họ cất cao tiếng nói của Lương Tâm.
Họ bước qua mọi ngăn kệ toàn tập. Họ rọi đèn và vinh danh Sự Thật.
Họ cất đi những khuôn đúc giáo điều. Họ yêu cầu thực thi Công Lý.
Họ trân trọng tài nguyên đất nước. Họ phanh phui các âm mưu xà xẻo.
Họ khát khao một xã hội nhân bản. Họ phủ nhận mớ quyền lực tham/ngu.
Họ hết lòng yêu quý đất nước. Họ nhất mực đòi giữ biển đảo quê hương.
Họ hiểu rõ nguy cơ bùn đỏ. Họ phản biện chủ trương khoán đất Tây Nguyên.
Họ phản đối cho thuê rừng đầu nguồn.
Họ vạch trần âm mưu dâng hiến cương thổ cho ngoại bang.
Họ quyết tâm ngăn chận hiểm họa Bắc Thuộc.
Họ tạm quên ấm êm và bất chấp ngục tù.
Họ cất công xây dựng bệ phóng cho đất nước cất cánh.
Họ rèn luyện cho nhau kỹ năng đấu tranh bất bạo động.
Họ đã điểm vào tử huyệt của độc tài.
Nixon nói chí phải: “Cuối cùng, cái có tác dụng quyết định đối với lịch sử là tư tưởng chứ không phải vũ khí”.
Cù Huy Hà Vũ và Vi Đức Hồi chưa hẳn đã từng gặp mặt nhau, nhưng đã giao thoa tư tưởng, và hiện đang cùng đối mặt với một hệ thống bạo lực tự nó biết rất rõ là đã bị cắt cùn móng vuốt.
Rõ ràng, vận nước “tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt thời nào cũng có”.
Điểm đáng hãi là ở thời này, chính nghĩa dân chủ ngày một sáng, hào kiệt hiển lộ ngày một đông, quan trọng hơn nữa, lại được quần chúng nhân dân hết lòng hỗ trợ.
Họ không nhẫn nha chờ đọc lịch sử. Họ đang sát cánh làm lịch sử.
Không hãi mà được à?
Người ta đo lường độ cùn của bạo lực và độ hãi của nhà nước bằng chính sức nặng của các bản án tiền chế.
Giờ này có lẽ các ngả tư đường và vỉa hè quanh tòa án đã đặc nghẹt công an. Phiên phúc thẩm của bạn Vi Đức Hồi đang sắp bắt đầu…
26-4-2011
Blogger Đinh Tấn Lực
BLOG NGƯỜI BUÔN GIÓ
Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 66. Đầu mùa hạ khí trời mát mẻ lạ thường.
Năm ấy vật giá leo thang vùn vụt, người dân chưa hết ngỡ ngàng vì thứ này lên giá đã phải giật mình với thứ khác.
Ở hồ Lục giữa kinh kỳ, có một con rùa sống mấy trăm năm, bỗng nhiên nổi lên liên tiếp, toàn thân tróc lở, nhất là phần mai loét hết. Có kẻ rành thuật bói toán nhìn mai rùa phán rằng.
- Mai là nơi cốt tử của rùa, còn là cái nóc cao nhất như mái nhà. Vật thiêng mấy trăm năm ấy nổi lên, mai loét cả thế kia, ấy là điềm nhà dột từ nóc, bệnh này không chữa nổi.
Triều đình nghe thấy, vội vã cho người quây bắt lấy rùa mà chăm sóc. Rùa lành rất nhanh như có phép màu, có kẻ nói rằng có khi đó là con rùa khác thay thế mới nhanh được như vậy.
Bấy giờ thiên hạ lắm sự đảo điên, bỗng dưng nhiều kẻ tuổi đã thất thập cổ lai hy lại sính ra bệnh thích quan hệ loan phượng với trẻ con. Vùng nào cũng có, từ quan chức đầu tỉnh, đầu ngành đến các cụ phụ lão về hưu cũng đua nhau săn tìm trẻ con để giao cấu.
Các quan công sai triều đình tự nhiên trở chứng đồng loạt mắc bệnh thích đánh chết người, cứ gặp việc là tay dao, tay thước, cung nỏ thẳng thừng xuống đầu dân đen. Đến nỗi việc dân đến huyện đường bị đánh chết, hay trẻ em bị bắt cưỡng dâm nhiều đến nỗi thiên hạ nghe thấy mà dửng dưng.
Triều đình thấy sự thế nhiễu loạn, mới quyết sách đem tiên đế ra làm tấm gương cho thiên hạ học tập. Ngõ hầu nhờ đó mà thiên hạ bớt tính hoang dâm, tàn bạo. Nhiều tiền của bỏ ra để phát động phong trào học tập tấm gương tiên đế. Thế nhưng đằng đẵng mấy năm, tình hình xã hội chả khá lên tí nào, thậm chí lại còn đổ đốn hơn cả trước. Quan lại triều đình vò đầu, bứt tai không hiểu tại sao.
Có quan luận rằng.
- Có lẽ tại cuộc học tập này chưa gắn với liền với thiết thực cho lên bà con nhân dân mới không gắng học theo, chứ tiên đế ta anh minh, đạo đức ngời ngời, lẽ nào mười phần dân chúng không thấm nhuần được một , hai phần. Được thế là may lắm rồi.
Các quan bí quá, thấy có lời nói vậy như chết đuối vớ phải cọc, ai cũng nhao nhao cho rằng thiên hạ chưa thấy cái thiết thực do học tập tấm gương tiên đế mới vậy mà thôi.
Triều đình lại lập cho một ban, chuyên trách tìm việc gì thiết thực để gắn cho cuộc học tập tấm gương tiên đế.
Lúc ấy một số quan lại địa phương hùa với bọn nhà giàu, làm kế sách chiếm đất của dân. Nhân dân uất lắm mới kéo nhau lên kinh kỳ để kiện, khi đi họ mang theo di ảnh tiên đế, lập bàn thờ, có nơi công kênh kiệu cả di ảnh tiên đế đi hàng đoàn. Đơn kiện tới tấp gửi lên triều đình. Quan trên đang thẩm đơn, đòi kẻ thuộc cấp lên để thẩm vấn. Kẻ ấy mang vàng đút lót cho thư lại xin giúp. Thư lại nói rằng
- Giờ chỉ có cách này mới cứu được ông, muốn xuôi xin thêm vài trăm lượng nữa, kế ấy thế này, thế này....
Kẻ kia nghe xong vỗ đùi
- Thật là cao kiến, mỗ xin vâng lời quan anh.
Mấy hôm sau thiết triều, đến chuyện đất đai dân khiếu kiện bị lôi ra bàn. Quan trên mới nói.
- Chuyện đất đai của nhân dân là chuyện nhỏ, quan huyện xứ Đoài tuy phạm tội nhỏ nhưng lại có công lớn mà chúng ta phải sáng suốt nhìn nhận khách quan nhiều chiều mới thấy rõ, là công trạng của quan huyện X rất có giá trị trong thời buổi này, thời mà đạo đức khắp nơi xuống cấp trầm trọng như hiện nay.
Các quan trong triều mới lao xao hỏi công trạng gì vậy.
Quan kia e hèm rồi nói.
- Đó là quan huyện xứ Đoài đã vận động được dân chúng hăng hái tự giác tôn kính tiên đế, chả phải là dân xứ ấy lập ban thờ tiên đế, người người mang di ảnh của người một cách thành kính hay sao. Họ đòi đất là chuyện nhỏ, cái lớn là dân xứ ấy muốn nêu cao tấm gương tôn kính tiên đế cho thiên hạ noi theo là chính...
Triều đình nghe thấy ai cũng hài lòng.
Quan huyện xứ Đoài vì thế bỗng nhiên lại được cất nhắc lên trên tỉnh vì có công lớn trong cuộc vận động hình ảnh tiên đế trong nhân dân. Mặc kệ đơn kiện thưa tới tấp, quan lên trên rồi, dân cũng chả còn biết kiện ai, ai nấy đều lặng lẽ về nhà lo kiếm miếng cơm. Di ảnh tiên đế mang về nhà không biết làm gì, đành treo lên trên tường đợi khi nào có dịp tốt lại mang đi kiện.
Thế là tự dưng xứ Đoài lại là điểm nổi bật trong cuộc học tập tấm gương tiên đế, các quan lại xứ khác cử người về học hỏi mô hình kinh nghiệm để phát động rộng rãi khắp nơi.
BLOG QUÊ CHOA
Hôm qua Thanh Chung email, nói bọ có hút xì gà không, em vừa đi Cu Ba về. Tự nhiên lại ngồi nghĩ ngợi về Cu Ba.
Nói thiệt lâu ni tui không mấy để ý đến Cu Ba, đại hội Đảng của họ lại càng không. Thấy Đại hội 6 lần này nhiều người quan tâm, tui cũng thấy hơi là lạ. Một vài người email cho tui, nói bọ ơi, Đại hội Đảng Cu Ba lần này không thấy có hai cụ Các Mác- Lê Nin nữa. Xem lại ảnh thấy lạ quá, điềm gì chăng?
Mò sang nhà bác Trần Nhương thấy bác ấy thậm thà thậm thụt khen như ri: “Trên lễ đài nơi diễn ra Đại hội Đảng cộng sản Cu Ba lần thứ 6 mà tôi cóp về đây thật độc đáo và không hề theo thông lệ của các đảng cộng sản. Thật đẹp lá cở của đất nước Cu Ba tung bay giữa con số 6. Thật giản dị không phô trương hình thức loè loẹt. Về cương lĩnh những người cộng sản Cu Ba cập nhật mô hình những nền kinh tế tiên tiến, xóa bỏ bao cấp, người đứng đầu không làm quá 2 nhiệm kì… Hi vọng những đổi mới sẽ đưa đất nước Cu Ba sẽ tiến lên…”
Tui cũng mừng như bác Trần Nhương nhưng nghĩ lại, mấy Đại hội Đảng trước mình không để ý, nỏ biết người ta có treo ảnh hai cụ lên không. Biết đâu xưa nay trình bày phông nền của Cu Ba là vậy, chứ nỏ đổi mới đổi méo chi mô.
Lại mò sang sang nhà Văn Công Hùng, ông ni không khen mà lại rên. Ông sợ vợ rên được như ri thật đáng mừng, vừa mừng vừa phục: “Là nói cái cảnh vỗ tay kéo dài không dứt ở đại hội Đảng cộng sản Cu Ba, hôm qua. Phải đến mấy chục năm mới thấy lại cảnh vỗ tay sùng bái như thế.
Thực ra tất cả mọi người đều biết cuộc chuyển giao quyền lực giữa ông anh già ơi là già Phi Đen sang ông em cũng đã rất già Ra Un được chuẩn bị từ rất lâu rồi, và thực tế thì Ra Un đã điều hành đất nước mấy năm nay. Cuộc chuyển giao này gọi là chính thức công khai thôi. Thế mà cả ngàn người dự đại hội miệt mài hân hoan sung sướng xúc động vỗ tay chúc mừng cứ như là mới đột ngột biết từ sau bỏ phiếu. Diễn đến thế là cùng. Phim truyền hình giờ vàng VN cứ gọi là cụ!
Nhân đấy lại nhớ thời phong kiến thối nát Việt Nam, chúng ta cực lực lên án chế độ cha truyền con nối, ca dao cũng chả vừa: Con vua thì lại làm vua/ con sãi ở chùa lại quét lá đa/ bao giờ dân nổi can qua… hồi mình đi học thi thoảng lại có cái đề văn bắt phân tích câu này, lại tố cáo, phê phán, lại thối nát, sa đoạ…
Giờ hết phong kiến rồi mà Triều Tiên thì cha truyền, thậm chí là ông truyền đến ba đời, tức là ông truyền, còn Cu Ba thì em nối. Cha truyền con nối đổi thành ông cha truyền em nối được. Mà họ là XHCN đấy, mục đích cao nhất của XHCN là đánh đổ chế độ phong kiến, hơ hơ…”
Tui cũng nhất trí với Văn Công Hùng, nhưng mà trí tưởng bở của tui vẫn hy vọng Cu Ba thật lòng muốn đổi mới, hình như họ đang ngầm làm một cuộc cách mạng vì sự sống còn của đất nước họ. Biết đâu tràng vỗ tay kéo dài bất thường kia là khởi đầu của sự bùng nổ Cu Ba?
Chợt nhớ hai câu thơ của Hải Bằng (mà mọi người cứ nhầm của cụ Triết): Khi Việt Nam ngủ, Cu Ba thức/ Giữa thế kỉ này ta đổi canh nhau, tự dưng lòng bỗng xốn xang: Biết đâu Cu Ba thức thật rồi? Tất nhiên thức dậy để lo làm ăn, canh kéo cái giầy! Thân mình chả lo xong còn đi lo cho thế giới, vô duyên.
Cu Ba hết ngủ rồi ta? Có khi thế thật. Cu Ba chán ngủ rồi, không thèm ngủ nữa, nếu vậy thì phúc lớn Cu Ba đang đến. Vi va Cu Ba.