Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

GHÉ THĂM CÁC BLOGS: 07/04/2011

BLOG THÍCH HỌC TOÁN


Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt. Nhưng với những gì xảy ra gần đây, ông thể hiện mình như một con người không tầm thường. Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình. Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này.


Đối diện với ông Vũ là những người bắt ông bằng hai bao cao su đã qua sử dụng, là phiên tòa nửa công khai, nửa bí mật xảy ra ngày hôm qua và là ông quan tòa từ chối thực hiện thủ tục tố tụng để tránh tranh luận về nội dung những bài viết, chứng cớ về những việc được cho là vi phạm pháp luật của ông Vũ. Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này. Nghĩ mãi tôi cũng chỉ tìm ra hai cách lý giải. Khả năng thứ nhất là họ muốn làm nhanh cho xong việc. Trong trường hơp này, họ rất xứng đáng được truy cứu trách nhiệm. Khả năng thứ hai là ông quan tòa sợ phải đối mặt với những lý lẽ của ông Vũ. Trong trương hợp này, rất nên tạo điều kiện cho ông ta chuyển sang công tác khác, phù hợp hơn. Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ.

(GS NGÔ BẢO CHÂU)


BLOG QUÊ CHOA



Tại vị trí này, ngay trong khuôn viên trường Lê Quý Đôn,
sở Xây dựng đã cấp phép và UBND TP.HCM
đã thuận cho ngân hàng xây cao ốc.

1. UBND TP.HCM đã đồng ý cho ngân hàng Công thương được xây cao ốc trong khuôn viên trường Lê Quý Đôn. Báo SGTT gọi quyết định này đã làm đảo ngược chủ trương của HĐND Thành phố: "Quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo TP.HCM từ trước đến nay vẫn là ưu tiên cho giáo dục, trong đó có việc mở rộng và nâng cấp các trường học hiện hữu. Quan điểm này được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần, nhất là tại các văn bản, kỳ họp HĐND thành phố, như tại nghị quyết số 23 năm 2005 của HĐND TP.HCM đã tiếp tục yêu cầu: các cơ quan chuyên môn phải nhanh chóng di dời các hộ dân trong khuôn viên trường học, bệnh viện, các cơ sở văn hoá, thể dục thể thao…; đồng thời thực hiện nghiêm việc di dời các cơ sở kinh doanh gần trường học."

Rứa là xong om một chủ trương. Nỏ biết vì lý do thực nào mà chủ trương bị đảo ngược. Dân nhậu than rằng tiền là Tiên là Phật, liệu chủ trương có bằng Tiên bằng Phật hay không? Còn lâu!


2.Lại một trung tá công an say rượu, rượt đánh chủ tiệm uốn tóc trong đêm. ‘Sau khi gội đầu, ông ( Trung tá CA) yêu cầu được massage nhưng bị từ chối nên to tiếng, tát vào mặt chủ tiệm. Bà Oanh bỏ chạy ra đường và bị rượt đuổi. Hè hè thiếu tướng Nguyễn Chí Phi (Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang) đã yêu cầu Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ. Nhưng không can chi mô, thiếu tá công an say rượu đánh lái xe taxi vì can tội không chịu vượt đèn đỏ theo lệnh của thiếu tá cũng chỉ bị xử phạt 2, 2 triệu  đồng thôi. Hai triệu đồng là cái đinh, sợ gì. Yên tâm đi Trung tá.


3. Bee.net.vn phản ánh chuyện một ông hiệu trưởng lấy tiền cứu trợ lũ lụt để chạy dự án. Một phần tiền của các nhà hảo tâm trao cho trường Tiểu học Phương Điền (xã Phương Điền, Hương Khê, Hà Tĩnh) trong đợt lũ lụt tháng 10/2010 được hiệu trưởng nơi đây đưa đi “bôi trơn” để chạy dự án. Nhiều triệu đồng tiền cứu trợ cho nhà trường, hiệu trưởng Trần Quốc Toản giữ cả không vào sổ thủ quỹ.

Mới hay chẳng có chuyện phi nhân vô đạo nào mà người ta không dám làm, sợ lắm thay.

4.Bị đề nghị kỷ luật vẫn được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND. Đấy là câu chuyện ở tp Nha Trang (Khánh Hoà).  Xung quanh vụ tham nhũng cửa quyền trong việc gỉải toả đền bù Dự án Khu đô thị mới Phước Long, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị “kiểm điểm nghiêm túc và có hình thức kỷ luật đối với bà Lê Thị Mai Loan – chủ tịch UBND phường Phước Long – trong việc ký hợp đồng nhận tiền của chủ đầu tư, chi bồi dưỡng cho một số cán bộ sai nguyên tắc, thiếu trách nhiệm trong việc thành lập hội đồng bồi thường không có thành phần đại diện các hộ dân…”. Thanh Tra Chính Phủ cũng kiến nghị: “Điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm về việc làm giả giấy tờ đối với ông Lê Đức Thuyết. ” Thế nhưng cả ba Loan và ông Thuyết vẫn có trong danh sách (đã hiệp thương lần 2 vào ngày 24.3) giới thiệu ra ứng cử đại biểu HĐND P.Phước Long, nhiệm kỳ 2011-2016. Vinashin đổ bể, tất cả còn tại vị thì hà cớ gì không để bà Loan ông Thuyết ứng cử HĐND? Hu hu nhà dột từ nóc.

5. Chuyện bằng tốt nghiệp in sai không có gì lạ, chẳng phải bây giờ mới có, từ năm cà cuống đã có rồi. Nhưng vui nhất là khi  người ta mang vào trường cái bằng ghi năm cấp là năm 20 thì được ông Phó phòng Đào tạo của trường dùng viết mực đen thêm vào 2 con số 1 sau con số 20. – 2011. Nhẹ hều.

Điều 21, Quy chế về văn bằng, chứng chỉ do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2007, quy định việc chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ phải do cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ ra quyết định chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ.

Ây dà, luật với chả lẹo, sửa bố cho nó xong. Hi hi.

6.Trả lời phóng vấn báo VnEconomy, ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tiết lộ một lối quản lý đất đai theo kiểu cha chung không ai khóc, ông nói: “Việc sốt chủ yếu là sốt đất ở và nhà ở, mà lĩnh vực này thì đã được Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng. Còn quỹ đất thì thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhưng, thực tế hiện nay thì thẩm quyền quản lý, quyết định lại được phân cho chính quyền các địa phương.”

Vì rứa cho nên khi nhà báo hỏi: “Những tồn tại trên cộng với giá đất quá cao, nhiều người cho rằng cơ quan quản lý dường như đang bất lực?”, ông Đào Trung Chính thừa nhận ngay: “Đúng là bất lực thật”.

Chời chời nhìn đâu cũng thấy bất lực.  Bất lực điện, bất lực đất đai, bất lực nhà ở, bất lực Giao thông, bất lực Giáo dục, bất lực Vinashin, bất lực lạm phát, bất lực rừng, bất lực biển,  bất lực vàng miếng, bất lực đô la, bất lực lãi suất, bất lực tham nhũng, bất lực vân vân, hu hu.  Mặc dù Chủ tịch Quốc Hội đã khẳng định: “Thủ tướng đã điều hành năng động, quyết liệt”. Rứa mà cũng nỏ ăn thua.  Dân nhậu ngửa mặt than rằng:
Thương lắm Thủ tướng ơi!


BLOG HỒ BẤT KHUẤT

Vụ “Cù Huy Hà Vũ”: Sự ấm ớ đáng xấu hổ về truyền thông

Trong entry “Biến thảm họa thành cơ hội”, tôi đã đưa ra “kịch bản” lãng mạn nhất về vụ án TS Cù Huy Hà Vũ. Đương nhiên“kịch bản” này đã không thành hiện thực. Tôi không bực tức và ngạc nhiên lắm về điều này. Điều làm tôi thấy tủi hận nằm ở khía cạnh khác. Đó là sự ấm ớ về truyền thông tới mức lố bịch.
 
Vụ án xử TS Cù Huy Hà Vũ có sức hút đặc biệt

Những người giảng dạy về nguyên lý truyền thông thường nói một cách sinh động thế này:
Việc chó cắn người là một sự kiện bình thường, không có gì hấp dẫn. Còn nếu người cắn chó là một sự kiện đặc biệt, là tin tức rất có sức hấp dẫn.


Ở nước ta gần đây đã có nhiều phiên tòa xử một số người vi phạm điều 88 Bộ luật Hình sự. Nhưng đó cũng chỉ là những sự kiện “chó cắn người”. Còn vụ án TS Cù Huy Hà Vũ thuộc loại “người cắn chó” vì ông Vũ là con đẻ và con nuôi của hai thi sỹ nổi tiếng của nước ta là Huy Cận và Xuân Diệu. Bản thân ông Vũ lại là người giao du rộng, thân thiết với nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Có rất nhiều bức ảnh chụp ông Vũ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh… Người như vậy mà lại “chống lại Nhà nước, chống lại chính quyền” là điều rất đáng suy ngẫm. Vì vậy vụ án TS Vũ được nhiều người quan tâm là điều dễ hiểu.

Đáng ra toàn bộ vụ việc này và đặc biệt là phiên tòa xử ông Vũ phải được thông tin một cách rộng rãi, trung thực để mọi người suy ngẫm. Thế nhưng thực tế diễn ra ngược lại.

Ấm ớ đến lố bịch

Vụ án TS Cù Huy Hà Vũ bộc lộ khía cạnh lố bịch về truyền thông trong thế giới hiện đại. Tòa của ta, xử người của ta, giữa Thủ đô của nước ta, ấy thế mà tôi lại phải theo dõi thông tin qua báo chí nước ngoài. Theo như thông báo, phiên tòa diễn ra vào 8 giờ sáng ngày 4/4/2011, nhưng vào lúc 10 giờ sáng, không thấy tờ báo mạng nào của ta tường thuật. Trong khi đó, vào lúc 9 giờ 26 phút, BBC đã có bài  và có ảnh về quanh cảnh phiên tòa. Sau đó BBC liên tục cập nhật. Còn tất cả các báo chí của ta, đến chiều mới đồng loạt đưa tin ông Cù Huy Hà Vũ bị kết án 7 năm tù.

Điều đáng nói là ở chỗ cho đến lúc đó cũng không có tờ báo chính thống nào tường thuật trung thực, chi tiết về những gì đã diễn ra ở phiên tòa xử ông Vũ. Lại vẫn phải nhờ cậy đến báo chí nước ngoài mới biết được đôi điều.

Nếu căn cứ vào hai luồng thông tin thì thấy chúng mâu thuẫn nhau và không biết hiểu thế nào cho đúng. Có điều thông tin không chính thống cho thấy bức tranh toàn cảnh trung thực hơn, dễ hiểu hơn.

Theo Luật sư Trần Đình Triển và một số luật sư khác nữa thì phiên tòa xử ông Cù Huy Hà Vũ ngày 4/4/2011 vi phạm Luật tố tụng Hình sự ngay từ ban đầu và người vi phạm là Hội đồng xét xử. Ông Triển nói rất rõ ràng là Điều 214 Bộ luật Hình sự bị vi phạm nghiêm trọng. Chính Hội đồng xét xử mà lại vi phạm Luật thì còn gì để nói nữa?!

Coi chừng phản tác dụng!

Thật ra, việc ông Vũ bị phạt tù bao nhiêu năm không quan trọng. Cái quan trọng là phải hiểu vì sao ông ấy bị phạt tù. Theo thông tin chính thống thì ông Vũ bị phạt 7 năm tù về tội chống lại chế độ XHCN. Nhưng ông ấy chống như thế nào và tại sao ông ấy chống thì không được nói rõ ràng.

Cần phải hiểu rằng vụ án xử TS Cù Huy Hà Vũ là một cơ hội để nhận thức những vấn đề quan trọng có tính nguyên tắc, như: Thế nào là lòng yêu nước? Thế nào là tuyên truyền chống chính quyền nhân dân? Làm thế nào để tăng uy tín quốc gia?... Đáng ra những vấn đề này phải được tranh tụng tại tòa, nhưng thật là buồn là ở phiên tòa vừa rồi không có phần tranh tụng vì các luật sư cho rằng Hội đồng xét xử đã vi phạm điều 214 Bộ Luật hình sự nên họ bỏ về. Còn ông Cù Huy Hà Vũ thì lại sẵn sàng nhận bất cứ bản án nào. Trong tình thế như vậy mà tòa vẫn tuyên án thì thật không hiểu được mục đích của phiên tòa là gì. Ấy thế nhưng các phương tiện thông tin chính thống vẫn thông báo rất hùng hồn về việc ông Vũ bị bị phạt 7 năm tù giam và 3 năm quản thúc. Phải chăng tòa và các phương tiện truyền thông đại chúng muốn biến ông Vũ thành “Mandela của Việt Nam”?

Với cách xử án và thông tin như vừa qua, người ta không thấy ông Vũ phạm tội như thế nào, chỉ thấy ông hiên ngang chịu đựng mọi thứ người ta khoác lên đầu ông.

Những điều cay đắng đọng lại

Đọc những thông tin về vụ “Cù Huy Hà Vũ” trên báo chí chính thống, tôi có cảm giác các nhà báo của chúng ta không biết hành nghề (Mặc dù trên thực tế, chúng ta có người nhà báo có trí tuệ, có bằng cấp, có kinh nghiệm và kỹ năng viết báo rất giỏi). Đó là điều cay đắng thứ nhất. Điều cay đắng thứ hai chính là ở trình độ, bản lĩnh của các quan tòa. Một vụ án quan trọng, đương nhiên phải cử những quan tòa giỏi ra để xét xử. Ấy vậy mà họ tỏ ra không hiểu biết pháp luật, hiểu biết đạo lý và thông lệ quốc tế. Điều cay đắng thứ ba là cách tổ chức phiên tòa và thái độ của các nhân viên an ninh. Việc ngăn đường, cấm đường, đánh người, bắt người có cần thiết không?

Những điều cay đắng trên dẫn đến điều cay đắng tiếp theo là chúng ta bị quốc tế phản đối, bị đặt vấn đề về nhân quyền, bị nghi ngờ về những cam kết. Giáo sư Ngô Bảo Châu rất có lý khi cho rằng: “Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này”.


BLOG ĐỖ VIỆT KHOA


Hôm nay, nhân thể đi HN mua mấy thứ, tôi rẽ qua 43 Hai Bà Trưng xem có vào nghe xử án được không. Tôi chưa bao giờ được nghe xử vụ án nào kiểu này nên hơi tò mò.

Ngã tư Hai Bà Trưng - Bà Triệu đường bị chặn. Đầy công an gác chốt chặn.

Đánh bạo xuống hỏi mấy CA - có vào được không?-  Không.

Lạ nhở. Báo chí đưa tin xét xử công khai mà không cho vào à?

Phố Tràng Thi đông kín mít đường. Dòng người lách lên từng tí một. Lại chặn ngã tư Quán Sứ-Hai Bà.


Tôi xin mãi mới được số di động của thầy Nguyễn Thượng Long và alo. Thầy bảo: Án chả cần tuyên cũng biết được trước: Cứ là 7 năm trở lên nhá.... Nó cứ làm thế đấy. Cứ đợi xem.


Clip trên youtube về quang cảnh các khu phố cận kề tòa án.

Tìm không ra chỗ gửi xe, phải ra tận Cửa Nam, mới gửi được. Đứng tại 58 Quán Sứ nhìn sang Hai Bà Trưng thấy cảnh công an ngăn không cho bất kỳ người nào tiếp cận toà nhà 43 Hai Bà- Trụ sở toà.  Hai bên đường đầy an ninh và những ai đó có chức trách. Họ ngó tôi chằm chằm. Hình như họ nhận ra tôi là ai. Bà Beo Thu Hồng còn nhận ra tôi nữa là họ. Tôi cứ đến thẳng cửa Toà án. Cửa đóng kín mít. Trước cửa là đội ngũ an ninh rất đông. Ngay cửa chính là nhà đài Truyền Hình với cái chảo parabol to đùng. Tôi hỏi bảo vệ- Vào được không anh ơi? - Không.

Mấy chiến sĩ an ninh đi tới. Tôi kệ, quay ra chỗ họ để xe và đứng nhìn họ tụ tập. Trên  phố lực lượng an ninh, đội cảnh sát cơ động ăn mặc rằn ri rất đông ngồi, nằm trên đủ các loại xe đặc chủng. Lạ mắt nhất là cửa tòa có 3 cái xe bus màu đỏ lạ mắt, phía trong toàn là công an. Có cả xe vòi rồng hay cứu hỏa gì đó.

Tại đầu ngã năm Quán Sứ Ngô Thì Nhậm thấy nhiều người già và trung tuổi. Một số chị nhà tận Tuyên Quang cũng xuống xem. Một chị phụ nữ khác lại gần hỏi:
- Có phải thầy K không? Phải. Chị là ai?

- Em là vợ anh Phạm Văn Trội? - À, thế cô đi 1 mình à?

-  Vâng. (Chỉ vào 1 người phụ nữ ngoài 60, rất phúc hậu, nói giọng Sài Gòn)- và đây là mẹ cô Lê T Công Nhân?

- Chào cô ạ.  Thế thôi mời cô và em đi ra ngõ Lý Thường Kiệt uống nước chứ đứng đây không xem được gì đâu.

Chúng tôi kéo nhau đi vào quán nước gần đó ngồi. Liên tục 2 đ/c an ninh đến ngó, nghe và đi ra đi vào. Chúng tôi kệ. Bất chợt di động tôi reo. Thì ra lãnh đạo bên ngành GD HN. Họ alo nhiều lần liền bảo rằng an ninh họ cho biết thầy K đang ở đó, không có lợi đâu, về ngay. Rõ khổ, đi xem toà xử công khai mà cũng không yên thế này.

Hai người phụ nữ cho biết: Lúc sáng, công an túm ngực lôi tuột ông LS Lê Quốc Quân, bác sĩ Phạm Hồng Sơn và rất nhiều người lên xe đi đâu mất ấy. Có nhiều người chụp được cảnh ấy.

Lúc sau 2 người phụ nữ chia tay, tôi quên mất không hỏi họ tên của 2 người.

Đi ra lấy xe đã thấy tin trên mạng về kết quả xử án chóng vánh mà mình ấm ức cứ như bị tù oan.

Một phiên toà xử công khai, được dư luận quốc tế và đông đảo người dân quan tâm mà bị dư luận chỉ trích là xử qua loa bịt miệng cả luật sư lẫn bị cáo, chánh án thì ngang nhiên vi phạm pháp luật. Trên các đài báo blog, đầy những tin xấu về phiên tòa. Đài THVN có 1 bản tin ngắn một mẩu gọi là có. Thấy Cù H.Hà Vũ bị khóa hai tay ngay từ đầu dù tòa chưa tuyên án.

  Trước bao nhiêu là nhà báo và quan sát viên ngoại quốc mà xử thế thì ông chánh án kia đáng tội tày trời: Bởi ông chứng minh cho dư luận quốc tế biết là tòa đếch cần luật pháp hay cái điều 214 luật tố tụng hình sự.
Thay vì ông chứng minh cho họ thấy toà án nhà nước Việt Nam XHCN là rất công bằng, dân chủ, công khai minh bạch thì ông lại đi chứng minh điều ngược lại. Toà đang buộc họ Cù tội xuyên tạc, bôi nhọ đất nước thì thông qua kiểu xử án có một không hai, toà đã chứng minh ngược giúp cho thiên hạ thấy họ Cù kia nói đúng.
Thể hiện quan điểm riêng trên báo chí mà cũng bị tù tội, không lẽ thể hiện với vợ hay là lầm bầm 1 mình à? - Anh bạn tiến sĩ của tôi hỏi thế.

Biết Cù Huy Hà Vũ trả lời phỏng vấn nước ngoài từ lâu mà các cấp im lặng, không ngăn chặn mà đợi đến đại hội Đảng mới bắt Vũ rồi quy tội tuyên truyền chống đất nước trong thời gian dài làm tình tiết tăng nặng.
Chóng vánh tuyên án, cái án thật nặng rồi cũng chóng vánh giải tán.

 Xử kiểu gì vậy?

Vì ông toà này mà trên mạng bàn dân thiên hạ bức xúc nheo nhéo chửi, chửi lây cả sang người trên trên nữa. Rồi thì phản ứng của các đại sứ, các tổ chức liên hợp quốc về phiên tòa này.

Tôi giả sử mà toà mượn sân bóng Mỹ Đình, bắc loa đài, màn hình khủng, cho tất mọi người vào mà xem mặt cái thằng gan to tựa trời dám kiện cả thủ tướng, rồi trương lên từng chứng cứ buộc cho hắn hết cãi. Lúc đó tuyên án thì dân chúng biết đâu sẽ vỗ tay rào rào tán thưởng khen toà nghiêm minh. Tính giáo dục sẽ rất cao.

Nhưng hỡi ôi, chủ toạ lại làm ngược lại, nên thua ngay anh Cù H.H.Vũ hai tay bị còng dưới kia. Kết thúc phiên tòa là không làm cho người dân tâm phục khẩu phục.

Kết thúc phiên toà, khắp nơi thấy người người gọi Cù Huy Hà Vũ là anh hùng.

Một phiên tòa như thể nói: Quyền tao, tao xử thế đấy, làm gì được tao?

Biết đâu sau phiên tòa này sẽ xuất hiện nhiều phiên tòa trơ tráo láo liêng khác.

Một phiên tòa làm mất thể diện quốc gia.


BLOG PHAN THẾ HẢI

Như đã nói ở phần trước, Chủ tịch vốn chẳng mấy thiện cảm với Cù Huy Hà Vũ, nhưng, qua phiên toà ngày 4/4, hàng triệu người dân quan tâm đến vụ án đều coi Vũ là người anh hùng. Chủ tịch cũng không phải là ngoại lệ. Trường hợp này, phải gọi đúng ngôn từ của nó: Nhờ ơn Tiệc.

Nếu như trước đây, chuyện Cù Huy Hà Vũ ứng cử chức bộ trưởng, rồi chuyện ông kiện Thủ tướng, kiện Trung tướng… được coi là những chuyện đàm tiếu, bỏ ngoài tai của những người suy ngẫm thế sự một cách nghiêm túc, thì đùng phát, vào cái ngày xẩy ra vụ án hai bao cao su đã qua sử dụng (5/11/2010) thì công luận bỗng dưng quay ngoắt 1800 . Người ta thấy chuyện hành xử của cơ quan hành pháp vừa hèn, vừa rẻ tiền lại vừa bẩn. Cách ứng xử đó không đáng một xu trí tuệ nào, thậm chí là cách tố cáo đanh thép nhất về bản chất nông cạn, thô thiển nhất mà chỉ có kẻ đàng điếm mới sử dụng.

Chỉ trong vòng 5 tháng, kể từ khi vụ án bao cao su, những quan điểm của Cù Huy Hà Vũ đã được cộng đồng mạng phổ biến rộng rãi. Nếu trước đây chỉ một vài người quan tâm một cách hờ hững thì ngày nay hàng triệu người đã chuyền tay nhau những bài viết của Vũ, hàng triệu người bỗng đặt lên bàn những việc Vũ đã làm. Hơn thế, hàng triệu người bỗng dưng thấy phải xem xét lại cách ứng xử của Tiệc và những kẻ nhân danh Tiệc.

Không ai khác, chính họ tự phơi bày bản chất hung bạo của Tiệc, tổ chức vẫn tôn thờ bạo lực và đấu tranh giai cấp. Nếu Tiệc đàng hoàng, quang minh chính đại, hãy để cho dân chúng được chứng kiến những việc làm của Vũ, chứng kiến những luận điểm của Vũ và những bài viết của anh, nhưng điều đó đã không xẩy ra. Thay vào đó là những dự án khổng lồ về an ninh, tiêu tiền ngân sách, báo cáo thành tích nhằm thăng quan tiến chức, kiếm vinh hoa bổng lộc.

Cách làm này đã khiến rất nhiều cựu chiến binh cộng, những quan chức cao cấp, những người về hưu bỗng dưng đứng về phía Vũ, nhiều Tiệc viên lẫn ngoài Tiệc đứng về phía anh. Chưa hết, các thành phần tôn giáo khác nhau cùng lên tiếng. Không chỉ những người Phật giáo, hàng ngàn người dân Công giáo thắp lên một rừng nến cầu nguyện và ủng hộ Vũ.

Ơn Tiệc, Vũ trở thành tâm điểm của công luận trong và ngoài nước. Thay vì phải tự đánh bóng mình như trước đây, không cần cổ xúy, tuyên truyền, Cù Huy Hà Vũ đã trở thành một ngọn cờ, một biểu tượng của lãnh tụ. Cộng đồng quần chúng đa dạng, đa thành phần, đa quốc gia, từ chỗ hờ hững với chính trường đã tập hợp nhay lại, dành cho Vũ sự kính trọng.

Không chỉ có Vũ, sau những gì đã diễn ra, vợ anh, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, từ một người vô danh bỗng trở nên nổi tiếng. Vượt qua mọi cảm xúc, thói ghen tuông đời thường của phụ nữ, LS Dương Hà đã gạt phăng những luận điệu bôi bẩn hạ cấp, từ chối mọi thái độ cúi đầu cam chịu trước sức ép đe dọa của bạo quyền, chị đã đứng thẳng và chiến đấu không ngừng nghỉ cho công lý, không riêng cho chồng mình, mà cho cả dân tộc.

Trò chơi rẻ tiền, phi nhân tính của Tiệc, đem gia đình ra làm con tin để đe dọa tinh thần của người bất đồng chính kiến đã bị lột trần. Một phụ nữ khác cũng được cộng đồng tôn vinh và em người em gái của Vũ, Cù Thị Xuân Bích. Bích đã cùng với chị dâu đã không dễ dàng chịu khuất phục thảo ra thỉnh nguyện thư gửi công luận các tổ chức quốc tế, như là một tiếng nói cần thiết để bảo vệ công lý.

Bản án bỏ túi ngày 4/4 mà thẩm phán Nguyễn Hữu Chính đã tuyên chưa phải là kết thúc, hơn thế, nó đã mở ra một thời kỳ mới. Lương tri của một dân tộc sẽ được thức tỉnh, lương tri của nhân loại sẽ được thức tỉnh. Vượt qua sự trấn áp của hệ thống an ninh, hàng ngàn người dân vẫn bằng cách này hay cách khác đến với Cù Huy Hà Vũ.

 Đốm lửa nhỏ thiêu cháy đồng cỏ lớn. Những gì đã và đang diễn ra ở Bắc Phi và Trung đông đã chứng minh cho nhận định đó. Biết đâu, nhờ ơn Tiệc, Cù Huy Hà Vũ trở thành một đốm lửa ở xứ Thiên đường. Tại sao không!

P.T.H.

BLOG TRƯƠNG DUY NHẤT



Trong khi vụ việc công an con Bùi Minh Thắng say rượu đánh tài xế taxi, ngông cuồng rút súng đòi bắn đồng nghiệp chưa nguôi thì đến lượt xì thêm chuyện người dân tố công an cha- đại tá Bùi Hoàng Bào, giám đốc công an tỉnh Hậu Giang cũng không thua kém gì thằng con khi từng rút súng hăm dọa dân “tao bắn chết mẹ mày” (?) Không biết thực hư đến mức nào? Mời đọc bài này:

Những chuyện liên quan đến Giám đốc Công an tỉnh Hậu Giang

          (Tamnhin.net) - Phó phòng CSGT Công an tỉnh Hậu Giang Bùi Minh Thắng đánh lái xe taxi và xúc phạm đồng đội đã bị kỷ luật giáng chức và chuyển công tác. Thiếu tá Thắng là con của Giám đốc (GĐ) Công an tỉnh Hậu Giang Bùi Hoàng Bào nên vụ này làm dư luận địa phương nhớ lại hai vụ khác có liên quan đến đại tá Bào.

          Không nghe điện thoại 


Đêm 7/9/2010, thiếu úy Nguyễn Chí Đông ở Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự-Cơ động Công an Thị xã(TX) Vị Thanh (Hậu Giang) làm tổ trưởng tổ tuần tra. Tổ phát hiện trên đường Nguyễn Công Trứ (phường 1, TX Vị Thanh), xe máy 95F1-6272 do anh Nguyễn Công Toàn cầm lái chở một người không đội mũ bảo hiểm, liền ra lệnh dừng lại và lập biên bản. Khi đang lập biên bản, người ngồi sau xe anh Toàn dùng điện thoại di động gọi rồi đưa cho thiếu úy Đông, bảo nghe GĐ Công an tỉnh Bùi Hoàng Bào. Thiếu úy Đông không nghe, cho rằng nếu cấp trên lệnh cho tổ tuần tra thì gọi trực tiếp, còn anh không quen với người vi phạm nên không thể sử dụng điện thoại của người đó.

          Hai ngày sau, 10/9/2010, thiếu úy Đông phải kiểm điểm trong cuộc họp “thực hiện ý kiến chỉ đạo của GĐ Công an tỉnh” do Phó trưởng Công an TX Vị Thanh, thiếu tá Trần Văn Tròn chủ trì. Thiếu tá Tròn cho biết, cuộc họp đánh giá thiếu úy Đông luôn “xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; có tinh thần trách nhiệm trong công việc, đoàn kết trong nội bộ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ khi vào ngành không vi phạm bị xử lý kỷ luật”. Tuy nhiên “ngày 7/9/2010, không nghe điện thoại của lãnh đạo trong khi thi hành nhiệm vụ là hạn chế” và đó là “lỗi vô ý” nên cuộc họp thống nhất, thiếu úy Đông phải “kiểm điểm rút kinh nghiệm trước tập thể Đội và khắc phục sửa chữa trong thời gian tới”. Sau đó, GĐ Công an tỉnh Hậu Giang có quyết định điều thiếu úy Đông về làm cán bộ nhà tạm giữ của công an TX Vị Thanh.    
 
          Vụ “mất an ninh trật tự”

          Lúc 15 giờ ngày 21/2/2009, chiếc xe 4 chỗ chở vợ chồng đại tá Bùi Hoàng Bào đến một chiếc cầu nhỏ. Bên kia cầu, có xe 7 chỗ do anh Lý Thới Trung lái, chở mấy người thân. Xe của đại tá Bào mở loa yêu cầu xe 7 chỗ lùi lại, nhường đường và khi xe của đại tá Bào ngang qua, anh Trung mở cửa xe bảo lái xe của đại tá Bào là “ngu quá”.

          Chiếc xe của đại tá Bào lập tức quay lại đuổi theo, chạy ra Quốc lộ 1A, đến thị trấn Cái Tắc (Châu Thành A, Hậu Giang) thì chặn đầu và ép xe 7 chỗ dừng lại. Người trên hai xe bước xuống cãi nhau gây ra vụ “mất an ninh trật tự”, theo báo cáo của Công an huyện Châu Thành A ngày 26/2/2009, “làm ảnh hưởng đến việc lưu thông trên Quốc lộ 1A”.

          Tường trình của anh Trung: “Tôi vừa bước xuống xe định hỏi vì sao lại cúp đầu xe của tôi thì ông Bào bước xuống xe, trên tay đã cầm sẵn khẩu súng ngắn chĩa thẳng vào người tôi và nói “tao bắn chết mẹ mày”(…). Những người đi trên xe của tôi thấy sự việc như vậy sợ ông Bào bắn tôi nên xuống xe liền bị vợ của ông chửi”. Tiếp đó, cũng tường trình của anh Trung, khoảng 50 người gồm CSGT, CSĐT, CS113, công an xã, bảo vệ dân phố “đến giữ xe của tôi mà không lập biên bản hiện trường, biên bản sự việc và không giữ xe của ông Bào mà để cho ông Bào đi”.

          Còn báo cáo của Công an huyện Châu Thành A, những người trên xe anh Trung “rất hung hãn, chửi tục và có thái độ hành hung định đánh vợ chồng đồng chí Bùi Hoàng Bào”. Việc đại tá Bào dùng súng đe dọa, báo cáo viết: “là bịa đặt, không có cơ sở, vì khi sự việc xảy ra đồng chí Bùi Hoàng Bào không dùng súng để khống chế và đe dọa Trung, mặt khác lúc diễn ra xô xát Trung đang trong tình trạng say rượu và điều kiện ánh sáng lúc đó là trời đã tối”.

          Xe anh Trung bị lập biên bản giữ 10 ngày, phạt 2 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 60 ngày. Anh Lý Thới Trung cho rằng, xử lý không công bằng vì “xe tôi đang lưu thông trên đường bình thường lúc đó không có lực lượng tuần tra giao thông chặn xe tôi lại kiểm tra mà do xe của ông Bào ngang nhiên cúp đầu xe tôi, dẫn đến cãi vả gây mất an ninh trật tự”. Anh Trung đặt câu hỏi, sự việc đơn giản mà đại tá Bào huy động lực lượng khoảng 50 người, có phải “lợi dụng chức vụ để trấn áp tinh thần người dân?”.

Hồ sơ vụ “mất an ninh trật tự”. Ảnh: Sáu Nghệ


_______________
Chí Tâm – Gia Thọ - Sáu Nghệ


(Nguồn: Báo điện tử Tầm Nhìn. Cảm ơn một bạn đọc ký tên Nặc Danh ở entry trước đã cho tôi đường link bài viết này)


BLOG TIN TỨC HÀNG NGÀY
 Bốn bốn mười sáu (bàn thắng)
Tháng Tư 6, 2011dailyvnews1

Đinh Tấn Lực
Theo: Blog dinhtanluc

Vụ gặt Bốn tháng Tư đã hoàn tất bước đầu (24 giờ), với 16 bàn thắng áp đảo cho những người gieo mầm dân chủ trên đất nước này:
1. Tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN” được định nghĩa chính xác là bao gồm các quan điểm sau đây:
i.     Thực hiện chế độ đa đảng là cách duy nhất để có được dân chủ;
ii.     CNXH (dưới nhãn Mác Lê) dứt khoát không phải là Tổ Quốc của người VN;
iii.     Phải công khai bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia và thu hồi toàn vẹn lãnh thổ bị nước ngoài xâm chiếm.

2. Nhà cầm quyền phải đột xuất trao tặng Ban khen và huy chương Quân công cho CA chuyên án C509 chỉ một ngày trước ngày đưa TS CHHV ra tòa – Phản ánh tính cách động viên lộ liễu chưa từng thấy của nhà nước dành cho một lực lượng ăn lương của dân để giết hại dân.

3. Hệ thống Tổ dân phố Hà Nội đã phải ra sức “công tác tư tưởng” toàn bộ dân chúng quanh khu vực tòa án chống những người yêu “V” đi làm chánh thẩm cho đất nước hôm nay.

4. Hệ thống chốt chặn, rào chắn, biển cấm & lực lượng CA các thứ hùng hậu chưa từng thấy ở thủ đô – Phản ánh nỗi sợ hãi của nhà cầm quyền cũng chưa từng thấy ở đây đối với một công dân biết rành luật pháp.

5. Hệ thống CA ra sức cô lập/ngăn chận/bám đuôi/bắt giữ những nhân vật năng động dày đặc – Phản ánh nỗi sợ hãi không giấu diếm của nhà cầm quyền đối với những người yêu chuộng quyền làm người.

6. Cảnh tượng CA giật máy ảnh cũng chưa từng thấy tại đây. Dù vậy, tin tức và hình ảnh xuất hiện cập nhật từng phút dưới dạng Còm trên entry “Chào V” của Dân Làm Báo đã biến entry này thành bài tường thuật trực tiếp 24/24, với kỷ lục gần 600 comments và non nửa triệu lượt truy cập trong vòng chưa đầy 24 tiếng. Trong lúc 600 tờ báo đảng chỉ có 1 bài mẫu của TTXVN. Đây là một chiến thắng áp đảo của dàn dân báo: Mỗi người dân là 1 phóng viên.

7. Dàn dân báo lại còn kịp cập nhật tin tức cho các sứ quán nước ngoài tại Hà Nội để đẩy tin nhanh ra thế giới bên ngoài, đặc biệt là các tin tức bắt bớ/đàn áp. Một nỗ lực trên cả tuyệt vời!

8. Nhà cầm quyền phải lệnh cho Bệnh viện bên kia đường đóng kín tất cả các cửa đối diện với tòa án & phong tỏa các bãi giữ xe. Để lộ nỗi sợ hãi đã lên cực điểm.

9. CSGT & CSCĐ & CA cùng CA giả dạng dân phòng ra sức đẩy lùi nhân dân và tự nới rộng vành móng ngựa bao quanh tòa án.

10. Quần chúng bị CA đẩy tan ra rồi tụ lại đông hơn. Trong đó có rất nhiều người từ xa đến (nói giọng Sài Gòn và cầm trên tay bản đồ Hà Nội). Cho thấy sự hưởng ứng/cổ võ cho dân chủ của nhân dân từ nhiều miền đất nước.

11. Bất chấp thông báo của các trường tổ chức thi đột xuất hôm nay, sinh viên Hà Nội nghỉ học tham dự phiên tòa bị công an cảnh cáo “sẽ báo về trường cho bị cấm thi”. Họ chào nhau bằng hai ngón xòe chữ V.

12. CA giả dạng thường dân tìm cách gây hấn để  tạo lý cớ  bắt bớ, nhưng theo tường thuật của phóng viên dân báo: “Dân mình có vẻ rất ý thức, có tính tổ chức cao, quán triệt tinh thần bất bạo động, ung dung, hiên ngang và bình thản”. Cả 3 tính từ sau cùng mô tả rất rõ trạng thái vô úy – không sợ.

13. Nhà cầm quyền cho “thuyết giảng viên” xuất hiện trong đám đông, tuyên truyền về tội danh nhà nước gán  cho CHHV, không ai nghe, phải “lủi thủi cuốn xéo”: Rõ ràng hệ Tuyên giáo và cả chế độ này  “Đã Hết Thời Rồi!”.

14. Cả 4 luật sư của CHHV đều tuyên bố ngưng tham gia, sau khi tòa án từ chối thủ tục cung cấp tất cả 10 tài liệu chứng cứ truy tố trong cáo trạng (theo điều 214 luật TTHS). Đây chính là câu trả lời dứt khoát trước dư luận quốc tế: Sân không phẳng không chơi!

15. Do vậy, tòa chỉ có thể diễn 1 màn 2 cảnh: Đọc cáo trạng rồi tuyên án. Nhà cầm quyền chính thức thừa nhận rằng đây là một vụ xử Án Chạy Tang (cho một quyền lực đã qua đời).

16. “Bà con mình ôm hoa đứng kín vỉa hè đối diện TAND, số ước lượng vào khoảng 400-500 người”, nghĩa là nhất trí ủng hộ một nhân sĩ quyết sống:
i.     Không hổ thẹn với truyền thống trí thức yêu nước của gia đình;
ii.     Không hổ thẹn với bản thân trong tư cách là 1 TS Luật;
iii.     Không hổ thẹn với quê hương Hà Tĩnh;
iv.     Không hổ thẹn với Tổ Quốc VN,
v.     Không hổ thẹn với tất cả những chiến hữu trong cuộc đấu tranh vì Công Lý, Dân Chủ & Nhân Quyền tại VN.

*

Gút lại, phiên tòa Bốn tháng Tư, ở ngay bên ngoài Tòa án Thành phố Hà Nội hôm nay, đã khắc đậm nét vào lịch sử đảng CSVN một nỗi ám ảnh cùng cực: Bàn tay nào che được mặt trời mới bịt miệng nổi 80 triệu dân.

Ở phía bên kia lằn ranh, cũng đậm nét một hàng chữ khác, trong tâm khảm mọi người:

“Lịch sử, Tổ Quốc và nhân dân VN nhất định phá án cho công dân CHHV!”

04-04-2011. Ngày khởi đầu của một kết thúc.