Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011

QUÀ TẶNG

- Viết cho cháu ngoại Oliver Tam Thể

Thằng cu sinh thiếu bốn tuần, hơi bé so với đứa bé đủ ngày tháng. “Bà ngoại mới tinh” đứng ngắm nghía đứa cháu đầu tiên của mình. Trong đôi mắt ngân ngấn lệ, bà thấy: Đó là một viên sỏi nhỏ có sắc hồng, Mẹ thiên nhiên vừa đặt xuống bãi biển loài người, một viên sỏi nằm giữa ngàn ngàn viên sỏi trong bãi cát, nhưng sao nó vẫn lấp lánh, trong suốt và rất riêng tư thuộc về mình. Viên sỏi nằm đối diện với đại dương hùng vĩ, sóng đập ầm ầm như thế mà sao nó không hề sợ hãi,vẫn mỉm cười bình thản. Đó là một hạt mưa do đám mây an hòa trên từng cao vừa rắc xuống, rơi trên mặt chiếc lá sen, long lanh như một viên hạt trai, bà thấy mình đưa tay nhón lấy đeo trên cổ mình; đó là một con chim sâu vừa nứt ra khỏi cái vỏ trứng mẹ, còn ướt nhẹp, run rẩy, đã kêu chim chíp, mẹ nó đang xòe cánh ôm sát vào lòng, bố nó bay đi tìm mồi, bà thấy mình vừa cho tay vào ngực, lấy ra những cọng rơm thương yêu đặt thêm vào tổ; đó là một con cá nhỏ xíu vừa tách ra từ cái bọc trứng, bơi rụt rè bên cá mẹ, bà thấy trên tay mình có sẵn một nắm thính gạo, bà rắc xuống cho cả hai mẹ con; đó là một con lợn sữa tròn vo, hồng hào, mũm mĩm đang rúc vào vú mẹ kêu ủn ỉn, bà thấy mình giơ tay đắp lên mái chuồng thêm một tàu lá để che mưa cản nắng cho cả hai; đó là một con mèo con mới biết kêu meo meo, cái sợi rốn chưa cắt còn máu me, một đầu trên bụng mèo con, một đầu còn trong bụng mèo mẹ, bà thấy mình đang đi tìm cái đĩa đổ sữa vào cho cả hai mẹ con. Cu Mèo kêu hơi to.Tiếng kêu to làm bà giật mình ra khỏi những điều mình vừa lơ mơ thấy.


Bà nhìn mọi người đang loay hoay chung quanh cái sinh vật tinh khôi của Thượng Đế vừa đặt vào bàn tay loài người. Nhìn con gái nằm trên giường, rồi nhìn cháu, nhìn xuống chính mình, bỗng bà liên tưởng đến mấy con búp bế làm bằng gỗ của người Nga hay bán ở phi trường trong những chuyến du lịch xa. Đó là những con búp bế rỗng bằng gỗ. Mở con lớn ra thấy con nhỏ hơn bên trong, rồi mở thêm lần nữa lại có con nhỏ hơn nữa bên trong, cứ mở thế hoài….Mỗi lần mở những con búp bế đó nhỏ dần, nhỏ dần, luôn luôn làm bà liên tưởng đến mối liên hệ thân tộc từ bà cố truyền xuống, rồi bà ngoại, rồi mẹ, rồi mình, rồi con gái, rồi cháu…. Cứ thế, truyền tử, lưu tôn, thế hệ mới thay cho thế hệ cũ, nhưng trong máu huyết vẫn có những giọt lưu truyền, để rồi một hôm có người thẳng thốt kêu lên: “Thằng cu này có cái mũi giống hệt ông cố.” hay “Con bé này có nước da của bà nội.”. Giờ đây nhìn thấy cháu bé xíu nhưng bình thường, cái đầu tròn xoay, da dẻ hồng hào, chân tay mỗi bàn có đủ năm ngón, không thiếu, không thừa, hai tai tròn trĩnh, thế là mừng lắm và cảm tạ ơn Trời, cảm tạ phúc ấm tổ tiên. Nỗi hân hoan mừng rỡ ùa ra trong lòng bà như đê vỡ. Bà nhớ những người bạn có cháu trước bà hay nói: “Thích lắm, mình tha hồ yêu, tha hồ chiều, mà lại không phải trách nhiệm, lo lắng chuyện ngoan, hư, ăn học cho nó.” Nghe thấy hơi là lạ. Để xem rồi có đúng không?

Bà ôm cháu cho người ta chụp tấm hình đầu tiên, ôm như ôm quả địa cầu nhỏ trong lòng, ôm như ôm mùa xuân thơm ngát (Nắng mưa do quả cầu nhỏ này mang tới bây giờ thuộc về cha mẹ cháu, không phải của bà.) Bà bỗng nhớ lại thời gian sanh con mấy chục năm về trước của mình. Con đầu lòng, rồi kế tiếp ba đứa con theo nhau ra đời, trong bốn năm. Người mẹ trẻ lúc đó, đã có lúc ru con bài ca dao: “Con thơ tay bế tay bồng.” Rồi thoắt một cái, tưởng như mới hôm qua. Các con đã tứ tán, mỗi đứa một tiểu bang.
Người mẹ cứ đứng trông vời con mắt. Mong tới dịp lễ lạc, cưới hỏi trong họ hàng để được gặp mặt con. Rồi tiếp đến chờ tin con báo lấy vợ, lấy chồng, chờ con báo tin có cháu. Cô con gái của bà bắt đầu bước vào con đường bà đã đi qua ngày trước. Cô sẽ hiểu thế nào là tình thương của mẹ cho con. (Cô chẳng đang xúc động ứa nước mắt ra đấy hay sao!) Bà cầu cho con gái mình được đủ nghị lực đi trên những con đường gập ghềnh, không nhiều thì ít, (thế nào cũng có) với một cái tâm bình tĩnh, chấp nhận, an bình.
Bà là người mang con số “chậm chạp” nên bây giờ mới thành bà ngoại, những bạn học cùng trang lứa với bà có người cháu đã vào đại học. Bà mỉm cười một mình, tự hỏi: “Tại sao lại Bà Ngoại nhỉ? ” Ngoại có nghĩa là ngoài. Ngoài gì nhỉ? Máu huyết, dòng họ hay là đứng ngoài nhìn vào? Ai đặt ra mà khéo thế! Chắc phải do một người đàn ông “bên nội”, gốc cháu chắt cụ Khổng nên lúc nào cũng Trọng nam khinh nữ. Nhưng ai cũng biết câu “Cháu bà nội, tội bà ngoại” Có nghĩa là bà nội thì hãnh diện với cháu lắm, nhưng bà ngoại sẽ là người vất vả với cháu trước. Bà ngoại nhận vất vả một cách hân hoan.

Bà thưởng thức con, cháu như thưởng thức một sản phẩm của Thượng Đế ban cho mình. Bà tin rằng con người hay một viên sỏi, một bông hoa, một giọt mưa, một con mèo nhỏ, Thượng Đế đều cho mặc một chiếc áo đẹp đẽ và phà vào đó một linh hồn. Con người với linh hồn mang thần khí của Thượng Đế và súc vật, cây cỏ mang hồn của thiên nhiên. Bà mong cho cháu mình lớn lên trong đơn sơ và đức hạnh. Đó là phúc ấm của tổ tiên. Chuyện tài năng, giầu nghèo là chuyện giữa Trời và sinh vật Trời sinh ra. Không phải việc của bà, bận tâm làm gì.

Bà đã nghĩ ra những cái tên rất Việt Nam để gọi cháu mình ngay từ khi con gái mới cấn thai. Cháu bà sẽ sinh vào giữa mùa xuân, những cái tên: Xuân Hòa, Lam Điền, Tịnh Hồ, bà đã nghĩ tới, nhưng cuối cùng bà chọn cái tên giản dị nhất: “Tam Thể” để gọi cháu bà. Thằng cu mang ba dòng máu Việt, Mỹ và Úc lại sanh năm Mão. Nó sẽ là con mèo tam thể của riêng bà.

Bà ôm thằng cu Mèo bé xíu trong tay mình, nhìn xuống khuôn mặt xinh đẹp của cháu, thấy mắt mũi nó nhỏ như những mẫu tự, bà loay hoay xếp từng chữ lại cho thành những dòng thơ, rồi thành bài thơ. Bà biết đây là một bài thơ do một thiên thần nào đó thương, gửi xuống từ trời tặng riêng cho bà, không phải do bà sáng tác.

Trần Mộng Tú
Tháng 3/3/2011