Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

GHÉ THĂM CÁC BLOGS: 10/03/2011

BLOG NGUYỄN XUÂN DIỆN



Hình chỉ có tính chất trang trí. Ảnh: Internet.

Tin về clip sex, ảnh nóng
- câu khách rẻ tiền hay cố ý quảng cáo?

Tôi đã rất băn khoăn khi viết bài báo này vì nội dung của nó sẽ đụng chạm đến chính những tờ báo mà tôi muốn nội dung của bài này được xuất hiện, hoặc nó có thể khiến một số nhà báo cảm thấy bị đụng chạm. Nhưng rồi tôi vẫn quyết định viết bài này với hi vọng chúng ta sẽ bớt đi những thông tin thiếu lành mạnh vẫn ngày ngày hiện trên mặt các trang báo mạng.


Vào buổi tối cách đây 3 ngày trước, một cậu bạn trẻ của tôi gọi giật trên mạng khi tôi đang nói chuyện cùng gia đình ở Việt Nam qua Yahoo Messenger: “Anh đã xem clip mới của em sinh viên ĐH XD chưa?”. Công việc của tôi vốn không có nhiều sự giao tiếp xã hội, chỉ thuần túy trong phòng thí nghiệm nên bình thường tôi không quan tâm lắm đến những tin giật gân của các ngôi sao trẻ kiểu như “Bảo Trân lộ hàng”, “Thủy Top khoe vòng 1”… Nhưng lần này cậu em gọi giật bất ngờ nên tôi hỏi lại “Clip nào?”, nó bảo “Clip sex mới của sinh viên ĐHXD, anh chưa biết tin à?”. Và cậu ta gửi cho tôi đường link đến bài “Xôn xao clip sex nghi của nữ sinh Hà Nội” và tất nhiên kèm theo đường dẫn địa chỉ download clip này. Tôi cùng vợ đã giở lại các tin cũ và đọc các bài liên quan trên các báo mạng chính thống ở Việt Nam, có thể sơ qua hàng loạt tin nhanh đưa về “sự kiện” này:
Vietnamnet: Xôn xao clip sex nghi của nữ sinh Hà Nội
Megafun: Sốc với clip sex nghi của nữ sinh Hà Nội
Tinmoi.vn: Nữ sinh Hà Nội bị “lộ” clip sex
Tienphong.vn: Xôn xao clip sex nghi của sinh viên Hà Nội

…..

Có thể nói đây là một trong những tin nóng nhất về giới trẻ trong một tuần trở lại đây và những ngày tiếp theo đó, các báo mạng còn rất sốt sắng, liên tục cập nhật về tin tức này, ví dụ như:
Vụ nữ sinh lộ clip sex: Người trong cuộc lên tiếng (Vietnamnet)
Tin thêm về vụ lộ clip sex nghi của nữ sinh HN (Megafun.vn)

Thậm chí các nhà báo còn rất nhiệt tình tìm đến tận nhà nữ sinh, phỏng vấn nạn nhân cùng gia đình để tìm hiểu rõ sự việc, đáp ứng “nhu cầu” của bạn đọc… Điều này cho thấy báo chí Việt Nam ta hiện nay đã cập nhật thông tin rất nhanh, thể hiện sự phát triển theo thời đại. Và gia đình của cô bé nhân vật trong clip có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng con mình và gia đình mình lại được báo chí quan tâm săn đón đến vậy. Nhưng sự việc đâu có đơn giản vậy.

Nếu xem lại tiến trình của vụ phát tán này, ta có thể thấy đầu tiên clip được đưa lên youtube, một địa chỉ chia sẻ các clip rất phổ biến, và sau đó được đưa lên các diễn đàn nơi tập trung nhiều bạn trẻ. Sau đó, các nhà báo mạng đã nhanh chóng bắt được tin và giúp cho việc phát tán clip này trở nên nhanh hơn với việc đưa lên trang tin của các tờ báo mạng đông bạn đọc ở Việt Nam mà tôi đề cập ở trên. Có thể thấy trong nhiều ngày, tin tức về clip sex này luôn là tin hút số người đọc nhiều nhất. Sau đó với các tin bổ sung chi tiết hơn về diễn biến của sự kiện, tin này càng nhanh chóng được nhân bản và lan tỏa nhanh chóng trong thế giới mạng internet.

Một logic rất bình thường là hầu như các thanh niên trẻ (không loại trừ cả tôi) đều quan tâm đến các clip sex (đặc biệt là các loại clip kiểu tự chế cây nhà lá vườn như trong bài này đề cập) và chỉ một tin tức trên mặt báo về clip này (dù là phê phán và cảnh báo các vấn đề liên quan đến pháp luật của việc phát tán clip sex) sẽ tạo ra một cơn lốc các cuộc tìm kiếm trên google về clip này. Tất nhiên, nó sẽ được tìm ra một cách dễ dàng và chẳng cần nói nhiều mọi người đều hiểu những hệ lụy của việc này.

Đứng về mặt pháp luật, người đã đưa clip này lên mạng để phát tán nó đã vi phạm pháp luật nhưng chúng ta có thể thấy ở đây, việc clip được nhân bản một cách nhanh chóng trong cộng đồng mạng có sự đóng góp không nhỏ của những nhà báo, những người đã đưa tin như sự khát khao các tin giật gân nhằm câu khách.
Không phải ngẫu nhiên mà gần đây, những tin tức liên quan đến vấn đề này luôn là chủ đề hút người xem nhất. Thậm chí có những bài viết còn dẫn tên một phần diễn đàn nơi clip bắt đầu được phát tán, gián tiếp giúp người tò mò tìm nhanh hơn nhờ công cụ google. Có lần khi tôi phàn nàn với bạn về điều này thì nhận được một lời bình luận rằng: "Cũng đúng thôi, bây giờ mà báo không đăng tin cướp, hiếp, giết thì không hút được người đọc!"? Có phải thế chăng, các nhà báo? Dường như các nhà báo quá quan tâm đến việc cập nhật một cách nhanh chóng những tin kiểu lộ clip sex, lộ hàng, hiếp dâm, ... gây hiệu ứng không tốt cho xã hội. Một cách tiêu cực hơn, có nhiều người còn cho rằng những nhà báo như đang muốn quảng cáo, tiếp thị cho các clip đó đến với người đọc bằng một cách rất "đạo đức". Tôi hi vọng không phải vậy.

Thay cho lời kết, tôi muốn chuyển thông điệp đến những nhà báo, những người đang ngày đêm giúp xã hội chúng ta tốt đẹp hơn nhờ những thông tin cập nhật và chính xác rằng họ nên thận trọng trước những tin cập nhật và nhiệt tình như thế này. Một tin tức về clip sex, lộ hàng... chậm cập nhật có lẽ không hề làm thiệt hại cho tòa soạn báo, nhưng sự lan truyền tin tức của nó cũng có tác dụng chẳng kém gì so với cách làm của kẻ phát tán clip sex. Và vô tình, các nhà báo của chúng ta đã tiếp tay cho những kẻ cố tình reo rắc những thông tin thiếu lành mạnh. Thay vì cập nhật những thông tin đó bằng bất cứ cách nào, chúng ta nên làm xã hội giảm bớt sự quan tâm về nó, đó là cách làm tốt nhất giúp những nạn nhân của sự phát tán. Tôi tin chắc không một tòa soạn báo nào lại muốn biến tờ báo của mình trở thành nơi câu khách rẻ tiền bằng cách tung những tin hút khách như thế. Và hi vọng các nhà báo không phải là những người đi làm tiếp thị cho những thông tin thiếu lành mạnh trên mạng.

N.Đ.T


BLOG MẠNH QUÂN


Cuộc khủng hoảng chính trị tại Libya vẫn đang ngày một nóng bỏng. Những người lao động Việt Nam  cuối cùng cũng đang cố gắng chạy trốn về hướng cửa khẩu biên giới Ras Jediria giáp Tunisia. Người ta tạm tin rằng, về cơ bản, đa số những người đã và sẽ thoát khỏi cuộc biến loạn Libya đã và sẽ được bình an. Và giờ đây, nhìn lại cả cuộc hành trình đầy gian khổ của những người công nhân ấy, có những câu chuyện bi-hài rớt nước mắt vẫn đang được họ kể lại như những kỷ niệm sẽ rất khó quên.

Một trong những câu chuyện điển hình về sự may mắn  là chuyện của  công nhân Phạm Văn Thương (quê ở Diễn Châu -Nghệ An) do một công ty con của Vinaconex đưa đi. Cách đây 1 năm, Thương đã hết thời hạn lao động ở Libya, đã được mua vé để trở về nhà. Chính cái tối ngày Thương tổ chức tiệc chia tay anh em cùng đội, cảnh sát đã ập vào bắt Thương vì tội cậu đã nấu rượu (lậu). Với những bằng chứng không thể chối cãi, Thương bị toà án thành phố kết án 3 năm tù.  Ở tù được một năm, còn 2 ngày nữa tròn một năm tù thì Thương lại bị  lên cơn đau ruột thừa. Nhà tù cho phép Thương ra bệnh viện để mổ, được một tuần, cậu lại được đưa về nhà tù nằm. Bụng vẫn âm ỉ đau thì đúng vào ngày thứ 8, ngày 25.2.2011, cuộc khủng hoảng chính trị ở Libya lên cao điểm, người dân xông vào phá nhà tù nơi Thương đang bị giam giữ. Cậu được tự do và không giống như nhiều công nhân Việt Nam khác, Thương một thân một mình, không hộ chiếu, không đồ đạc bỏ chạy về hướng biên giới giáp Tunisa và từ đây, cậu được cấp giấy thông hành, nhập trại tị nạn và đã trở về Việt Nam.

Một câu chuyện vẫn đang được kể đi kể lại trong các lán trại của anh em công nhân người Việt tại cửa khẩu Ras Jediria là về Sùng A Khua, người quê tỉnh Yên Bái. Khua mới sang Tripoli, thủ đô Libya mới được vài tháng thì bị chấn thương, liệt nửa người do tai nạn sập giàn giáo ở một công trình xây dựng. Từ đó, Khua phải nằm chết đứ đừ một chỗ. Cho đến ngày 20.2, khi bạo loạn xảy ra, Khua được những người bạn cùng phòng thay nhau cõng chạy trốn. Khi tiếng súng chi chíu, tiếng chân người đuổi rầm rập sau lưng, Khua khóc, nói: “Thôi, các anh chạy đi, để em chết đây ở đây cũng được. Cứ dắt díu nhau thế này có khi còn chết hết cả”.  Lại xốc Khua lên vai như cây khoai nước luộc, một bạn cùng phòng của Khua bảo: “Không sao, tao mà thả mày ra giờ chúng nó dẫm bẹp ruột mày ngay”. Những người cùng đi nhất trí vẫn phải thay nhau cõng Khua chạy vì  đoàn người chạy sau quá đông, nếu bỏ rơi Khua, cậu này chỉ còn nước chết. Cho đến ngày 4.3, khi được đưa lên máy bay của Vietnan Airlines về nước, nước mắt lưng tròng, Khua nói với các phong viên: “Lẽ ra em đã bỏ mạng ở xứ người. Em không nghĩ có ngày hôm nay”.

Một người lao động Việt Nam khác đã thoát chết trong gang tấc chính là công nhân Nguyễn Văn Kiểm,quê ở Hưng Hà-Thái Bình, làm việc cho công ty Na Lidco. Thoát khỏi Libya, nhập trại tị nạn vào đầu tháng 3, Kiểm vẫn chưa hết hoảng sợ và tự cho rằng, mình quá may mắn khi có thể thoát khỏi cái chết dường như đã quá gần trong đêm 20.2 tại thủ đô Tripoli của Libya. Tối hôm ấy,  mặc dù đã được báo trước, khi đang trực (bảo vệ) tại công trình xây dựng của đài truyền hình Tripoli, anh bị một nhóm người khá đông, không rõ mặt ập vào. Một số kẻ đã đập phá tan nát trạm bảo vệ, số còn lại lấy dây siết cổ anh rồi định treo lên trần nhà. Nhóm công nhân người Việt cùng làm với Kiểm lúc đó vừa chạy tới hoảng quá, lao vào giằng lấy Kiểm rồi chạy vào cố thủ tại một ngôi nhà trong công trường, chờ lãnh đạo công ty đến giải quyết. Mãi cho đến ngày 2.3, Kiểm và cả nhóm công nhân mới trốn chạy ra được cửa khẩu giáp Tunisia và được các nhân viên IOM, đại diện phía Việt Nam đón nhận về trại tị nạn.

Một trường hợp buồn bã khác chính là anh công nhân người dân tộc ít người tên Vàng Seo Páo (quê ở Lào Cai), do công ty Vinaconex-mex đưa sang lao động ở Libya. Liên tục phải sống, lẩn trốn trong khu vực sân bay Tripoli, ăn uống thiếu thốn mà vẫn phải trả cả tiền đi vệ sinh 20 dina (tương tương 17 USD)/lần nhưng kinh hoảng nhất là ở quá gần các khu vực giao tranh, ầm ầm tiếng đạn, pháo bắn, Páo gần như phát điên. Cho nên, ngay đến khi được bạn bè thương hại mang đi, cứ đến đoạn nào, nghe tiếng súng nổ hoặc thấy người lạ, Páo lại co rúm người, quỳ mọp xuống một, hai nói: “Xin các anh tha cho em để em được về nhà”. Ngay cả khi đã được đưa ra chỗ ở tạm trong tầng 2 sân bay Zazis để về Việt Nam, thỉnh thoảng Páo vẫn lên cơn hoảng loạn tưởng có ai đó đến giết mình. Một bác sĩ nói, Páo sẽ khỏi bệnh khi về Việt Nam một thời gian vì đây chỉ là những dấu hiệu của sự hoảng loạn mà thôi.

Điều may mắn, tính đến giờ này (6.3) là chưa có công nhân Việt Nam nào bị dính tên bay, đạn lạc mặc dù có lúc, những viên đạn, pháo hướng về họ đã chẳng phải vô tình. Tôi ngẫu nhiên có mặt ở cửa khẩu Ras Jediria vào giờ trưa ngày 5.3, đúng lúc một nhóm 4 công nhân của Vinaconex đưa sang lao động ở Libya vừa chạy thoát về đến nơi. Chưa hết hoảng hốt, Đoàn Văn Cao (quê ở Linh Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang), bốn người bọn họ vừa thoát khỏi chuyến xe “tử thần” khi liên tiếp bị quân lính Chính phủ Libya chặn lại dọc đường. “Chẳng hiểu thế nào, vừa cho qua, lên xe đi được một đoạn ngắn thì họ quay súng bắn theo, đạn cày tung cả phần đuôi xe lên, lái xe lại phanh khựng lại. Chúng tôi sợ hết cả hồn. May sao lái xe cũng sớm định thần lại, cho xe chạy tiếp”, Cao kể. Trước đó, Cao và 3 công nhân còn lại đã bị mắc kẹt hơn 10 ngày ở sân bay Tripoli trong tình trạng mỗi ngày chỉ có vài mẩu bánh mỳ, nước thì dùng tay đi hớt từng ngụm ở trên mặt đất. Họ trở về lán trại trong tiếng reo mừng của anh em công nhân vì nhiều người đã lo lắng họ khó toàn tính mạng khi ở khu vực sân bay đến giờ này.

Trước đó vài ngày, một công nhân trẻ măng khác tên là Phan Quang Uỷ, người huyện Can Lộc-Hà Tĩnh  (do công ty Na Lidco đưa sang) cũng đã được đưa về trại tị nạn, trong tình trạng khá thê thảm. Anh bị tai nạn gãy giập ống chân vào ngày 14.2.2011 do cốt pha đè gãy khi đang lao động trên một công trường. Những người cùng quê của Uỷ và bạn cùng công ty đã cùng nhau giúp Uỷ đi suốt một chặng đường dài hàng trăm km để thoát khỏi đất nước Libya loạn lạc.

Cũng có những trường hợp người lao động Việt Nam bí bách phải làm liều. Theo lời kể lại của một đốc công Việt Nam, chàng thanh niên tên N.V.D, quê ở huyện Mê Linh, Hà Nội đã cùng nhóm bạn cùng tổ bỏ chạy khỏi Tripoli do đã quá sợ hãi trước không khí chiến sự ở đây. Họ thuê xe đi ra cảng biển Tripoli, định bụng tìm tàu thuỷ lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ. Chờ mãi trong cảnh màn trời, chiếu đất, mỗi ngời chỉ được ăn một chút bánh mỳ cầm hơi mỗi ngày mà mãi không được làm thủ tục lên tàu,  D và nhóm bạn liều chặn cướp một xe chở hàng cho tàu thủy để cướp lương thực, phân phát cho những người tị nạn đồng cảnh ngộ ở bến tàu. Nếu như vào hoàn cảnh bình thường, cả nhóm của D sẽ bị bắt, phạt tù nhưng thật may mắn, chính quyền lại thông cảm cho việc làm của D và cả nhóm nên không những không bắt giam lại còn đi chở đến cho họ một xe lương thực: bánh mỳ, nước uống...giúp D và mấy công nhân người Viểt ra tận cửa khẩu Ras jediria.
Còn rất nhiều các câu chuyện bi, hài khác, bi nhiều hơn hài liên quan đến số phận của những người lao động Việt Nam trong cuộc biến loạn mang tên Libya nhưng tất cả các câu chuyện ấy, mà tôi được trực tiếp nghe các nhân vật hoặc gián tiếp nghe kể qua bạn bè cùng tổ của họ đều cho thấy, trong những lúc khó khăn, những người lao động Việt Nam rất biết chia sẻ, đùm bọc, bảo vệ lẫn nhau. Đó chính là điều đáng quý nhất và chính nó sẽ tạo nên hình ảnh đẹp cho những cộng đồng người Việt khi đi làm việc ở nước ngoài.

Mạnh Quân


BLOG ĐÀO TUẤN


Câu chuyện đơn giản đến không thể tin nổi: Ngày xxx, ông H đi xe ôm ra bến xe Giáp Bát. Khi đến nơi, ông bỏ mũ bảo hiểm ra để nghe điện thoại thì bất thần công an từ đâu ập tới lập biên bản xử phạt. Không đồng ý với quyết định phạt, ông đã lời qua tiếng lại. Người đàn ông khốn khổ đó đã bị một viên cảnh sát táng cho một dùi cui vào… gáy. Chưa hết, ông tiếp tục bị chơi trò chó đàn khi đám dân phòng xông vào đánh hôi. Rồi bị còng tay đưa về trụ sở. Rồi bị giữ đến 21h mới cho đi cấp cứu. Rồi thoi thóp ở Việt Đức trong tình trạng trật hai đốt sống cổ, liệt tứ chi, liệt cơ hô hấp. Và 6 ngày sau cú đòn ác như đánh kẻ giết cha, quật mồ, người đàn ông khốn khổ đã tử vong.

Tại sao một đám công an lại có thể đánh đến chết một người dân chỉ vì họ không đội mũ bảo hiểm, chỉ vì họ đôi co, thậm chí ngay khi họ chửi?

Cái tội của ông H là không chịu đút điện thoại vào nồi cơm điện. Và đến khi các anh công an bắt, thì lại bày đặt trình bày. Mà với công an, đầu tiên là gọi điện thoại cho người thân. Nếu không có ai thân với công an thì lại phải quay trở lại vấn đề đầu tiên: Tự xưng con cháu ông cụ râu nâu. Ai hơi đâu mà nghe trình bày. Sáng nay buôn dưa lê qua chat với một đồng nghiệp, rất bản năng phụ nữ, ả hỏi: Hay là bác í đánh công an trước nhỉ? Đúng là đồ đàn bà. Hằm hằm một đống. Súng lục, từ độ bác Nhanh quyết định cho cảnh sát giao thông dùng súng- trễ hông. Còng đeo lúc lắc. Rồi thì “Người nách gậy, kẻ dùi cui”. Dám trình bày đã là hoành tráng rồi nói chi đến chuyện bật. Một cậu bạn, chưa từng đánh ai, chưa biết bao giờ bị CA đánh- thì phẫn nộ: Cú đánh vào gáy, bất kể trong trường hợp nào, đều là cú đánh trộm. Cú đánh vào một người không có khả năng đánh trả, bất kể vì lý do gì, đều là cú đánh hèn hạ, bẩn thỉu.

Mình nghĩ ra đường giờ không khác gì ra trận. Những chiếc quan tài bay chất lượng tỷ lệ thuận với số khói phun đằng đít. Những chiếc hố tử thần bất kỳ lúc nào cũng có thể sụp ngay dưới chân. Những sợi dây thòng lọng không ngày nào không chơi trò “ai là nạn nhân”. Và những thần chết mặc áo công lý cầm gậy công quyền nấp sau gốc cây, cột điện. Đến việc không đút điện thoại vào nồi cơm điện cũng bị coi là trọng tội, bị đánh chết không cần ra toà, thì quả thực phố phường giờ man rợ quá. 

Tất nhiên sẽ có vụ án được khởi tố, có kẻ đi tù và có người cho đó chỉ là “những con sâu”. Nhưng không phải chỉ ở Thịnh Liệt đâu, ở đâu giờ công an, dân phòng cũng nhâu nhâu bắt kẻ vi phạm như thế. Công an, giờ đã chỉ còn quan tâm đến hiệu quả, đến vấn đề đầu tiên, đã chỉ còn bắt, và phạt chứ không thừa hơi tốn sức đâu mà đi xử lý, hướng dẫn, nhắc nhở. Ở phường mình cũng có một đội trật tự- dân hay gọi là công an hạng 2- cùng với công an hành nghề bắt bọn đầu trọc- tức là ngồi xe mà không đội nồi cơm điện. Tử tế nhất trong đội là một cậu gần nhà mình. Đã qua mấy năm lính, sau không học hành gì cả, và thất nghiệp trước khi làm công an hạng 2. Một anh khác, cùng ngõ thì từng đi trường giáo dưỡng từ bé vì đánh nhau và cướp giật, lớn lên đi tù, chữ còn chưa đọc sõi. Anh này ban đêm chuyên được mang ra làm ngáo ộp bắt trẻ con ngủ. Gặp anh, nhìn ánh mắt ban đêm khi anh lừ lừ chui ra từ gốc cây cột điện mà yếu tim vớ vẩn đi cấp cứu luôn. Thế mà đùng một cái, vào một ngày anh bỗng mặc đồng phục dân phòng có sao, có gậy, quát ra lửa và sẵn sang tặng cho bọn thích trình bày những cú vuốt má hoa mày chóng mặt. Nói chung làm dân phòng rất dễ, chỉ cần thất nghiệp, có năng khiếu chửi bới quát tháo, chân tay to một tí và diện “hoàn lương” thì càng tuyệt.
Cứ cẩn thận vẫn hơn. Mình tự răn khi ra đường là phải đàng hoàng nồi cơm điện có kính chắn, giáp gáy và thề không bao giờ dừng lại, tháo mũ để nghe điện thoại trên đường, dù đó  là điện thoại của… chị. Quan trọng hơn, chẳng hạn có bị các anh công an chặn đường thì chỉ được mỉm cười và đáp một chữ: Vâng. Mình chưa muốn đi gặp nha sĩ, càng không muốn xuống Văn Điển.



BLOG ANH HAI SG



Báo Lao Động online ngày 22 – 2 – 2011 đăng bài Thác Nước Detian – Thiên Đường Chốn Hạ Giới, hôm qua tôi may mắn “chộp kịp” gom lại thành bài “ Lãnh Thổ Giá Rẻ” phổ biến khắp cùng hải ngoại.

Hu hu..! Hôm nay, mấy tờ báo của CSVN trong nước nhảy loi choi đòi nghiêm trị tờ báo đăng tin “ quá thiệt” Nỗi cộm nhất là tờ Thanh Niên và tờ TTXVN đòi phải “ xử lý” thích đáng. Kỳ này có thật báo Lao Động… lãnh búa, hoặc đây chỉ là màn màu mè để… trấn an thiên hạ?

Thật ra, thác Bản Giốc đã bị bọn đảng Cộng Sản VN bán rẻ cho Tàu rồi. Cách đây vài năm, nhà báo Điếu Cày khi qua Tàu tham quan Thác Đức Thiên đã bật ngửa vì Thác Đức Thiên là Thác Bản Giốc của Việt Nam! Sau khi trở về anh viết một bài rất phẫn uất kèm theo đầy đủ hình ảnh gửi đăng các báo tại hải ngoại. Anh còn tham gia biểu tình lên tiếng bảo vệ chủ quyền “Hoàng Sa Trường Sa là của VN” nên bị nhà nước CSVN bắt giam đến nay dù án tù của anh đã mãn hạn mấy tháng trước mà họ chưa thả anh về.

Mời cô bác đọc lại bài viết của anh Điếu Cày:

***

Thác-Bản-Giốc-VC-vừa-bán-cho-Tàu 

“Chuyện tréo cẳng ngỗng : TQ mời báo chí VN tham quan du lịch “Thác Bản Giốc ” mà Trung cộng chiếm đoạt trước đây !

TQ vừa hoàn thành xây dựng biến Bản Giốc thành 1 thị trấn du lịch ! Các đỉnh cao Hà Nội và Cục trưởng Du lịch & Báo chí hoan hỉ tham gia !

Biết bị chúng dằn mặt, chơi xỏ mà không dám hé môi ! Ôi chao ơi, Hà Nội đã hèn hạ bán đứng 1 phần đất của Tổ Quốc mà biết bao xương máu đã gầy dựng nên, nay lại vui vẻ đươc, bị, phải … đến đấy tham quan du lịch để... xác nhận chủ quyền của kẻ ăn cướp !

Đây là màn đầu của “hoạ mất nước” được ngụy trang dưới hình thức đẹp đẽ của cuộc du lịch.


Sẽ còn nhiền màn ngụy trang tương tự như vậy xẩy ra đề che lấp cái tài cướp đất của Tàu phù và sự hèn nhát của CSVN dâng đất cho Tàu phù theo kiểu từ từ “tầm ăn dâu” và cùng đồng thời lừa bịp cả Thế Giới nữa…
Du khách VN nhìn thác Bản Giốc nay là tháp Đức Thiên. Tháp Đức Thiên được gọi là Đệ nhất Hùng quan Nam Trung Hoa.

Ba năm trước, nhân kỷ niệm Quốc khánh nước Cộng hoà nhân dân Trung hoa vĩ đại, mình có được mời tham gia một đoàn sang dự một lễ hội nào đó tổ chức tại thành phố Sùng tả- Quảng tây.
Nghe có vẻ đèo heo hút gió nên mình cũng không mặn mà. Nhưng bảo đi thì phải đi thôi. Vì chuyến đi còn có Cục trưởng cục Báo chí, Vụ trưởng Vụ Du lịch.

Thấy có vẻ cũng đầy nội dung quan trọng. Thì đi.


Bên phía VN, ngoài cái đồn biên phòng thác Bản Giốc
thì chỉ có một đám ruộng và mấy cái bè tre

Bắt đầu lúc 7 giờ.

Đại diện Tân hoa xã tại VN và tham tán văn hoá sứ quán TQ (nôm na là thư lại ở phủ Thái thú) tiễn từ HN lên tận… cửa khẩu Hữu nghị. Ăn uống tại Lạng sơn xong thì làm thủ tục qua biên giới.

Sang đến Bằng Tường lại đón tiếp nồng nhiệt- ăn và uống , canpây chúc cho tình hữu nghị Việt Trung đời đời bền vững.

Rồi lên xe đi. Xe Tàu, tất nhiên. Có cả xe cảnh sát mở đường. Cắm cờ và hụ còi. Cả đoàn ai cũng thấy oai như cóc “Nó” cũng tôn trọng mình đấy chứ.

Đoàn người xe cứ rồng rắn đi. Đường đang mở, thênh thang, có đoạn rộng đến gần 100m.

Các bác nhà ta thôi rồi mà nức nở : “Quy hoạch thế mới là quy hoạch. Nhìn xa trông rộng, đâu ra đấy. Đầu óc thế mới là đầu óc”.


TQ làm nhiều khách sạn và nhà nghỉ trên triền núi cao nhìn xuống thác.

Triền núi có con đường chạy dọc sông Quây Sơn, dưới sông là dãy bè qua suối.

Đi mãi, đi mãi. Đồi núi chập chùng. Chỗ nào bằng phẳng thì chỉ ngô và mía. Bạt ngàn. Đặc sản Quảng Tây là ngô và mía. Cung cấp đường và bột ngô cho cả đất nước Trung hoa vĩ đại.

Đi mãi, từ 1 giờ chiều đến tận 8 giờ tối. cả đoàn mệt lử lả vì lượn lờ trên những con đèo rất nhiều cua tay áo.

Rồi dừng lại ở một chỗ. Gọi là thị trấn thì quá to, nhưng thành phố thì không được vì quá ít người.

Chính là cái chỗ trong giấy mời ghi là thành phố Sùng Tả.

Sáng mai ở đây khai mạc hội chợ du lịch và khánh thành khu du lịch Thác Đức Thiên – Đệ nhất Hùng quan Nam Trung ho.


Bên kia sông Quây Sơn, trên đồi là những khách sạn khai thác du lịch của TQ.

Cận cảnh khu khách sạn:


Quan khách nhập tiệc và nghỉ ngơi. Sáng mai ra khu vực Thác Đức Thiên sớm. 7 giờ sáng cả đoàn háo hức dậy. 8 giờ lên xe. Đi vòng vèo ….60 km nữa mới đến vành đai rừng phòng hộ của khu du lịch quốc gia Thác Đức Thiên.

Đi xe điện lên đỉnh thác. Nhìn xuống
Đẹp rùng rợn
và nhìn sang
Trời ơi
Đất ơi
Mẹ ơi
Măng ơi
Một nửa của Đức Thiên chính là Thác Bản Giốc
Bên kia sông chính là Cao Bằng của mình.


Toàn cảnh thác Bản Giốc. Bên trái của VN. Bên phải của TQ.

Mình đã đi đúng một ngày trời chỉ song song với biên giới.

Mở thật to mắt nhìn chúng nó chăng cờ hoa biểu ngữ đón mình đến thăm ..nhà mình
Như khách!

Bọn mất dạy! Bọn khốn nạn!

Cướp đất nhà người ta, làm nhà trên ấy, toà ngang dãy dọc rồi hôm khánh thành lại “Mời bác sang nhà em uống chén rượu nhạt”.

Mình gào lên, nước mắt chảy ròng ròng.



Toàn cảnh thác Đức Thiên của TQ.



Toàn cảnh thung lũng thác Đức Thiên TQ mua của VN.


Trong đoàn có vài người cúi mặt. Họ nhiều tuổi, xấu hổ. Nhục, nhưng không phản ứng chợ búa như mình.

Các bác quan chức im lặng. Một bác thì thào : anh chị em phát ngôn cẩn thận. BẠN có nhiều người biết tiếng Việt.

“Kệ mẹ nó chứ! Nó biết tiếng Việt càng tốt,em chửi cho nó nghe”.

Đời mình chưa bao giờ ngoa thế. Nhưng một chị già đã bịt miệng mình lại. Bằng tay.

Chán không muốn nhớ lại nữa.

Chuyện này về sau hình như không ai báo cáo lại, rằng đoàn VN đã có một chuyến công du ngoạn mục thế.

Phần thác Bản Giốc còn lại của VN.

Mình vẫn còn giữ cái kỷ niệm chương bằng pha lê có khắc hình thác Đức Thiên (mả mẹ nhà chúng nó) với dòng chữ “Nam Trung hoa đệ nhất hùng quan” bằng tiếng Tàu.

Thôi, tức quá , không viết nữa, không thì lại chửi bậy.

Tóm lại thì đồng bào buôn bán cứ buôn bán, giao du cứ giao du, đi sang đấy về cứ việc nức lên ca ngợi các kỳ quan thế giới với lại nền văn minh Hoa Hạ 5000 năm.

Long trọng khẳng định một lần cho mãi mãi : Chúng nó là cái bọn đ… chơi được!”

Điếu Cày

***

Còn đây bài của báo Lao Động:


Còn đây 2 tờ báo đề nghị đòi nghiêm trị báo Lao Động:

Thứ Năm, 24/2/2011 20:55 GMT+7

Đề nghị xử lý nghiêm sai lầm của Báo Lao động

24/02/2011 | 21:59:00



Một góc thác Bản Giốc. (Nguồn: Anh Tuấn/TTXVN)

Do sai lầm về nội dung một bài viết trên Báo Lao động điện tử ngày 22 tháng 2 năm 2011 (Bài “Thác nước Detian – thiên đường chốn hạ giới”), ngày 24 tháng 2 năm 2011, Ban Tuyên giáo Trung ương có công văn gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Tổng Liên đoàn, với tư cách là cơ quan chủ quản, kiểm điểm, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân sai phạm; báo cáo việc xử lý về Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan chức năng trước ngày 27 tháng 2 năm 2011.

Cùng ngày, thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử của Bộ này cũng có công văn nội dung tương tự gửi Báo Lao động và cơ quan chủ quản của Báo./.

Quang Nhật (TTXVN/Vietnam+)

Xử lý vụ đăng tin lệch lạc về thác Bản Giốc

24/02/2011 23:12

Do sai lầm về nội dung một bài viết trên Báo Lao Động điện tử ngày 22.2 liên quan đến thác Bản Giốc (Bài Thác nước Detian – thiên đường chốn hạ giới), hôm qua 24.2, Ban Tuyên giáo T.Ư có công văn gửi Tổng liên đoàn Lao động VN đề nghị Tổng liên đoàn, với tư cách là cơ quan chủ quản, kiểm điểm, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân sai phạm; báo cáo việc xử lý về Ban Tuyên giáo T.Ư và các cơ quan chức năng trước ngày 27.2.

Cùng ngày, thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử của bộ này cũng có công văn nội dung tương tự gửi Báo Lao Động và cơ quan chủ quản của báo.

Thụyvi

(Hầm Nắng, 24 – 2 – 2011)

Cảm ơn Anhbasàm.


BLOG NGUYỄN QUANG THÂN-DẠ NGÂN


Nguyễn Quang Thân


Nhức ngối cái nghèo cái khổ "phận đàn bà" :
bé Mũ 9 tuổi làm mẹ, đi học với em trên vai

Niềm vui thường giống nhau nhưng đau khổ thì chẳng ai giống ai, một văn hào Nga đã từng nhận xét như vậy. Đây là tình cảnh làm rơi nước mắt của em Hoàng Thị Mũ mới lên 9 được đưa lên các báo mấy hôm nay: Từ ngày mẹ và một đứa em mất trong trận lũ trên sông Gâm, ông bố nghiện rượu ít khi về nhà, Mũ đã phải làm mẹ. Trong tay Mũ là hai đứa em trai, đứa tám tháng đứa sáu tuổi cùng toàn bộ lo toan cho cuộc sống một gia đình nghèo đang tan nát. Hàng ngày đến bữa phải pha “sữa” ( thực ra chỉ là nước chắt từ nồi cơm độn sắn) cho “đứa con”, tắm giặt, cơm nước, chăm nó lúc ốm, dỗ nó lúc khóc và ai cũng biết là còn bao nhiêu công việc khác trong một gia đình có con mọn như thế. Mũ phải xin nghỉ học vì không thì cả nhà chết đói. Nhưng em của Mũ thì không thể bỏ học. Sáng sáng, trên con đường mòn men theo vách núi, vẫn là cảnh "hôm qua em tới trường, mẹ dắt tay từng bước…cọ xòe ô che nắng, thơm mát đường em đi” như trong bài hát rất hay kia, nhưng đây là bà mẹ mới lên chín, vai địu em bé, tay dắt em lớn. Liệu còn cảnh nào dễ làm ta rơi nước mắt cho sự “đau khổ lạc quan” và “hy sinh thầm lặng” hơn nữa không?


... và chăm em ở nhà ( Ảnh dantri.com) 

Và nhiều báo cũng đã đưa lên một hoàn cảnh “bé làm mẹ” khác. Đó là bé Thảo Vân ở Hà Tĩnh.  Khi mẹ bị tai nạn giao thông phải nằm liệt giường, Thảo Vân mới lên hai. Tám năm lớn lên trong hoàn cảnh một gia đình tưởng như Trời tạo ra để thử thách đức độ cưu mang của con người. Gia sản chỉ là vài sào ruộng “cày lên cát trắng” của đất Thạch Hà, bố của Thảo Vân đã tám năm nay phải xoay xở trăm đường để gánh lên vai một mẹ già, một ông chú bị “đao” ngớ ngẩn và đặc biệt là người vợ ngày dài lại đêm thâu nằm bất động trên giường. Lên hai khi tai nạn xẩy ra, rồi lên ba, nay đã lên mười, đứa con gái hiếu thảo nhất mực phải đỡ đần gánh nặng “nội trợ” để bố chạy vạy kiếm ăn, kiếm thuốc cho năm miệng ăn và người vợ ốm. Gánh “làm mẹ” của em có lẽ còn nặng hơn gánh những bà mẹ nông dân trong làng. Cơm nước, quét dọn, giặt dũ cho cả nhà và còn thêm một việc bất đắc dĩ nhưng không thể không làm là đi ăn xin để phụ giúp bố. Và hơn tất cả những thứ đó, em còn đi học, lại là học sinh giỏi bốn năm liền,  đạt giải ba học sinh giỏi cấp huyện, là thành viên của đội học sinh giỏi chuẩn bị thi tỉnh. Cô học sinh giỏi ấy phải đi ăn mày trong ngày nghỉ và chỉ được mặc những bộ quần áo cũ, những quyển vở cũ của người khác bố thí cho.

Chắc chúng ta vẫn chưa quên một bé Mai Xuân Trường, “mẹ trai” lên năm, con của cô giáo Võ Thị Mến ở Tây Ninh, chăm sóc mẹ bên giường bệnh, sắc thuốc cho mẹ uống, thức đưa võng và hát ru mẹ ngủ trong căn nhà rách nát khi người bố đã tệ bạc bỏ đi. Bé Nguyễn Thị Thảo Uyên ở Huế, bản thân mang bệnh u xơ vòm ngực, đang học lớp 4 nhưng một mình em phải chăm mẹ ung thư, cha bị “gút”. Em thường không ngủ vì sợ nếu ngủ thì sáng mai” có thể mãi mãi không nhìn thấy ba mẹ nữa”. Bé Nguyễn Thị Tường Vy nay lên chín, ở Bến Tre, phải nghỉ học từ lớp một để chăm sóc người mẹ bị bệnh AIDS giai đoạn cuối, căn bệnh của quãng đời lầm lỡ rời quê lên tỉnh nên bị cả người thân kỳ thị xua đuổi. Trong cái chòi che lá dừa nước góc vườn, Tường Vy được các nhà báo khen là xinh đẹp, đã “làm mẹ” mấy năm nay cùng những công việc chẳng dễ dàng gì như cơm nước, tắm rửa, đi lĩnh thuốc, với một bệnh nhân AIDS ở giai đoạn mù lòa, liệt giường.

Cám ơn các phóng viên đã phát hiện, các báo đã và đang tổ chức quyên góp giúp các “bé làm mẹ”. Lòng nhân ái không bao giờ hiếm hoi dù hoàn cảnh giá cả leo thang củi châu gạo quế. Nhưng những mảnh đời buồn trên đây còn gợi lên những gì quan trọng hơn cả lòng nhân ái. Các bà mẹ nước ngoài đến Việt Nam chơi thường nói: “ Sao thấy phụ nữ Việt Nam khổ thế!” Mấy cô chiêu cậu ấm thành thị đi píc níc về nông thôn cũng hay cám cảnh: “ Sao phụ nữ nông thôn mình khổ thế!” Hãy nghĩ tới những em bé mồ côi kể cả khi mẹ còn sống hay đã mất. Các em có thể phải đi ăn xin nhưng đó là những thiên thần của lòng hiếu thảo và đức hy sinh. Hành động cao cả của các em thì những tấm gương xưa trong “Nhị thập tứ hiếu” hay “Tấm lòng vàng” của Edmondo De Amicis cũng khó hay hơn. Nhưng nó làm lòng ta xát muối vì một câu hỏi đặt ra: hệ thống an sinh xã hội đã làm được gì, còn phải làm gì, có cách gì san bớt cái hố giàu nghèo để các em bị rơi vào cảnh khốn cùng không phải “làm mẹ” bất đắc dĩ?


BLOG PAULUS LÊ SƠN



Nguyễn Thế Nghiệp, công an giết người đứng trước tòa - ảnh: Báo thanhnien

Vụ án anh Nguyễn Văn Khương 21 tuổi bị công an Bắc Giang đánh đập cho tới chết ngay tại cơ quan công an hồi tháng 7 năm 2010 chỉ vì lỗi không đội mũ bảo hiểm lại cuộn lên trong dư luận trong thời gian này.  Nó nóng lên không chỉ bởi nó đã nóng sẵn trước sự phẫn uất của gia đình nạn nhân, của nhân dân trong cả nước khi mà một kẻ được gọi là “công an nhân dân” dùng bạo lực đánh chết người, hơn nữa, giờ đây vụ án tiếp tục nóng vì bản án quá ư là “nhẹ nhàng” đối với tên giết người và quan trọng là những người dân đã bị bắt khi đứng lên đòi lại công lý có thể bị án tù rất cao.

Theo tin trên tờ Thanhnien online phô tin hôm nay 1.3, TAND tỉnh Bắc Giang đã tuyên phạt 7 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Thế Nghiệp (sinh năm 1985) - nguyên thiếu uý, cán bộ thuộc Đội Cảnh sát điều tra (CSĐT) về trật tự xã hội, Công an huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ.
Trước đó, trên một số trang mạng đã đăng bản cáo trạng của tòa án Bắc Giang đề ngày 14/2/2011 quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với 10 người dân đã tham gia xuống đường biểu tình cùng với hàng vạn người thể hiện lòng phẫn uất và đòi lại Công lý trước tội ác của công an đã giết dân. Họ bị truy tố với các tội danh “gây rối trât tự công cộng , chống người thi hành công vụ và hủy hoại tài sản”.

Vụ án công an Nguyễn Thế Nghiệp đã ra tay sát hại nạn nhân Nguyễn Văn Khương ngay trong trụ sở công an đã làm rấy một làn sóng bức xức, phẫn uất của nhân dân Bắc Giang. Trước cái chết thương tâm bởi bạo lực từ tay công an gây ra, nạn nhân đã chịu một cái chết oan khuất với những ngón đánh hết sức man rợ khiến anh vỡ bọng đái, có vết thâm do bị bóp cổ, có vết đánh tại sau gáy. Đây là một sự ra tay man rợ mất hết nhân tính, cố ý gây ra cái chết cho đối phương. Trước tội ác kinh hoàng đó, hung thủ nhận một bản án khá nhẹ nhàng so với khung hình phạt về tội giết người.

Trong câu chuyện mà nhiều người đang bàn tán về hình phạt 7 năm tù giam cho tội giết  người của một công an, đã có nhiều người thở than “vì nó là công an, có thể là con ông cháu cha, nó đứng trên pháp luật thì nó làm gì chả được, mỉa mai hơn có người còn liên hệ đến với nhiều đối tượng giết người bị tuyên án tử hình cũng vì tội giết người. Nếu mà các đối tượng đó cũng làm công an thì giết người cũng chỉ bị 7 năm tù giam thôi chứ chẳng bị tử hình đâu”.



Di ảnh nạn nhân Nguyễn Văn Khương bị công an đánh chết

Báo chí loan tải về các vụ án giết người trong xã hội nhiều như con rọi trong thùng mắm. Và thường thì các hung thủ đều nhận mức án cao nhất là đền tội bằng chính mạng sống mình. Nhiều vụ án nổi tiếng dư luận không kém vụ công an Bắc Giang giết người, với nhiều nguyên nhân, tình tiết  dẫn đến hành động giết người rất đa dạng phong phú. Vụ thì động cơ là giết người cướp của, vụ thì do mâu thuẩn tình cảm cá nhân…

Chẳng hạn, chắc hẳn những ai quan tâm đến báo chí vẫn còn nhớ đến vụ án xảy ra trong Sài Gòn, Phan Minh Mẫn đã phải nhận mức án tử hình do hành vi giết cha ruột. Theo báo chí đưa tin cội nguồn của vụ án xét một khía cạnh nào đó được cho rằng người cha của bị cáo là một nguyên nhân. Lỗi của một người không làm tròn thiên chức của một người cha. Vì một người cha nát rượu, đánh đập vợ, ngược đãi con cái triền miên đã gây ra một tâm lý phẫn uất cho vợ cho con. Vì những sự đó, động cơ dẫn đến hành động của em hoàn toàn là bộc phát, thiếu suy nghĩ, và có thể nói là thiếu hiểu biết pháp luật.

Mỗi khi một bị cáo nào đó đứng trước tòa trước tội ác của mình thường hay nói “do bị cáo không hiểu biết pháp luật nên mới hành động nông nổi, thiếu suy nghĩ”. Vậy thì những kẻ mà hiểu biết pháp luật mà vẫn giết người sẽ nói gì?

Khi thực hiện hành vi giết người, nếu những người thiếu hiểu biết pháp luật họ sẽ hành động một cách thiếu suy nghĩ đến hậu quả cho nạn nhân và cho chính đương sự phải trả giá sau này trước tòa án pháp luật và lương tâm. Họ ra tay theo bản năng xui khiến ngay lúc họ đang có ý định thực hiện hành vi giết người, tư duy pháp luật không hạn chế được hành vi phạm tội của họ để thỏa mãn ý đồ mà đương sự đang ham muốn.
Đối với kẻ giết người hiểu biết pháp luật và nhất là kẻ đó lại là người được nhân dân trả tiền để bảo vệ lại ra tay  giết hại thì như thế nào, phải bao biện ra sao đây?. Khi hung thủ thực hiện hành vi giết người thì hung thủ nghĩ gì?. Công an được dậy và học gì trong trường nghề của mình? Há chẳng phải là học luật pháp kỹ càng?, học tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh?, chẳng phải được dậy bổn phận của mình là phải bảo vệ nhân dân, phục vụ nhân dân?. Tại sao công an giết dân?.

Nguyễn Thế Nghiệp, công an giết dân đã học những gì trong trường dậy nghề binh võ?, khi ra tay thực hiện sát hại anh Khương, sự hiểu biết pháp luật, tư tưởng đạo đức HCM chỉ dẫn thực hiện như thế nào?. Tại sao hành vi giết người đó không dừng lại nếu sự hiểu biết pháp luật và đạo đức HCM có thể hạn chế? Nguyên hành vi hành hung công dân của công an đã không bao giờ được phép chứ đừng nói gì đến việc tra tấn, giết người. Và cũng không thể bao biện hành động công an giết người là do vô tình hay cố ý.

Hành động  giết người dẫn đến cái chết của anh Khương mà công an Nguyễn Thế Nghiệp gây ra có được coi là man rợ, vô nhân tính?. Có khác gì với những vụ án giết người khác mà các bị cáo thường phải trả giá bằng chính mạng sống mình?. Tất nhiên là khác, khác vì công an Nguyễn Thế Nghiệp có hiểu biết pháp luật, được giáo dục để phục vụ nhân dân, được học cái gọi là đạo đức HCM nên giết người chỉ bị 7 năm tù, còn kẻ khác thiếu hiểu biết pháp luật, không được biết đạo đức HCM  thì bị mức án cao nhất khi phạm tội?. Những vần ca dao tục ngữ của ông cha ta phải sống trong thời phong kiến bất công có bị lạc hậu?:
“Cái cò, cái vạc, cái nông
Ba cái cùng béo, vặt lông con nào
Vặt lông cái vạc cho tao
Hành, răm, nước mắn, bỏ vào mà thuôn” (trích ca dao, tục ngữ Việt Nam)


Hàng vạn người Bắc Giang biểu tình

Với mức án 7 năm, có thể viên công an giết người này sẽ chỉ thụ án trong khoảng một vài năm và được tự do, có thể lại phục hồi danh hiệu và tiếp tục hoạt động trong ngành công an và có thể lại giết người? Có thể công an giết người này là con ông cháu cha của một cán bộ cao cấp nào đó? có thể là gia đình nạn nhân đã bị bịt miệng, có thể là… và có thể vì tên giết người là công an?

Trong một vụ án, tên giết người  có mức kết án 7 năm tù, còn những người đồng cảm với nạn nhân và gia đình nạn nhân thì không biết họ phải hứng chịu án gì đây. Nghĩ tới họ mà chua sót cho những kẻ thảo dân bần cùng cơ cực. Nhớ tới những ca dao, tục ngữ mà ông cha đã để lại nói về cảnh mâu thuẩn trong sinh hoạt xã hội giữa tầng lớp bị trị và cai trị liệu có tái hiện trong thời đại ngày nay?

“Bộ Binh, Bộ Hộ, Bộ Hình
Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi”
(Trích cao dao, tục ngữ Việt Nam)

Nếu bao biện là xét trên mức án cao nhất dành cho kẻ giết người trong khi thi hành nhiệm vụ chỉ có 7 năm theo điều 97 Bộ Luật Hình Sự  năm 1999 thì hãy xem lại điều này. Có thể điều này là một cách cởi mở cho hàng loạt vụ công an giết dân trong những năm gần đây mà dư luận được biết?

Án tù dành cho kẻ giết người có hiểu biết pháp luật thì phải khác với kẻ thiếu hiểu biết ư? Pháp luật đang ở đâu hay chỉ có nhiệm vụ bảo vệ một nhóm người nào đó?

Hà Nội, 03.03.2011

Paulus Lê Sơn