Thứ Năm, 24 tháng 2, 2011
GẶP GỠ TRÊN ĐẤT MỸ (XXXXI)
Tiêu Dao Bảo Cự
Kỳ 41
Một cuộc gặp gỡ khá đặc biệt là cuộc gặp Lý Tống. Ông Ngoạn - ông già chơi lan, người quen của hai anh em Thoàn – Blue Hương Giang, mà chúng tôi đã có dịp đến chơi, mời hai anh em ông Thoàn và chúng tôi đến nhà ăn cơm. Chúng tôi đến, thấy có thêm mấy người khách nữa, trong đó có Lý Tống. Nguyên Lý Tống trước đã từng thuê nhà của ông Ngoạn và vẫn lấy địa chỉ ở đây. Lại còn một người anh của Lý Tống - một nhà thơ cũng có mặt.
Tôi nghe về Lý Tống đã lâu nhưng hơi bất ngờ khi biết anh là người Huế. Anh khá đẹp trai, trắng trẻo, có vẻ hào hoa phong nhã, thường mặc áo và đội chiếc mũ ca lô của phi công. Anh nói nhiều, hầu như độc diễn trong bàn ăn. Ngoài kể chuyện ở tù cộng sản, tù bên Thái Lan, anh còn than phiền về tình hình bát nháo, chia rẽ của cộng đồng. Anh lấy ra một thanh gươm Nhật dài mới mua và bảo: “Tôi đã có súng nhưng tôi vẫn mua thanh gươm này. Để khi nào có đứa vớ vẩn xông vào nhà tôi, tôi sẽ dùng gươm chặt đầu. Thế chúng nó mới sợ chứ dùng súng quá tầm thường.” Anh còn khoe đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ (về luật hay kinh tế gì đó) và soạn một cuốn tự điển dạy làm thơ ?! Quả là một con người đa dạng.
“Anh hùng tay súng tay gươm” Lý Tống.
Anh hỏi tôi nghĩ gì về anh. Tôi trả lời: Không phải mới bây giờ mà ở trong nước từ lâu tôi đã nghe nói về anh, chuyện vượt biên, cướp máy bay rải truyền đơn ở Sài Gòn, bay qua Cuba, cưỡng đoạt máy bay của Thái Lan…Những hành động đó về một phương diện, có thể nói là anh hùng mà chỉ một mình anh chứ không ai khác có thể làm được. Tuy nhiên đối với chế độ cộng sản Việt Nam thì với những hành động đó, dù có đến 10 Lý Tống cũng không làm gì được họ. Anh suy nghĩ một lúc rồi nói: Dù sao những hành động của tôi cũng có tác dụng kích thích người khác bớt sợ hãi, đứng lên chống đối.
Lý Tống và TDBC.
Trước khi ra về Lý Tống tặng các người khách mỗi người một tập sách và đĩa DVD có tựa đề “Huyền thoại Lý Tống” ghi lại thành tích của anh và tất cả những bài báo tiếng Anh, tiếng Việt viết về anh. Đúng là một con người đặc biệt.
BY lại gặp một người đặc biệt khác: chị Thu Hoa, chứng nhân của một cuộc tình bi thảm thời chiến. Trong Đặc San 2006 của Khóa 21 Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trường Võ Bị Đà Lạt ở Mỹ, chị có viết một hồi ký “Tết Mậu Thân và gia đình tôi” nói về chồng của mình là cựu sinh viên sĩ quan khóa này. Chị là người quen của ông Nhất Tuấn, được xem các pps do BY làm cho thơ của ông nên chị đề nghị ông Nhất Tuấn giới thiệu để nhờ BY làm pps cho hồi ký của chị. BY nhận lời và đã làm một pps rất dài, dài nhất so với các pps đã làm, với tựa đề “Chiến tranh và định mệnh”.'
Hai vợ chồng trẻ vừa mới có đứa con gái nhỏ, chưa được sống bao lâu với hạnh phúc gia đình. Anh là sĩ quan, xuất thân từ Võ Bị Đà Lạt, thuộc sư đoàn 5 có hậu cứ ở Bình Dương; chị là nhân viên Đài Phát Thanh Đà Lạt. Tết Mậu Thân hai người hẹn gặp nhau nhưng vì trở ngại bất ngờ hai người lạc nhau, chị mang con xuống đơn vị thăm anh trong khi anh lại chạy xe honda về Đà Lạt gặp chị, không gặp được nhau. Ngày hôm sau, xảy ra chiến cuộc Mậu Thân. Hai người mất liên lạc. Ít lâu sau, chị được báo tin anh đã chết và chị phải về đơn vị của anh để được một đồng đội của anh đưa đi tìm xác chồng. Chính người đồng đội này đã cùng đi chung honda với anh về Đà Lạt. Anh này cho biết khi hai người vội vã trở lại đơn vị, hai người chở nhau, chồng chị ngồi sau đã trúng đạn lính Mỹ khi đi qua khu căn cứ Long Bình vì lính Mỹ tình nghi hai người là Việt Cộng do họ mặc thường phục và chạy rất nhanh về hướng Sài Gòn, ngược chiều với dân chạy loạn khi Việt Cộng mở cuộc tấn công bất ngờ. Tình hình hỗn loạn nên xác anh đã bị phơi mưa nắng ba ngày đêm cho đến khi đơn vị xác minh và được cha xứ nơi anh chết chôn cất. Chị và con tìm được anh khi anh đã nằm dưới mộ. Chiến cuộc tiếp diễn, cuộc đời chồng chất khó khăn nên mãi đến sau năm 75 khá lâu, chị mới dành dụm đủ tiền để đến bốc mộ đưa anh về Đà Lạt. Khi đến nơi, chị kinh hoàng được biết, do hoàn cảnh cùng khổ, người dân ở đây đã bốc tất cả mộ vùng này đem chôn chung một nơi khác để lấy đất làm nơi sản xuất. Một lần nữa, hai mẹ con, đứa bé gái bây giờ đã là một thiếu nữ, lại đứng trước mộ chồng và cha, nhưng không thể nào nhìn được mặt hay cả nắm xương tàn của anh trước khi vĩnh viễn chia lìa. Một định mệnh vô phương cứu vãn.
Câu chuyện quá bi thương. BY đã dồn hết tâm huyết làm cái pps này và chị Thu Hoa nói lần nào xem chị cũng không cầm được nước mắt. Nghe tin BY qua Mỹ, chị đã tìm đến gặp gỡ người đã giúp chị thể hiện tâm tình mình bằng những hình ảnh và âm nhạc tuyệt vời quyện với những giòng chữ rướm máu trong hồi ký chị đã viết để chia sẻ với đồng đội cũ của anh. Dĩ nhiên tôi để hai phụ nữ đi chơi riêng với nhau cho dễ tâm sự.
“Chiến tranh và định mệnh”.
Chúng tôi lại gặp thêm một nhân vật đặc biệt nữa, trên một phương diện khác, ông Nguyễn Gia Kiểng, nhân vật hoạt động chính trị kiên trì thuộc loại bậc nhất ở hải ngoại. Ông Kiểng từ Pháp qua để nói chuyện với một số tổ chức chính trị ở Nam Cali. Trước khi về Pháp, ông đến San Jose để gặp gỡ các chí hữu cũ trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên Bắc Cali đã ly khai. Chúng tôi cũng được mời đến dự mấy buổi gặp mặt này.
Tôi biết ông Kiểng đã lâu, từ hồi ông mới bắt đầu làm tạp chí Thông Luận ở Pháp, một tờ báo thuần chính trị với sự góp mặt của trí thức ở nhiều nước và được nhiều người đánh giá là một tờ báo rất trí tuệ. Tôi đã từng có một số bài viết đăng trên Thông Luận, góp ý cho Cương Lĩnh Chính Trị Dân Chủ Đa Nguyên do nhóm này soạn thảo và có một bài trao đổi với ông Kiểng về vấn đề “Tổ quốc ăn năn”, cụm từ sau này thành tựa đề một cuốn sách của ông Kiểng đã gây tiếng vang lớn và có những phản ứng trái chiều. Khi có người trong nhóm Thông Luận hỏi tôi về đánh giá của những người trong nước đối với ông Kiểng, tôi trả lời tôi biết một số người khâm phục, ngưỡng mộ ông nhưng cũng có số người khác chê trách. Riêng tôi, tôi nghĩ ông là nhà tư tưởng hơn là nhà chính trị vì những bài viết của ông thường đưa ra những ý kiến táo bạo, độc đáo, ngược đời nên dù ông chủ trương hòa giải hòa hợp, ông lại có rất nhiều người chống đối. Nếu không đoàn kết được nhiều người chung quanh mình thì khó làm chính trị thành công, nhất là trong tình hình phức tạp, nhiều chia rẽ hiện nay. Có thể ông không hài lòng với nhận định này nhưng vì ông cổ vũ dân chủ đa nguyên nên tôi cứ nói thẳng. Vào năm 1996, khi tôi lần đầu bị gây khó khăn, công an gọi thẩm vấn liên tục, ông là một trong những người đầu tiên gọi điện thoại về thăm hỏi và tìm cách giúp đỡ.
Lần đầu gặp ông ở đây, giữa nhiều người, tôi thấy ông đối với tôi có vẻ như hơi dè dặt nhưng qua một lúc trò chuyện, ông tỏ ra cởi mở, thân mật hơn. Bề ngoài ông có vẻ chân chất. Khi nói chuyện, ông rất hùng biện và có trí nhớ phi thường. Nhắc lại chuyện cũ từ 10, 20 năm trước ông vẫn có thể kể một cách chi ly sự kiện, lời nói, hành động của từng người. Ông tỏ ra tự hào với việc tuy các chí hữu ở Bắc Cali đã ly khai Tập Hợp nhưng họ vẫn gặp gỡ trò chuyện với ông trong tình thân ái, không như ở nhiều tổ chức khác, trong các trường hợp như thế, thậm chí người ta trở thành kẻ thù của nhau.
Nguyễn Gia Kiểng (trái) và TDBC.
Tôi thấy ông Nguyễn Gia Kiểng là một người rất có nhiệt huyết và kiên trì theo đuổi công việc của mình. Gần đây trước sự bất lực và chia rẽ của những người đấu tranh cho dân chủ, ông luôn hô hào đề cao văn hóa tổ chức và tự đánh giá Tập Hợp là một tổ chức có thế giá nhất ở hải ngoại để quy tụ mọi người. Nhận định của ông về vấn đề tổ chức rất có lý trên bình diện lý thuyết, nhưng tiếc thay với tình hình thực tiễn rối rắm có rất nhiều nan đề, chủ trương của ông không thực hiện được, ngay chính trong tổ chức của mình. Rõ ràng Việt Nam là một vấn đề quá phức tạp, không có tiền lệ và không có lý thuyết nào duy nhất đúng mà phải qua sự va chạm, sàng lọc của thực tiễn để tìm ra giải pháp. Dù sao, nhiệt huyết và sự kiên trì của ông thật đáng trân trọng.
Những ngày thuận tiện, anh chị bạn chủ nhà còn đưa chúng tôi đi thăm nhà mẹ và các em của anh sống gần Milpitas, những người tôi đã biết khi tôi và anh chơi với nhau thuở học trung học. Mẹ anh hơn 80 tuổi vẫn còn lái xe được. Vợ chồng cô em gái làm ăn khá thành đạt, có nhà là một biệt thự trên đồi rất đẹp. Cậu em trai hát rất điệu nghệ và thích hát karaoke, đã mời mọi người đến nhà hát mấy lần.
Một người bạn cũ, Phạm Hoàng Chương, gọi điện thoại cho chúng tôi. Chương là bạn đồng khóa ở Đại Học Sư Phạm Huế, học Pháp văn nhưng thích văn chương và đã từng gởi tác phẩm truyện ngắn đầu tay đăng trong đặc san Hướng Đi do tôi chủ biên. Tôi đã mail báo trước cho anh biết việc tôi sắp sang Mỹ nhưng không hiểu sao đến lúc tôi sắp về anh mới biết để liên lạc. Anh mời chúng tôi về nhà ở Nam Cali chơi và hứa sẽ đưa chúng tôi ra sân bay. Tiếc thay chúng tôi chỉ còn một ngày và lại đi từ sân bay San Francisco.
Chương cho biết từ khi qua đây, ngoài công việc đi dạy, anh cũng lai rai viết văn viết báo và khá nổi tiếng vì đã đoạt giải nhất cuộc thi Viết Về Nước Mỹ năm 2009 do Việt Báo tổ chức. Không ngờ “nhà văn nghiệp dư” thành công như thế. Tôi đọc vài bài của anh và thấy phong cách thời trẻ của anh được phát triển thêm. Anh có trí nhớ rất tốt, lối viết kể chuyện với rất nhiều chi tiết chi ly và sống động hấp dẫn độc giả. Xin mừng cho anh.
Ngày cuối cùng trước khi chúng tôi rời nước Mỹ, buổi trưa Nguyễn Ngọc Oánh mời chúng tôi đi ăn ở một hiệu ăn Hi Lạp, cùng với Tô Minh Toàn. Món ăn Hi Lạp khá phức tạp, trong một đĩa có rất nhiều thứ thịt, cá. Dĩ nhiên chúng tôi nhìn hình và chỉ đại thôi chứ chẳng biết món gì. May mà ăn cũng được. Dù sao đó cũng là Hi Lạp?! Tô Minh Toàn đã định tổ chức cho chúng tôi và nhóm bạn thân một cuộc đi cắm trại qua đêm. Anh là chuyên gia trong việc này. Tuy nhiên các nơi đẹp đều hết chỗ. Gần cuối mới đăng ký được một chỗ, lại phải đi khá xa. Cái lưng tôi bắt đầu đau kịch liệt, không thể ngồi hay đi lại lâu, tôi đành đề nghị anh hủy bỏ. Hình như anh mất mấy chục đồng tiền đăng ký giữ chỗ.
Buổi chiều, anh chị bạn tổ chức một buổi “tiệc chia tay” cho chúng tôi với mọi người trong gia đình và vài bạn thân, sau đó hát karaoke, có Nguyễn Khoa Thái Anh và Nguyễn Ngọc Oánh tham dự. Buổi hát này đông người nên ai nấy đều rất hăng hái. Ai cũng hát tới năm bảy bài. Qua 12 giờ đêm, chúng tôi mệt quá và nghĩ phải giữ sức cho chuyến bay dài ngày mai nên xin cáo lỗi đi ngủ trước. Những người còn lại vẫn hát. Chẳng hiểu đến mấy giờ họ mới chịu nghỉ.
May mà gần trưa mới đến giờ bay. Chị chủ nhà vẫn đủ thời gian cho mọi người ăn sáng, uống café đàng hoàng. Thái Anh tối qua nằm xa lông ngủ lại. Vợ chồng Trung – Hương cũng đến để đưa chúng tôi đi. Mọi người đi hai xe. Chúng tôi có nhiều hành lý khá nặng nhưng nhờ đông người giúp nên chúng tôi hầu như không phải động tay vào. Thật may cho cái lưng của tôi vì bây giờ chỉ nhấc vài ký tôi đã không chịu nổi. Ấy thế mà chúng tôi đã để lại Mỹ khá nhiều đồ đạc quần áo, nhất là sách báo. Số sách các bạn cho tôi chứa đầy một kệ, hầu hết là sách có đề tài “nhạy cảm” nên tôi không thể mang về, kể cả sách của chính tôi. Về nước, nếu người ta cố tình kiểm tra và gây rắc rối ở sân bay, chúng tôi sẽ gặp rất nhiều phiền phức. Đây là điều tôi không thể khẳng định nên cẩn thận vẫn hơn. Đành nén lòng thôi dù tôi rất tiếc, đặc biệt có một số sách giá trị. Nhiều người phê phán tình trạng gọi là giao lưu văn hóa trong – ngoài nước hiện nay cũng có lý. Đó mới chỉ là một chiều từ trong ra. Nhà nước vẫn luôn độc quyền trong mọi thứ.
Chào tạm biệt nước Mỹ.
Chúng tôi trở về nước từ sân bay San Fransisco. Hành lý ở nhà cân không chính xác, có va ly dư 1, 2 ký nhưng nhờ Thái Anh “dẻo mồm” tán cô nhân viên phụ trách nên cô cũng cho qua. Chúng tôi ôm hôn từ biệt từng người, thật sự quyến luyến. Biết ra sao ngày sau. Nhưng có lẽ khó có được chuyến đi lần thứ hai.
Nguyễn Ngọc Oánh cũng đến tiễn nhưng tới trễ. Chắc tối qua thức khuya mệt quá, phải lái xe về nhà, sáng nay không dậy sớm nổi. Chúng tôi đã vào trong khu vực kiểm tra an ninh, không trở ra gặp Oánh được. Anh bạn tôi có sáng kiến gọi điện thoại bảo chúng tôi ra đứng ở một chỗ trống có thể nhìn ra ngoài qua cửa kính. Khoảng cách khá xa nhưng chúng tôi vẫn có thể nhìn thấy Oánh và mọi người đang vẫy tay. Anh bạn tôi đưa điện thoại cho Oánh và từng người. Mọi người lại nói lời chia tay lần nữa. Ngoài đường băng, chiếc máy bay của hãng UA đang ghé vào đón khách. Từ đây sẽ là cách vời.
Cánh bay rời nước Mỹ từ phi trường San Francisco.