Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011
TRUNG QUỐC VÀ VIỆC GIẢI QUYẾT CUỘC CHIẾN TRANH ĐÔNG DƯƠNG LẦN THỨ NHẤT (GENEVE 1954)
Francois Joyaux
Bản dịch của Nxb Thông Tin Lý Luận
Kỳ 13
Cùng ngày, J. Dulles tiếp Đại sứ Pháp Henri Bonnet và yêu cầu ông ta chuyển về chính phủ một dự án về liên hiệp chống cộng ở Đông Nam Á, có thể bao gồm, ngoài Pháp và Mỹ, các nước Anh, Australia, New Zealand, Thái Lan và Philipines95. Đề nghị này phù hợp với ý kiến của Phủ cao ủy Pháp tại Đông Dương và Bộ phụ trách quan hệ với các quốc gia liên [126] kết đưa ra cách đây hai năm, đã đặt chính phủ Paris vào thế khó xử. Một mặt, không thể trả lời hoàn toàn tiêu cực đối với đề nghị của Mỹ trong lúc đang cần đến sự viện trợ quân sự ngày càng khẩn cấp của Mỹ. Nhưng ngược lại, việc thành lập một liên minh quân sự ngay trước khi đi vào thương lượng để giải quyết hòa bình vấn đề Đông Dương rõ ràng là trái ngược với đường lối hành động của chính phủ Pháp96. Trước mắt, Pháp yêu cầu Washington nói rõ hơn về ý muốn của Mỹ, nhất là về phạm vi của hiệp ước đã dự kiến, về việc thành lập một lực lượng quân sự chung, về tính hợp thời của sự tham gia của các quốc gia như Thái Lan, Philipines, v.v… vào hiệp ước đó97.
Thực ra, từ ngày 4/4, tổng thống D. Eisenhower chú ý đến phản ứng của Quốc hội Mỹ, đã quyết định không can thiệp98. Mặc dầu ngày 5/4,99 Chính phủ Pháp lại yêu cầu nữa, Mỹ đã báo cáo cho Paris trong ngày hôm đó rằng không thể thực hiện yêu cầu can thiệp ngoài khuôn khổ của “hành động chung” với [127] các nước hữu quan của khối Thịnh vượng chung.100 G. Bidault bèn trả lời ngay rằng ông ta hiểu rất rõ lập trường của Mỹ, nhưng thời điểm thương lượng để thành lập liên minh đã qua rồi vì chính là 10 ngày sau đó đã quyết định số phận của Điện Biên Phủ và của Đông Dương101.
Tuy nhiên, đáp ứng lời mời thân hành đi London và Paris để giải thích chính sách Mỹ, J. Dulles đến Anh ngày 11/4. Trong hai ngày 12 và 13, ông ta hội đàm với W. Churchill và A. Eden về vấn đề Đông Dương. Các nhà lãnh đạo nước Anh, chủ trương không đưa ra một sáng kiến nào có thể gây trở ngại cho cuộc thương lượng tại Genève và làm cho năm cường quốc châu Á sắp gặp nhau ngày 28 tháng này tại Colombo [Sri Lanka] có thể hiểu một cách không có lợi102, đã nhắc lại cho Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ rằng [128] trước mắt, Chính phủ Anh loại trừ một hành động quân sự ở Đông Dương. Một thông cáo chung công bố ngày 13 cho biết, hai nước tuyên bố sẵn sàng xem xét nguyên tắc của “một sự phòng thủ chung trong khuôn khổ Hiến chương Liên hợp quốc, để bảo đảm hòa bình, an ninh và tự do ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương”. Thông cáo đó viết tiếp: “Chúng tôi tin tưởng vững chắc rằng triển vọng của việc thành lập một kế hoạch phòng thủ chung đồng nhất trong toàn bộ Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, góp phần đem lại hòa bình trong danh dự ở Đông Dương”103. Tuy vậy mấy ngày sau, A. Eden chỉ thị cho đại sứ Anh tại Washington, Roger Makins không tham dự cuộc họp đầu tiên bàn về vấn đề đó, do J. Dulles dự định triệu tập ngày 20/4.
Từ ngày 13, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ đến Paris. Ông xác nhận với J. Laniel và G. Bidault lập trường của Mỹ đã đưa ra trước đây: Mỹ không can thiệp nhưng thương lượng về một hiệp ước tập thể. J. Dulles kết luận: “Có thể tạo điều kiện để trục cộng sản Moskva-Bắc Kinh phải thừa nhận rằng họ không thể mở rộng ảnh hưởng ra Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Chỉ có như vậy mới có thể thương lượng ở Genève về một giải pháp dẫn đến hòa bình thực sự. Rồi G. Bidault khẳng định lại lập trường của Pháp. Chưa đến lúc nói đến việc quốc tế hóa cuộc xung đột mà trước hết cần khai thác khả năng do hội nghị Genève đem lại. Các cuộc nói chuyện bán chính thức giữa ông ta và người Nga ở Berlin cho ông ta nghĩ [129] rằng họ thực sự lo ngại “chiến tranh mở rộng ở Đông Nam Á do Trung Quốc chủ động gây ra”. Điều đó giải thích những sự nhân nhượng của M. Molotov. Dù còn rất mỏng manh, nhưng dấu hiệu đó cho phép hy vọng những kết quả cụ thể tại Genève. Tiếp theo các cuộc hội đàm Pháp-Mỹ, một thông cáo tương tự như thông cáo London đã được công bố.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phải trở lại Paris ngày 21/4 để tham dự một cuộc họp của khối NATO. Một cuộc gặp mới ngày 22/4 giữa G. Bidault, J. Dulles và A. Eden, trong đó một lần nữa, vị Bộ trưởng người Mỹ bênh vực dự án tổ chức phòng thủ tập thể ở Đông Nam Á. Cuối cùng, một cuộc gặp được tiến hành ngày 24 giữa ba người, ban đầu họp riêng, về sau có cố vấn tham dự. Tin tức từ Điện Biên Phủ là đáng lo ngại. J. Dulles hỏi riêng G. Bidault: “Ông tính sao, nếu chúng tôi cho các ông hai quả bom nguyên tử?”104. [130]
Thực ra, khó mà xác định rõ các nhà quân sự đã thực sự nghiên cứu đến mức nào và trong điều kiện nào sẽ đem ra sử dụng vũ khí nguyên tử. Về phần tướng H. Navarre, hai năm sau đó, ông ta khẳng định rằng chưa bao giờ tính đến việc dùng bom nguyên tử trong khu vực Điện Biên Phủ105và không bao giờ ông ta được biết đến một dự án nào đó về việc Mỹ sẽ ném bom nguyên tử trên đất Trung Quốc106. Hơn nữa, đề nghị của J. Dulles càng đáng ngạc nhiên hơn khi một tháng trước đó, J. Dulles đã bảo đảm dứt khoát rằng một chiến lược trả đũa ồ ạt là “không áp dụng” đối với Đông Dương107. Bởi vậy, đâu là ý nghĩa thực sự của đề nghị đó, mà chính G. Bidault cũng không nêu ra? Phải chăng đó là một quả bóng thăm dò các ý định của Pháp? Hay là một đề nghị thực sự để tránh cho tập đoàn cứ điểm khỏi thất thủ và ngăn cản một chính phủ quyết tâm thương lượng bằng mọi giá với cộng sản, khỏi lên cầm quyền ở Pháp? Đó là bấy nhiêu câu hỏi mà lúc này thật khó giải đáp rõ ràng108. [131]
Dù thế nào chăng nữa, cuộc gặp cuối cùng ngày 24/4 không đem lại kết quả tích cực nào. Người Anh vẫn bám lấy chủ trương không can thiệp109. Và vì lý do đó, cả người Mỹ cũng không hành động gì. Một cố gắng cuối cùng của A. Eden với Nội các Anh cũng không thay đổi gì hơn110. Người ta đã không cứu được Điện Biên Phủ. Hai ngày sau, hội nghị Genève khai mạc. Ngày 7/5, những người sống sót tại Điện Biên Phủ đầu hàng.
*
Về phía đồng minh, hai tháng hoạt động ngoại giao ráo riết chỉ minh họa quá rõ khoảng cách giữa Paris, London, và Washington về vấn đề Đông Dương.
Chính nước Mỹ cũng chia sẻ về vấn đề này. Những người có trách nhiệm như Phó tổng thống R. Nixon, Thứ trưởng Ngoại giao Walter Bedell "Beetle" Smith hay đô đốc A. Radford tán thành can thiệp. Thậm chí R. Nixon, trong một diễn văn đọc ngày 16/4, còn đề nghị gửi “lính Mỹ” đến Việt Nam kẻo quá chậm111, và đô đốc A. Radford cũng nói đến đổ bộ một lực lượng vào khu vực Hải Phòng-Hà Nội, dù cho có nguy cơ xảy ra chiến tranh với Trung Hoa đỏ112. Tổng thống D. Eisenhower và Bộ trưởng Bộ ngoại giao của ông ta ngược lại lo ngại những tác động chính trị mà một quyết định như vậy có thể gây ra chỉ mấy tháng sau khi đạt được cuộc đình chiến ở Bàn Môn Điếm một cách rất vất vả, và nhất là trong năm tuyển cử. Vì vậy, hai người này mong muốn các nước đồng minh ký một hiệp ước trước khi hội nghị Genève họp. Theo họ, đó là cách duy nhất để tránh cho nước Pháp khỏi đi vào thương lượng trên thế quá yếu, và cũng là cách duy nhất để giữ gìn tương lai trong trường hợp hội nghị thất bại, như ý kiến rất phổ biến ở Washington.
Nhưng vụ R. Makins đã chứng tỏ rằng nước Anh không muốn ký hiệp ước trước Genève. Để làm giảm tình hình căng thẳng quốc tế, Anh thấy nên khai thác những khả năng của một cuộc thương lượng thực sự, và để cho cuộc thương lượng đó đi đến kết quả, hình như Anh cho rằng cần phải tránh va chạm trực tiếp với Moskva và Bắc Kinh bằng việc thành lập một liên minh như thế. Những nhân tố trong nhiều cái khác, giải thích đường lối của W. Churchill và A. Eden là: ý muốn giữ gìn sự thống nhất trong Khối [133] Thịnh vượng chung và như vậy, quan tâm hết sức đến thái độ của New Delhi đối với vấn đề Đông Dương. Việc Aneurin Bevan ngoi lên địa vị cầm đầu Công đảng đang mở chiến dịch chống lại sự lệ thuộc quá đáng về chính sách của Anh đối với Mỹ, lòng mong muốn của London có “cách nhìn mới” về chiến lược mà trong trường hợp này có nghĩa là giảm đến mức tối thiểu khả năng can thiệp ở hải ngoại, nhất là ở Đông Nam Á, nơi đây quân đội Anh đã dính líu vào cuộc chiến đấu chống cộng sản ở Mã Lai, hoặc còn có nghĩa là phát hiện những khả năng thương mại với Liên Xô và Trung Quốc.
Bởi vậy, “hành động chung” là không thể được. Nghiêm trọng hơn nữa, sự việc đã ra công khai. Các cường quốc cộng sản biết rằng trước mắt họ, ở Genève, không có một mặt trận đồng minh đồng nhất. Thế của Pháp càng tỏ ra yếu hơn nữa.
(Còn tiếp)
_____________________________
95 Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/châu Á-châu Đại Dương/bản ghi nhớ về vấn đề “Khả năng lập nhóm phòng thủ chống cộng ở Đông Nam Á”/ 5/4/1954, tr. 1.
96 Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/ như trên, tr. 2.
97 Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/như trên, tr. 4. Tuy nhiên, việc thương lượng vẫn tiếp tục giữa Mỹ và Anh, và khi được Bộ Ngoại giao Mỹ mời tham gia (cuối tháng 7/1954). Pháp đã đứng dước trước những dự án đi rất xa rồi (J. Chauven, Ssđd, tr. 91-93). Thái Lan nhận lời đề nghị của Mỹ từ 9/4/1954. Tài liệu riêng của J. Dulles, bản thảo ngày 9/4/1954. GR. Ph. Ran đơn dẫn trong sđd, tr. 76.
98 Tài liệu mật Bộ Quốc phòng, Sđd, tr. 11.
99 Như trên, tr. 38 (Điện của Douglas DillonĐâu giớt Đin lơn gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao J. Dulles, 5/4/1954). Yêu cầu mới này đưa ra sau khi H. H. NavarreNavarre chấp nhận ngày 4/4 kế hoạch “chim ưng”. Việc chấp nhận này được chính phủ Paris tán thành cùng ngày hôm đó. Xem P. Ely, Ssđd, tr. 85-86, J. Laniel, Le drame indochinoisTấn thảm kịch Đông Dương, Sđdsđd, tr. 85.
100 Như trên, tr. 39-40 (Điện ngày 5/4/1954 của J. Dulles gửi Đại sứ Đin LơnD. Dillon).
101 Như trên, tr. 10 (Điện của Đin LơnD. Dillon gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao J. Dulles ngày 5/4/1954 về các yếu tố của cuộc thương lượng này mà ít lâu sau, giới báo chí đã biết). Xem báo Washington Post, ngày 7/6/1954 U. S. Twice Proposed Intervention in Indochina [Air Strike] (2 lần Mỹ đề nghị can thiệp vào Đông Dương) của Chalmers RobertsA. F. and Carrier. Based Planes”; Le Monde ngày 1/7/1954 bài Comment les Américains riuninterviennent pas en Indochine (Mỹ không can thiệp vào Đông Dương như thế nào?), Chalmers H. Roberts. The Day Didn't Go to War (ngày chúng tôi không ra trận), Reporter, 11 (Sept. 14, 1954), tr. 31-35. Cũng xem John Roninson Beal, John .Foster Dulles, New York, 1957, tr. 207-209, M. Gurốc tốpov, Sđd, tr. 94-98.
102 Ấn Độ, Pakistan, Caylon, Miến Điện và Indonesia ba trong số các nước này là thành viên của khối thịnh Thịnh vượng chung của Anh. Về cuộc họp này, xem chương IV ở đoạn sau.
103 Thông cáo chung công bố sau hội đàm Dulles-Eden Textes du jour (Documentation franncaise), 15/4/1954. Về thái độ của Anh trong cuộc thương lượng tháng 4, xem Hồi ký A. Eden, tr. 104-120.
104 G. Bidault, D’une résistance à l’autre (Từ cuộc kháng chiến này đến cuộc kháng chiến khác). Paris, Les Presses du Siècle, Paris, 1965, tr. 198, được J. Chauven xác nhận trong sđd, tr. 46. ngược Ngược lại, A. Eden lại không nói điều gì tương tự. Tuy nhiên, ông viết trong hồi Hồi ký: “rằng hội nghị Genève” là cuộc hội nghị quốc tế đầu tiên, trong đó ông ý thức sâu sắc về sức mạnh răn đe của bom khinh khí” (Hồi ký, Ssđd, tr. 140). Nhưng nhận xét đó liên quan đến Liên Xô hơn là Trung Quốc (như trên, tr. 141);., Georges Bonnet trong Le Quai d'Orsay sous trois republiques, 1870-1961 (Bộ Ngoại giao Pháp dưới ba nền Cộng hòa 1870-1961), Paris, Fayard, 1961, tr. 465, nói đến đề nghị của Mỹ về “những cỗ pháo nguyên tử”, Tổng thống D. Eisenhower không ám chỉ gì việc đó. Nhưng trong cuộc nói chuyện năm 1978 (với tác giả), ông R. Schuman khẳng định một lần nữa đề nghị của Mỹ: “Tôi nói được hai thứ tiếng và ông J. Dulles kéo tôi ra một chỗ và nói với tốôi hết sức thản nhiên: “Liệu điều đó có thể giúp ích gì cho nước Pháp hay không, nếu tôi không nói là trong lúc này, người ta cho Pháp mượn hai quả bom nguyên tử?”. Tạp chí Historia, số 375, tháng 2/1978, tr. 46. Chúng tôi không tìm thấy tài liệu gì trong hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp liên quan đến vấn đề ngày.
105 H. Navarre, Ssđd, tr. 244, chú thích 2. Tuy vậy, việc sử dụng vũ khí nguyên tử ở ngay trên đất Đông Dương đã được Bộ tham mưu Mỹ tính đến đầy đủ (Tài liệu mật -Bộ Quốc phòng, Ssđd, tr. 46). Vấn đề này, xem thêm sự phán xét của tướng P. Ely, Ssđd, tr.90.
106 H. Navarre, Ssđd, tr. 245, chú thích 1.
107 Tuyên bố ngày 19/3/1954, R. Ph. Ran đơn, Ssđd , tr. 71.
108 Tuy nhiên, chúng ta lưu ý đến một tài liệu quân sự Mỹ ngày 26/5, trong đó một lần nữa nêu khả năng dùng bom nguyên tử (tTài liệu mật Bộ Quốc phòng, Ssđd, tr. 45-46). Xem chương V phần sau.
109 Xem diễn văn của W. Churchill tại Hạ nghị viện Anh ngày 27/4/1954, Parliamentary Debates (Tranh luận tại Quốc hội), Hạ nghị viện, Loại 5, tr. 526, ngày 27/4/1954, tr. 1455-1456.
110 J. Chauven, Ssđd, tr. 47. Xem thêm A. Eden, Hồi ký, Sđdsđd, tr.117-120.
111 D. Eisenhower, Ssđd, tr. 353.
112 James M. Gavin (lúc này phụ trách tác chiến của lục quân), We Can Get Out of Vietnam (Chúng ta có thể ra khỏi Việt Nam), báo Saturday Evening Post, 24/2/1968, tr. 24; K. C. Chen trích trong sđd, tr. 303, chúng tôi gạch dưới.
Chính phủ Pháp khi đưa ra yêu cầu ngày 5/4 đã tính đến nguy cơ đó (Tài liệu mật Bộ Quốc phòng, Ssđd, tr. 39). Về phần mình, J. Dulles phải cố gắng thuyết phục A. Eden về việc Mỹ không hề có ý đồ xâm lược Trung Quốc (D. Eisenhower, Ssđd, tr. 355).