Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

“Tôi Biết Sợ”: “Toàn Dân Trăm Người Như Một”... Ðều Biết Sợ

Nguyễn Hữu Chi
Tiến Sĩ Tâm Lý Chính Trị Học

Trong bài khảo luận này, tôi sẽ trình bày một khía cạnh đặc biệt về tâm lý sợ hãi. Câu hỏi được đặt ra là: tại sao người đạo đức lại hay lo sợ, và ghét người vô đạo đức? Tại sao người có quyền thế lại sợ người yếu thế? Tại sao các lãnh tụ độc tài lại sợ dân, rồi tìm đủ mọi cách làm cho dân sợ? Ðây không phải là một bài “chống Cộng” vì> nhiều người đã viết về vấn đề này rồi.[1] Tôi chỉ dựa vào sử liệu [2] để chứng minh vài định lý bắt nguồn từ lý thuyết về sợ hãi mà trước đây tôi đã có dịp trình bày.

1. Người Ðạo Ðức Sợ Hãi: Từ “Chữ Trinh” Ðến “Chữ Trung”

(a) “Chữ Trinh”
Ai cũng biết các cô gái điếm thuộc về hạng người lỳ lợm vì không bao giờ sợ mất “chữ trinh.” “Tay đã nhúng chàm” (tục ngữ) thì còn có gì đâu nữa mà sợ! Trái lại, các cô gái nhà lành coi “chữ trinh đáng giá ngàn vàng”(tục ngữ) nên luôn luôn sợ “cái thằng phải gió nó đè em ra” (ca dao). Sợ như vậy cũng phải, vì ở trên cõi đời này thiếu gì những “thằng phải gió” thèm thuồng “của quý.” Ngày xưa, các cụ cấm trai gái gần nhau cũng chỉ vì sợ con gái hư hỏng như sợ cháy nhà vậy, cũng chỉ vì các cụ tin rằng “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” (tục ngữ). Ðược giáo hóa cẩn thận như vậy, nên các cô, các cậu cũng không muốn giáp mặt nhau vì sợ mình không cuỡng nổi sự cám dỗ của thú nhục dục. Như trong truyện Lục Văn Tiên, khi nàng ngồi trên xe thấy chàng đi tới, nàng vội vã xuống xe để tiếp chàng, chàng hoảng hốt la om sòm:
Khoan khoan ngồi đó chớ ra.
Nàng là phận gái, ta là phận trai.


Các nước Trung Ðông còn bảo vệ “chữ trinh” cẩn thận hơn nữa: đàn bà con gái ra đường phải chùm kín từ đầu đến chân để đàn ông không có dịp thấy bàn chân hoặc cái lỗ tai của mình rồi đâm ra thòm thèm những “chỗ khác.” Trong các xứ cổ kính này, cô nào hay cậu nào không biết “giữ mình” thì có thể mất mạng như chơi. Theo tục lệ “honour killing” trong các gia đình Hồi giáo nghiêm khắc: nhiều bậc cha mẹ vì quá hăng say bảo vệ nền tảng “đạo đức,” nên cảm thấy có bổn phận phải lấy đá đập vỡ sọ người con gái vì tội chểnh mảng không biết gìn giữ “đồ gia bảo,” rồi sau đó họ lại còn đi lùng “thằng phải gió” để giết cho bằng được, có như vậy mới được tiếng là người biết bảo vệ danh dự gia đình. Trái lại, trong các xã hội Âu Mỹ, mạng sống con người rất là có giá, nhưng “chữ trinh” bị nạn hạ giá khủng khiếp. Vì vậy, ở các nước giầu có này, sự lo sợ “mất trinh,” cũng như sự thèm muốn “phá trinh,” không mãnh liệt bằng ở các nước hậu tiến. Hình như, trong các nước nghèo đói, đời sống con người càng rẻ bao nhiêu, thì “chữ trinh” lại càng cao giá bấy nhiêu! Cũng may, trong thời đại “kỹ thuật cao siêu” hiện nay, chuyện giết người vì thiếu “đạo đức” không còn thịnh hành như trước nữa. Tuy vậy, trong tất cả các nền văn hóa trên thế giới, dù “tiến bộ” (?) đến thế nào đi chăng nữa, các cô gái nhà lành thường tỏ vẻ khinh bỉ các cô gái điếm, có biết đâu rằng chính các cô gái điếm đã có công bảo vệ danh dự của các cô gái nhà lành. Công lao tầy trời của các cô gái điếm đã được nhà hiền triết nổi tiếng Bertrand Russell hết lời ca tụng như sau:
Một khi tiết hạnh các cô gái nhà lành được coi là tối ư quan trọng, thì thể chế hôn nhân cần phải phụ bổ bằng một thể chế khác nữa - đó là thể chế mãi dâm. Thực ra, ta có thể coi thể chế mãi dâm đi liền với thế chế hôn nhân... Thiệt là tội nghiệp cho các cô gái điếm, đi đâu cũng bị thiên hạ khinh bỉ tuy rằng các cô đã có cống hiến một dịch vụ hiển nhiên [thoả mãn nhu yếu đàn ông], và đã có công bảo vệ tiết hạnh các bà mẹ và các cô con gái...[3]

Ở trên cõi đời đầy đạo đức này, có ai có can đảm bênh vực các cô gái điếm bằng ông Russell! Dù sao đi chăng nữa, chối bỏ công lao các cô gái điếm không nguy hiểm đến tính mạng bằng “chối bỏ công lao Bác.”

Trong phạm vi tôn giáo cũng vậy. Người nào càng tin vào Thượng Ðế bao nhiêu, thì lại càng sợ bị Quỷ Sa-Tăng cám dỗ bấy nhiêu. Có người quá sợ hãi, nên hàng ngày họ phải cầu nguyện cho đỡ sợ. Các Phật tử chân chính thì lại sợ “phạm giới” - nhất là “sát sinh,” có khi con ruồi mang vi trùng e-coli vào chùa cũng không dám giết. Ngoài ra, còn có những Việt kiều coi văn hóa cổ truyền là một gia tài quý báu, rồi sợ “mất gốc,” nên hàng năm kéo nhau đi “Giỗ Tổ Hùng Vương,” tuy rằng trước kia ở Sài-Gòn có mấy ai nghĩ đến chuyện này đâu.

Sợ vi phạm tín ngưỡng đôi khi đi liền với lòng căm thù. Ta đã từng thấy các tín đồ quá khích coi các Ðấng Thiêng Liêng của họ trọng hơn mạng sống con người. Ở Trung Ðông, dân Do Thái và dân Hồi giáo giết nhau hơn nửa thế kỷ nay, tuy rằng hai dân tộc này thờ cùng một Chúa, và đều tâng ông Moise lên bậc thánh. Ở Bắc Ái Nhĩ Lan, trước đây, người Tín Lành (Anglican) kỳ thị và bóc lột người Công Giáo, bây giờ hai giáo phái này thù ghét nhau cực độ, tuy rằng cả hai phe đều thờ Ðấng Cứu Thế và đều dùng một cuốn Thánh Kinh. Ở Tích Lan cũng vậy, các tín đồ Phật giáo và Ấn Ðộ giáo đều tin vào điều ngăn cấm “sát sinh,” họ không muốn giết súc vật hay sâu bọ, nhưng họ sẵn sàng giết người mà không gớm tay. Thiệt là oan nghiệp: vì mải tranh đấu cho thần quyền hoặc nhân quyền gì đó, mà không biết bao nhiêu tín đồ đã bị “hóa kiếp.”

Từ những thí dụ trên, tôi xin suy diễn ra ba định lý về sợ hãi như sau:
Ðịnh Lý 1: Ta sợ vi phạm những tín điều mà ta coi là linh thiêng; tín điều nào càng linh thiêng bao nhiêu, thì ta càng lo sợ bấy nhiêu.
Ðịnh Lý 2: Ta thường ấp ủ trong lòng sự thèm muốn vi phạm những tín điều mà ta cho là linh thiêng; tín điều càng linh thiêng bao nhiêu, thì sự thèm muốn thầm kín trong lòng càng mãnh liệt bấy nhiêu.
Ðịnh Lý 3: Ta thường nghiêm khắc phán xét những người vi phạm những tín điều mà ta cho là linh thiêng; tín điều càng linh thiêng bao nhiêu, thì sự phán xét càng nghiêm khắc bấy nhiêu.


Trong các định lý trình bày ở trên, tôi dùng từ “tín điều” (belief) theo nghĩa thường được dùng trong tâm lý học hoặc xã hội học.[4] “Tín điều” có thể là một truyền thống đạo đức mà ta cảm thấy có bổn phận phải tôn trọng (thí dụ như trung, hiếu, lễ, nghĩa, v.v. ). “Tín điều” cũng có thể là những nguyên tắc căn bản trong một ý thức hệ hoặc những giáo điều trong một tôn giáo nào đó. Thí dụ như ở Mỹ, Bản Hiến Pháp được coi là nền tảng cho chế độ tự do dân chủ, nên được công dân Mỹ tin tưởng và kính trọng, và các luật gia không dám làm điều gì trái với tín điều này. Ngay cả Tổng Thống Mỹ trước khi lên nắm chính quyền phải dơ tay lên thề với Chúa, và xin Chúa giúp họ bảo vệ Hiến Pháp. Chắc các vị này cho rằng họ phải nhờ ơn Chúa mới có đủ can đảm cưỡng lại cái bả độc tài. Nghĩ đến người, lại thương dân mình, khi thấy hiến pháp nước mình chỉ là một “chậu cảnh” được bày ra cho đẹp mắt dân gian. Hành động này cũng dễ hiểu. Trong chế độ tự do pháp trị, người cầm quyền kính trọng tất cả mọi nhân quyền đã được quy định rõ ràng trong luật pháp; còn trong chế độ độc tài đảng trị, luật pháp bị coi rẻ như một tờ giấy lộn dùng để lau tay hoặc chùi mép các đảng viên mà thôi.

Ba định lý trình bày ở trên cho ta thấy tâm lý con người quả thật là nhiêu khê: Tại sao ta thích “ăn trái cấm” (sợ vi phạm tín điều, đồng thời lại thèm vi phạm tín điều)? Tại sao “trâu buộc lại ghét trâu ăn” (thèm vi phạm tín điều, đồng thời lại ghét những người vi phạm tín điều)? Ðể giải thích những hiện tượng “trái cẳng ngỗng” này, tôi đành phải dựa vào thuyết phân tâm học của Freud [5]. Theo lý thuyết này, bản ngã (personality) gồm có ba thành phần: thú ngã (id), thực ngã (ego), và siêu ngã (super-ego). Khi đứa trẻ mới sinh ra đời, nó chỉ biết phản ứng theo sự đòi hỏi của thú ngã, mà trọng tâm là thỏa mãn những thú tính (“tứ khoái”) để duy trì sự sinh tồn. Nếu một trong “tứ khoái” mà nó khao khát không được thỏa mãn, thì nó nổi cơn tức giận cực độ, biểu lộ bằng những tiếng gào thét hoặc rên rỉ. Tuy nhiên, trong một thời gian rất ngắn, nó thấy ngay rằng nó không có quyền lực vạn năng (omnipotence) để có thể bắt tất cả mọi người phải lập tức chạy đến phục vụ nó khi nó thèm muốn một điều gì. Ðể giảm thiểu nỗi lo sợ triền miên khi sự thèm muốn của nó đôi khi không được bố mẹ đáp ứng tức thời, nó cần phải thích ứng với thực tế. Nhờ vậy, thực ngã của nó được phát triển, giúp nó tìm hiểu thú dục nào được thỏa mãn, lúc nào được thỏa mãn, và được thỏa mãn đến mức độ nào. Không những thế, nó cũng nhận thấy rằng nó phải phụ thuộc vào quyền thưởng phạt của cha mẹ, tức là nó phải sống theo khuôn mẫu đạo đức mà bố mẹ đã truyền lại cho nó. Những tín điều đạo đức này được ghi sâu trong siêu ngã của nó, và được coi như một kim chỉ nam hướng dẫn đời sống nó trong xã hội.

Theo Freud, con người luôn luôn sống trong sự dằng co giữa ba khía cạnh gần như đối nghịch với nhau:
• Thú ngã đòi hỏi thỏa mãn những thú thể xác, tức là những đòi hỏi vật chất cần thiết cho sự sống còn của loài người.
• Siêu ngã hướng về những vấn đề siêu hình như lương tâm, đạo đức, tôn giáo, v.v..
• Thực ngã giúp con người thích ứng với thực tế.


Người lành mạnh (mentally healthy) biết điều hòa ba thành phần này của bản ngã, tức là không để một thành phần nào lấn át các phần khác của bản ngã. Ðôi khi ta gặp trường hợp thú ngã lấn át bản ngã: đó là những người chỉ biết sống theo “tứ khoái” và nổi giận nếu những lạc thú này không được thỏa mãn; họ không nghĩ đến đạo đức, và cũng không cần biết hậu quả cho mình và những người xung quanh của mình. Trái lại, có những trường hợp siêu ngã lấn át bản ngã: đó là những người “đạo đức cùng mình,” sống một đời sống khắc khổ vì họ chỉ biết theo lệnh của “lương tâm”: “lương tâm” bắt họ chết, thì họ sẵn sàng chết vì “lương tâm”; “lương tâm” bắt họ giết người “vô đạo đức” thì họ sẵn sàng giết người vì “lương tâm.” Lại có trường hợp thực ngã lấn át bản ngã: đó là những người rất “thực tế,” sống theo nguyên tắc “cơ hội chủ nghĩa,” “gió chiều nào, theo chiều đó.”

Ta đừng tưởng những người cộng sản sống theo thực ngã khi họ hành động theo lý thuyết Mác-Xít mà họ cho là một lý thuyết “khoa học,” đi sát với “thực tế.” Cái nguy hiểm là họ cố bám vào một thứ “thực tế” đã bị bóp méo bởi một quan điểm hẹp hòi của Các-Mác. Tiếc thay, “thực tế” thể hiện ra trong đời sống con người dưới muôn hình vạn trạng (multi-dimensional), làm sao ta có đủ minh mẫn để nhìn toàn diện “thực tế” được. Vì những lãnh tụ cộng sản luôn luôn nhìn thực tế một cách phiến diện như vậy, nên họ không giải quyết được những khó khăn trầm trọng cho đất nước. Sau những thất bại liên tiếp - từ chương trình cải cách ruộng đất cho đến chính sách quốc doanh và bao cấp - họ vẫn không dám nhìn vào thực tế để nhận ra nguồn gốc của sự thất bại. Suy luận theo kiểu Freudian, người cộng sản mù quáng vì thực ngã của họ suy nhược (weak ego), nên bị siêu ngã và thú ngã lấn át. Dưới áp lực của siêu ngã, lý thuyết Mác-Xít trở thành một tôn giáo, và người cộng sản trở thành những tín đồ cuồng tín, tự cho mình là người có “đạo đức cách mạng.” (Ta cũng nên biết, Các-Mác không đả động đến vấn đề đạo đức trong lý thuyết của ông; thực ra ông ta chỉ suy luận rằng giai cấp lao động là giai cấp “tiến bộ,” chứ không “đạo đức” hơn những giai cấp khác.) Ðồng thời, dưới áp lực của thú ngã, họ lồng lộn như đàn thú dữ khi những điều mong muốn của họ không được thỏa mãn. Nói tóm lại, người cộng sản không được thực ngã hướng dẫn để nhìn thẳng vào thực tại, nên mới mơ tưởng xây dựng những “thiên đàng” dưới trần thế - đúng là Những Thiên Ðàng Mù mà Dương Thu Hương đã phải trải qua. [6]


1   2   3   4