Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011
Gặp gỡ trên đất Mỹ
Tiêu Dao Bảo Cự
Lời đầu
Năm 2009, tôi có chuyến đi Mỹ kéo dài trong 6 tháng, có cơ hội thăm 12 tiểu bang và thủ đô Washington DC. Sau đó tôi đã viết “Mỹ du ký” (phổ biến trên website Danchimviet.com) với tính cách hết sức khái quát. Tuy nhiên vì tôi nghĩ đây là một chuyến đi hữu ích về nhiều mặt nên tôi viết lại bút ký về chuyến đi với tựa đề “Gặp gỡ trên đất Mỹ”. Bút ký lần này khá đầy đủ, chi tiết, theo thể tường thuật và thứ tự thời gian, hoàn toàn khác hẳn với “Mỹ du ký”.
Tác giả bên hồ trên núi ở công viên Yosemite
Tôi hiểu gặp gỡ ở đây là gặp gỡ con người, cảnh vật và sự việc. Dĩ nhiên gặp gỡ sẽ phát sinh tình cảm, nhận thức. Tôi lần đầu ra nước ngoài và qua Mỹ, nhìn mọi sự một cách “hồn nhiên”, không thiên kiến và với ý hướng học hỏi nên tôi sẽ trình bày một cách chân thành, trung thực những gì mình thấy, nghe và nghĩ.
Tôi hi vọng bút ký này sẽ giúp đôi chút cho người trong nước hiểu biết thêm về người Việt ở Mỹ và nước Mỹ, người Việt ở Mỹ thấy được cách nhìn nhận của một người trong nước về mình, và biết đâu cũng có thể phần nào giữa người Việt với nhau ở Mỹ nhờ soi rọi qua một trung gian khách quan, từ đó có thể cùng nhau chiêm nghiệm về những vấn đề chung của dân tộc, đất nước. Đó là ước vọng của tác giả khi dành công sức để hoàn thành bút ký này.
Bút ký có 10 phần:
1. California những ngày đầu.
2. Texas: Dallas và Houston
3. Miền Đông: Washington DC, Virginia, Maryland, Pennsylvania.
4. Cali những ngày kế tiếp.
5. Seattle, Washington.
6. Colorado.
7. Đi Miền Đông lần 2: North - South Carolina, Washington DC, Virginia, Maryland, New York.
8. Minnesota.
9. Cali những ngày còn lại.
10. Lời cuối: Đôi điều suy nghĩ.
1. California những ngày đầu.
Ngày 5/4/2009, chúng tôi – BY và tôi, đặt chân xuống phi trường San Francisco, bang California trên đất Mỹ. Đón chúng tôi ở sân bay có mấy người trong nhóm bạn đã mời chúng tôi sang Mỹ: Nguyễn Khoa Thái Anh, Nguyễn Ngọc Oánh, Nguyễn Xuân Hiệp và anh bạn cũ của chúng tôi cùng gia đình đến 7 người gồm cả vợ con, dâu, cháu.
Tại bến cảng ở Half Moon Bay
Chúng tôi là những hành khách ra cuối cùng và hai nhóm không biết họ cùng đón chúng tôi. Chúng tôi chào hỏi gia đình anh bạn trước, chúng tôi đã từng gặp cả gia đình lúc họ về Việt Nam. Nhóm bạn kia chúng tôi chỉ mới gặp Nguyễn Khoa Thái Anh. Mọi người giới thiệu với nhau và trò chuyện khá lâu ở sảnh chờ trước khi tạm chia tay.
B.Y. trong thung lũng hoa vàng San Jose.
Thái Anh chở chúng tôi về chỗ hẹn mấy người bạn nữa để gặp nhau và ăn trưa. Anh cố ý chở chúng tôi đi theo đường qua cầu Bay Brigde để thấy được mặt nước mênh mông của nơi gọi là vùng Vịnh vì theo anh nói có thể đi đường khác không cần qua cầu. Quen đi xe với tốc độ chậm bên nhà, chúng tôi hơi chóng mặt với tốc độ 60-70-80 miles, tưởng như dễ xảy ra tai nạn. Tuy nhiên đường cao tốc ở đây khác xa với đường trong nước. Đường có nhiều lane, không có đường cắt ngang, không có xe gắn máy (trừ mô tô phân khối lớn), người, súc vật … đi chung, xe chạy lane nào ra lane đó, không lấn đường, lạng lách. Thái Anh là một tay lái xe cừ khôi, dù hơi ẩu, như sau này chúng tôi biết khi đi cùng anh nhiều nơi. Anh chuyển lane, ra vào đường cao tốc nhanh như chớp.
Trên đường ngang qua khu vực Evergreen, hai bên đường nhiều chỗ hoa vàng trải dài trên thảm cỏ. Một loại hoa mềm mại nhỏ nhắn giống ngồng hoa cải mượt mà đong đưa trong gió. Có lẽ vì thế mà người Việt ở đây đặt cái tên nên thơ Thung lũng hoa vàng bên cạnh tên Thung lũng điện tử Silicon của người Mỹ, cho khu vực công nghệ cao lừng danh của họ. Dân tộc Việt vốn là một dân tộc yêu thơ ca và hay mơ mộng.
Thái Anh đưa chúng tôi đến Grand Century ở San Jose, khu thương mại mới xây dựng của người Việt. Phía trước khu này là đoạn đường đã gây ra tranh chấp giữa người Việt trong cộng đồng một thời gian dài khi đề nghị đặt tên Little Sài Gòn hay tên khác (Saigon Business District), liên quan đến nghị viên Madison Nguyễn. Chúng tôi rảo qua một vòng bên trong. Các cửa hiệu san sát bán đủ mọi thứ như đồ điện tử, quần áo, mỹ phẩm, sách báo…, nhiều nhất là các cửa hàng ăn, phần lớn lấy tên theo các tiệm ăn nổi tiếng ở Sài Gòn ngày xưa.
Các bạn hẹn ở Dynasty, một nhà hàng Tàu, sát ngay phía trước khu Grand Century. Chúng tôi lên lầu và thấy mọi người đã đến đông đủ vì Thái Anh đến muộn do chạy đường xa hơn. Ngoài những người đi đón ở sân bay, còn có thêm Nguyễn Hữu Liêm và Tưởng Năng Tiến. Chúng tôi đã thấy hình họ trên mạng. Liêm không già hơn bao nhiêu trong khi Tiến khá gầy, râu nhẵn nhụi, không gồ ghề “râu hùm hàm én” như trong ảnh. Chúng tôi chuyện trò khá thân mật vì tuy chưa từng gặp nhưng đã quen biết nhau qua mạng. Internet đúng là làm cho thế giới nhỏ bé gần gũi hơn.
Theo sự thỏa thuận của các bạn ở đây, chúng tôi sẽ được đưa về nhà Nguyễn Hữu Liêm trước. Anh là người đã gởi giấy mời tôi sang nói chuyện với sinh viên lớp anh dạy ở trường đại học, một lý do và giấy tờ cần thiết để chúng tôi có thể xin visa vào Mỹ. Chúng tôi đi cùng xe với Liêm, Oánh cũng đi theo chở giúp hành lý vì xe Liêm nhỏ, không chở hết được. Thái Anh bận đi việc khác. Trước khi về nhà, Liêm đề nghị ghé qua chỗ tòa soạn báo Cali Today một lúc vì anh được mời tham dự một sinh hoạt ở đây và đã lỡ nhận lời.
Tòa soạn là một phòng nhỏ, phía sau có một phòng lớn hơn dùng làm hội trường. Khách đến dự chừng hơn hai chục người. Trên sân khấu có trang trí cờ Mỹ, cờ Việt Nam Cộng Hòa và cờ Phật giáo. Đây là buổi lễ ra mắt một Trung tâm nghiên cứu Phật giáo do tòa soạn bảo trợ. Chúng tôi ngồi ở hàng ghế sau. Phần nghi thức thật dài dòng gồm việc chào 3 lá cờ có bài hát kèm theo cùng với việc giới thiệu từng người tham dự. Tôi đã nói với Liêm xin miễn giới thiệu chúng tôi, coi như bạn cùng đi thôi. Tôi cũng không ngại việc phải đứng chào các lá cờ đó vì đã dự kiến tình huống này khi đến Mỹ, miễn là không ai dùng nó để tuyên truyền chính trị. Tôi nghĩ đơn giản cần “nhập gia tùy tục”. Khi đến nhà thờ Thiên Chúa giáo, tôi cũng đứng trước tượng Chúa nghe đọc kinh và quỳ gối cùng với tín đồ, vào chùa tôi cũng thắp nhang lễ Phật, dù tôi không theo đạo nào cả. Chủ nhà treo lá cờ được coi là biểu tượng thiêng liêng của họ, lẽ nào tôi không chào cùng với họ, dù tôi có công nhận lá cờ đó là của tôi hay không. Chuyện cờ vàng - cờ đỏ vốn là một vấn đề lớn trong cộng đồng người Việt hải ngoại đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Tôi chỉ là khách ở đây. Về chuyện này đối với riêng tôi, tôi mong muốn có một lá cờ chung khác hơn cho tương lai người Việt hoặc không cần lá cờ nào cả mà quan trọng hơn là sự đoàn kết và ý chí thống nhất của cả dân tộc, để xây dựng một đất nước tự hào có lịch sử hào hùng và 4000 năm văn hiến nhưng bước vào thời đại mới lại đi lẹt đẹt ở hàng cuối của thế giới.
Vì đã rất mệt mỏi sau chuyến bay hơn 20 giờ, quá trưa đến gần chiều chưa được nghỉ ngơi, không thể ngồi lâu hơn, chúng tôi nghe thuyết trình một lúc cho phải phép rồi lặng lẽ ra ngoài thư giãn. Không lâu sau hai người kia cũng ra sớm và đưa chúng tôi về nhà Liêm.
Nhà Nguyễn Hữu Liêm ở vùng Evergreen, một ngôi nhà khá lớn, có lầu, vườn rộng. Cửa sau hướng ra phía đông, nhìn về dãy núi, có mái che hành lang, dưới để ghế ngồi chơi rất thoải mái, buổi tối có thể nhìn trăng lên và buổi sáng ngắm mặt trời mọc. Liêm chia vườn thành từng khu trồng các loại cây, hoa khác nhau, có một hồ nhỏ nuôi cá và một nhà nhỏ có mái che ở góc vườn để ngồi chơi, đọc sách. Phía đông vườn là sườn dốc tiếp giáp với con đường, anh rào lại dùng để nuôi gà. Đàn gà có một con gà trống lớn, một bầy gà mái và mấy đàn gà con y như ở nhà vườn hay làng quê Việt Nam. Điều này thật đặc biệt vì tôi nghe nói ở Mỹ nuôi chó sủa ồn bị hàng xóm kiện cũng bị cấm và con gà trống ở đây gáy rất lớn. Có lẽ do nhà hàng xóm cũng khá xa vì hai nhà kế tiếp đều có vườn rộng.
Chị Vân vợ anh Liêm là một phụ nữ giản dị, khá xinh và dễ mến, đối với khách không màu mè khách sáo. Anh chị cho chúng tôi ở một phòng lớn nhất, đẹp nhất dưới nhà mà anh gọi là honeymoon suite. Anh nói đùa để chúng tôi hưởng tuần trăng mật thứ hai và muốn ở bao lâu cũng được. Trước khi sang Mỹ, chúng tôi dự tính sẽ ở nhà do các bạn mời tôi sang sắp xếp, sau khi nói chuyện ở đại học theo giấy mời của Liêm, xong trách nhiệm, chúng tôi sẽ chuyển về ở nhà anh bạn cũ. Tuy nhiên vì thấy việc chờ đợi nói chuyện hơi lâu, anh chị Liêm dù sao cũng là người mới gặp, ở nhà không thoải mái bằng nhà anh bạn cũ mà chúng tôi đã thân thiết với cả gia đình, đi lại cũng không xa lắm, nên hôm sau chúng tôi đề nghị chuyển đến nhà bạn tôi. Tuy vậy sau này mấy lần chúng tôi đến chơi, ăn uống và ngủ lại nhà anh Liêm, nói chuyện nhiều, chúng tôi dần dần hiểu về anh hơn. Trước đây, tôi chỉ đọc một số bài của anh trên mạng và một người bạn của tôi ở đây nói anh là người có nhiều “tiếng tăm và tai tiếng” nhưng rất hào sảng và chí tình với bạn bè.
Trưa hôm sau, Liêm chở chúng tôi về nhà anh bạn cũ theo đề nghị của chúng tôi, một nơi không xa lắm, ở thành phố Milpitas, tiếp giáp với San Jose. Vào nhà cất đồ đạc xong, chúng tôi nhờ Liêm chở ngay đến nhà bà Ngọc Bích ở San Jose để gặp bà Trương Kim Anh theo lời hẹn qua email trước đó. Nguyên chúng tôi quen bà Trương Kim Anh qua mạng. Bà là con của hai ông bà nhà văn tiền chiến Trương Bảo Sơn và Nguyễn Thị Vinh. Bà ở Na Uy, qua Mỹ du lịch, đang ở nhà bà Ngọc Bích và ngày mai đã đi nên đề nghị chúng tôi cố gắng đến gặp. Bà Ngọc Bích ở một mình trong căn nhà có vẻ cổ, đầy sách báo, tranh tượng nghệ thuật. Chúng tôi nghe giới thiệu bà Ngọc Bích là một nữ sĩ có nhiều thơ đăng báo, thường tụ họp xướng họa với các bạn văn thơ. Hóa ra bà Ngọc Bích và anh Liêm cũng đã từng quen biết nhau nên mọi người trò chuyện vui vẻ. Bà Kim Anh tặng chúng tôi một bức tranh do Nhất Linh vẽ bà thời còn thiếu nữ và một cái máy chụp hình để chúng tôi sử dụng trong thời gian ở Mỹ.
Anh bạn thân xưa của tôi, tôi gọi như thế vì anh không muốn nêu tên ở đây, đúng là “thân xưa” vì anh và tôi chơi với nhau từ hồi học cấp hai ở một tỉnh nhỏ miền Trung. Thuở đó, chúng tôi thường đi về làng quê rong chơi, đi tắm sông, chơi đùa ở công viên nhỏ bên cạnh phòng đọc sách của thành phố. Chúng tôi cùng “yêu”, theo kiểu tình cảm học trò mới lớn, một cô bé học sau vài lớp khoảng 13 tuổi nhưng không ghen tị nhau. Hai chúng tôi từng leo lên một núi đá cao khắc tên cô bé ở giữa và tên chúng tôi hai bên. Ban đêm chúng tôi rủ nhau đến đứng trước cổng nhà cô nhìn vào cửa sổ mong thấy bóng cô thấp thoáng. Nhưng cô bé không hề để ý đến chúng tôi mà sau này lại yêu người khác. Lớn lên tôi đi học đại học, anh đi làm rồi đi lính, trở thành sĩ quan của một binh chủng thiện chiến, từng bị thương nặng trên chiến trường. Chúng tôi ít gặp lại nhau. Năm 1975, anh mang gia đình di tản sang Mỹ. Qua đây anh đi học ngay, tốt nghiệp kỹ sư điện toán, làm cho công ty Mỹ gần 30 năm, vừa mới về hưu.
Từ sau 75, chúng tôi mất liên lạc. Cách đây 5 năm, anh đọc trên mạng thấy thông tin về tôi nên bắt đầu tìm kiếm. Trong một chuyến về Việt Nam anh cất công đi tìm những nơi tôi đã ở, cuối cùng chúng tôi gặp lại. Vợ anh trước đây tôi không quen nhưng từ khi biết về tôi, chị đã tìm đọc sách của tôi xuất bản ở Mỹ và đọc các bài của tôi trên mạng do anh lấy xuống in ra, nên chị hiểu biết về chúng tôi không kém gì anh. Chị rất thích đọc sách, tuần nào cũng đi thư viện mang về hàng chục cuốn. Chúng tôi đã gặp anh chị 3 lần khi hai người đưa gia đình về thăm quê, có lần đi cùng nhau từ nam ra bắc nên hai nhà trở nên thân thiết. Qua đây chúng tôi ở nhà anh chị rất thoải mái, không chút e dè cấn cái. Chị rất ân cần chu đáo với khách và là người phụ nữ nấu ăn “nhanh nhất thế giới”. Trong tủ lạnh có sẵn đồ để nấu các món Mỹ, Việt. Chỉ cần mươi phút là đã có bữa ăn. Ngay cả các món ăn chơi như khoai mì luộc, bánh bột lọc, chè đậu đỏ bánh lọt nước dừa cũng có luôn.
(Còn tiếp)