Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

PHÁC ĐÔI NÉT CHÂN DUNG HỘI HỌA HOÀNG ĐĂNG NHUẬN

Huỳnh Hữu Ủy

Sinh tại Huế năm 1942. Mê thế giới của giá vẽ và màu sắc, nên thời còn rất trẻ, trước năm 1968, Nhuận rời gia đình và sống trong cảnh phiêu lãng với họa sĩ Lê Văn Tài ở Huế, rồi khi Lê Văn Tài trở thành người lính của Mặt Trận Giải Phóng, đi lên rừng, rồi đi ra miền Bắc, thì Hoàng Đăng Nhuận đã trở thành họa sĩ lúc nào mà cũng chẳng hay.

Tự học vẽ, không vào trường Mỹ Thuật, vậy mà bước đầu triển lãm thì lại bày tranh với hai họa sĩ rất danh tiếng thời bấy giờ là Đinh Cường và Rừng.

Có thể kể đến vài cuộc triển lãm đặc biệt của Hoàng Đăng Nhuận: 1971, bày tranh chung với Đinh Cường ở Đà Nẵng; 1972, bày tranh chung với Rừng ở Sài Gòn; 1986 triển lãm với Bửu Chỉ tại Huế; 1987 và 1989, triển lãm với Bửu Chỉ tại Hà Nội; 1990, triển lãm cá nhân tại trụ sở UNESCO và Nhà Việt Nam tại Paris; 1991, triển lãm với Dương Đình San ở Huế; và năm 1997 lại triển lãm với Bửu Chỉ ở galerie Vĩnh Lợi, Sài Gòn.

Sau năm 1975, Hoàng Đăng Nhuận tham dự nhiều cuộc triển lãm tập thể ở các nước trong khối Xã Hội Chủ Nghĩa như Ba Lan, Bungari, Liên Xô, Tiệp, Triều Tiên. Anh cũng có tranh trong bộ sưu tập của Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam và Singapore.

Hình như Hoàng Đăng Nhuận có khuynh hướng tự nhiên của một đời sống đãng tử. Trong nhiều năm dài trước đây, từ nơi này sang nơi khác, sống dưới những mái nhà dời đổi cùng với bạn hữu, ở những thành phố khác nhau từ Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Qui Nhơn, Đà lạt, Pleiku. Vào những ngày xô bồ chuẩn bị cho cuộc di tản từ cao nguyên trước tháng 4-1975, chứng kiến cảnh nhiều người hoảng hốt chen chúc cầm những chiếc thùng và chai lọ rỗng để mua xăng ở một trạm xăng, anh nói đùa với một trong những người đang chen lấn trong đám đông ấy rằng, rồi đây còn phải sắp hàng để mua không khí nữa. Anh kể cho tôi nghe sự kiện ấy sau khi chạy theo đám đông từ cao nguyên về Sài Gòn giữa mùa xuân 1975. Trong hoàn cảnh ấy, dựng lại giá vẽ, anh đã vẽ bức tranh xám Những Người Đi Mua Không Khí. Bức tranh ấy, ý tưởng ấy, không phải chỉ là chuyện đùa bỡn, mà chính đã là một cách nhìn thấu thị của một tâm hồn gitan nhạy cảm trước cuộc đời và lịch sử.

Du cư với màu sắc, Hoàng Đăng Nhuận đã để lại rải rác khắp nơi biết bao nhiêu hình ảnh và đường nét trầm lắng. Ngày nay, chúng ta vẫn còn rất hạnh phúc để cảm thụ những tác phẩm hội họa vô cùng thơ mộng ấy của Hoàng Đăng Nhuận.


Địa chỉ của những cô gái đa tình.




Phố kỷ niệm