Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

MỘT THẾ GIỚI HẬU HOA KỲ (THE POST-AMERICAN WORLD)

Fareed Zakaria
Người dịch: Lê Quốc Quân

Sức Mạnh Hoa Kỳ

Kỳ 7

Một nền Chính trị không làm gì cả

Hoa kỳ có một lịch sử của sự lo lắng là mình sẽ bị mất đi sự sắc bén của mình. Lần này tối thiểu đã là một cơn sóng lo lắng lần thứ tư kể từ năm 1945. Đợt lo lắng đầu tiên là vào cuối những năm 1950, hậu quả sau khi Xô Viết phóng vệ tinh Sputnik. Lần thứ hai là vào những năm 1970, khi giá dầu cao và sự tăng trưởng chậm đã thuyết phục người Mỹ tin rằng Tây Âu và Saudi Arabia là các sức mạnh của tương lai, và Tổng thống Nixon đã điềm báo về sự giáng sinh của một thế giới đa cực. Lần gần đây nhất đã đến vào giữa những năm 1980, khi hầu hết các chuyên gia đều tin rằng Nhật bản sẽ là siêu quyền lực thống trị về kinh tế và công nghệ của tương lai. Những lo lắng trong các trường hợp như thế này có sự thể hiện thông minh và rất rõ rệt. Nhưng không một tình huống nào đã trở thành sự thật. Nguyên nhân là vì cơ chế Hoa Kỳ đã được chứng tỏ là một cơ chế mềm dẻo, có khả năng xoay sở, đàn hồi và có thể sửa chữa những khuyết điểm đồng thời có thể chuyển hướng các chú ý của mình. Một sự tập chú vào sự suy yếu của kinh tế Mỹ sẽ đưa đến kết quả là ngăn chặn được sự suy yếu đó. Vấn nạn của ngày nay là cơ chế chính trị Hoa Kỳ có lẽ có nhiều khả năng tạo nên các liên minh rộng rãi để giải quyết được các vấn đề phức tạp.


Những khác thường về kinh tế tại Hoa Kỳ ngày nay là có thực, tuy nhiên, nhìn tổng thể, chúng không phải là sản phẩm của sự thiếu hiệu quả trầm trọng trong nền kinh tế Hoa Kỳ, cũng như không phải là phản ánh của sự suy sụp về văn hóa. Chúng là hậu quả của các chính sách đặc trưng của chính phủ. Các chính sách khác nhau có thể di chuyển Hoa Kỳ tương đối nhanh chóng và dễ dàng vào một nền tảng ổn định hơn nhiều. Một tập hợp các cải cách khôn ngoan có thể được ban hành ngày mai để cắt bớt các chi tiêu và trợ cấp phí phạm, tăng thêm dành dụm, mở rộng các đào luyện trong khoa học và công nghệ, bảo đảm quỹ hưu bổng, tạo nên được một quy trình di dân có hiệu quả và đạt được các hiệu quả đáng kể trong việc xử dụng năng lực. Các chuyên gia về chính sách không hề có các bất đồng lớn về tất cả những vấn đề này, và không một giải pháp được đề nghị nào phải cần đến sự hy sinh làm gợi nhớ lại thời gian khó khăn của chiến tranh mà chỉ có các điều chỉnh đúng mức về các cải biến sẵn có. Tuy nhiên, vì chính trị, những sự việc này trông như có vẻ bất khả. Cơ chế chính trị Hoa Kỳ đã đánh mất khả năng về những thỏa hiệp trên bình diện rộng, và cũng đã mất đi cái khả năng chấp nhận một số niềm đau trong hiện tại để đạt được nhiều hơn trong tương lai.

Khi đi vào thế kỷ hai mươi mốt, Hoa Kỳ không phải là một nền kinh tế yếu kém tự căn bản hay một xã hội sa sút. Nhưng Hoa Kỳ đã phát triển một nền chính trị rất không hiệu quả. Một nền chính trị lỗi thời - khoảng 225 tuổi - cứng nhắc và quá khổ mà sự khởi đầu đã bị trói buộc bởi tiền bạc, các quyền lợi đặc trưng, một hệ thống truyền thông duy cảm và các đội nhóm tấn công vào ý thức hệ. Hậu quả là những tranh cãi hiểm độc không ngừng nghỉ về các chi tiết - chính trị như trò tuồng - rất ít giá trị trong hành động hòa hợp thực tế. Một đất nước với tiến trình chính trị "có thể làm được" hiện đang nặng nề với loại chính trị "không làm gì cả, hình thành cho các cuộc ẩu đả phe phái hơn là thực sự giải quyết vấn đề. Trong tất cả các phạm vi - sự gia tăng của các mối lợi quyền đặc thù, các vận động chính trường, việc chi tiền của chính phủ - tiến trình chính trị đã trở nên có tính quá phe phái và thiếu hiệu quả trong ba thập niên qua.

Thật là một sự trái khoáy phi thường khi thiên về loại chính trị đảng phái ma mãnh và chống lại những lời kêu gọi có giá trị về lưỡng đảng. Một số nhà khoa học về chính trị từ lâu đã mong rằng các đảng phái chính trị Hoa Kỳ được giống như các đảng phái ở Âu châu - thuần tuý lý tưởng và chặt chẽ về nguyên tắc. Vâng, điều ấy đã xảy ra - càng lúc càng có ít những người dung hòa ở cả hai phía - và hậu quả là sự tắc nghẽn. Cơ chế quốc hội của Âu châu hoạt động tốt với những đảng phái có người ủng hộ. Trong cơ chế này, nhánh chỉ đạo luôn luôn kiểm soát nhánh lập pháp, do đó một đảng có quyền thế có thể triển khai nghị sự của mình dễ dàng. Thủ tướng Anh Quốc không cần đến hỗ trợ nào của đảng đối lập; ông ta có được một đảng cầm quyền đa số trên danh nghĩa. Ngược lại, cơ chế của Hoa Kỳ là một loại cơ chế chia xẻ quyền lực, có các chức năng chồng chéo, kiểm hãm và cân bằng. Tiến trình đòi hỏi đến những hợp tác rộng rãi giữa các đảng phái và các chính khách dám vượt lên khỏi những giới hạn. Đấy là nguyên nhân vì sao James Madison không tin tưởng vào các đảng phái chính trị. Xem họ như cá mè một lứa với tất cả những gì "giả tạo" và cho rằng họ sẽ mang đến một mối nguy hại cho thành phần Cộng hoà Mỹ trẻ tuổi.

Tôi hiểu rằng những lời phàn nàn này nghe cao cả nhưng mềm yếu. Và tôi hiểu rằng đã từng có một tính cách đảng phái bẩn thỉu, lâu dài ở Mỹ, ngay cả trong thời đại của Madison. Nhưng cũng có rất nhiều tính lưỡng đảng, đặc biệt là trong thế kỷ vừa qua. Phản ứng với sự cay đắng chính trị của cuối thế kỷ mười chín - lần cuối cùng từng có hai cuộc bầu cử có kết quả quá suýt soát - nhiều nhà lãnh đạo Mỹ đã cố gắng tạo nên các sức mạnh cho một chính phủ tốt đẹp và có khẳ năng giải quyết được vấn đề. Robert Brooking thành lập Viện Brookings ở Washington vào năm 1916 vì ông muốn có được một tổ chức "hoàn toàn không lệ thuộc vào các quyền lợi chính trị và tiền tài... để có thể thu thập, diễn giải và đặt ra được trước đất nước một hình thái thống nhất, các sự thực kinh tế có tính nền tảng". Hội đồng Đối ngoại, được hình thành năm năm sau đó, cũng đạt đến được sự vượt quá tính đảng phái một cách có ý thức. Người chủ bút đầu tiên tờ tạp chí của họ, Foreign Affairs, đã từng bảo viên phụ tá rằng một người nên công khai xác định mình là một người Dân chủ, và một người kia nên lập tức bắt đầu vận động cho đảng Cộng hòa. Ngược lại với các sự kiện đó là một khối tư vấn mới hình thành, tổ chức Heritage Foundation có tính bảo thủ, với người phó chủ tịch Burton Pines từng thú nhận rằng "Vai trò của chúng tôi là để cung cấp cho các nhà soạn thảo chính sách bảo thủ với các lập luận để ủng hộ phía chúng tôi".

Khó khăn là ở chỗ tiến trình ấy trong bất cứ vấn đề quan trọng nào - Y tế, An sinh Xã hội, thay đổi thuế khóa - sẽ phải cần đến sự thoả hiệp của cả hai phía. Trong chính sách đối ngoại, xây dựng nên một chính sách chiến lược cho Iraq, hay một chính sách cho Iran, Bắc Hàn hay Trung Quốc sẽ cần đến một sự thoả hiệp đáng kể từ hai phía. Điều này đòi hỏi đến một dự phóng lâu dài. Và điều ấy có khả năng là khó xảy ra. Những ai ủng hộ các giải pháp nhạy cảm và thoả hiệp với lập pháp sẽ thấy mình bị cách ly khỏi tầng lớp lãnh đạo đảng, mất đi các quỹ tài trợ từ các nhóm có quyền lợi đặc biệt đồng thời thường xuyên bị tấn công bởi những người "cùng phe" với mình trên hệ thống phát thanh và truyền hình. Cơ chế cung cấp các khích lệ lớn lao để có thể đứng vững hoặc quay lại bảo hộ nhóm của mình rằng mình đã từ chối không cúi đầu trước kẻ thù. Điều ấy tốt cho việc gây quỹ, nhưng thật kinh khủng cho việc cai trị.

Trong một số phương diện, thử thách thực sự cho Hoa Kỳ chính là ngược lại những gì đã đối diện với Anh Quốc trong năm 1900. Sức mạnh kinh tế của Anh đã suy tàn trong khi họ vẫn cố gắng duy trì ảnh hưởng chính trị hết sức mạnh mẽ quanh thế giới. Ngược lại, kinh tế và xã hội Hoa Kỳ lại đang có năng lực giải quyết các áp lực kinh tế và cạnh tranh mà họ gặp phải. Họ có thể điều chỉnh, và bền bỉ áp dụng. Thử thách chính của Hoa Kỳ là chính trị - và không chỉ với người Mỹ trên tổng thể mà cả đặc biệt với Washington. Washington có thể điều chỉnh và thích nghi với một thế giới mà các nước khác đang đi lên hay không? Hoa Kỳ có thể đáp ứng với những thay đổi trong quyền lực về kinh tế và chính trị hay không? Thách thức này còn khó khăn trong chính sách đối ngoại hơn là trong đối nội. Washington có thể thực sự bao gồm được một thế giới của các tiếng nói và quan điểm khác biệt? Đất nước này có thể phát đạt trong một thế giới mà mình không được thống trị nữa hay không?

(Kỳ tới: American Purpose – Mục đích của Hoa Kỳ)