Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

HỒI KÝ NGUYỄN HIẾN LÊ – Tập III

Nguyễn Hiến Lê

kỳ 21

CHƯƠNG XXXIII

LẠI TIẾP TỤC VIẾT

Hồi kí kết hiệp định Paris tôi đã tính sáu mươi lăm tuổi hòa bình trở lại rồi, tôi sẽ nghỉ. Cuối năm 1975, vừa đúng 65 tuổi âm lịch, tôi nói với một bạn thân, ông Giản Chi:
- Chúng mình già rồi, không nên làm gì nữa, chỉ cần người ta cho mình ở yên để coi những lớp tuồng trong buổi giao thời.


Ông đáp:
- Như vậy là tốt nhất.

May mắn là chính quyền cách mạng thấy tôi đa bệnh và tuổi cao, cho tôi được thong thả. Nghe nói ở Nga, người già khỏi phải học chính trị, vì người ta nghĩ tuổi đó nan hóa, nên chú trọng vào sự huấn luyện tuổi trẻ hơn.

Tuy nhiên hai năm đầu, vì đã lỡ có chút danh, tôi cũng không được nhàn, phải học tập đường lối của chính phủ, làm một số bổn phận công dân, dự vài ba cuộc hội họp với tư cách trí thức yêu nước hoặc nhân sĩ, và tiếp nhiều bạn văn ở bưng về, ở Bắc vô.

Tôi lại may mắn là khỏi phải lo về gia đình. Vợ tôi, bà họ Trịnh, mắc kẹt ở Paris từ 1972 vì phải trông hai đứa cháu nội, cha mẹ chùng đã li thân nhau, đương xin tòa cho li dị. Một hai tháng sau ngày 30-4-75, liên lạc được với ngoại quốc, tôi báo tin nhà cho họ biết, và ít tháng sau tôi cũng được tin bên đó.

Ở bên đây chỉ còn tôi và bà họ Nguyễn. Chị giúp việc nhà xin nghỉ luôn để về quê ở Thừa Thiên làm ruộng. Nhà tôi kêu một đứa cháu, nữ sinh Ðại học sư phạm Sài gòn lại ở cho bớt vắng vẻ. Và tôi yêu cầu nhà tôi ở lại Sài gòn với tôi cho tới khi mọi việc ổn định rồi hai vợ chồng sẽ về Long xuyên luôn cho nhà tôi gần bà con họ hàng và khi chết khỏi phải xa quê.


*
*    *


TIẾP BẠN VĂN - DỰ CÁC CUỘC HỘI HỌP

Như một chương trên tôi đã nói, chiều ngày 1-5-75, tôi mới ra khỏi nhà, đi thăm bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm, nhưng ông đã cùng gia đình di tản tới đảo Guam, rồi từ đó qua Pháp. Cô em ruột tôi, Nguyễn thị Mùi và cô em ruột nhà tôi, Trịnh thị Mộng Ðơn cũng ở đảo đó để đợi qua Mĩ.

Nhà văn Nguyễn Văn Bổng, bút hiệu là Trần Hiếu Minh, tác giả tiểu thuyết Con trâu Rừng U minh, hồi 30-4-75, chắc đương hoạt động ở thành, nên tới ngày 3-5 đã lại thăm tôi, do một bạn văn giới thiệu. Ông đã đọc một số sách của tôi, thích cuốn Tô Ðông Pha, nên muốn làm quen. Người Trung, ngoài ngũ tuần, có học khá, ăn nói thận trọng.

Vài hôm sau, cũng vào buổi tối, nhà văn Nguyễn Huy Khánh cùng với cô Hợp Phố (em Thiên Giang) cũng lại chơi. Tôi quen ông Khánh từ non hai chục năm trước, viết bài tựa cho cuốn Khảo về tiểu thuyết Trung hoa của ông và giới thiệu nhà Khai Trí xuất bản. Ông là nhà biên khảo biết chữ Pháp, chữ Hán, nghe nói có một nhiệm vụ khá quan trọng trong thời kháng chiến. Sau hiệp định Genève ông ở lại Nam, hoạt động ở Sài gòn, bị chính phủ Diệm bắt giam ở Tây ninh, tra tấn, què một bàn chân, sau lại ra bưng hoạt động, nhờ vợ đem cho tôi coi bản thảo một bộ tự điển Hán Việt xem có thể xuất bản được không. Tôi đáp rằng công phu đấy, nhưng dùng nhiều dấu hiệu phiên âm của Trung hoa, các nhà in Sài gòn không có, nên không nhà xuất bản nào chịu nhận. Ông cũng xin tôi vài tác phẩm tôi mới in. Sau ngày 1-5-75, ông về Sài gòn, điều khiển tờ Sài gòn giải phóng, rồi qua Ðại đoàn kết, cơ quan ngôn luận của Mặt trận Tổ quốc, mặt trận này gồm đại diện các giáo phái và trí thức trong nước để làm cố vấn như cố vấn cho chính quyền, không có quyền hành gì cả. Hồi nằm vùng ở Sài gòn, ông có viết ít bài cho tờ Bách Khoa, nên có cảm tình với anh em Bách Khoa, và giúp cho tôi được ít việc trong buổi đầu sau ngày 30-4-75. Ðối với tôi, ông thành thực cởi mở, khác hẳn Thiên Giang.

Khoảng một tháng sau, Thiên Giang (đã theo kháng chiến sau vụ tết Mậu thân, 1968), từ Hà nội vô, cùng với ông Khai Trí lại thăm tôi, đương lúc tôi đau. Về chí hướng chúng tôi đã xa nhau từ lâu, cho nên gặp nhau tuy niềm nở mà không thân mật, và từ đó cũng không gặp lại nữa. Ông và bà vợ được ăn lương nhân sĩ của thành phố; ông, xưa ở trong nhóm đệ tứ, không được giao cho trách nhiệm gì cả; bà làm chủ bút hay chủ nhiệm tờ Phụ nữ ở Sài gòn trong ít lâu rồi sau cũng ngồi không.

Một người nữa, Lữ Phương, giáo sư Trung học Thoại Ngọc Hầu, cũng ra bưng sau tết Mậu thân, được làm thứ trưởng ở Hà nội, mà sau ngày 30-4-75, cũng chỉ làm nhân sĩ ở Sài gòn chứ không được giao cho trách nhiệm gì cả. Chính quyền hình như không tin những người gần tới giờ chót mới theo cách mạng.

Tôi không dự cuộc mít tinh đầu tiên ở trước dinh Ðộc lập để mừng chiến thắng (không nhớ vào ngày nào, khoảng trung tuần tháng 5 dương lịch) vì vừa lớn tuổi, vừa đau. Nghe nói tới cả triệu người. Các ông tổ trưởng phải đi từng nhà gọi dân đi mít tinh từ nửa đêm, rồi dắt họ tới địa điểm đã chỉ định. Họ chầu chực ở cửa dinh từ bốn năm giờ sáng, và chín mười giờ mới giải tán. Nhiều ông già bị một cơn mưa mà phải đứng bốn năm giờ liền, về nhà đau cả tuần lễ.

Sau ngày mít tinh đó tôi mới lại tòa soạn Bách khoa. Tấm bảng đã bị hạ. Gặp bốn năm anh em, ai cũng có vẻ lo lắng. Họ cho hay từ ngày 2-5, nhiều nhà báo, nhà văn ở Sài gòn mỗi ngày lại trụ sở tạm thời của một cơ quan văn hóa nào đó ở đường Nguyễn Du, từ 7 giờ sáng tới trưa để xin “chỉ thị” của cách mạng. Họ tự ý tới chứ không ai mời; cán bộ cách mạng bận việc tíu tít, mà cũng chưa được chỉ thị của cấp trên, để mặc họ ngồi đó, sau đưa cho họ một tờ giấy, bảo họ ghi những hoạt động của họ trong thời Diệm, Thiệu. Ngồi không suốt một tuần, họ chán, lần lần không tới họp nữa. Họ có mặc cảm tội lỗi. Tội nghiệp nhất là một nhà văn già được giấy mời của hội Nhà văn giải phóng, lại ngồi đợi ở cửa trụ sở từ sáu giờ sáng, mà 8 giờ họ mới họp.

Trước ngày 30-4-75 tôi đã bị chứng nước tiểu đục, trắng như nước vo gạo, đi tiểu buốt, bác sĩ Phiếm trị không hết, mà da bao qui đầu co lại, muốn bít lỗ tiểu. Sau ngày 30-4-75, tôi nhờ một bác sĩ trẻ, Nguyễn Chấn Hùng, ở nhà thương Bình dân, độc giả của tôi, trị cho. Cậu ấy cho là tại da bao qui đầu cả, cắt đi, cho uống ít thứ thuốc nữa, hết luôn.

Trong thời gian trị bệnh, Hội Nhà văn giải phóng Sài gòn-Gia định mời tôi dự buổi bầu ban chấp hành, tôi không dự được.

Một hôm đi mua thuốc, tôi gặp ông bà Trần Thúc Linh. Tôi quen ông Linh từ khi ở Long xuyên lên Sài gòn, hồi đó ông làm chánh án (?) ở Tourane, sau vô Sài gòn làm tổng thư kí bộ Thông tin, viết sách báo về luật (cuốn Tự do cá nhân của ông do tôi xuất bản lần đầu). Ông lái xe hơi, thấy tôi, vẫy lại, đưa tôi về nhà. Tôi nhận thấy ông bà đều có vẻ buồn, đoán được lí do, nhưng không hỏi. Mấy năm trước ngày 30-4-75, ông hoạt động ngầm cho cách mạng, bị chính phủ Thiệu giam hai lần; một người con trai của ông, tên là Chương, đương học Y khoa thì ra bưng, một hai năm rồi về, ít lâu sau bị giết một cách tàn nhẫn: xô hay liệng từ từng lầu thứ ba trường Y khoa (?) xuống đất, chết tức thì. Cái chết đó làm cho ông bà rất đau xót. Ngày đưa đám cháu Chương - Cháu rất mến tôi - trông thấy tôi, ông nức nở khóc ròng, tôi không hiểu nước mắt ở đâu ra nhiều thế.

Giải phóng rồi mà buồn, ít nói, tôi chắc là ông có nhiều tâm sự. Ít lâu sau, tôi thấy tên ông trong danh sách Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh (thành phố Sài gòn đã đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh). Năm 1978, bà Linh xin phép qua Pháp thăm con, đợi cả năm mới được phép. Ông ở lại với người con trai út, cũng ở trong Mặt trận Tổ quốc. Tháng 3-1980 tôi hay tin ông đứt mạch máu ở óc, tê liệt nửa người, như ông Nguyễn Ngọc Thơ trước kia. Bệnh viện Thống Nhất trị cho ông gần hết, rồi ông xin qua Pháp trị tiếp. Hiện ông ở Pháp. Ông ham hoạt động, có sáng kiến, có đởm, có nhiệt tâm, ăn nói hoạt bát.

Tháng 6-1975, cô Cao thị Quế Hương trong ban Trí vận khu Sài gòn - Gia định dắt Nguyễn Kim Thản viện trưởng viện Ngôn ngữ học Hà nội lại thăm tôi. Nói chuyện với nhau khoảng 1 giờ về vấn đề giữ cho tiếng Việt được trong sáng. Tôi tuyên bố rằng đã thôi nghiên cứu về ngữ pháp đã non mười năm rồi, lúc này chỉ đọc Trung triết thôi, và bảo ông ấy tìm thăm ông Trương Văn Chình và bác sĩ Trần Ngọc Ninh, hai nhà này biết nhiều hơn tôi về ngôn ngữ học.

Vài tổ chức văn hóa mời tôi dự các buổi diễn thuyết, tôi đều không dự được.

Tháng bảy, Hội nhà văn giải phóng mời tôi dự một cuộc tọa đàm với hai cán bộ văn hóa cao cấp ở Bắc vô: thứ trưởng Hà Huy Giáp và thứ trưởng Hà Xuân Trường. Chỉ có năm nhà văn ở Sài gòn được mời, Vũ Hạnh, bà Phương Ðài, Nguyễn Ngọc Linh..., mà tôi là nhà văn duy nhất không nằm vùng, nghĩa là không hoạt động bí mật tại thành.

Tôi lớn tuổi nhất, đưa ý kiến trước hết, yêu cầu chính quyền vạch rõ đường lối văn hóa của Bắc, giải tỏa nỗi thắc mắc và lo ngại của cả ngàn nhà văn trong Nam như trường hợp nhà văn Bình Nguyên Lộc (ông này có lần thách đố các học giả miền Bắc trong một tác phẩm biên khảo của ông, nên sợ bị trừng phạt) và nên cho họ biết sớm có thể dùng họ được không, nếu không thì họ bỏ nghề, kiếm nghề khác.

Ông Hà Huy Giáp có vẻ cởi mở, nhưng không trả lời thẳng, dứt khoát câu hỏi sau của tôi và bảo cứ phục vụ nhân dân là đúng với đường lối của chính phủ rồi; nhà văn nào cũng được tự do phát biểu ý kiến, tự do sáng tác theo cảm nghĩ của mình, và những nhà văn như Bình Nguyên Lộc cứ yên tâm, đừng có mặc cảm gì hết. Chính quyền theo chính sách đoàn kết và khoan hồng mà! Ông nói thêm: “Dĩ nhiên những tác phẩm nào không phù hợp với chủ trương của chính phủ thì chính phủ không dùng”. Nghĩa là không có tự do xuất bản, ra báo nữa. Và tới nay (1981) trong số cả ngàn cây bút ở Nam, chỉ độ mươi người được chính phủ dùng toàn là những người đã hoạt động chìm, còn thì thất nghiệp hết.

Ông phàn nàn rằng cán bộ Sài gòn đã đốt nhiều sách về văn thơ cổ của ta, cả nhiều bộ tự điển nữa.

Tôi hỏi ông: “Trong bộ Văn hóa Trung quốc hiện đại, tôi chê cuộc Cách mạng văn hóa năm 1966 của Mao Trạch Ðông, như vậy có hợp với đường lối chính phủ không?” Ông đáp rất khéo: “Tôi không biết cuộc cách mạng văn hóa đó ra sao, nhưng Trung hoa có đường lối văn hóa của Trung hoa, mình có đường lối văn hóa của mình”.

Sở dĩ tôi hỏi vậy vì hồi đó, sở Thông tin văn hóa thành phố đương kiểm duyệt những tác phẩm của tôi. Kết quả là họ không cấm một cuốn nào cả, như một chương trên tôi đã nói, chỉ bảo bộ Văn học Trung quốc hiện đại còn phải xét lại (rồi họ im luôn); còn cuốn Bài học Israel thì họ chỉ khuyên các sạp sách cũ đừng nên bày bán. Lần đó họ cấm toàn bộ tác phẩm của 56 nhà văn trong Nam mà họ cho là phản động hay đồi trụy. Trong Ủy ban kiểm duyệt đa số là nhà văn trong Nam hoặc đã nằm vùng hoặc có tư tưởng “tiến bộ”. Họ làm việc cũng không khắt khe lắm.

Tháng 8-75 có Ðại hội Trí thức yêu nước họp ở nhà hát thành phố (quốc hội thời Thiệu), tôi được mời dự với tư cách nhân sĩ thành phố. Hai người dìu cụ Á Nam Trần Tuấn Khải leo lên sân khấu, ngồi vào bàn chủ tọa. Cụ ngồi yên, trước sau chỉ nói mỗi một câu đại ý: “Tôi đã tám chục tuổi rồi, nhưng thực ra tôi chỉ mới một tuổi, mới sanh ngày 30-4-75”. Cử tọa im lặng, vì cảm động hay vì buồn cho cụ? Cụ lẩy bẩy đứng dậy ngó thẳng vào hình Hồ chủ tịch khi trỗi bản quốc thiều. Nghe nói mãi đến năm 1979, chính quyền mới trợ cấp cho cụ mỗi tháng 150 đồng, do Huy Cận (hay Chế Lan Viên?) đề nghị.

Trong đại hội đó, một cán bộ trong giai cấp thợ thuyền lớn tiếng mạt sát bọn trí thức. Có vài tiếng vỗ tay rất lớn. Sau cách mạng tháng 8-1945, ở Sài gòn và cũng trong một cuộc họp các nhà trí thức, đã diễn ra một màn y như vậy. Họ mời mình tới để nghe họ mắng. Khi nghỉ để giải khát, tôi bỏ về trước.

Hai tháng sau, có Ðại hội văn nghệ thành phố cũng họp tại nhà hát thành phố, để giới thiệu các hội viên trong đợt đầu, toàn là những văn nghệ sĩ nằm vùng tôi không hề biết tên. Nhà văn Lí Văn Sâm, đã in vài tiểu thuyết hồi 1950, mời tôi phát biểu ý kiến, tôi từ chối, ông ta có vẻ thất vọng.

Trong đại hội đó, tôi ngồi cạnh nhà văn Thiếu Sơn Lê Sĩ Quí, tác giả cuốn Phê bình và Cảo luận mà tôi đã đọc từ đầu thế chiến. Hồi làm việc ở sở Thủy lợi Sài gòn, tôi biết ông có họ xa bên ngoại với tôi (ông quê ở Ðan loan - Hải dương, người trong họ Lê của cụ ngoại tôi, cụ tú Ðan loan), và làm việc ở sở Bưu điện Gia định, có chân trong đảng xã hội (S.F.I.O.) của Pháp, nhưng chúng tôi không có dịp gặp nhau. Lần này gặp ông, tôi rất mừng, thân với ông ngay. Mập, lùn, lớn hơn tôi vài tuổi, có bệnh huyết áp cao. Ông khen các tác phẩm và bài báo của tôi, bảo: “Ở trong khu bị chiếm mà viết được như vậy là được lắm”. Ông muốn nói tôi can đảm, thẳng thắn chỉ trích chính phủ Diệm, Thiệu.

Trong thời kháng Pháp, ông ra bưng ít lâu, năm 1954 (?) về thành, thời kháng Mĩ, theo Mặt trận giải phóng rồi ra Bắc, được chính phủ ngoài Bắc phái qua Pháp “tham quan” một thời gian. Sau 30-4-75, trở về Sài gòn, làm một nhân sĩ, được cấp lương. Tôi hỏi ông sẽ viết lách gì nữa không?

Ông mỉm cười đáp:
- Thời trước mình viết, ngụy nó có bỏ tù mình cũng không sao (ông đã bị giam mấy tháng trước khi ra bưng lần thứ nhì), bây giờ viết để cho cách mạng bắt giam mình thì kì quá và lại kẹt cho họ nữa.

Tôi cười, mến ông là người thành thực, có tư cách.

Hai năm sau ông mất vì đứt mạch máu. Trong hai năm đó tôi chỉ thấy ông viết vài bài ngắn; một bài đăng trên tờ Sài gòn giải phóng vào cuối năm 1975, đại ý là: muốn đoàn kết thì đồng bào Bắc nên bớt mặc cảm tự cao đi, còn đồng bào Nam nên bớt mặc cảm tự ti đi.

Ðọc bài đó, tôi viết thư cho ông bảo: “Không biết đồng bào Bắc có bớt được chút mặc cảm tự tôn nào không chứ người miền Nam rất ít ai còn mặc cảm tự ti”.

Ông không đáp, nhưng khoảng một tháng sau, ghé tòa soạn cũ của Bách khoa nói với Lê Ngộ Châu: “Anh Lê không làm cách mạng nhưng đáng quí hơn nhiều người làm cách mạng”.

Chính ông dắt giám đốc nhà xuất bản Văn học ở Hà nội, Như Phong, lại thăm tôi. Tôi tặng ông và Như Phong mỗi người vài tác phẩm của tôi.

Cuối năm 1975, chính quyền phát động phong trào thống nhất quốc gia. Nhà văn Nguyễn Ðổng Chi, tác giả cuốn Cổ văn học sử lại nhờ tôi viết một bài về vấn đề thống nhất, để đăng trong một tạp chí nào đó. Tôi từ chối, lấy cớ là đau và không có tài liệu lịch sử. Giá tôi có viết thì cũng uổng công vì tạp chí ông nói đó sau không thấy ra. Chắc ông ta không hiểu rằng giới trí thức trong này không muốn có sự thống nhất sớm như vậy.

(Còn tiếp)