Thứ Năm, 13 tháng 1, 2011

Ghé thăm các Blogs: 13/01/2011

Những báo cáo và chiến lược quan trọng nhất của đất nước, thay vì đi thẳng vào giải quyết những vấn đề nóng bỏng của đời sống, lại chỉ tập trung tô vẽ cho chính mình để đạt đến độ “hoàn hảo giả tạo”, trở thành những Báo cáo vị báo cáo, Chiến lược vị chiến lược nên khô cứng sáo mòn và xa lạ với cuộc sống. Tính bất khả thi của những báo cáo và chiến lược này vì thế là tất yếu. [BLOG GIÁP VĂN]

BLOG NGUYỄN QUANG LẬP

he he lại ông Nguyễn Xuân Kiên

Đọc báo thấy có nói có một ông tự ứng cử vào BCHTW Đảng thì phục lắm. Bầu bán ở xứ ta hễ có ai tự đứng ra ứng cử thì mọi người rất chú ý, bàn tán xôn xao, phục nữa. Việc tự ứng cử vào BCHTW Đảng quả là chuyện xưa nay hiếm, lại càng phục. Tui cũng rứa. Lúc đầu nghe nói đó là ông Nguyễn Xuân Kiên, sinh năm 1966, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học nghiệp vụ và tư liệu Ban Tuyên giáo Trung ương, cũng không biết đó là ai. Sau đọc bài pv trên báo Bee: “Tôi có niềm tin khi tự ứng cử vào Trung ương Đảng” thấy cái ảnh cứ ngờ ngợ, không biết gặp ông này ở mô rồi. Sau rồi nhớ ra là tui đã gặp ông cũng chính trên báo Bee, ở một bài pv cách đây hơn một năm, ngày 5/10/2009: “VN sẽ vào top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới“. Tại đây ông Kiên đã nổ rất kinh, ông nói: “Với tiềm năng sẵn có của các doanh nghiệp hiện nay, chỉ 20 -30 năm nữa, Việt Nam sẽ là một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. 40 năm nữa, Việt Nam sẽ đứng trong top 15 nền kinh tế lớn nhất thế giới.” Rất nhiều người nổi khùng vì bài pv ni. Ông Nguyễn Dương thậm chí đã viết một bài dài: “Không biết ông Kiên có phép màu gì không, hoặc ông nhất định phải là người tôn sùng thuyết siêu tưởng, chứ cái lập luận dựa vào “hiện nay một số doanh nghiệp Việt Nam đầu tư cho tư duy chiến lược và có một số doanh nghiệp đã thực sự bứt phá” thì thực sự chẳng thuyết phục chút nào.

Tui cũng nổi khùng, đã viết bài: “Thôi đừng loè nhau nữa“, trong đó có đoạn: “Không biết ông viện trưởng này khi nói có nhớ ông đang sống trên một đất nước đang có sở hạ tầng bi bét thảm hại, tham nhũng là quốc nạn, gian lận và thói vô trách nhiệm là căn bệnh trầm kha v.v hay không? Hay là ông đang sống trên mây?”

Vì bài phỏng vấn giới thiệu ông là Viện trưởng Viện chiến lược kinh tế – xã hội Việt Nam và Đông Nam Á nên cả tui và ông Nguyễn Dương mới nổi khùng. Cứ nghĩ viện trưởng một viện nghiên cứu của Nhà nước sao mà hoang đường thế kia. Sau nghe người ta nói cái Viện kia chỉ là viện tư nhân của ông Kiên, ông đặt tên vậy cho nó oách thôi, không phải viện Nhà nước và cũng chẳng “nghiên cứu” cái chi hết. Nghe vậy thì tui hơi ân hận, nghĩ mình đã quá phí lời.

Chuyện tưởng thế là xong, ai ngờ bây giờ biết ông tự ứng cử vào BCHTW Đảng, tui cứ ngồi cười mãi. Xứ mình những người tự ứng cử chỉ có hai loại, một là những người tiên phong đổi mới, dũng cảm, dám nghĩ dám làm; hai là những kẻ hoang tưởng, dở hơi chập mạnh. Chỉ có hai loại đó thôi, không có loại thứ ba. Không biết ông Kiên có trúng BCHTW Đảng không, chắc là trật chỏng vó. Nhưng nếu trúng thì răng hè? Đảng thêm một người tiên phong hay là thêm một ông hoang tưởng? He he tui nỏ biết, em chã em chã…


BLOG GIÁP VĂN


Những báo cáo và chiến lược quan trọng nhất của đất nước, thay vì đi thẳng vào giải quyết những vấn đề nóng bỏng của đời sống, lại chỉ tập trung tô vẽ cho chính mình để đạt đến độ “hoàn hảo giả tạo”, trở thành những Báo cáo vị báo cáo, Chiến lược vị chiến lược nên khô cứng sáo mòn và xa lạ với cuộc sống. Tính bất khả thi của những báo cáo và chiến lược này vì thế là tất yếu.

Đọc lại những văn bản quan trọng nhất của đất nước trong thời gian gần đây, dù đã được trình hoặc đang ở dạng bản thảo lấy ý kiến của nhân dân, thì cảm tưởng sáo mòn, xa rời cuộc sống dội lên đến tận cùng. Cụ thể là những lập luận, nhận định, định hướng... thường không có cơ sở và logic chặt chẽ, quá đỗi chung chung và sáo mòn đến mức nhàm chán.

Từng câu từng đoạn khi để tách rời thì rất đúng, rất khó bắt bẻ nhưng khi kết hợp lại thành một tổng thể thì như một cái xác không hồn và lộn xộn đến mức khó chấp nhận. Đơn cử như trích đoạn trong “Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020”, một văn bản đang được trình lấy ý kiến của nhân dân như sau:
“Diện mạo của đất nước có nhiều thay đổi. Thế và lực của đất nước vững mạnh thêm nhiều; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên, tạo ra những tiền đề quan trọng để đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Đạt được những thành tựu nêu trên là nhờ phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc, năng động sáng tạo của toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý điều hành có hiệu quả của Nhà nước.


Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. Kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc. Huy động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn hạn chế. Tăng trưởng kinh tế còn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội còn nhiều bất cập, một số mặt còn bức xúc. Môi trường ở nhiều nơi đang bị ô nhiễm nặng. Thể chế kinh tế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Nền tảng để Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa được hình thành đầy đủ. Vẫn đang tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị - xã hội và đe dọa chủ quyền quốc gia.”


Người đọc có lý trí bình thường, khi đọc đoạn văn bản này không khỏi có ý nghĩ về logic của văn bản và trình độ của những người soạn thảo:

• Nếu “Diện mạo của đất nước có nhiều thay đổi. Thế và lực của đất nước vững mạnh thêm nhiều…” thì vì sao ‘Các lĩnh vực văn hoá, xã hội còn nhiều bất cập, một số mặt còn bức xúc. Môi trường ở nhiều nơi đang bị ô nhiễm nặng”? Thay đổi ở đây, như vậy, là thay đổi gì?

• Nếu đã “phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc, năng động sáng tạo của toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp và của cả hệ thống chính trị” thì vì sao “kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc”? Sức mạnh toàn dân tộc, năng động sáng tạo của toàn quân toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị có lẽ nào chỉ mang lại những kết quả yếu kém như trên? Nếu đúng thì dân tộc, cộng đồng doanh nghiệp và hệ thống chính trị đó cần xem lại mình. Còn nếu sai thì nội dung của đoạn trích dẫn trên là hoàn toàn vô nghĩa.

• Nếu đất nước được vận hành “dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý điều hành có hiệu quả của Nhà nước” thì vì sao “những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng”, “sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc”, “các lĩnh vực văn hoá, xã hội còn nhiều bất cập, một số mặt còn bức xúc”, “môi trường ở nhiều nơi đang bị ô nhiễm nặng”? Sự lãnh đạo như vậy có được gọi là đúng đắn, sự quản lý như vậy có được gọi là hiệu quả?

• V.v…

Chỉ một đoạn văn bản ngắn như vậy mà đã chứa vô số những lập luận và nhận định lủng củng thì cả một văn bản dài, chưa kể hàng trăm văn bản mang tính chỉ đạo khác sẽ ra đời từ văn bản này, sẽ chứa đựng biết bao nhiêu củng lủng lầm sai?

Giật mình: Đây là một đoạn trong một văn bản quan trọng bậc nhất của đất nước hiện nay: Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Nếu văn bản này được thông qua, trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động quản lý và điều hành đất nước trong 10 năm tới thì hậu quả sẽ như thế nào?
• Sẽ đẻ ra một đất nước lủng củng và phi logic như đoạn văn bản đã trích dẫn ở trên?

• Và để đối phó với những lủng củng phi logic đó, sẽ lại ra đời hàng trăm văn bản lủng củng phi logic khác để hợp thức hóa, logic hóa những lủng củng và phi logic đã có?

• Và một hệ thống phương tiện đủ loại đủ kiểu sẽ đi vào hoạt động hết công suất để đảm bảo cho việc hợp thức hóa, logic hóa được thành công?

• Và để chấp nhận chúng, con người phải được huấn luyện để trở thành lủng củng và phi logic một cách tương ứng?

• Nếu không, họ sẽ phải làm gì? Tự cắt bỏ khả năng tư duy và cảm nhận để trở nên vô cảm hay sẽ lao vào bài bạc, vũ trường, thuốc phiện… để quên đi cái lủng củng và phi logic của thực tế?

• Một xã hội suy đồi và một đất nước suy vong khi đó có còn xa?

Nhức nhối:
• Chúng ta sẽ đi về đâu dưới sự chỉ dẫn của những chiến lược này?

• Chúng ta phải làm gì với mớ bòng bong này?


BLOG HIỆU MINH



J-20 tàng hình. Ảnh: Reuters.

Người Trung Quốc nổi tiếng với nền ngoại giao “gạo cội” như bóng bàn đã đưa hổ giấy (Mỹ) và hổ thật (Trung Quốc), từ kẻ thù không đợi trời chung thành bạn chiến lược vào năm 1972.

Mao Trạch Đông tiếp Nixon tại Bắc Kinh bằng cái bắt tay đưa lên hạ xuống đúng 32 lần sau trận bóng bàn giao hữu giữa hai đội Mỹ Trung.

Mấy chục năm sau, họ gửi gấu trúc sang ZOO bên DC để hàn gắn mối giao thương bị đứt đoạn, nên có nền ngoại giao… gấu trúc.

Người Bắc Triều tiên có tài dùng bom nguyên tử dọa thế giới nên trở thành tác giả của khái niệm ngoại giao “hạt nhân”.

Người Úc với bản quyền “ngoại giao phở” vì mấy năm trước có ông bộ trưởng Ngoại giao xứ Kangaroo vào bếp của quán Phở 24 tại Hà nội để nấu phở và tự thưởng thức.

Việt Nam cũng có nền ngoại giao riêng. Cuối thập kỷ 1960, hai ông Henry Kissinger và Lê Đức Thọ đàm phán ở Paris mấy năm liền không đi tới đâu, mắng nhau “ngoại giao lái ngựa” và “ngoại giao lái trâu”.

Mấy hôm nay lại có chuyện ngoại giao tàng hình xuất xứ từ quê hương của nền ngoại giao bóng bàn.
Chả là Trung Quốc vừa thử nghiệm máy bay tàng hình. Báo chí nước này đăng tải những bức ảnh chiến đấu cơ J-20 có khả năng che mắt radar của Trung Quốc. Blog tràn ngập các hình ảnh J-20. Tin “vỉa hè” cho hay, J-20 đã bay khoảng 15 phút từ một sân bay ở thành phố Thành Đô.

Chuyến bay thử này được tiết lộ đúng vào thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates đang có mặt tại Bắc Kinh. Ông Gates đang kêu gọi Trung Quốc minh bạch hơn về chương trình hiện đại hóa quân sự nhanh chóng.

Nước ta chi 2 tỷ đô la hàng năm để mua vũ khí. Trung Quốc dùng khoảng 80 tỷ và Mỹ chi 700 tỷ đôla cho quốc phòng. Dữ liệu trên đủ cho biết cán cân quyền lực quân sự đang thuộc về ai.

Dùng máy bay tàng hình để minh bạch chi tiêu quân sự thì quả là tài tình.

Chuyện không dừng ở đó. Theo VOA (11-1-2011), Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates nêu câu hỏi về vụ thử bay “tàng hình” trong một cuộc họp với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào thì ông Đào “tẩu vi thượng sách” bằng cách thoái thác rằng, ông chẳng biết gì về vụ này.

Bác Hồ Cẩm Đào là Chủ tịch của Ủy ban Quân Sự Trung ương mà không biết gì về vụ bay thử thì thật lạ.

Bộ trưởng Gates không đề cập đến sự “bất ngờ” của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Nhưng ngài Gates (quen canh cổng trời) lại quan ngại về “sự tách biệt giữa các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự của Trung Quốc, và khả năng quân đội Trung Quốc đôi khi hành động một cách độc lập”.

Nhớ mấy hôm trước có tin một nhà quân sự cao cấp TQ đề nghị quân đội nước này nên tranh thủ chiếm luôn Trường Sa của VN. Trên bảo dưới không nghe có thể như thế thật.

Ông Đào giải thích, thời điểm cuộc thử nghiệm không liên quan gì đến đến chuyến thăm của ông Gates. Trong ngoại giao đó là điều cấm kỵ. Ai lại dọa nhau kiểu đó vì ông Đào sắp sang Nhà Trắng gặp Obama.

Ông chủ Lầu Năm Góc còn nhiều lý do để lo hơn. Một hôm nào đó J-20 bay vào Mỹ mà radar không phát hiện được thì liệu ngài Gates có được canh cổng (gates) cho thế giới an toàn nữa hay không.
Giới trách Trung Quốc đã dùng chiến thuật tàng hình trong ngoại giao. Còn ông Gates thấy mình hiện lên màn hình radar của người phương Bắc.

Muốn nói gì thì nói, sau vụ này, chiến thuật tàng hình J-20 đã dọa được hổ giấy Mỹ.


BLOG ĐÀO TUẤN


Đăng ngày: 01:01 06-01-2011


(Thân phận người hùng và con nợ đôi khi chỉ cách nhau có một giấc ngủ, bác Mai ạ)

Ai là người nghèo nhất?

Bố con họ Chử- 2 người mặc chung 1 chiếc khố?

Những người cộng sản-- "trên vai chỉ có xiềng xích"?

Chị Dậu- Phải bán chó đợ con?

3067,8 lượt người thiếu đói trong năm 2010?

Những ngày cuối năm, liên tục thấy top người giàu xuất hiện. Nào trả lời phỏng vấn. Nào giao lưu trực tuyến. Nào là "Tiền bạc có lúc trở thành vô nghĩa"...Giàu đương nhiên phải được tôn vinh vì đó là lao động, là mồ hôi nước mắt, là máu và song sắt. Top người giàu nhất có thể xác định được. Top gia đình giàu nhất cũng đã có. Top 50 phụ nữ giàu nhất cũng đã bầu. Nhưng câu hỏi ai là người nghèo nhất sẽ không thể trả lời

Những chị Dậu giờ nhiều quá, không đếm xuể.

Những bố con họ Chử giờ ngoài việc thiếu mặc, còn đói ăn, đói một cách vật lý.

Còn những người cộng sản? Họ giờ đã là những người lãnh đạo. Và quyền lực, trong thực tế đang là thứ sở hữu đáng giá hơn tiền rất nhiều lần.

Hôm nay, trên SGTT có một bài báo hay và cảm động về một người mà ai đó cũng ít nhiều nghe đến: Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu. Dự cảm của mình có lẽ không tồi. Vào tháng 10-2010, khi ông trở về sau khi bị Trung Quốc giam cầm trong suốt 44 ngày đêm- trong cảnh cờ hoa, đón đưa, được báo chí tung hô như một người hùng, mình đã cảm giác rằng ngay sau đó ông sẽ phá sản. 600 triệu mua tàu là tiền vay. 3 lần bị Trung Quốc bắt; nợ đến lúc làm người hùng cũng vẫn ngập đầu. Họ Mai sẽ sống bằng gì sau đó? lại vay Ngân hàng- mà ai sẽ cho con nợ Mai Phụng Lưu vay tiếp- để tiếp tục đi biển- và hoàn toàn có thể lại tiếp tục bị bắt- rồi cuối cùng vỡ nợ, phá sản và giải quyết bằng cách trầm mình xuống biển, hoặc cay đắng hơn- tìm một sợi dây chão- hoặc bi thảm hơn- một lọ thuốc diệt chuột, cho rẻ, như thân phận lão Hạc của gần trăm năm trước?!

Nhưng không ngờ, cái ngày ông trắng tay quá sớm. Không ngờ, việc ngã từ trên đỉnh người hùng, xuống thân phận "thằng bần" chỉ sau một giấc ngủ.

Tác giả Phạm Anh đã viết những dòng rớm máu trên SGTT: "Mai Phụng Lưu giờ ở tuổi 44, có thâm niên 30 năm sóng gió biển khơi, nhưng giờ như chim gãy cánh, khi ba tháng nay, không dám ra khỏi nhà. Trước đó, khi con tàu QNg 66 478 TS được thả về, Mai Phụng Lưu phải giao chiếc tàu cho đầu nậu vì ông mắc nợ đến 600 triệu đồng. Đó là chưa kể những khoản nợ sau ba lần bị Trung Quốc phạt tiền trước đó, mỗi lần 7 vạn nhân dân tệ, đã đẩy Mai Phụng Lưu vào con đường cùng kiệt. Đời người đi biển, con thuyền còn quan trọng hơn nhà vì còn thuyền thì có thể làm ra nhà. Mai Phụng Lưu không có thuyền đi biển, giống như người mất chân. Hôm đến nhà thăm ông Lưu, tôi thấy ông cầm gàu múc nước tưới rau mà mắt không buồn nhìn cây rau".

Thôi, thế là người anh ngư dân Mai Phụng Lưu đã bị số phận dẫm đạp quá đau đớn. Thôi, thế là vị thuyền trưởng "Đi biển thuộc từng hòn đảo, từng rặng san hô ngầm. Lái thuyền lượn quanh các đảo như người ta đi xe máy tránh ổ gà trên những đoạn đường quen gần nhà" bị giam cầm trên bờ đề ngày ngày đi lang thang, liêu xiêu như "say đất". Và người anh hùng can đảm vô ngần, bị Trung Quốc bắt 3 lần vẫn lái thuyền ra khơi giờ đã rơi xuống cái đáy của hố nghèo, và tồi tệ hơn- sự chán nản.

Tàu của ông Mai đã phải giao cho đầu nậu vì mắc nợ nhiều quá. Con trai ông, rể ông giờ "đi bạn" cho người ta. Đứa khác, cũng dân đánh cá, giờ lên cao nguyên hái cafe thuê. Đứa gái út, bỏ học giữa chừng giờ lang thang phiêu bạt nay Quảng Ngãi, mai Sài Gòn.

Cũng hôm nay, mình lại được đọc, trong một bài báo cũng rất hay, rất thành công, trên Vnexpress- về ông Đặng Thành Tâm- top 3 người giàu nhất sàn chứng khoán.

Đại ý là ổng vừa đi làm từ thiện bên Lào về. Lào lạnh có 6 độ, nên ra HN ông vẫn giỏi chịu rét. Rồi năm qua, ông nhanh tay mua "rẻ như mơ" được có mỗi cái công ty sản xuất đồng hồ của Thụy Sĩ. Và năm nay, ông sẽ xây tòa tháp Lotus thành một công trình thế kỷ với những khoản tiền "tỷ đô". Ngay cả những thất bại của ông cũng "mang mùi vĩ đại". Chẳng hạn ông mua hụt một tòa trụ sở ở... Nhật Bản, "chỉ" 10 triệu USD.

Một người tài sản vô số con số, đại gia cá mập cỡ liên hợp quốc. Một, từng săn cá mập, giờ đóng vai trò nằm thớt. Một người thì có thể leo lên số 1 trong nay mai, người khác thì nghèo thế nghèo nữa nghèo đến tận nghèo cũng mất hút trong vô số những đồng bào nghèo của mình.

Nhưng thật hồ đồ khi đặt họ Mai bên ông Tâm.

Thực ra chỉ là sự xót xa xung quanh chữ "Nhất" trong chuyện giàu nghèo. Sao cái nghèo bao giờ cũng thuộc về số đông, về dân chúng nhỉ?

Thôi, không viết nữa.