Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

GẶP GỠ TRÊN ĐẤT MỸ (XI)

Tiêu Dao Bảo Cự

Kỳ 11

2. Texas: Dallas và Houston

Chúng tôi chuẩn bị cho chuyến đi Texas và miền đông nước Mỹ. Chuyến đi này do nhiều người mời và họ đã liên lạc với nhau để sắp xếp lịch và báo cho chúng tôi biết trước. Qua email, chúng tôi nhận vé máy bay và được thông báo khá chi tiết về người đón và thời gian ở từng nơi. Việc mua vé máy bay qua Internet, gởi cho người nhận thật quá tiện lợi. Chúng tôi chỉ việc in vé ra, nếu muốn in luôn cả thẻ lên tàu boarding pass để đỡ mất thì giờ ở sân bay.

Phi trường San Jose chỉ cách chỗ chúng tôi ở chừng 20 phút lái xe nên rất thuận tiện. Anh chị chủ nhà sẵn lòng đưa đón chúng tôi bất cứ giờ nào. Chúng tôi đi Dallas trước. Người đón chúng tôi ở đây là luật sư Nguyễn Xuân Phước, trước đây chúng tôi chưa hề nghe tên. Chúng tôi gởi cho anh Phước một tấm hình để nhận diện khi gặp nhau và nói đùa hễ cứ thấy hai người Việt cao, gầy, có vẻ quê mùa bụi bặm, đó chính là chúng tôi. Ở phòng đợi của phi trường, anh Phước có vẻ sốt ruột vì chúng tôi là những người cuối cùng đi ra. Từ sân bay Dallas – Fort Worth về nhà anh cũng khá xa, gần chiều mới về đến nhà trong cơn mưa.

Phước đưa chúng tôi vào nhà, một biệt thự rộng ven hồ. Từ căn phòng trên gác, chúng tôi có thể nhìn ra hai phía hồ khá rộng đang chìm dần vào hoàng hôn trong cơn mưa nhẹ. Phước chỉ “ở nhà một mình”. Anh chuẩn bị bữa tối bằng một nồi bún bò Huế có đủ cả giò, bò, tiết và rau ăn ghém các loại không khác gì nhà hàng. Chúng tôi không dám nghi ngờ tài nội trợ của ông chủ nhà này khi chúng tôi hỏi và anh nói là tự nấu. Qua trò chuyện làm quen, chúng tôi biết anh du học từ trước 75 và hiện đang hành nghề luật sư ở đây. Anh thỉnh thoảng cũng có viết báo và thường viết về luật pháp, môn sở trường của anh và đặc biệt những đề tài về lịch sử mà anh đã dành thời gian nghiên cứu khá công phu. Anh cũng đã từng về Việt Nam định mở trường dạy học nhưng gặp nhiều khó khăn nên việc chưa thành. Mới gặp nhau nhưng chúng tôi chuyện trò cởi mở. Phước tỏ ra giản dị, chân tình, lại đang sống độc thân nên chúng tôi khá thoải mái khi ở lại nhà anh.

Sáng hôm sau, trời ngớt mưa, chúng tôi nhìn rõ hơn khung cảnh hồ phía sau nhà. Hồ dài như một đoạn sông, uốn cong và khuất hai phía nên không nhìn thấy tận cùng. Ven hồ là các biệt thự ẩn dưới những tàng cây cao xanh tươi, rậm rạp. Một vài người bơi thuyền đi câu cá. Phước cũng có một chiếc thuyền neo đậu ở bờ hồ ngay phía sau nhà, dưới một bục gỗ rộng đóng trên mép nước, có thể ngồi uống café khi trời đẹp. Phước cho biết đây là hồ tư nhân của cư dân trong vùng, họ tự đặt ra quy định riêng để giữ gìn môi trường và sự yên tĩnh của khung cảnh. Một ngôi nhà như thế này thật quá lý tưởng và hơi “uổng” khi chỉ sống một mình, không có bóng dáng phụ nữ. Tôi nói với Phước ý này, anh bảo đối với anh, phụ nữ “tiến hóa thay đổi nhanh quá” anh không theo kịp nên họ bỏ anh mà đi nhưng điều quan trọng là anh vẫn sống vui vẻ, thoải mái với bè bạn.


Với Nguyễn Xuân Phước sau nhà bên hồ.


Chương trình hôm nay Phước sắp xếp cho chúng tôi đi thăm chùa Đạo Quang, downtown và buổi tối sẽ có một buổi gặp bạn bè ở nhà. Từ nhà đến chùa Đạo Quang cũng khá xa, trời vẫn mưa lất phất. Đây là những cơn mưa lần đầu chúng tôi gặp từ khi sang Mỹ. Có lẽ vùng Texas nhiều mưa hơn Cali nên cây cối ở đây um tùm và xanh tươi hơn.

Khuôn viên chùa Đạo Quang rộng rãi, chỗ đậu xe có thể chứa hơn trăm chiếc. Ngôi chính điện rất lớn, mái cong vút, bề thế nhưng không cầu kỳ. Phước gặp thầy trụ trì nói chuyện khá thân mật và giới thiệu chúng tôi với thầy. Thầy người Huế và khi nhắc lại chuyện xưa, hóa ra thầy đã từng học một lớp với mấy bạn tôi ở Đại Học Khoa Học Huế. Chúng tôi không đề cập chuyện chính trị nhưng thầy tỏ ra biết chúng tôi là ai và cũng cập nhật thông tin về tình hình trong nước. Thầy đưa chúng tôi vào chánh điện lễ Phật xong đi qua một ngôi nhà phía sau mới xây dựng dùng để thờ tro cốt của những người qua đời được gia đình đưa vào. Như nhiều chùa và nhà thờ hiện nay vẫn làm, hũ tro cốt để ở các hộc nhỏ trong tường, phía ngoài có di ảnh của người quá cố. Đặc biệt ở đây có tro cốt của mấy vị tướng Việt Nam Cộng Hòa được đặt ở những nơi trang trọng.


Trước chùa Đạo Quang Dallas.


Sau buổi thăm viếng, tuy chưa đến trưa và cũng không còn sớm nhưng thầy nhất định mời chúng tôi ăn sáng. Chỉ trong chớp mắt, mấy người phục vụ đã bưng ra các món bánh Huế chay còn nóng hổi. Chúng tôi không khách sáo và cũng hơi đói vì buổi sáng chỉ mới uống café nên “thực bụng” chén hết những thứ rất ngon được mời. Chùa có một vài chú điệu và mấy phụ nữ lớn tuổi đến làm công quả. Ngôi chùa lớn như thế này chắc xây dựng phải rất tốn kém và có sự đóng góp tiền bạc công sức rất nhiều của Phật tử trong vùng. Điều này chứng tỏ nhu cầu tâm linh mạnh mẽ của người Việt tha hương và chùa, nhà thờ chính là nơi gặp gỡ đồng hương bình an ấm áp nơi xứ người.


Với Hòa thượng trụ trì chùa Đạo Quang.


Từ chùa về, Phước đưa chúng tôi đến thăm cô Phan Bích Vân. Bích Vân phụ trách kỹ thuật cho trang web DCV Online.net. Phước và tôi muốn hỏi Bích Vân một việc liên quan đến tôi. Tối hôm qua, chúng tôi lướt web và tình cờ thấy một bài viết tựa đề “ Buổi thuyết trình của Tiêu Dao Bảo Cự và sinh viên Berkeley” của Nguyễn Ngọc Ẩn mới đăng trên DCV vào ngày 15/5/09. (Anh bạn chủ nhà đã cho chúng tôi mượn một máy vi tính loại notebook nhỏ tiện mang theo và ở đâu cũng có wifi nên truy cập Internet rất thuận lợi). Chúng tôi khá ngạc nhiên và hơi sốc khi bài viết hoàn toàn xuyên tạc buổi gặp gỡ của tôi với sinh viên Berkeley tuần trước ở Cali. Bài viết bao gồm cứ “nửa câu tường thuật giả” lại “một câu bình loạn thật” và những quy chụp, phê phán vô căn cứ.

Sau này tôi mới biết Nguyễn Ngọc Ẩn là một ông vào muộn, ngồi ngay phía sau lưng tôi và vừa ngồi xuống đã lấy máy ghi âm ra để trước mặt. Tham dự buổi này chỉ có vài người lớn, còn lại đều là sinh viên. Tôi chỉ biết ông vào trễ, không nhớ chính xác lúc nào, nhưng qua bài viết của ông, có thể xác nhận ông vào lúc tôi đang nói vài điều về tiểu sử của mình. Như thế ông biết rõ sau đó tôi nêu đề tài gì, ý kiến mọi người ra sao vậy mà ông vẫn cố tình xuyên tạc tôi “treo đầu dê bán thịt chó”, mời nghe nói chuyện về Hữu Loan lại nói chuyện sinh viên Việt Nam hải ngoại về giúp nước. Nếu tôi làm thế, sao mọi người tham dự, nhất là những người tổ chức trong Hội Sinh Viên, không ai phản đối hay có ý kiến gì. Hội Sinh Viên bao gồm những trí thức trẻ, sinh viên Việt Nam ưu tú, năng động của Đại học Mỹ, đã quá quen thuộc với các hoạt động như thế này, sao họ không phản ứng nếu quả thật họ bị “lừa”. Và cả ông Nguyễn Ngọc Ẩn này nữa, nếu ông thấy như thế sao ông không hề có ý kiến, thắc mắc hay than phiền gì ngay lúc đó mà cũng tham gia trao đổi về đề tài nhưng sau đó lại viết bài xuyên tạc.

Bích Vân làm chủ một nhà hàng Việt Nam khá lớn và đông khách. Cô đang bận đi công việc nên chúng tôi phải ngồi đợi một lúc. Bích Vân còn khá trẻ và hoạt bát. Phước giới thiệu chúng tôi với cô và cô cũng đã biết về tôi vì trước đây tôi có khá nhiều bài đăng trên trang web Đàn Chim Việt, lúc chưa tách làm đôi. Khi nghe tôi nêu vấn đề, cô cũng hơi ngạc nhiên và nói cô chưa đọc nội dung bài viết của Nguyễn Ngọc Ẩn. Cô chỉ làm công việc kỹ thuật, post bài do ban biên tập chuyển tới và không có thời gian để đọc hết các bài. Cô hứa sẽ hỏi lại ban biên tập về vấn đề tôi nêu. Chúng tôi nói chuyện linh tinh một lát rồi trở về nhà Phước để chuẩn bị cho cuộc gặp buổi tối.

Khá đông người đến dự cuộc gặp, có thể hơn hai mươi người, gần một nửa là nữ. Phước mời khách ngồi dưới mái hiên phía sau nhìn ra hồ uống bia nói chuyện trước khi vào bàn ăn. Một vài người có vẻ là phóng viên báo chí, mang theo máy ảnh chuyên nghiệp đến chụp rất nhiều hình. Sau này chúng tôi mới biết họ là phóng viên của báo Trẻ Magazine, có đưa hình ảnh và một tin ngắn về việc gặp gỡ chúng tôi ở đây trên báo của họ. Cũng như những cuộc gặp ở Cali, chủ yếu họ hỏi tôi về tình hình trong nước cũng như nhận xét về tình hình hải ngoại. Nhiều người trao đổi ý kiến, phát biểu của họ có vẻ chống cộng mạnh mẽ hơn những người bên Cali. Một bà, nghe nói là em họ của Lý Tống, ao ước Lý Tống cướp máy bay một lần nữa bay về Việt Nam, bà sẽ cùng đi và ôm bom nhảy xuống lăng Hồ Chí Minh. Có anh Phan Đình Minh, nguyên phi công quân lực Việt Nam Cộng Hòa, hiện phụ trách chương trình “Trên cánh đồng mây” của một đài phát thanh ở đây. Trước đây Minh đã từng gởi email cho tôi đề nghị phỏng vấn trong chương trình này nhưng tôi từ chối. (Tôi cũng đã từng từ chối nhiều đề nghị tương tự của phóng viên các đài khác vì tôi không muốn trả lời trực tiếp, đôi khi sẽ không được rõ ràng và chặt chẽ hoặc phải trả lời những vấn đề mình không hứng thú. Tôi thích viết về những đề tài mình quan tâm và phổ biến trên mạng hơn. Khi viết có thể suy nghĩ chín chắn và sửa chữa cẩn thận trước khi công bố). Nhiều người khác tôi không nhớ tên hết nhưng đều là những người trong giới trí thức, có viết lách hoặc tham gia hoạt động chính trị, cộng đồng. Có lẽ đây là nhóm bạn thường gặp gỡ với Phước ở đây.

Nhiều người mang thức ăn đến, có lẽ theo thông lệ trong những cuộc gặp ở đây, để đỡ vất vả cho chủ nhà. Các bà các cô xúm nhau bày biện thức ăn, đủ cả ba món Trung – Nam – Bắc của Việt Nam. Trong khi ăn uống, mọi người chuyện trò vui vẻ và có cả ca hát. Tôi cũng sẵn sàng tham gia hát một bài. Trước khi ra về, vài người tặng chúng tôi mấy món quà nhỏ lưu niệm.


Cùng các bạn của Nguyễn Xuân Phước ở Dallas.


Sáng hôm sau, một bạn trẻ đến chơi cùng uống café. Anh bạn này tên Thuần, tối hôm qua đã đến, được giới thiệu như một người trẻ có nhiều triển vọng nhất ở đây nhưng vì đến trễ và có thể vì lý do nào đó anh không nói năng gì, dù được yêu cầu. Sáng nay anh nói chuyện với Phước và chúng tôi khá lâu. Qua câu chuyện, tôi hiểu anh rất băn khoăn trước sự chia rẽ trong cộng đồng nên đã hết sức tìm cách hàn gắn. Tuy anh còn trẻ nhưng nhờ có sáng kiến, được những người lớn tuổi trong các tổ chức cộng đồng thương mến, nên đã góp phần tạo ra sự đoàn kết giữa các tổ chức. Anh tin rằng chỉ có sự gắn bó này cộng đồng người Việt ở hải ngoại mới có thể đóng góp hữu hiệu cho tiến trình dân chủ hóa đất nước.

Gần trưa Phước và Thuần đưa chúng tôi ra bến xe bus Greyhound để đi Houston. Tiếc là thời gian chúng tôi ở Dallas quá ít vì toàn bộ chuyến đi Texas và miền Đông chỉ có 15 ngày nên chỉ có thể ở mỗi nơi một ít, ngay việc ghé Austin, thủ phủ của bang Texas theo lời mời của một người bạn khác cũng không thực hiện được. Chúng tôi đã đề nghị được đi từ Dallas đến Houston bằng xe bus thay vì máy bay để có dịp nhìn phong cảnh dọc theo đường càng nhiều càng tốt và trải nghiệm việc đi xe bus. Xe bus Greyhound là hãng xe bus lớn nhất của Mỹ chạy khắp liên bang, có bến bãi rộng rãi, ngăn nắp, có thể mua vé qua mạng. Phần lớn hành khách trên chuyến xe chúng tôi đi là người da màu và dân châu Á. Con đường xa lộ Dallas – Houston cũng thẳng tắp như đường Bắc – Nam Cali nhưng hai bên cây cối nhiều và xanh tươi hơn. Khoảng hơn 5 tiếng sau, chúng tôi đã có mặt ở trung tâm Houston, một trong những thành phố lớn của Mỹ, sau khi đi ngang qua nhiều khu mua sắm mới xây dựng dọc theo đường.
(Còn tiếp)


1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20  21