Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011
GẶP GỠ TRÊN ĐẤT MỸ (VII)
Tiêu Dao Bảo Cự
Kỳ 7
Trong thời gian chúng tôi ở Bắc Cali, Oánh còn mời chúng tôi vào cuối tuần đến nhà ở lại và đi chơi riêng mấy lần.
Một góc công viên Japanese Frienship Garden ở San Jose.
Oánh kể thời mới lớn, chưa hiểu biết gì nhiều, anh đã tham gia vào Mặt Trận của Hoàng Cơ Minh và rất hâm mộ lãnh tụ. Mỗi lần đứng trong hàng nghe lãnh tụ diễn thuyết anh cảm thấy xúc động và phấn khởi đến run người, sẵn sàng lao vào hiểm nguy để chiến đấu. Sau đó khi những sự thật không mấy tốt đẹp của Mặt Trận bị bộc lộ, anh đã công khai phản đối rồi ra khỏi tổ chức. Anh tiếp tục gia nhập Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên rồi cũng rời bỏ dù anh đã học hỏi được nhiều trong tổ chức này. Oánh là kỹ sư cơ khí, làm việc trong công ty Mỹ. Sau giờ làm việc, ban đêm anh thường thức khuya đến 1-2 giờ sáng để lo cho trang web, có khi thức suốt đêm lúc trang web gặp sự cố. Đúng là “ăn cơm nhà vác ngà voi”.
Nhà trên núi ở San Jose.
Hai lần Oánh đưa chúng tôi cùng đi tập thể dục và tắm hơi cho thư giãn. Mặc dù có trung tâm thể dục ở gần nhà nhưng anh lại thích đến YMCA, một trung tâm khác, xa nhà đến nửa giờ lái xe, tận Oakland. Mỗi tuần mấy buổi, anh đến đây tập và thư giãn khoảng 3 tiếng cho bõ công đi xa. Oánh và tôi vào khu tập thể dục dụng cụ. BY vào hồ bơi. Tôi chỉ đi xem và ngồi đạp xe chút chút vì đang đau lưng không tập được. Trung tâm này quả là lớn. Phòng tập đến cả trăm máy đủ loại từ chạy bộ đến đạp xe, cử tạ… tập theo nhiều tư thế với nhiều kiểu máy khác nhau. Trước các máy thường có màn hình để xem tin tức hay nghe ca nhạc. Người Mỹ thật khỏe và dư năng lượng. Tôi thấy nhiều người chạy bộ trên máy cả giờ, mồ hôi ướt đẫm áo, xong chuyển sang tập môn khác. Ngoài phòng thể dục dụng cụ còn các phòng khác tập thể dục nhịp điệu, võ thuật, yoga… ai thích gì tập môn đó. Có điều làm chúng tôi hơi bị sốc khi vào phòng chung tắm nước nóng, nước lạnh hay tắm hơi, mọi người đều … ở truồng đi lại nghênh ngang. Dĩ nhiên là khu vực của nam nữ riêng.
Một vista point trên đường đi Half Moon Bay.
Một lần Oánh mời chúng tôi đến nhà chơi đúng vào ngày kỷ niệm sinh nhật BY. Tôi nói cho Oánh biết. Thế là Oánh đi đặt một bánh mừng sinh nhật, đi siêu thị mua thức ăn và xuống bếp làm một món đặc biệt. Đêm đó chúng tôi uống hết bốn chai rượu vang và nửa chai rượu mạnh. Chúng tôi nói chuyện tâm tình. Oánh đem những mẩu tâm sự trong tác phẩm “Mảnh trời xanh…” ra hỏi chúng tôi, từ đó lan man nói chuyện tình yêu, hôn nhân, con cái. Những tâm tình rất người mà có lẽ dưới gầm trời nào, thế kỷ nào cũng có những vấn đề tương tự. Những tâm tình này làm con người gần gũi nhau hơn.
Đường vào cầu cảng ở Half Moon Bay.
Không lâu sau, một nhóm khác mời chúng tôi gặp mặt. Đó là nhóm Việt học ở San Jose do ông Trương Bổn Tài khởi xướng và điều hành. Tôi hỏi thăm biết nhóm này khác với Viện Việt học có trụ sở ở Nam Cali. Đây là một nhóm nhỏ hoạt động có tính cách thân hữu, tự do cho mọi người thích nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, còn Viện Việt học gồm nhiều học giả, trí thức khoa bảng và hoạt động có tổ chức quy mô hơn. Cũng là một buổi ăn cơm tối tại nhà một người trong nhóm, khoảng mươi người, theo kiểu họp mặt cuối tuần. Ở đây người ta cũng nói chuyện chính trị và trao đổi nhiều nhất, đến mức tranh luận vì ý kiến khác nhau chung quanh vấn đề có nên hay không thành lập tổ chức đấu tranh cho dân chủ. Tất nhiên chỉ trao đổi vấn đề thuần trên phương diện lý thuyết.
BY trước một farmer market ở San Jose.
Ông Trương Bổn Tài còn hẹn gặp riêng chúng tôi nói chuyện. Ông trực tiếp đến nhà đưa chúng tôi đi. Tôi hỏi thăm về quá trình của ông. Ông cho biết đã đi du học Mỹ từ sớm trước 75, theo học các ngành khoa học, có bằng tiến sĩ và đang dạy về kinh tế tại đại học San Jose State University. Tuy vậy ông thích nghiên cứu về văn hóa Việt Nam và đã viết nhiều công trình chứng minh nguồn gốc của dân tộc Việt Nam khác với các kết luận trước đây và cho rằng chính người Trung quốc chịu ảnh hưởng về tư tưởng của dân tộc Việt Nam chứ không phải ngược lại. Đây là điều sẽ làm tăng lên sự kiêu hãnh chính đáng của dân tộc Việt. Công trình của ông được một số nhà nghiên cứu tán thành và phát triển, không chỉ ở San Jose mà còn nhiều nơi trên thế giới.
BY và TDBC trong Japanese Frienship Garden.
Ông Tài người bé nhỏ một cách kỳ lạ. Tôi tưởng tượng đến hình ảnh ông đứng trên bục giảng của đại học, phía dưới là những sinh viên Mỹ to cao gấp rưỡi ông. Rõ ràng trí tuệ con người không lệ thuộc vào vóc dáng bên ngoài. Ước gì dân tộc Việt Nam nhỏ bé cũng có tầm vóc tư tưởng, trí tuệ như phát kiến của ông, không phải chỉ trong quá khứ xa xưa mà quan trọng là trong tương lai.
Nguyễn Ngọc Oánh và BY bên cầu Golden Gate.
Ông đưa chúng tôi đến ăn tối ở nhà cô Vĩnh Thanh Thảo, một phụ nữ duyên dáng và năng động, phụ tá tích cực của ông trong nhóm Việt học, nghe nói cũng là người có giọng hát rất hay nổi tiếng như một ca sĩ nghiệp dư. Nhà cô Thảo ở trên một vùng đồi cao rất đẹp. Phía sau nhà có hồ bơi và một đôi vịt trời lạc đến đang sinh sống ở đây. Cô bảo hầu như năm nào cũng có một đôi tìm đến, khi chúng sinh con, lớn lên, cô phải mang đi thả ra các hồ lớn để chúng tìm về với bầy. Một cách bảo vệ môi trường và lòng yêu chim muông thật dễ thương.
Cô Thảo chuẩn bị một bữa ăn trang trọng, kiểu cách và cho uống rượu sa kê hâm nóng. Khi được hỏi ý kiến về hoạt động của nhóm Việt học, tôi nói rằng hoạt động trên lãnh vực văn hóa tuy kết quả có thể đến chậm hơn nhưng chắc chắn cần thiết và đôi khi tốt đẹp hơn những hoạt động chính trị vốn là một lãnh vực ẩn tàng nhiều nguy cơ xung đột cũng như những thủ đoạn tàn bạo. Đó là những đóng góp rất đáng quý vào tương lai của dân tộc Việt. Chúng tôi muốn được nghe giọng hát của cô Thảo nhưng cô hẹn một dịp khác thuận lợi, có “không khí” hơn và sau này quả nhiên có dịp đó.
Trong thời gian đầu ở Bắc Cali, thỉnh thoảng chúng tôi gặp Tưởng Năng Tiến. Đây là một anh chàng cao lêu nghêu, hơi gầy, thường xuyên đội chiếc mũ lưỡi trai mầu trắng, không gồ ghề “râu hùm hàm én” như trong tấm hình anh đưa lên mạng. Trong những buổi ăn uống chung anh ít nói và hình như nổi tiếng là một tay uống rượu có hạng. Mấy lần mời bạn bè gặp mặt anh thường hẹn ở quán có tên Cao nguyên và thông báo trước thực đơn qua email. Một thói quen kể cũng ngộ nghĩnh và chắc có lý do. Mấy năm trước đây, anh chủ động hỏi thăm địa chỉ email của chúng tôi và gởi thư làm quen. Ngoài việc đánh giá cao các bài viết và tác phẩm của chúng tôi trong “nhóm Đà Lạt” mà anh đã từng đọc, anh có cảm tình đặc biệt với chúng tôi có lẽ vì anh cũng là dân Đà Lạt chính tông. Bởi thế anh còn hay tự xưng là K’ Tiến hay “thượng dân” (dân thượng du, dù Đà Lạt chỉ có độ cao chứ dân thành phố không “thượng” chút nào, trái lại rất văn minh lịch sự). Các bài báo của anh viết phổ biến trên mạng rất thâm thúy, đôi khi cay độc nhưng bằng một giọng dí dỏm, đùa cợt, xen lẫn “ngôn ngữ đường phố” với những dấu mở ngoặc đóng ngoặc đặc biệt làm thành một phong cách riêng, không lẫn với ai khác. Anh đọc nhiều và có thể liên kết các sự kiện, nhân vật ở các không gian và thời gian khác nhau một cách tài tình.
Thời gian email qua lại trước đây, chúng tôi chỉ toàn nói chuyện kỷ niệm về Đà Lạt. Anh nhớ rõ từng căn nhà, góc phố; từng mảnh hồ nơi anh đi câu cá; từng quán mì quảng, bún bò bình dân thân quen; cả mối tình đơn phương thời thơ dại ... Anh mơ có ngày về thăm lại Đà Lạt và chở chúng tôi bằng xe hơi rong chơi qua đèo Dran, đèo Ngọan Mục. Dưới bề ngoài có vẻ hơi khô khan, anh lại là người rất tình cảm và tinh tế khi gặp gỡ và chăm sóc chúng tôi ở đây. Nhiều lần anh đưa chúng tôi đi chơi riêng. Cứ lúc nào rảnh việc, anh gọi điện thoại hỏi thăm, nếu chúng tôi không bận, anh lại đến chở chúng tôi đi.
Lần đầu anh chở chúng tôi đi mua sắm các thứ cần thiết. Tuy đã nói chúng tôi không thiếu gì, anh vẫn nhất quyết vào cửa hàng mua mấy lọ thuốc bổ, bàn chải đánh răng (kiểu sạc điện) và mỹ phẩm dưỡng da cho BY vì thấy BY chưa quen khí hậu da bị khô và môi nứt. Sau đó đi ăn cho biết phở Việt Nam trên đất Mỹ.
Lần khác anh đưa chúng tôi đi lên núi, theo con đường ngoằn ngoèo vắng vẻ dẫn lên hướng Đài Khí tượng xa tít tắp trên đỉnh cao. Anh nói thỉnh thoảng khi làm việc quá căng thẳng anh vẫn chạy xe lên con đường này để thư giãn và nhớ về quê hương phố núi. Anh chỉ cho chúng tôi mấy cây hoa đào vẫn còn nở ven đường gần giống mai anh đào Đà Lạt. Trên con đường này rất ít nhà cửa nhưng nhà nào cũng là biệt thự to đẹp, xây dựng công phu, kiểu cách, chắc chủ nhân phải là triệu phú. Tôi ngạc nhiên không hiểu làm sao đưa được điện nước lên đây, anh bảo người ta đóng thuế, được phép xây nhà thì nhà nước phải lo. Thỉnh thoảng lại có trại nuôi ngựa với bãi cỏ và sân tập rộng mênh mông. Chúng tôi ngưng lại chụp ảnh ở những nơi có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố San Jose trải dài chi chít nhà cửa phía dưới.
Tôi hỏi thăm về công việc. Anh cho biết đang làm công tác tư vấn tâm lý ở một khoa của bệnh viện. Làm việc này phải biết lắng nghe vì người ta đến với nhu cầu bộc bạch tâm sự và nhờ giúp đỡ “gỡ rối tơ lòng”. Nghe cũng mệt chứ không đơn giản. Có bà khách kể nhiều chuyện quá cuối cùng mình cũng không biết bà ta có mấy chồng, đang sống với ai và cần giải quyết vấn đề gì. Có người muốn tự tử hỏi làm sao để khỏi chán nản. Anh nói mình khuyên nó nhưng bụng nghĩ tao cũng muốn tự tử đây nhưng chưa biết giải quyết thế nào làm sao tao giúp mày được. Dĩ nhiên đó chỉ là chuyện vui trong nghề nhưng làm nghề này cứ nghe hoài những chuyện như vậy cũng dễ khùng lắm.
Lần khác nữa anh đưa chúng tôi đi Half Moon Bay cho biết bờ biển nước Mỹ vùng Bắc Cali. Quãng đường khá dài dễ đến 2 gần giờ lái xe, thỉnh thoảng cũng có mấy cái vista point ngắm cảnh đồi núi với đường ra vào rất công phu vì không phải nằm ngay bên đường mà lùi vào bên trong để có tầm nhìn. Các vista point này không quy định giờ cấm đậu xe một cách cụ thể mà ghi “sunset to sunrise” vì tùy theo mùa trời sáng tối khác nhau, cũng có thể xem là một ý tưởng hợp lý có phần lãng mạn. Sau này bạn bè đưa đi rong ruổi khắp nơi, chúng tôi còn có dịp dừng lại ở nhiều vista point trên đất Mỹ và đây quả thật là một tiện nghi độc đáo, làm cho con đường trở nên có hồn và con người không phải chỉ biết chăm chăm nuốt dặm xa mà quên đi thiên nhiên xinh đẹp. (Còn tiếp)