Thứ Hai, 31 tháng 1, 2011
GẶP GỠ TRÊN ĐẤT MỸ (XX)
Tiêu Dao Bảo Cự
Kỳ 20
Buổi chiều ông Hoạt tổ chức một buổi gặp mặt. Khá nhiều người tham dự và có mấy “nhân vật” tiếng tăm. Tôi nghe giới thiệu có ông giám đốc đài RFA, Duy Ái – phóng viên đài VOA, Hoàng Tứ Duy trong ban lãnh đạo đảng Việt Tân, luật sư Trịnh Hội, một số người hoạt động trong các tổ chức cộng đồng ở đây. Hoàng Tứ Duy còn trẻ, khoảng trên dưới 40, mang đến cuốn sách “Hành trình cuối đông” mà anh nói đã mua từ lâu, hâm mộ tác giả nên gặp tôi ở đây anh xin chữ ký kỷ niệm. Trịnh Hội rất đẹp trai, mới ở Việt nam về. Anh kể chuyện về nước đóng phim, bị làm khó dễ vì cho là liên quan đến vụ Lê Công Định mới bị bắt, ban đầu không cho về Mỹ ngay, sau đó lại bị trục xuất ra khỏi Việt Nam.
Ông Hoạt cẩn thận phát biểu mở đầu, đây chỉ là buổi gặp gỡ có tính cách cá nhân để trao đổi và sẽ không đưa tin trên đài báo. Mọi người đều đồng ý. Cũng là những vấn đề mà ở những nơi khác người ta đề cập vì đây là mối quan tâm chung của cộng đồng người Việt hải ngoại. Tôi cũng trả lời một số câu hỏi và theo yêu cầu, đặc biệt nói kỹ về tính chất chuyến đi của tôi, mọi người tỏ ra thông cảm và đồng tình. Trong khi trò chuyện, ông Hoạt nhận điện thoại và đưa cho tôi nghe, nói có người muốn gặp. Tôi nghe một giọng gấp gáp: “Thế nào anh? Có thể làm gì cho Việt Nam anh nói cho tôi tham gia với. Tôi sốt ruột lắm rồi.” Hóa ra đây là một bạn trẻ cũng được mời đến dự cuộc gặp nhưng vì bận không đến được nên đã gọi điện thăm hỏi. Những người như thế này rất nhiệt tình, muốn làm một cái gì thiết thực nhưng có lẽ họ chưa tìm được việc làm thích hợp. Tôi đâu có thể đưa ra được điều gì mới mẻ hơn. Sau khi buổi nói chuyện chung chấm dứt, một vài người ở lại ra vườn uống café nói chuyện tiếp đến đêm mới về. Cũng là những ưu tư đối với tình hình Việt Nam và hình như có phần bế tắc. Có thể nói đây là “ám ảnh không rời” của người Việt thế hệ thứ nhất ở Mỹ, nhất là những người quan tâm đến những vấn đề chính trị.
Hôm sau, ngày cuối cùng chúng tôi ở đây theo chương trình, một anh bạn trẻ đã dự cuộc nói chuyện hôm qua tình nguyện đưa chúng tôi đi thăm thú tiếp. Đó là anh Nguyễn Tự Tín, một nhà báo ảnh chuyên nghiệp. Anh hứa sẽ đưa chúng tôi đi xem phong cảnh hai bên dòng sông Potomac, công viên Great Falls và trường đại học Georgetown. Anh chàng này “độc thân vui tính” và có vẻ “nghệ sĩ bất cần đời”. Chiếc xe của anh chạy là chiếc xe “cà tàng” nhất mà chúng tôi từng được chở đi ở Mỹ. Xe méo mó sứt sẹo nhiều nơi vì va quẹt, máy lạnh hư, cửa cũng hư không kéo kính xuống được nên ngồi trong xe rất nóng vì trời nắng và nhiệt độ bên ngoài khá cao. Bù lại anh rất nhiệt tình, lại là thổ công ở đây nên đi chơi với anh rất thú vị.
Với Nguyễn Tự Tín (trái) trên lối đi trong rừng.
Đầu tiên anh chạy dọc theo sông Potomac từ Washington DC hướng về thượng nguồn phía hữu ngạn. Thỉnh thoảng anh dừng lại ở mấy vista point để chúng tôi ngắm cảnh và chụp hình. Đúng là chỉ có “thổ công” mới biết những chỗ này. Dòng sông này phía dưới rộng, nước sâu và trong xanh nhưng càng lên cao, tuy không xa lắm đã bắt đầu có nhiều đá tạo nên ghềnh thác, lập tức chuyển sang nét hoang dã. Khi không còn gì để ngắm phía hữu ngạn, Tín lại quay về Washington DC, vượt cầu qua tả ngạn, lại ngược về phía thượng nguồn để đi thăm Great Falls National Park. Anh giải thích khu vực này là nhà cửa của cư dân làm việc trong thủ đô. Đây là khu nhà rất đẹp, dọc theo bờ sông hoặc trong rừng cây, rất đắt tiền vì chỉ cách thủ đô chừng 15-20 phút lái xe. Ở thủ đô và nhiều thành phố của Mỹ, người ta không ở trong downtown là nơi chỉ có các cơ quan hành chính, văn phòng công ty, nhà hàng mua bán. Họ đều ở trong các khu dân cư lân cận, có khi đi làm phải mất hàng giờ lái xe hay hơn nữa.
Mô hình cảnh lao động làm dòng sông đào ngày xưa dọc theo sông Potomac.
Gần một giờ sau chúng tôi mới đến lối vào chính của công viên. Để xe ở bãi đậu, chúng tôi đi bộ vào. Nơi đây có các bảng chỉ dẫn và một nhà bảo tồn nho nhỏ lưu giữ các hiện vật và hình ảnh, mô hình liên quan đến sự tích của khu vực này. Có một ngôi nhà khá lớn, cũ kỹ có tên là Great Falls-Ciroa xây dựng từ năm 1890. Ngay phía trước là dòng sông đào chạy dọc theo sông Potomac. Đây quả một ý tưởng độc đáo và kỳ công nhân tạo trong thời kỳ Mỹ mới lập quốc, phương tiện còn thô sơ. Vì cần chuyên chở hàng hóa đi lại từ Washington DC đến các vùng phía thượng nguồn bằng đường thủy nhưng sông Potomac quá hiểm trở, thuyền không đi được nên có người đã nghĩ ra việc đào con sông này, chạy song song với sông Potomac. Sông đào bề ngang khoảng 6 mét, hai bên có đường đất rộng để ngựa kéo thuyền chứ không dùng chèo. Đào con sông dài hàng trăm dặm dĩ nhiên tốn vô vàn công sức, tiền của nhưng còn cần đến sự sáng tạo vì ở những nơi đất dốc, nếu chỉ đào bình thường, thuyền không thể nào đi được. Do đó người ta đã nghĩ ra cách xây dựng nơi để chuyển thuyền từ thấp lên cao hoặc từ cao xuống thấp bằng cách ngăn dòng, bơm nước vào hay rút nước ra để mực nước hai bên bằng nhau rồi đưa thuyền qua. Đại khái như một bể bằng đá dài, hai đầu có thể đóng mở. Thật quá công phu, không biết người ta đã làm bao nhiêu chỗ như thế trên con sông đào này. Ấy thế mà sau này khi các phương tiện giao thông khác phát triển, con sông này không được dùng nữa, trở thành một hiện vật bảo tàng sống động về ý chí của người Mỹ. Con đường hai bên sông được dùng làm nơi đi bộ hay đi xe đạp cho những người luyện tập thể dục mà bây giờ chúng tôi đang đi và qua cầu để vào khu vực sông chính.
Nơi đưa thuyền lên xuống trên dòng sông đào.
Đoạn sông ở đây thật hiểm trở. Cây rừng mọc ra tận mép nước, đá lô xô ngổn ngang từ bờ lan ra khắp lòng sông. Chúng tôi leo trèo qua các tảng đá đủ hình thù. Tín biết rõ chỗ nào có thế đẹp có thể chụp hình và làm đạo diễn chụp cho chúng tôi bằng cái máy chuyên nghiệp anh mang theo. Đúng là một thổ công chính hiệu. Đi xuôi xuống một quãng, bắt đầu có đường trail người ta xây dựng rất công phu để đi tham quan khu vực này. Con đường lát bằng gỗ, bề ngang khoảng hai mét, có lan can chắc chắn chạy suốt có thể đến vài cây số, vòng vèo trong rừng, băng qua các ghềnh thác bằng những chiếc cầu nhỏ. Những nơi dốc, ngoài các bậc cấp còn có phần gỗ xuôi để những người tàn tật dùng xe lăn có thể đi qua. Một người đi xe lăn có người đẩy giúp đã cùng đi với chúng tôi cho đến tận cuối đường.Trên các cầu là nơi ngắm cảnh lý tưởng vì bên dưới là những con suối cạn chảy tràn trề qua đá hay các vực sâu hun hút nước xoáy cuộn tung bọt trắng xóa. Chúng tôi vừa đi vừa nghỉ chụp hình và cuối cùng đến điểm kết thúc. Ở đây người ta mở rộng chỗ ngắm cảnh trên một vùng đá có mấy đỉnh cao. Phía trước mới là dòng chính sông Potomac hùng vĩ, mênh mông, lô xô đá. Bên kia bờ là rừng cây thuộc bang Maryland, nơi hình như người ta cũng làm một khu ngắm cảnh tương tự nhưng không lớn bằng bên này.
Ghềnh đá trên sông Potomac.
Trên đường về chúng tôi ghé thăm trường đại học Georgetown. Chúng tôi muốn đến trường này vì những lần trước ngồi xe chạy dọc bên kia sông, chúng tôi có thể thấy thấp thoáng xa xa ngôi trường có dáng dấp lâu đài cổ rất đẹp in hình trên nền trời, đây còn là nơi chị Trương Anh Thụy lấy làm bối cảnh cho tiểu thuyết “Chuyển mùa” của chị. Trước khi đến trường, Tín cố ý chạy xe vào khu vực phố cổ, nơi có mấy con đường lát đá hộc và đường sắt xe lửa cũ ở giữa người ta vẫn cố tình để nguyên, chạy xe xóc lọc cọc. Muốn cổ phải như thế thôi. Ở Mỹ tìm được những con đường đá kiểu này không phải dễ.
Đường sắt và đá hộc lát đường còn giữ lại trên đường phố cổ.
Gần đến nơi, Tín giải thích nhà cửa trên mấy đường phố lân cận đều thuộc trường đại học, làm nhà ở cho sinh viên. Ngôi trường, phải gọi đúng tên là tòa lâu đài bằng đá 5 tầng hình chữ nhật rất dài, trông cổ kính, đồ sộ, phía trên có nhiều đỉnh tháp lớn nhỏ với các cây thập tự. Phía trước có tượng ông John Carroll, người sáng lập trường và hai khẩu súng thần công. Cửa vào chính có 3 vòm trên bậc cấp cao dẫn vào tầng 1. Tín dẫn chúng tôi vào bên trong, tự nhiên đi vào các phòng. Vài phòng học khá đặc biệt, không lớn lắm nhưng có nền dốc như trong rạp hát để người ngồi ghế sau nhìn lên không bị vướng đầu người trước. Hành lang có vòm tròn dài thăm thẳm, vắng vẻ, được bật đèn sáng. Tín muốn chụp hình chúng tôi ở chỗ này vì trông có vẻ rất khác lạ. Anh là tay máy chuyên nghiệp nên đạo diễn bắt chúng tôi phải đi lại, đứng theo kiểu gì. Anh hứa sẽ làm thành đĩa ghi các ảnh chụp trong chuyến đi này và gởi tặng chúng tôi. Theo một lối khác mở ra từ phía sau, chúng tôi lại vòng ra trước. Trên bãi cỏ trước sân có hai cô gái, chắc là sinh viên, mặc váy ngắn lộ đùi, hở lưng nằm phơi nắng nói chuyện. Chúng tôi cũng ngồi nghỉ một lúc và tìm mãi mới được mấy vị trí có thể chụp toàn cảnh ngôi trường – tòa lâu đài vì nó quá lớn và dài.
Tòa nhà đồ sộ của trường đại học Georgetown.
Trên đường về, Tín muốn đưa chúng tôi vào một nhà hàng ăn ngon nổi tiếng mà anh đã từng vào nhưng không hiểu sao vòng đi vòng lại mấy lần ở khu phố đó vẫn không tìm ra. Lần này thì “thổ công” có lẽ đã không cập nhật thông tin, hình như nhà hàng đó đã dẹp tiệm hoặc chuyển đi nơi khác. Cuối cùng đành vào một tiệm phở. Tiệm phở này của người Việt, thấy quảng cáo có đến gần chục chi nhánh ở mấy tiểu bang. Hầu hết là khách Mỹ đến ăn, phải xếp hàng đứng đợi ở lối vào để chờ có chỗ. Phở Việt Nam cũng đã lừng danh và được ưa chuộng trên đất Mỹ. Ăn xong Tín đưa chúng tôi về lại nhà ông Hoạt.
Trong hành lang đại học Georgetown.
Buổi tối ông Hoạt chở chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Ngọc Bích lần thứ hai, ngủ lại đêm cuối vì ngày mai ông bà Bích rảnh sẽ đưa chúng tôi ra sân bay. Chúng tôi đã quen thuộc với ngôi nhà đầy sách của ông bà Bích. Trên bàn ăn, lúc ngồi vào cũng phải dọn bớt sách đi. Tuy có bàn làm việc riêng nhưng chỗ nào ông bà cũng có thể đọc sách được. Tôi thấy ông bà làm việc rất khuya và sáng dậy sớm, một lối sinh hoạt mẫu mực của đôi vợ chồng trí thức. Bà Hợi ngỏ ý muốn tặng BY mấy con “heo búp bê” làm kỷ niệm và nói BY muốn chọn con nào cũng được. Trong nhà có vô số búp bê heo đủ mọi hình dáng kích cỡ, làm bằng nhiều loại vật liệu khác nhau. Con mới nhất là một búp bê heo có cánh biết bay treo ngay phía trên bàn ăn. Bà tuổi Hợi nên sưu tầm búp bê heo và bạn bè, người thân biết sở thích của bà nên khi có dịp cũng tặng bà loại này. Đây là một bộ sưu tập thực sự. Ông Bích cũng tặng tôi mấy cuốn sách do ông biên soạn và dịch như Hồ Xuân Hương – Tác phẩm, Nguyễn Ngọc Bích hiệu đính; dịch thơ Trường ca Lời mẹ ru của Trương Anh Thụy…
Hôm sau, hai ông bà dậy sớm lo cho chúng tôi ăn sáng rồi đưa chúng tôi ra sân bay Dulles. Lần này vì phải đem theo nhiều sách do các bạn ở đây tặng, chúng tôi phải xin một cái va ly cũ ở nhà bà Thụy để đựng và phải gởi hành lý. Bà Bích đã nhờ mấy nhân viên của sân bay đứng ngoài ngay chỗ đậu xe làm thủ tục gởi hành lý và lấy thẻ lên tàu luôn, đỡ cho chúng tôi phải vào chờ đợi check in bên trong. Việc này rất tiện cho những người mang hành lý nhiều và nặng. Sau đó bà đưa tiền tip cho họ. Bà còn cố đi vào trong, nơi xa nhất có thể, chỉ cho chúng tôi lối đi vì sợ chúng tôi bị lạc. Những sân bay lớn như sân Dulles này cũng rất dễ bị lạc đối với những người chưa quen đi như chúng tôi. Lần này máy bay của hãng JetBlue bay thẳng chỉ mất 6 giờ về đến Oakland, gần nhà Thái Anh. Chúng tôi đã báo trước nhờ Thái Anh ra đón và đưa về lại nhà anh bạn thân cũ của chúng tôi ở Milpitas, kết thúc chuyến đi hơn nửa tháng đầy ắp sự kiện và cảm xúc ở miền Đông nước Mỹ.