Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2011
GẶP GỠ TRÊN ĐẤT MỸ (XVIII)
Tiêu Dao Bảo Cự
Kỳ 18
Hôm sau một người khác tiếp đón chúng tôi, ông Nguyễn Mậu Trinh, một người trước đây chúng tôi cũng chưa hề biết. Cách tiếp đón của ông khác với những người kia. Ông không đưa chúng tôi về nhà mà lại đưa đến khách sạn. Đó là khách sạn mang tên Holiday Inn ở vùng Gaithersburg, Maryland, có lẽ gần chỗ ông ở. Ông nói để chúng tôi tự khám phá thêm về nước Mỹ. Ông đùa bảo chúng tôi ở khách sạn Mỹ, tự đi ăn uống, mua sắm tìm hiểu khu phố chung quanh, bị lạc ráng chịu. Hôm sau ông sẽ đến đón chúng tôi đưa đi chơi. Cũng là một ý tưởng hay. Chúng tôi tán thành ngay.
Khách sạn Holiday Inn này nằm trong chuỗi khách sạn cùng thương hiệu mà chúng tôi đã thấy ở các bang khác. Khách sạn không sang trọng lắm nhưng đầy đủ tiện nghi, trong toilet có máy pha café, đồ cạo râu và rất nhiều khăn đủ loại, kể cả khăn dùng để lót chân khi ra khỏi bồn tắm, cũng trắng tinh sạch sẽ mà đối với chúng tôi có hơi xa xỉ. Nhận phòng xong, tôi muốn nghỉ ngơi vì cảm thấy mệt nhưng BY muốn đi “khám phá” theo lời ông Trinh nên tôi cũng chiều theo. Ông Trinh đã chỉ hướng có siêu thị nhưng chúng tôi không chú ý kỹ nên đi theo hướng có nhiều nhà cửa. Trước và bên hông khách sạn là hai đường expressway, xe chạy vùn vụt. Xui cho chúng tôi là vừa băng qua giữa ngã tư thì trời đổ mưa lớn. Đèn tín hiệu cho người đi bộ băng qua đường bị hỏng, chúng tôi bấm mãi nút ở cột điện vẫn chẳng thấy nhúc nhích gì, xe hơi vẫn phóng vun vút, đành đứng chịu trận dưới mưa, may là áo khoác có mũ nên không đến nỗi ướt như chuột lột. Ở đây hầu như không có ai đi bộ. Cuối cùng cũng qua được ngả tư nhưng đi tiếp một hồi vẫn chỉ thấy nhà cửa đóng im ỉm, không có khu mua sắm, chúng tôi đành trở lại khách sạn.
Với Nguyễn Mậu Trinh (bên trái) trước Holiday Inn.
Tôi đã quá mệt và bực mình nhưng BY vẫn chưa chịu thua. Hỏi thăm nhân viên tiếp tân, ông ta tận tình dẫn chúng tôi ra ngoài, chỉ về hướng phía sau khách sạn, nơi có siêu thị không xa lắm, có thể đi bộ được. Tuy vậy chúng tôi cũng phải đi khá lâu mới đến và phải băng qua expressway. Đến nơi, để BY vào trong xem, tôi ngồi ngoài hút thuốc lá và đi lanh quanh. Tôi chẳng có hứng thú gì với siêu thị. Thời gian rồi cũng có mấy lần các bạn dẫn đi siêu thị nhưng tôi chỉ nhìn phớt qua. Đâu cũng đủ mọi thứ hàng hóa và tôi chẳng cần mua sắm gì. BY cũng không mua gì nhưng muốn vào xem cho biết, cuối cùng đi ra với mấy gói bánh ăn chơi thế cho bữa tối. Vì đi nhiều, bị đau lưng và chân dữ dội nên tôi phải ngồi nghỉ mấy lần mới về tới khách sạn. Chuyến “khám phá” theo ý tưởng của ông Trinh này chắc tôi còn nhớ lâu. Kể cũng hay. Cho đủ mọi cảm xúc.
Qua một đêm ngủ mê mệt, sáng hôm sau ông Trinh đến gọi chúng tôi dậy, xuống ăn sáng ở nhà hàng của khách sạn rồi trả phòng đi luôn. Ông nói chở chúng tôi đi xem Đài Đức Mẹ Lộ Đức - National Shrine Grotto of Lourdes, một nơi hành hương nổi tiếng linh thiêng ở đây, sau đó về nhà một người bạn chơi. Đường đến Đài Đức Mẹ khá xa, chạy đến hơn một giờ. Chạy khoảng nửa giờ, ông mới phát hiện xăng sắp hết nên chú ý tìm trạm xăng. Có một bảng của trạm xăng phía đường ngược chiều, ông phải chạy tiếp khá xa mới có chỗ quay đầu quành lại, đến nơi hóa ra trạm xăng đó đã đóng cửa từ lâu, nhà cửa rêu mốc nhưng tấm bảng vẫn chưa được gỡ đi. Rất may ông quay lại đi tiếp, không lâu gặp trạm xăng khác. Hai bên đường trống trải, thỉnh thoảng có một nông trại. Đặc biệt ở đây người ta dựng kho chứa nông sản là những khối hình ống khổng lồ, thật cao nằm cạnh nhà. Ông Trinh giải thích làm như thế để khi lấy ra, người ta rút ở phía dưới là nơi đổ nông sản vào trước, không để quá lâu sẽ bị ẩm mốc. Kể cũng hay, nhưng phải có cách đưa nông sản lên cao để đổ vào. Dĩ nhiên là họ có máy móc để làm việc này chứ không bắc thang leo lên vì các ống này cao có đến hơn chục mét.
Nông trại với kho chứa nông sản khổng lồ hình khối ở Maryland.
Đài Đức Mẹ ở trên núi, phía sau trường đại học công giáo Mount Saint Mary’s University nằm bên đường, có bảng ghi xây dựng từ năm 1808. Ông Trinh quen thuộc nơi này vì ông nói đã mấy lần đến tham dự hội họp ở đây nhưng khi lái xe vào phía sau để lên núi, do mải nói chuyện, ông lại bị lạc đường. Đường núi nhỏ, quanh co, nhiều ngõ rẽ, chạy mãi gần nửa giờ vẫn không thấy đài đâu, máy định vị GPS trên xe ở đây không có tác dụng. May có người chạy bộ phía trước, ông dừng lại hỏi hướng đi ra khỏi khu vực núi trở lại freeway. Ông xin lỗi vì sắp đến giờ hẹn người bạn nên đành trở về, không lên thăm Đài Đức Mẹ được. Ông hứa lần sau chúng tôi đến ông sẽ đưa chúng tôi đi vì biết BY theo Công giáo và rất muốn đến thăm các thánh tích. Nói khơi khơi vậy mà quả nhiên có “lần sau” thật, do cơ duyên khi chúng tôi lại đi Miền Đông lần thứ hai và đến ở nhà ông Trinh. Sau này tôi mới hiểu thêm về ông, còn bây giờ chúng tôi chỉ biết ông nguyên là dược sĩ lúc còn ở Việt Nam, hiện nay đang làm việc trong một bệnh viện Mỹ ở Maryland.
Ông Trinh đưa chúng tôi đến nhà một người bạn tên là Lê Khắc Hiển. Nhà ở trong rừng. Đúng thật là ở trong rừng vì con đường vào quanh co vắng vẻ, thỉnh thoảng mới có một ngôi nhà thấp thoáng sau hàng cây. Nhà ông Hiển là một ngôi nhà dài hình chữ nhật, dựng trên sườn đồi, chỉ có hai ông bà ở. Từ trên ban công nhìn xuống phía sau, qua bãi cỏ là rừng cây âm u. BY lại thích thú lấy máy hình ra chụp khi mấy con nai mon men lại gần nhà. Có thêm mấy người bạn nữa của ông Hiển đến chơi. Vợ ông Hiển, bà Tố Anh, đã chuẩn bị một nồi bún bò đãi khách.
Trước nhà anh Lê Khắc Hiển (từ trái sang chị Tố Anh,
LKH, TDBC, BY, một người bạn).
LKH, TDBC, BY, một người bạn).
Ông Hiển bảo có một số bạn đã từng đọc tác phẩm và nghe về tôi, họ muốn biết thái độ của tôi về một số vấn đề chính trị. Khi biết tin tôi sẽ đến nhà ông, họ có gởi qua mail cho ông một số câu hỏi, đề nghị ông hỏi tôi trực tiếp, nếu tôi trả lời, ông sẽ báo lại cho họ. Ông in từ máy tính ra một lô một lốc những câu hỏi của các bạn đưa cho tôi xem. Thật khó trong một lúc có thể trả lời hết những câu hỏi này. Vả lại chúng tôi chỉ đi chơi có tính cách riêng tư, không phải là một người đi hoạt động chính trị để tuyên bố rùm beng. Tôi hiểu họ quan tâm vì có chút tình cảm và cũng có chút hoài nghi đối với tôi, cũng như đối với nhiều người bất đồng chính kiến trong nước. Chúng tôi có phản kháng thật không hay chỉ là cò mồi? Chúng tôi có “chống cộng triệt để” không hay chỉ nửa vời? Thái độ thế nào đối với Hồ Chí Minh?... Hình như hầu hết những người chống cộng ở hải ngoại này đều muốn vạch rõ lằn ranh quốc – cộng. Việc này không đơn giản và không phải lúc nào cũng rõ ràng vì tình hình lịch sử, chính trị phức tạp, vả lại có nhiều từ, nhiều khái niệm được hiểu khác nhau. Chưa kể “hận thù cộng sản” và chống cộng cách nào cho có hiệu quả cũng là vấn đề có những ý kiến khác biệt có thể gây tranh cãi. Thí dụ thế nào là “quốc gia”? “Quốc gia” có phải là Việt Nam Cộng Hòa? Những người yêu nước, không cộng sản, không liên quan đến VNCH có phải là “quốc gia”? Những người bất đồng chính kiến trong nước khi viết về những vấn đề chính trị có thể đồng quan điểm nhưng cách thể hiện của họ khác nhau, tùy theo thế đứng, sự dấn thân, cách che chắn để an toàn của họ, không phải ai đọc cũng hiểu đúng và thông cảm được. Ở Mỹ lại còn có những người muốn kêu gọi “chiêu hồi” như thời trước 75 trong khi VNCH chỉ còn là một tên gọi của quá khứ…
Trong cuộc trò chuyện, tôi chỉ trao đổi những vấn đề chung và vài việc cụ thể liên quan đến chuyến đi của tôi, còn những vấn đề khác, nếu các bạn của ông Hiển thực sự quan tâm, tôi hứa khi có thời gian tôi sẽ trả lời qua mail sau. Dĩ nhiên ông Hiển cũng không đòi hỏi gì hơn vì tôi chỉ là một người khách mới quen biết. Ông Hiển là kỹ sư điện toán, đã từng viết và dịch một số bài báo về các vấn đề chính trị. Ông có thú vui lên mạng tìm kiếm những cuốn sách yêu thích, in ra và đóng lại thành tập để xem và biếu bạn bè. Ông làm rất công phu và khá thẩm mỹ. Ông chỉ cho tôi xem các bộ truyện của Kim Dung ông đã làm để thành một hàng dài trên kệ. Ông cũng tặng tôi cuốn “Đỉnh cao chói lọi” của Dương Thu Hương viết về cuộc đời Hồ Chí Minh, cuốn sách đang gây tranh cãi theo chiều hướng bất lợi cho tác giả trong dư luận người Việt hải ngoại.
Buổi chiều, vì ông Trinh bận việc, ông nhờ ông Hiển đưa chúng tôi đi vào trung tâm Washington DC xem các viện bảo tàng. Ông Trinh lái xe đưa ba chúng tôi đến nơi rồi tạm biệt. Ông Hiển sẽ lo đưa chúng tôi về sau. Ông Hiển giới thiệu sơ qua với chúng tôi về hệ thống nhà bảo tàng The Smithsonian Museums ở đây và chúng tôi cũng đọc thêm các tư liệu rõ ràng qua các tờ giới thiệu được phát miễn phí khi đi vào các nhà bảo tàng này. Cũng thật đặc biệt khi người tài trợ thành lập hệ thống bảo tàng này lại là một nhà khoa học người Anh, ông James Smithson, người chưa bao giờ đến Mỹ. Ông này có một gia tài khá lớn và khi mất ông hiến tặng cho chính phủ Mỹ (vào năm 1835, lúc đó trị giá tương đương 500.000 mỹ kim, hiện nay là 12 triệu) để xây dựng một viện nghiên cứu với mục đích “tăng cường và phổ biến kiến thức”. Tám năm sau, Quốc Hội Mỹ thông qua một điều luật thành lập Viện nghiên cứu Smithsonian Institution, một cơ quan bán công lập, do chính phủ điều hành. Hệ thống bảo tàng nằm trong khuôn khổ của Viện này, hiện nay có đến 142 triệu hiện vật trong các bộ sưu tập. Chung quanh National Mall, ngoài The Castle, tòa nhà trụ sở của Viện, còn có 14 công trình gồm các nhà bảo tàng lịch sử tự nhiên, lịch sử nước Mỹ, hàng không không gian, người da đỏ Mỹ châu…, các gallery nghệ thuật, vườn tượng, vườn thú. Quả là kinh khủng!
Bảo tàng mở cửa hàng ngày quanh năm chỉ trừ ngày Lễ Giáng Sinh.
Đầu tiên chúng tôi vào Bảo Tàng Lịch Sử Tự Nhiên - National Museum of Natural History, phía trước có bảng ghi mở cửa hàng ngày từ 10g sáng đến 5.30 chiều trong suốt năm, chỉ đóng cửa vào ngày lễ Giáng Sinh. Hôm nay là ngày cuối tuần, khách dày đặc, chen vai thích cánh trong mấy tầng lầu. Vô số mẫu vật, mô hình, hình ảnh, các tài liệu khoa học được trưng bày. Các loại động, thực vật dưới nước, trên cạn từ hàng triệu năm trước; các bộ xương khủng long, voi ma mút, các loại cá, rùa, rắn; các loại cây, con sống trong các môi trường mô phỏng tự nhiên. Ai yêu thích hoặc muốn nghiên cứu có thể ở đây cả tuần để xem. Phần lớn khách cũng như chúng tôi, có lẽ do ít thời gian, chỉ xem lướt qua và chụp vài tấm hình lưu niệm. Kế bên là Bảo Tàng Về Hàng Không, Không gian - National Air and Space Museum. Chúng tôi đề nghị ông Hiển lướt qua nhanh hơn vì chúng tôi đã được xem Trung Tâm Nghiên Cứu Không Gian NASA ở Houston, Texas.
Xương khủng long trong bảo tàng về lịch sử tự nhiên.
Chúng tôi đi ngang qua trụ sở của The Smithsonian Museums, The Castle, được gọi tên như thế vì hình dáng giống một lâu đài cổ, được xây dựng đầu tiên, hoàn thành từ năm 1855, sau đó vào Bảo tàng nghệ thuật Freer – Freer Gallery of Art/Asian And American Art. Cũng vô vàn các tranh tượng, đồ thủ công mỹ nghệ, vàng bạc đá quý của Trung quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, nghệ thuật Phật giáo…, có cả đồ gốm sứ của Việt Nam. Chúng tôi cũng chỉ xem lướt qua vì nếu nấn ná chắc đến giờ đóng cửa cũng chỉ xem được vài phòng. Xem các bảo tàng trên, cảm giác rõ nhất là sự thán phục. Ngoài tiền bạc, công phu sưu tầm, cách tổ chức, trưng bày, bảo quản và phục vụ khách thật không chê vào đâu được. Đây quả thực là những công trình của văn minh và trí tuệ với trình độ bậc thầy.
Xem tranh trong Bảo tàng Nghệ thuật.
Lúc ra về, ông Hiển đã nói trước là sẽ đưa chúng tôi đi tàu điện ngầm metro cho biết. Quả thực là dịp may cho chúng tôi. Thật ngạc nhiên là lối xuống metro ở ngay giữa bãi cỏ gần khu bảo tàng, rất tiện lợi cho khách đi lại. Nhìn xa không thấy gì, đến gần mới thấy miệng hầm lộ thiên, không lớn lắm, có cầu thang đi xuống lòng đất nhưng vào bên trong khung cảnh khác hẳn. Đây là một căn hầm khổng lồ, là trạm chính có đường tỏa đi nhiều hướng. Hầm có hai tầng, nhiều đường sắt ngang dọc, các chiếc tàu dài phóng vút qua hay đậu lại đón khách rồi lao đi. Ông Hiển mua vé xong, dẫn chúng tôi đi tìm nơi lên tàu cũng bị nhầm phải đi lên đi xuống. Tuy ông ở gần thủ đô nhưng không mấy khi đi metro vì thường đi xe hơi. Khi tàu dừng, sàn tàu sát khít với bệ đứng chờ của khách nên lên xuống tàu không có gì nguy hiểm, còn dễ hơn lên xuống tàu lửa thông thường nhiều. Hành khách không đông lắm. Toa chúng tôi ngồi còn nhiều ghế trống. Trên tàu có bản đồ hướng dẫn rất rõ ràng cách đi đến các ga, nếu nghiên cứu kỹ và đi lại vài lần chắc cũng không khó lắm. Phần lớn đường tàu chạy ngầm dưới lòng đất nhưng có nơi, ở ngoại ô, do địa hình thuận lợi và bên trên không có công trình gì, tàu cũng nhô lên mặt đất một khoảng không dài lắm. Chúng tôi xuống ga cuối cùng, bên ngoài là trạm xe bus nhưng chúng tôi không đi xe bus vì ông Hiển đã hẹn vợ lái xe ra đón. Ông gọi điện và chúng tôi chỉ phải chờ chừng 15 phút. Nhà ông Hiển không xa địa điểm này.
Trong metro ở Washington DC.
Về nhà nghỉ ngơi một lát, ông bà Hiển đưa chúng tôi đi ăn tối. Ông bà hỏi chúng tôi muốn ăn món gì, của nước nào, ông bà sẵn sàng đưa đi. Chúng tôi không có yêu cầu gì đặc biệt cả. Mọi người bàn bạc và giao cho hai phụ nữ quyết định, cuối cùng thống nhất đi ăn món Ý, sau khi ghé xem qua hai ba nhà hàng. Nhà hàng Ý này khá sang trọng, toàn khách Mỹ. Món khai vị là xà lách trộn kiểu Ý với bánh mì. Chỉ ăn chơi chúng tôi đã thấy no, tới món chính là spaghetti, phải “cố gắng” để ăn, nhờ chai rượu vang ngồi lai rai nên cuối cùng cũng hết. Bà Hiển rất nghiêm túc, không cho ông lái xe vì ông đã có chút hơi rượu. Bà lái xe đưa chúng tôi về lại nhà ông Đoàn Viết Hoạt khi đã gần khuya. Lái xe ở đây yên chí vì cứ gõ địa chỉ vào máy định vị GPS là thế nào cũng được chỉ đường tới nơi.