Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011
GẶP GỠ TRÊN ĐẤT MỸ (XII)
Tiêu Dao BẢo Cự
Kỳ 12
Đón chúng tôi ở bến xe bus là một người lạ, chúng tôi chưa được báo trước. Anh giải thích vì người đón chúng tôi về nhà ở bận việc nên đã nhờ anh ta đi thay. Trên đường về anh đề nghị ghé vào dự một cuộc hội thảo về Hoàng Sa – Trường Sa do cộng đồng người Việt ở khu vực này tổ chức. Vì không biết anh là ai, lại chân ướt chân ráo vừa mới đến, chúng tôi từ chối nhưng anh nằn nì ghé vào xem cho biết rồi đi ngay, chúng tôi đành đồng ý. Hội trường tổ chức cuộc hội thảo khá rộng, khoảng 100 người dự, bên ngoài có nhiều cờ và khẩu hiệu. Hình như có mấy diễn giả thuyết trình, chủ yếu thông tin cho cộng đồng cư dân ở đây về tình hình Hoàng Sa – Trường Sa, hiện nay đang nóng lên như một vấn đề thời sự quan trọng được nhiều người quan tâm, tiếp theo vụ Trung Quốc khai thác Bô xít ở Tây nguyên. Lần trước ở Nam Cali, chúng tôi cũng đã thấy rất nhiều cờ và biểu ngữ cắm dọc theo các đường phố ở Little Saigon và vài một cuộc biểu tình tỏ thái độ về vấn đề này. Riêng tôi, vào gần cuối tháng trước (tháng 4/2009), lúc ở Milpitas, biết thông tin về nhóm 3 trí thức trong nước khởi xướng việc ký kiến nghị yêu cầu ngưng khai thác Bô xít, tôi đã gởi email ngay đề nghị các bạn ở Đà Lạt đăng ký giúp và chính tôi cũng trực tiếp gởi email cho nhóm khởi xướng nhưng vì liên lạc chậm trễ nên được đưa vào danh sách đợt 2.
Người đón chúng tôi về nhà ở là anh Sơn, một người chúng tôi cũng chưa hề biết. Vì nhà không rộng lắm, không có phòng riêng cho khách nên anh sắp xếp chúng tôi ở phòng của người con gái đang đi làm vắng nhà. Vì ở nhà người lạ, chúng tôi hơi ngại nhưng sự chân tình và giản dị của anh chị chủ nhà làm chúng tôi cảm thấy thoải mái ngay. Anh Sơn mới qua Mỹ chưa lâu, trước đây từng làm việc ở Viện Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn, tỏ ra am hiểu tình hình và có lập luận trong mọi vấn đề rất chặt chẽ nhưng anh chưa hề viết bài đăng báo. Chúng tôi chuyện trò khá tương đắc và tôi còn “khoái” anh ở chỗ anh cũng là người ghiền thuốc lá nên khi uống café hay sau bữa ăn, chúng tôi thường kéo nhau ra garage hay lối đi trước nhà, ngồi trên mấy chiếc ghế đẩu cùng nhau phì phèo. Hút thuốc lá ở Mỹ đôi khi cũng hơi “vất vả”.
Tối hôm đó có mấy người đến thăm chúng tôi, đều là những người lớn tuổi. Ông Nguyễn Chí Thiệp tác giả cuốn “Việt Nam khát vọng dân chủ tự do”. Ông mang đến tặng tôi cuốn sách này. Nội dung cuốn sách giới thiệu và bình luận tác phẩm của những người phản kháng trong nước, trong đó có cuốn “Nửa đời nhìn lại” của tôi. Ông đọc và giới thiệu lại từng cuốn sách một cách chi tiết nên tác phẩm của ông rất dày, đến gần ngàn trang. Ông cho biết khi cuốn sách mới ra cũng bị phản ứng vì có người nói cách làm đó là tuyên truyền cho cộng sản. Ở Mỹ là xứ tự do nhưng đối với người Việt, vấn đề bộc lộ chính kiến không phải dễ dàng khi đụng chạm đến những vấn đề liên quan đến chế độ cộng sản. Một ông khác lại tặng tôi một đĩa DVD dạy tập dưỡng sinh theo cách thuần Việt do chính ông sáng chế. Ông vừa nói chuyện vừa đứng dậy biểu diễn luôn một vài tư thế và yêu cầu chúng tôi làm theo. Quả là một người rất nhiệt tình. Một ông nữa có vẻ không hài lòng, bảo muốn đến nghe tôi từ Việt Nam sang nói chuyện nhưng các ông kia lại giành nói nhiều quá. Tôi trả lời tôi cũng cần nghe nhiều để hiểu biết thêm. Những người ở đây ai cũng thích nói chuyện chính trị.
Chiều ngày hôm sau, chúng tôi được mời đến ăn tối ở nhà anh Nguyễn Ngọc Bảo. Sau này chúng tôi biết thêm anh Bảo là một nhân vật rất nổi tiếng ở đây. Anh tốt nghiệp ưu hạng ngành kỹ sư cơ khí tại đại học Houston và hiện là kỹ sư của hãng Jacobs Sverdrup Corporation, phục vụ trong ngành không gian Hoa Kỳ từ hơn 20 năm nay. Anh cũng là sáng lập viên của Hội Văn Hóa Khoa Học Việt Nam vào năm 1990, từng đảm nhận các trách nhiệm hội trưởng, chủ tịch Hội Đồng Chỉ Đạo và hiện là cố vấn của hội. Anh còn là cố vấn của các hội Ái hữu Hà Nội ở Houston, Texas; Sunflower Mission, tổ chức trợ cấp phương tiện giáo dục cho các học sinh nghèo ở Việt Nam; và Messengers of Love, tổ chức giúp đỡ người tật nguyền và trẻ mồ côi ở Việt Nam.
Với Nguyễn Ngọc Bảo và một số bạn trong Hội Văn Hóa Khoa Học Việt Nam Houston.
Anh Bảo và một số bạn cùng lứa đến Mỹ năm 1975 nhưng học hành, làm việc rất thành công. Nghe nói một vài người làm trong chương trình điều khiển phi thuyền không gian. Riêng anh Bảo lại là người thích văn chương, anh đã viết nhiều bài nghiên cứu phê bình văn học đăng trên báo Ngày Nay, phụ trách chương trình văn học trên đài phát thanh Houston và giảng dạy văn học. Anh cũng đã từng đọc sách và bài viết của tôi từ lâu nên tỏ ra có cảm tình đặc biệt với chúng tôi. Nhóm bạn này còn có một thế hệ kế tiếp, chỉ trên dưới 30, phần nhiều là nữ, làm chủ doanh nghiệp, có một cô là hiệu trưởng một trường tiểu học nổi tiếng, đã từng được mời về Việt Nam để giới thiệu về mô hình giáo dục. Đây là một nhóm bạn hết sức thú vị.
Cùng Nguyễn Ngọc Bảo (bìa trái) trong NASA.
Mọi người ngồi ngoài vườn ăn BBQ, uống bia nói chuyện. Vì đông người, ngồi nhiều bàn nên từng nhóm nói chuyện riêng. Khi uống café thay đổi chỗ ngồi, đi lại tự do, chúng tôi nói chuyện được với nhiều người. Ở đây người ta nói đủ mọi đề tài chứ không tập trung vào chuyện chính trị. Rõ ràng những người có công việc làm ăn thành đạt và còn trẻ, đã hội nhập vào xã hội Mỹ, có nhiều quan tâm khác hơn những người lớn tuổi, tuy họ cũng không quên những vấn đề của đất nước.
Bà chủ nhà Minh Tân (áo xanh, phu nhân của anh Nguyễn Ngọc Bảo)
đang nướng thịt ngoài vườn đãi khách.
Sáng hôm sau, anh Bảo hẹn đến đưa chúng tôi đi thăm Trung tâm NASA. Từ chỗ chúng tôi ở đến đó cũng khá xa. Trung tâm này thường gọi tắt là Space Center Houston, có tên chính thức là National Aeronautics & Space Administration (NASA) – Lyndon B. Johnson Space Center. Bảo mua cho chúng tôi hai vé vào cổng, còn anh là nhân viên ở đây nên chỉ cần xuất trình thẻ. Có vô số thứ để xem ở đây. Muốn xem kỹ chắc phải mất cả ngày nên nhiều chỗ chúng tôi chỉ lướt qua. Cách trình bày bằng mô hình với kỹ thuật cao nên vào đây có thể hiểu được một cách khái quát các loại máy móc và công việc cụ thể của phi hành gia trên không gian. Lại còn có các phòng chiếu phim 3D giới thiệu các chuyến bay và chuyến đáp xuống mặt trăng của phi hành gia Mỹ. Một nơi có người đứng giới thiệu tỉ mỉ cách sinh hoạt của phi hành gia trên phi thuyền không gian trong tình trạng mất trọng lực, mời khách lên các phòng mô hình thao tác theo hướng dẫn. Nhiều phòng máy cho phép khách ngồi chơi điều khiển các loại máy móc trên máy vi tính có màn hình lớn. Lại còn có khu vực chơi cho trẻ em với các trò chơi liên quan đến khoa học không gian. Anh Bảo quá rành nơi đây nên hướng dẫn chúng tôi xem những nơi thú vị nhất và chụp hình cho chúng tôi. Trước khi ra về anh còn “bắt” chúng tôi phải chụp cảnh bay lơ lửng trong phi thuyền do một quầy dịch vụ thực hiện bằng cách chụp ghép ảnh. Lại còn mua tặng chúng tôi hai cái ly có in dấu hiệu của Trung tâm làm kỷ niệm. Thật là quá nhiệt tình. Khi ra về anh ghé đón vợ cũng làm ở cơ quan gần đó cùng đi ăn trưa.
“Nữ phi hành gia” BY.
Trước khi ra về, Bảo còn đưa chúng tôi đi thăm qua downtown của Houston và khu người Việt, có tượng đài hai người lính Việt - Mỹ và Saigon Houston Plaza với rất nhiều cửa hàng của người Việt. Ở đây, chúng tôi vào thăm Radio Saigon Houston, một đài phát thanh bằng tiếng Việt khá lớn của ông Dương Phục. Qua chuyện trò, chúng tôi được biết ông Phục vốn là nhân viên Đài Phát thanh Sài Gòn. Trước ngày 30/4/75 ông đã di tản ra biển nhưng vì muốn chứng kiến giờ phút lịch sử, ông quay lại làm việc. Sau đó ông phải đi cải tạo nhiều năm rồi mới vượt biên. Ông tâm sự đó là một quyết định lớn có tính cách bước ngoặt trong đời mình, mang lại nhiều hệ quả bi thảm nhưng nếu cần làm lại, ông cũng sẽ làm như thế. Quả là một con người có “máu nghề nghiệp”. Vì thế khi sang đây ông lại làm nghề phát thanh. Và cơ sở đài này cũng khá bề thế với mấy phòng lớn trên tầng 1 của Plaza.
Trước Radio Saigon Houston.
Tượng đài chiến sĩ Việt – Mỹ ở Houston.
(Còn tiếp)