Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

GẶP GỠ TRÊN ĐẤT MỸ (VIII)

Kỳ 8

Trên đường đi có nhiều trang trại của người Mễ. Anh giải thích đây phần lớn là những người nhập cư lậu nhưng vì họ sinh sống lâu năm, sản xuất ra nhiều hàng nông sản và không quấy rối gì nên nhà nước để yên cho họ, lợi cả đôi đường. Bãi biển đầu tiên chúng tôi thấy ngay bên đường chỉ là một bãi nhỏ, có nhiều đá và nước không mấy trong thế mà cũng có người đậu xe xuống tắm. Bãi biển thế này thua xa bãi biển Việt Nam. Sau này chúng tôi có dịp ghé thăm hoặc đi ngang một số bãi biển suốt dọc bờ tây nước Mỹ nhưng cũng không có nơi nào đẹp như Vũng Tàu, Mũi Né, Nha Trang, Tuy Hòa, Đà Nẵng, Huế… Nước ở đây lại rất lạnh, mỗi năm chỉ có thể tắm được mấy tuần. Nghe nói bờ biển ở Florida mới đẹp nhưng chúng tôi không có dịp đến.


Trước phòng làm việc của Thống đốc bang California.

Mục đích chuyến đi này là anh cho chúng tôi đến khu vực cảng Harbor District của San Mateo County. Đây là một cảng dành cho tàu đánh cá nhỏ, năm nay đang kỷ niệm 75 năm thành lập nên có các bảng ghi chữ và hình vẽ đóng ở các cột trên đường ra cầu cảng. Hai bên cầu cảng tàu neo đậu san sát, dày đặc nhưng chỉ là những tàu nhỏ với những cột dựng chi chít. Những chiếc đậu gần cầu có bảng quảng cáo bán tôm cá tươi. Hải âu nhiều vô kể và con nào cũng mập mạp, to như con gà, lông bóng mượt, có lẽ do được tha hồ ăn ké cá của ngư dân. Một số con vào đậu trên thành cầu hay cột tàu. Ngoài xa có bờ chắn sóng lớn xây bằng đá kéo dài dọc theo vùng cảng, chỉ chừa lối cho tàu ra vào. Lúc trở về, tôi mới chú ý thấy một bia tưởng niệm ghi tên những ngư dân đã bỏ mình ngoài biển cả, độ mươi người. Sau cùng, có điều ngạc nhiên là khi vào rest room tôi thấy trên tường có phù điêu hình tôm, cua, cá rải rác, khắc họa đặc sản của vùng cảng này. Chẳng hiểu còn nơi nào khác có “sáng kiến” độc đáo như ở đây.


BY và Chị Lê (phu nhân của Trần Kiêm Đoàn)
trong một cửa hàng giới thiệu rượu nho ở Napa.


Chúng tôi có dịp đi thăm Sacramento, thủ phủ của bang Cali, cách San Jose khoảng hai giờ lái xe, nơi ở của Trần Kiêm Đoàn. Cái gì cũng có cơ duyên. Mới năm ngoái ở Sài Gòn, tôi tình cờ gặp Trần Kiêm Đoàn ở nhà một người bạn chung của Đoàn và tôi, từ đó quen nhau dù chúng tôi đã từng biết nhau qua các bài viết trên mạng. Đoàn cùng học với tôi ở Đại học Sư Phạm Huế, cùng ban văn chương, nhưng sau tôi mấy khóa nên dạo đó tôi không quen. Cuộc đời của anh cũng khá long đong. Sau 1975 anh vẫn tiếp tục dạy học ở trường Đồng Khánh Huế rồi bị “đuổi dạy” vì quan điểm không phù hợp với chế độ mới. Vợ chồng anh phải đi bán chợ trời kiếm sống một thời gian rồi vượt biên. Qua Mỹ thời gian đầu anh làm đủ thứ nghề như cắt cỏ, đánh cá, xây dựng… rồi thi đua với con quyết chí học thêm. Anh lấy bằng tiến sĩ, dạy đại học và làm việc cho một cơ quan nhà nước Mỹ. Đoàn viết văn, làm thơ, viết báo nhiều, đặc biệt được độc giả ái mộ qua các bài viết về xứ Huế, “con yêu bánh nậm” và tiểu thuyết “Tu bụi”.


Vườn hoa hồng sau Capitol ở Sacramento.

Đoàn cùng đi với ông Hoàng Xuân Thiệu, người Huế, nguyên giáo sư sử, từ Sacramento qua Milpitas, rủ chúng tôi đi uống café , hẹn thêm Lê Tường Lâm ở San Jose, cũng là một thầy giáo văn chương, bạn cũ của Đoàn từ thời sinh viên Huế. Chúng tôi ngồi ở quán Coffee Lovers, trên đường Story của San Jose. Đây là quán có chỗ ngồi ngoài trời có thể tha hồ hút thuốc. Chúng tôi nói chuyện văn chương thế sự theo tâm thế của những người từng là nhà giáo một thời trước 1975. Đoàn mời chúng tôi qua thăm anh và bạn bè ở Sacramento.


Với các "nhân vật" ở Sacramento trước đài tưởng niệm chiến sĩ Mỹ hi sinh ở VN
(Từ trái qua Trần Kiêm Đoàn, Định Nguyên, TDBC, Nguyễn Đăng Hoàng)

Mấy hôm sau, anh chị chủ nhà chở chúng tôi đi. Dù xe có GPS nhưng không hiểu sao đến nơi tìm mãi không ra nhà, chúng tôi phải đậu xe ở một khu mua sắm gọi điện thoại nhờ Đoàn ra đón. Đoàn ở một khu mới mở rộng của thủ phủ Sacramento, nhà cửa rất khang trang. Buổi chiều, Đoàn mời một số bạn cùng đến ăn tối. Tất cả đều là người Huế. Ông Hoàng Xuân Thiệu. Anh Hoàng Ngân Hà nguyên giáo sư Anh văn cùng khóa với tôi ở Đại học Sư Phạm Huế. Anh Nguyễn Đăng Hoàng, du học trước 75, đang dạy đại học. Hai anh Định NguyênNgô Viết Trọng, nguyên sĩ quan cảnh sát nhưng qua đây đều viết văn. Định Nguyên chuyên viết chính luận và Trọng đã xuất bản mấy cuốn tiểu thuyết lịch sử. Vợ chồng anh chị Kiềm – Cơ, Kiềm là em gái của Đông Trình, một nhà thơ bạn thân của tôi trong nhóm Việt trước đây. Tôi mang theo một số cuốn “Mảnh trời xanh…” để tặng họ. Anh chị chủ nhà của tôi về ngay trong đêm. Chúng tôi ở lại mấy hôm để các bạn đưa đi thăm thú Sacramento.


BY bên tượng người tù lính Mỹ ở khu tưởng niệm chiến sĩ hi sinh trong chiến tranh VN.

Trần Kiêm Đoàn, Nguyễn Đăng Hoàng và Định Nguyên cùng đi với chúng tôi. Thật không có gì thú vị và hữu ích bằng việc được các bạn “thổ công” của một địa phương đưa đi khám phá nơi đó vì họ biết nên đưa chúng ta đến đâu và có thể trả lời cho ta mọi câu hỏi. Đầu tiên chúng tôi đến Capitol, nơi làm việc của Quốc Hội và Thống đốc bang. Tòa nhà này đã được xây dựng từ hơn 150 năm trước, di chuyển, thay đổi kiểu kiến trúc nhiều lần và hiện nay có cùng kiểu dáng, tuy nhỏ hơn, với Capitol của liên bang ở thủ đô Washington DC.


Nếm rượu ở Napa.

Khách được vào tham quan tự do nhưng qua cửa phải kiểm tra an ninh. Ngay lối vào là một hành lang dài, hai bên có những tấm bảng trình bày rất thẩm mỹ, nhiều màu sắc, giới thiệu đặc điểm của các county trong bang. Nội dung giới thiệu khá chi tiết về địa lý, dân số, thế mạnh kinh tế, đặc sản…, chúng tôi chỉ xem lướt qua chứ xem kỹ phải mất cả ngày. Nếu có cuốn sách đem về nhà đọc thì hay hơn. Tiếp tục đi lên các tầng lầu, dọc theo cầu thang và hành lang ở mỗi tầng có treo hình và tiểu sử, sự nghiệp các thống đốc bang qua các nhiệm kỳ. Nơi quốc hội họp là một phòng hình tròn rộng, có chỗ ngồi riêng trên cao cho phóng viên báo chí và dân chúng đến theo dõi. Việc thiết kế phòng họp này đã cho thấy tính dân chủ trong sinh hoạt chính trị ở Mỹ. Ngoài ra còn nhiều phòng làm việc khác của quốc hội và văn phòng chính phủ tiểu bang.


Đập ngăn dẫn cá hồi vào hồ nuôi trên dòng sông American River.

Chúng tôi cũng dừng lại chụp hình khá lâu bên cạnh tượng con gấu, biểu tượng của bang Cali, trước phòng làm việc của thống đốc bang, hiện nay là ông Arnold Schwarzenegger, nguyên tài tử điện ảnh loại phim hành động nổi tiếng với thân hình lực sĩ đẹp nhất thế giới. Mước Mỹ đúng là xứ sở của cơ hội cho mọi người có tài năng và ý chí thăng tiến. Như ông thống đốc này, vốn là dân nhập cư, lập nghiệp bằng con đường điện ảnh và bây giờ trở thành một nhà hoạt động chính trị đứng đầu tiểu bang. Sau khi hết nhiệm kỳ, có thể ông trở lại nghề cũ. Thật là tự nhiên, bình thường và tự do.

 Bên ngoài Capitol, phía trước là một quãng trường rộng đang có một sinh hoạt kỷ niệm gì đó của dân Do Thái. Họ dựng lều, ăn uống, ca hát trên bãi cỏ rất vui nhộn. Các bạn cho biết tổ chức, đoàn thể nào cũng có thể xin phép mượn chỗ này để sinh hoạt chứ không phải là nơi kín cổng cao tường chỉ dành cho những người làm chính trị. Phía sau là một vườn hồng mênh mông đang lúc hoa sắp tàn nhưng cũng vẫn còn khá rực rỡ nhiều màu sắc đỏ, vàng, hồng, trắng. Giữa vườn có một khu tưởng niệm các chiến sĩ Mỹ hi sinh trong chiến tranh Việt Nam. Trên sàn xi măng trước lối vào có hình bản đồ Miền Nam Việt Nam ghi đậm tên các địa điểm chiến sự quan trọng. Bên trong có nhiều tượng không lớn lắm nhưng đường nét tinh tế, mô tả người lính trong các tư thế chiến đấu, bị thương, cứu giúp đồng đội, bị cầm tù … rất sinh động. Sau này đi nhiều nơi, chúng tôi thấy ngoài Đài tưởng niệm là bức tường đá đen nổi tiếng ở thủ đô ghi tên 58.200 lính Mỹ bỏ mình trong chiến tranh Việt Nam, còn rất nhiều nơi khác có đài tưởng niệm. Chiến tranh Việt Nam quả là một dấu ấn khó quên trong lịch sử nước Mỹ hiện đại.


Trước khu bảo tàng Sutter’s Fort.

Sutter’s Fort là một khu bảo tàng đặc biệt mà các bạn đưa chúng tôi đi xem. Đây là nơi phục chế pháo đài ngày trước của đại tá Sutter, người có công sáng lập ra thủ phủ Sacramento từ mấy trăm năm trước. Pháo đài không rộng lắm, có tường cao bao quanh, bên trong dọc theo tường là những phòng nhỏ đặc biệt được sử dụng cho các sinh hoạt của pháo đài. Chính giữa là một ngôi nhà gỗ lớn hai tầng, nơi ở và làm việc của ban chỉ huy. Ngoài ra còn nhiều dãy nhà ăn và nhà sinh hoạt khác. Đọc tài liệu hướng dẫn và xem, nghe qua màn hình vi tính ở từng phòng ta có thể hình dung cuộc trường chinh gian khổ mà đoàn quân của đại tá Sutter trải qua trước khi dừng chân cố thủ tại đây. Các hiện vật được phục chế tỉ mỉ cho thấy từ súng ống, quần áo, bàn ghế đến nhà kho, nhà bếp, nơi chứa lương thực, lò rèn, cả chỗ giam tù của pháo đài này. Đây là cách phục chế theo đúng nguyên mẫu chứ không phải hiện đại hóa bằng những vật liệu, màu sắc của thời đại văn minh nên khách tham quan có cảm giác thực sự được hít thở bầu khí của một thời quá khứ.

Một nơi khác thật đáng xem là cơ sở nuôi cá hồi bên dòng sông American River. Cá hồi sống ngoài biển, hàng năm theo bản năng ngược dòng sông tìm về nguồn cội để đẻ trứng. Trên đường về, gặp các đập chắn do con người xây dựng, chúng không vượt qua được sẽ chết giữa đường. Dựa vào đặc điểm này, trước con đập ở đây, người ta xây một hệ thống xi măng nhiều cấp dẫn vào nhà máy ngay trên bờ. Cá sẽ tự động theo con đường này, “vượt vũ môn” đi vào trong các hồ. Ở đây người ta bắt chúng dễ dàng, mổ bụng làm thụ tinh nhân tạo. Đẻ trứng xong, cá mẹ chết, người ta nuôi cá con lớn rồi mang thả lại ra biển. Việc này khá tốn kém nhưng cốt duy trì được đàn cá. Công trình này vừa mang tính khoa học kỹ thuật cao vừa bảo vệ được môi trường. Một đất nước có trình độ khoa học và tính nhân bản như thế nào mới làm được điều này.

Trong khi đi chơi, chúng tôi trò chuyện về nhiều vấn đề. Nguyễn Đăng Hoàng trẻ hơn chúng tôi, tuy xa quê hương lâu năm nhưng anh nhận định mọi vấn đề về đất nước một cách khách quan, tỉnh táo trên cơ sở thực tiễn và phân tích một cách thấu đáo. Anh nói chuyện chậm rãi, khúc chiết, trình bày vấn đề gì cũng hơi dài dòng nhưng đâu ra đấy. Định Nguyên sôi nổi và nặng phần phê phán hơn nhưng cũng không cực đoan. Trần Kiêm Đoàn tâm sự với tôi nhiều khi chúng tôi thức khuya ở nhà anh. Anh có một phòng làm việc riêng trên lầu chứa sách quý và một giàn loa nghe nhạc tuyệt vời. Anh kể cho tôi nghe nhiều chuyện riêng tư trong cuộc đời, những điều anh chưa viết ra mặc dù anh đã viết khá nhiều về những kỷ niệm và những biến cố trong đời mình khi nổi trôi theo vận nước qua những hoàn cảnh ngang trái, bi đát như biết bao người khác trong cùng thế hệ từng nếm trải chiến tranh, áp bức và thù hận. Với tư cách một người cầm bút, anh muốn vượt lên trên những xung động và phân ly hiện nay, đưa ra được điều gì có tính vượt thoát hơn, có tầm cao hơn cho số phận dân tộc mà không bị ràng buộc bởi cuộc tương tranh ý thức hệ và sự thù hận vẫn còn dai dẳng. Tôi tâm đắc với anh trong nhiều suy nghĩ.

Hôm sau các bạn đưa chúng tôi đi chơi tiếp. Nguyễn Đăng Hoàng mời cả nhóm đi ăn ở một cửa hàng Pháp đặc biệt và nói mọi người sẽ ngạc nhiên. Chúng tôi ngạc nhiên thật vì đến nơi thấy một cửa hàng nhỏ xíu, khách hàng người Mỹ tới hơn chục người đang xếp hàng từ cửa ra đến ngoài đường đợi vào ăn. Chúng tôi cũng phải kiên nhẫn đứng chờ đến nửa giờ mới vào tìm được một chỗ ngồi chật chội. Hoàng giải thích ông chủ nhà hàng người Pháp này, ông Daniel Pont, trước có một nhà hàng lớn nổi tiếng ở nơi khác. Về già ông không làm nhà hàng lớn nữa nhưng vẫn muốn tiếp tục làm việc để bán món xúp Pháp “gia truyền”, món soup hành, onion soup đã lừng danh của ông, được coi là ngon nhất Sacramento, nên mở cửa hàng La Bonne Soup and Café này. Chỉ có một mình ông làm, vừa là đầu bếp, vừa là người phục vụ, vừa thu tiền. Khách vào gọi món gì đứng đợi ông làm xong, trả tiền, lấy mang ra tự tìm chỗ ngồi, không có chỗ thì đứng hoặc mang ra ngoài ăn. Ngoài món xúp, ông còn làm các loại bánh mì kiểu Pháp. Do khẩu vị, tôi không thấy món xúp lừng danh của ông có gì đặc biệt nhưng xem ra khách Mỹ ở đây rất thích nên họ chịu xếp hàng như thế. Mà hình như giá cũng không phải rẻ.

Chúng tôi đi ngang qua khu phố cổ. Nơi đây vẫn còn những con đường lát đá gập ghềnh, những căn nhà gỗ làm quán bar, những chiếc xe ngựa theo kiểu ngày xưa, hơi giống cảnh trong những phim cao bồi miền Viễn Tây nhưng hiện đại hơn.

(Còn tiếp)

1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét