Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

GẶP GỠ TRÊN ĐẤT MỸ (VI)

Tiêu Dao Bảo Cự

Kỳ 6

Mấy ngày sau, anh chị bạn chủ nhà đưa chúng tôi đến chơi nhà Thái Anh. Ở đây tình cờ chúng tôi gặp Trần Hạnh, một giáo sư trẻ người Việt đang dạy văn học Việt Nam ở đại học Berkeley. Qua trò chuyện Trần Hạnh cho biết cũng đã đọc nhiều bài viết của tôi trên mạng, trong đó có những bài về văn học mà anh dùng làm tư liệu tham khảo.


Bán hàng lưu niệm trên đường vào UC Berkeley.


Anh ngỏ ý mời tôi nói chuyện với lớp của anh. Tôi đồng ý và chúng tôi trao đổi về việc chọn đề tài thích hợp. Anh vừa dạy xong về thời kỳ văn học tiền chiến, sắp chuyển sang giai đoạn văn học kháng chiến và muốn tôi nói về giai đoạn chuyển tiếp này để bổ sung cho bài giảng. Tôi nghĩ nếu nói chung chung chẳng giúp gì cho bài giảng của anh vì chắc chắn anh đã nghiên cứu kỹ lưỡng. Tôi đề nghị có thể nói qua về sự chuyển tiếp này nhưng trọng tâm là nói về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Hữu Loan, một nhà thơ chiến sĩ bất khuất và nổi tiếng với bài thơ trữ tình “Màu tím hoa sim”, được nhiều người xem là một trong những bài thơ tình hay nhất thế kỷ 20, cũng như cuộc đời bi tráng của ông từ sau vụ đàn áp văn nghệ Nhân Văn – Giai Phẩm. Tôi may mắn được gặp Hữu Loan 3 lần, có lần đi chung với ông gần một tháng trời trong chuyến đi xuyên Việt của Ban biên tập tạp chí Langbian và Hội Văn nghệ Lâm Đồng năm 1988, đòi tự do sáng tác, tự do báo chí và xuất bản, tự do dân chủ và đổi mới thực sự. Tôi có một số kỷ niệm với ông, đã từng viết về ông trong hai cuốn sách và vài bài báo nên hi vọng có thể đem đến cho người nghe điều gì đó đặc biệt, thú vị hơn ngoài kiến thức giáo khoa. Mọi người tham gia trao đổi và cuối cùng đồng ý với đề tài đó. Thời gian nói chuyện Hạnh sẽ sắp xếp thông báo sau.


Đường vào UC Berkeley.


Vài ngày sau, Thái Anh và Trần Hạnh bàn nhau là với sự có mặt của tôi và nội dung nói chuyện như thế mà chỉ nói trong lớp học thì hơi “uổng” nên đã liên lạc với Trung tâm Nghiên Cứu Đông Nam Á (Center for Southeast Asian Studies) thuộc đại học Berkeley để Trung tâm này đứng ra tổ chức nói chuyện, cũng với đề tài như chúng tôi đã thống nhất, địa điểm tại phòng hội của Viện Nghiên Cứu Đông Á (Institute of East Asian Studies) cũng thuộc Đại học Berkeley. Khi được báo lại, tôi cũng hơi ngần ngại vì ngay từ trước khi sang Mỹ, tôi đã chủ trương chuyến đi có tính cách riêng tư, mục đích thăm viếng bạn bè, tìm hiểu nước Mỹ và cuộc sống người Việt trên đất Mỹ, không muốn xuất hiện ở các nơi công cộng hay trên các phương tiện truyền thông vì việc này sẽ rất phức tạp. Vài ngày kế tiếp tôi nghe nói việc chuẩn bị tổ chức buổi nói chuyện ở TTNCĐNA phát sinh hai vấn đề. Thứ nhất, thành phần người nghe, không chỉ có sinh viên và những người nghiên cứu văn học Việt Nam mà được thông báo rộng rãi cho các thành viên thường tham dự sinh hoạt ở Trung tâm này và cả đại diện của một số báo chí. Thứ hai là những người tổ chức bất đồng về việc có phiên dịch buổi nói chuyện của tôi sang tiếng Mỹ và mời thêm một số sinh viên và những nhà nghiên cứu Mỹ hay không. Khi biết tình hình đó, tôi thấy việc tổ chức như thế đã không đúng với sự thống nhất ban đầu là nói chuyện trong lớp học, có khía cạnh trái với chủ trương của tôi và gây rắc rối trong nội bộ những người tổ chức, tôi yêu cầu họ hủy bỏ buổi nói chuyện mặc dù đây là một điều rất đáng tiếc. Những người tổ chức tôn trọng ý kiến của tôi và họ đã đề nghị Trung Tâm thông báo hủy bỏ.


Trò chuyện với Hội Sinh Viên Việt Nam
thuộc UC Berkeley trong “vòng tròn lớn”.

Mọi việc tưởng thế là xong nhưng mấy ngày sau Thái Anh báo là Hội Sinh Viên Việt Nam ở Đại học UC Berkeley cũng muốn có một buổi tiếp xúc với tôi. Tôi đồng ý trên nguyên tắc và chi tiết sẽ bàn sau. Không biết Thái Anh và Hội bàn bạc như thế nào nhưng mấy ngày trước buổi tiếp xúc, Thái Anh gặp lại tôi, nói thêm về chuyện này. Tôi bảo đây là một buổi tiếp xúc, nghĩa là nội dung có tính cách “ngẫu hứng”, có thể trò chuyện về bất cứ vấn đề gì nhưng để buổi nói chuyện được tập trung, không lan man, tôi đề nghị có thể trao đổi chung quanh đề tài “Sinh viên Việt Nam ở hải ngoại có muốn và có thể làm gì để giúp quê hương Việt Nam?”. Tôi nghĩ đề tài này thích hợp với vai trò của Hội Sinh Viên. Mỗi nơi, mỗi đối tượng nói chuyện cần có đề tài thích hợp là điều đương nhiên phải nghĩ tới. Với sinh viên ban triết ở San Jose City College, tôi nói về ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh ở Việt Nam. Với sinh viên lớp văn học Việt Nam, tôi định nói về văn học kháng chiến, cuộc đời và thơ Hữu Loan. Có lẽ một phần do tôi đã quá “vô tư” và thiếu cảnh giác, chọn một đề tài tuy chính đáng nhưng hơi “nhạy cảm” nên về sau phát sinh rắc rối.


Trò chuyện tiếp với HSVVN thuộc UC Berkeley trong “vòng tròn nhỏ”.


Trong quá trình chuẩn bị, tôi không hề gặp trực tiếp đại diện của Hội Sinh Viên mà chỉ gặp họ ngay lúc buổi nói chuyện bắt đầu, cùng với tất cả mọi người tham dự. Vừa gặp gỡ, tôi rất thích phong cách năng động và trẻ trung của nhóm sinh viên này. Cuộc gặp mặt được tổ chức lúc 7 giờ tối, trong một phòng học khá rộng, bàn ghế xếp hướng về phía bảng. Trước khi bắt đầu, một cô bé rất xinh trong ban tổ chức hỏi tôi muốn để bàn ghế như thế này hay sắp xếp lại theo kiểu ngồi vòng tròn. Tôi nói thật là một gợi ý hay, nếu được nên ngồi vòng tròn sẽ thoải mái và đúng phong cách sinh viên, hơn nữa đây là một buổi trò chuyện, đối thoại chứ đâu phải nghe giảng bài. Thế là mỗi người một tay kéo bàn ghế sắp xếp lại. Tiếp theo là phần tự giới thiệu từng người. Hầu hết sinh viên tham dự, chừng hơn 30 người, đều là thành viên trong ban chấp hành hoặc giữ các vai trò tích cực trong Hội Sinh Viên. Về phía khách, ngoài chúng tôi, có Thái Anh là người phiên dịch, Oánh và chị Khánh Tuyết là người đã từng gắn bó với sinh hoạt của đại học này từ ngày xưa.


Nói chuyện với sinh viên VN cũng cần qua phiên dịch.


Tôi mở đầu bằng phát biểu cảm tưởng khi đối diện với các bạn sinh viên ở đây, tôi cảm thấy trẻ lại không phải 20 mà là 40 tuổi, như trở về với thời sinh viên hào sảng và sóng gió của mình. Tuy nhiên thời trẻ tôi đã từng lên án thế hệ đàn anh khi họ để lại cho chúng tôi một gia tài rách nát. Bây giờ đối thoại với tôi, nếu các bạn nghe xong cần đả đảo thì cứ đả đảo. Các bạn trẻ tỏ vẻ vui thích trước ý tưởng này.

Ban tổ chức cũng đã chuẩn bị in một bản tiểu sử của tôi bằng tiếng Anh phát cho mọi người. Tuy nhiên Thái Anh đề nghị tôi nên nói thêm đôi nét về tiểu sử, đặc biệt là về thời sinh viên và chuyến đi xuyên Việt năm 1988 vì những chuyện này có thể hữu ích và hào hứng đối với sinh viên. Sau đó tôi nêu đề tài thảo luận mà tôi đã đề nghị, mọi người đồng ý và bắt đầu trao đổi hết sức sôi nổi. Đây không phải là buổi thuyết trình mà là đối thoại, tôi chỉ gợi mở vấn đề một cách ngắn gọn và sau đó mọi người phát biểu ý kiến, kể cả vài khách mời cũng hăng hái tham gia tranh luận. Một vài sinh viên đã từng về Việt Nam làm công tác thiện nguyện và gặp nhiều chuyện phức tạp kể lại kinh nghiệm của mình, từ đó nhiều vấn đề được nêu ra: Tại sao chính phủ lại gây khó khăn trong việc Việt kiều về làm từ thiện? Do không thông thạo tiếng Việt và ít thời giờ tiếp cận, làm thế nào để biết người trong nước thực sự muốn gì trước khi giúp đỡ? Không “giúp con cá” mà chỉ nên “giúp cần câu cá”? Không nên giúp tiền bạc mà chỉ giúp ý thức về tự do dân chủ? Nếu người dân trong nước không chịu vùng lên đòi tự do dân chủ thì có nên làm thay cho họ không? Hoàn cảnh quá khó khăn, làm sao vượt qua sự chán nản để duy trì được thiện ý và hoạt động giúp đỡ?...


Khi được hỏi ý kiến, tôi khuyên họ nên cố gắng học thêm tiếng Việt, tìm hiểu lịch sử và văn hóa Việt Nam để thực sự thấy mình là người Việt, có tình cảm của người dân Việt chứ không phải là người ngoại quốc. Cần phân biệt quê hương và chế độ. Quê hương trường tồn còn chế độ chỉ là giai đoạn. Việt Nam hiện có vô vàn vấn nạn nên cần phải kiên trì theo đuổi mục đích của mình, đừng bỏ cuộc…

Cuộc nói chuyện, theo một số sinh viên đã bày tỏ cảm tưởng, thật hào hứng và hữu ích cho họ, và đối với tôi, dĩ nhiên cả cho tôi vì qua buổi tiếp xúc này tôi đã được gặp, trò chuyện và hiểu thêm về thế hệ trẻ Việt Nam ở Mỹ. Không phải lúc nào cũng có cơ hội như thế này. Đến 9 giờ buổi nói chuyện kết thúc vì một số sinh viên còn có sinh hoạt khác sau đó. Mọi người chụp ảnh chung trước khi chia tay. Sắp ra về, một số sinh viên hỏi chúng tôi có rảnh không, đề nghị chúng tôi ở lại trao đổi thêm với những người không bận công việc. Chúng tôi đồng ý, thế là khoảng gần 10 sinh viên lại kéo bàn ghế thành một vòng tròn nhỏ cùng chúng tôi trao đổi tiếp đến 11giờ đêm. Tan cuộc Thái Anh rủ mọi người đi ăn mì vì đã đói bụng. Một vài em đi được và chúng tôi chở các em cùng đi đến một nhà hàng Tàu chuyên mở cửa về khuya ở gần đây mà Thái Anh biết rõ vì là “thổ công” vùng này.

Lúc chia tay, các bạn sinh viên thông báo tuần tới họ có tổ chức một bữa ăn “bò 7 món” và mời chúng tôi đến dự. Thái Anh hào hứng nhận lời ngay vì anh đang “độc thân vui tính” mà mấy cô sinh viên lại xinh quá là xinh. Oánh nói đùa cũng có thể đi để tìm cô dâu tương lai cho cậu con trai lớn vì rất thích một cô bé ngây thơ, có duyên nhất trong đám. Đúng là tuổi trẻ có sức hấp dẫn kỳ lạ.

Vài ngày sau, Nguyễn Ngọc Oánh mời chúng tôi đến nhà ăn tối và gặp gỡ một số người nói chuyện. Trước đây tôi không biết gì về Oánh dù anh ở trong ban biên tập của website Danchimviet, vì anh ít viết, chủ yếu lo về kỹ thuật.

Khoảng hơn 10 khách dự. Sau đó tôi mới biết phần lớn những người này trước đây là thành viên của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên Bắc Cali nhưng đều đã ly khai tổ chức này vì mâu thuẫn nội bộ. Vài người lớn tuổi cùng đi với vợ. Họ là những trí thức, viên chức cao cấp của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trước đây.

Họ hỏi tôi nhận định về tình hình trong nước. Có lẽ những điều tôi nói cũng không có gì mới mẻ lắm đối với họ vì tôi đã viết ra trong các bài chính luận đăng trên mạng hoặc trong các tác phẩm mà họ đã từng đọc và họ theo dõi tình hình trong nước rất sát qua thông tin trên Internet. Họ trao đổi, thảo luận về những vấn đề được đặt ra, đôi khi quan điểm khác nhau. Cách nói của những người này mang tính trí thức, không đao to búa lớn hay mạ lỵ, cay cú khi đề cập đến chính quyền trong nước mà phân tích vấn đề một cách khá khách quan, tỉnh táo. Điều ưu tư lớn của họ là phương thức nào hữu hiệu nhất để có thể thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa đất nước. Hình như không ai có thể đưa ra được điều gì khác hơn so với những gì họ đã làm.

Trong lúc uống trà, một người lớn tuổi nói riêng với tôi là ông ta, cũng như một số người khác, thường nói chuyện chính trị trong những buổi “họp mặt cuối tuần”, lúc ở nhà này, khi ở nhà khác như một nhu cầu tâm lý. Họ quan tâm đến quê hương nhưng chỉ có thể làm được một số việc có tính cách tuyên truyền, hỗ trợ ở hải ngoại chứ không có điều kiện và không thể dấn thân cho những hoạt động gì có tính nguy hiểm như về nước hoạt động. Tất nhiên ở tuổi tác và hoàn cảnh đã yên ấm của họ ở hải ngoại, đó là một tâm lý bình thường. Còn suy tư về đất nước đã là điều đáng quý, chưa kể có làm được gì hay không.


(Còn tiếp)

1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét