Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011
GẶP GỠ TRÊN ĐẤT MỸ (V)
Tiêu Dao Bảo Cự
Kỳ 5
Nghỉ ngơi thêm ít hôm, tôi đề nghị Nguyễn Hữu Liêm sắp xếp lịch cho tôi vào nói chuyện với sinh viên lớp của anh như đã thỏa thuận. Liêm dạy ở San Jose City College. Anh đang dạy về triết học hiện sinh và đề tài nói chuyện tôi với anh đã thống nhất là “Triết học hiện sinh từ siêu thực đến hiện thực: Lựa chọn dấn thân của một trí thức trong một đất nước trong và sau chiến tranh”. Ý của Liêm là muốn cung cấp cho sinh viên Mỹ một cái nhìn về triết học hiện sinh từ những người ở một quốc gia có nền văn hóa khác với văn hóa Mỹ. Tôi muốn làm xong việc này sớm để hoàn thành trách nhiệm của mình, sau đó có thể tha hồ đi đây đó không ngại việc chồng chéo giờ giấc.
Hội Sinh Viên Việt Nam thuộc UC Berkeley trình diễn văn nghệ
với chủ đề Monsoon (Gió mùa)
với chủ đề Monsoon (Gió mùa)
Đến ngày hẹn, Liêm đi sớm tới nhà chở chúng tôi đến trường. San Jose City College là một trường đại học cộng đồng. Loại trường này dành cho bất cứ ai trên 18 tuổi, cũng giảng dạy nhiều môn, cấp bằng tốt nghiệp đại học hoặc chuẩn bị cho việc tiếp tục vào các University. Những người lớn tuổi muốn học thêm và các sinh viên nước ngoài đến Mỹ, trong thời gian đầu, cũng thường học các College này.
Liêm đưa chúng tôi vào phòng làm việc của anh. Đó là một phòng nhỏ trên lầu của ngôi nhà dành riêng cho các giáo sư. Anh chung phòng với một giáo sư khác người Mỹ. Anh có một bàn làm việc đặt máy vi tính, một kệ sách toàn sách triết và luật, vài cái ghế. Anh xin lỗi dành vài phút kiểm tra mail rồi mời chúng tôi xuống canteen ăn sáng. Chúng tôi đi qua khuôn viên của trường. Một khung cảnh thanh bình và trẻ trung làm tôi nhớ lại thời sinh viên của mình. Đã lâu lắm tôi không có dịp bước chân vào trường đại học. Ngay cổng vào là thư viện lớn có tên Cesar E. Chavez – Library-Learning Resource Center, kế tiếp nhiều dãy nhà rợp bóng mát của những hàng cây lớn, bên dưới là bãi cỏ, giữa có lối đi tráng nhựa. Vườn trường được chăm sóc khá chu đáo, cỏ xanh mướt và các luống hoa đang nở. Sinh viên hầu hết còn trẻ, phần lớn người Mỹ và cũng có một số người châu Á đi lại trong sân từng đôi hay từng nhóm nói chuyện vui vẻ. Vài người ngồi hút thuốc trên các bực thềm, nơi có chỗ gạt tàn. Một nhóm sinh viên dựng lều bạt ngay giữa sân đang quảng cáo cho một hoạt động gì đó của họ. Khi chúng tôi đi ngang họ mời vào uống café miễn phí. Có một câu khẩu hiệu được gắn nhiều nơi bằng 6 thứ tiếng, trong đó tiếng Việt để trên cùng “Bạn có thể làm được” và tiếng Anh tiếp theo “You can do it”. Tôi cảm nhận một bầu khí êm đềm, thoải mái và tự do nơi đây.
TDBC trước thư viện trường San Jose City College.
Canteen khá rộng. Nhiều người đang ngồi ăn trò chuyện nhưng không ồn ào. Liêm đi lấy hot dog và café. Trong số người phục vụ có một phụ nữ Việt Nam. Chúng tôi sắp ngồi vào bàn thì có ông khoa trưởng người Mỹ đến. Liêm giới thiệu chúng tôi với ông, ông trao đổi vài câu chào hỏi xã giao rồi đi. Tôi hỏi Liêm việc mời tôi đến nói chuyện với sinh viên có thông qua khoa không. Anh bảo ở đại học Mỹ việc đó không cần. Giáo sư có quyền mời và chịu trách nhiệm việc người ngoài đến nói chuyện với lớp của mình để bổ sung cho bài giảng. Trừ trường hợp nói chuyện với sinh viên toàn khoa, toàn trường hay có tài trợ mới cần thông qua hội đồng nhà trường. Tinh thần tự trị đại học rất được tôn trọng.
Nói chuyện với sinh viên của Nguyễn Hữu Liêm ở SJ City College.
Liêm đề nghị chúng tôi dự một tiết của anh giảng dạy trước để chúng tôi quen với không khí lớp học, phần khác vì giờ nói chuyện của tôi được bố trí vào tiết sau, gộp sinh viên của hai lớp. Lớp học bình thường, không rộng lắm, bàn ghế riêng cho từng người, tường phía trước có gắn một bảng lớn màu xanh chạy gần suốt bề ngang. Khoảng 20 sinh viên nam nữ, chỉ có vài người châu Á, phần đông ăn mặc tự do, có vẻ “bụi bặm”. Chúng tôi ngồi ở cuối phòng. Tôi ngạc nhiên thấy sinh viên được điểm danh cẩn thận và nộp bài làm kiểm tra lần trước. Liêm đang giảng về lịch sử triết học hiện sinh qua việc giới thiệu tư tưởng căn bản của một số triết gia. Anh nói chậm rãi, khúc chiết, thỉnh thoảng ghi vài tên và những câu quan trọng lên bảng, gọi hỏi vài sinh viên và xen vào những chuyện đùa ngoài lề làm cả lớp cười vui vẻ. Có người ghi chép, người xem laptop hay trầm ngâm, lơ đãng. Không khí lớp học nghiêm túc nhưng không nhàm chán.
Sau giờ nghỉ giải lao, chúng tôi chuyển sang phòng khác để tôi nói chuyện. Liêm kéo hai chiếc bàn ra trước lớp để tôi và anh ngồi đối diện với sinh viên và anh tiện phiên dịch cho tôi. Tôi không quen kiểu nói một đoạn, đợi phiên dịch rồi nói tiếp vì tư tưởng bị ngắt quãng, thiếu hào hứng nhưng dần cũng quen. Tôi có soạn đề cương bài nói chuyện nhưng không cần thiết phải nhìn vì ở đây tôi muốn nói theo cảm hứng. Tôi nói với sinh viên tôi nhớ lại hơn 40 năm trước, lúc các em còn chưa sinh ra, tôi cũng bằng tuổi các em bây giờ và ngồi trong giảng đường Đại Học Văn Khoa của thành phố Huế để nghe giảng về chủ nghĩa hiện sinh và say mê tìm đọc những tác phẩm triết học, văn học của Jean Paul Sartre, Albert Camus, Francoise Sagan cũng như sách triết của các giáo sư đại học Việt Nam. Tôi và nhiều bạn bè cũng bị tác động, dằn vặt khi tiếp cận những khái niệm về phi lý, buồn nôn, vong thân… một cách trừu tượng nhưng trong một đất nước đang có chiến tranh, điều mạnh hơn cả đối với chúng tôi là tinh thần trách nhiệm và ý thức dấn thân chứ không phải là “yêu cuồng sống vội” như có một số người trẻ khác đã lựa chọn. Chính ý thức dân tộc, khát vọng tự do, lòng yêu nước của người dân một quốc gia nhược tiểu đang bị tàn phá, trong đó có sự can thiệp và bom đạn của người Mỹ, đã kết hợp với một khía cạnh tích cực của chủ nghĩa hiện sinh đưa chúng tôi đến hành động, vào thời điểm đó chính là chống chiến tranh và chống Mỹ. Chúng tôi không suy tưởng triết lý mà sống triết lý. Triết lý đi vào máu thịt thành lẽ sống cho mãi về sau này. Sau chiến tranh, khi chứng kiến chế độ cộng sản phô bày sự chà đạp con người, lẽ sống đó lại một lần nữa thôi thúc tôi và một số bạn dấn thân chống lại cái ác, trở thành người bất đồng chính kiến với chế độ. Lần nào tôi cũng phải trả giá cho lựa chọn tự do của mình. Phải chăng con người cần làm như thế để sống cuộc đời có ý nghĩa giữa trần gian này?...
Khẩu hiệu bằng 6 thứ tiếng trong SJ City College.
Tôi không nói về triết học hiện sinh vì thầy Liêm đang giảng dạy, các em cũng đã nghiên cứu rất nhiều và tôi cũng đã quên hầu hết lý thuyết mình đã học. Tôi chỉ có kinh nghiệm bản thân về việc áp dụng triết lý vào cuộc sống ở một môi trường hoàn toàn khác biệt với môi trường sống của các em hiện nay và điều lạ lùng gần như phi thường là hôm nay tôi lại được cấp visa vào Mỹ để nói chuyện này với sinh viên Mỹ.
Thật khó có thể nói một câu chuyện dài phức tạp như thế, lại thông qua phiên dịch, chỉ trong một giờ đồng hồ. Sau đó chúng tôi có 30 phút trao đổi. Phần này thực sự thú vị. Các sinh viên phần lớn là người Mỹ, vài người châu Á, trong đó có một sinh viên Việt Nam. Với vẻ ngoài bụi bặm, bất cần đời, các sinh viên đã đặt những câu hỏi khá sâu sắc, chứng tỏ họ học triết nhưng không quên những vấn đề thời sự chính trị: Ông quan niệm thế nào là sống trung thực, không ngụy tín? Điều gì đã giúp ông có thể tiếp tục dấn thân và chịu trả giá dưới cả hai chế độ mà ông đã sống trải? Ông nghĩ gì về chế độ cộng sản? Chế độ cộng sản ở Việt Nam bao giờ sụp đổ và theo kịch bản nào? Các tôn giáo đóng vai trò gì trong tiến trình dân chủ hóa dưới chế độ độc tài?...
Khi ra về, nhìn các sinh viên Mỹ vô tư lự trong sân trường tôi có một chút thoáng buồn. Thời sinh viên của tôi không được như thế. Thời sinh viên của các con tôi không được như thế. Và thời sinh viên Việt Nam hiện nay cũng không được như thế khi tuổi trẻ bị tác động, quăng quật, gò ép bởi chiến tranh, hận thù, nhồi sọ chủ nghĩa và nỗi lo cơm áo.
Mấy ngày sau tôi lại có dịp gặp sinh viên một trường đại học khác, đại học UC Berkeleynổi tiếng mà tôi đã nghe tên khá lâu về những hoạt động phản chiến từ thập niên 60 và đầu 70 của thế kỷ trước. Thái Anh, Nguyễn Ngọc Oánh đều là cựu sinh viên của trường. Cuối năm học Hội Sinh Viên Việt Nam (VSA) của trường tổ chức biểu diễn văn nghệ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội. Oánh lái xe đến đón chúng tôi đi. Buổi trình diễn tổ chức trong nhà hát lớn của trường với chủ đề “Monsoon” (Gió mùa) kéo dài trong 3 giờ, chỉ nghỉ giải lao có một lần. Hàng trăm diễn viên lên sân khấu qua nhiều màn hoạt cảnh, vũ đạo, đồng ca công phu, sôi động và khá chuyên nghiệp.
Lời giới thiệu nội dung vở kịch chứng tỏ những người tổ chức có tham vọng lớn, óc sáng tạo và chiều sâu suy tư: “Tuy không phỏng theo bất cứ câu chuyện cổ tích và dân gian nào, vở kịch Gió Mùa vẫn chú trọng vào ý niệm tồn tại vững bền của truyền thống và giá trị đạo đức qua những câu chuyện được trình bày. Các nhân vật luôn luôn được trích từ chuyện thần thoại như những linh hồn, Phượng Hoàng, Kim Quy, và nhiều đấng anh hùng khác nhằm soi đường dẫn lối cho con người.” Câu chuyện còn được kể xuyên qua thời gian chiến tranh Việt Nam, hậu chiến tranh cho đến lúc hòa nhập và vươn lên trong môi trường mới trên đất Mỹ.
Nghe nói những năm trước sinh viên trình diễn còn nói bằng tiếng Việt nhưng sau này họ chỉ nói tiếng Anh, thỉnh thoảng mới chêm vào vài câu ngắn bằng tiếng Việt với giọng rõ ràng là của người ngoại quốc. Đây đã là thế hệ người Việt thứ hai trên đất Mỹ, những người Mỹ gốc Việt. Họ nghĩ gì và sẽ làm gì cho Việt Nam, cho một quê hương chỉ còn được biết qua lời kể của ông bà, cha mẹ về cội nguồn quá xa xôi mà họ có thể không quan tâm hay không cần quan tâm khi đã hội nhập hoàn toàn vào quê hương mới?
Trong lúc xem văn nghệ, giờ giải lao, có Bùi Văn Phú đến gặp chào hỏi tôi vì nghe Oánh nói tôi đang ở đây. Anh cũng đang theo dõi buổi trình diễn và ngồi gần chỗ chúng tôi. Bùi Văn Phú viết nhiều trên website talawas là nơi cũng đăng nhiều bài viết của tôi. Có lần anh cũng đã viết bài trao đổi với tôi chung quanh vấn đề giao lưu và hội nhập trong văn học, một đề tài gây tranh cãi trên mạng. Tôi cũng đã đọc một số bài của anh về sinh hoạt của đại học Berkeley vì anh cũng là cựu sinh viên của trường. Những bài viết của anh cung cấp nhiều thông tin cho người đọc vì anh rất chịu khó ghi nhận chi tiết theo phong cách của nhà báo. (Còn tiếp)