Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2011
GẶP GỠ TRÊN ĐẤT MỸ (IV)
Tiêu Dao Bảo Cự
Kỳ 4
Trong thời gian chúng tôi ở nam Cali, Nguyễn Hữu Liêm từ San Jose cũng về đây vì công việc gia đình. Có hôm anh rủ chúng tôi đến thăm Khánh Trường, nguyên chủ biên tạp chí Hợp Lưu. Liêm trước đây có cộng tác với Hợp Lưu và Hợp Lưu cũng có lần đăng một truyện ngắn của tôi. Hợp Lưu là tạp chí văn học gây tiếng vang lớn một thời gian, có đăng nhiều bài của các tác giả trong nước với khuynh hướng hòa giải hòa hợp. Vì đau bệnh và mâu thuẫn nội bộ, Khánh Trường phải giã từ tạp chí. Nghe nói anh bị tai biến và bệnh trạng rất nặng.
Với nhà báo Đinh Quang Anh Thái,
người đầu tiên phỏng vấn TDBC từ năm 1995.
người đầu tiên phỏng vấn TDBC từ năm 1995.
Đến nhà chúng tôi thấy Khánh Trường ngồi xe lăn nhưng nói chuyện rất hào sảng, giọng Quảng Nam oang oang và thỉnh thoảng xen vào mấy tiếng chửi thề rất phóng khoáng. Anh cũng theo dõi tình hình văn nghệ chính trị và có vẻ bực mình về những chuyện đấu đá vô bổ nhưng bây giờ anh chỉ có thể tiếp tục vẽ ở nhà và chơi với mấy cháu bé.
Với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, tác giả “Hoa địa ngục”.
Thăm nhà văn Khánh Trường (ngồi xe lăn).
Phía sau từ trái qua TDBC, BY, chị Khánh Trường.
Phía sau từ trái qua TDBC, BY, chị Khánh Trường.
Chúng tôi đến thăm nhà sách Tự Lực ở đường Brookhurst. Đây là nhà sách và nhà phát hành lớn nhất ở Mỹ, nơi đã tiêu thụ một số lượng khá lớn sách của tôi và hiện vẫn còn để trên kệ cuốn “Mảnh trời xanh trên thung lũng”. Nhà sách không lớn lắm, có lẽ chỉ chừng hơn 100m2 (theo người bán hàng ở đây nói còn có nhà kho lớn ở nơi khác), ngoài sách báo ở hải ngoại còn có một số sách xuất bản trong nước có giá trị như sách của Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Bùi Ngọc Tấn, Tạ Duy Anh…, các loại từ điển và cả tạp chí thời trang, du lịch.
Nguyễn Hữu Liêm và con gà trống nuôi trong vườn.
Trước khi chúng tôi sang Mỹ, một độc giả ái mộ bên này báo là đã gởi tặng hai phiếu mua sách ở nhà sách Tự Lực để khi có dịp đến đây chúng tôi sẽ lấy sách. Được người bán sách xác nhận, thế là chúng tôi tha hồ chọn được hơn chục cuốn. Anh Tín - người bán sách còn tử tế mời tôi uống café và nói nếu thuận tiện anh sẽ tổ chức một buổi gặp gỡ để tôi ký tặng sách cho độc giả như nhà sách thỉnh thoảng vẫn tổ chức ở đây. Sau đó, ông bà chủ nhà sách Tự Lực – anh Đồng và chị Thanh – mời chúng tôi đi ăn để bàn về việc người độc giả ái mộ và Tự Lực giúp xuất bản cuốn Tuyển tập Tiêu Dao Bảo Cự. Tuy việc này chưa được tiến hành ngay nhưng hi vọng sẽ thành hiện thực trong tương lai.
Nhà văn Nhật Tiến và TDBC.
Từ Westminster, Thái Anh còn chịu khó chở chúng tôi đến Los Angeles để thăm nhà xuất bản Văn Mới. Nhà xuất bản này đã in cuốn “Mảnh trời xanh trên thung lũng” của tôi và báo hiện vẫn còn 100 cuốn chưa phát hành hết. Tôi đã liên lạc trước và đề nghị nhà xuất bản giao lại cho tôi để tôi tự phát hành trong thời gian ở đây. Ông chủ nhà xuất bản là Nguyễn Khoa, một người Huế, rất am tường và chuyên nghiệp trong lãnh vực của mình, trình bày cho chúng tôi biết tình hình khó khăn trong xuất bản gần đây. Ông phải là người rất khôn khéo mới có thể duy trì hoạt động trong khi nhiều nhà xuất bản danh tiếng khác đã lần lượt đóng cửa. Ông khuyên tôi nên viết những cuốn ngắn chừng 2-300 trang sẽ dễ bán hơn. Cuốn “Mảnh trời xanh…” của tôi hơn 700 trang bán được như thế khá nhanh, trong hai năm đã bán gần hết nhờ nhiều bạn bè giúp đỡ, trong khi có những cuốn cả 5-10 năm vẫn chưa bán xong. Tuy đã thỏa thuận ông sẽ giao số sách còn lại cho tôi với giá hữu nghị nhưng cuối cùng ông đã tặng không tôi số sách này, coi như ủng hộ tác giả trong chuyến Mỹ du, lại còn tặng thêm một số cuốn sách khác của nhà xuất bản. Thật là quý hóa vì sắp tới chúng tôi sẽ đi đây đó, mang theo sách, bán được bao nhiêu thì bán, còn không dùng làm quà tặng bạn bè cũng rất ý nghĩa. Thế là chúng tôi khệ nệ mang mấy thùng sách nặng trịch ra xe, để cốp sau không hết phải để lên cả băng trên.
Cùng Thái Anh thăm nhà thơ Viên Linh (đứng giữa)
trong tòa soạn báo Khởi Hành.
trong tòa soạn báo Khởi Hành.
Hôm rời Nam Cali trở về, Thái Anh định đi sớm theo đường số 101 là con đường chạy dọc bờ biển phía tây, phong cảnh đẹp nhưng dài và quanh co qua nhiều đèo dốc nguy hiểm hơn xa lộ số 5. Tuy nhiên đêm trước Thái Anh đi chơi riêng với các bạn trẻ ở đây, hình như uống rượu nhảy đầm tới hơn 2g đêm mới về nhà (độc thân vui tính mà!), sáng ngủ đến 10 giờ chưa dậy nổi, đành lại trở về theo đường số 5 cho an toàn.
Tuy khởi hành trễ, Thái Anh cũng cho chúng tôi tạt qua thăm kinh đô điện ảnh Hollywood vì tương đối thuận đường, từ đường số 5 rẽ vào không xa lắm. Anh chạy ngay đến đại lộ Sunset Boulevard là con đường nổi tiếng nhất Hollywood, nơi người ta vinh danh các nghệ sĩ tài năng bằng cách khắc tên họ lên lề đường. Đến đây tìm được chỗ đậu xe không phải dễ. Phải chạy lanh quanh các đường kế cận, may tìm được một chỗ trống được phép đậu trước các nhà ở. Nơi này muốn đậu phải có thẻ riêng, nếu không xe có thể bị kéo đi.
Với anh Tín, nhân viên nhà sách Tự Lực.
Khu vực này thật náo nhiệt, người đi lại đông đảo. Băng qua mấy siêu thị, chúng tôi đến Sunset Bd. Du khách đi lại dày đặc. Một số người đóng giả các nhân vật nổi tiếng của các bộ phim ăn khách như Shrek, Catwoman… đi lại nhảy nhót để lấy tiền du khách muốn chụp hình chung làm kỷ niệm. Vài người da đen đứng thổi kèn hay chơi các nhạc cụ.
Khách thuộc nhiều quốc tịch chen vai thích cánh quay phim, chụp hình. Trẻ con chạy luồn lách la hét. Nhạc ở các quán café, quán bar ầm ĩ. Chúng tôi chỉ đi lướt qua khu vực sôi động này. Thái Anh tìm một vị trí thích hợp để chụp cho chúng tôi bức ảnh có phông phía sau xa là một sườn đồi cao có chữ Hollywood thật lớn, một tấm hình đặc trưng cho việc đến thăm kinh đô điện ảnh.
Bên “hảo hán” Cao Ngọc Quỳnh và “giấc mơ Mỹ”.
Thái Anh rất rành thành phố này. Anh cho biết trước đã từng ở đây mấy năm và có một mối tình lớn nhưng tan vỡ. Anh đã vô cùng đau khổ và phải bỏ dở việc học lấy bằng tiến sĩ nên bây giờ đành phải đi dạy trung học. Việc ghé thăm nơi này có lẽ gây cho anh nhiều cảm xúc nên anh đã hé lộ tâm tình riêng, điều người ta ít làm trong cuộc sống trên đất Mỹ.
Trên đường trở về bắc Cali, Thái Anh nghỉ xả hơi ở một rest area gần cuối đèo. Khu vực này rộng rãi, cây cối nhiều và ra khỏi xe trời khá lạnh. Tôi khuyên Thái Anh nên ngồi trên xe ngủ một giấc ngắn để tiếp tục lái cho tỉnh táo. Sau đó tôi phải liên tục nói chuyện vì sợ anh ngủ gật trên quãng đường quá dài. Đến tối mịt anh chở thẳng chúng tôi đến nhà bạn tôi ở Milpitas rồi tiếp tục lái về nhà ở Oakland dù chúng tôi đã mời anh nghỉ lại. Thái Anh quả có sức khỏe tốt vì chúng tôi không lái xe mà mệt bã người, có lúc buồn ngủ quá, chập chờn mắt nhắm mắt mở phó thác số phận cho “người cầm lái” vẫn phóng như bay trên xa lộ.
Sau khi về lại Bắc Cali, chúng tôi đọc thấy một bài viết của Nguyễn Hữu Liêm về Cao Ngọc Quỳnh. Hóa ra trong chuyến đi Nam Cali, Liêm cũng gặp Quỳnh và Quỳnh cũng nói những chuyện tương tự như với T. Sơn trong nhà hàng hôm có chúng tôi. Liêm ghi lại quan điểm của Quỳnh và tán dương đó là một quan niệm đúng đắn, mẫu mực cho cả người Việt ở hải ngoại và trong nước. Thế là Nguyễn Khoa Thái Anh nổi dóa lên, viết một bài phản bác, kịch liệt đả kích luôn cả Cao Ngọc Quỳnh và Nguyễn Hữu Liêm. Hai bài viết đều đăng trên Đanchimviet.com, cả hai tác giả đều ở trong Ban Biên tập và sau đó hai người vẫn đối xử với nhau cũng như với Cao Ngọc Quỳnh bình thường trong tình bè bạn. Ở đây các bạn tôn trọng quan điểm khác biệt của nhau nhưng tranh luận thẳng thắn, không thù nghịch, đúng tinh thần dân chủ đích thực.
Về lại Milpitas, anh chị bạn chủ nhà đưa chúng tôi đi đây đó quanh vùng cho biết. Trước tiên là đi các công viên. Gần nhất có công viên Nhật Bản Japanese Frienship Garden nổi tiếng. Công viên này ở sát ngay downtown San Jose, được khai trương từ tháng 10 năm 1965 do tỉnh Okayama Nhật Bản hỗ trợ xây dựng. Một phong cảnh yên bình, dịu mát, dĩ nhiên mang phong cách Nhật với cây, cỏ, hoa, lá, đá, nước, cá hài hòa. Một chiếc hồ quanh co với các tiểu đảo bằng đá và đàn cá koi bơi lượn, có nơi dày đặc. Đây là giống cá Nhật, gần giống cá chép nhưng rất nhiều màu sắc. Trắng, đen, xanh, cam, tuyền màu hay điểm các chấm đen làm đàn cá trở nên đa sắc, sống động, đặc biệt được các em nhỏ thích thú. Các lối đi trải xi măng uốn lượn giữa nhiều loại cây cho bóng mát, có cây đã trở thành cổ thụ. Một vài cây anh đào đang trổ hoa rực rỡ. Một số cây lớn nhưng cũng được cắt tỉa như bonsai tạo tán thành những hình cầu khổng lồ trên cao. Các bãi cỏ được chăm bón chu đáo mịn màng sạch sẽ. Đúng là một nơi thư giãn êm đềm cuối tuần cho các gia đình có con nhỏ. Người Nhật quả biết cách để lại dấu ấn của mình trên đất Mỹ, không phải chỉ ở đây mà còn có cả chục vườn ở các tiểu bang khác.
Các công viên khác của Mỹ gần gũi với thiên nhiên hơn, không tỉa tót như công viên Nhật. Trên dãy đồi núi ở phía tây Milpitas có một số công viên được xây dựng dựa trên địa hình thiên nhiên. Cây cổ thụ rợp bóng mát, bãi cỏ mịn xanh rờn, hồ nước với các đàn vịt trời có sẵn, chỉ cần kiến tạo bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, lối đi và các bộ bàn ghế gỗ dã chiến cùng với lò nướng là đã có thể cung cấp cho cư dân một nơi đi chơi dã ngoại tuyệt vời. Trong những công viên này, chúng tôi thấy nhiều gia đình hay nhóm bạn đến đây vui chơi suốt ngày với các trò chơi thể thao, đọc sách… Cũng có loại công viên trồng toàn hoa hồng như Rose Garden ở San Jose với hàng redwood cao lớn bao quanh, chính giữa có sân khấu và khoảng trống để tổ chức các sự kiện như một buổi tổ chức phát bằng tốt nghiệp của một trường trung học mà chúng tôi chứng kiến khi tình cờ ghé qua.
Anh chị bạn chủ nhà cũng cho chúng tôi đi xem các siêu thị của Mỹ, Việt, Hoa. Ở Mỹ đi đâu người ta cũng đi xe hơi và dùng tủ lạnh rất lớn để trữ thức ăn, vài ngày hay cả tuần mới đi mua sắm một lần nên việc đi siêu thị xa gần không thành vấn đề. Các siêu thị của người Việt, Hoa nhỏ hơn siêu thị Mỹ nhưng cũng khá sạch sẽ, trình bày sáng sủa, bắt mắt nhất là hàng rau, hoa quả tươi và cả thịt cá, đều được làm sẵn, đóng gói gọn gàng. Cuối tuần chúng tôi cũng đi xem các farmer market dựng lên tạm thời bằng lều ở các khu đất trống để các nông trại đưa ra bán sản phẩm của mình không qua trung gian. Cũng có đủ hoa, rau cải, trái cây, trứng, bánh kẹo và các thức ăn bình dân ăn chơi tại chỗ. Có nơi còn có ban nhạc trình diễn làm phiên chợ thêm vui vẻ. Chúng tôi cũng đi dạo garage sale để xem người ta bầy đồ cũ trước garage, bán với giá rẻ gần như cho nhưng cũng có những mặt hàng còn mới nguyên, có giá trị hoặc cần thiết cho những người không khá giả. Đặc biệt siêu thị điện tử Fry’s gây ấn tượng bởi tòa nhà bán hàng rộng mênh mông, có lẽ tới vài ngàn mét vuông, với đủ loại máy móc khách có thể tha hồ sử dụng thử và mua rồi đem về nhà dùng, nếu không hài lòng vẫn có thể đem trả lại. Những cuộc đi chơi với anh chị bạn chủ nhà giúp chúng tôi hiểu thêm về cuộc sống trên đất Mỹ.
(Còn tiếp)