Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

Vài Tin Tức Y Khoa - 4 tháng 12 – 2010

Nguyễn Hoài Vân

Những chị cá bạc tình

Chlichidé là một loài cá nhiều màu sặc sỡ mang một số đặc điểm tâm lý rất giống con người. Các chị cá Chlichidé sẵn sàng bỏ rơi hoàng tử của lòng mình nếu chàng này bị đánh bại trong một cuộc đụng độ với một chàng cá khác. Một vùng trong não bộ chủ trì sự lo lắng được bật lên khi các chị cá này chứng kiến cuộc đụng độ vừa nói. Vùng này tương ứng với vùng não bộ được kích động trong óc những người vợ hay bạn gái của các đấu thủ quyền anh bị hạ đo ván trong một cuộc đấu. Julie Desjardins và cộng sự, tác giả của nghiên cứu này, nhấn mạnh đến ảnh hưởng của các các vùng tương ứng với não bộ của loài cá trong hành vi của con người. Các ảnh hưởng này nằm ở tầng vô thức, khiến cho người bạn gái của một võ sĩ bị đánh gục sẽ không nói, « tôi không yêu anh ấy nữa », nhưng sẽ có một chút gì đó thay đổi trong chiều sâu của tâm hồn nàng, mà chính nàng cũng không hề hay biết.


Xa hơn nữa người ta có thể nghĩ đến những thay đổi hoàn toàn vô thức có khi rất nhỏ bé, trong tất cả các trường hợp người đàn ông bị thất bại, như thể thao, nghệ thuật, thi cử, cờ bạc v.v...

Tóm lại : nên suy nghĩ kỹ trước khi đem bạn gái đi xem bạn đấu quần vợt, thi đàn, hát, hay để cho nàng ngồi xem bạn đánh bài ...

(*) Proc Natl Acad Sci USA, en ligne le 24 novembre 2010


Tế bào có thể trẻ lại

Một trường hợp tế bào trẻ lại vừa được chứng minh. Đây là một nghiên cứu của Jérôme Goudeau và Hugo Aguilaniu (CNRS/École normale supérieure de Lyon, UMR5239) (*). Các tác giả tìm cách trả lời một câu hỏi cổ điển. Đó là : vì sao các noãn bào (tế bào trứng) mang tuổi của người mẹ mà không truyền lại cho thai nhi những đặc tính của tuổi tác ấy, đặc biệt là những thoái hóa và bệnh tật liên hệ đến tuổi tác ? Câu trả lời là các noãn bào ấy đã bất thần trẻ lại, một ít lâu trước khi trứng rụng. Điều này được chứng minh trên Caenorhabditis Elegans, một loài sâu rất được các nhà sinh học ưa chuộng. Với tuổi tác, các phân tử đạm chất bị Oxy hóa. Trong trường hợp noãn bào, các phân tử đã già đi ấy bất thần bị thanh lọc bởi một tập hợp enzymes gọi là proteasome. Khi tập hợp proteasome này bị vô hiệu hóa, thì người ta thấy các noãn bào già đi như dự liệu, đưa đến triệu chứng vô sinh.

Một hy vọng cho con người, hậu duệ (xa xôi) của Caenorhabditis elegans ?

(*) Aging Cell, vol 9, n°6, pp. 991-1003


Dịch hoàn to nhất !

Giải nhất của cuộc thi dịch hoàn to nhất về tay chàng Platycleis affinis, thuộc giống cào cào. Dịch hoàn của anh này chiếm 14% cân nặng toàn thân, tương đưong với 9,8 kg nơi một người cân nặng 70 kg ! Đây là một báo cáo của Karim Vahed và cộng sự, thuộc đại học Cambridge và Derby, đăng trong “Biology Letter” (QdM 16/11/2010). Kỷ lục này đánh bại chú ruồi Drosophila bifurca với tỷ lệ cân nặng của dịch hoàn là 10,6% trên cân nặng toàn thân.

Người ta có thể tự hỏi vì sao thiên nhiên lại cần phải làm ra những dịch hoàn to lớn như thế ? Câu trả lời có thể là : để có đủ khả năng cạnh tranh với những chàng trai khác trong bối cảnh phái đẹp rất “năng nổ” trong lãnh vực tình dục. Thật vậy các chị cào cào Platycleis affinis có trung bình 23 bạn tình trong một cuộc sống ngắn ngủi không quá hai tháng, tương đương với khoảng 11 ngàn tình nhân trong trường hợp quý công nương của chúng ta ! Một nhận xét khác là các chú cào cào xuất tinh rất ít. Tức là các chú ấy vừa có một kho dự trữ cực kỳ dồi dào, nhưng lại vừa tiết kiệm tinh trùng một cách triệt để ...

Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể có chút ngạc nhiên về việc chọn lựa đề tài cho các công trình nghiên cứu khoa học !


Các cụ già “tân thời” thông minh hơn

Đó là kết quả của nghiên cứu H70 được thực hiện tại Thụy Điển trên các người 70 tuổi được chia làm 2 nhóm : một nhóm sinh năm 1901-1902 và một nhóm sinh năm 1930. Các vị sinh năm 1930, được trắc nghiệm vào năm 2000, có chỉ số thông minh cao hơn, và trí nhớ tốt hơn các cụ sinh năm 1901-1902 được trắc nghiệm 70 năm sau đó. Theo bác sĩ Simona Sacuiu (Sahlgrenska University Hospital) (*), thì điều này phần lớn là nhờ ở những chăm sóc tốt hơn lúc mới sinh, các tiến bộ về dinh dưỡng, giáo dục, điều trị cao huyết áp, cao mỡ, và các chứng rủi ro tim mạch khác. Yếu tố môi trường như TV, internet... cũng được coi là có ảnh hưởng đáng kể.

Nghiên cứu H70 còn quan tâm đến sự sa sút trí tuệ nơi người lớn tuổi. Một trong những triệu chứng được theo dõi là việc kém trí nhớ. Trong cả hai nhóm được nói đến ở trên, đều có 5% người bị giảm trí nhớ trong năm năm sau đó. Người ta biết là chỉ một phần nhỏ những người này sẽ bị sa sút trí tuệ (như bệnh Alzheimer). Một trong những hệ luận của nghiên cứu này là : để theo dõi chính xác tình trạng trí tuệ của người lớn tuổi, các trắc nghiệm cần được cập nhật, tức càng ngày càng khó hơn, để theo kịp trình độ tăng trưởng trí thông minh của từng thế hệ.

(*) « Neurology », 31 août, và báo cáo của đại học Gothenburg, 22/10/2010.


Chất độc trong thức ăn

Qua ba bữa ăn chính và một bữa phụ, với những sản phẩm mua từ các siêu thị của Paris và vùng phụ cận, mỗi ngày một đứa bé ăn phải 128 độc chất, theo tiêu chuẩn ấn định bởi bộ Y Tế. Hiệp hội Générations Futures (Thế Hệ Tương Lai), với sự yểm trợ của hệ thống HEAL (Health Alliance) Âu Châu, đã đi đến kết luận trên trong một nghiên cứu vừa được công bố. Các đo lường đều được giao cho nhiều phòng thử nghiệm độc lập. Họ đặc biệt tìm các chất nhựa, như Bisphenol A hiện được dư luận chú ý, các chất dioxine, các kim loại nặng, thuốc trừ sâu bọ, v.v...

Hơn một nửa các độc chất được nêu liên hệ đến bệnh ung thư và hệ thống nội tiết. Vài thí dụ : trái táo đến từ Brazil (có một thuốc trừ nấm vi khuẩn bị cấm ở Âu Châu), đậu đũa đến từ Kenya, bơ Pháp (15 độc chất !), cá hồi Âu Châu (34 độc chất). Nước uống và các bao nhựa có thể hâm nóng trong lò siêu âm cũng mang những độc chất cao hơn giới hạn cho phép.

Các nhà khoa học cũng cho biết : mặc dù số lượng của một số hóa chất độc hại không vượt quá mức độ được cho phép, nhưng sự tích lũy nhiều chất độc hại như thế trong cùng một bữa ăn có thể đưa đến rủi ro bệnh tật.

Kết luận : trong các kế hoạch chống ung thư của các quốc gia tiền tiến tiến, cần có những biện pháp liên quan đến môi trường và hệ thống sản xuất thực phẩm.

(QdM 1/12/2010)


Lẻo mép dễ ... ngủ gục !

Quân đội Hoa Kỳ cần những người có khả năng tỉnh thức cao. Một nghiên cứu được giao cho Tracy L. Rupp và cộng sự, với mục đích tìm xem loại người nào thức dai nhất. Những người tình nguyện tham gia nghiên cứu được chia làm hai nhóm. Nhóm A gồm những người cởi mở, nói nhiều, có nhiều liên hệ xã hội. Nhóm B gồm những người thâm trầm, ít nói, có khuynh hướng quay về nội tâm. Họ đều phải thức trong 36 giờ, bao gồm 12 giờ sinh hoạt với người khác, với nhiều, và ít khích động, rồi 22 giờ bị cấm ngủ. Liền sau đó một số trắc nghiệm để đo lường sự tỉnh thức được thực hiện.

Kết quả được đăng trên tập san Sleep số ngày 1/11/2010 : những người thuộc nhóm A (cởi mở) có khả năng tỉnh thức kém hơn những người thuộc nhóm B (hướng nội) khi bị cấm ngủ. Thêm vào đó khả năng tỉnh thức của những người thuộc nhóm B ít bị ảnh hưởng bởi những sinh hoạt xã hội nhiều tính khích động hơn những người thuộc nhóm A.

Quý bà quý cô muốn tránh nạn ý trung nhân của mình “vừa mới ăn no đã ngủ khì” phải mất công nài nỉ “chàng ơi tỉnh dậy chiều em tí”, thì nên chọn người thuộc nhóm B ...


Ảnh hưởng của châm cứu được chứng minh trên não bộ

Một nghiên cứu dựa trên hình chụp RMI (cộng hưởng từ trường), vừa được công bố nhân Hội Nghị thường niên của Radiological Society of North America, bởi một nhóm bác sĩ thuộc bệnh viện Essen. Nina Theysohn, người điều khiển nghiên cứu, cho biết các vùng não bộ được kích thích bởi cảm giác đau đớn, đã phản ứng một cách nhẹ nhàng hơn khi được châm cứu.

Những người tình nguyện nhận những kích thích bằng điện trên cổ chân trái. Một hình functional RMI não được chụp liền khi ấy. Sau đó người ta châm vào ba huyệt phía bên phải (thái xung, túc tam lý, hợp cốc), rồi lại chụp f-RMI trong khi người tình nguyện một lần nữa bị kích thích bằng điện. Trước và sau khi châm cứu, phản ứng của các vùng não bộ liên hệ đến cảm giác đau (cortex somatosensoriel bên kia, vùng insula hai bên và cortex somatomoteur cùng bên), bớt hẳn đi. Các tác giả cho biết ngoài việc làm dịu kích thích đau đớn, châm cứu còn giảm bớt sự hồi hộp sợ đau và những diễn dịch chủ quan về cảm giác đau (*), qua ảnh hưởng trên vùng insula của não bộ.

(*) Người ta đau hơn nếu hồi hộp sợ đau trước khi thực sự bị đau, và nếu diễn dịch cảm giác đau ấy một cách tiêu cực, như gắn liền cảm giác ấy với một bệnh tật hay chấn thương nặng.

Nguyễn Hoài Vân
4 tháng 12 - 2010