Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010
Ðối Lập Chính Trị Thời Ðệ Nhất Cộng Hòa: Vụ Thủ Tiêu Ông Tạ Chí Diệp
Trần Ðông Phong
Kỳ 4 (Tiếp theo)
Tạ Chí Diệp: Tham Gia “Chiến Khu Ðông” Chống Nguyễn Văn Hinh
Khi ông Diệm mới về nước, tình hình rất là khó khăn, Tạ Chí Diệp đã đi khắp miền Trung và vào Sài Gòn để tuyên truyền lôi kéo quần chúng ủng hộ ông Diệm. Vào cuối năm 1954, khi Trung Tướng Nguyễn Văn Hinh lập Ðảng Con Ó chống lại Thủ tướng Ngô Ðình Diệm, ông Tạ Chí Diệp đã cùng với Thiếu Tá Thái Quang Hoàng lập chiến khu ở Phan Rang để chống lại Tướng Hinh và ủng hộ Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm. Sau khi Tướng Nguyễn Văn Hinh phải rời khỏi Việt Nam để trở về Pháp vào ngày 20 tháng 11 năm 1954, Thiếu Tá Thái Quang Hoàng và các sĩ quan dưới quyền như là Ðại Úy Huỳnh Văn Cao đều được Tổng Thống Diệm tưởng thưởng và trọng dụng. Chỉ mấy năm sau, Thiếu Tá Hoàng được thăng đến Trung Tướng và nếu không bị nhóm đảo chánh 11-11-60 bắt cóc đưa lên Nam Vang thì Trung Tướng Thái Quang Hoàng đã có thể trở thành Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Ðội VNCH, Ðại úy Huỳnh Văn Cao chỉ vào khoảng có sáu năm sau, đến đầu thập niên 1960 đã trở thành Thiếu Tướng Tư Lệnh Quân Ðoàn 4.
Cũng vào khoảng thời gian đó, ông Nguyễn Trân được mời giữ chức vụ Tỉnh Trưởng Khánh Hòa (Nha Trang), rồi ít lâu sau đó thì được chuyển về làm Tỉnh Trưởng Ðịnh Tường (Mỹ Tho). Vào lúc đó, ông Nguyễn Trân rất thân với Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm và theo lời ông thì ông vẫn thường đi xe lửa từ Nha Trang vào Sài Gòn, ăn ngủ tại Dinh Ðộc Lập và hàn huyên với ông Diệm cả ngày, có nhiều khi mãi cho đến tận đêm khuya. Ông Nguyễn Trân cho biết rằng vào khoảng tháng 8 năm 1954, Trung Tướng Nguyễn Văn Hinh công khai chống lại Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm và nếu mà ông Hinh thắng được ông Diệm thì “chắc chắn miền Nam sẽ rơi vào tay Cộng sản, Quốc Gia hết đất sống. Vì thế giúp ông Diệm là giúp Quốc Gia vậy...
“Dưới áp lực của tình thế, các sĩ quan Phân Khu Duyên Hải, các tỉnh trưởng và một số thân hào nhân sĩ trong vùng họp mật với nhau tại một mật khu cũ của Việt Minh trong tỉnh Ninh Thuận gọi là Chiến Khu Ðông để bàn kế hoạch đối phó. Hiện diện trong buổi họp đó có:
-Ðại Tá Nguyễn Ngọc Lễ, Tư Lệnh Phân Khu Duyên Hải,
-Thiếu tá Thái Quang Hoàng, Tiểu Khu Trưởng Ninh Thuận,
-Ðại Úy Huỳnh Văn Cao, phụ tá Thiếu tá Hoàng,
-Thiếu Tá Ðỗ Mậu, Phó Tham Mưu của Ðại Tá Lễ,
-Trung úy Nguyễn Văn Long, sĩ quan Tiểu khu Bình Thuận,
-Lương Duy Ủy, Tỉnh Trưởng Phú Yên,
-Nguyễn Văn Hay, Trưởng Ty Công An Ninh Thuận,
-Phan Xứng, một nhân sĩ Ðà Lạt,
Nguyễn Phan Châu, Chỉ Huy Nghĩa Dũng Ðoàn Chiến dịch Atlante,
Và tôi, Tỉnh Trưởng Khánh Hòa....” 1
Như vậy thì theo sự tiết lộ trên đây của ông Nguyễn Trân, hồi tháng 8 năm 1954, Tạ Chí Diệp cũng đã đóng một vai trò khá quan trọng trong việc giúp cho Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm chống lại ảnh hưởng của trung Tướng Nguyễn Văn Hinh tại miền Trung. Ông Nguyễn Trân cho biết rằng sau khi nhóm sĩ quan và nhân sĩ này quyết định ly khai rồi rút ra Chiến Khu Ðông thì “Thiếu Tá Ðỗ Mậu đòi thêm một điều kiện là phải trình việc này lên Thủ Tướng Diệm. Cụ có cho mới làm. “Tôi đề nghị anh Nguyễn Phan Châu vào Sài Gòn gặp Thủ Tướng ngay,” Ðỗ Mậu nói.
“Ðề nghị của Mậu chỉ là một sự phá bĩnh vì tôi biết tính ông thủ tướng hay do dự, không quyết định, song tôi nín thinh. Tôi cũng biết việc Nguyễn Phan Châu đi (Sài Gòn) chẳng đi tới đâu vì Châu chưa đầy 30 tuổi, biết gì mà nói với Thủ Tướng? Nguyễn Phan Châu tên thật là Tạ Chí Diệp, cháu cụ Cử Tạ Chương Phùng, một nhân sĩ tỉnh Bình Ðịnh đã ủng hộ ông Ngô Ðình Diệm từ lâu và đã từng bị tù thời Pháp thuộc vì ông Diệm. Châu lại là con nuôi của Hồ Hữu Tường và là môn đệ của Tường về lập trường trung lập chế.
“Châu rất được Ðỗ Mậu tin nên mới được Mậu cử đi mà không ai phản đối. Chiều hôm đó tôi sửa soạn lên xe lửa về Nha Trang thì anh Nguyễn Văn Hay gặp tôi, năn nỉ tôi vào Sài Gòn trình công việc với ông Diệm. “Bác chịu khó đi giùm, anh Hay nói, Châu chỉ là một trẻ con, làm sao nó dám gặp ông Cụ?”...
“Tôi liền đáp tàu lửa tại ga Tháp Chàm vào Sài Gòn và sáng hôm sau vào Dinh Ðộc Lập. Tôi gặp Nguyễn Phan Châu và hỏi: ‘Anh đã gặp Cụ chưa?’ Châu trả lời: ‘Tôi là con nít, đâu dám gặp Cụ!’ Tôi hỏi tiếp: ‘Thế sao anh lại nhận sứ mạng?’ Châu lặng thinh...” 2
Một nhân vật thứ hai cũng có mặt trong phiên họp ly khai nói trên là ông Ðỗ Mậu, lúc bấy giờ là Tham Mưu Phó Phân Khu Duyên Hải của Ðại tá Nguyễn Ngọc Lễ. Tuy ông Ðỗ Mậu không lấy gì làm thân thiết và dường như cũng không có mấy cảm tình với ông Nguyễn Trân lúc bấy giờ đang làm tỉnh trưởng Nha Trang vì theo ông Nguyễn Trân thì “Ðỗ Mậu được Ngô Ðình Cẩn phong làm Chủ Tịch Kỳ Bộ Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia đã không ủng hộ tôi trong công cuộc bình định, lại trở mặt chống tôi và mưu hại tôi,” 3 nhưng trong đoạn nói về vai trò của Tạ Chí Diệp lúc đó thì ông Ðỗ Mậu gần như còn có phần đề cao hơn là tác giả cuốn Công và Tội.
Ðỗ Mậu viết như sau:
“Tôi liền đề nghị với ông Lễ triệu tập ngay một buổi họp gồm có Trung Tá Nguyễn Quang Hoành, Chỉ Huy trưởng Tiểu khu Phan Thiết, Thiếu Tá Thái Quang Hoàng, Chỉ Huy trưởng Tiểu khu Phan Rang, Thiếu Tá Huỳnh Công Tịnh, Chỉ Huy trưởng Tiểu khu Nha Trang và Ðại úy Lê Khương, chỉ huy Tiểu Ðoàn 82 đóng tại Thành Diên Khánh cách tỉnh lỵ Nha Trang 10 cây số...
“Tham dự buổi họp này, ngoài sự hiện diện của anh em quân nhân, tôi còn mời thêm ba người dân sự toàn là bạn thân của tôi và có thể nói họ là những chiến sĩ kiên cường. Ðó là Phan Xứng từ Ðà Lạt xuống, Nguyễn Văn Hay ở Phan Rang và Tạ Chí Diệp tức Nguyễn Phan Châu, con trai cụ Tạ Chương Phùng từ Quy Nhơn vào. (Ghi chú: ông Ðỗ Mậu cũng như rất nhiều người khác đã tưởng lầm Tạ Chí Diệp là con của cụ Tạ Chương Phùng vì tuy Diệp chỉ là cháu nhưng được cụ xem như là con của cụ.)
“Chúng tôi phân công cho Thái Quang Hoàng lập Chiến Khu Ðông, Tạ Chí Diệp sẽ đưa 50 thanh niên đảng viên của anh ta từ Bình Ðịnh vào chiến khu để làm cán bộ chính trị nòng cốt, Ðại úy Nguyễn Khương phụ trách thông tin tuyên truyền, Phan Xứng về Ðà Lạt lo đối phó với Ngự Lâm Quân. Chúng tôi nhờ Linh mục Nguyễn Văn Sồ lo việc in truyền đơn và tài liệu, còn nhà thờ của Cha thì sẽ biến thành trụ sở bí mật. Trung Tá Nguyễn Quang Hoành nắm lấy tỉnh Phan Thiết và Ðại úy Lê Khương về Khánh Hòa sửa soạn đem quân lên núi tổ chức thêm chiến khu. Sắp đặt xong, ông Lễ và tôi về lại Nha Trang và cho Ðại úy Huỳnh Văn Cao vào mật trình với Dinh Thủ tướng...” 4
Ông Ðỗ Mậu cho biết sau đó người Pháp biết được âm mưu này cho nên Tướng Nguyễn Văn Hinh đã ra lệnh thuyên chuyển Ðại Tá Nguyễn Ngọc Lễ ngay tức khắc đi làm chỉ huy trưởng Ðặc khu Phú Quốc. Ông Lễ bị đưa vào Sài Gòn nhưng đã đánh lừa được người của Tướng Hinh rồi chạy vào trốn trong Dinh Ðộc Lập và ít lâu sau thì được ông Diệm cử làm Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát và Công An. Còn ông Ðỗ Mậu cũng bị ông Diệm gọi về Sài Gòn và có gặp Tạ Chí Diệp cùng với Ðại Tá Nguyễn Ngọc Lễ đang ngồi trong văn phòng của ông Võ Văn Hải khi hai ông Ngô Ðình Nhu và Ngô Ðình Luyện vào báo cho biết việc Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm quyết định cử Ðại Tá Lễ và ông Mậu sang Mỹ du học...
“Hai ông Luyện và Nhu đã ra khỏi phòng mà ông Lễ và tôi vẫn còn bàng hoàng về quyết định của ông Diệm gởi hai chúng tôi đi Mỹ dù bấy giờ quyết định đó không còn được thi hành nữa. Tạ Chí Diệp, người bạn trẻ trí thức, chí lớn, tài cao của tôi, người đã từng phụ trách bộ phận chính trị của Chiến Khu Ðông, hậm hực kéo tôi ra hành lang tâm sự:
“Ðã muốn làm cách mạng, muốn cầm chính quyền thì khó khăn nguy nan mấy cũng phải kiên cường gian khổ đấu tranh, sao ông Cụ và hai ông Nhu-Luyện lại mau thối chí đến thế? Bác xem lại coi liệu chúng ta có lầm ủng hộ một gia đình phong kiến tầm thường không?” Tôi vội chận Diệp lại: “Cứ từ từ cho cụ Diệm làm việc đã, chưa nên có ý nghĩ đó vội, dù sao còn nước còn tát.”
“Tuy nhiên từ đó Tạ Chí Diệp xa lánh dần nhà Ngô không còn liên hệ với anh em ông Diệm nữa. Cho đến khi thân phụ của Diệp là cụ Cử Tạ Chương Phùng bị nhà Ngô chê bai là quê mùa cổ hủ, tỏ thái độ vong ân bội phản, Diệp càng thêm bất mãn bèn liên lạc với Bình Xuyên để chống đối lại Thủ Tướng Diệm. Diệp đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối nhà Ngô ngay trước Dinh Ðộc Lập, do đó Diệp bị bắt giam chung với cán bộ Cộng sản tại Thủ Ðức và Tam Hiệp gần 5 năm trời. Sau khi Diệp bị bắt thì cụ Cử Tạ Chương Phùng và người con rể của Cụ cũng bị công an bắt. Khi được trả tự do, Diệp thường liên lạc với Bác sĩ Trần Kim Tuyến và tôi, do đó sau này Diệp có chân trong Hội Nghị Ðoàn Kết do ông Nhu chủ tọa, việc mà tôi sẽ kể rõ ở một đoạn sau...” 5
Một tác giả khác là ông Cửu Long Lê Trọng Văn cho biết rằng sau hai năm ông Ngô Ðình Diệm cầm quyền, ông Tạ Chí Diệp nhận thấy chế độ Ngô đình Diệm đầy phong kiến, độc tài, gia đình trị, chèn ép tiêu diệt các đảng phái quốc gia không chịu làm tay sai cho chế độ, cho nên ông Diệp đã tổ chức biểu tình trước Dinh Ðộc Lập và Tòa Ðô Chánh đòi hỏi chế độ Ngô Ðình Diệm phải thực thi dân chủ. Sau đó ông Tạ Chí Diệp Tạ Chí Diệp bị bắt vào tháng 6 năm 1956 (?), bị ghép tội “phản nghịch, có hành động phá rối trị an” rồi bị giam ở Thủ Ðức, sau đó bị an trí tại Trung Tâm Cải Huấn Tam Hiệp, Biên Hoà trong năm năm trời.
Tạ Chí Diệp không phải là một nhân vật chính trị nổi tiếng và cũng không giữ một chức vụ nào quan trọng tại Miền Nam Việt Nam vào giữa thập niên 1950 khi ông Ngô Ðình Diệm mới về nước chấp chánh, tuy nhiên tên tuổi của ông Tạ Chí Diệp lại được nhiều người biết đến vì ông là một người trẻ tuổi đã hăng say trong việc ủng hộ ông Ngô Ðình Diệm củng cố địa vị và thế lực trong buổi ban đầu nhưng rồi sau đó chẳng bao lâu, không những ông không còn ủng hộ mà ngược lại trở thành chống đối chính quyền của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm.
Tạ Chí Diệp trở thành người nổi tiếng trong giới chính trị cách đây gần nửa thế kỷ vì ông là một trong những người ít ỏi đã dám đứng lên chống đối đường lối chính trị độc tài, độc đoán của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, ông là một trong số chỉ có vài người rất ít ỏi đã cảnh giác người Việt Nam phải sáng suốt hành động và cương quyết đòi lại cho nhân dân Việt Nam quyền quyết định vận mệnh của mình và thẳng tay chống lại bọn thối nát, áp bức mà không lầm kế làm tay sai ngoại quốc cũng như là lệ thuộc ngoại quốc, ông là một trong những người đầu tiên lên tiếng kết án Tổng Thống Ngô Ðình Diệm dùng chính sách “gia đình trị” trong việc trị nước và cũng vì đó mà ông đã bị tù rồi bị thủ tiêu dưới sông Nhà Bè.
Người viết có nghe nói nhiều về những hoạt động của ông Tạ Chí Diệp, tuy nhiên ở phần trên chỉ ghi lại những điều mà những người có biết đến ông sau này đã viết lại trong một số và hồi ký hay hồi ức của họ. Người viết cũng có sự mong muốn được gặp gỡ một vài vị nói trên để tìm hiểu thêm về nhân vật này, tuy nhiên điều mong ước đó chưa bao giờ được thực hiện.
Một trong những nhân vật hiện nay còn sống và biết rất rõ về Tạ Chí Diệp có lẽ là cụ Ðoàn Văn Thái, năm nay 86 tuổi và hiện đang sống tại thành phố Fort Smith, tiểu bang Arkansas, Hoa Kỳ. Vào năm 1954, cụ Ðoàn Văn Thái là phụ tá của ông Nguyễn Văn An, đặc trách về chính trị và hành chánh của Chiến dịch Atlante và cũng là người được Thủ Hiến Phan Văn Giáo chỉ định làm Phó Tỉnh Trưởng Bình Ðịnh dưới quyền cụ Tạ Chương Phùng.
Người viết có may mắn quen biết với Giáo Sư Nguyễn Lý Tưởng và được ông cho biết rằng ông có quen biết rất thân với cụ Ðoàn Văn Thái, một người quen với Tạ Chí Diệp và đã từng có một thời hoạt động với Tạ Chí Diệp trong vùng Tuy Hòa và Bình Ðịnh cũng như là tại Sài Gòn vào đầu năm 1954. Người viết đã nhờ Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng hỏi thăm cụ Ðoàn Văn Thái về nhân vật Tạ Chí Diệp và cụ đã viết cho Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng một bức thư khá dài nói về nhân vật này.
Người viết xin có lời chân thành cảm tạ cụ Ðoàn Văn Thái và cảm tạ Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng đã cho phép người viết trích dẫn một phần trong lá thư này.
Cụ Ðoàn Văn Thái cho biết:
“Nguyễn Phan Châu tên thật là Tạ Chí Diệp, gọi cụ Tạ Chương Phùng là chú ruột.
“Tôi gặp Tạ Chí Diệp vào những ngày 3 và 4 tháng 1 năm 1954 trong tiền đại hội (phân bộ Miền Trung) của Phong Trào Ðại Ðoàn Kết và Hòa Bình tại số 8 đường Ypres Sài Gòn, nhà và cơ sở của tạp chí Xã Hội của ông Ngô Ðình Nhu. Ông Nhu là một trong ba vị được Phong Trào giao phó cho nhiệm vụ kết hợp và tổ chức các cơ sở của phong trào tại Trung Việt. Những thành viên do ông Nhu kết nạp ở Sài Gòn mà chúng tôi được giới thiệu là các ông Bùi Kiện Tín (Bác sĩ), Trần Chánh Thành, Tạ Chí Diệp, Trương Tử An, Ðỗ La Lam và mấy người nữa mà tôi không còn nhớ. Chúng tôi ở Huế vào có các anh Phan Khoang, Huỳnh Hòa, Bùi Xuân Bào, Nguyễn Trân, Hà Thúc Ký, cụ Phan Văn Phúc (hội trưởng Hội Phật giáo Thừa Thiên và tôi.) Tiền đại hội do ông Nhu chủ tọa, trao đổi ý kiến và cương lĩnh của Phong trào trong việc đòi hỏi chính quyền của Quốc Trưởng Bảo Ðại phải tổ chức bầu cử để có quốc hội và có hiến pháp cùng đề nghị nhân sự tham gia Hội Ðồng Nghị Quyết của Phong Trào. Ðại Hội cử hành tại số 113 đường Yên Ðỗ Sài Gòn ngày 6 tháng 1 năm 1954.
“Về Huế, tôi được tin là ông Thủ Hiến Trung Việt Phan Văn Giáo cử tôi tham gia Chiến dịch Atlante. Chiến dịch này có mục đích giải phóng các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên và phía nam tỉnh Quảng Nam (địa lý tỉnh Quảng Tín sau này.) Tôi được Thủ Hiến Phan Văn Giáo cử làm Chánh Văn Phòng của Trung-Nam-Trấn do ông Thủ Hiến kiêm nhiệm làm Chỉ Huy Sứ, hai ông phụ tá, một về quân sự là Tướng Nguyễn Văn Vỹ, một về chính trị và hành chánh là ông Nguyễn Văn An.
“Tôi theo đoàn quân đổ bộ lên Tuy Hòa giải phóng Phú Yên ngày 21 tháng 1 năm 1954 để tổ chức các cơ sở hành chánh và bố trí các đoàn Hành chánh Lưu động giúp ông Tỉnh Trưởng rồi trở về Nha Trang, nơi đặt văn phòng của Trung-Nam Trấn để tổ chức nhân sự cho việc giải phóng tỉnh Bình Ðịnh.
“Cụ Tạ Chương Phùng, một nhân sĩ ở Bình Ðịnh chấp nhận đề nghị giữ chức tỉnh trưởng Bình Ðịnh, Cụ trước đây rất có uy tín ở Bình Ðịnh, người ta gọi cụ là Cụ Cử Tạ. Các anh Phan Bình An và Nguyễn Mậu (Việt Nam Quốc Dân Ðảng) được cử làm đệ nhất và đệ nhị Phó Tỉnh trưởng, Tạ Chí Diệp làm Chánh Văn Phòng của Tỉnh Trưởng.
“Chúng tôi chuẩn bị ráo riết để đưa ba đoàn Hành Chánh Lưu Ðộng và 1,000 Nghĩa Dũng Ðoàn theo đoàn quân chính quy đổ bộ lên Quy Nhơn ngày 8 tháng 3 năm 1954. Chiều ngày 8 tháng 3, ông Nguyễn Văn An gọi tôi sang bàn công chuyện và cho tôi biết rằng ông Thủ Hiến Phan Văn Giáo có nhận xét rằng Phan Bình An không có đủ cân sức để hợp tác với cụ Cử Tạ khi bên cạnh cụ có Nguyễn Mậu và Tạ Chí Diệp. Ông Giáo sợ rằng họ sẽ đi quá xa vì ông Giáo đã biết rõ sự liên hệ chặt chẽ giữa cụ Tạ Chương Phùng với ông Ngô Ðình Nhu. Ông An cho tôi biết ông Giáo đã ký quyết định cử tôi làm Ðệ Nhất Phó Tỉnh Trưởng Bình Ðịnh thay cho Phan Bình An. Là công chức, tôi phải tuân hành chỉ thị của cấp trên.
“Ðổ bộ lên Quy Nhơn đúng sáng ngày 8 tháng 3 năm 1954, sau khi ổn định xong, tôi có nhiều dịp trò chuyện với Tạ Chí Diệp. Tôi được biết anh ấy có tham gia vào tổ chức ‘Liên Tôn’ ở Liên Khu 5 của các anh Ðoàn Chí Thoan, Nguyễn Hữu Lộc và Vũ Minh Vinh. Sau khi các anh Thoan, Lộc và Vinh bị Việt Minh xử tử, Tạ Chí Diệp bị ở tù trong mấy năm. Về sau Tạ Chí Diệp được thả ra vì lúc bấy giờ Liên khu 5 mất mùa, đập Ðồng Cam ở Tuy Hòa bị Pháp thả bom phá hủy nên toàn liên khu bị nạn đói, Việt Minh đã phải thả một số tù nhân và khuyến khích một số người cho họ ‘dinh tê’ (trở về sống trong vùng Quốc Gia) để đỡ phải nuôi ăn và tổ chức một số điệp viên trà trộn vào Nam từ 1952 đến 1954.
“Sau ngày Ðiện Biên Phủ thất thủ (vào đầu tháng 5 năm 1954,) cụ Tạ Chương Phùng, Nguyễn Mậu và Tạ Chí Diệp đều xin từ chức và rút vào Nam...” 6
(Còn tiếp)
Nguyễn Trân: “Công và Tội”, Xuân Thu, 1992. Trang 112-113.
Nguyễn Trân: Sđd., trang 115.
Nguyễn Trân: Sđd., trang 188.
Đỗ Mậu: Sđd., trang 125-126.
Đỗ Mậu: Sđd., trang 125-128.
Trích thư của Cụ Đoàn Văn Thái ngày 17 tháng 11 năm 2005.