Thứ Tư, 8 tháng 12, 2010

HỘI HỌA HÀ NỘI với ĐẶNG XUÂN HÒA và NGUYỄN QUÂN

Huỳnh Hữu Ủy

ĐẶNG XUÂN HÒA

Đặng Xuân Hòa sinh năm 1959 ở Nam Định, Bắc Phần, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật Hà Nội năm 1983. Đã tham gia hơn 30 cuộc triển lãm quốc gia và quốc tế ở Hà Nội, Cuba, Hồng Kông, Singapore, London, và Hoa Kỳ. Năm 1994, bày bốn cuộc triển lãm cá nhân ở Massachusetts và New York.


Tĩnh vật và Mèo

Có tranh trong bộ sưu tập Bảo tàng Mỹ Thuật Quốc Gia Việt Nam, Bảo Tàng Mỹ Thuật Singapore.

Trong dịp triển lãm An Ocean Apart: Contemporary Vietnamese Art from The United States and Vietnam, Đặng Xuân Hòa đã từng cho chúng ta biết anh là một trong những họa sĩ trẻ trưởng thành giữa bầu văn hóa Hà Nội, tự xem là đứa con tình thần của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm khi đi tìm lại di sản dân tộc nơi nghệ thuật ở các làng xã, nơi các đình chùa miếu mạo, chính đó là quê hương thực sự của một tâm hồn Việt Nam. (CF. Brochure Triển lãm An Ocean Apart, Smithsonian Institution, 1995.)

Chúng ta dễ dàng nhận ra một đường chỉ đỏ xuyên suốt từ Nguyễn Tư Nghiêm đến Đặng Xuân Hòa, đặc biệt nhất là một lối nhìn cách tân phát hiện và học tập từ nghệ thuật điêu khắc đình làng Việt Nam. Đó là những con mèo, con cá, con gà, con chuột, ấm chén, bình tích, bình hoa, lọ gốm, những ngọn đèn dầu, những đài sen, bông sen, lá sen, những đĩa ngũ quả, những con chó đá trước sân đình chùa, và những mô típ trang trí của đất Bắc Hà.

Nguyễn Tư Nghiêm trước đây rất say mê và nồng nàn khi phát hiện rồi ghi chép nhiều hình ảnh từ nền điêu khắc dân gian cổ của các thế kỷ 16, 17 và 18. Điều này thực dễ hiểu, từ nền điêu khắc dân gian cổ ấy đến nền nghệ thuật hiện đại chỉ là một bước rất ngắn. Chúng ta có thể đối chiếu vài tác phẩm của nền điêu khắc cổ này, ví dụ là điêu khắc gỗ Mèo ngoạm cá ở Đình Bình Lục, Hải Phòng với vài tác phẩm mới của Picasso thì sẽ thấy ngay. Nguyễn Tư Nghiêm mê Picasso, mê Paul Klee, và cùng lúc cũng mê điêu khắc dân gian đình làng Việt Nam.

Và Đặng Xuân Hòa cũng thế, khi vẽ đồ vật quen thuộc chung quanh, anh không quan tâm đến việc ghi chép lại thực tại như thế nào để có thể giống đúc thực tại, mà là anh vẽ lên nồng độ tình cảm về sự vật, do vậy anh không vẽ cái mắt anh thấy mà là vẽ cái nằm ở bên trong, bên dưới vật thể, thế giới đồ vật anh nhắm đến và muốn ghi lại. (Brochure An Ocean Apart, sđd, trang 31.)

Nguyễn Tư Nghiêm, rồi Đặng Xuân Hòa, và vài nghệ sĩ trẻ khác nữa trong cùng khuynh hướng này đã góp phần tạo thành một phong cách, bút pháp, vẻ mặt, mà cũng có thể nói là một trường phái mỹ thuật Hà Nội.

NGUYỄN QUÂN

Sinh năm 1948 ở Vĩnh Phú, miền Bắc Việt Nam. Không theo học một trường mỹ thuật nào, chỉ tự học hội họa, tuy nhiên, thuở còn là một thiếu niên cũng đã được học vẽ với họa sĩ Nam Sơn (1890-1973), nguyên là giảng viên Trường Mỹ Thuật Đông Dương.


Tĩnh Vật Bình Hoa.

Từ đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, Nguyễn Quân đã hoạt động toàn phần trong lãnh vực mỹ thuật, và đã là một họa sĩ chuyên nghiệp, cùng lúc cũng là một nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật nổi bật giữa trung tâm văn hóa Hà Nội.

Đã tham dự nhiều triển lãm tập thể và bày nhiều phòng tranh cá nhân trong và ngoài nước từ Châu Á, Châu Âu, đến Châu Mỹ, như Hà Nội, Sài Gòn, Hồng Kông, Singapore, Paris, Brussels, Oslo, Switzerland, và Miami.


Sông Hồng


Anh là một trong vài họa sĩ trẻ thời hậu chiến, tức là sau thời kỳ của hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ suốt 30 năm (1945-1975) đã tạo được một tiếng nói rất mới trên giá vẽ, phù hợp với tiếng gọi hiện đại trên khắp thế giới, mà cùng lúc vẫn giữ được sức nặng đậm đặc từ bên dưới đáy nền của một đời sống văn hóa riêng. Đó là không khí siêu thực của những René Magritte, Paul Delvaux... tổng hợp với nghệ thuật dân gian giữa các làng mạc Việt Nam, từ các đình chùa, miếu vũ. Giữa những người tạo nên bầu khí nghệ thuật Hà Nội, Nguyễn Quân là một trong những khuôn mặt ấy, đầy cá tính và rất sắc nét.