Thứ Năm, 9 tháng 12, 2010

Ghé thăm các Blogs: 9/12/12010

BLOG TRẦN MINH QUÂN
Tháng Mười Hai 1, 2010Trần Minh Quân

Công nhân nhập cư, những người có thu nhập thấp là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất và con cái của họ cũng vậy. Những đứa trẻ bị ngược đãi rồi sẽ lớn lên như thế nào trong khi tuổi thơ các em đang bị đối xử một cách tồi tệ đến vậy?
Những hình ảnh tắm cho trẻ bằng cách giẫm đạp, nắm tóc, dùng nồi nhôm múc nước tạt vào mặt bé Hồ Thị Thúy Ngân một cách thô bạo bị dư luận lên án trong clip được phát tán trên mạng của bà bảo mẫu Trần Thị Phụng (52 tuổi, huyện Thuận An, Bình Dương) thực sự gây sốc cho rất nhiều người.


Tuy nhiên phải thấy hiện tượng đối xử thô bạo với trẻ em dường như đang không thuyên giảm mà còn biến tướng bằng nhiều cách “khôn ngoan” hơn của những bảo mẫu mất hết tính người. Sự việc này thực sự là hồi chuông cảnh báo của lương tri con người đối với cộng đồng và xã hội cần nhìn nhận một cách chính xác và ngăn chặn kịp thời.

Chăm sóc trẻ “kiểu mới”?
Những sự việc này có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi mà nhiều nhà trẻ tự phát của những bảo mẫu không có chuyên môn liên tiếp mọc lên và đang hoạt động ở khắp nơi. Các nhà trẻ kiểu này đặc biệt nhiều và có đất sống, nhất là ở những vùng ven đô, quanh các khu công nghiệp và các khu đô thị, đã tồn tại từ rất lâu. Tuy nhiên sự việc mới thực sự được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây.

Năm 2007, bé Đỗ Ngọc Bảo Trân (18 tháng tuổi) gửi tại lớp Cháo nát, trường Mầm Non tư thục Thiên Thơ, Quận Gò Vấp, TP.HCM đã tử vong khi bị cô giáo Lê Thị Lê Vy dùng băng keo dán vào miệng.
Gần đây hơn chút, hành động “chăm sóc” trẻ em của bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa (SN 1967, ở phường Quyết Thắng, Biên Hòa, Đồng Nai) cũng đã làm cho dư luận hết sức phẫn nộ với phương thức “độc đáo” của mình. Khi cho các bé ăn, đi kèm với mỗi miếng cơm là 1 hoặc 2 cái tát như trời giáng được Kim Hoa “khuyến mãi” vào miệng các bé. Độc ác hơn, có trường hợp bà Hoa nắm tóc một bé gái giật ngược ra phía sau rồi liên tiếp tát hàng chục cái vào mặt, dùng tô cơm đập vào cằm và miệng cháu bé để ép cháu ăn cơm, kèm theo đó là liên tục những lời mắng chửi.


Hành động “chăm sóc” trẻ em của bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa
khiến dư luận phẫn nộ

Rồi sự việc bé Lê Quang Vinh bị cô giáo Trường tư thục Hoa Lan (Tân Phú, TP HCM) bỏ vào thang máy gây thương tích nặng nề với mục đích chỉ để… “dọa cháu ăn”.

Các phương pháp chăm sóc trẻ “kiểu mới” này làm cả xã hội bàng hoàng, phẫn nộ và đau đớn.

Vai trò và trách nhiệm của xã hội
Với sức hút lao động và nhu cầu tìm kiếm công ăn việc làm, người dân nhập cư từ các tỉnh thành khác luôn có xu hướng đổ xô về các khu đô thị và những nơi tập trung các khu công nghiệp. Đối tượng này thường có thu nhập thấp nên đang phải đối mặt với những thiếu thốn về vật chất lẫn sự chăm sóc về y tế, giáo dục.
Ngoài ra sự quá tải ở các trường công lập và những rào cản về hộ khẩu cũng luôn là gánh nặng đối với họ. Khi đó sự chấp nhận phải gửi con vào các cơ sở nuôi dạy trẻ tự phát đã, đang và sẽ xảy ra như một quy luật tất yếu “có cung thì có cầu”.

Một thực trạng nảy sinh là: Các địa phương rất cần nguồn lao động, nhưng lại không có những chính sách quan tâm tạo điều kiện cho người lao động thực sự an tâm làm việc.

Xét một cách công bằng thì công nhân nhập cư, những người có thu nhập thấp là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất và con cái của họ cũng vậy. Những đứa trẻ bị ngược đãi rồi sẽ lớn lên như thế nào trong khi tuổi thơ các em đang bị đối xử một cách tồi tệ đến vậy?

Để những sự việc đáng tiếc như trên xảy ra, ngoài việc xử lý theo pháp luật những người bảo mẫu không có lương tri, cần xem xét lại vai trò của xã hội đối với những hiện tượng này một cách công bằng.

Một điều đáng chú ý là tất cả vụ việc trên đây đều do các cơ quan truyền thông hoặc người dân sống lân cận phát hiện, trong khi những người quản lý nhà trẻ và chính quyền gần đó thì lại không hề hay biết.

Mới đây, sự việc bốn em nhỏ phải trốn chạy khỏi Nhà mở Đồng Nai cũng nói lên thực trạng này. Đây thực sự là một vấn đề cần được làm rõ trách nhiệm của những cơ quan chuyên môn trong công tác kiểm tra, thanh tra và chính quyền địa phương tại những nơi đã diễn ra những sự việc đau lòng trên.

Chuyện con mèo ở Anh và sự nghiêm minh của pháp luật
Rồi đây những bảo mẫu mất nhân tính kia sẽ được đưa ra trước pháp luật. Tuy vậy nhiều người vẫn chưa tâm phục khẩu phục, bởi những án phạt quá nhẹ, không đủ tính răn đe cho những hành vi thô bạo này.

Bản án 12 tháng tù giam cho Quảng Thị Kim Hoa và 3 năm tù cho cô bảo mẫu Lê Thị Lê Vy chưa qua trường lớp đào tạo nghiệp vụ nào được đánh giá là quá “nhân đạo”. Những hành động trên đây không chỉ gây ra những thương tật trên thân thể bé bỏng của các em mà còn là sự bất nhẫn của người được gọi là bảo mẫu.

Nhân đây cũng nên nhắc lại câu chuyện về con mèo ở nước Anh bị ngược đãi.

Bà Mary Bale hồi tháng 08/2010 đã bị “bắt quả tang” ném con mèo Lola 4 tuổi vào thùng rác, đóng nắp thùng lại và thản nhiên bỏ đi. Hành động của bà này đã bị các camera an ninh ghi lại, và bị Tổ chức bảo vệ động vật hoàng gia (RSPCA) của Anh buộc tội.

Với hành động này bà Bale đã phải ra toà tại Coventry, miền trung nước Anh với các cáo buộc gây tổn thương vô cớ cho một con mèo và không cung cấp môi trường thích hợp cho động vật. Cả hai tội danh trên, theo Luật quyền lợi động vật, đều có thể bị phạt tù và bị cấm nuôi giữ động vật suốt đời.

Việc so sánh chuyện đối xử với con mèo ở Anh và chuyện bạo hành trẻ em ở Việt Nam có khiến cho bạn đọc phải suy ngẫm gì không?


BLOG TRƯƠNG DUY NHẤT
CHỦ NHẬT, NGÀY 05 THÁNG MƯỜI HAI NĂM 2010
KHI ĐÀ NẴNG NÓI KHÔNG VỚI VĂN BẰNG TẠI CHỨC
http://www.truongduynhat.vn/2010/12/khi-nang-noi-khong-voi-van-bang-tai.html
Câu “dốt như chuyên tu ngu như tại chức” nghe có vẻ nặng nề, nhưng là một thực tế đúng, đúng đến xấu hổ, từ bao đời rồi đúng đến tận hôm nay.

Thật ra, thông tin Đà Nẵng “nói không với việc tuyển dụng sinh viên hệ tại chức” đã được công khai từ trước đại hội Đảng bộ thành phố. Trong cuộc họp báo trước ngày khai mạc đại hội đảng, Thành ủy Đà Nẵng đã loan báo tin này và hứng nhận ngay tức thời phản ứng của báo chí.

Người bảo ứng xử với “tại chức” thế là phân biệt đối xử, thậm chí có ý kiến cho như thế là sai luật. Điều rất lạ: báo Nhân Dân, tờ báo đảng chuyên đăng nghị quyết và tin thăm nom lễ lạt, hội nghị... chưa bao giờ dám đăng bài phê dù chỉ cấp Chủ tịch xã phường, lại chơi một bài “đánh” Đà Nẵng rất hăng, bảo thế là vi phạm luật cán bộ công chức với luật giáo dục chi chi đó.

Người thì lên lớp giảng giải: phát triển giáo dục ngoài công lập là một xu thế tất yếu, đang được đảng và nhà nước khuyến khích, sản phẩm của giáo dục ngoài công lập vì thế cũng phải được thừa nhận bình đẳng như những loại hình giáo dục khác. Chủ trương của nhà nước là không phân biệt bằng cấp. Bằng cấp loại hình đào tạo chính qui, tại chức hay từ xa... đều “có giá trị sử dụng” như nhau.

Tất nhiên, nhưng một khi nói “giá trị sử dụng” như sau là cách nói rất chung chung và có vẻ rất xa thực tiễn. Thực tế, ít cơ quan đơn vị ban ngành nào khi tiếp nhận cán bộ, nhân viên lại mặn mà với văn bằng tại chức và ít có ai, ít có nơi nào lại coi giữa các văn bằng chính qui, tại chức với từ xa là “có giá trị như nhau”.

Tất nhiên tại chức cũng có người giỏi, nhưng phải thật thà công tâm nhìn nhận rằng đó là câu chuyện rất hi hữu. Vì sao Đà Nẵng không mặn mà đến mức phải lắc đầu nói không với những tấm bằng tại chức, chất lượng đào tạo tại chức như thế nào để đến mức bị tẩy chay? Câu “dốt như chuyên tu ngu như tại chức” nghe có vẻ nặng nề, nhưng là một thực tế đúng, đúng đến xấu hổ, từ bao đời rồi đúng đến tận hôm nay.
Thế nên Đà Nẵng (cũng như một đơn vị, doanh nghiệp cụ thể nào) không mặn mà, lắc đầu với hệ này hệ nọ khi họ cảm thấy không yên tâm về chất lượng thì đó phải được coi là quyền của nhà tuyển dụng.

Ở nghĩa tích cực, phải nhìn nhận đây là một động thái nhằm mục đích cải thiện chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Đã đến lúc ai không đủ chuẩn thì phải nghỉ, nhường ghế cho lớp trẻ được đào tạo bài bản, lớp lang và chính qui hơn. Phương cách cho cán bộ đương nhiệm đi học tại chức theo kiểu “đánh trống ghi tên” thậm chí có trường hợp đi thuê người học hộ để “chuẩn hóa cán bộ” cần phải chấm dứt. Nhìn ở nghĩa này, cách làm của Đà Nẵng là đáng khen hơn đáng chê.

Có thể sự sốt ruột này của Đà Nẵng bước đầu vướng luật, nhưng những sự vướng cản cho mục tiêu nâng cao chất lượng cán bộ thì phải được gỡ bỏ. Con người đẻ ra luật pháp chứ luật pháp không đẻ ra con người. Giả nếu ở đâu và lúc nào mà luật pháp cản ngại cho lợi ích chung của cộng đồng, của sự phát triển thì điều cần phải chỉnh sửa là chính cái luật pháp đó.

Còn nhớ hơn 10 năm trước, cả nước vẫn dung túng cho một điều luật bắt công dân muốn thi lấy bằng lái xe mô tô phải rồng rắn xếp hàng, tập trung học lý thuyết hàng tháng trời như tra tấn thì Đà Nẵng đã phá luật. Đà Nẵng tự tổ chức thi và cấp bằng lái xe cho dân theo kiểu của Đà Nẵng. Khi đó nhiều người phản đối, cũng đòi “trị” vì bảo thế là trái luật. Nhưng chỉ vài năm sau thì cả nước lại học để làm theo cách của Đà Nẵng. Vài năm trước, khi Đà Nẵng tuyên bố tịch thu xe của các đối tượng đua xe, lạng lách bán sung công quĩ xây nhà cho người nghèo - cũng bị dư luận phản đối, cũng có người bảo thế là trái luật. Nhưng đến nay, nó thành một cách làm hay, giảm và chấm dứt hẳn nạn đua xe, nhiều tỉnh thành khác đang học theo cách làm này.

Đúng là việc làm của Đà Nẵng có thể gây sốc nhất thời. Nhưng ở một nghĩa khác, nên nhìn nhận đây là một động thái, một cách làm tích cực nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, một đội ngũ cán bộ công chức quá trì trệ bởi chất lượng suốt bao thế hệ quen bị đổ vấy cho... hoàn cảnh!

Và hơn cả, đó là quyền của nhà tuyển dụng. Tôi không phân biệt, không “cấm cửa”. Nhưng tôi là nhà tuyển dụng, tôi tin loại văn bằng này thì tôi nhận, còn loại hình văn bằng kia tôi thấy nghi ngờ, thấy không yên tâm thì tôi có quyền gạt. Còn nhà tuyển dụng khác thấy yên tâm và gật đầu với văn bằng tại chức này, mà lại dị ứng với văn bằng chính qui kia chẳng hạn đó là quyền của họ. Còn việc làm sao để thuyết phục nhà tuyển dụng họ yên tâm về chất lượng của văn bằng tại chức thì đó lại là công việc, là chức phận của nhà đào tạo, anh đào tạo thế nào để chứng minh được các loại văn bằng đều có “giá trị sử dụng” như nhau, thuyết phục nổi nhà tuyển dụng rằng chúng có “giá trị sử dụng” như nhau.

Thế mới là cách ứng xử công tâm. Và thế thì mới hi vọng xoay chuyển được chất lượng của một đội ngũ cán bộ công chức từ bao thế hệ luôn bị trì trệ, vướng víu bởi nguyên do “hoàn cảnh”!


BLOG TRẦN MINH QUÂN
Tháng Mười Hai 2, 2010

Lại thêm một “hố tử thần” xuất hiện tại TP.HCM. Lần này không là những cái hố nhỏ chừng 1-2 m2 như trước đây mà là một cái hố khổng lồ rộng 30m2, đủ nuốt chửng chiếc container. Có thể nói rằng chưa bao giờ tình trạng “hố tử thần” TP.HCM lại xuất hiện nhiều đến vậy.

Tình trạng “hố tử thần” xuất hiện liên tiếp trong thời gian qua đang thực sự là nỗi lo lắng cho người tham gia giao thông. Nhất là trong những ngày qua, mưa lớn và triều cường liên tiếp xảy ra làm ngập nặng nhiều tuyến đường khiến người tham gia giao thông không thể nhận biết những hiểm nguy thường trực đang rình rập quanh mình.

Xuất hiện “hố tử thần” thứ 52


Khoảng 22 giờ 30 phút ngày 29.11, một hố tử thần rộng hơn 30m2
bất ngờ xuất hiện giữa giao lộ Phan Văn Trị – Nguyễn Thái Sơn
(phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM) khiến một xe container sụp bẫy. Ảnh: Từ An

Theo theo thống kê của sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, trong vòng ba tháng từ tháng 8 – 10.2010 đã có 31 vụ sụp lún mặt đường liên tiếp xảy ra. Điều đáng nói là, tần suất, số lượng sự cố xảy ra càng ngày càng nhiều, dồn dập hơn. Nếu trong cả nửa đầu tháng 7 đến hết 8.2010 chỉ mới xuất hiện ba “hố tử thần”, thì con số đó của riêng tháng 9.2010 là tám và tháng 10.2010 là 16 hố.

Đến nay, theo thống kê mới nhất (dù chưa đầy đủ), con số “hố tử thần” xuất hiện tại TP.HCM đã nhảy lên 52.

Điều đáng lo ngại hơn khi chính sở GTVT TP.HCM khẳng định rằng từ nay đến hết mùa mưa năm 2010, dự báo “hố tử thần” sẽ tiếp tục xảy ra chỗ này, chỗ khác do chất lượng của một số công trình ngầm hiện nay đang ở trong trạng thái… hết sức phức tạp!


Thực tế cho thấy, rất nhiều công trình được phát hiện sai phạm diễn ra trên hầu hết các địa phương đều có dấu ấn của tình trạng nhà thầu thi công “bắt tay” với giám sát để bỏ qua những lỗi do quá trình thi công gây ra. Đây thực sự là căn bệnh trầm kha, đáng sợ nhất và cũng là nguyên nhân của mọi nguyên nhân đã tồn tại rất lâu mà chưa có phương thuốc đặc trị hữu hiệu.
Nhưng cái bẫy chết người này liên tục xảy ra trên diện rộng, từ trung tâm thành phố đến ngoại thành, từ những đoạn đường mới được tái lập mặt đường do thi công các công trình ngầm đến những đoạn đường đã được hoàn thiện từ rất lâu. Và diện tích các hố cũng có dấu hiện “béo phì” hơn trước.

Tìm nguyên nhân như “thầy bói xem voi”
Sau khi hàng loạt “hố tử thần” xuất hiện, công tác tìm hiểu nguyên nhân và xác định trách nhiệm của các bên liên quan được tiến hành.

Trong phiên họp về tình hình kinh tế – xã hội tháng 10 của TP.HCM diễn ra vào ngày 28.10.2010, giám đốc Sở GTVT Trần Quang Phượng cho rằng chỉ 30% vụ sụt lún mặt đường xuất hiện “hố tử thần” do chất lượng thi công kém; 70% số vụ còn lại do hư hỏng từ đường ống cấp nước của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), đường ống thoát nước, đường điện…

Trong khi đó, theo Sawaco thì một số sự cố “hố tử thần” không phải do xì bể ống nước như nhận định của Sở GTVT. Trong văn bản gửi UBND TPHCM ngày 27.10.2010, Sawaco cho rằng “nguyên nhân là khi sự cố xảy ra, mặt đường sụt lún đã đè gãy ống cấp nước. Trước đó tại vị trí “hố tử thần” đơn vị thi công cống thoát nước đã tái lập tạm, kết cấu tái lập không đảm bảo ổn định nên gây lún sụt như trên”.

Theo PGS.TS. Đặng Hữu Diệp, giám đốc Liên hiệp địa chất công trình – xây dựng và môi trường thuộc tổng hội Địa chất VN, các đơn vị thi công lắp đặt cống trên nền đất không ổn định và không bằng phẳng. Do đó, khi lu lèn đất trên mặt cống đã tạo ra lực uốn và lực kéo làm nứt, vỡ các mối nối cống. Nước trong cống tạo thành dòng chảy ngầm, làm xói mòn nền đất và tạo thành những lỗ rỗng, sau đó nền đất lún sụp mà nhiều người gọi là “hố tử thần”.

Một nguyên nhân nữa là các lớp đất đá đã lu lèn không bảo đảm độ nén chặt nên nước mưa hoặc thủy triều ngấm chảy qua các khe nứt xuống nền đất, tạo dòng chảy gây xói ngầm trong nền đất, từ đó làm xuất hiện lỗ rỗng nhỏ, rồi thành lỗ hổng lớn và gây sụp bề mặt đường.

Trong một diễn biến khác, khi trả lời phóng viên báo SGTT ngày 18.11.2010, ông Nguyễn Vĩnh Ninh, phó giám đốc khu quản lý giao thông đô thị số 1 (khu 1) – đơn vị quản lý các tuyến đường trong nội ô thành phố như quận 1, 3, Phú Nhuận – nơi xảy ra nhiều nhất các vụ sụp lún mặt đường trong thời gian qua – cho rằng ngoài một số vụ do lô cốt đấu nối tạm gây ra, đa phần nguyên nhân của các vụ sụp lún xuất phát từ hạ tầng ngầm yếu kém như hệ thống cống thoát nước cũ kỹ, cấp nước bị rò rỉ…

Trong khi các phỏng đoán tìm nguyên nhân vẫn đang được bàn thảo thì cũng đã có rất nhiều cuộc khảo sát được tiến hành nhằm “giải phẫu” các hố lún sụp để xác định nguyên nhân, kể cả phương pháp mạnh như cho người nhái lặn xuống các đường ống, hay “phương pháp nội soi” bằng robot chuyên dụng trong ngành nước cũng tham gia cuộc chẩn đoán bệnh.

Tuy nhiên kết quả vẫn rất chung chung, chưa có kết luận chính xác để tìm được phương thuốc hữu hiệu. Có người ví von việc xác định nguyên nhân sụp lún tại TP.HCM không khác nào chuyện “thầy bói xem voi” và có khả năng đi vào bế tắc.

Đùn đẩy trách nhiệm
Khi chưa có phương cách khắc phục sự cố “hố tử thần” hữu hiệu thì một “sáng kiến” tạm thời được đưa ra. Đó là “bơm bê tông” vào các hố sụp lún! Theo ông Nguyễn Vĩnh Ninh, để các đường cống vòm không còn gây hoạ thì chỉ còn cách bơm bê tông bít kín.

Thực tế cho thấy, rất nhiều công trình được phát hiện sai phạm diễn ra trên hầu hết các địa phương đều có dấu ấn của tình trạng nhà thầu thi công “bắt tay” với giám sát để bỏ qua những lỗi do quá trình thi công gây ra. Đây thực sự là căn bệnh trầm kha, đáng sợ nhất và cũng là nguyên nhân của mọi nguyên nhân đã tồn tại rất lâu mà chưa có phương thuốc đặc trị hữu hiệu.

Tuy nhiên, ông Ninh cũng cảnh báo rằng việc này chỉ khả thi khi hệ thống thoát nước đang thi công sớm hoàn thiện và tiến hành nối thông với nhau; và sau khi bơm bê tông bít cống vòm, để tình trạng sụp lún mặt đường không tái diễn thì dự án chống thất thoát nước của công ty cấp nước phải hoàn thành, để đường ống cấp nước không còn rò rỉ.

Ai cũng biết rằng mặt đường cứ liên tục bị đào lấp rồi lại đào, nên những điều kiện cần như ông Ninh yêu cầu là việc không thể nào xảy ra. Hơn nữa, đây chỉ là giải pháp tạm thời, chỉ giải quyết được phần ngọn, không giải quyết tận gốc vấn đề.

Trong khi chưa tìm được nguyên nhân và giải pháp khắc phục, thì các bên liên quan tiếp tục đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm cho nhau. Một khi “quả bóng trách nhiệm” còn lăn qua lăn lại thì xem ra việc khắc phục sự cố “hố tử thần” chưa biết bao giờ mới thành hiện thực. Nói cách khác, chỉ khi nào “hố đen trách nhiệm” được khắc phục thì hố đen tử thần trên đường mới được giải quyết. Bởi khi chưa rõ trách nhiệm thuộc về ai thì ai đứng ra khắc phục?


BLOG ĐỖ VIỆT KHOA
Đăng ngày: 11:37 04-12-2010

Hiện nay, trong hầu hết các cơ quan đơn vị từ tư nhân tới nhà nước đều tự treo bảng NỘI QUY, hoặc Quy chế nội bộ. Không ít nội quy có chứa các điều cấm lạ luật.

Nơi thì cấm nhân viên tiếp xúc trả lời báo chí, viện cớ làm lộ bí mật cơ quan.

Nơi thì cấm Đảng viên thông tin nội dung cuộc họp cho người ngoài Đảng biết, viện cớ lộ bí mật của Đảng.

Sở GD ĐT Hải Phòng tháng 10.2010 định cấm HS ghi âm trong trường học sau vụ ghi âm cô giáo chửi học trò 18 phút.

Liên tục có các vụ nhà báo bị cảnh sát, bị cán bộ, thậm chí bị người dân tịch thu máy ghi âm ghi hình, viện cớ nội quy (miệng) nơi này cấm thế.

Hôm thứ ba ngày 29-11-2010, phó chánh án toà án huyện Lục Nam - Bắc Giang đã lệnh cho thẩm phán, thư ký và bảo vệ xông ra giữ người để khám túi thu giữ máy ảnh của nguyên đơn trong 1 buổi hoà giải tại toà vì nguyên đơn có dùng máy ảnh chụp lại biển hiệu. Không biết theo Nội quy nào của toà án mà họ làm như vậy.

Nội quy của trường THPT Vân Tảo, Hà Nội có điều cấm giáo viên chụp ảnh ghi âm quay phim trong cơ quan. GV dạy học máy chiếu không đăng ký trước thì bị phạt 100 điểm (tức là sẽ bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ).

Ngày khai giảng 4.9.2010, 1 em học sinh bị tịch thu máy ảnh mini và đình chỉ học vì lý do "mang máy ảnh tới trường chụp ảnh chưa xin phép nhà trường".


Lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc cái sự biết làm ngơ, ra vẻ không thèm chấp của nhiều người, lãnh đạo các cơ quan thường xuyên tạc luật bằng cách đưa thêm vào bảng nội quy đó nhiều điều khoản theo ý riêng mình.
Thế là nội quy đã trở thành 1 luật riêng, hạn chế quyền con người, vi phạm pháp luật. Nhưng nó vẫn ngang nhiên tồn tại và trở thành thứ LUẬT RỪNG, được mọi người mặc nhiên chấp nhận.

Kiểu luật rừng này có tác dụng phòng hộ, che chắn cho các hành vi phạm luật trong cơ quan. Thế nên nó được lãnh đạo cơ quan tận dụng triệt để, sáng tạo ra nhiều điều khoản không hề có trong các văn bản pháp luật.

Hỏi thì họ cãi: Quốc có quốc pháp, gia có gia quy, cho nên cơ quan phải có luật lệ riêng là đương nhiên.
Tác hại của Quy chế nội bộ - luật rừng đó không hề nhỏ.

- Nó bóp chết dân chủ. Quyền con người dù được pháp luật bảo vệ thì nay bị lãnh đạo cơ quan tước đoạt.

- Nó làm mất đi cơ hội thu thập tài liệu chứng cớ để tố cáo, xử lý hành vi tham nhũng tiêu cực và các tệ nạn XH.

- Nó sẽ là tiền lệ kinh nghiệm ma xó cho các thế hệ lãnh đạo kế cận vận dụng làm công cụ bảo vệ quyền lợi của bọn tham quan.

- Mỗi cấp mỗi địa phương sẽ sinh ra những luật riêng, làm mất tính thống nhất của hệ thống pháp luật trên cả nước. Thế là tệ 12 xứ quân tự nó xuất hiện.

- Vận dụng mang về gia đình hoặc cơ quan khác để sinh ra luật rừng và lệ rừng khác.

Nhiều tỉnh, sở, huyện, xã, thôn xóm cũng ra quy chế riêng theo kiểu phép vua thua lệ làng.

Mới đây Sở Thông tin TT DL Hà Nội thì có hẳn chỉ đạo cấm Internet sau 23h, thậm chí Đà Nẵng thì cấm Internet sau 22h, trong khi thông tư của Bộ chủ quản chỉ cấm sau 24h. Có luật sư đã cảnh báo các Sở này có thể bị khởi kiện vì phạm luật.

TPHCM và Hà Nội lại muốn có luật riêng của mình: Đặt ra mức phạt hành chính đối với vi phạm giao thông cao hơn luật định, hay dự định cấm xe ngoại tỉnh vào thành phố.

Nhiều thôn xã ở nông thôn thì bị ép buộc người nông dân phải đóng góp các khoản tiền trái phép, nếu không thì sẽ không được đóng dấu hay cấp phát các loại giấy tờ chứng nhận.

Ở cấp gia đình thì thấy có lệ cấm nói chuyện khi ăn, cấm cãi cha mẹ, cấm giao du, cấm yêu, cấm khóc, cấm cười....

Ra đường thì có lệ cấm nhìn đểu.

Quá nhiều mối quan hệ kinh tế xã hội, chính trị hiện nay được chi phối bằng những luật lệ không có trong quy định của luật pháp. Gọi đó là luật rừng cũng không sai.

Có nơi có lúc luật rừng còn được nâng tầm thành những khẩu hiệu rừng.


Môi trường giáo dục là nơi có nhiều kiểu cấm đoán hơn cả. Điều này đi ngược với mục tiêu đào tạo ra con người có hiểu biết và tôn trọng pháp luật.

Khẩu hiệu ...rừng của trường THPT Vân Tảo. Chữ vàng trên nền đỏ là vi phạm pháp lệnh về biển hiệu quảng cáo. Thương hiệu 4 năm nay của trường là một ngôi trường gian dối lừa đảo, là chỗ trũng trong tuyển sinh: Đầu vào thường đứng cuối cùng trong tổng số104 trường của Hà Nội- Tuyển sinh cả thí sinh điểm thi 0.25 điểm/bàithi. Phải tuyển sinh nguyện vọng 3 toàn thành phố HN mà vẫn không đủ chỉ tiêu.

Tóm lại: NỘI QUY CƠ QUAN XUYÊN TẠC CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT LÀ VĂN BẢN PHẠM PHÁP, LÀ THỨ LUẬT LỆ RỪNG CẦN PHẢI BÃI BỎ.
Mới đây, thượng tướng bộ công an Lê Thế Tiệm khẳng định chụp ảnh là quyền của người dân, hành vi công an tịch thu máy ảnh của dân là sai. Tuy nhiên liệu có bao nhiêu công an, cán bộ công chức biết phân biệt đúng sai pháp luật như vậy?

Tiếc rằng hiếm khi thấy cơ quan chức năng can thiệp. Lại càng rất ít người trong cơ quan lên tiếng ngăn chặn những thứ luật lệ rừng đó.

Cho nên luật rừng còn tồn tại dài dài và gây tác hại dài dài.


BLOG TRƯƠNG NHÂN TUẤN
Trí thức Việt Nam cần phải học hỏi trí thức Khmer
Đăng ngày: 13:26 07-12-2010

Thực ra trí thức Việt Nam còn phải học hỏi rất nhiều điều ở trí thức Khmer. Mà nếu không hơn được Khmer thì đừng mơ ước gì đến rồng, đến cọp. Viễn tượng sẽ vượt Đại Hàn xem ra chỉ là ảo mộng.

Thí dụ theo bản tin phần dưới đây, dẫn từ RFA.

Theo tôi, những tranh chấp trong vấn đề biên giới giữa Việt-Miên xem ra không khác gì tranh chấp giữa hai bên Việt-Trung. Tại sao dân Khmer có thể thành lập đoàn thể tư nhân đến giám sát từng cột mốc và sẵn sàng lên tiếng tố cáo nếu việc cắm mốc xâm phạm lên đất của họ ? Ta thấy việc xê xích mốc giới ở đây chỉ vài chục đến hơn 100m. Nếu so sánh với biên giới phía bắc thì thật không ra gì. Bởi vì ở đây phía VN bị mất cả ngọn đồi, trái núi, con sông… tính ra vài trăm mét đến hàng cây số. Người Khmer đã có thái độ khôn ngoan (ít ra hơn người Việt). Họ làm việc có tổ chức (xin đừng lầm tổ chức dân sự và tổ chức chính trị), đường đường chính chính, kiểm soát mốc giới dưới sự giám sát của công an, cán bộ của cả hai nước. Nói phải củ cải cũng nghe. Tôi dám chắc phần đất sai lệch ở các nơi đây sẽ phải trả lại cho dân Khmer.
Trong khi phía trí thức VN, trong mọi vấn đề, hình như không làm được gì cả.

Chợt nghĩ đến vấn đề biển Đông mà thấy lạnh mình. Trong vấn đề này hình như chỉ có tiếng nói của phe «chính thống », hay phe « phò chính thống » là được phổ biến rộng rãi, kể cả trên các cơ quan truyền thông tiếng Việt ở nước ngoài. Chưa bao giờ (hình như vậy) các « tiếng nói khác » được nghe đến. Nhưng trên phương diện học thuật, vấn đề đúng-sai là quan trọng, « chính thống » hay « ngoài luồng » không thành vấn đề. Mà muốn biết « đúng, sai » thì ít ra phải nghe « tiếng nói khác » này ra sao. Người ta chỉ nghe những cái sai (be bét) của các « học giả phò chính thống » khi họ trả lời phỏng vấn. Trong khi một vấn đề có nhiều tranh cãi (như biển Đông) thì cần phải nghe tiếng nói của nhiều phía.

Các « ý kiến khác » (hay phi chính thống) đến nay vẫn không được chú ý đến. Trong nước thì không nói, họ phải đi bên "lề phải". Các truyền thông tiếng Việt ở hải ngoại, không ai ép, nhưng họ cũng đi một bên lề. Xem ra sự minh bạch của truyền thông nói tiếng Việt VN cũng không hơn truyền thông Khmer.

Tình trạng này tiếp tục thì không mấy chốc biển Đông cũng sẽ giải quyết y chang như vịnh Bắc Việt hay biên giới trên bộ. Nhưng hậu quả sẽ tệ hại hơn gấp ngàn lần.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/cambodia-says-vietnam-to-plant-border-posts-inside-its-territories-qv-12062010162936.html

VN bị tố cáo cắm mốc lên lãnh thổ Campuchia

Quốc Việt, thông tín viên RFA, Campuchia

Hội đồng giám sát của Cambodia, một tổ chức tư nhân về vấn đề biên giới với Việt Nam, đến xem xét 2 cột mốc hôm chủ nhật mùng 5 tháng 12, xác định cả hai được cắm bên trong lãnh thổ Cambodia.

Với sự hiện diện của nhiều nhân viên hành chính và công an của Việt Nam, đại diện của Hội đồng giám sát Cambodia xác định cột mốc tạm số 108 đã được Ủy ban biên giới của 2 quốc gia cắm vào 60 mét bên trong lãnh thổ Cambodia. Cột mốc 109 được cắm vào sâu hơn, tới 200 mét về phía Cambodia.

Với sự hiện diện của nhiều nhân viên hành chính và công an của Việt Nam, đại diện của Hội đồng giám sát Cambodia xác định cột mốc tạm số 108 đã được Ủy ban biên giới của 2 quốc gia cắm vào 60 mét bên trong lãnh thổ Cambodia. Cột mốc 109 được cắm vào sâu hơn, tới 200 mét về phía Cambodia.

Có ít nhất 14 người đại diện cho Hội đồng giám sát Campuchia đến xem xét cột mốc biên giới tạm số 108 và 109 ở xóm Kba Kadal, xã Đa, huyện Mê mót, tỉnh Kampong Cham vào hôm Chủ nhật, ngày 5 tháng 12 vừa qua sau khi có hơn 200 người dân thuộc địa bàn này viết đơn kiện cột mốc tạm đó cắm vào lãnh thổ nước này.

Ông Rong Chhun, đại diện Hội đồng giám sát, và là Giám đốc Hiệp Hội giáo viên độc lập của Campuchia khẳng định sau khi ông đến xem xét vị trí cột mốc tạm rằng, cột mốc tạm số 109 được cắm lên đất vườn đào dân cách từ vườn mía người Việt khoảng 200 mét.

Ông còn cho biết, ngoài ra còn có cột mốc tạm số 108 mà chính quyền khẳng định cắm lên đất vườn mía người Việt thuộc lãnh thổ Việt Nam nhưng những người dân cùng tham gia đến xem xét cột mốc đó khẳng định đất vườn mía người Việt trước đây cũng là sở hữu của họ nhưng bị người Việt xâm chiếm để trồng mía trong những năm 1992. Ông Rong Chhun nhắc lại lời kể của dân bị người Việt xâm chiếm đất để trồng mía:
“Họ khẳng định rằng đất vườn mía ấy là đất của anh em họ mà người Việt xâm chiếm để trồng mía. Họ còn nói đất vườn mía ấy là sở hữu của ông cha họ từ lâu và họ đã làm ruộng như thường, tuy nhiên vào năm 1992 chính quyền Việt Nam đến phá lúa họ và cấm trồng trọt.”

Ông Rong Chhun còn cho biết thêm hiện nay người Việt đang trồng mía trên đất vườn ấy và ông cũng khẳng định cột mốc cắm tạm số 108 cũng bị Ủy ban biên giới của hai quốc gia cắm vào lãnh thổ Campuchia cách biên giới Việt Nam khoảng 60 mét. Ông sẽ viết thư đề nghị Chính phủ giải thích và giải quyết vấn đề này.

Ngoài đoàn của đại diện Hội đồng giám sát Campuchia, còn có nhiều người dân địa phương cùng đến xem xét cột mốc. Một cựu chiến binh ông Sum Sarith nói rằng, người dân thật sự bị mất đất bởi việc cắm cột mốc tạm số 109. Ông còn nói rằng người dân bị hăm dọa bắt bỏ tù nếu như họ khiếu nại chống đối việc cắm cột mốc này. Ông Sum Sarith nói:
“Không có ai dám đến gần bởi vì có lời hăm dọa rằng nếu như người dân đến xem cột mốc sẽ bị bắt bỏ tù chính vì thực tế đã xảy ra ở tỉnh Svay Riêng. Chúng tôi không biết làm thế nào… tôi nói như vậy vì đây là sự thật.”