Thứ Ba, 9 tháng 11, 2010
SÁNG THẾ KÝ ÐỌC BỞI MỘT NGƯỜI VIỆT NAM
Nguyễn Hoài Vân
Kỳ 1
“Khi Thiên Chúa bắt đầu dựng nên trời và đất (thì) mặt đất hoang vu trống rỗng, và tăm tối phủ trên vực thẳm; thần khí (hơi thở) Chúa lượn trên mặt nước.”
Ðoạn văn trên mở đầu Sáng Thế Ký, quyển sách đầu tiên của Thánh Kinh được tôn sùng bởi Do Thái Giáo, các Giáo Hội Ky Tô và, với vài hạn chế, bởi Hồi Giáo. Riêng tôi, trong bài viết này, hoàn toàn muốn lùi ra khỏi truyền thống tôn sùng ấy, và nhìn Sáng Thế Ký đơn thuần như một áng văn kỳ thú, để cùng bạn đọc thưởng thức nó, bàn bạc về nó, như bất cứ tác phẩm văn chương giá trị nào của kho tàng văn hóa nhân loại. Các nhân vật trong áng văn ấy, đầu tiên là Thiên Chúa, cũng sẽ được phân tích như những nhân vật văn chương, đặc biệt là trên mặt tâm lý. Ðọc giả nào không đồng ý với cách làm việc vừa nói, xin lập tức gạt bỏ bài này sang một bên, tuyệt đối đừng đọc nó, và đón nhận sự cúi chào cung kính của người viết.
ÁNH SÁNG NGUYÊN THUỶ
Trở lại đoạn văn vừa được trích. Nó nói lên một điều đáng ghi nhận : tác giả Sáng Thế Ký bắt đầu câu chuyện ở thời điểm “t cộng 1”, tức là đã có đất, nước, vực thẳm, và... một nhân chứng nào đó, có thể là chính vị tác giả này ( !), để tường thuật “trung trực” lại cho chúng ta mọi tự sự. Trước khi có đất, nước, vực thẳm, có gì, thì không thấy Sáng Thế Ký bàn đến. Cũng không thấy bàn vào chi tiết đất, nước v.v... hiện hữu do đâu, có phải do Chúa dựng nên hay không ? Câu chuyện chỉ bắt đầu từ lúc “t cộng 1” :
“Chúa nói : ánh sáng hãy hiện hữu ! Và ánh sáng hiện hữu.” Ánh sáng là “tạo vật” đầu tiên của Chúa, không kể những thứ đã có sẵn vừa bàn ở trên. Trong bài này, tôi muốn chia sẻ với bạn đọc những suy nghĩ của tôi như một người Việt Nam, với tâm lý và kiến thức thông thường của một người Ðông Á và một người Việt Nam, về áng văn Sáng Thế Ký. Bàn về ánh sáng, người Ðông Á và Việt Nam tôi không khỏi liên tưởng đến ánh sáng được nói đến trong Tử Thư. Người chết trở về với Chân Như, là làm một cuộc hành trình ngược về nguồn gốc của mình, của mọi con người, của mọi sinh vật, của mọi sự vật. Phải chăng cuộc hành trình ấy đưa về “điểm khởi thủy,” cái thời điểm “t cộng 1” vừa nói ? Và người chết thấy gì ? Tử Thư nói : thấy “ánh sáng,” ánh sáng nền tảng, màu trắng, của Ðại Nhật Như Lai (Vairocana). Vị Phật của Chân Không này là khởi điểm của tất cả, bản thể của tất cả, từ đó mà thị hiện thành vạn pháp. Sáng Thế Ký cũng đặt ánh sáng ở điểm khởi thủy của sự tác thành vạn vật. Trong Tử Thư, nếu người chết thấy “ánh sáng nguyên thủy” mà nhận ra rằng mình không thực có, mà chỉ là sự thị hiện của ánh sáng ấy, thì liền hòa nhập với Ðức Ðại Nhật Như Lai (Chân Không), và được giải thoát. Trong các kinh nghiệm “gần chết sống lại” (near death experience), người ta cũng thường ghi nhận việc nhìn thấy một ánh sáng. Trong truyền thống Ky Tô Giáo, thì người ta nguyện người chết được đặt trong ánh sáng, như trong đoạn kinh Requiem Aeternam, phỏng theo Esdras, tôi dịch thoát như sau :
Trong giấc ngủ muôn đời
Xin dang tay đón người
Ðặt người trong Ánh Sáng
Nguồn sáng của Bầu Trời
Ðược chan hòa Ánh Sáng, người chết trở về điểm khởi thủy, nơi chỉ còn Thiên Chúa, để qua Ánh Sáng ấy, trực diện với Ngài, và (hy vọng) nhận biết Ngài, để được giải thoát. Trực diện với Thiên Chúa! Sự chết quả thực là một kinh nghiệm lý thú (và có lẽ càng lý thú hơn nữa nếu đó là kinh nghiệm của... người khác!)
Tôi có từng đọc Nguyễn Kết trong tạp chí Thế Kỷ 21 đã nhiều năm trước, cho rằng nếu bạn leo được lên một hạt quang tử (photon), và di chuyển với tốc độ của ánh sáng, thì bạn sẽ không còn thấy thời gian trôi nữa, không còn quá khứ, vị lai, mà chỉ còn hiện tại, giây lát, lúc nào cũng là lúc này. Bạn sẽ thấy Big Bang và tận thế cùng lúc, Ðức Phật đản sanh và nước Pháp thắng giải túc cầu thế giới 2006 trong một khoảnh khắc duy nhất! Bạn cũng sẽ được trực diện với Thiên Chúa, ít nhất là ở lúc Ngài tuyên bố: “Yhi ‘or ! - Ánh Sáng hãy hiện hữu!”
TIẾNG NÓI NỘI TÂM VÀ SỰ HÌNH THÀNH Ý THỨC:
Tuy nhiên, điều tôi thắc mắc là, vào thời điểm ấy, Thiên Chúa tuyên bố với ai? Suốt tiến trình tạo thành vạn vật Thiên Chúa luôn nói. Nhưng ai là người nghe Ngài nói? Vị Thần, vị Chúa nào khác? Xin nhấn mạnh là chữ “Elohim” được dùng để chỉ Thiên Chúa trong đoạn văn này là một chữ mang số nhiều (có thể dịch là “những Thiên Chúa”)!
Hay Thiên Chúa tự nói với mình? Trần Ðức Thảo gọi đó là “tiếng nói bên trong”, và coi tiếng nói bên trong ấy chính là nguồn gốc của sự hình thành ý thức. Phải chăng cùng lúc với việc tác tạo vạn vật, Thiên Chúa cũng xây dựng ý thức của chính mình, như một đứa trẻ khám phá mọi sự vật chung quanh, đầu tiên là ánh sáng, và bắt đầu ý thức về chúng? Nhà Phật cho rằng: vạn pháp đều từ tâm mà sinh ra, và do ý thức mà được nhận biết. Làm im được “tiếng nói bên trong,” đạt đến chân thường vô niệm, thì vạn pháp diệt, tâm trở thành trong sáng vì không còn gì trong đó, và trở về trạng thái nguyên thủy, “bản lai chân diện mục.” Trên quan điểm mọi sự (vạn pháp) đều từ Tâm mà sanh ra, thì trở về với trạng thái nguyên thủy như thế, cũng tương đương với trở về giây lát trước điểm khởi đầu của Sáng Thế Ký, lúc mà chỉ có một sự hiện hữu duy nhất, là Thiên Chúa.
VẠN PHÁP “RẤT TỐT”!
Cùng với ánh sáng, Thiên Chúa cũng đã phát minh ra thời gian. Ngài phân chia ánh sáng với tăm tối và định ra “ngày” và “đêm.” Từ đó, tiến trình sáng tạo diễn ra “trong” thời gian, với những “ngày.” Mỗi ngày Thiên Chúa tạo nên một số sự vật, và tuyên bố: “điều ấy tốt.” Như thế Thiên Chúa cũng đồng thời tạo ra sự “tốt xấu,” cùng với suy luận chủ quan.
Ðiều cần chú ý là: tạo vật được Thiên Chúa dựng nên được so sánh với cái gì để được gọi là “tốt” ? Phải chăng đã có những kinh nghiệm sáng tạo khác, những thế giới khác đã được tạo nên nhưng “không được tốt lắm”? Bạn nên lập tức bỏ bài viết này xuống, và đi xem ngay bộ phim “Matrix” nếu chưa xem. Trong bộ phim này, nhân vật Thiên Chúa (Ðại Kiến Trúc Sư) cho biết đã sáng chế ra năm hay sáu thế giới chi đó, nhưng chúng đều không “chạy” tốt. Cái thế giới mà chúng ta “sống” trong phim có vẻ chạy tốt, cho đến khi có vài trục trặc như được chứng kiến trên màn ảnh. Thiên Chúa trong Matrix là một thảo trình điện toán, thế giới cũng như vạn vật được ý thức, cũng đều là những thảo trình hiện hữu song song với một thực tại hoàn toàn độc lập...
Ðến đoạn này của Sáng Thế Ký, chúng ta bước vào một thế giới nhị nguyên, với đầy đủ gia vị của nó: chủ thể, khách thể, thời gian tức quá khứ, vị lai, tốt xấu, đêm ngày, trên dưới, v.v... và mọi sự vật. Một niệm khởi lên là vạn pháp tạo thành! Chi tiết sự hình thành “vạn pháp” không quan trọng. Ðại khái Thiên Chúa dựng nên trời ở giữa nước và phân ra nước trên và nước dưới, rồi gom nước dưới thành đại dương với phần còn lại là đất, rồi dựng nên cây cỏ hoa trái, sau đó gắn những ngọn đèn trên bầu trời (tức mặt trời, mặt trăng và các vì sao) để phân ngày và đêm (ở đây có sự lập lại và mâu thuẫn với sự phân định ngày đêm ở đoạn tạo thành ánh sáng), làm mốc thời gian cho năm tháng, và cả cho ngày lễ. Thiên Chúa, như mọi công nhân “lao động tốt,” đã quan tâm đến ngày nghỉ lễ! Sau đó Thiên Chúa tạo ra những loài vật sống dưới nước, rồi loài chim, rồi mới tới các loài vật sống trên đất, và cuối cùng là... loài người. Tiến trình tạo thành vạn vật như thế tùy thuộc ý thức về vũ trụ và sự vật mà tác giả Sáng Thế Ký gán cho nhân vật Thiên Chúa của mình. Người ta nghĩ Sáng Thế Ký được viết ra chung quanh giai đoạn người Do Thái bị lưu đày ở Babylone, năm tới sáu thế kỷ trước Công nguyên. Ý thức về vạn vật, về vũ trụ, của thời ấy như thế, chúng ta chấp nhận như thế. Nó có những điểm không chính xác, như ý thức của chính chúng ta, ngày nay, về vũ trụ và sự vật, chắc chắn cũng vấp phải nhiều sai lầm thiếu sót.
CHÚA CÓ BIẾT MỆT HAY KHÔNG?
Ðọc đến Gen 1:26 (Sáng Thế Ký chương 1 câu 26) chúng ta chứng kiến sự tạo thành con người. Con người được tác tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, gồm nam và nữ, với sứ mạng rõ rệt là ngự trị trên vạn vật. Không thấy nói các loài vật được dựng nên với giống đực và giống cái. Mặt khác, nếu loài người, nam và nữ, được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa là nam hay nữ? có lẽ cả hai? Giả sử Thiên Chúa có vừa nam vừa nữ thì phải công nhận rằng nữ tính trong Thiên Chúa đã hoàn toàn bị khoả lấp, đè bẹp trong suốt Thánh Kinh.
Liền sau đó, Thiên Chúa tính tới một vấn đề quan trọng: Ăn! Ngài chỉ định cho mọi loài động vật sống trên đất, các loài chim và con người, được quyền ăn mọi loài rau quả. Không thấy nói đến thực phẩm của các loài vật sống dưới nước. Quyền ăn thịt cũng chưa được công bố. Hết chương một.
Chương 2 của Sáng Thế Ký nói rằng: đến ngày thứ bảy, mọi sự đã được tạo thành, Thiên Chúa cho rằng những điều ấy “rất” tốt (những đoạn trước Ngài chỉ nói “tốt”), và Ngài “ngừng làm việc” (theo bản TOB: traduction Scuménique de la Bible), hay Ngài “nghỉ ngơi” (nhiều bản khác). Từ đó đưa đến truyền thống nghỉ ngày Chủ Nhật, hay ngày Shabbat. Sự kiện Thiên Chúa nghỉ ngơi bị các nhà Thần Học Hồi Giáo chỉ trích: nếu có nghỉ là có mệt, vậy Thiên Chúa cũng biết mệt? Biết mệt là sức Ngài có hạn, năng lực cũng như quyền phép của ngài không phải vô biên, điều mà các vị ấy không thể chấp nhận được. Bản dịch TOB, một bản dịch dung hoà giữa nhiều Giáo Hội (Scuménique), tránh chuyện nghỉ mệt, và chỉ nói “ngừng làm việc.” Dù sao chúng ta đã thấy hé lộ ra nơi đây, một chút yếu ớt của Thiên Chúa bên cạnh quyền phép của Ngài.
Ngày thứ bảy... Con số bảy là một con số biểu tượng quan trọng trong văn hoá Ấn Âu, ảnh hưởng vào văn hoá Sémite có lẽ qua cuộc lưu đày của dân Do Thái tại Babylone. Âm giai bảy nốt, ánh sáng bảy màu, bảy « luân xa » của Yoga, sau khi chào đời Ðức Phật đi bảy bước, Hoàng Hậu Maya chết bảy ngày sau khi hạ sanh Ðức Phật, Phật tu khổ hạnh bảy năm, bảy tầng Trời, bảy tầng Ðịa Ngục (Hồi Giáo), Nữ thần Sarasvati (Ấn Giáo) có cây đàn bảy giây, Nữ Thần Ishtar (Babylone) được bao quanh bởi bảy trinh nữ, Ðức Giê Su đứng hàng thứ 77 trong gia phả của Ngài tính từ Adam (Luca 3 :23-38), và một Giê Su khác đứng hàng thứ 49, 7 lần 7, trong cùng gia phả, khi Giê Su hài nhi được đưa vào Ðền Thờ, bà Anna nhận biết Ngài, bà này 84 tuổi, sống với chồng bảy năm rồi đi tu, cuộc đời bà đến 84 tuổi thì coi như sống độc thân... 77 năm! Cũng phải kể Bạch Tuyết và bảy chú lùn, đôi hia bảy dặm và bảy anh em của thằng bé tí hon, thậm chí người Thượng Koho ở vùng Lâm Ðồng hàng năm mừng lễ Lir Bong (1 tháng sau Tết), nhưng bảy năm một lần thì làm một ngày Ðại Lễ, chứng tỏ liên hệ của họ với dòng văn hoá Ấn Âu...
(Còn tiếp)