Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010
Ðối Lập Chính Trị Thời Ðệ Nhất Cộng Hòa: Vụ Thủ Tiêu Ông Tạ Chí Diệp
Trần Đông Phong
Kỳ 3 (Tiếp theo)
Hồi năm 1954 sau chiến dịch Atlante, ông Lương Duy Ủy được Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm cử làm Tỉnh Trưởng Phú Yên rồi vài năm sau đó được cử làm Tỉnh Trưởng Vĩnh Bình tức là tỉnh Trà Vinh ở miền Tây. Chẳng được bao lâu thì Lương Duy UƯy bị dân chúng Vĩnh Bình tố cáo về tội tham những và bị mất chức , tuy nhiên ông lại được Tổng Thống Ngô Ðình Diệm cử làm Tổng Thanh Tra Hành Chánh như cụ Trần Quốc Anh đã nói ở trên.
Vào tháng 11 năm 2005, người viết có hỏi cụ Võ Như Nguyện, một người bạn của ông Nguyễn Văn An từ thời trước năm 1945, một người đã từng ủng hộ ông Ngô Ðình Diệm, đã từng giữ chức tỉnh trưởng Bình Ðịnh vào năm 1955 về chuyện ông Nguyễn Văn An bị giết thì Cụ Võ Như Nguyện, năm nay đã trên 90 tuổi, đã khóc khi nghe nhắc đến người bạn cũ vắn số của cụ. Cụ cho biết là ông Nguyễn Văn An coi ông Ngô Ðình Cẩn chẳng ra gì, khinh thường ông Cẩn ra mặt, tuy nhiên cụ nói rằng cụ cũng chỉ có nghe đồn là ông An bị ông Cẩn ra lệnh giết như vậy mà thôi. Cụ Võ Như Nguyện cũng bày tỏ cảm tình và sự kính phục đối với cụ Tạ Chương Phùng vì cụ Tạ Chương Phùng có rất nhiều uy tín tại Bình Ðịnh, nơi mà cụ Võ Như Nguyện có một thời gian làm tỉnh trưởng vào năm 1955.
Không rõ có một sự liên hệ nào hay không giữa cái chết của ông Nguyễn Văn An với sự liên lạc giữa cụ Tạ Chương Phùng với Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm, tuy nhiên sau khi ông Nguyễn Văn An bị giết thì chỉ một vài tháng sau, vào đầu năm 1955 thì cụ Tạ Chương Phùng không còn ủng hộ ông Ngô Ðình Diệm nữa.
Năm 1965, khi Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ thành lập Hội Ðồng Dân Tộc Cách Mạng quy tụ trên 10 đoàn thể chính trị do cụ Chữ làm Chủ Tịch, ông Phan Bá Cầm làm Tổng Thư Ký, ông Thái Thủy làm Phó Tổng Thư Ký thì cụ Tạ Chương Phùng nhận lời làm Cố vấn vì Bác sĩ Chữ là đồng chí của Cụ trong Phong Trào Cường Ðể mà ông Ngô Ðình Diệm làm lãnh tụ thời đầu thập niên 1940. Cụ vẫn giữ liên lạc với người bạn tù của cụ thời Ðệ Nhất Cộng Hòa là cụ Phan Khắc Sửu, cựu Quốc Trưởng Việt Nam Cộng Hòa từ tháng 10 năm 1964 cho đến tháng 6 năm 1965, tuy nhiên không tham gia vào một đoàn thể chính trị nào sau khi Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ từ trần vào tháng 12 năm 1967.
Cụ Tạ Chương Phùng cũng là bạn của cụ Trần Văn Hương, dưới thời Ðệ Nhị Cộng Hòa giữ các chức vụ Thủ tướng, Phó Tổng Thống và Tổng Thống. Trong bài thơ “Lao Trung Lãnh Vận,” có ghi là làm vào ngày 17 tháng 11 năm 1960 tức là sáu ngày sau khi bị chính quyền của ông Ngô Ðình Diệm bắt vào Tổng Nha Công an sau vụ đảo chánh ngày 11-11-1960, cụ Trần Văn Hương có câu:
“Ðòi vợ, ngầy: ông Cử,
Làm thơ, diễu: bác Ðồ.
Các anh còn ở ngoãi,
Ðợi quái gì chưa vô?”
Trong phần chú thích về ông Cử, cụ viết: “Ông Cử Tạ Chương Phùng tuy tuổi đã cao, song còn vui tánh, hay nói giỡn cho anh em đỡ buồn, thường than phiền rằng: cảnh trong lao không đến kham khổ, chỉ thiếu ‘ma femme’ là đáng buồn thôi.” (Bà Cử thất lộc đã lâu.) 14
Trong bài thơ kế tiếp cũng ghi là làm vào ngày 17 tháng 11 năm 1960, cụ Hương nói rằng: “Ông Cử cũng thường diễu rằng: trong ‘tứ khoái’ mặc dầu có ba được đầy đủ song còn thiếu một cũng bực lắm thôi! Vì thế nên sẵn dịp tôi đọc luôn bài thơ sau đây, làm rồi trước bài trên một chút:
“Suốt ngày ăn ngủ, ngủ rồi ăn,
Chưa thấy chuyện gì, chuyện khó khăn.
Nằm khểnh sờ môi: râu tủa tủa,
Ngồi rù gãi háng: dái lăn tăn...”15
Giáo sư Tạ Chí Ðại Trường cho biết thêm cụ Trần Văn Hương sau này vẫn giúp đỡ cho Cụ Tạ Chương Phùng và vẫn còn giữ liên lạc sau năm 1975:
“Chẳng biết Ba tôi quen ông (Trần Văn Hương) hồi nào. Có lẽ với tính cách nhân sĩ mà đậm hơn có lẽ bởi tình đồng-tù ở Tổng Nha Cảnh Sát sau vụ đảo chánh năm 1960. Ông có bài thơ sau này báo chí hay nhắc đến câu “Ngồi rù gãi háng, dái lăng tăng...” trong đó lời đề từ có nhắc đến tên Ba tôi, người gợi hứng.
“Chuyện văn học nghệ thuật cũng có chỗ hợp nhau: hai ông cùng nói chuyện hát bội. Ba tôi ở quê nhà từng đóng vai Hoàng Phi Hổ (Phong Thần,) Tào Tháo, Tạ Ôn Ðình và tất nhiên có quen ông Ðào Tấn. Ông Hương có cho Ba tôi một số bản tuồng hát bội đã in rồi cũng có (Kim Thạch Kỳ Duyên của Bùi Hữu Nghĩa,) thứ còn trong trang đánh máy cũng có.
“Ðiều đáng ghi riêng biệt là ông có giúp đỡ vật chất cho ông bạn già lỡ thời, thất thế. Ðầu năm 1981, ông còn nhờ người chị đến nhà hỏi: “Ông Cụ mạnh giỏi không, sao lâu quá không lại chơi?” Ông già ung thư đó đúng là ‘gân,’ sống dai quá. Ông không biết rằng ‘ông cụ’ không có thời giờ đến thăm ông vì đã mất từ năm 1977 rồi...” 16
Cụ Tạ Chương Phùng từ trần tại Sài Gòn vào năm 1977. Con cháu của Cụ hiện có rất nhiều người đang sinh sống tại Hoa Kỳ. Con trai của cụ, Giáo sư Tạ Chí Ðại Trường, là cựu Ðại Úy trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng đã được sang định cư tại Hoa Kỳ sau một thời gian bị tù “cải tạo.” Ông cũng là một nhà văn, một nhà biên khảo về sử học đã từng xuất bản bảy cuốn sách và riêng cuốn “Lịch Sử Nội Chiến Ở Việt Nam (1771-1802)” đã được Giải Thưởng Văn Học Toàn Quốc vào năm 1973. Hiện nay cuốn sách này đang “được trưng bày” tại “Viện Bảo Tàng Tội Ác Mỹ-Ngụy “ ở Sài Gòn. Không hiểu cuốn sách này đã phạm vào “tội ác” gì đối với Cộng sản vì chủ nghĩa Cộng sản chưa hề xuất hiện trong khoảng thời gian từ 1771 đến 1802 là năm Vua Gia Long thống nhất nước Việt Nam.
Tạ Chí Diệp: Người ủng hộ ông Diệm từ trước năm 1954
Trong một bài báo khác nhan đề “Ông Ngô Ðình Diệm Dưới Nhãn Quan Của Tinh Thần Nho Học,” Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng đã có trích một đoạn trong thư của ông Ðoàn Văn Thái đề ngày 25-4-1999 như sau: “Mỗi lần ra Huế, ông Ngô Ðình Nhu đều có mời các ông Hà Thúc Ký, Huỳnh Hoà, Phan Khoang, Bùi Xuân Bào, Nguyễn Văn Ðông v.v. đến gặp mặt bàn luận với nhau tại nhà hàng Kim Kê (Coq d’Or) của ông Nguyễn Trân ở đường Lý Thường Kiệt.
“Tôi (Ðoàn Văn Thái) được chỉ định làm Ủy viên Liên lạc giữa Trung Ương (Sài Gòn) và Miền Trung. Mỗi lần vào Sài Gòn tôi đều đến hội kiến và nhận chỉ thị qua ông Ngô Ðình Nhu ở tại số 8 đường Ypres (tòa soạn báo Xã Hội, sau này là đường Ðinh Công Tráng ở Ngã Sáu sài Gòn.) Ðó là một căn nhà ở trong khuôn viên Dưỡng đường St Pierre (của Giám mục Ngô Ðình Thục,) nơi tôi thường gặp các ông Bùi Kiện Tín (Bác sĩ,) Nguyễn Phan Châu (tức Tạ Chí Diệp,) Trần Chánh Thành, Trương Tử An, Ðỗ La Lam v.v.
“... Sau khi Cụ Ngô Ðình Diệm về nước lập nội các (7-7-1954) thì có sự bất đồng trong nội bộ Phong Trào Ðại Ðoàn Kết và Hoà Bình, từ đó phong trào kể như tan vỡ, một số thành viên đã đứng vào thế đối lập với chính quyền.” 17 Như vậy thì trước khi ông Ngô Ðình Diệm làm thủ tướng, ông Tạ Chí Diệp đã là một thành viên trong Phong Trào Ðại Ðoàn Kết và Hoà Bình tích cực ủng hộ và vận động cho ông Diệm về chấp chánh, là người rất gần gũi và thân thiết với ông Ngô Ðình Nhu cho nên mỗi lần vào Sài Gòn ông Ðoàn Văn Thái đều có gặp ông Diệp ở nhà ông Ngô Ðình Nhu , tuy nhiên chỉ ít lâu sau khi ông Diệm lên làm thủ tướng thì một số người trong nhóm nói trên là ông Hà Thúc Ký và Ðoàn Văn Thái bị cầm tùợ Tạ Chí Diệp và Trương Tử An cũng bị tù rồi bị thủ tiêu.
Tạ Chí Diệp còn có bí danh là Nguyễn Phan Châu không phải là con ruột nhưng là cháu của cụ Cử Tạ Chương Phùng, một nhân sĩ và cũng là một nhà cách mạng chống Pháp người tỉnh Bình Ðịnh. Không rõ Tạ Chí Diệp sinh vào năm nào, tuy nhiên theo những người có quen biết với ông thì vào năm 1954 ông chưa đến 30 tuổi, vì thế mà ông Nguyễn Trân đã nói rằng “àChâu chưa đầy 30 tuổi, biết gì mà nói với Thủ Tướng Diệmà?” Như vậy thì có lẽ ông Tạ Chí Diệp ra đời vào khoảng cuối thập niên 1920.
Người viết được may mắn có cơ hội được tiếp xúc với Giáo Sư Tạ Chí Ðại Trường, con trai của cụ Tạ Chương Phùng hiện đang sống tại thành phố Westminster, tiểu bang California và đã được ông cho biết thêm một vài chi tiết về ông Tạ Chí Diệp.
Thân phụ của Tạ Chí Diệp là anh ruột của cụ Tạ Chương Phùng, một vị tú tài Hán học nhưng đã qua đời khi Tạ Chí Diệp mới được một tuổi, cho nên Tạ Chí Diệp được ông bà nội và cụ Tạ Chương Phùng nuôi dưỡng cho đến tuổi trưởng thành, do đó tuy là cháu nhưng ông được cụ Tạ Chương Phùng coi như là con ruột. Ông theo học trường Collège de Quy Nhơn rồi sau đó ra Huế tiếp tục theo học bậc đệ nhị cấp và rất gần gũi với cụ Huỳnh Thúc Kháng vốn là bạn của cụ Tạ Chương Phùng. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, ông ra Hà Nội cùng với một người bạn thân là ông Trương Tử An, em trai của ông Trương Tử Anh, lãnh tụ Ðảng Ðại Việt. Tại Hà Nội, ông sống một thời gian với học giả Ðào Duy Anh và trở về Quy Nhơn vào cuối tháng 12 năm 1946. Giáo sư Tạ Chí Ðại Trường cho biết rằng ông Tạ Chí Diệp từ Hà Nội về Quy Nhơn trên chuyến xe lửa cuối cùng trước khi đường hỏa xa bị gián đoạn sau ngày Toàn Quốc Kháng chiến 19 tháng 12 năm 1946. Ông cho biết thêm rằng ông Tạ Chí Diệp mang về một va-li rất nặng đựng đầy sách và tài liệu về Karl Marx và chủ nghĩa Cộng sản do nhóm Ðào Duy Anh xuất bản tại Hà Nội. Có lẽ nhờ những tài liệu này mà Tạ Chí Diệp hiểu rõ về chủ nghĩa Mác-xít và trở thành một người có tinh thần chống Cộng quyết liệt sau này.
Trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Tạ Chí Diệp tham gia kháng chiến trong vùng Liên Khu 5 và được giao cho chức vụ chỉ huy một trung đội Xung Phong Tuyên Truyền của Việt Minh. Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau đó thì ông rời bỏ hàng ngũ Việt Minh trở về sống với gia đình ở làng Vân Hội, phủ Tuy Phước tỉnh Bình Ðịnh. Vào khoảng năm 1947, ông dạy học tại trường Quang Thùy ở phủ Tuy Phước do ông Nguyễn Hữu Lộc làm hiệu trưởng. Trong thời gian này, ông đã gia nhập Mặt Trận Quốc Dân Bài Cộng do thúc phụ của ông là cụ Tạ Chương Phùng và ông Nguyễn Hữu Lộc lãnh đạo. Sau khi ông Nguyễn Hữu Lộc bị Việt Minh xử tử và cụ Tạ Chương Phùng trốn được sang vùng Quốc Gia, Tạ Chí Diệp bị Việt Minh cầm tù. Những người đồng chí của ông như là Ðoàn Ðức Thoan, Võ Minh Vinh v.v. ít lâu sau cũng bị Việt Minh xử tử. (Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, tại Quy Nhơn có những con đường được mang tên Nguyễn Hữu Lộc, Ðoàn Ðức Thoan, Võ Minh Vinh để vinh danh những vị chiến sĩ chống Cộng sản này.) Theo cụ Ðoàn Văn Thái thì vào đầu thập niên 1950, vùng Liên Khu 5 bị nạn đói trầm trọng do đó Việt Minh đã phóng thích một số tù nhân để khỏi nuôi ăn và Tạ Chí Diệp đã được trả tự do trong giai đoạn này. Sau đó ông cùng với người bạn là ông Trương Tử An tìm cách trốn về vùng Quốc Gia sống với cụ Tạ Chương Phùng ở Nha Trang và làm nghề dạy học để sinh sống. Ông đã lấy bí danh là Nguyễn Phan Châu để hoạt động chính trị trong giai đoạn này.
Khi cụ Tạ Chương Phùng nhận chức Tỉnh Trưởng Bình Ðịnh vào tháng 3 năm 1954 thì Tạ Chí Diệp theo cụ làm chánh văn phòng của tỉnh trưởng. Ông cũng là người phụ trách về chính trị và tuyên truyền trong chiến dịch Atlante nhằm giải phóng miền nam tỉnh Quảng Nam và các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Ðịnh và Phú Yên do Việt Minh kiểm soát từ năm 1946. Do sự giới thiệu của cụ Tạ Chương Phùng, Tạ Chí Diệp vẫn thường đến hội họp với ông Ngô Ðình Nhu ở Sài Gòn và ông Ngô Ðình Cẩn ở Huế để vận động cho việc đòi hỏi đưa ông Ngô Ðình Diệm về nước chấp chánh.
Sau khi ông Ngô Ðình Diệm trở thành Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 23 tháng 10 năm 1955, trong thời gian trước khi bị tù rồi bị thủ tiêu, ông Tạ Chí Diệp làm giáo sư dạy môn Việt Văn tại các trường Trung Học Lê Văn Trung ở Tây Ninh, Trường Trung Học Tân An, Trường Trung học Phan Sào Nam và một số trường tư thục ở Sài Gòn. Ông bị bắt trên đường về dạy học tại Tân An và sau khi ông bị mất tích thì thân nhân tìm được chiếc xe gắn máy cũ kỹ của ông nằm chơ vơ cạnh một khu sình lầy ở phía Nam Sài Gòn. Ðó là di tích cuối cùng của Tạ Chí Diệp theo lời của cựu Ðại sứ Bùi Diễm.
Tạ Chí Diệp có liên hệ rất mật thiết với ông Trương Tử An, em trai của ông Trương Tử Anh, lãnh tụ đảng Ðại Việt và ông Bùi Diễm, cũng là một đảng viên Ðại Việt do đó mà có nhiều người nghĩ rằng ông Diệp cũng là đảng viên đảng Ðại Việt. Người viết có hỏi cụ Ðoàn Văn Thái, một đảng viên Ðại Việt rất thân cận với ông Hà Thúc Ký về vấn đề này thì cụ Ðoàn VănThái khẳng định rằng tuy ông Tạ Chí Diệp có nhiều liên lạc thân hữu với nhiều đảng viên Ðại Việt, nhất là với ông Trương Tử An, tuy nhiên ông không phải là đảng viên của đoàn thể chính trị này.
Không có ai biết đến tung tích của ông Tạ Chí Diệp trong thời gian bị tù lần thứ hai trước khi bị thủ tiêu, tuy nhiên Cụ Ðoàn Văn Thái có cho biết rằng “sau ngày đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963, sau khi đưa anh Hà Thúc Ký từ Nhà thương Chợ Quán về nhà ngày 3 tháng 11 năm 1963 thì chúng tôi mới biết trước đó các ông Vũ Tam Anh Nguyễn Ngọc Nhẫn, Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn Phan Châu Tạ Chí Diệp, Trương Tử An cũng đều bị đưa vào tại phòng giam ‘tâm thần’ ở bệnh viện Chợ Quán, rồi sau đó mất tích...” 18
(Còn tiếp)
14 Trần Văn Hương: “Lao Trung Lãnh Vận,” Sài Gòn, 1964, trang 4.
15 Trần Văn Hương: Sđd, trang 5.
16 Tạ Chí Đại Trường: “Một Khoảnh Việt Nam Cộng Hòa Nối Dài,” Thanh Văn, California, 1993, trang 16.
17 G.S. Nguyễn Lý Tưởng: “Ông Ngô Đình Diệm Dưới Nhãn Quan Của Tinh Thần Nho Học,” Nhật Báo Người Việt, ngày Thứ Bảy 23-8-2003.
18 Thư của Cụ Đoàn VănThái ngày 17 tháng 11 năm 2005.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét