Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010
Cao Xuân Huy mùa thu gẫy cánh
Thụy Khuê
Cao Xuân Huy có người cha đi kháng chiến, để lại vợ con trong thành. Rồi, 1954, ông ngoại bị đấu tố, người cậu cấp bách đem cháu, 7 tuổi, vào Nam. Mẹ ở lại Hà Nội đợi bố. Về, nhưng người cha kháng chiến, gốc tư sản, địa chủ, không thể "can thiệp" cho người mẹ khỏi diện "tự lực cánh sinh" (như đi "kinh tế mới"). Rồi họ chia nhau con cái: mẹ để lại con gái cho bố, vào Nam với con trai. Xa cách, mỗi người lập một gia đình khác, có các con khác. Huy được cậu và bà ngoại nuôi. Như một định mệnh, chuyện nhà Huy trùng hợp với chuyện đất nước, với truyền thuyết Sơn tinh Thủy tinh, với bao gia đình thời chia đôi Nam-Bắc.
Ở Bắc: Người cha làm báo Sáng Tạo
Người cha ở Bắc tham gia Nhân văn Giai phẩm. Thực ra, ông không ở trong Nhân Văn Giai Phẩm, mà ở nhóm Điện ảnh kịch trường, hồi ấy có hai nhóm: Thụy An-Phan Tại và Trần Thịnh-Trần Công. Cao Nhị, cha Huy, trong nhóm thứ nhì.
Họ chủ trương thành lập một hội điện ảnh độc lập. Đả phá phim tuyên truyền của Liên Xô. Đổi mới kịch nghệ và điện ảnh theo đường lối Tân hiện thực Ý, Nhật và đề cao phim Anh, Mỹ. Thụy An, Trần Công, Cao Nhị, Nắng Mai Hồng, Vũ Phạm Từ, Kỳ Nam... viết những bài giới thiệu, phê bình điện ảnh, hoặc tổ chức chiếu lại những phim hay, những kiệt tác tân hiện thực như Miếng cơm cay đắng (Riz amer), Chiếc xe đạp (La bicyclette) của Ý, Rashomon, Những đứa trẻ Hiroshima, Anh gắng nuôi con của Nhật, Hamlet của Anh, v.v...
Người ta thường nhắc đến Nhân Văn và Giai Phẩm, nhưng không mấy ai biết đến Sáng Tạo .
Sáng Tạo do Trần Thịnh chủ nhiệm, Cao Nhị thư ký toà soạn. 5/11/1956, Sáng Tạo ra đời, hai hôm trước ngày khai mạc Liên hoan phim Liên Xô.
"Tội trạng" của Sáng Tạo được nêu rõ như sau:
"Nửa tháng "Liên hoan phim Liên Xô" khai mạc vào ngày 7-11-56, thì đúng ngày 5-11-56, Giai phẩm mùa thu tập III xuất bản, trong đó có đăng bài "Chúng ta gắng nuôi con", hoạt cảnh của Chu Ngọc, đả kích không tiếc lời vào phim Liên Xô. Cùng ngày 5-11-56, báo Sáng Tạo ra số đầu, đã lộ ngay ý định xấu đối với phim Liên Xô.
Ngày 20/11/56, báo Nhân Văn số 5 lại đăng bài "Mấy bộ phim dở" của Cao Nhị. Cùng ngày ấy báo Sáng Tạo ra số 2, càng đả kích sống sượng hơn nữa vào các phim Liên Xô đang chiếu. (...)
Những bài như trên phải được đặt bên cạnh bao nhiêu bài khác của Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Lê Đạt, Trần Dần, v.v… đang nhan nhản lúc bấy giờ ở các số Nhân văn, Giai phẩm thì mới thấy đầy đủ tính chất nguy hiểm của nó"
Cao Nhị, trong bài tự kiểm thảo, cũng "nhận tội":
"Tôi nhận làm thư ký toà soạn báo Sáng Tạo, tờ báo chuyên đả kích phim ảnh Liên Xô và đả kích lãnh đạo trên mặt sân khấu và điện ảnh. Sáng Tạo chỉ ra được hai số rồi chết. Thế nhưng hai số đó cũng gây ra một số tác hại đáng kể với những bài của Trần Công, Nắng Mai Hồng, Phan Vũ, Vũ Phạm Từ, Kỳ Nam, v v ... "
Trong bài kiểm thảo này, Cao Nhị xác nhận trách nhiệm lựa chọn bài vở, viết những bài trên Sáng Tạo và trên các báo Cứu Quốc, Hà Nội Hàng Ngày, Độc Lập... phê phán điện ảnh Liên Xô và tổ chức điện ảnh doanh nghiệp của miền Bắc.
Qua bài "Nửa tháng liên hoan phim Liên Xô: Mấy bộ phim dở" của ông đăng trên Nhân Văn số 5, chúng ta có thể thấy cách ông phê bình một số phim Liên Xô, đang chiếu trong Liên hoan như thế nào. Riêng về nội dung phim Ngai vàng sụp đổ, ông viết:
"Anh đi dẹp giặc, chị ở nhà đợi anh, trong cơn binh lửa, chị mắc tai ương; nhưng đến khi giặc tan, anh chị lại gặp nhau, gia đình đoàn tụ, vui vẻ cả. Nhưng ác một điều, câu chuyện tình đó đã lồng vào nhiều câu chuyện khác: âm mưu thắng đế quốc, dũng khí của nhân dân, tài đánh nhau của bộ đội, lại cả bộ mặt nham hiểm gớm ghiếc thằng địa chủ đi ăn cướp ái tình. Người xem rất kêu về cái đoạn kết dựng lên cái ngai vua rồi đạp nó gục xuống, tượng trưng cho ngai vàng sụp đổ. Nhưng tôi không nói tới diễn xuất hay những màn bố trí giả tạo. Điều quan trọng hơn, là công chúng xem phim rất không hài lòng về cái lối xây dựng phim, xây dựng con người rất vá víu, chắp nối ấy, nó không tài nào đi sâu và thể hiện được đúng hình dáng con người thật. Kinh nghiệm trong các tác phẩm văn nghệ Việt Nam mấy năm nay, kịch hay chuyện nói đến một trăm thứ và đều đá thêm một tí tình cho nó có “yêu đương”. Đó là lối xây dựng công thức không thế làm thoả mãn người xem."
Và đến phim Hai sĩ quan, Cao Nhị cho rằng: "Tịnh không bắt gặp con người thực, một anh đại úy có thực (...) Mặc dầu báo điện ảnh Liên Xô khen: “Hai sĩ quan nói lên một cuộc tình son sắt và dũng cảm…”, tôi chỉ thấy tình yêu đó là giả tạo, vì lẽ giản dị cặp tình nhân đó phải lao vào nhiều tình huống ly kỳ, lằng nhằng, nghĩa là cũng giả tạo nốt. (...)
... mấy bộ phim Liên Xô khác được hoan nghênh trong năm nay như Nữ tài tử dạy hổ hoặc Người yêu phương xa thì thực chất nó như thế nào? Con người trong phim rất nhạt, tình yêu lại càng nhạt hơn. Và cái lối xây dựng chủ đề tình yêu nhẹ nhàng, công thức gán ghép gợi cười cho người xem bằng những trò hiểu lầm nghộ nghĩnh không thể đáp ứng được với những đòi hỏi của người xem có suy nghĩ (...)
Tôi đơn cử ra hai bộ phim Ngai vàng sụp đổ và Hai sĩ quan, không phải để phân tích sâu xa vì nó dở quá, không biểu hiện được gì, ý tôi muốn để chúng ta cùng rút kinh nghiệm trong việc làm kịch bản phim hiện nay".
Với những dòng "phạm thượng" như thế, người cha, sau Nhân Văn, bị cấm sáng tác, nhưng vẫn làm thơ chui, cho mình. Bà chị là người duy nhất thuộc hết thơ em. Khi Huy về thăm cha tại Hà Nội, năm 2002, định in một tập thơ cho bố, nhưng bà bác đã mất vài năm trước rồi.
Trong Nam: Người con đi lính và đi tù.
Nhắc lại lời người cha phê bình những tác phẩm điện ảnh của Liên Xô năm 1956 ở miền Bắc, để thấy cái gan Cao Nhị trong bối cảnh toàn trị thời ấy và cũng để hiểu cái gan của người con trong một bối cảnh khác, xung vào Thủy quân lục chiến, một binh chủng dữ dội của miền Nam: hai bối cảnh, cùng một dòng máu, cùng một lá gan.
Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1978, người cha Sáng tạo-Nhân văn tìm đến thăm con ở trại cải tạo Thanh Hoá, nhưng không được vào, lại lặn lội trở về, cái ba lô thăm nuôi con cũng không nhận được.
Năm 1979, hai cha con gặp nhau lần đầu tại trại Bình Điền, Huế. Bố nói: "Mày ăn thịt gà đi, thịt gà này chú Phùng Quán làm cho mày đấy". Người con cảm động tưởng mình có họ với chú Phùng Quán, tác giả những câu thơ mà anh đã thuộc lòng từ nhỏ: "Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét; Dù ai cầm dao dọa giết, cũng không nói ghét thành yêu". Bố hỏi: "Mày ghét Cộng sản lắm hay sao mà đi cái thứ lính ác ôn này?". Con nói: "Ghét thì con không ghét, có thù oán gì đâu, nhưng gặp đâu thì bắn đó". "Thế mày bắn cả bố mày à?"...
Đó là câu chuyện giữa hai cha con năm 1979 mà Cao Xuân Huy thuật lại cho Trần Văn Thủy một đêm họp bạn ở Cali. Sau câu hỏi là những chấm chấm. Hình như con không trả lời. Hình như "bố con nói với nhau vài câu chẳng ra làm sao cả".
Không có trả lời nào cho một câu hỏi như thế. Không có câu hỏi nào, cho một đất nước như thế. Người bố gọi cái thứ lính mà con đi ấy là lính ác ôn. Lính thủy quân lục chiến ngoài Bắc gọi là lính thủy đánh bộ.
Nhưng người cha đã biết gì về thứ lính ác ôn này? Bao nhiêu người ở Bắc đã biết gì về thứ lính thủy đánh bộ này, ngoài hai chữ ác ôn? Bao nhiêu người trong Nam biết gì về thủy quân lục chiến, trừ hình ảnh: dữ dằn, cảm tử.
Xa nước từ 1962, tôi cũng không biết gì về thủy quân lục chiến. Là người chống chiến tranh, tôi nghĩ ai vào thủy quân lục chiến là người thích đánh nhau, hiếu chiến.
Bởi lúc đó chưa có Tháng ba gẫy súng, chưa ai biết Cao Xuân Huy.
(Còn tiếp)
1. Nhờ bài Đi tìm dấu tích tờ báo Sáng Tạo (Hà Nội, 1956) của Lại Nguyên Ân (công bố trên Talawas ngày 3/2/2010) mà hoạt động của Sáng Tạo được sáng tỏ. Sáng Tạo ra được hai số: Số 1 (5/11/1956) và số 2 (20/11/1956) thì bị đình bản. Hiện nay chưa tìm lại được vết tích 2 số báo này.
2. Trần Đức Hinh, "Tẩy sạch nọc độc của chủ nghĩa xét lại trong việc giới thiệu, phê bình phim ảnh", Điện Ảnh số 14, ngày 1/5/58 (tài liệu Lại Nguyên Ân).
3. Cao Nhị, "Tôi đã mắc nhiều sai lầm nghiêm trọng trong việc giới thiệu phê bình phim ảnh" Điện Ảnh số 15
ra ngày 15/5/1958, (tài liệu Lại Nguyên Ân).
4. Cao Nhị, "Nửa tháng liên hoan phim Liên Xô: Mấy bộ phim dở" Nhân Văn số 5, ra ngày 20/11/1956, tài liệu Talawas.)
5. Cao Xuân Huy nói chuyện với Trần Văn Thủy, Nếu đi hết biển, Thời Văn 2004, trang 62.