Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

MỘT THẾ GIỚI HẬU HOA KỲ (THE POST AMERICAN WORLD)

Tác giả: Fareed Zakaria
Người dịch: Lê Quốc Tuấn

Người Đồng Minh

Kỳ 2 (Tiếp theo)

Từ dưới lên
Ở thời điểm này, bất cứ ai từng đến Ấn độ có lẽ sẽ bị rối trí, "Ấn độ ư ?" quý ông bà ấy có lẽ sẽ phải hỏi, "Với những phi trường xiêu vẹo, đường xá vỡ vụn, các làng quê ổ chuột và cạn kiệt? Có phải quý vị muốn nói đến cái nước Ấn độ ấy?". Vâng nước ấy nữa, đấy chính là Ấn độ. Đất nước này có thể có một số khu vực như vùng Silicon Valley nhưng lại cũng có đến ba nước Nigeria trong đó - nghĩa là hơn 300 triệu người sống với dưới một dollar một ngày. Là chốn ở của 40 phần trăm người nghèo của thế giới và có một dân số đứng hạng nhì thế giới về lượng dân số bị nhiễm HIV. Nhưng dù cho nước Ấn độ nghèo đói và bệnh tật là một nước Ấn độ quen thuộc, bức tranh sống động còn nói nhiều hơn một bức tranh tĩnh vật. Ấn độ đang thay đổi. Nạn nghèo đói rộng lớn vẫn còn đó nhưng sức mạnh của nền kinh tế mới vẫn đang khuấy động lên ở tất cả mọi nơi. Chúng ta có thể cảm thấy được điều này ngay tại những căn nhà ở khu ổ chuột.


Đối với nhiều du khách, Ấn độ trông không được đẹp lắm. Các thương nhân Tây phương đến Ấn độ nghĩ rằng đây sẽ là một Trung Quốc kế tiếp. Đất nước này sẽ không bao giờ như thế. Tăng trưởng của Trung quốc được giám sát bởi một chính phủ có quyền lực. Bắc kinh quyết định rằng đất nước cần các phi cảng mới, các đường cao tốc 8 hàng xe chạy, các khu kỹ nghệ lấp lánh - họ sẽ xây dựng chỉ trong vài tháng. Trung quốc ve vãn đa quốc và cung cấp cho họ tất cả các giấy phép và cơ sở chỉ trong dăm ba ngày. Một CEO Hoa Kỳ nhớ lại cách thức các viên chức Trung quốc đã đưa ông đến một khu xây cất dự định xây một công trình mới (và rất lớn) của ông. Công trình đó ở ngay trung tâm, vị trí rất tốt và thoả mãn được tất cả các yêu cầu của ông - trừ một điều là khu này đã đầy người và các toà nhà sẵn có. Viên CEO trình bày với vị chủ nhà của mình. Viên chức này mỉm cười nói rằng “Đừng lo, trong mười tám tháng tới, tất cả những thứ ấy sẽ không còn ở đây nữa”. Và quả là đã không còn nữa.

Ấn độ không có được một loại chính phủ có khả năng di chuyển được dân chúng vì quyền lợi của người ngoại quốc. Tân Đề Li và Mumbai không có hệ thống hạ tầng cơ sở hào nhoáng như ở Bắc kinh và Thượng Hải, cũng như không một thành phố nào ở Ấn độ có được nền đô thị hoá chặt chẽ như các thành phố của Trung quốc. Khi tôi hỏi ông Vilasrao Deshmukh, bộ trưởng quan trọng một tiểu bang kỹ nghệ hóa nhất của Ấn độ, phải chăng Ấn độ có thể học được điều gì từ kiểu mẫu kế hoạch phát triển đô thị, ông trả lời “Có, nhưng với một số giới hạn. Trung quốc thường đòi hỏi dân chúng phải có giấy tờ chứng minh công ăn việc làm trước khi họ có thể di chuyển đến một thành phố mới. Điều này để đảm bảo họ sẽ không có hàng triệu người ăn ở lụp xụp quanh thành phố để tìm việc làm. Tôi không thể làm như thế. Hiến pháp Ấn độ bảo vệ quyền tự do đi lại. Nếu một ai muốn đến tìm việc làm ở Mumbai, họ được tự do hành động như thế”.

Phát triển của Ấn độ đang diễn ra không phải vì chính phủ mà là từ sự bất chấp đến chính phủ. Đấy không phải là từ trên xuống mà là từ dưới lên - lộn xộn, nháo nhào và phần lớn không có kế hoạch. Các thuận lợi chính của đất nước là khu vực tư nhân thuần túy, đã xây dựng nên các quyền về tài sản và hợp đồng, các tòa án độc lập và luật lệ pháp lý (dù rằng có bị lợi dụng quấy nhiễu). Khu vực tư nhân của Ấn là xương sườn của sự phát triển. Hai mươi năm trước, ở Trung quốc, các công ty tư nhân không hề hiện hữu, còn ở Ấn độ đã từng có cả trăm năm nay. Và bằng cách nào đó, khu vực tư nhân đã vượt qua các chướng ngại, xuyên thủng những rào cản, luồn lách qua các hạ tầng cơ sở xấu - để tạo nên lợi nhuận. Nếu không xuất khẩu được lượng hàng hóa lớn vì phi cảng, hải cảng xấu, họ xuất khẩu dịch vụ và phần mềm, những thứ mà mình có thể chuyển qua đường dây điện tử thay vì đường lộ giao thông. vị CEO tiền nhiệm của Procter &Gamble, Gurcharan Das, đã nói "Kinh tế phát triển vào ban đêm khi chính phủ đi ngủ".

Đặc tính đáng chú ý nhất của Ấn độ ngày nay là vốn nhân lực của mình - một dân số lớn và phát triển về các tài năng thương mại, quản lý và các cá nhân khôn ngoan của thương trường. Con số ấy tăng trưởng trong một số lượng lớn và nhanh chóng hơn là bất cứ ai có thể tưởng tượng đến, một phần bởi vì họ có được cửa ngõ giao tiếp dễ dàng bằng Anh ngữ, ngôn ngữ của nền hiện đại. Anh ngữ, sự thừa hưởng một cách không chủ tâm từ Anh quốc đã chứng tỏ trở nên một kế thừa hết sức có hiệu quả. Nhờ đó, thành phần giao thương và quản lý của Ấn độ được quen biết mật thiết với các khuynh hướng thương mại Tây phương mà không cần đến thông dịch hay các hướng dẫn về văn hóa. Họ đọc về lý thuyết điện toán, quản lý, chiến lược tiếp thị và các phát kiến mới nhất trong khoa học kỹ thuật. Họ giao thiệp toàn cầu hóa một cách nhuần nhuyễn.

Kết quả là một đất nước không giống như các đất nước đang phát triển khác. GDP của Ấn độ bao gồm 50 phần trăm khu vực dịch vụ, 25 phần trăm kỹ nghệ và 25 phần trăm nông nghiệp. Những quốc gia duy nhất có được thành tích này là Hy lạp và Bồ đào Nha - những quốc gia có thu nhập trung bình vượt quá được những giai đoạn đầu của kỹ nghệ hóa lớn và đang đi vào nền kinh tế hậu kỹ nghệ. Ấn độ đang ở phía sau các nước đó về kỹ nghệ và nông nghiệp nhưng lại dẫn đầu họ trong khu vực dịch vụ - một loại kết hợp mà chưa có ai từng dự phóng. Vai trò của giới tiêu thụ trong sự phát triển của Ấn độ từng là một điều ngạc nhiên tương tự. Hầu hết các câu chuyện về sự thành công của Á châu từng do sự lèo lái từ các biện pháp của chính phủ khiến cưỡng ép người dân tiết kiệm, mang lại sự tăng trưởng thông qua tích lũy vốn và các chính sách thân thiện về thị trường. Ở Ấn độ, khách hàng là vua. Giới chuyên viên trẻ tuổi ở Ấn không phải đợi đến cuối đời mình để mà mua nhà bằng tiền tiết kiệm của mình. Họ có thể mượn nợ nhà mà mua. Kỹ nghệ thẻ tín dụng tăng 35 phần trăm một năm. Mức tiêu thụ cá nhân làm nên con số choáng người: 67 phần trăm của GDP ở Ấn độ, cao hơn nhiều so với Trung quốc (42 phần trăm) và các nước Á châu khác. Quốc gia duy nhất trên thế giới có mức tiêu thụ cao hơn là Hoa kỳ, 70 phần trăm.

Dù hạ tầng cơ sở ở Ấn độ đang tiến triển và các nâng cấp, tăng cường đang được thực hiện ở các phi cảng, hải cảng và xa lộ, Ấn độ cũng sẽ không giống như Trung quốc. Dân chủ có thể mang đến những thuận lợi cho phát triển lâu dài nhưng chính phủ chuyên quyền có thể thiết kế và thi hành các dự án hạ tầng cơ sở chính với hiệu quả không so sánh được. Điều này rất hiển nhiên khi so sánh Trung quốc với Ấn độ hay với Anh Quốc. Kiến trúc sư Norman Foster đã chỉ cho tôi thấy là bằng vào thời gian cần đến cho tiến trình xem xét về môi trường cho một toà nhà ở Nhà ga số Năm ở Heathrow, ông có thể xây - từ đầu đến cuối - nguyên cả phi cảng Bắc kinh mới, lớn hơn tất cả 5 nhà ga ở Heathrow gộp lại.

Tuy nhiên ngay cả nếu hạ tầng cơ sở tốt làm vừa lòng các nhà đầu tư và các du khách ngoại quốc đồng thời báo hiệu một đất nước đang dịch chuyển, tác động về kinh tế của chúng có thể bị phóng đại. Khi Trung quốc phát triển ở tốc độ nhanh nhất, trong những năm 1980 và đầu những năm 1990, đất nước này có các đường lộ, cầu cống và phi trường thê thảm - tệ hại hơn là Ấn độ ngày nay. Ngay cả trong các nước đã phát triển, các quốc gia với hạ tầng cơ sở tốt nhất cũng không luôn luôn là thành công. Pháp quốc có hệ thống hỏa xa và giao lộ đứng sau hệ thống kẽo kẹt của Hoa kỳ. Nhưng chính là nhờ nền kinh tế của Hoa kỳ khiến đã xốc lên được trong ba thập niên qua. Một khu vực tư nhân sinh động có thể mang lại một phát triển phi thường ngay cả có phải di chuyển trên các đường lộ xấu.

Một số học giả lập luận rằng lộ trình của Ấn độ đã có những thuận lợi đặc biệt. Yasheng Huang của trường MIT đã vạch ra rằng các công ty Ấn độ xử dụng đồng vốn của mình hiệu quả hơn Trung quốc, một phần là bởi vì họ không thể vươn đến được mức hầu như vô tận của đồng vốn . Họ đã tuân thủ đúng tiêu chuẩn của các chuẩn mực toàn cầu và quản lý vốn tốt hơn Trung quốc. Dù khởi sự cải tổ trễ hơn (và do đó đã trở thành sớm hơn trong chu kỳ phát triển) hơn là Trung quốc, Ấn độ đã sản xuất ra nhiều công ty có hạng trên thế giới, bao gồm Tata, Infosys, Ranbaxy và Reliance. Và các thuận lợi của Ấn độ còn rõ ràng hơn ngay cả với những công ty thấp hơn. Hàng năm, Nhật bản trao các giải thưởng Deming hấp dẫn cho các công ty có sáng kiến về quản lý. Trong năm năm qua, họ đã trao giải này cho Ấn độ thường xuyên hơn là các công ty ở những quốc gia khác kể cả ở Nhật. Khu vực tài chính của Ấn độ trong sạch và hữu hiệu tối thiểu là ngang bằng với các nước ở Á châu (nghĩa là, ngoại trừ Singapore và Hong Kong).

“Các số liệu thống kê không nắm bắt được sự thay đổi trong lãnh vực tinh thần” Uday Kotak, người sáng lập một công ty dịch vụ tài chính rất phát triển, đã nói như thế. “Nước Ấn độ mà tôi từng lớn lên là một quốc gia khác. Những người trẻ tuổi tôi làm việc ở đây rất phấn khởi và tự tin vô cùng về những gì họ có thể làm được ở đây”. Cái giả định cũ “Hàng chế tạo ở Ấn độ” nghĩa là loại hàng thứ cấp thiếu phẩm chất đang biến mất. Các công ty Ấn độ đang mua vốn ở các công ty Tây phương bởi vì họ tin rằng họ có thể làm tốt hơn được trong sự cai quản chúng. Đầu tư của Ấn độ ở Anh quốc trong năm 2006 và 2007 lớn hơn các đầu tư của Anh quốc ở Ấn độ.

Và không phải chỉ có thương mại. Khu vực thành thị Ấn độ đang bùng phát với tất cả nhiệt tình. Các nhà họa kiểu, người cầm bút và giới nghệ sĩ nói về sự bành trướng ảnh hưởng của họ ra toàn cầu. Các tài tử phim ảnh Bollywood phát triển khán giả của mình từ “căn cứ” nửa tỉ người trong nước bằng cách chinh phục giới hâm mộ ở bên ngoài Ấn độ. Những cầu thủ cricket đang tìm cách thay đổi môn chơi để thu hút các đám đông ở hải ngoại. Mọi thứ như thể hàng trăm triệu người bỗng nhiên tìm được các bí quyết để tháo gỡ tiềm năng của mình ra. Như một nhân vật Ấn độ nổi tiếng từng nói :"Khi thời cơ đến, một thời cơ hiếm khi đến trong lịch sử, khi chúng ta bước ra khỏi cái cũ để đi vào cái mới, khi một thời đại chấm dứt và khi thần khí cuả một dân tộc, bị áp bức đã lâu, đã tìm được các bày tỏ".

Những lời nói vốn được một số thế hệ người Ấn từng thuộc nằm lòng, là lời vị thủ tướng đầu tiên của Ấn độ, Jawaharlal Nehru, tuyên bố đúng vào sau nửa đêm ngày 15 tháng Tám năm 1947, khi Anh quốc chuyển giao lại quyền hành cho Quốc Hội Lập Hiến Ấn độ, Nehru đã nói về ngày khai sinh của Ấn độ như một đất nước độc lập. Những gì đang xảy ra hiện nay là ngày sinh của Ấn độ như là một xã hội độc lập - náo nhiệt, rực rỡ màu sắc, rộng mở, đầy sinh lực và hơn tất cả những điều đó là sự sẵn sàng thay đổi. Ấn độ đang tách ra không phải chỉ từ chính quá khứ của mình mà còn từ những con đường của các quốc gia khác ở Á châu. Ấn độ không phải là một quốc gia gần như độc đoán, chặt chẽ, lặng lẽ đang từ từ mở ra theo một kế hoạch. Ấn độ là một nền dân chủ ồn ào cuối cùng đã trao cho dân chúng của mình cái thẩm quyền về kinh tế.

Các báo chí Ấn độ phản ánh chuyển đổi này. Trong nhiều thập niên, các trang báo của họ bị thống lĩnh bởi các tin tức về chính phủ. Thường được viết bằng lối biệt ngữ khó hiểu của những người trong cuộc bí mật (TT ĐỀ NGHỊ MỞ RỘNG CWC Ở CUỘC HỌP AICC), họ tường trình về sự làm việc của chính phủ, các đảng phái chính trị lớn và các bộ phận hành chính. Chỉ một giới nhỏ những người ưu tú hiểu được, mọi người khác làm bộ như mình cũng hiểu. Ngày nay, báo chí Ấn độ đang khởi sắc phát triển - một cây cổ thụ hiếm hoi nở rộ trong ngành báo in - tràn ngập với những câu chuyện về làm ăn, các kỹ thuật mới, kiểu thiết kế thời trang, các trung tâm mua sắm và dĩ nhiên cả Bollywood (mà hiện nay đang sản xuất phim nhiều hơn cả Hollywood). Truyền hình Ấn độ cũng vỡ òa với nhiều kênh phát sóng khác xuất hiện thêm hầu như hàng tháng. Ngay cả trong lãnh vực tin thương mại, con số và sự đa dạng thật là diệu kỳ. Vào năm 2006, Ấn độ đã có đến gần hai mươi kênh phát tin tức thuần túy.

Đấy không phải chỉ là sự hào nhoáng nhất thời. Hãy xem phản ứng của Ấn độ đối với cơn sóng thần năm 2005. Trong quá khứ, đáng để lưu ý rằng phản ứng duy nhất của phía Ấn độ là từ chính phủ, vốn chỉ tham dự chút ít không ngoài sự phối hợp với các viện trợ ngoại quốc. Năm 2005, Tân Đề Li đã từ chối các trợ giúp từ nước ngoài (thêm một chỉ dấu cho thấy về niềm tự hào dân tộc gia tăng). Nhưng sự thay đổi là ở chỗ khác. Chỉ trong vòng hai tuần sau khi bị sóng thần, người Ấn đã đã quyên tặng 80 triệu từ tư nhân để giúp làm vơi dịu nỗi mất mát. Bốn năm trước, vào năm 2001, phải cần đến một năm trời để thu góp được số tiền tương đương sau vụ động đất lớn (7.9 độ richter) ở Gujarat. Tổ chức từ thiện tư nhân ở Á châu thường có tính cách là một trào lưu nhỏ. Khi người giàu cho của, họ thường cho các đền chùa hoặc giới tu hành. Nhưng điều ấy nay dường như đã thay đổi. Một trong những người giàu nhất Ấn độ, Azim Premji, một tỉ phú ngành công nghệ, tuyên bố sẽ để lại gia tài của ông, nhiều như của Bill Gates, cho một cơ quan từ thiện. Anil Aggarwal, một tỉ phú tự làm nên khác, đã công bố tặng 1 tỉ để xây dựng một trường đại học tư ở Orissa, một trong những vùng nghèo nhất của Ấn độ. Các tổ chức tư nhân và phi lợi nhuận đang tham dự vào lãnh vực giáo dục và y tế, đảm nhiệm những chức năng đáng lẽ nhà nước nên chịu trách nhiệm. Một số tính toán cho thấy, hơn 25 phần trăm trường học và 80 phần trăm của hệ thống y tế ở Ấn độ hiện nay nằm ngoài lãnh vực của nhà nước. Công ty phần mềm Infosys Technologies đã khởi sự cơ quan riêng của mình để cung cấp các bệnh viện, nhà trẻ mồ côi, lớp học, sách giáo khoa cho những vùng nông thôn.

Tất cả những điều này trở nên quen thuộc. Trong một yếu tố quan trọng, là - Ấn độ, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới - nay nhìn rất giống với Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, một nước giàu nhất. Ở cả hai nước này, xã hội đã khẳng định thống trị của mình lên trên nhà nước. Phải chăng công thức ấy sẽ chứng tỏ sẽ thành công ở Ấn độ như đã thành công ở Mỹ? Xã hội có thể thay thế cho nhà nước được không?

(Còn tiếp)


____________
i. Theo Jagahir Aziz và Steven Dunaway trong "China rebalancing Act". Finance and Development 44, no. 3 (Tháng Chín 2007)


ii. Theo Yasheng Huang "Will India overtake China ?" Foreign Policy, số tháng B3y/tám 2003. Trang 71-81.


iii. Theo Manjeet Kripalini, "Read all about it: India's media Wars" Businessweek, ngày 16 tháng Hai, 2005.


iv. Trích từ the World Health Organization, có sẵn tại http://www.who.int/countries/ind/en.