Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010
ĐỪNG LẬP LẠI KINH NGHIỆM CHIẾN TRANH VIỆT NAM (NO MORE VIETNAM)
RICHARD NIXON
NƯỜNG LÝ chuyển ngữ
Kỳ 4 (Tiếp theo) - 2.
Chiến tranh Việt Nam bắt đầu thế nào
Chiến tranh Việt Nam bắt đầu khi Thế Chiến thứ hai chấm dứt. Cuộc chiến tại vùng Thái Bình Dương đã thay đổi hắn biên giới chính trị của vùng Đông Nam Á. Nó đánh dấu sự chấm dứt bá quyền của Nhật Bản trong vùng, và đáng kể nhất, là bắt đầu sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân.
Những cường quốc hoàn toàn lúng túng trước viễn ảnh của các đế quốc Âu Châu. Tổng Thống Roosevelt nhất quyết yêu cầu giải tỏa các thuộc địa. Thủ Tướng Churchill và Thống Chế De Gaulle đòi hỏi trở lại tình trại trước Thế Chiến. Tổng Bí Thư Stalin, trong khi miệng nói ủng hộ nền độc lập cho các nước thuộc địa, đã nhanh chóng thâu tóm các nước Đông Âu và bắt đầu dòm ngó khắp thế giới xem nơi nào Cộng Sản có thể xâm lấn được, y như một con diều hâu đánh hơi xác người còn đang hấp hối.
Churchill từng tuyên bố ông ta không trở thành vị Thủ Tướng đầu tiên của Hoàng Gia Anh chỉ để giải tán Đế quốc Anh. Nhưng đó là nói theo cảm tính, không phải theo lý trí. Là người thực tế, ông ta hiểu rằng sự độc lập của các thuộc địa là điều không thể tránh. Tinh thần quốc gia đang hừng hực lên men tại tất cả các thuộc địa này. Câu hỏi đặt ra không phải là sẽ có phong trào đòi độc lập hay không, vì phong trào này đã dấy lên rồi, nhưng mà là các thuộc địa sẽ đạt đến nền độc lập một cách ôn hòa hay bạo động, và các nước này sẽ được lãnh đạo bởi những người yêu nước chân chính, hay bởi phe Cộng Sản, kẻ sẽ áp đặt một chế độ thực dân mới với nền độc tài chuyên chính và tàn độc hơn xưa. Những nước thuộc địa như vậy sẽ chỉ thay chủ thực dân cũ bằng lũ chủ mới, hay họ sẽ đạt đến nền tự chủ độc lập đúng nghĩa cho dân tộc họ?
Pháp đã thống trị vùng Đông Dương – Lào, Cam Bốt, và Việt Nam – trên hơn nửa thế kỷ. Lúc đầu Pháp chỉ chiếm đóng miền Nam Việt Nam, nhưng chính trị địa phương, sự cạnh tranh chính trị khu vực này với Trung Hoa, và tham vọng đế quốc đã thúc đẩy họ xâm chiếm toàn vùng. Bức tranh này giống như một bức hí họa hơn là một sự thực. Như tất cả các đế quốc khác, Pháp thường mang mặc cảm tội lỗi vì khai thác kinh tế từ các thuộc địa, nhưng người Pháp cũng mang vào các chương trình xã hội, nhất là giáo dục và khai phá đất đai, và giúp nâng cao đời sống của một người Việt trung bình. Những bệnh viện, trường học, và các công sở mà Bà Nixon và tôi đã đến thăm tại Hà Nội năm 1953 khi còn là thuộc địa của Pháp đã là một trong những bệnh viện tốt nhất so với trên 50 nơi khác trong các nước thuộc Thế giới thứ ba vào thời Eisenhower. Tuy vậy, dù trên nhiều phương diện họ đã đóng góp vào đất Việt, người Pháp đã thất bại vì thiếu một điều tối cần yếu: Họ không có tầm nhìn để sửa soạn cho người Việt có khả năng tự cai trị và thành lập một chính phủ vững vàng trong buổi giao thời.
Việt Nam chắc chắn sẽ được độc lập, không thể khác. Trong những năm 1920 và 1930s, sự bất mãn với chính sách thực dân của Pháp, cùng với tinh thần quốc gia mãnh liệt, đã làm bùng phát phong trào kháng chiến chống Pháp. Cái góc nhìn thời thượng là chỉ có một mình đảng Cộng Sản của Hồ Chí Minh tranh đấu giành độc lập chỉ là câu truyện dựng đứng, một huyền thoại. Rất nhiều đoàn thể chính trị được thành lập nhằm thay đổi hoàn cảnh thuộc địa của Việt Nam. Những nhóm này gồm có Việt Nam Quốc Dân Đảng, Phong Trào Đông Du, Phong Trào Duy Tân, Đại Việt Quốc Dân Đảng, Việt Nam Quang Phục Hội, Đảng Lập Hiến, Đảng Dân Chủ Thăng Tiến, Đảng Đông Á, và hai lực lượng tôn giáo võ trang. Một số theo đuổi quyền tự quyết cho dân Việt ngay trong cộng đồng người Pháp. Những nhóm khác muốn hoàn toàn đoạn tuyệt với nước Pháp và thúc đẩy chiến tranh bạo động. Trong khi đó một số chủ trương hợp tác với Nhật Bản.
Khúc ngoặt lịch sử là Thế Chiến II. Sự chiến thắng của người Nhật tại Đông Nam Á làm tan vỡ ảo tưởng “bất bại” của thế lực Âu Châu trong vai trò chủ thuộc địa tại đây. Sau thế chiến, các nước thuộc địa không còn cảm thấy ngại ngùng gì nữa và hoàn toàn không chịu lệ thuộc ngoại bang. Người Âu Châu nhận ra rằng họ có thể tự nguyện trao quyền độc lập lại cho các thuộc địa, hay bị đánh đuổi ra bằng quân sự. Một số, như Anh Quốc tại Mã Lai, khi đọc các hàng chữ viết trên tường đã thỏa thuận cho một diễn tiến hoà bình để trao lại quyền độc lập cho dân bản xứ. Một số khác, như người Pháp tại Việt Nam, tự cho rằng họ đã đến xứ này, như một đại tướng Pháp nói “để xác nhận gia tài thừa kế từ cha ông chúng tôi” và đã hoãn những cân nhắc quan trọng về quyền độc lập cho Việt Nam đến khi quá muộn màng, không thể tránh việc đổ máu.
Hậu quả là người Pháp đã phải đương đầu với chiến tranh tại Việt Nam. Từ 1946 đến 1954, người Pháp chống trả các lực lượng kháng chiến Việt Nam trong cố gắng vô hiệu quả để ở lại Đông Dương. Ngay từ phút đầu, Hoa Kỳ thúc giục Pháp trao trả quyền độc lập cho dân thuộc địa. Các Tổng thống Roosevelt, Truman, và Eisenhower đều đẩy mạnh sự giải tỏa chính sách thực dân. Nhưng sự tổn hại đã lên tới 5 tỷ chi phí cho quân đội và 150 ngàn tử vong trước khi người Pháp bị buộc phải nghe theo lời khuyên này.
Địch thủ chính của Pháp là Cộng Sản Việt Minh, do Hồ Chí Minh cầm đầu. Trong khi Thế Chiến II diễn ra, Hồ đã cẩn trọng tính toán từng bước một để tự tạo cho chính mình một thế lực nhằm tiếm đoạt quyền lực thời hậu chiến. Khi Thế Chiến II chấm dứt, cơ hội lọt vào tay ông ta. Bằng các thủ đoạn vô nhân, ông ta loại trừ tất cả các lực lượng kháng chiến yêu nước chân chính mà ông xem là đối thủ đáng kể. Khi quân Nhật bất ngờ đầu hàng tạo ra một khoảng trống quyền lực trên sân khấu chính trị tại Việt Nam, Hồ đã nhanh chóng tiến hành sự tiếm quyền. Năm 1945 ông ta đoạt quyền lãnh đạo tại miền Bắc Việt Nam và ra tuyên ngôn thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Năm 1945, khi người Pháp trở lại, họ đã dễ dàng tái lập nền cai trị tại miền Nam Việt Nam và trải rộng sự thống trị ra đến miền Bắc Việt Nam qua hiệp định ký ngày 6 tháng 3, 1946 với Việt Minh. Người Pháp kiểm soát tất cả các thành phố lớn nhưng không có chiến lược đáng kể trong việc lấy lại vùng quê hẻo lánh. Họ đổ công sức vào để xây các đồn lũy và phân tán lực lượng quá mỏng vào các điếm canh rời rạc khắp nơi. Sau khi mối quan hệ giữa Pháp và Cộng Sản tan vỡ, Việt Minh theo chiến thuật của kẻ yếu – liên tục phá rối, đánh du kích, phục binh trên các đường rừng, luôn luôn tránh sự đối đầu cho dù là một sự thử sức. Họ cũng lập một hệ thống hành chánh song song với chính quyền Pháp để tập hợp người theo Cộng Sản vào tổ chức, và đồng thời, thủ tiêu những ai không theo Cộng Sản. Mặc dù vậy, Pháp vẫn giữ vai trò thượng phong suốt thập niên 1940s.
Người Việt có nhiều khuynh hướng khác nhau. Một số, ngay cả người không Cộng Sản, cũng gia nhập Việt Minh vì đó là lực lượng duy nhất có khả năng quân sự chống Pháp. Nhiều người khác, ngay cả những người Việt yêu nước chân chính, hỗ trợ người Pháp, thà chấp nhận theo Pháp còn hơn bị Cộng Sản cai trị. Sự thực là có đến 200, 000 người Lào, Cam Bốt, và Việt Nam gia nhập quân đội Pháp trong lực lượng lính Đông Dương cho thấy là người ta căm thù Cộng Sản hơn là thực dân Pháp. Nhưng đại đa số dân Việt giữ thái độ trung hòa. Quen với các thủ đoạn chính trị Á Đông, họ lo sợ sẽ bị phe thắng trả thù nên đã kiên nhẫn chờ xem gió thổi chiều nào.
Hoa Kỳ chủ tâm tách biệt khỏi cuộc chiến này của người Pháp. Tổng Thống Truman muốn có chính quyền không Cộng Sản tại Cam Bốt, Lào, và Việt Nam, nhưng ông không muốn chính sách của người Mỹ bị nhuộm màu thực dân vì theo phe Pháp trong cuộc chiến chống Việt Minh. Ông hiểu rằng người Đông Dương cần có cơ hội trong trận chiến chống Cộng Sản; họ sẽ không chiến đấu mãi để giữ Đông Dương cho người Pháp, nhưng họ sẽ chiến đấu chống Cộng hầu bảo vệ chính quyền của dân tộc họ. Tuy vậy, Tổng Thống Truman nghĩ ông có rất ít tư thế trong việc ép buộc người Pháp từ bỏ chính sách thực dân. Ưu tiên của ông là Âu Châu, nơi ông đang cần sự hỗ trợ của Pháp trong việc chống lại sự lan tràn của Nga Xô Viết, do đó, ông đã ngại ngần trong việc tranh chấp với Pháp về chính sách tại Đông Dương.
Sự kiện Trung Hoa mất vào tay Hồng Quân của Mao năm 1949 xóa tan mọi giả thuyết trước đó. Người Pháp, vốn đã sửa soạn nghiền nát đối thủ, lúc này phải đương đầu với kẻ địch được sự tiếp sức của Trung Cộng nên có nhiều vũ khí đạn dược hơn trước rất xa. Hồ, trước kia đã kéo dài cách chiến đấu của kẻ nghèo, vào thời điểm này có thể làm cho người Pháp nóng mặt. Tổng thống Truman, người trước kia cho rằng cuộc chiến hoàn toàn vô nghĩa, bây giờ nhận ra rằng đây là một điều tối cần trong chiến lược ngăn chặn sự bành trướng của Cộng Sản. Và khi các đoàn quân Trung Cộng tham chiến tại Đại Hàn cuối năm 1950, Tổng Thống Truman nhận thấy sự có mặt của Pháp tại Đông Dương là điều cần thiết để xua quân Trung Cộng ra khỏi Đại Hàn.
Mao Chủ Tịch trở thành Cha đỡ đầu của Bác Hồ. Mao thay đổi lực lượng Việt Minh vốn sơ khai, huấn luyện các đội quân Việt Minh tại những căn cứ Trung quốc, và cung cấp các cố vấn quân sự, xe vận tải, đạn dược, nhiều loại vũ khí tự động. Với sáu sư đoàn 10,000 quân, Hồ có một lực lượng quân sự có thể đối đầu ngang ngửa lực lượng Pháp. Trong vòng 3 năm sau đó, Việt Minh xua quân Pháp ra khỏi các vùng ráp gianh Trung quốc, nhưng vẫn chưa chiếm được khu dân cư hay đồng bằng nào đáng kể. Năm 1954, quân đội của Hồ rút về vùng biên giới Lào, nhưng người Pháp đuổi theo, và đóng quân tại Điện Biên Phủ.
Quyết định cố thủ tại Điện Biên của người Pháp là một sai lầm chiến thuật tai hại vô cùng. Những người tán đồng ý tưởng này đã cãi chày cãi cối cho một điều hoàn toàn vô lý: Điện Biên Phủ là một ốc đảo giam quân Pháp giữa mênh mông biển rừng thuộc sự kiểm soát của Việt Minh. Căn cứ quân sự của Pháp mời gọi sự tấn công. Sự tiếp viện chỉ có thể đến căn cứ này bằng máy bay, và nó nằm trong một lòng chảo lọt thỏm giữa các núi đồi cao do Việt Minh chiếm đóng. Hồ phải là một kẻ tối ngu nếu không đánh Điện Biên với tất cả lực lượng ông ta có thể tập trung được. Hồ không phải là một kẻ ngu.
Trận chiến bắt đầu vào tháng ba năm 1954. Việt Minh chiếm được vòng đai phòng vệ bên ngoài trong hai tuần lễ đầu, và sau đó dùng chiến thuật biển người 5 chọi 1 để tấn công ào ạt. Họ vây 16,000 lính Pháp và từ từ xiết chặt nút thòng lọng. Họ pháo kích các vị trí Pháp đóng bằng phi đạn, tất cả trên 350,000 lần khi cuộc uy hiếp chấm dứt, và thọc sâu vào đồn lũy quân Pháp bằng hệ thống giao thông hào tương tự như trong Đệ Nhất thế chiến. Với chỗ đáp trực thăng bị pháo kích tơi bời, người Pháp bị giam ngay trong đồn binh của họ. Họ không thể tải thương. Thức ăn và đạn dược tiếp liệu phải được thả dù xuống, và khi thời tiết xấu, chỉ có một phần rất nhỏ đến được tay họ. Vào đầu tháng tư, tình trạng trở nên tuyệt vọng.
Trận Điện Biên Phủ là một quả đấm thôi sơn vào tâm lý người Pháp. Vì chỉ có khoảng 5% lực lượng quân sự của Pháp tại Đông Dương tham gia trận chiến này, nên cho dù đó là một thất bại hoàn toàn, cũng không đáng là một trận quyết định cho toàn cuộc chiến. Nhưng nó đã tạo được một biểu tượng quan trọng vượt mức và cho thấy đó là một chiến bại sống chết về tâm lý. Hồ Chí Minh từng nói: “Một mạng lính của anh có thể đổi lấy 10 mạng lính của tôi. Nhưng cho dù như thế, anh cũng sẽ thua và tôi sẽ thắng.”
Ông ta đã nói đúng. Số tử vong của Việt Minh vượt gấp 3 lần số tử vong của lính Pháp, nhưng ý chí chiến đấu của quân Pháp đã bị đánh tan. Sự chống đối chiến tranh đã lớn dần tại Pháp. Đến lúc này thì nó lớn phồng lên. Vào phút chót, người Pháp thua trận tại nước họ chứ không phải tại trận địa Việt Nam. Không ai nghĩ rằng sự tương tự lại xảy ra cho Hoa Kỳ 20 năm sau đó.
Quan tâm đầu tiên của chúng ta tại Việt Nam là để ngăn chặn Đông Dương khỏi rơi vào tay Cộng Sản. Chúng ta không muốn bị mất Việt Nam vì tin rằng nó sẽ đưa đến sự thua trận của toàn cõi Đông Nam Á. Điều này được biết đến dưới tên “ thuyết domino”. Thuyết Domino được đưa ra vào năm 1952, dưới thời chính quyền Truman. Một văn bản của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia đã viết rằng tại Đông Nam Á, “bất cứ một quốc gia nào rơi vào tay Cộng Sản cũng sẽ kéo theo sự sụp đổ nhanh chóng và đầu hàng Cộng Sản của những nước còn lại”. Các quân cờ Dominoes sẽ tiếp tục đổ theo nhau vì “sự theo phe Cộng Sản của Đông Nam Á và Ấn Độ, với nhiều xác suất là sau đó sẽ lan dần tới Trung Đông … Thế cờ này sẽ có ảnh hưởng nguy hại đến an ninh và sự ổn định của Âu Châu.”
John F. Kennedy, lúc ấy là một Thượng Nghị Sĩ, đã diễn tả thuyết domino một cách vô cùng linh động hai năm sau trận Điện Biên Phủ, khi trong một bài nói chuyện, ông gọi Việt Nam là “Thành trì của Thế giới Tự do tại Đông Nam Á, Tảng đá gốc cho vòm trời Tự Do, Ngón tay chặn lỗ hổng của con đê. Miến Điện, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, và hiển nhiên Lào và Cam Bốt sẽ bị đe dọa nếu làn sóng đỏ của Cộng Sản tràn vào Việt Nam.’
Những năm sau này, nhiều người nhạo báng thuyết domino. Nhưng nó thật rõ ràng nếu chúng ta nhận ra rằng sự mất Điện Biên Phủ chỉ có thể xảy ra vì con cờ domino lớn nhất của Á Châu đã ngã xuống: Trung Hoa lục địa. Với khả năng chiến tranh của Pháp đang lâm vào nguy cơ kiệt quệ, Hoa Kỳ phải quyết định những việc cần làm để ngăn không cho con cờ domino kế tiếp đổ xuống.
Khi Pháp xin Mỹ giúp trong trận Điện Biên Phủ, họ chỉ xin giúp trên không phận (air strikes), chứ không nhờ tiếp viện đường bộ. Chỉ khi nào người Pháp rút lui khỏi Việt Nam, họ mới cần sự trợ giúp của bộ binh. Vì từng ghé thăm Việt Nam vào tháng 11 năm trước, tôi đã nhấn mạnh quan điểm cần giúp người Pháp ngay lúc này hay sẽ phải trực diện gánh nặng chống Cộng Sản trong lâu dài tại Đông Nam Á với Hội Đồng An Ninh Hoa Kỳ. Đề đốc Hải Quân Arthur Radford, Chủ Tịch của Hội Đồng Trung Ương, đề nghị sử dụng 60 máy bay thả bom B-29 từ Phi Luật Tân trong chuyến bay đêm để tiêu diệt lực lượng Việt Minh. Ông cũng đưa ra một kế hoạch, gọi là “Chiến dịch Kên Kên”, nhằm đạt cùng một mục đích với ba quả bom nguyên tử thuộc chiến thuật nhỏ. Kế hoạch này không bao giờ được chú ý tới. Sau này, Tổng Thống Eisenhower nhắc đến chiến thuật “dương đông kích tây”, như chặn đường biển, không cho Việt Minh nhận tiếp tế từ Trung Cộng. Chiến thuật này cũng bị bỏ rơi.
Cả Eisenhower và Bộ Trưởng Ngoại Giao John Foster Dulles đều ngại phải làm bước leo thang chiến tranh này. Giống Truman, họ tin rằng bất kỳ sự can thiệp trực tiếp nào để giúp người Pháp trong lúc này sẽ phương hại nặng nề đến nền bang giao giữa Hoa Kỳ với các nước thuộc địa vừa mới được độc lập.
Tổng Thống cũng nhất quyết rằng chúng ta phải được sự chuẩn nhận của Quốc Hội trước khi hành động. Khi chính phủ Hoa Kỳ thử dư luận, họ nhận được sự đối kháng đáng kể với ý tưởng can thiệp quân sự một lần nữa tại Châu Á, nhất là sát ngay sau chiến tranh Đại Hàn. Eisenhower kết luận rằng ông chỉ có kể kéo theo sự đồng thuận của Quốc Hội nếu Hoa Kỳ hành xử nhịp nhàng với các đồng minh.
Đề nghị cùng hợp tác trong hành động gặp phải sự chống đối tại Anh Quốc: Thủ Tướng Churchill từ chối không cộng tác. Eisenhower gửi Đề Đốc Radford sang du thuyết. Churchill nói thẳng với vị Đề Đốc rằng nếu Anh Quốc đã không chiến đấu cho quyền lợi Đế quốc Anh tại Ấn Độ, thì không có lý do gì họ phải tham dự cuộc chiến giúp người Pháp ở lại Đông Đương. Eisenhower cương quyết chống lại ý tưởng Hoa Kỳ đơn thương độc mã tham chiến. Kết quả là người Pháp phải chiến đấu một mình.
Ngày 7 tháng 5, 1954, sau 55 hôm chống trả anh dũng trên trận địa thu nhỏ lại chỉ còn bằng một sân chơi dã cầu, quân Pháp đóng tại Điện Biên Phủ bị uy hiếp bởi cả một biển người. Sự thất bại là dấu hiệu khởi đầu cho sự rút lui nhanh chóng của người Pháp ra khỏi toàn cõi Đông Dương, và Hoa Kỳ trở thành thế lực duy nhất có thể ngăn chặn làn sóng Cộng Sản đang lan rộng tại Đông Nam Á.
Sự sai lầm quan trọng đầu tiên của chúng ta là đã không can thiệp vào trận Điện Biên Phủ. Tình hình quân sự của trận chiến này đặc biệt dành riêng cho sự tung hoành của khả năng không quân Hoa Kỳ. Sự tập trung của Việt Minh đòi hỏi họ phải tụ tập quân lính và binh nhu trong một diện tích nhỏ, và thế đất chỉ cho phép họ có vài đường tiếp liệu chính. Không quân Pháp tại Đông Dương, vốn chỉ gồm 100 máy bay oanh tạc, thực quá yếu để tham chiến. Nhưng nếu Hoa Kỳ gửi đến một hàng không mẫu hạm với đầy các máy bay oanh tạc có thể thả bom kiểu cổ điển, chúng ta có thể làm Việt Minh thiệt hại nặng nề chỉ trong vài ngày.
Người Pháp giữ một thế lực tổng quát tại Đông Dương mạnh mẽ hơn lực lượng đồn trú tại Điện Biên rất nhiều. Trong hồi ký, Nikita Khruschev viết rằng năm 1954 tình hình của Việt Minh “rất đáng ngại” và “phong trào kháng chiến tại Việt Nam đang trên bờ của sự sụp đổ”. Khruschev cũng viết rằng Chu Ân Lai đã nói trừ khi Hiệp định Geneva đưa đến quyết định đình chiến, quân Việt Minh không thể nào cầm cự lại quân Pháp. Theo tài liệu lịch sử do Bắc Việt chính thức xuất bản năm 1965, Việt Minh đã rất lo ngại sự can thiệp của Hoa Kỳ sẽ làm thay đổi cán cân lực lượng trong cuộc chiến. Sự hỗ trợ Việt Minh của Mao đã giúp cho họ thêm hy vọng. Hoa Kỳ có thể tiêu diệt họ vĩnh viễn nếu chúng ta hỗ trợ bạn mình trong thời điểm chiến lược tối quan trọng này.
Vì khoanh tay đứng nhìn bạn mình thảm bại, Hoa Kỳ đã mất cơ hội cuối cùng để ngăn cản sự bành trướng của Cộng Sản tại Đông Nam Á với giá thấp nhất. Đáng ra chúng ta phải can thiệp, dù đơn lẻ, để giúp người Pháp vì họ là khối thế lực duy nhất trong vùng có thể chống lại sự xâm lấn của Cộng Sản. Nếu chúng ta giúp cho Pháp không thua tại Điện Biên Phủ, người Pháp cũng sẽ rút lui và trao quyền độc lập lại cho nước Việt Nam, như chúng ta vẫn thúc giục từ lâu, nhưng họ sẽ làm vậy trong tự nguyện và với tinh thần trách nhiệm hơn là sự vội vã tháo chạy.
Chính phủ Hoa Kỳ đã bị nỗi sợ mang tiếng “thực dân” khi tiếp tay với các thế lực Âu Châu đến nỗi không nhìn rõ được điểm chính yếu: Chủ nghĩa Cộng Sản là lý do chính gây nên chiến tranh Việt Nam, chứ không phải chủ nghĩa thực dân.
Chủ nghĩa thực dân làm cho giai đoạn cầm quyền của người Pháp tại đây trở nên phức tạp, vì nó tạo chiêu bài cho Cộng Sản tuyên truyền, nhưng chiến tranh Việt Nam thực sự bắt nguồn từ việc Hồ Chí Minh cố ý đẩy mạnh cuộc chiến để nắm quyền, và phe Việt Minh của Hồ được Cộng Sản Trung Quốc hỗ trợ mãnh liệt. Lỗi lầm của chúng ta là đã không hiểu rõ vấn đề nằm ở chỗ chủ nghĩa thực dân trước sau gì cũng cáo chung, và cái gì sẽ lấp vào khoảng trống đó.
(Còn tiếp)