Thứ Năm, 23 tháng 9, 2010

THÚ UỐNG CÀ PHÊ 15 NĂM SAU

Cà phê Gloria Jean-Phạm Duy 90- Chú bạn hiền un petit café !

Hạ Long Bụt sĩ

Uống cà phê là một thích thú tinh thần, đệ ngũ khoái, sau cầm kỳ thi hoạ, uống một mình, trầm tư với hương thơm vừa bùi bùi chay cháy vừa đậm đà, hoặc quần ẩm với dăm ba anh em đất Bái, luận thăng trầm thế sự, đi về Tây, với ly expresso đen quánh nhỏ bằng ngón tay cái, đi về Đông với ly cà phê sữa đá... đi chiều nào thì vòng thần kinh cũng xoay quanh một tư duy tròn đầy tâm sự !

Ngồi ở Paris mùa Thu, lành lạnh mà tay nắm một tách cà phê nóng thì tưởng cả thế gian đang rung rinh trên mấy ngón tay, và cả dòng lịch sử lượn lờ quanh mép... ôi lịch sử nhân gian bao biến cố khởi đi từ cà phê vỉa hè, bao sôi nổi bốc dậy từ hớp cà phê nóng, căng thẳng thần kinh, loé sáng tư tưởng…Mỗi lần nghĩ tới Mỹ, Đức, Nga… tôi liên tưởng tới một chai whisky hay vodka và một người cao to mắt xanh nốc một cốc rượu bên quầy… còn nghĩ tới Pháp, Ý, Việt Nam… là một cái bàn gỗ nâu đen trong góc, hai ba chiếc ghế nhẹ, và mấy ly cà phê expresso đen, mù mịt khói thuốc và rộn rã tiếng cười nói… Người Pháp thân thương với ly cà phê đến độ gọi là un petit café nếu dịch là uống một chút cà phê thì không hết ý, có lẽ dịch thoát là “chơi một tý cà phê” diễn cả tấm lòng kẻ lấy cà phê làm một phần của cuộc sống, ngôn ngữ Việt nhiều khi cũng thân thương hoá một tĩnh vật: làm một bát, đánh một tô phở… mời bác ăn thuốc… chơi một lon bia… như thể tĩnh vật trở thành “người trong nhà”…. hay theo ngôn ngữ thời mới biến vật thể thành phi vật thể!

Tuổi tác như đám mây đen nhàm chán đến lợm dọng ngôn ngữ lời nói, cái tai cái lưỡi cự tuyệt những gì nhắc đi nhắc lại đến ngấy thiên hạ sự mấy chục năm, làm sao ăn nổi một món, làm sao nghe mãi chuyện chích choè thời trẻ nghe ả đào vũ nữ ỏn ẻn đến mê mệt, một cái liếc mắt của giai nhân cũng theo vào giấc ngủ như cái phao trôi trên mộng mị nhẹ nhàng êm ái… bây giờ lạc giữa rừng hoang, nghe chú hoạ mi cũng như cậu cú, bướm cũng như sâu, ma với thánh cách nhau nửa sợi tóc..., một mình một tổ cũng không xong, đời đa sự, đa nhân, đa đoan, kẻ trên sân khấu, người lãnh nghiệp khán giả… tới một lúc, sân khấu chỉ thấy hề, khán giả ngồi thành hàng lớp thứ tự đàn lũ… còn mình, xem tuồng mãi rồi, nay chỉ cầu đánh một giấc Nam Kha thật ngon, không cần nghe, không cần nhìn, thế sự vòng vo diễn đi diễn lại vài màn mà hồi kết, trong mắt giờ đây chẳng còn bao phủ lên một màn ảo maya nào nữa… thế thì sự tịnh tĩnh, bên ly cà phê, cũng là chỉ tàm tạm một ứng xử phi ứng phi xử, vì chẳng có đối tượng gì để ứng, chẳng có cảnh huống nào phải xử! Mang máng kinh Phật: không có gì để thuyết mới là thuyết pháp, chẳng có người thuyết mà cũng chẳng có chúng sinh nào nghe… trên quốc độ cảnh giới phi phi tưởng này, chẳng còn đối với đáp, chủ thể hay đối tác đã tan vào mây khói cả, tất cả là những bào ảnh bóng hình ra vào cảnh giới không mang hình sắc nữa.

Món ăn thức uống có thể lựa chọn được, miễn sao cho hợp khẩu vị, nhưng trong ngũ giác có lẽ cái tai-thính giác là bị hành hạ nặng nhất và nhiều nhất vì không có sự lựa chọn. Âm thanh thanh tịnh, đẹp, ngọt ngào thì ít mà loạn âm tạp thanh thì nhiều, ô nhiễm âm thanh chính là nỗi khổ lớn trong xã hội thành thị, nhạc không ra nhạc, ồn ào như chợ, thanh quản phát giọng nói đặc thù của từng người, giọng nói -hay bất cứ cử chỉ, dáng đi đứng, tiếng cười, ròn rã hay gằn, tia mắt thẳng hay láo liên, răng nhỏ hay bàn quốc, răng ngọc hay răng nhọn-quỷ nha…- nhất nhất đều xuất từ nghiệp dĩ của mỗi người, từ một kiếp xưa… Cho nên nhà Nho có câu :

Quán kỷ âm thanh
Nhi đắc giải thoát


Nghĩa là lấy âm thanh làm phương tiện giải thoát. Âm nhạc chính là đôi cánh đưa mình vào cõi khác… tiếng cú ban đêm đưa gần vào hang ma, tiếng cúc cu hiền hoà đưa vào cánh đồng ngan ngát Thu sang, chim hoạ mi lạc quan đang vẽ bình minh bừng sáng giữa lùm cây xanh...

Cho nên, cổ nhân nghe dọng nói cũng chẩn được bệnh, nghe phát âm biết nội lực, nghe tiếng sắt tiếng lụa xé mà đoán thọ yểu, thều thào hết sinh khí, diết dóng muốn hại người, cười gằn dấu tâm sự, cho đến nói sùi bọt mép là tướng diện gàn bát sách, thêm môi dầy thì quyết đoán là quạt mo loạn đàm Tam quốc chí... Nói ít quá thì thâm, nói dễ quá thì nông, ôi ! cái tai chẳng thiên nhĩ, cái mắt chẳng thiên nhãn, nhưng tinh một chút, nhìn ra màn đằng sau hiện tướng, đôi khi cũng vui vui như đoán trước căn bệnh thế nhân, nhìn trước kết quả trận đá banh như chú bạch tuộc Paul kỳ Bóng Tròn quốc tế 2010… chú Paul tiên tri theo bản năng, chú không khổ tâm như người có bản năng chiếu yêu kính… nhìn thấy lốt yêu quỷ sống nhởn nhơ chung quanh mình !

*

Loài người loài chim, tìm về tổ, dù tổ cheo leo trên một nhánh sồi già, chẳng phải chuyện lá rụng về cội, mà là một nhu cầu tâm tư, tìm môi trường tinh thần quen thuộc… lang thang hè đường Paris, thấy bao ấp ủ một thời sinh viên non nớt bên những trang sách philo triết lý, về Sàigòn, như thể muốn châm lại điếu thuốc đang hút dở, hút mới 1/3 điếu chẳng may bị nước mưa làm tắt, bẵng đi 30 năm vụt qua, còn 1/3 hồi kết, ta hãy cứ đốt chơi thời gian dù biết thời gian càng hít vào càng chóng hết :

Những toan châm lửa đốt Trời
Ngờ đâu đóm tắt tàn rơi xuống mình…


Câu ca dao kinh hồn, chắc của một cao nhân Việt, hẳn phải cỡ Thần Siêu Thánh Quát, khí phách lục bát mới tới mức tuyệt diệu ấy… Nhưng thú uống cà phê cũng là thú kéo dài thời gian, như thể một tay cầm diêm đốt, một tay nâng ly, chiêu một ngụm cà phê sữa đá, mát cả không gian, mát cổ họng loài chim dông dài ngày tháng, bão hoà hành Hoả với hành Thuỷ, chẳng khác tâm tư một nữ đạo sĩ Ả Rập- Rabia xứ Basra :

Một tay cầm bó đuốc
Một tay xách thùng nước
Tay này đốt Thiên đường
Tay kia dập lửa Địa ngục…


Thì ra, cổ hay kim, Đông hay Tây, cuộc sống là sợi giây căng giữa Thiên đàng Địa ngục, nếu thế, ta hãy làm một tên xiếc đi giây, tay cầm điếu thuốc, tay cầm ly cà phê, nghêu ngao một kiếp long đong, nay Hà Nội, mai Sàigòn, khi Bolsa, lúc Sorbonne, đôi chân chùng xuống, quán Givral xưa, hay quán Highlands nay, thì cũng chỉ là những trạm nghỉ, rest area, cho một kẻ lãng du đánh đu với nghiệp dĩ, vào quán, tránh ruồi muỗi mạt pháp, tạo vòm trời riêng tư, đúng thế, chỉ có quán cà phê mới giúp kiến trúc tạm bợ một vòm tâm tư, sâu thăm thẳm, không ai biết, không ai hay, chẳng kẻ đố kỵ, chẳng rợ khuyển nhung nào quấy phá, tất cả tan xuống đáy, như cục đường…

Sài Gòn nhiệt đới, cà phê sữa đá là hợp gout nhất, mà không phải dễ pha chế, sữa nhiều quá thì mất vị cà phê, cà phê phải đủ đậm để nước đá không làm loãng…cà phê sữa đá là một thăng hoa của kỹ thuật pha chế, cho nên loại cà phê bình dân, cà phê trộn thêm chất bột, gạo rang hay đậu đen, nếm vào lưỡi như ăn chè, cà phê chính hiệu phải đạt tiêu chuẩn thơm mà thanh, đậm mà trong, cà phê Highlands cao hơn một bực, giữ được hương vị cà phê dù pha đá, nhưng cũng chưa thật đủ hương thơm của thức uống đặc biệt này. Nhưng khi uống cà phê sữa đá của Gloria Jean’s Coffee, một hãng cà phê quốc tế, mở đầu từ 1979 ở Bắc Chicago, dùng hạt cà phê từ Trung Mỹ, Nam Mỹ, nay mở tới 4-5 mặt hàng ở Sàigòn, chiếm quán Brodard cũ, thì mới thấy đây là cao thủ thượng thừa, vị đậm, trong, nước mầu đen mận, thanh, ngào ngạt hương cà phê, càng uống càng thấy mùi thơm kéo dài ra, uống hết mà vẫn thấy mình như còn ngồi bên ly đầy chưa hết ! tay vân vê ly cạn, muốn uống thêm mà chỉ sợ mạnh quá làm thức trắng một màn đêm thường đã trắng xoá mây sầu thiên cổ !

Tôi ngồi hàng giờ, nhìn qua khung cửa kính, nhà thờ gạch đỏ hai tháp vươn lên trời xanh, trong này là Âu Mỹ thời đại toàn cầu, ngoài kia là đàn chim sẻ và tiếng chuông dĩ vãng ngơ ngác loạt xoạt một bầy bay lên nóc thánh đường, có phải là loài chim xưa trên mái đầu xanh thuở sinh viên không, hả Mẹ?

Các quán cà phê Âu Mỹ thường không vặn nhạc, hoặc vặn rất nhỏ làm nền không gian trôi nổi trên sóng thời gian, ở Việt Nam bây giờ chủ quán thường là mấy chú trẻ, học đòi Tây phương, thế hệ nhạc rocks ồn ào vô vị, hay nhạc sến cải lương, vào nhầm một quán như vậy, phải chém vè trước khi màng nhĩ bị ô nhiễm, khổ thay, quay lại ngắm những tà áo dài tha thướt bên tai trâu, mắt cáo, kiếp hồng nhan, những nàng Kiều thời đại… Trời xanh kia sao oái oăm thế, đã xô Thăng Long xuống bùn nay lại vứt thêm Gia Định vào rác, sự tàn nhẫn đến vô cực chỉ còn trông chờ vào luật vô thường xoá nhoà trong vô thức, một tabula rasa, xoá nhẵn sạch, mới có thể phát sinh hoa lá mới tinh khôi. Sài gòn mùa hè có nhưng cơn giông sầm sập, tưới mát ngày nhiệt đới, lau sạch bụi bặm vỉa hè chòm cây... ôi những cơn giông, sấm sét ngoằn nghèo, lá me lá phượng như confettis rơi lác đác, bay bay, oằn oại giữa gió lốc, bám vào khung cửa kính, bám vào cột đèn, oằn mình chịu đựng cơn lốc... thiên nhiên kia, trời cao kia có quan tâm tới mặt đất này mà gửi xuống đây những chữ ký khai tử hay khai sinh, chớp nhoáng đe doạ của Thiên lôi... bàn tay Trời đấy, sấm chớp ngoằn nghèo, loài yêu quái bao giờ mới bị bắt trả về chín tầng địa ngục?

Đêm qua, tôi đi nghe nhạc Phạm Duy, chẳng phải yêu thích gì nhạc của ông, nhưng tôi vẫn đi để gợi chút vang vọng trong lòng mình, một Nương Chiều, một Nhạc Tuổi Xanh từ thời cắp cặp từ Hàng Tre tới học trường Hàng Vôi, Hà Nội thời 1950… cũng như cụ Phạm, từ Hàng Dầu tới mái trường thân yêu ấy, đàn chim đất Bắc chuân chuyên lưu đầy biệt xứ của tôi, Phạm Duy, Mai Thảo... và ai ai nữa cũng từng mài đũng quần ở ngôi trường này, may thay ngôi trường nằm trên con đường Lý Thái Tổ nên chẳng hồ ly ma quái nào dám đổi tên. Năm ngoái lần đầu tiên vào lại nhà Hát Lớn Hà Nội, sau nửa thế kỷ, chẳng phải muốn nghe Mỹ Linh hay Hồng Nhung… nhưng mắt tôi nhìn lên sân khấu chỉ mong tìm lại một thoáng Thái Thanh 1953 và ban Thăng Long Hoài Trung Hoài Bắc nhộn nhịp thánh thót, rào dạt âm điệu một thời. Tuy chẳng bám vào dĩ vãng mà sống nhưng hiện tại nào có đẹp đẽ gì hơn để che xoá đi quá khứ, nhà Hát Lớn có ghi năm hoàn thành 1911 ngay mặt tiền, sao nay lại vứt đi dấu ấn ấy, rồi thay thế bằng những mầu sắc cờ quạt từ Nga Tầu sang, thì cũng chẳng tốt đẹp gì hơn văn hoá nhân bản khai phóng Pháp! Nhìn Phạm Duy mái tóc bạc phơ, tôi thấy cả một pho sử Việt viết bằng mây trắng, trắng xoá lướt trên đầu đám dân Lạc Việt Thăng Long kinh kỳ, từ Bà Huyện Thanh Quan than thở :

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương…


Tới Ngày Trở Về, Tình Hoài Hương… thì cũng là một dấu than, Một Giấc Mộng Dài, ngậm ngùi, chẳng bộc lộ hết ra được… tính xa ra từ thời Kiêu binh, tính từ thời Tây Sơn đóng cửa Thăng Long mang kinh đô vào Phú Xuân, từ Minh Mạng đổi tên Thăng Long ra Hà Nội 1831… thì đám dân kinh kỳ, bộ tộc Lạc Việt đã vào thời mạt vận… lang thang năm châu tứ xứ, mặc cho đất tổ, với nhóm kiêu binh mới tha hồ múa may… Văn nghệ sĩ Bắc Việt rút lại, co lại trong văn hoá nghệ thuật, thành họ Sợ như lời Nguyễn Tuân, hay quay ra nịnh hót hèn hạ như một thằng Hèn. Nguyên do là Nho biến ra Nhu, nhu quá hoá Nhược, dân trung nguyên là như vậy, trí thức chơi với thi phú, hưởng lạc tất phải thua côn đồ khuyển ưng, từ Nguyễn Trãi đã xẩy ra như vậy… Phạm Duy hẳn đã thấy giấc mộng đời quá dài, ông sống lạc quan, yêu đời, nhưng có yêu đời đến đâu thì cũng tới lúc nhàm chán, cuộc chơi đã tàn, canh bạc về sáng, bao nhiêu sợi tơ tằm đã nhả ra hết, bao nhiêu ngọn đèn dầu lạc đã cháy và đã cạn, bạn bè cùng thế hệ đã đi chơi sang cõi khác gần hết… còn đây, một mình một bóng đèo bòng thế gian hệ luỵ, lưng bị muỗi đốt, chân bị chuột gặm… Ôi cõi lá đa mõm chó này, không úa vàng thì cũng như mực tầu bôi đen bao mảng đêm nhơ nhớp.

Đêm qua tôi thấy một cụ già 90, lưng thấp đi, thời gian quả là nặng chĩu trên vai một người nghệ sĩ tiêu biểu cho đại chúng Bắc kỳ, nhạc của ông mang dân ca đồng lúa sông Hồng vào cung bậc, giầu tình cảm, dạt dào như lúa chín chĩu nắng vàng… âm vang xôn xao đam mê ngây ngất… cho đến Phố Buồn, Mùa Thu Chết, Ngậm Ngùi… tôi muốn ông dừng lại ở đấy thì đẹp quá, từ tuổi 20 đến ngoài 40, hơn 20 năm dòng suối tuôn trào, thế là quá đủ… tiếp tục làm nữa ở tuổi 50-60… cho đến bây giờ… cảm hứng nghệ thuật cao điểm Trời cho chẳng bao giờ dài quá 20-25 năm, mà nghệ thuật tuyệt vời, thơ-nhạc, đòi hỏi toàn cao điểm chứ không thể hạ thấp thành hạng nhì hạng ba, nghệ sĩ nào thành thật với lòng mình cũng tự nhận ra biên độ ấy, những bản nhạc của Phạm Duy làm sau này, sau cao điểm cảm hứng, xen tiếng y ỷ kèn Tầu, gài lời miễn cưỡng triết lý làm dáng “đừng cho không gian đụng thời gian”… Cao điểm lúc này nhường lại cho ma âm Trịnh Côn Sơn- tuổi 20- và họ Trịnh cũng chỉ có mươi năm cao điểm 20-35 tuổi, từ 1960-75 bom đạn, như Phạm Duy đã có hai mươi năm trước, vào giai đoạn vang lừng khác.

Nhìn Phạm Duy tôi nhớ tới Ba tôi ở tuổi 90 đoàn tụ sang Mỹ năm 1989, cũng một con dân nhà giáo từ đồng lúa sông Hồng sau cụ Phạm Duy Tốn, Á Nam, Can Mộng, Nguyễn Văn Ngọc... mươi năm, bỏ Bắc vào Nam, bỏ Nam sang Mỹ… muốn yên thân cũng chẳng được, trên đe dưới búa, muốn quên đời cũng chẳng xong. Ôi đám dân Bắc di cư của tôi, định mạng nào Lạc Việt lạc loài như thế, từ 1 triệu vào Nam bây giờ đã tăng thành bao nhiêu triệu sau gần 3 thế hệ lan toả ra châu Úc châu Mỹ châu Âu? Sinh trưởng trong nhà giáo, thiện căn tích luỹ nòi giống Việt… tôi thông cảm tấm lòng của những tiên chỉ 80-90 tuổi, mươi mấy năm trước trên báo Thế Kỷ 21 ở Cali, tôi đọc thấy niềm ngậm ngùi của Phạm Duy “ngồi đâu cũng là ngồi một mình” và ông đã khóc… Vâng, ở cuối đời, một nhân tài lấy đâu ra tri âm tri kỷ ở cái quận Cam nhỏ bé, và lấy đâu ra cảm hứng dù là cảm hứng thuần nghệ thuật? Và bây giờ, ông có trở về, về hay đi, ở tuổi gần đất xa trời này, sinh ký tử qui, chẳng ai định nghĩa được, vậy hãy chúc ông yên bình, thế hệ sau cám ơn một thiện căn Việt đã múc nước tinh tuyền Động Đình Hồ tưới lên ngô khoai xóm làng, đã trồng bao đoá hoa đẹp cho mắt, đã chế tác bao làn điệu ngọt dịu cho tai, âm ỷ trong tiềm thức dân gian, đã nuôi dưỡng bao trái tim trong sáng… Phạm Duy và thế hệ ông, đã đi vào lửa, đã bay trong bão, đã ngã trên chông gai, đã gào đã hét cho quê hương. Giống nòi tồn tại nhờ những con người ấy, những trái tim thiện căn ấy, chứ không phải ở bọn côn đồ ma giáo, bọn cờ bạc bịp quốc tế, bọn khuyển mã trâu ngựa bôi tro chát trấu lên thịt da giống nòi, bọn lấy liềm cắt tai đồng bào, lấy búa đập màng nhĩ đồng loại, hoặc giả mang ma âm quỷ quái, triết lý nửa mùa, quấy nhiễu lương dân.
*

Vào ra góc quán này bao lần, thôi từ giã Givral, tạm biệt Maxim, Tự Do, Olympia... những góc đêm đã nuôi dưỡng tuổi 20-30… bây giờ tất cả đã thành bóng ảnh, thân như điện ảnh hữu hoàn vô (sư Vạn Hạnh) tôi tự nhủ: mình cũng dễ biến thành bóng ảnh nếu bền hơi chơi mãi với những bóng ảnh ảo giác ấy.

Và tôi thấy rõ mình đang trôi trên một dòng sông chảy xiết, chẳng có khả năng lên bờ, mà cũng chẳng có ý muốn bám vào chiếc phao nào để tồn tại… cuộc sống cứ như thế trôi đi, lạnh lùng, diết dóng, vô cảm, đây mới thật là diễn tiến tự nhiên đưa đẩy thân phận con người, con người Việt Nam bất hạnh, bầy nhầy, ghẻ lở, nhỏ bé, cây sậy khô cằn yếu đuối, chẳng mơ tưởng đâu ra tri âm tri kỷ, may ra còn lại đây chút thân tình an ủi của một ly cà phê quen thuộc, một gã bạn cố tri, mà vô tri, vô ngôn, bạn như thế mới lâu bền và quý hoá, mới đích thực là một chú bạn hiền - un petit café! còn lại cuối dòng đời.

SG 23-7-2010 viết 15 năm sau Thú Uống Cà Phê 1995.
http://www.halongvandan.wordpress.com/