Thứ Ba, 28 tháng 9, 2010
Tea Party: Con dao hai lưỡi cho đảng Cộng Hoà
Mai Loan
Thời gian có thể là kẻ thù hoặc là đồng minh của các chính trị gia, tuỳ theo tình hình hoặc những biến chuyển của thời thế. Chẳng hạn như đối với chính quyền Obama và phe Dân Chủ đang nắm quyền đa số tại Hạ Viện, cái tin (tương đối được coi là khả quan) mới được đưa ra vào tuần trước của viện nghiên cứu có tên là National Bureau of Economic Research, chính thức tuyên bố rằng cuộc suy thoái kinh tế được coi là trầm trọng nhất trong vòng 65 năm qua đã chấm dứt, có lẽ cũng chưa đủ để đem lại lạc quan cho họ. Bởi lý do đơn giản là chỉ còn có non hai tháng là cử tri trên toàn quốc sẽ đi bỏ phiếu cho cuộc bầu cử cho toàn thể các dân biểu tại Hạ Viện và 1/3 các nghị sĩ tại Thượng Viện Hoa Kỳ, một thời gian quá ngắn để có thể làm thay đổi cái nhìn khá tiêu cực của dân chúng hiện nay tại nhiều nơi trên nước Mỹ.
Tin tức thời sự từ nhiều tháng qua đã liên tiếp đưa ra những hình ảnh chẳng lấy gì làm tích cực cho phe cầm quyền hiện nay, từ cái gọi là uy tín của TT Obama đã xuống dốc thê thảm nhất từ trước tới nay (theo như văn phong của nhiều xướng ngôn viên và bình luận gia của một số các cơ quan truyền thông tiếng Việt) cho đến cơ nguy phe Dân Chủ có thể sẽ mất quyền đa số tại cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện trong kỳ bầu cử sắp tới.
Ðiều lạ lùng là những ông bà chuyên gia bình luận này lại không bao giờ chịu khó tìm hiểu để thấy rằng tất cả những lãnh tụ khác như Ronald Reagan, Bill Clinton, sau gần hai năm cầm quyền của nhiệm kỳ đầu tiên, cũng đã rơi vào tình trạng tương tự như ông Obama, với tỉ lệ ủng hộ của dân chúng còn thấp hơn cả ông Obama hiện nay. Và chẳng có ai đã lớn tiếng vào những thời điểm đó để lên tiếng chê bai hoặc chỉ trích thậm tệ đối với các lãnh tụ này và cho rằng đó là những vị tổng thống bất tài. Bởi vì tuy cả hai ông Reagan và Clinton đều đã thất bại nặng trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ (vào các năm 1982 và 1994), nhưng những thất bại này đã giúp cho hai ông tạo được cơ hội để tiếp tục thắng lớn trong kỳ tái tranh cử diễn ra sau đó khoảng 2 năm, để rồi lịch sử và đa số các sử gia đều gần như đánh giá hai vị tổng thống này là những lãnh tụ sáng giá.
Hiện nay, tuy không nói ra, nhưng nhiều người trong chốn riêng tư đã không ngần ngại nói rằng xác suất ông John Boehner, lãnh tụ khối thiểu số phe Cộng Hoà hiện nay tại Hạ Viện Mỹ, có thể trở thành tân Chủ Tịch Quốc Hội vào pháp nhiệm mới vào đầu năm sau không phải là một chuyện hi hữu, khó xảy ra (nếu như phe Cộng Hoà thắng được trên 40 ghế). Thậm chí, nhiều người còn không ngần ngại tiên đoán rằng làn sóng phản đối hay bất mãn của cử tri cũng có thể dâng cao và dẫn đến thất bại của phe Dân Chủ trong việc giữ lại phe đa số ở Thượng Viện, một tình huống gần như rất khó xảy ra nếu như phe Dân Chủ có thể thua một lèo đến 10 ghế tại Thượng Viện.
Tuy nhiên, giữa lúc phe Cộng Hoà và những cử tri bảo thủ đang sửa soạn ăn mừng cho một chiến thắng có thể đến với niềm tin tưởng đầy lạc quan, những áng mây đã chợt ló dạng ở chân trời để báo hiệu một viễn tượng có thể không sáng sủa cho niềm tin thắng lợi này. Ðó là sự xuất hiện của những ứng viên được coi là thuộc thành phần Tea Party, đang đạt được nhiều thắng lợi gây chấn động trong nhiều cuộc bầu cử vòng sơ bộ. Tuy nhiên, thắng lợi ở vòng bầu cử sơ bộ chỉ là chiến thắng tạm thời trong nội bộ của một đảng (phần lớn là bên trong đảng Cộng Hoà), và chưa chắc bảo đảm cho một thắng lợi quan trọng và có giá trị thực tiễn hơn, đó là thắng cử trong ngày bầu cử chính thức vào ngày 2 tháng 11 sắp tới.
Bà Nikki Haley có thể trở thành phụ nữ gốc Ấn Độ đầu tiên
được đắc cử chức vụ thống đốc tại South Carolina (hình Mary Ann Chastain / AP)
được đắc cử chức vụ thống đốc tại South Carolina (hình Mary Ann Chastain / AP)
Tệ hơn nữa, trong nhiều trường hợp, những thắng lợi đoản kỳ này có thể sẽ rơi vào trường hợp của “lợi bất cấp hại”, tức là những thắng lợi ngắn hạn nhưng dễ dẫn đến những thất bại dài hạn. Ðó là những trường hợp có thể sẽ diễn ra trong những cuộc bầu cử các chức vụ nghị sĩ liên bang tại những tiểu bang như Kentucky (của ông Rand Paul), Nevada (của bà Sharron Angle), Alaska (của ông Joe Miller), Florida (của ông Marc Rubio) và mới đây nhất là tại tiểu bang Delaware (của bà Christine O’Donnell).
Dĩ nhiên, phong trào Tea Party cũng đưa ra được nhiều ứng viên tạo được những chiến thắng tại nhiều tiểu bang khác trong những cuộc bầu cử cho các chức vụ dân biểu liên bang hoặc thống đốc tiểu bang. Tuy nhiên, vai trò và ảnh hưởng của một vị nghị sĩ liên bang có tầm mức quan trọng hơn nhiều, nhất là trong bối cảnh phe Cộng Hoà đang ước muốn giành được nhiều chiến thắng trong kỳ bầu cử sắp tới để bổ sung cho lực lượng thiểu số của mình hiện nay chỉ có 41 người trong tổng số 100 vị nghị sĩ, để từ đó họ có thể gây nhiều khó khăn hơn nữa cho chương trình nghị sự của chính quyền Obama, và biết đâu chừng, có thể sẽ giúp đánh bại tổng thống Obama trong kỳ tái tranh cử vào năm 2012. Bởi vì không có nỗi bực mình và đau đớn nào to lớn và đắng cay chua chát nhất cho những người cực kỳ bảo thủ, trung kiên với đảng Cộng Hoà (trong đó cũng còn khối những người gốc Việt) bằng sự kiện một “anh da đen chỉ có cái miệng lẻo mép và không có tài cán” như Barack Obama tại sao lại có thể trở thành một vị tổng thống của Hoa Kỳ một cách hợp pháp và quang minh chính đại. Vì thế nên giấc mộng “lật đổ” được ông Obama bằng bất cứ giá nào có lẽ là giấc mơ to lớn nhất không giấu diếm của thành phần cử tri cực đoan này.
THÀNH QUẢ CHIẾN THẮNG CỦA PHONG TRÀO TEA PARTY.
Bà Christine O'Donnell đang đón nhận những lời chúc mừng
trong đêm thắng cử vòng sơ bộ (hình Mark Wilson - Getty Images)
trong đêm thắng cử vòng sơ bộ (hình Mark Wilson - Getty Images)
Nhưng chiến thắng mới nhất của bà Christine O’Donnell trong cuộc bầu cử sơ bộ tại tiểu bang Delaware vào ngày 14-9 vừa qua để chọn lựa ứng viên điền khuyết cho chiếc ghế cũ của ông Joe Biden (kể từ sau ngày ông nhậm chức phó tổng thống) có thể khiến nhiều lãnh tụ của đảng Cộng Hoà hết còn hy vọng giành được chiến thắng to lớn trong kỳ bầu cử vào Thượng Viện lần này. Những người ủng hộ cho phong trào Tea Party có thể khoe về thành tích này như là một chỉ dấu về sự lớn mạnh của phong trào, cho đến nay đã hất cẳng được 8 đối thủ được coi như là những ứng viên con cưng được chọn lựa của hệ thống quyền lực trong đảng Cộng Hoà, thường quen gọi là GOP establishment, trong các cuộc bầu cử sơ bộ chức vụ nghị sĩ liên bang trong mùa bầu cử năm 2010. Ngoài ra, một số các ứng viên của phong trào này cũng giành được ưu thế trong nhiều cuộc bầu cử chức vụ thống đốc tiểu bang, và rất nhiều các cuộc bầu cử chức vụ dân biểu liên bang.
Các chức vụ Nghị Sĩ Liên Bang:
Tại tiểu bang Utah, đương kim nghị sĩ kỳ cựu của đảng Cộng Hoà là Bob Bennett đã bị nhóm Tea Party và một số cử tri bảo thủ hất cẳng để dồn sự ủng hộ cho một người mới là ông Mike Lee. Tại tiểu bang Alaska, đương kim nghị sĩ Lisa Murkowski cũng của phe Cộng Hoà đã bị thua đau đớn trước một đối thủ “vô danh tiểu tốt” của phe Tea Party là ông Joe Miller. Tại tiểu bang Colorado, ông Ken Buck là người hay khoe về mối liên hệ của mình với phe Tea Party, cũng đã đánh bại một ứng viên bảo thủ sáng giá khác là bà Jane Norton, cựu phó thống đốc.
Tại tiểu bang Nevada, bà Sharron Angle, với câu nói “Tôi là đảng Tea Party”, đã đánh bại cựu lãnh tụ của đảng Cộng Hoà tại địa phương là bà Sue Lowden để giành được quyền đối đầu với đương kim nghị sĩ Harry Reid của đảng Dân Chủ vào đầu tháng 11 sắp tới. Chiến thắng của bà Angle, một nhân vật bảo thủ cực đoan, được nhiều chuyên gia phân tích thời sự đánh giá là một món quà tốt đẹp nhất từ trời rơi xuống cho ông Reid, vì có thể giúp ông tìm được cơ may để giữ lại được chức vụ này giữa lúc mà cao trào chống đối các vị đương nhiệm (anti-incumbency) đang ở mức cao nhất trong mùa bầu cử năm nay. Bởi vì tuy có bực mình hay bất mãn với ông Harry Reid, cử tri tại Nevada dẫu sao cũng còn có thể tin tưởng chút ít nơi ông ta thay vì phó mặc số mệnh của họ cho bà Angle, một nhân vật tầm thường ít được cử tri tại đây biết tiếng, và do đó không ai tiên đoán là bà sẽ hành xử ra sao một khi được đắc cử cho một nhiệm kỳ 6 năm.
Ðó cũng là trường hợp có thể xảy ra tại tiểu bang Kentucky khi ông Rand Paul, con trai của dân biểu Ron Paul tại Texas, đã thắng ông Trey Grayson, vốn được coi như là nhân vật sáng giá của phe Cộng Hoà và được lựa chọn bởi thủ lãnh phe thiểu số là nghị sĩ Mitch McConnell. Tại tiểu bang Florida, ứng viên ôn hoà sáng giá của đảng Cộng Hoà là đương kim nghị sĩ Charlie Crist cũng bị đối thủ Marc Rubio do phe Tea Party ủng hộ mạnh mẽ khiến ông Crist quyết định ra tranh cử theo tư cách ứng viên độc lập để đối đầu với ông Rubio và ứng viên Kendrick Meek của đảng Dân Chủ. Tại tiểu bang Wisconsin, ứng viên Ron Johnson cũng chạy theo phe Tea Party để nhận sự ủng hộ trước khi ông giành được thắng lợi ở kỳ bầu cử sơ bộ.
Sau cùng, tại tiểu bang Delaware, bà Christine O’Donnell, trước đây đã thất bại nhiều lần, nhưng rồi lại tạo ngạc nhiên chấn động khi bất ngờ đánh bại đối thủ là ông Mike Castle, được coi như là ứng viên sáng giá nhất của đảng Cộng Hoà để có thể giành được chiếc ghế nghị sĩ từ lâu đã thuộc về phó tổng thống Joe Biden. Thật vậy, ông Mike Castle là đương kim dân biểu liên bang tại đây trong 9 nhiệm kỳ liên tiếp, từng là cựu thống đốc tiểu bang và được giới lãnh đạo trong đảng Cộng Hoà chiêu mộ để ra ứng cử lần này. Sự nhập cuộc của ông Castle đã khiến cho người con trai của ông Biden là ông Beau Biden quyết định rút lui không tham dự vào cuộc tranh cử vì ai cũng nghĩ rằng ông Castle gần như chắc chắn sẽ được đắc cử trong kỳ tới. Tuy nhiên, với chiến thắng của bà O’Donnell, các lãnh tụ của đảng Cộng Hoà tại thủ đô coi như đã không còn tin tưởng vào khả năng phe này có thể giành được chiến thắng cho chiếc ghế nghị sĩ lần này.
Các chức vụ Thống Ðốc:
Phong trào Tea Party cũng tạo được nhiều chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ cho chức vụ thống đốc tiểu bang tại nhiều nơi trong thời gian qua, với trường hợp nổi bật và tạo tiếng vang nhiều nhất là tại tiểu bang South Carolina với chiến thắng của bà Nikki Haley, một vị nữ dân biểu tiểu bang đang có nhiều triển vọng trở thành phụ nữ gốc Ấn Ðộ đầu tiên được bầu làm thống đốc một tiểu bang tại miền Nam Hoa Kỳ. Sau khi đã đứng lẹt đẹt trong cuộc chạy đua sơ bộ ở lúc bắt đầu, và còn bị cáo giác là đã ngoại tình với hai người đàn ông khác (với những chi tiết được xì ra công khai), bà Haley cuối cùng cũng đã vươn lên và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của bà Sarah Palin, cựu thống đốc Alaska và ứng viên phó tổng thống cho ông John McCain vào năm 2008, để cuối cùng giành được thắng lợi bên đảng Cộng Hoà.
Tại tiểu bang Maine, ứng cử viên Paul LePage cũng chạy theo phe Tea Party để mong nhận được sự ủng hộ trước khi giành được chiến thắng to lớn trong vòng sơ bộ. Và tại tiểu bang Colorado, ứng viên được phe Tea Party ủng hộ là Dan Maes đã bị các lãnh tụ đảng Cộng Hoà kêu gọi rút lui sau khi ông này đã được tuyển chọn nhưng sau đó đã vấp phải nhiều lỗi lầm làm “quê xệ”, có thể tác hại đến triển vọng thắng cử vào đầu tháng 11 sắp tới.
Các chức vụ Dân Biểu Liên Bang:
Sự ủng hộ mạnh mẽ của phong trào Tea Party cũng giúp cho nhiều ứng viên bảo thủ giành được chiến thắng ở vòng sơ bộ để có thể ra tranh cử đối đầu với các ứng viên phe Dân Chủ trong kỳ bầu cử sắp tới, tuy rằng nhiều chuyên gia cũng đánh giá rằng triển vọng thắng cử không được cao của các nhân vật do phe Tea Party ủng hộ.
Tại tiểu bang Alabama, đương kim dân biểu Parker Griffith tại đơn vị số 5 đã bị đánh bại bởi một vị dân cử địa phương là ông Mo Brooks trong nội bộ đảng Cộng Hoà. Tại tiểu bang Arizona, ông Jesse Kelly là nhân vật được phe Tea Party ưa thích, cũng đã đánh bại một nghị sĩ tiểu bang là Jonathan Paton và hai đối thủ khác trong kỳ bầu cử sơ bộ bên đảng Cộng Hoà. Tại tiểu bang Colorado, ông Scott Tipton đang đi vận động với phe Tea Party trong cuộc tái đấu với đương kim dân biểu John Salazar tại đơn vị số 3, vốn là nơi mà những cuộc biểu tình do phong trào Tea Party phát động đều thu hút đông người đến dự.
Tại tiểu bang Maryland, ông Charles Lollar cũng đang vận động giành sự ủng hộ của cử tri theo phe Tea Party trong cuộc đối đầu sắp tới tại đơn vị số 5 do ông Steny Hoyer của phe Dân Chủ đương nắm giữ, vị đương kim thủ lãnh phe đa số tại Hạ Viện. Và tại tiểu bang Florida, ông Allen West cũng được sự ủng hộ của phe Tea Party để giành được thắng lợi ở vòng sơ bộ tại đơn vị số 22.
LỢI BẤT CẬP HẠI
Hầu hết các chuyên gia phân tích thời sự, và kể cả một số các nhân vật cao cấp trong đảng Cộng Hoà tuy không muốn nêu tên, đã phải công nhận rằng sự chiến thắng của nhiều khuôn mặt được sự ủng hộ mạnh mẽ của phong trào Tea Party hiện nay, nhiều phần có thể đem lại những thất bại sau đó trong kỳ bầu cử tổng quát vào đầu tháng 11. Lý do chính là vì đa số cử tri, trong đó có nhiều thành phần độc lập theo khuynh hướng ôn hoà, thường không sẵn sàng chấp nhận những chính trị gia mới nhập cuộc với những lập trường quá khích. Do đó, giới cử tri này có thể chịu chấp nhận bỏ phiếu cho những nhân vật cũ dù rằng họ không mấy hoàn toàn hài lòng, còn hơn là muốn “thử lửa” với những khuôn mặt xa lạ, mới dấn thân vào chính trường với những chủ trương đòi xoá bỏ những gì hiện hữu để thay đổi, thường là có phần quá hăng say đến dễ trở thành quá khích.
Chẳng hạn như trường hợp tại tiểu bang Delaware với chiến thắng bất ngờ của bà Christine O’Donnell mới đây. Nhà báo Holly Bailey, trong một bài viết đăng trên diễn đàn Yahoo! News đề ngày 15-9 vừa qua, đã thuật lại lời nhận định của một viên chức cao cấp và kỳ cựu của đảng Cộng Hoà đã thú nhận với diễn đàn truyền thông The Upshot khi bình luận về chiến lược của đảng: “Quả tình rất khó cho chúng tôi thấy một hướng đi trước mặt. Dĩ nhiên, chúng tôi không bao giờ nói rằng mình sẽ không bao giờ giành được chiến thắng tại đây, nhưng mà con đường trước mặt càng khó khăn hơn cho chúng tôi kể từ sau đêm nay.”
Lý do của sự bi quan của nhân vật này là vì một cuộc thăm dò dân ý của cơ quan Public Policy Institute cho thấy là chỉ có 31% cử tri tại tiểu bang Delaware tin rằng bà O’Donnell “có đủ khả năng và xứng đáng” để đảm nhiệm chức vụ nghị sĩ liên bang đại diện cho tiểu bang này. Cuộc thăm dò này cũng cho thấy là bà O’Donnell đang thua điểm đối thủ Chris Coons của phe Dân Chủ đến 26 điểm, dẫu rằng trong bối cảnh hiện nay uy tín của phe Dân Chủ cũng chẳng thể được coi là sáng giá.
Sau kết quả thắng cử vào đêm thứ Ba 14-9, Uỷ Ban Vận Ðộng Tranh Cử của Ðảng Cộng Hoà ở Thượng Viện đã đưa ra một thông cáo khen ngợi thành quả này một cách lịch sự nhưng rất yếu ớt, có phần hơi miễn cưỡng. Tuy nhiên một viên chức của đảng đã nói với phóng viên của đài truyền hình Fox News rằng đảng Cộng Hoà sẽ không có dự định đổ tiền vào cuộc chạy đua sắp tới tại tiểu bang này. Nếu diễn giải một cách bình dân, thì Trung Ương Ðảng Cộng Hoà hiện nay không tin tưởng vào khả năng chiến thắng tại đây và chẳng dại gì bỏ tiền ra vào cuộc chạy đua này. Cho dù rằng phe Tea Party Express, một nhánh của phong trào Tea Party vốn quy tụ nhiều nhóm, tổ chức ô hợp và không chịu đặt để dưới một sự chỉ huy trung ương, đã chi ra khoảng $250,000 Mỹ kim để ủng hộ cho bà O’Donnell trong kỳ bầu cử sơ bộ vừa qua. Nhưng liệu phe này có còn tiếp tục ủng hộ dồi dào cho bà O’Donnell sắp tới hay không thì đó là chuyện về sau, nhưng riêng đảng Cộng Hoà thì tuyệt nhiên không muốn dính vào.
Sự khác biệt giữa chiến thắng của bà O’Donnell tại Delaware với các chiến thắng của nhiều ứng viên theo phe Tea Party tại nhiều nơi khác nằm ở chỗ là vì bà ta ra tranh cử tại một tiểu bang có truyền thống từ xưa đến nay luôn bỏ phiếu cho những ứng viên có lập trường ôn hoà. Tại nhiều nơi khác, các ứng viên sau khi đắc cử ở vòng sơ bộ, luôn tìm cách trở về với lập trường trung dung để mong giành được nhiều ủng hộ của cử tri trên toàn vùng, bao gồm luôn cả những cử tri độc lập và không trung thành với đảng nào. Ðó là trường hợp đã xảy ra với những ứng viên bảo thủ của phe Tea Party như bà Sharron Angle tại tiểu bang Nevada và ông Rand Paul tại tiểu bang Kentucky, hoặc như của ông Marc Rubio tại tiểu bang Florida, sau khi thấy ông Charlie Crist đã nhảy ra ứng cử với tính cách độc lập thay vì đại diện cho đảng Cộng Hoà.
Nhưng trường hợp của bà O’Donnell có phần khác biệt, vì bà nhất quyết không trở về con đường ôn hoà trung dung. Và bà ta cũng chẳng màng đến sự chê bai của các viên chức cao cấp của đảng Cộng Hoà. Trả lời câu hỏi của phóng viên đài truyền hình CNN, bà Christine O’Donnell đã phát biểu về những nhân vật này như sau: “Nếu như bọn họ (những viên chức lãnh đạo của đảng Cộng Hoà) quá lười biếng và không chịu bỏ công sức vào cuộc bầu cử sắp tới để giúp cho chúng tôi thắng cử, thì mặc kệ họ, chuyện đi đến đâu cũng được.”
Ðó chính là lý do vì sao mà các viên chức cao cấp của đảng Cộng Hoà đã không thể ủng hộ cho bà ta, và vì sao mà họ hết còn tin tưởng vào khả năng chiến thắng sau cùng của các ứng viên của phe Tea Party đã chiến thắng trong vòng bầu cử sơ bộ từ đầu năm đến nay.
Mai Loan
Mailoan74@yahoo.com
Houston, Texas 27-09-2010