Thứ Ba, 28 tháng 9, 2010

Sao Chùa Mãi Im

Nguyễn Văn Thà

”Con người, không phải là tâm điểm tĩnh của Thế giới
– như người ta tin tưởng bấy lâu nay;
nhưng là trục và mũi tên của sự Tiến hoá.”
Le Phénomène humain - Hiện tượng người, 1965 (tr. 24)1
Pierre Teilhar de Chardin,
linh mục dòng Tên, triết gia,
khoa học gia ngành cổ sinh vật học.


Hùng không phải là người ngoan đạo. Cái không ngoan đạo của anh chẳng dựa trên một chủ thuyết nào, mà trên những miếng đọc lơ mơ và cũng vì chây lười. Hùng lại vừa mới cưới vợ. Chàng năm mươi, nàng ba mươi. Nàng sùng đạo, đạo Phật. Nàng còn là bác sĩ y khoa tốt nghiệp đại học y dược thành phố HCM, Việt Nam; chàng, công nhân lò đốt rác thâm niên của sở vệ sinh Kyoto (Kinh Đô), Nhật Bản.

TT Ngô Đình Diệm đang thăm một trại tị nạn (ấp chiến lược, dinh điền?)
tháng Năm, 1956, ảnh báo Life, John Dominis.
Diệp qua Nhật đúng vào mùa đông. Những ngày đông chí ở đây, cũng là dịp Tết về ở miền Nam nước Việt, nơi chẳng hề có tiết xuân. Tết ở đây mọi sự càng giả hơn, từ cảnh trí, người ngợm cho tới cành mai. Ở một đất nước Tết nguyên đán bị loại bỏ đã hơn trăm năm, từ năm 1873 thời vua Minh Trị, cảnh Tết nhất của người Việt nơi đây thiệt giống như anh hề nghiện nặng. Gần Tết mẹ nàng bên nhà gọi qua, hỏi bên đó có chùa Việt Nam nào để đi không; năm nay bà sẽ cùng các cô, các dì của Diệp đi thăm hai mươi ngôi chùa, cũng có thể hai mươi mốt nếu chùa Bạch Vân khánh thành trước Tết. Như đã nói trên Hùng không phải là người ngoan đạo, đạo Công giáo, lại càng không thích gì đạo Phật, vì, theo anh, chính đạo Phật Việt Nam đã gây ra vụ đảo chánh giết chết tổng thống Diệm, người đã đích thân ban cho Hùng chiếc bánh trung thu, nhân dịp trung thu hồi Hùng còn nhỏ, ông về thăm ấp chiến lược, thăm trường tiểu học của Hùng. Cái bánh trung thu đầu tiên trong đời, thơm tho, ngọt lịm và vàng óng. Sau này Hùng được nghe một số vị trong hội cựu quân nhân nói và chính anh đọc là biến cố phật giáo ấy khởi đầu bằng chuyện đòi treo cờ của một tôn giáo mà yếu chỉ dựa trên chữ Vô, biến cố mà những tay vót chữ của phật giáo Việt Nam vót thành tên pháp nạn ấy, đã dẫn tới cái chết thê thảm, man rợ trên mọi man rợ, báo hiệu cho những thê thảm, man rợ về sau, còn do nhiều nguyên nhân khác. Nhưng những cuộc biểu tình dai dẳng của phật tử ngày xưa đó, và ngày nay, đã hơn bốn mươi năm sau, đã qua thế kỷ 21, nhiều kẻ, nhiều cơ quan truyền thông của cộng đồng người Việt hải ngoại, mà đa phần chủ nhiệm, chủ bút, tổng thư ký là phật tử, hoặc có gốc phật tử, vẫn trắng trợn xưng tụng, hoặc khéo léo cho chuyện đảo chánh dẫn tới thảm sát ấy là đúng vì kẻ độc tài, gia đình trị, kỳ thị tôn giáo, thậm chí là phiến cộng đó đã không thỏa mãn những đòi hỏi mè nheo, ăn xổi của những người như họ, tất cả cho thấy lý sự phi pháp cũ vẫn được họ nạm vàng, đánh bóng, ôm vào lòng và hãnh diện đem khoe như một kỳ tích. Phật giáo được chiều chuộng xuyên suốt các triều đại Việt Nam, nay không vừa lòng một chút thì đạp cho đổ. Phụng phịu đạp cho đổ. Hoặc như ông anh rể của Hùng đập vú mắm cho đã nư giận khi anh ta xỉn xỉn ra vú mắm chưa chín chắt nước mắm nhỉ để chắm xoài tượng nhậu đế với chùm bạn, mà không có, bèn đập luôn vú mắm, để rồi về sau phải xách chai đi mua nước mắm. Nhưng không phải phật tử nào, không phải nhóm phật tử nào cũng đấu tranh như thế. Tuyệt đại đa số phật tử Việt Nam ở miền quê, và họ không biết, mà cũng chẳng cần biết những chuyện đấu tranh trời ơi đất hỡi của một nhúm phật tử thị thành: cờ tôn giáo, đạo dụ tôn giáo mốc meo. Tôn giáo của người dân quê xứ Việt là con cái, hay, nói cụ thể hơn, chén cơm, khúc cá và mái trường cho con cái. Nghe thì nghe vậy, biết thì biết vậy, nhưng cái vị ngọt còn đọng, mùi thơm còn phảng phất và vỏ vàng ruộm của cái bánh trung năm nào tới nay vẫn còn ánh trong đầu Hùng không cho Hùng suy nghĩ khác được, không thể làm cho Hùng có cảm tình với đạo Phật được, nhất là khi cái bánh trung thu ấy được nhân lên nơi những năm an bình cha mẹ làm ăn khấm khá, Hùng được bình yên đi học. Lại còn đôi mắt từ phụ của ông tổng thống hôm đó.
Lối đi hoa sơn lựu (rhododenron).
Diệp đòi đi chùa, Hùng ngần ngừ, tính nói thôi, nhưng không nỡ. Ngần ngừ lâu đâm mệt, Hùng bấm máy đọc bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp mấy chục lần, lúc đó mới đủ công lực đưa vợ đi chùa, nhưng khác với cảnh đi thuyền, trèo núi trong bài thơ, anh đưa nàng bằng xe hơi cà tàng của chàng trên xa lộ cao tốc. Chạy được nửa đường, Hùng bắt chuyện:
- Em biết ông thầy tụ trì chùa pháp danh là gì không?

- Sao em biết được! Chắc là một pháp danh chữ Hoa nào đó.

- Không, pháp danh của ổng không phải là chữ Hán mà dân thường mới nghe đã phát mệt.

Hùng chưa kịp nói ra cái pháp danh của ông thầy chùa, Diệp đã cào láng ngay:
- Anh gì cũng bôi bác.

- Thì pháp danh ông thầy nầy là Mây Hồng. Nghe khác thường ở chỗ đáng lẽ là bình thường… Anh là công nhân đốt rác mà. Công nhân đốt rác như anh thích nghe cái gì hiểu liền.


Một vườn cát đá (sa thạch viên) Nhật Bản.

Nàng nổi cơn:
- Hốt rác là hốt rác. Đó là sự thật.

- Đốt rác chớ không phải hốt rác.

- Thì mấy thứ vào đó. Đường nào mà chẳng dẫn đến Mát cơ va.

- Không phải sự thật nào cũng xài được, lúc nào xài cũng được. Người Tây phương…

Một nữ tu dòng Nữ Tử Bác Ái với người cùi ở Di Linh.
Lúc này nàng bốp chát loại việt kiều tị nạn bằng máy bay:
- Anh lại lý sự vụn nữa rồi, hèn chi nghèo mạt rệp; hèn chi người ta có mẹc, có bê em vê, còn anh, xe sắp phải nằm nghĩa địa… - Rồi còn hếch mặt nhìn Hùng - Nhà thì bằng lỗ mũi, lại còn chất đầy sách rác.

- Em à. Sách người ta quẳng vào đống rác, không có nghĩa là sách không có giá trị. Đôi khi đó là gia sản chắt chiu một đời của ông, bà cụ nào đó, khi qua đời, con cái thừa kế súc sinh nào đó, quẳng đi cho đỡ chật nhà, dại gì không lượm.

- Hễ đụng tới sách là anh bênh chằm chặp rồi còn chửi người ta súc sinh.

- ……

- Lúc nào cũng sách cũng sách, bộ đưa sách vô nồi mà nấu được sao?

Công lực mấy chục lần tụng bài thơ Chùa Hương tới lúc này trốt cái rựt khỏi đầu anh. Nhưng cuộc cãi vã về cái không được như người ta, về cảnh sống mà Hùng cho là đầy đủ và hạnh phúc chán, xảy ra khá thường xuyên, và to tiếng, làm những người láng giềng người Nhật không biết bao nhiêu lần đã mở cửa ra nhìn, có kẻ còn cầm sẵn điện thoại lăm le gọi cảnh sát can thiệp.

Cái nhịp thơ nhí nhánh, thấp thoáng tiếng vàng anh, hoà lẫn với cái linh thiêng, trầm lắng trong Chùa Hương biến vào vùng xây xẩm. Hùng nhăn mặt, tính quay xe về nhà, tới đâu thì tới, nhưng xa lộ khúc đó không có chỗ quay. Và khi xe sắp tới chỗ quay, thì cũng đã gần tới chùa. Mái chùa, mà ai đó nói, là cái thiện của làng, bỗng trở thành một đồng minh đáng ghét của vợ chàng, hiện ra.

- Ông thả tôi xuống đây, rồi ông về với sách của ông đi.
Chàng, chẳng biết sao, bỗng trầm giọng xuống như một hiền giả giốc lòng cứu nhân độ thế:
- Bình tâm lại đi. Đi vào lạy Phật, tụng kinh cho thiện lại cái tính.

Nàng hậm hực mở cửa xe, bước xuống:
- Thôi, ông về đi.

Nhưng lúc đó ông thầy chùa, sao đó, đang đứng trước cổng chùa. Ông thuộc loại người trẻ mãi không già. Ông thấy hai người đến, cười tươi, chạy đến tay bắt tay, Diệp trước, Hùng sau. Diệp tươi trở lại:
- Xin chào thầy.

- Xin chào anh chị… Anh chị tới viếng chùa lần đầu?

- Vâng, tôi không phải là phật tử, nhưng vợ tôi đây là phật tử thuần thành mới ở Việt Nam qua, nóng lòng được viếng chùa, lễ Phật đã lâu, nay mới đi được. Còn tôi, tôi nghe danh thầy đã lâu, nay mới được gặp.

Thầy Mây Hồng cười:
- Danh gì mà danh anh!

Hùng hụt hẫng:
- Không, không. Ý tôi muốn nói biết thầy tụ trì ở đây đã lâu, nay mới gặp được thầy.

- Hân hạnh. Thôi mời anh chị vào lễ Phật.  

*** 

Ở thành phố Trondheim, Na Uy, từ giữa thập niên bảy mươi đã có quán bán đồ Việt Nam. Chủ quán là hai vợ chồng trung niên. Ông chỉ làm sổ sách và xếp hàng sơ sơ, bà ngồi quầy tính tiền, các công việc khác có những người giúp việc, thường là những sinh viên Việt Nam du học cần kiếm tiền thêm. Ông có vẻ nho nhã, bà hiền thục. Khách hàng ai cũng mến vì cái hòa nhã của hai ông bà và vì giá cả cũng không đến nỗi nào.


Tên quán là Lien, khiến người ta nghĩ ngay đó cũng là tên bà chủ. Nhưng nghe người ta vẫn gọi bà là bà Năm, còn ông là ông Tư. Lien cũng có nghĩa là lối đi theo tiếng Na Uy. Quả vậy, quán Lien nằm trên một lối nhỏ loanh quanh có hoa sơn lựu, loại hoa nở khắp núi rừng xứ Phật, viền quanh trong thành phố một thời là kinh đô vương quốc Na Uy. Người Việt đến mua hàng và thích chuyện trò với ông bà. Lien cũng có thể là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, vì ông bà có vẻ sùng đạo Phật, và ông nói về Phật một cách nhẹ nhàng mà thú vị cho những người bình thường muốn nghe, nhưng với những người hiểu biết ông lại nói về kinh Hoa Sen đó với tất cả say mê và sâu sắc. Trong những buổi nhậu nho nhỏ với các trí thức, những người cầm bút do ông mời, ông lắng nghe họ nói về quá khứ hào quang của họ và những dự phóng tương lai không kém phần huy hoàng cho Việt Nam, cho cộng đồng người Việt. Ông chỉ lắng nghe và tiếp rượu, mỉm cười nhã nhặn, cùng lắm góp những ý vô thưởng vô phạt. Nhưng sau này, trước ngày ông bà thôi bán quán một thời gian, ông bày tỏ sự chán ngán chuyện chính trị, chán cảnh tranh chấp của các hội đoàn người Việt, sự kiểm duyệt của các kẻ làm báo ở hải ngoại, sự ca ngợi một chiều các vĩ nhân của phe họ, sự họ loại những bài có suy nghĩ khác họ, nhưng lại chê bai, mạt sát chính quyền miền Nam ngày trước kiểm duyệt, đục bỏ mà họ cho là xâm phạm tự do ngôn luận, báo chí, xỉ vả chính quyền cộng sản trong nước hiện nay về những chuyện bưng bít thông tin, dè bĩu các người cầm bút cộng sản là bọn bồi bút. Ông khinh bỉ trình độ nhận thức về tư tưởng nhân bản, tự do của họ, dù đang sống ở những xứ sở cực kỳ văn minh thế kỷ 21 họ còn thua thời Tiền Phục Hưng đen tối thế kỷ 12 ở Âu châu về mặt này rất nhiều; chính cái đầu óc hủ nho này và cũng không kém, cả đầu óc xôi thịt của họ, của những người đàn anh họ đã góp phần rất lớn trong việc dẫn đến một đất nước điêu linh hiện nay; thế mà họ, hai thế hệ trí thức, vẫn chưa chịu mở mắt, vẫn hãnh tiến chẳng thua gì quan lại thời vua Tự Đức mà bọn họ tiếc không sinh ra cùng thời để được làm Nguyễn Trường Tộ. Ông Tư cũng hối hận về phần mình. Những bạn văn, ai cũng tròn xoe mắt nhìn ông, vì có lẽ chuyện sám hối không nằm trong truyền thống của người trí thức Việt Nam xưa cũng như nay. Họ xa ông dần, rồi xa hẳn. Và ông, ông đành vậy. Thay vào những cuộc họp nhóm bạn nay không còn là bạn nữa, ông đọc kinh phật nhiều hơn, và nghỉ hè hẳn một tháng đi du lịch, thực ra đi hành hương các phật tích và các chùa ở các nước có truyền thống Phật giáo lâu đời trên thế giới, thường là vào tháng Mười Một, theo như bà Năm ở nhà, nói là tháng tối tăm nhất trong năm và là tháng ế khách. Còn có điểm đáng chú ý là ông rất vui khi có những sinh viên Việt Nam sang du học đến quán, ông hỏi thăm, trò chuyện, ông giúp đỡ kiếm nhà thuê giá rẻ, bán đồ ăn rẻ hơn thường, ông cũng tử tế cả với những tay nghiện ma túy người bản xứ co ro, thều thào vào xin ăn, những kẻ mà ngay người Na Uy cũng xua đuổi, không muốn họ đến gần, nói chi người Việt cao quí, đến nỗi bọn họ gọi ông bà là pappa, mamma.

Và như nói trên, ông bà chủ quán Lien bán hàng khá rẻ. Nhưng rẻ là so với hàng ở các tiệm Na Uy, nhưng nếu so với giá hàng Á châu những năm sau này, khi có các tiệm người Việt Nam khác mở tiệm cạnh tranh, thì giá cả hàng lúc đó, trong hai mươi năm ông bà gần như là độc quyền bán đồ ăn Việt Nam, thì giá quá cao, ví dụ, giá một ký tôm cao gấp bảy lần. Rồi còn với sự giúp đỡ của ông Erik Torgensen, một người thời chiến tranh Quốc - Cộng ở Việt Nam, là chủ tịch Phong Trào Việt Nam ở phân khu Trondheim, đấu tranh chống sự xâm lăng của Goliath Mỹ, và ủng hộ tích cực David Việt Nam, một Việt Nam của Hà Nội và MTGPMN, khi làn sóng người tị nạn vượt biển lớn, dữ trên những chiếc thuyền nhỏ bé, mong manh trốn chế độ mà ông đã hết mình ủng hộ, ông thay đổi ngay thái độ, và như để chuộc lại tội ác của mình đó – chữ của ông Erik trên một bài nghiên cứu về Việt Nam thời hậu chiến trên báo Morgenbladet – ông đã sám hối – cũng chữ của ông Erik – và tận tình giúp đỡ những người Việt tị nạn trong bất cứ vấn đề giấy tờ gì, từ cách khai thuế, đến đầu tư kinh doanh, một lãnh vực mà ông rất rành. Ông Tư đã được ông Erik giúp đỡ tìm nguồn cung cấp hàng gốc từ Thái Lan, ngay từ những ngày đầu tiên có người tị nạn Việt Nam đến Na Uy, mà không phải qua trung gian nào khác ở Na Uy hay từ các nước khác ở Âu Châu.

Hai mươi năm ấy biết bao nhiêu tiền, nhưng tới lúc đùng một cái ông bà sang cửa tiệm. Ông bà, theo chính lời họ, sẽ về Việt Nam vui thú chùa chiền.

Cũng đáng cho độc giả lưu ý là hai ông bà tới lúc đó không có con cái gì với nhau.

***
Ở Kyoto, người ta cổ động việc xây một ngôi chùa cho đồng bào phật tử Việt, mà cái dân Việt mình, đâu cũng vậy, dù cho mục đích cao cả cách mấy, thì tiền họ đóng góp chỉ là bạc cắc, cho nên có đủ tiền mua đất, mua vật liệu, thuê xây chùa, một ngôi chùa coi được, ở một đất nước giá sinh hoạt mắt nhất thế giới như ở nước Nhật, lại ở giữa Kyoto, là chuyện bất khả, lực mãi mãi bất tòng tâm, có mà đến tết Ma rốc. Thế nhưng ngôi chùa vẫn được xây dựng và hoàn thành; bề thế, rộng rãi; và vị sư tụ trì đầu tiên là thầy Mây Hồng. Chùa được đặt tên là Chùa Diễm, hay En Ji エンジ theo tiếng Nhật, hay Diễm Tự theo âm Hán - Việt. Bức hoành phi treo trên tam quan chùa với tên chùa chữ quốc ngữ và với dạng chữ katakana như trên, mà không có chữ kanji kèm theo như thông lệ, do chính thầy viết, khắc và thếp vàng là một tác phẩm nghệ thuật thư pháp với nét bút đơn giản mà mạnh mẽ. Mảnh vườn cát đá của chùa không có những đường rãnh cào hài hoà, mang bình yên cho lòng khách vãn cảnh, theo đường nét cổ điển vườn cát đá Nhật, mà là những lượn sóng quằn quại như nét vẽ của Van Gogh; hay cuồn cuộn dáng rồng sắp linh hiển lên từ biển sâu thẳm. Một số thiện nam, tín nữ xầm xì, hay trực tiếp phản đối chuyện đặt một cái tên trần trụi, không được nghiêm chỉnh cho lắm như thế cho chùa nhưng chẳng ai lay chuyển được ý thầy.

***
Diệp hay bực bội, gây gỗ chuyện Hùng nghèo, không có địa vị, nhưng không vì thế không thích vòng tay ôm mạnh khoẻ của anh công nhân đốt rác, hay những đêm dài nằm im ấm áp trong lòng anh nghe anh nói đủ thứ chuyện mà anh nghĩ cô nàng có căn cơ để nghe. Những lúc như thế nàng đúng là cô bé chùa Hương thương văn nhân. Anh kể chuyện anh thời đi học, thích học ngôn ngữ, thích nhất những giờ khảo sát và bình văn la tinh, một ngôn ngữ có cấu trúc chặt chẽ, chính xác không ngôn ngữ nào hơn được.

- Hiệp định Ba Lê mà viết bằng tiếng la tinh, lại là thứ la tinh ngắn gọn, chính xác, với văn phong nhà binh như văn của Julius Cæsar trong Commentarii de Bello Gallico - Bình luận về Cuộc chiến chống rợ Gôloa, thì tụi Vẹm khó mà bày trò lươn lẹo được.

Nàng bênh ngay gà nhà:
- Anh, cái gì của cách mạng, cũng chê!

Chàng chưa kịp nói gì, nàng đã xuýt xoa:
- Em nghe nói sinh viên y khoa trước giải phóng, có học tiếng la tinh, không biết sao bọn em chẳng được học. Tiếc thật.

Cũng có những đêm anh kể những chuyện từ những cuốn sách mà nàng khi lên cơn gọi là sách rác theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: những chuyện tình vĩ đại mà cảm động, chuyện những thi nhân lãng tử như Lý Bạch, Ba Tiêu, hào sảng như Cao Bá Quát, tài khổ Nguyễn Du, chuyện hiệp sĩ đông tây, chuyện những con người suy nghĩ khác người, trước người như ông Ngô Đình Nhu, và làm khác người như chuyện giám mục Jean Cassaigne, đang làm tổng giám mục Sài Gòn, đã xin bỏ chức vụ đi phục vụ các người cùi ở Di Linh. Khi nghe kể tới đây, mắt nàng sáng lên trong đêm:
- Em có lên đó tham quan một tuần như một phần của chương trình học năm cuối.

- Em có thấy mộ của đức cha ở đó không? Ngài phục vụ ở đó, và khi chết, xin được chôn giữa những người cùi.

- Không, không ai nói tới vụ đó cả.

- Thì nước mình trong thời đại này có quá nhiều anh hùng giỏi giết người, lấn át hết những người cứu người…

Nàng lần đầu tiên nói một câu rất việt kiều tị nạn:
- Ừ, anh nói đúng đó.
Được thể, anh bóp vú nàng, cười:
- Có muốn anh kể tiếp về đức cha Jean Cassaigne nữa không, hay là chúng mình thương nhau rồi ngủ?

- Anh này tào lao, đang nói chuyện cao thượng…

- Ừ… ừ… Anh đọc trong Reader’s Digest, một nguyệt san có uy tín của Mỹ, số nào anh quên rồi, nhưng ký giả bài báo kể là một hôm đức cha Jean Cassaigne đi máy bay, ngài đã gặp một cô chiêu đãi viên hàng không xinh đẹp, nữ tiếp viên hàng không vốn đẹp, nhưng cô này đẹp nhất, cực kỳ xinh đẹp. Khi cô đứng trước ngài, ngài đã phải thốt lên: ”Cô ơi, cô có biết cô đẹp biết bao không? Ôi, Chúa đã ban cho cô một nhan sắc tuyệt mỹ.” Vị giám mục ngước mắt lên như nửa nhìn một tạo vật đẹp đẽ trước mắt mình, nửa hướng mắt cảm tạ Đấng Tạo Hoá đã tạo nên nhan sắc tuyệt mỹ đó. Rồi ngài buồn bã nhìn xuống như…

- … đang nghĩ tới những thân thể thương tích, nhầy nhụa, hôi hám ở trại cùi - Diệp nối lời.

- Đúng rồi. Và em biết kết cục ra sao không?

- Thì ông cố đi đường ông cố, người đẹp đi đường người đẹp. Cùng lắm thỉnh thoảng cô ta gởi giúp trại cùi vài trăm đô la.

- Không, không, không. Cô ta sau đó đã tình nguyện theo đức cha về trại cùi giúp đỡ người cùi mấy chục năm trời, và chết ở đó, giữa những người cùi… Hành vi lạ lùng đó của đức cha làm rúng động lòng cô ngay, nhưng chắc chắn sau đó hai người đã trao đổi thêm và cuối cùng dẫn cô tới một quyết định như vậy.

- Thiệt như tiếng sét ái tình!

- Đúng vậy, cô đã bị tiếng sét Tình Yêu Cao Cả. Mà nói chuyện gì cho xa xôi, anh có thằng bạn hiện đang định cư ở Pháp, tốt nghiệp đại học thể thao, cao ráo, điển trai, có cô vợ mới cưới, khi vượt biên, cô ta không chịu đi cùng. Cô nói với chồng là với cái nghề giáo dạy tiếng Anh của cô, ở Việt Nam, các em học trò cần cô hơn là đi qua nước ngoài, nơi chẳng ai cần mình. Tới nay hai người vẫn ở hai nước, mỗi năm thăm nhau một lần, mấy chục năm nay rồi.

- Vâng.

Và nàng thở dài thăm thẳm. Tiếng thở dài hoá giải hết ít nhất trong chốc lát những chuyện mâu thuẫn trong ngày. Anh bỗng đâm tội nghiệp, và trong một thoáng cảm thông với nàng: có thể vì nàng đã vất vả, quằn quại bảy năm chốn trường ốc với chương trình học ôm đồm, lối học từ chương nhồi nhét, lại ăn uống kham khổ, nên cuồng chữ, và từ bé đến lớn phải giành giựt để sống, để được đi học giữa một xã hội thô bạo, thực dụng ra rã đồng tiền là Tiên là Phật, là cân công lý, nên lắm khi đã trở nên điên loạn, nói năng dung tục với anh.
Nhưng gì thì gì anh đã quá mệt mỏi. Gần ba năm hai người ăn ở với nhau, Diệp đi học, Hùng đi làm thì thôi, hễ giáp mặt nhau là có chuyện khắc khẩu, tuy cũng có những đêm tâm tình thú vị như vừa kể. Họ là đam mê và là thống khổ của nhau. Đã có những lúc Hùng muốn li dị, nay anh đã có tuổi, anh cần sống bình yên phần còn lại của đời, không cần sung sướng nhiều, tình dục cũng như ăn uống, qua quýt là được, chỉ cần bình yên đọc một cuốn sách, xem một cuốn phim đằm thắm tình người trong đêm, dạo rừng tuyết phủ, trèo đồi hương, nghĩ ngợi mông lung về những bước chân đời mình, về đất nước điêu linh tội nghiệp. Nàng cũng chán lắm chuyện suốt ngày, suốt tháng cãi lộn, vô ích, hao tổn sức khoẻ, phung phí thời gian.

Thời gian sau này nàng đi chùa nhiều hơn, đi một mình. Nàng thích, mê nữa là khác, và chàng khuyến khích, dĩ nhiên. Đi càng lâu càng tốt. Nàng từ đó vui dần, cũng có nghĩa những trận chiến cửa miệng giảm dần, rồi cả tuần không một lần cãi nhau, rồi một tháng, rồi ba tháng, rồi sáu tháng. Chùa là cái thiện của làng, thiệt đúng y!

Nhưng rồi một hôm chùa cháy, không còn chỗ cho nàng viếng chùa, lạy Phật. Xem ra chuyện chùa cháy không ảnh hưởng gì nhiều tới nàng. Khi Hùng hỏi chùa cháy nàng có buồn không, nàng mỉm cười trả lời như một thiền sư đã ngộ đạo: “Phật trú tại tâm, chứ nào trú tại chùa.”

Và khoảng năm tháng sau ngày chùa cháy, nàng biệt tích.
Cảnh sát căn cứ vào những chứng từ từ những người hàng xóm lắm chuyện vốn đã nghe hai người cãi nhau, cảnh sát tình nghi Hùng đã thủ tiêu vợ. Cảnh sát còn trâng tráo cho xét nghiệm lại tro đốt rác từ lò đốt rác thành phố để tìm vết tích, vì chàng làm nghề đốt rác ở đó, dù họ biết rằng với cái lò thiêu rác vĩ đại, và hiện đại, do đó hiệu quả cao, ở Kyoto, chuyện kiếm ra một vết tích xương của một sinh vật đã khó, nói chi khẳng định đó là tro người, tro của Nguyễn Thị Hồng Diệp. Họ đã dùng rất nhiều tiền để làm chuyện đó. Chắc là những tít lớn liên tục trên báo chí bắt họ làm như vậy. Có báo còn viết là chính quyền sở tại mà các đảng có chủ trương chống người nước ngoài đang có đa số ghế, đã hoan hỉ chi thêm tiền để sàng sảy tro rác hầu kiếm cho ra tro xương người, người đàn bà người nước Bê tô nàn ấy, vì mùa bầu cử các hội đồng quản trị địa phương sắp tới.

***

Trong một buổi trò chuyện giữa các bạn văn ở Nhật, nhà thơ quân đội Bách Cung, vốn trước làm ngành cảnh sát thẩm vấn, nhưng sau này là nhân viên điều tra đầy uy tín của hãng bảo hiểm Yamamoto vì đặc biệt anh đã phanh phui hàng chục vụ người Việt ở Nhật đốt nhà, đốt tiệm để lãnh tiền bảo hiểm của hãng này, đến nỗi có kẻ hăm thanh toán anh, cho biết là hôm đến hiện trường chùa Diễm bị cháy, anh đã thấy và gom về nhiều sách báo, tài liệu cháy còn sót lem nhem, lấm láp, chỗ đọc được chỗ không, trong đó có những trang nói về thời sinh viên đấu tranh lật đổ Đệ nhất cộng hòa, và những tấm ảnh của nhóm sinh viên đấu tranh, trong đó có ảnh nhóm sinh viên chụp trước trường đại học y khoa Sài Gòn, tiếc là ảnh nhỏ và cũng lem nhem, lấm láp, khó nhận diện rõ được, rồi những tài liệu sau này liên quan tới chuyện móc nối văn nghệ sĩ ở nước ngoài bằng những hứa hẹn, những chuyến du hí về Việt Nam, và những biên lai chuyển ngân cho những hãng cung cấp hàng hóa ở Thái Lan, biên lai chuyển khoản từ một cơ quan Vietnamwave, sau này lộ chân tướng là một cơ quan kinh tài của Việt cộng ở nước ngoài, cho Nguyễn Khắc những năm đầu, và những năm sau chuyển ngược lại từ Nguyễn Khắc đến Vietnamwave. Được một thời gian, chuyển khoản ngược bị ngưng – hay biên lai chuyển khoản về sau bị cháy, anh Bách Cung cũng không rõ. Và anh Bách Cung cũng cho biết trong giấy tờ sở hữu người sở hữu trên pháp lý ngôi chùa lại là Nguyễn Khắc. Anh Bách Cung nói thêm: ”Sau khi khảo sát tài liệu cháy sót và giấy tờ hộ tịch, giấy sở hữu nhà đất của ông ta được cấp ở Nhật thì tôi khẳng định Nguyễn Khắc là Mây Hồng, alias Mây Hồng, chứ không ai khác. Và tôi cho là ông thầy chùa này vốn là sinh viên đấu tranh và là cán bộ trí vận của Việt cộng trước bảy lăm, sau là cơ sở của Việt cộng ở hải ngoại và đã làm kinh tài cho cộng sản lâu năm. Ngụy tạo, lén lút là nghề của Vẹm mà! Còn chùa cháy, là do đốt. Do Việt Cộng cơ sở hải ngoại đốt để trừng phạt chuyện hắn đào ngũ? Nhưng cộng sản Việt Nam có nhiều lợi ích to lớn ở Nhật, từ Nhật, không dại gì họ làm như thế, ở một nước Phật giáo rất có thanh thế. Hay do chính Nguyễn Khắc? Nếu do chính Nguyễn Khắc, thì tại sao y đang buôn bán lại đi tu, rồi xây chùa, lại đốt chùa? Trong khi thẩm vấn Nguyễn Khắc, tôi cũng nói cho ông ta biết: ‘Dù người Nhật vốn kính trọng các tăng ni, và nhất là ông là một vị tăng được họ kính trọng vì đức độ và tài năng nổi tiếng trong những năm tụ trì ở chùa này, nhưng tôi có những bằng chứng kỹ thuật xác định đây là một vụ đốt chùa, vì mục đích gì rồi sẽ rõ, nhưng rõ ràng là ông hay ai đó không phải cộng sản, đã đốt chùa. Chuyện điều tra thêm đích thực là ai sẽ không khó.’ Nhưng đồng thời tôi linh cảm có một cái gì đó kỳ bí nơi tay Khắc này, và tôi nghĩ tôi bị cuốn hút vào cái kỳ bí đó biết đâu vì tôi đã sống lâu năm nơi xứ sở của tác giả Kim Các Tự 2 và của những người say mê tác phẩm. Nhưng ông ta vẫn ngồi im như không. Tôi bâng khuâng tự hỏi có phải Nguyễn Khắc vì một cô Diễm nào đó mà ôm lòng yêu cả một đời, rồi còn xây chùa và lấy tên nàng đặt cho chùa, rồi sau này lại đốt đi. Tôi nửa nghi ngờ, nửa bị mê hoặc bởi ông Khắc này, bởi mối tình thủy chung rất mực đó, dù là vẫn còn trong nghi vấn. Hay là ông ta đang thể hiện toàn mãn mình? Lần sau khi thẩm vấn ông, tôi ngồi nhìn ông ta lúc lâu, ông ta nhìn lại tôi, nhìn mà không nhìn; và cả hai không ai nói gì. Phần tôi, tôi sợ tôi nói ra sẽ làm vỡ một nhiệm mầu mỏng giòn, mà quí giá, quí giá cho ông, quí giá cả cho tôi. Tôi không thể làm gì khác hơn, máu thi sĩ đã thắng nghiệp phán quan, và cuối cùng tôi đành liều báo cáo vụ cháy chùa này là do tai nạn. Vì những lí do đã nêu trên, hãng bảo hiểm thông qua vụ việc một cách nhanh chóng. Nguyễn Khắc sau đó đã được bồi thường một số tiền rất lớn cộng thêm tiền bán miếng đất chùa rộng lớn vào lúc thị trường địa ốc ở Kyoto lên tột đỉnh, rồi biến đâu mất tích… Sau này, tôi có gặp cụ Đỗ Hi, một người giỏi cả chữ Nhật lẫn chữ Hán, và là đảng viên kỳ cựu của đảng Đại Việt vốn là cừu địch với chế độ Ngô Đình Diệm, từ bên Mỹ qua Nhật họp đảng, và tôi kể chuyện này cho cụ nghe. Cụ suy nghĩ một lúc lâu, rồi lấy bút viết mấy chữ kanji (Hán tự) và chữ katakana3 , lần lượt chỉ vào từng chữ và giải thích cho tôi: ‘Diễm Tự, hay là En si エンジ, giá mà viết hẳn ra chữ kanji thì không rắc rối lắm, nhưng đây lại viết theo mẫu tự katakana không tượng hình. Chữ ji 寺 là tự, là chùa, thì rõ rồi, nhưng chữ en 艶 âm Hán-Việt đọc là Diễm, nhưng cũng đọc là Diệm, có nghĩa là lộng lẫy, xinh đẹp, là tình yêu, sự lãng mạn…; nhưng âm en còn là âm của một chữ en kanji khác viết hoàn toàn khác với chữ en kể trên, đó là chữ 琰, và có nghĩa là ngọc hoặc ánh lung linh của ngọc, âm Hán - Việt đọc là Diệm, cũng là tên của tổng thống họ Ngô… Cái ông thầy chùa này chắc có một thời là người của đảng Cần Lao, đã lập chùa để thờ minh chúa của y… Và anh có biết không trong tên của tay Nhu 瑈, Cẩn 瑾 cũng như Diệm 琰 đều khởi đầu bằng bộ thủ ngọc 玉 và đều có nghĩa là ngọc quí? nhưng tiếc thay họ toàn là phường kim ngọc kỳ ngoại, bại tự kỳ trung4, bọn hại dân hại nước. Tay thầy chùa này thâm thiệt là thâm, chẳng thua gì phụ chính Nguyễn Văn Tường thủa xưa, chứ không bỡn đâu!” Suy nghĩ một lúc lâu, cụ gãi đầu, nói tiếp: ‘Nhưng tại sao hắn lại đốt chùa thờ minh chúa của hắn… hay là ai đó có oán thù gì đó với người lê máy chém khắp miền Nam, lại hiểu được thâm ý nơi tên chùa, nên mới đốt chùa cho hả giận?’ Tôi đỡ lời: ‘Thưa cụ, cũng có những người bị bệnh thích đốt nhà thì sao?’ Nghe thế, cụ gật gù: ‘Ừ ừ, có thể, có thể.’”

Kim Các Tự

***

Hùng sau một thời gian bị giam cứu, nhưng vì cảnh sát không tìm ra bằng cớ, nên được thả ra, nhưng lại phải vào giam cứu lần nữa khi có người báo là có thấy Hùng, hai ngày trước khi Hùng báo Diệp bị mất tích, đậu xe khoảng mười hai giờ đêm ở một bìa rừng, mà đêm đó lại tuyết đổ dày đặc. Cảnh sát và các người tình nguyện đã rà kiếm khu rừng với chó nghiệp vụ. Rồi chính quyền lại chi thêm tiền để sàng sẩy tro lò đốt lần nữa, nhưng vô ích hoàn vô ích. Hùng trở lại những ngày sống độc thân thú vị, càng thú vị hơn sau khi nếm trải quá nhiều, quá đủ cay đắng của cuộc sống vợ chồng mà anh cho là hằng-số cho bất cứ cặp vợ chồng nào, và kết luận rằng chuyện vợ chồng là trò chơi khăm của Con Tạo.

Một thời gian khá lâu sau nữa anh tình cờ đọc trên mục góp ý bát nháo dưới bài viết về luật sư tù nhân Lê Thị Công Nhân trên trang mạng Bầy Chim Chờ Bão một đoạn góp ý của một độc giả ký là bandanden như sau: ”Tôi ở Mỹ, hè vừa qua có về Việt Nam du lịch và có đến thăm và phụ một tay với các nhân viên của một trung tâm giúp chị em phụ nữ bị bệnh AID – HIV ở thành phố HCM. Trung tâm khá lớn và các chị em, đa số là chị em làm gái giang hồ, được chăm sóc tươm tất; giám đốc là một nữ bác sĩ khá trẻ, xinh đẹp và giỏi vì đã từng tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa da liễu ở Việt Nam và sau đó học thêm bốn năm ở nước ngoài. Tôi cảm phục bà vì sự tận tâm, và nhất là sự kính trọng của bà đối với bệnh nhân. Và bà có vẻ hạnh phúc với công việc, và niềm hạnh phúc của bà cũng mang lại an ủi rất nhiều cho những người đàn bà bất hạnh và bị ruồng rẫy. Khi tôi hỏi trung tâm ai bỏ tiền ra xây dựng, và tài trợ tài chánh điều hành, bà bác sĩ xin phép không trả lời, vì là vấn đề tế nhị. Có điều lạ là, tình cờ khi làm việc với bà bác sĩ tôi thấy nơi trang đầu cuốn nhật ký làm việc của bà có ghi câu chữ gì đó là lạ, viết nắn nót bằng mực kim tuyến, khác với kiểu ”chữ bác sĩ” ở những trang sau, khiến tôi tò mò và trộm ghi lại, nay xin ghi ra như sau: ’Duorum malorum minus eligendum est; duorum bonorum, melius.’ Tôi muốn hỏi bà bác sĩ hàng chữ có nghĩa gì, nhưng thấy ngài ngại, nay ghi lại đây, vị nào biết, xin chỉ giáo.” Ngay sau đó có một độc giả ký tên Tâm viết: ”Tui lúc xưa có học chút ít tiếng la tinh, xin mạo muội dịch câu châm ngôn này: ”’Giữa hai cái xấu, phải chọn cái ít xấu hơn; giữa hai cái tốt, phải chọn cái tốt hơn’. Tui nhấn mạnh và gạch dưới chữ phải, vì cấu trúc văn phạm la tinh trong câu chứa đựng cái ý ”phải” ấy, chứ không dịch là ”nên” được như ta thường thấy trong các bản dịch.” Một độc giả khác phản pháo ngay: ”Phần trước còn hiểu được, phần sau nghe vô duyên, vì cái tốt hơn, ai mà chẳng muốn chọn, cần gì phải dạy dỗ như thế. Châm ngôn với lại châm nghiếc!”5

Oslo 18 IX 2010
Nguyễn Văn Thà

Chú thích:
1 ”L'Homme, non pas centre statique du Monde,— comme il s'est cru longtemps ; mais axe et flèche de l'Évolution.” Le Phénomène humain, 1965 (p. 24).
2 Có thể đọc ở vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid. Kim Các Tự - Kinkakuji của Tam Đảo Do Kỷ Phu (Mishima Yukio) phỏng theo chuyện có thật về một chú tiểu đốt nơi bảo quản nhục thân (xá-lợi-điện) có tên Kim Các nằm dưới chân Chùa Kim Các ở Kinh Đô (Kyoto) năm 1950. Lầu Vàng này có trước năm 1400 và là một quốc bảo và đã không bị tàn phá qua lịch sử đầy loạn lạc. Vụ đốt chùa này gây chấn động Nhật Bản. Câu truyện được kể bởi nhân vật chính Mãn Khẩu (Mizoguchi), một chú tiểu đầu óc tàng tàng, mặt mũi xấu xí, lại nói cà lăm; chú kể lại sự chú bị ám ảnh bởi vẻ đẹp và sự lớn dần trong chú cái nhu cầu cần phá hủy Kim Các. Ngay trước khi đốt Lầu Vàng, chú bị thôi thúc bởi lời “Gặp Phật, hãy giết Phật” trong cuốn sưu tập lời của sư Lâm Tế (Lâm Tế Lục). Cũng đáng chú ý là Chùa Kim Các vốn có tên là Chùa Lộc Uyển, gọi theo hai chữ sau của tên thụy (tên sau khi chết) của sứ quân Túc Lợi Nghĩa Mãn (Ashikaga Yoshimitsu), người xây xá lợi điện Kim Các. Tuy nó nằm dưới chân chùa Lộc Uyển, nhưng vì nó quá nổi tiếng, nên chùa Lộc Uyển bị gọi thành chùa Kim Các. (http://en.wikipedia.org/wiki/The_Temple_of_the_Golden_Pavilion)
3 Tiếng Nhật hoặc được viết bằng dạng chữ Hán (kanji) nguyên con từng chữ, hay bằng mẫu tự katakana hay mẫu tự hiragana phiên âm các kanji này, hoặc kanji + đuôi hiragana.
4 Ngoài mặt là vàng ngọc, bên trong là cặn bã.
5 Tác giả xin khẳng định là nhân vật, tình tiết trong truyện chỉ là hư cấu, đúng ra là chuyện ngẫu nhiên: Nhà thơ Phan Ni Tấn, alias laongoan, có nhã ý làm một mẫu tiểu sử nho nhỏ về Thà trên Tự Điển Văn Nghệ Sĩ Việt Nam Online (VNS/VN Online). Khi anh PNT kê phần tác phẩm Sao Chúa Mãi Im mà Thà đã dịch và kê ra cho anh trong e-mail, để làm videoclip, anh Tấn lại ghi Sao Chùa Mãi Im. Thà thấy tựa đề viết sai dấu này ngồ ngộ, thế là ra tùm lum tà la như quí vị thấy đó!