Thứ Ba, 7 tháng 9, 2010

MỘT THẾ GIỚI HẬU HOA KỲ (THE POST-AMERICAN WORLD)

Tác giả: Fareed Zakaria
Người dịch: Lê Quốc Tuấn

Kẻ Thách Thức
(Tiếp theo) - Kỳ 3

Nhiều người cầm bút ở Mỹ đã vội vàng khẳng định là Trung quốc bác bỏ nhận định rằng thay đổi kinh tế sẽ dẫn đến thay đổi về chính trị - chủ nghĩa tư bản sẽ dẫn đến dân chủ. Tuy Trung quốc có thể chứng tỏ là một ngoại lệ nhưng còn quá sớm để nói như thế. Quy luật ấy đã đúng ở mọi nơi từ Tây Ban Nha đến Hy Lạp, từ Nam Triều Tiên đến Mễ Tây Cơ: những quốc gia mà công cuộc thị trường hóa và hiện đại hóa đã bắt đầu thay đổi chính trị vào thời điểm họ đạt được tình trạng thu nhập trung bình (phân loại một cách chung chung là vào khoảng giữa $5000 và $10.000). Do bởi mức thu nhập của Trung quốc vẫn còn thấp hơn mức ấy, không thể lập luận rằng đất nước này đã có thể xác định được khuynh hướng này. Và một khi các chuẩn mực của Trung quốc về đời sống, cải cách chính trị tăng lên sẽ trở thành một vấn đề không ngừng khẩn thiết. Chế độ này hầu như sẽ phải đối diện với những thử thách nghiêm trọng trong vòng mười lăm năm tới, ngay cả nếu như điều này không có nghĩa là Trung quốc sẽ xoay chuyển thành một kiểu dân chủ tự do Tây phương nhanh chóng. Nhiều khả năng là trước tiên họ sẽ chuyển hóa vào một thứ chế độ "pha trộn", đa phần giống như nhiều quốc gia phương Tây trong thế kỷ mười chín và các quốc gia miền đông Á châu trong những năm 1970, 1980, vốn phối hợp được sự tham dự phổ biến của một số kiểm soát của cả giới ưu tú và thành phần tôn ti thứ tự. Hãy nhớ rằng Nhật Bản là một quốc gia trưởng thành nhất về dân chủ ở Á châu, và quốc gia này có một đảng cầm quyền chưa từng mất thế lực trong vòng sáu mươi năm qua.

Vào cuối năm 2006, trong cuộc gặp gỡ với một phái đoàn Hoa Kỳ đến viếng thăm, thủ tướng Trung quốc Ôn (Gia Bảo) đã được hỏi rằng các nhà lãnh đạo Trung quốc muốn nói đến ý nghĩa gì với từ "dân chủ" khi họ nói rằng đất nước này đang đi đến tình trạng ấy. Họ Ôn đã giải thích rằng đối với họ từ ngữ này mang ba thành phần quan trọng: "bầu cử, độc lập phán xét và sự giám sát căn cứ vào kiểm tra và cân đối". John Thornton, vị giám đốc của Goldman Sachs quay sang các học giả Trung quốc dẫn đạo phái đoàn, nghiên cứu các lãnh vực này kỹ lưỡng để tìm ra rằng quả đã có một số di chuyển (nhỏ) đến việc bầu cử ở cấp tỉnh, nhắm đến việc ngăn ngừa tham nhũng nhiều hơn và ngay cả cũng có một số chuyển động đi đến một hệ thống pháp luật tốt hơn. Vào năm 1980, các toà án Trung quốc nhận 800.000 vụ xử kiện, năm 2006 họ nhận một số lượng mười lần nhiều hơn thế. Trong một bài luận thuyết cân đối trong tờ Foreign Affairs, Thorton vẽ nên bức tranh về một chế độ di chuyển lưỡng tự và chậm chạp đến sự mở rộng và có trách nhiệm hơn".

Những bước tiệm tiến ấy có lẽ chưa đủ. Những người cộng sản lãnh đạo Trung quốc nên đọc, và đọc lại Marx của họ. Karl Marx là một nhà tư tưởng và kinh tế lắm điều, nhưng ông là một thiên tài về khoa học xã hội. Một trong những thấu hiểu quan trọng của ông là, khi một xã hội thay đổi nền tảng kinh tế, hệ thống chính trị dựa trên đó cũng thay đổi một cách không tránh khỏi. Khi các xã hội hướng đến thị trường hóa nhiều hơn, Marx lập luận, họ có khuynh hướng trở thành dân chủ. Các ghi chép lịch sử đã khẳng định sự liên hệ giữa kinh tế thị trường và dân chủ này qua quá trình tự nhiên với một số thời gian trì trệ. Ngoại trừ những quốc gia có sẵn nền thịnh vượng từ dầu hỏa, ngày nay trên cả thế giới chỉ có một quốc gia từng đạt đến hạng mục của Tây phương về phát triển kinh tế tuy chưa phải là một quốc gia hoàn toàn thực sự dân chủ - đó là Singapore. Nhưng Singapore, một đất nước nhỏ như một thành phố với một giới cai trị ưu tú có năng lực khá khác thường, vẫn còn là một ngoại lệ bất thường. Nhiều giới lãnh đạo đã từng thử lặp lại luật cân bằng của Lý Quang Diệu, thực hiện hiện đại hóa và thịnh vượng trong khi vẫn duy trì thống trị về chính trị. Không một quốc gia nào từng thành công về lâu dài. Và ngay cả Singapore cũng đang thay đổi nhanh chóng để trở thành một xã hội cởi mở hơn - ngay cả trong một số vấn đề (đặc biệt là các vấn đề có tính xã hội và văn hóa như đồng tính luyến ái) còn cởi mở hơn so với các xã hội miền Đông Á châu khác. Hãy nhìn vào hàng chục quốc gia từng phát triển trong thập niiên qua, từ nam Triều tiên đến Argentina hay Turkey, ta tìm thấy một khuôn thức rất rõ: một nền kinh tế có căn bản thị trường sẽ khiến đạt đến được tình trạng thu nhập trung bình, qua đường dài, tiến đến một nền dân chủ tự do. Điều này có thể, như nhiều học giả từng ghi nhận, là sự tổng quát hóa duy nhất và quan trọng nhất từng được ghi chép rõ ràng nhất trong ngành khoa học chính trị.

Nhiều nhà lãnh đạo thuộc thế hệ trẻ hơn của Trung quốc am hìểu được tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà đất nước mình đang đối diện và kín đáo thảo luận về nhu cầu nới lỏng hệ thống chính trị của họ. "Người khôn ngoan nhất trong Đảng không cần nghiên cứu học hỏi về cải cách kinh tế", một nhà báo vốn có các liên hệ gần gũi với thành phần lãnh đạo ở Bắc kinh đã nói với tôi "Họ học hỏi về cải cách chính trị". Hàng bộ trưởng ở Singapore xác nhận rằng các viên chức Trung quốc đã bỏ ra rất nhiều công sức để nghiên cứu hệ thống từng được xây dựng bởi Lý Quang Diệu, và đảng Cộng sản cũng gởi các phái đoàn đến Nhật Bản và Thụy Điển để tìm hiểu làm thế nào các quốc gia này tạo được một nền chính trị dân chủ bằng một đảng duy nhất. Họ nhìn vào hệ thống chính trị, các luật lệ bầu cử, các lợi điểm hoặc bất lợi về bản chất và những chướng ngại bên ngoài phải vượt qua. Dù đây là những nghiên cứu giả tạo hay những nỗ lực thực sự để tìm kiếm các phương cách mới nhằm duy trì kiểm soát, những điều này cũng cho thấy rằng đảng Cộng sản này hiểu được mình phải thay đổi. Nhưng thử thách đối với Trung quốc không phải là vấn đề của kỹ trị mà là chính trị. Đó không phải là vấn đề của tái phối trí lại quyền lực mà là buông bỏ quyền lực ra - đập vỡ những quyền lợi được ban bố, phá bỏ mạng lưới bảo trợ ban phát và từ bỏ những đặc quyền đã được định chế hóa. Không một điều nào như thế này có nghĩa là phải từ bỏ kiểm soát của chính phủ tuy rằng tối thiểu là sẽ đưa đến được sự thu hẹp vai trò, giới hạn và thẩm quyền của chính phủ. Và với tất cả những huấn luyện về nền quản trị mới, phải chăng Đảng Cộng sản Trung quốc đang sẵn sàng cho bước nhảy vĩ đại?

Hầu hết các chế độ chuyên quyền vốn đã hiện đại hóa nền kinh tế của mình - như Đài Loan, Nam Triều Tiên, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha - đã từng vượt qua những thay đổi chính trị để tiếp tục nổi lên được tính cách chính thống và sự ổn định hơn. Trước đây Bắc Kinh từng đối diện với các thử thách và đã thích ứng được. Và ngay cả nếu như chế độ này vụng về thu vén chuyển biến này, các rối loạn và biến động chính trị cũng sẽ không ngăn cản Trung quốc phát triển. Bất kể tương lai chính trị của họ ra sao, sự xuất hiện của Trung quốc trên sấn khấu thế giới sẽ không bị đảo ngược. Các lực lượng tiếp liệu cho sự nổi dậy của họ sẽ không biến mất đi ngay cả nếu như chế độ hiện hành xụp đổ - hay đa phần có thể là - chia nhỏ ra thành những phe cánh. Nước Pháp, sau cuộc cách mạng của mình, đã trải qua hai thế kỷ với những khủng hoảng chính trị, đi qua hai đế chế, một nền độc tài gần như kiểu phát xít và bốn nền cộng hòa. Tuy nhiên sau những xáo động chính trị này, Pháp đã cực thịnh về kinh tế và vẫn còn là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới.

Trung quốc khao khát cho sự thành công và điều này rất có thể sẽ là một nguyên nhân chính yếu cho sự nổi dậy lâu dài của họ. Vào thế kỷ hai mươi, sau hàng trăm năm nghèo khổ, đất nước này đã đi qua sự xụp đổ của vương triều, nội chiến và cách mạng để chỉ tự tìm được phiên bản địa ngục về chủ nghĩa cộng sản của Mao. Họ đã mất đi 38 triệu người trong cú nhảy vĩ đại, một thử nghiệm dã man trong công cuộc tập thể hóa. Rồi họ đã tự mình đào bới sâu hơn trong cô lập và huỷ diệt toàn bộ giai cấp khoa bảng có chuyên môn trong cuộc cách mạng Văn hóa. Không như Ấn độ, vốn có thể tự hào về nền dân chủ của họ dù kinh tế phát triển chậm, Trung quốc vào những năm 1970 đã mất đi bao nhiêu cơ hội để có thể ngửng cao đầu. Rồi đến cải cách của họ Đặng. Ngày nay, các nhà lãnh đạo Trung quốc, các thương nhân và dân chúng nói chung cùng có một khao khát như nhau: họ đều muốn tiếp tục tiến về phía trước. Họ sẽ không vô tình ném bỏ phí ba thập niên tương đối ổn định và sung túc.

Che dấu ánh sáng của mình

Bất cứ điều gì xảy ra với nội bộ của Trung quốc gần như sẽ khiến phức tạp đời sống về mặt quốc tế. Phạm vi sức mạnh của họ - kinh tế, chính trị, quân sự - bảo đảm cho ảnh hưởng của mình vượt xa khỏi biên giới. Những quốc gia có khả năng như thế này không phải lúc nào cũng có. Trải qua gần hai trăm năm, danh sách những quốc gia tương tự như thế hiện nay - Hoa Kỳ, Anh quốc, Pháp, Đức, Nga - đã không hề thay đổi. Các quyền lực vĩ đại cũng giống như các nữ danh ca: họ xuất hiện và rời khỏi sân khấu quốc tế với xao động hết sức lớn. Hãy nghĩ đến sự nổi dậy của Đức và Nhật trong đầu thế kỷ mười tám, hay sự tụt dốc của đế chế Hapsburg và Ottoman trong cùng thời gian ấy, khiến đã đem lại các khủng hoảng không kể xiết trong vùng Balkans và vùng Trung đông hiện đại rối rắm.

Trong những năm gần đây, khuôn mẫu ấy không còn vững lắm. Đất nước Nhật Bản và Đức hiện đại đã trở nên những nền kinh tế đứng thứ nhì và thứ ba thế giới nhưng vẫn thụ động một cách đáng chú ý về quân sự và chính trị. Và cho đến nay, Trung quốc đã đến với vị trí của mình với không nhiều gián đoạn. Trong thập niên đầu tiên của công cuộc phát triển, những năm 1980, Trung quốc thực chẳng hề có một chính sách đối ngoại. Hay nói cho đúng hơn, chiến lược phát triển của họ chính là chiến lược xuất chúng của chính họ. Bắc kinh nhìn thấy mối quan hệ tốt với Hoa Kỳ như chìa khóa cho phát triển của mình, một phần bởi vì họ đã muốn lui tới nền công nghệ tân tiến nhất và thị trường lớn nhất thế giới. Trong Hội đồng Bảo An LHQ, Trung quốc thường ủng hộ hoặc tối thiểu là tránh không phủ quyết các giải pháp gì mà Hoa Kỳ đỡ đầu. Nói rộng hơn, họ đã cố gắng giữ đầu mình cúi xuống, như họ Đặng đã nói, để nhằm "che dấu ánh sáng của mình trong giạ lúa". Chính sách không can thiệp, không đương đầu này hầu như vẫn duy trì. Với ngoại lệ của bất cứ điều gì liên quan đến Đài Loan. Bắc Kinh có khuynh hướng không khiêu khích với các chính phủ khác. Trọng tâm vẫn duy trì vào sự phát triển. Trong huấn thị dài hai tiếng rưỡi tại Hội nghị trung ương Đảng năm 2007, chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nhắc đến các nội dung về kinh tế, tài chính, kỹ nghệ, xã hội và môi trường trong từng chi tiết nhỏ - nhưng đã hầu như lờ đi chính sách về đối ngoại.

(Còn tiếp)


i. Theo John Thornton "Longtine Coming: The Prospects for Democracy in China" Foreign Affairs 87, số 1 (Jan./Feb. 2008) tr. 2-22.