Thứ Ba, 14 tháng 9, 2010
Điểm sách: HẠNH PHÚC XÓT XA, Tạp ghi của HUY PHƯƠNG
Phạm Phú Minh
(Bài này đã được trình bày trong buổi ra mắt sách HẠNH PHÚC XÓT XA của Huy Phương tại báo Người Việt, Nam California, ngày 19 tháng 8, 2010. Mời độc giả xem phần hình ảnh buổi ra mắt sách do ông bà Đinh Sinh Long thực hiện, qua slide show trên trang này.)


Đến ngày nay thì tạp ghi của nhà văn Huy Phương đã được tinh luyện đến cao độ. Vẫn theo công thức là ghi nhận những sự việc, những biến cố xảy ra trong cuộc sống quanh mình, rồi từ đó phát triển ra thành bài viết với những nhận xét và ý kiến riêng của mình, nhà văn Huy Phương đã tự đặt ra cho mình một tỉ lệ cho nội dung bài viết: tài liệu cụ thể chiếm 30 phần trăm, lời bình của tác giả chiếm 70 phần trăm còn lại. Dĩ nhiên đó là một tỉ lệ rất hợp lý: nếu nhiều sự kiện quá thì sẽ giống như một bản tin, nếu ít yếu tố có thật quá thì sẽ có khuynh hướng thành tùy bút.
Điều đáng nói thứ nhất là cách chọn đề tài của ông: toàn là những chuyện rất gần gũi với cuộc sống của chúng ta. Mỗi hăm mươi bốn giờ trôi qua, biết bao là sự việc, là tin tức đến với một con người sống trong xã hội, nhất là trong thời đại thông tin bùng nổ như bây giờ. Hầu hết chúng ta đón nhận thông tin một cách vội vã, có khi cầm tờ báo chỉ lướt mắt nhìn qua các tin chính, và ít khi chúng ta suy nghĩ sâu xa về một sự kiện nào. Nhưng đối với Huy Phương thì khác, ông nhìn tin tức với con mắt và tấm lòng khác hẳn đa số chúng ta, có những cái đối với chúng ta rất bình thường, hầu như chẳng có gì đáng nói, ấy vậy mà đối với Huy Phương có thể là một đề tài rất hay.
Có đề tài là mẩu tin tức hay sự kiện làm nền rồi, cách khai triển đề tài ấy của Huy Phương cũng rất là đặc biệt. Ông suy nghĩ về sự kiện ấy, ông đặt tâm tình và lý trí của ông vào đấy, ông tìm thêm tài liệu dính dáng với câu chuyện đó, tất cả trình bày rất gọn, trung bình chỉ từ ba trang rưỡi đến bốn trang sách thôi. Viết ngắn là một biệt tài của tác giả. Hình như tác giả biết chúng ta đang sống trong một thời đại rất vội vã, ít ai có thì giờ và tâm tư để đọc những gì dài lê thê, nên chỉ viết vừa đủ, ngắn gọn mà súc tích, sâu sắc. Khi đọc xong 274 trang của cuốn Hạnh Phúc Xót Xa, tôi nhận ra rằng tôi được lời rất nhiều, vì đã được tiếp cận với rất nhiều sự kiện, rất nhiều nhận xét, phẩm bình vừa thông minh vừa đầy tình cảm của tác giả. Nếu tính trung bình mỗi bài viết dài 4 trang, thì cuốn sách này phải chứa đựng khoảng 70 đề mục, trong khi một cuốn truyện ngắn chỉ vào khoảng 10 truyện là cùng.
Một điều thú vị cho người đọc Tạp ghi của Huy Phương là những đề tài ông viết rất gần gụi với chúng ta, hầu như chúng ta đều có nghe qua rồi. Biết rồi thì đọc thêm làm gì cho mất công, chắc hẳn mỗi người trong chúng ta đều tự nhủ như thế. Nhưng mà không, ở đây có cái lạ là chính vì đã biết rồi mà chúng ta càng ham đọc ông. Đó là vì cũng với đề tài ấy, nhưng Huy Phương phát triển ra theo cách của ông, và cái cách ấy làm chúng ta say mê không rời ông ra được. Bí quyết của ông là gì? Thứ nhất ông bổ túc cho đề tài bằng một số kiến thức mới, giúp cho người đọc hiểu rõ lai lịch nguồn gốc câu chuyện ấy thực ra là như thế nào. Rồi dựa vào đó, ông trình bày, lý giải, biện hộ cho ý kiến riêng của ông, để bênh vực hay bài bác. Ví dụ vào những ngày sắp Tết âm lịch vừa rồi chúng ta trong vùng Little Saigon này đều được biết việc Hội Đồng Liên Tôn họp báo ra thông cáo quyết định không tham dự và kêu gọi tín đồ tẩy chay cuộc diễn hành mừng Tết nguyên đán diễn ra vào ngày 30 Tết, vì cuộc diễn hành này có sự ghi tên tham dự của nhóm đồng tính. Trước khi đưa ra ý kiến của mình, tác giả Huy Phương đã cống hiến độc giả một thiên khảo cứu nho nhỏ về vấn đề đồng tính, cho thấy đó không hề là một “tội lỗi” nào cả, mà là do bẩm sinh. Nhưng trước khi khám phá ra tính chất bẩm sinh của những người đồng tính, trong một thời gian dài xã hội đã kỳ thị họ, ghét bỏ họ, cho họ là những người bệnh hoạn. Ánh sáng khoa học rọi sáng vào lãnh vực này đã giúp một số không ít thành phần của nhân loại mang chứng đồng tính được giải tỏa ra khỏi những mặc cảm tội lỗi và được sống, được biểu lộ tình cảm thật của mình một cách bình thường như bao thành phần khác. Từ chỗ ghét bỏ đến chỗ thông hiểu và thông cảm với những người đồng tính, nhân loại đã tiến một bước dài trong việc đối xử một cách thân ái và nhân đạo với nhau. Thế mà, đến cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, vẫn còn những người không chịu tiếp thu sự thật là những kiến thức mới mẻ do khoa học mang lại, và vẫn khư khư với những thành kiến cũ rích đã lỗi thời của mình đối với những người đồng tính, ngăn cản không cho họ được sinh hoạt bình thường như bao con người khác, thật là một điều đáng buồn. Tác giả Huy Phương đã vận dụng nhiều kiến thức về khoa học, về lịch sử, về văn hóa để cho thấy thái độ của những người này là thiếu độ lượng, là hẹp hòi, và mở ra một tình cảm thân ái cho tất cả chúng ta. Đọc xong một bài như thế này, tôi thấy mình được mở mang rất nhiều về tâm cũng như về trí, và cảm thấy tràn đầy lòng biết ơn tác giả. Tôi chắc quý vị cũng sẽ cảm thấy giống như chúng tôi sau khi đọc những dẫn chứng rất phân minh rất thuyết phục, những lời tâm tình đầy nhân đạo, và thấy rằng trong trường hợp này, chính tác giả mới là người rao giảng tình thương yêu. Và rao giảng bằng những trang sách.
Muốn thực hiện những bài viết như thế, tác giả phải bám chặt lấy cuộc sống, phải nhận xét, suy nghĩ, cảm xúc với những vấn đề của cuộc sống. Khi đọc ông, người đọc được ông dẫn dắt đi thăm những vùng thoạt tiên tưởng rất quen thuộc, nhưng dần dần chúng ta sẽ vào những ngóc ngách bí ẩn, mà thường ngày ta không nhìn thấy. Vấn đề cha mẹ và con cái trong cuộc sống tị nạn của chúng ta ở xứ Mỹ này chẳng hạn. Chuyện quá bình thường: cha mẹ thương con, lo lắng nuôi dạy cho nên người, rồi khi già yếu con cái lại thương yêu săn sóc cho cha mẹ. Diễn tiến như thế thì đâu có gì đáng nói, vì đó hầu như là đạo lý nghìn đời của dân tộc Việt Nam và hầu hết con người trên trái đất. Điều đáng nói là khi lớp con cái trưởng thành trên đất Mỹ, họ nhìn cha mẹ như những gánh nặng, sắp xếp để gửi cha mẹ vào nhà dưỡng lão để mình rảnh rang theo đuổi một cuộc sống tự do thoải mái không ràng buộc. Chỉ vài trang giấy, tác giả Huy Phương đã làm một cuộc đánh động trước một thực tế rành rành, là cái tình lạnh nhạt của lớp con cái đối với cha mẹ già trong cuộc sống ở đây. Đó là một vấn đề lương tâm, hay là một bài học, hay gì gì nữa, tùy chúng ta đánh giá, nhưng Huy Phương đã nắm bắt được một thực tế, và trình bày ra một cách đầy xúc cảm.
Đó chỉ là vài ví dụ, tác giả viết về vô số đề tài khác, có thể nói đề tài của ông là bất tận, khi nào còn cuộc sống của con người thì ông còn đề tài để viết. Muốn thế, điểm then chốt là ông có một tấm lòng rất nhân đạo, từ căn bản và từ lập trường đó ông nhìn ra vấn đề cần phải bàn. Ông chống cái ác, không ưa sự lố bịch, và rất có cảm tình, luôn luôn biểu dương những tư tưởng và hành động dựa trên điều thiện. Và ông cũng nghiên cứu tài liệu một cách công phu để củng cố cho lập luận của mình, vì biết rằng chỉ đưa ra vài cái nhìn rất chủ quan thì không đủ thuyết phục ai cả trong thế giới đầy ắp thông tin này. Cuối cùng ông có một khả năng viết lách rất khúc chiết sáng sủa, giọng văn tự nhiên như trò chuyện thân mật với bạn bè, ai đọc cũng cảm thấy gần gũi, thích thú.
Có thể nói Huy Phương là một người đang lo bảo vệ cho cuộc sống của chúng ta, những người di dân đang phải đối diện với rất nhiều vấn đề do sự thay đổi đột ngột môi trường sống. Ông có một ý muốn rất tích cực là góp phần, một cách liên tục không mệt mỏi, để đưa ra những điều chỉnh, sao cho những điều khó khăn, trục trặc trong cuộc đời tị nạn của người Việt Nam ngày một giảm thiểu, để tất cả được sống xứng đáng hơn, hạnh phúc hơn nơi quê hương mới của chúng ta.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét