Thứ Ba, 28 tháng 9, 2010

ĐI CHỢ

Ngự Thuyết

Kỳ 2 (Tiếp theo và hết)

Công viên buổi trưa mùa đông vắng teo. Cô đứng quan sát một chốc rồi chọn một chiếc ghế dài ngồi xuống, chiếc ghế dài đóng liền vào cái bàn gỗ nằm dưới tàn cây cổ thụ gần con đường nhỏ tráng xi măng dành cho người đi bộ. Cạnh con đường nhỏ đó là một con đường nhựa lớn một chiều xe cộ chạy liên tục. Ngồi đây không được yên tĩnh, nhưng vào sâu trong vuờn rộng lớn và vắng tanh như thế này lỡ có gì biết kêu ai, cô thầm nhủ. Thôi thì ngồi tạm nghỉ chân một chút rồi đi. Đi đâu nhỉ?

Em nhớ anh. Nhớ những lần cùng đi bộ bên nhau quên cả đường dài, hoặc những lần anh đèo em trên chiếc Vespa "Nghỉ Hè La Mã". Và những lần đi chợ nhà quê.

“Đi thăm vùng nào, đi đến làng nào, em cũng bắt anh ghé chợ cái đã. Mà có thấy em mua gì đâu. ”

“Em cũng có mua mấy thứ đó chớ. Anh hay quên lắm, khi thì mua mấy trái chuối sáp luộc mà anh thích để mình vừa phóng xe vừa lột ăn, khi thì gói đậu phụng rang, gói kẹo cau, gói bánh kẹp, họăc xâu hoa nhài, chùm bông ngâu, bông thọ, hoặc cây quạt giấy, quạt mo, họăc con gà đất, con heo đất. Biết bao nhiêu thứ để mua. Nhưng không mua gì cũng không sao, vô chợ là vui rồi. Anh không thấy vậy sao?”

Những câu trao đổi với nhau như còn văng vẳng.

Đi chợ với anh em yên tâm hơn đi tắm biển. Hễ bước chân vô chợ, bao nhiêu chuyện lo âu, bực dọc tự nhiên nó tan biến đâu cả. Em luôn luôn cảm thấy như thế, và hình như anh cũng cảm thấy như thế. Nhưng anh bảo anh đi chợ chẳng qua là vì chiều em mà thôi. Còn anh thì anh thích đi thăm các ngôi chùa, các đình làng, các vườn cau, vườn chuối, vườn dừa, các vườn trái cây. Nhưng đi biển mới là cái đam mê của anh. Mùa hè chưa đến anh đã kéo em đi tắm biển trước tất cả mọi người.

“Khi thằng cháu từ sau vườn chạy vào khoe đã hái được một trái ổi chín đầu tiên, hoặc khi đứa em gái bảo phượng trong sân trường sắp có hoa, là anh muốn đi biển ngay.”

“Nghĩa là mới đầu mùa hè mà anh đã vội đi để được trước mọi người chứ gì?”

“Không phải, nghĩa là khi mùa hè chưa tới chứ. Năm nay mình cũng đi Thuận An thật sớm nhé.”

“Vâng, thì đi.”

“Nhưng lúc nào thì hè về, đố em.”

“Thì có cuốn lịch đó.”

“Cần gì lịch. Em không có cách nào khác sao?”

“Để em coi thử. Dễ lắm, khi gần hết năm học. Đạp xe đạp qua Hồ Tịnh Tâm, qua cửa Thượng Tứ, cửa Đông Ba, hoặc cửa Nhà Đồ, bông sen thơm, ve kêu. Một vài con ve kêu dò đường, rồi rủ nhau kêu khắp nơi, khắp chốn. Thế là hè về thực sự.”

Anh cười vui, hát khe khẽ:
“Hè về hè về nắng tung nguồn sống khắp nơi... Phải không em, hè về nhớ bài hát ấy ngay. Còn thu về có Thu Vàng Cung Tiến.”

“Nhưng em còn nhớ chuyện khác nữa.”

“Chuyện gì vậy em?”

Em không trả lời câu hỏi ấy. Lúc đó, lúc hè sắp về, cho em tưởng tượng một chút nhé, có khi anh nhìn em như nhìn đâu đâu, “như mắt cừu nhìn xa”. Rồi nó đổi màu, đen qua nâu qua xanh. Xanh như nước biển. Biển hiện lên mắt anh khiến anh không còn thấy gì khác nữa. Anh biến thành “người yêu mù của tôi, người yêu câm của tôi”. Thơ của ai đó hả anh? Em vội đi lục lại những chiếc áo mỏng đã cất kỹ mấy mùa mang ra mặc, rủ anh đi trốn nắng tại các chợ nhà quê. Em thích đi chợ. Làng nào cũng có chợ, mà có biết bao nhiêu làng mình chưa tới, biết bao nhiêu chợ mình chưa đi, mỗi chợ mỗi vẻ riêng biệt.

Chợ nhà quê mùa hè thật êm đềm, mát rượi. Và vui. Vui vẻ, nhộn nhịp hơn chợ bên này nhiều. Không tràn ngập những món hàng đóng gói sẵn, họăc đồ hộp như ở đây. Không lặng lẽ như ở đây. Trái lại, nơi này mớ rau thơm, rau húng, lá tía tô, kinh giới, sả, ớt xanh tươi; nơi kia năm ba con cá lội trong thau vừa câu được bên bờ hói, mẹt tôm, mẹt tép có con còn nhảy lóc chóc; nơi nọ cô gái quê cạnh rổ thịt heo, thịt bò vừa chia với một bạn hàng khác, họăc ông già đi lui đi tới tay cầm khăn lau sạch bụi mấy chục chén, dĩa, mấy cái om đất; lại có cả bà già ngồi sau mấy lọn tóc dài sắp ngay ngắn trên cái khay gỗ. Bán một lọn tóc liệu được bao nhiêu tiền? Và những con vịt trông mượt mà, vô tư, rỉa lông cho nhau, vui miệng kêu cạp cạp, những con gà mái tơ óng ả như cô dâu mới về nhà chồng, những con gà trống bị nhốt trong giỏ cần xé mà thỉnh thoảng cũng khệnh khạng vươn cổ gáy lên dóng dả. Ở một góc chợ cô gái quê ngồi trên cái đòn thấp chủn trước nồi bún bò giò heo bốc khói thơm phức, một tay cầm chiếc đũa "trui" cời than hồng, tay kia phe phẩy chiếc nón lá vừa đuổi ruồi, vừa quạt lửa, vừa quạt cho khô những giọt mồ hôi đọng trên trán, trên gò má. Người ta ngồi ăn xì xụp, chuyện trò lu bù. Tại một lối đi, bà già tóc bạc răng đen, đã mất mấy chiếc răng cửa, nhai trầu bõm bẽm, tươi cười đáp lại hằng trăm câu chào hỏi, hình như bà cụ quen tất cả mọi người đi chợ, rồi cụ lui cui khom mình lựa mấy ngọn trầu xanh, mấy nhánh cau tươi bày trong những chiếc rổ mây nằm trên mặt đất, rồi đặt những thứ đó thật gọn gàng vào chiếc rổ nách bên hông đã có sẵn vài lát thịt mỡ gói trong lá chuối, dăm con cá bống đao nằm thở dốc, gói giá, gói đậu đũa, mấy cục đường đen, mấy tấm kẹo đậu phụng. Nơi lối đi khác, đứa bé con đang níu áo mẹ để khỏi bị lạc mà tay kia vẫn không ngừng xoắn xoắn cái "lùng tung" phát lên những tiếng tom tom như tiếng trống cơm tí hon. Và những thúng gạo, nếp, đậu, mè vun lên có ngọn, những mớ khoai sắn, bí, bầu, khế, mướp, vả nằm la liệt trên mặt đất, những gánh đậu hũ, gánh chè, cháo, hột vịt lộn choáng cả lối đi. Tiếng mời mua, tiếng trả giá, tiếng rao hàng cùng khắp. Và hương thơm nữa. Thơm lừng lên là những hàng hoa, quả, và trái chín. Mùi thơm bay xa.

Nhà quê họp chợ như ngày hội.

Nhưng anh muốn đi biển cái đã, đi chợ tính sau. Chúng mình là những người đi Thuận An sớm nhất. Bãi biển còn ngổn ngang rong rêu, dã tràng còn tha hồ chạy ngược chạy xuôi xe cát chưa biết sợ những bước chân người giẫm lên, sóng biển gào to, biển vắng sóng gào to hơn biển đầy người, như muốn kêu gọi những người đi nghỉ hè năm ngoái mau mau trở lại, những quán lá uể oải chưa chịu mở rộng cửa đón khách. Trên bãi cát hoang vu, anh đi từng bước rón rén xuống làn nước còn lạnh cóng, đến ngập đầu gối anh nhoài người bơi nhanh, nước bắn lên trắng xóa. Sóng bạc đầu gần bờ ôm lấy anh kéo anh đi xa dần xa dần cho đến khi anh chỉ còn là một chấm đen giữa màu xanh biếc mênh mông, rồi mất hẳn. Biển đang nuốt chửng lấy anh. Em ngồi một mình trên bãi cát với tấm trải, cái dù, đống áo quần, giày, nón, ống vố, đồng hồ, những thứ lỉnh kỉnh đó là tất cả những gì của anh còn lại với em. Em đâm hoảng. Lỡ anh đuối sức? lỡ vọp bẻ? lỡ cá mập? Em đứng lên vẫy tay và gào tên anh nhưng anh đâu biết. Làm sao anh nghe được tiếng em gọi anh hòa lẫn trong tiếng gió chạy dài trên bãi vắng, tiếng reo vi vu của hàng thùy dương đằng sau lưng em, và tiếng sóng vỗ rào rào trước mặt. Em sợ đến lạnh cả người.

Cuối cùng ngoài khơi mờ mờ hiện lên một chấm đen nhỏ và lớn dần. Anh đang bơi vào! Sóng gió đã đánh giạt anh thật xa, anh bước đi từng bước ngắn một mình trên bãi cát, ngơ ngác nhìn quanh tìm chỗ em đứng cùng với đống áo quần và các thứ. Em nhón chân đưa hai tay lên trời cho anh dễ thấy. Gió biển xô em ngã lên ngã xuống mấy lần. Anh đến. Trông anh hốc hác, phờ phạc như người chết đuối vừa được vớt lên.

“Em lo quá. Anh đừng bơi xa như thế nữa.”

“Nhưng anh thích bơi xa.”

“Tại sao?”

“Chẳng tại sao cả.”

“Em biết rồi. Tại anh muốn ‘làm le’ với em chứ gì. Anh là số một của em, khỏi lo.”
“Anh phải lo chứ. Có người muốn cướp lấy em, cho nên anh phải trổ tài cho em thấy, may ra không mất em.”

“Nói thế mà nghe được! Anh thử nói thiệt một lần đi!”

“Ừ thì nói thiệt. Anh tập bơi xa để sau này lỡ ghe chìm giữa biển, biết đâu anh có thể ráng sức bơi vào một hòn đảo nào đó, rồi tìm cách qua Mỹ gặp em. Em có giấy tờ để đi máy bay, anh khác. Và nếu anh bơi đến kiệt lực mà chẳng thấy được đất liền thì...”

“Thì sao?”

“Không sao cả. Lúc ấy sẽ có những con cá heo thương người đưa anh vào bờ.”

“Thôi, anh đừng đùa nữa! Hay anh đừng đi đâu cả. Đừng vượt biên, vượt biển chi cho nguy hiểm. Qua tới bên ấy em sẽ làm giấy bảo lãnh cho anh ngay.”

“Cám ơn em. Nhưng bảo lãnh lâu có kết quả lắm. Mười năm sau mới sum họp, hay lâu hơn, hay chẳng bao giờ. Em cứ để anh vượt biển đi. Nói thật, dù em không đi, anh cũng vượt biên một mình. Anh chán nơi này lắm rồi.”

Anh đi vượt biển trước khi em lên máy bay đi Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Sao mãi em không được tin tức gì của anh cả. Có lẽ không sao đâu. Có người sau cả năm trời mới có tin. Đừng nghĩ quẩn nhé, đừng lo sợ vớ vẩn nhé! Nhưng mà, kìa, em đang gặp chuyện đáng sợ đây. Hai tên đàn ông áo quần lôi thôi, râu ria tua tủa, mặt mày nham nhở, cứ đảo lui đảo tới nhìn em chằm chằm một cách hỗn láo. Mà cũng đúng thôi, công viên đâu phải chỗ cho một người con gái ngồi một mình. Em đi chỗ khác vậy. Chờ chúng nó đi xa xa một chút là em rời nơi này. Đi đâu?

Hình như đất Mỹ không cho phép người ta nghỉ ngơi. Xe hối hả chạy khắp các nẻo đường, người hối hả làm việc khắp các xí nghiệp. Rồi thất nghiệp. Đời sống máy móc, khô khan, lạnh lùng. Hay là vùng này nó khó khăn như thế. Không có những con đường cho mình tản bộ ngắm phố phường, không có những quán nhỏ ấm cúng, thân mật cho mình ghé lại thủng thẳng ăn một ly kem, uống một tách trà, ngồi đọc dăm ba trang sách. Không có cả tiếng cười, tiếng nói, tiếng guốc, tiếng giày nện trên đường nắng, tiếng mưa rơi trên mái ngói, mái tôn, hoặc tiếng rao quà, tiếng kêu, tiếng gọi, tiếng kèn xe hơi. Có chăng là tiếng động cơ rầm rì mãi không thôi, thỉnh thoảng tiếng còi thét lên chát chúa từ xe cảnh sát, xe cấp cứu, xe chữa lửa. Hay cái gì cũng có mà mình không biết, chưa biết? Nhưng bây giờ đi đâu cho hết ngày?

Phải chi có anh ở đây với em, đi chơi, đi chợ, đi biển. Phải chi, như ngày xưa, hai chữ "ngày xưa" nghe buồn ghê, ngồi bên nhau trên tảng đá to và phẳng đó, cái tảng đá mà mỗi lần mình trở lại là đã thấy lá thông khô phủ kín, anh phải vơ mấy nắm cây tràm mọc đầy sườn đồi làm chổi quét quét cho em ngồi, ngay dưới gốc thông già trên đường từ đàn Nam Giao qua lăng Tự Đức, cùng nhìn về phía thung lũng đổ xuống khu rừng cây cối um tùm thấy thấp thoáng mái ngói nâu sẫm của chùa Tây Thiên. Ngồi bên nhau tình yêu rạt rào, rồi nói cho nhau nghe đủ thứ chuyện. Hết chuyện vui đến chuyện không vui. Em nhớ nhất những chuyện anh kể về thành Lồi, những dãy thành đất dài và thấp chạy ngoằn ngoèo vắt ngang qua vùng xã Nguyệt Biều, Long Thọ, Châu Ê, nay trên thành còn vài cái miếu do vua Minh Mạng cho lập nên để thờ các vua Chiêm cũ. Nhiều lúc đang vui câu chuyện, anh bỗng khựng lại, mặt mày thẫn thờ, đôi mắt lạc lõng. Hình ảnh của cái chết hiện lên mắt anh cùng với biển. Em sợ. Sao vậy anh? Hay đó là điềm báo trước anh sẽ không bao giờ gặp lại em, anh sẽ chết trong chiếc thuyền rách nát trên đại dương mênh mông? Anh không bơi mãi được đâu! Em sợ quá. Chắc tổ tiên của anh là người Hời vong quốc mà vết tích còn sót lại nơi anh là cặp mắt u uẩn. Ô, mà cần gì phải là dân Chàm. Anh với em, và biết bao nhiêu người khác, đã biến thành người Hời cả rồi.

Bỗng dưng nước mắt của em chảy ra ràn rụa. Hình như con người sống trên đời này không được lâu cho lắm. Em chờ anh đến chừng nào?



*


Nắng trong công viên bỗng rực sáng. Cơn nắng Ca-li đang trải vàng lên từng vỏ cây, từng ngọn lá, ngọn cỏ, tràn xuống con đuờng xi măng, con đường nhựa, và đổ lên mặt bàn, đổ lên mái tóc cô gái. Vài ba con chim cánh đen trông giống như chim sáo bay sà đến đậu gần chỗ cô ngồi, ngoảnh đầu nhìn tò mò. Cơn gió nhẹ buổi trưa thổi lao xao trong các lùm cây. Vài chiếc lá vàng rụng.

Mùa đông ở đây không lạnh như mình tưởng. Rồi mùa đông đi qua, và Tết. Ở đây có Tết ta không nhỉ? Hay như anh nói, ở Mỹ có lẽ chỉ có Tết Công-gô. Em lại nhớ anh nói anh xuống biển trước, em lên trời sau, rồi biết đâu mình lại gặp nhau tại Mỹ, và lúc ấy chúng ta sẽ quên nhau. Và em trả lời đúng vậy em sẽ quên anh như anh mong muốn, nhưng bây giờ xin anh đừng nói nhảm nữa. Mà em đâu quên anh được. Nếu tình yêu là thương nhớ, là giữ gìn kỷ niệm của nhau thì quả là mình yêu rồi. Kỳ cục, xa nhau em mới khám phá ra rằng em cần anh đến dường nào. Cầu trời cho anh không gặp tai nạn. Cầu trời cho anh được đến nơi đến chốn.

Bây giờ buổi chiều còn dài, khoan về nhà đã. Nhưng đi đâu cũng buồn, chỉ còn có đi chợ. Chợ Trung Đông nhé. Bỗng sực nhớ bài nhạc “Đi Chợ Ba Tư”. Sẽ có nàng công chúa tới với mình, xuống kiệu, cùng mình ngắm chợ. Sẽ có con lạc đà bước chân khấp khểnh mình chưa quen ngồi lên e không vững, coi chừng té. Mà chợ gì nhỉ, à chợ Super King, hột dẻ, chà là, trái cây, rẻ rề, nhưng xa quá, gần cuối đường Magnolia. Hay đi chợ Đại Hàn ở Garden Grove vậy, cá biển, thịt heo, thịt bò và các loại đồ hộp đều rẻ hơn ở chợ Việt Nam. Lại rẻ với mắc, làm như đi chợ thiệt. Xem nào, từ đây đến Bolsa, rồi đáp xe 64, chuyển qua xe 33, rồi qua xe 56. Cuốn sách chỉ dẫn đi xe buýt rách bươm, kiếm một cuốn khác vậy, xe bus nào mà chẳng có. Tốn một đồng đi đâu cũng tới.