Thứ Hai, 27 tháng 9, 2010
ĐI CHỢ
Ngự Thuyết
Sáng hôm đó trời đầy sương. Những tòa nhà, những ngọn cây như treo lơ lửng trên cao. Đèn xe hơi lố nhố, nhập nhòe khắp các ngả đường trông như ngàn vạn con mắt lửa muốn đâm xuyên thủng màn sương trắng đục. Tuy thế, nếu nhìn kỹ vào một chiếc xe buýt vừa đậu tại một trạm ngừng cũng có thể thấy một người con gái vừa bước từ xe xuống lề đường. Cô gái đứng tần ngần nhìn theo chiếc xe buýt vừa mới lăn bánh mà đã khuất nhanh trong mù. Cô đưa bàn tay hất ngược mớ tóc che khuất một bên mặt, rồi bước đi vội vã trên một đoạn đường ngắn dành cho người đi bộ trước khi băng ngang một bãi đậu xe rộng mênh mông để vào một khu chợ Mỹ.
Còn sớm quá, bãi đậu xe vắng teo, chợ chưa mở cửa. Vài ba người Mỹ nghèo khổ tay cầm tấm bìa nguệch ngoạc mấy chữ “work for food” ngồi co ro cạnh những cây cột đồ sộ chạy dọc theo hàng hiên trước chợ; dăm ba người Mễ có lẽ nhập cư bất hợp pháp đứng chầu chực chờ một người nào đó đến mang về nhà hay về một sở làm để phụ giúp vài công việc vặt vãnh trong một thời gian ngắn. Cô gái đi lui đi tới nhiều lần trước những cửa kính đóng kín, cuối cùng cô ngồi xuống một chiếc ghế để trống cạnh lối vào siêu thị.
Cô khoảng 25 tuổi, hai con mắt to đen lặng lẽ, đôi chân mày phớt nhạt, đôi gò má hơi cao, đôi vành môi một chút son. Vẻ mặt kín đáo, âm thầm, không buồn, không vui. Cô ngồi tựa lưng vào thành ghế, chiếc áo len màu mỡ gà không cài nút trên cùng để lộ sợi dây chuyền bằng vàng tây mảnh như sợi dây đàn quàng quanh chiếc cổ cao và trắng, và nằm khuất một phần dưới chiếc áo sơ mi màu nâu nhạt là một bức tượng nhỏ xíu - tượng Phật hay cái thánh giá, khó đoán biết. Quần thì là quần jeans màu da bò, cặp chân khá dài vắt lên nhau, một tay để lên đùi, tay kia mân mê cái khóa bấm bằng đồng của chiếc túi xách bằng da màu nâu sẫm có quai dài quàng qua vai. Một bản hợp tấu màu vàng và nâu nơi cô gái. Cô nhìn thẳng phía trước như đang chăm chú theo dõi những dòng xe nườm nượp chạy ngắt quãng theo những tín hiệu xanh vàng đỏ của đèn lưu thông. Những dòng xe trôi liên miên bất tận đó trông chẳng khác gì những món hàng chế hóa đang trải qua các khâu sản xuất kế tiếp trên những bộ dây chuyền lắp ráp to lớn của một xưởng máy khổng lồ không mái che. Mái che là cả bầu trời.
Sương tan dần hứa hẹn một ngày nắng mùa đông hiếm hoi. Siêu thị mở cửa. Cô lấy một chiếc xe đẩy đi nhanh vào chợ.
Tại sao phải đi nhanh, tại sao phải vội vàng. Mình có việc gì gấp đâu, cũng không ăn cắp ăn trộm của ai mà phải chạy trốn cho lẹ. Cô nói lầm bầm.
Ngôi chợ sáng trưng dưới hàng trăm bóng đèn nằm khuất trong trần nhà, và ấm áp nhờ có hệ thống điều hòa không khí. Các quầy hàng ngăn nắp, sạch bóng, đầy ắp những món hàng, thức ăn, thức uống, hầu hết đã đóng thành gói gọn gàng, họăc ở trong các chai, lọ, họăc đồ hộp. Sàn nhà trải thảm nhựa kẽ ô vuông trắng ngà, láng lẩy. Người vào chợ đông dần nối đuôi nhau, không nói năng, không ai nhìn ai, không có âm thanh nào khác ngoài tiếng lựa hàng sột soạt, tiếng động khe khẽ của các chiếc xe đẩy, tiếng bước chân nhè nhẹ, tiếng kêu rè rè nho nhỏ của những máy tính tiền. Người Mỹ im lặng và lạnh lùng, cô ngẫm nghĩ. Cô liên tưởng đến một thư viện, hay một bệnh viện.
Cô lấy một xe đẩy và đến hàng trái cây trước tiên. Mùi thơm mơ hồ thoang thoảng của trái chín, nào chuối, cam, lê, bơ, nào nho, táo, xoài ... chất đầy những hộc gỗ nằm trên sàn nhà. Nếu không có máy điều hòa không khí, nếu ở ngoài trời nắng bên vàm sông hay cạnh cây cầu gỗ, trái cây sẽ tha hồ tỏa hương thơm. Mới qua đây hơn nửa năm, lòng hoài hương không nguôi, cô nhớ những chợ làng quê. Cô chọn vài quả táo, cam cho vào túi ni-lông, sắp vào xe đẩy. Đến hàng rau quả, cô lấy vài quả dưa leo, một trái bí đỏ, dăm củ cà rốt, củ cải tây, cho vào xe. Bước thêm mấy bước nữa là đến những quầy bán đồ biển, cô đứng ngập ngừng mấy phút rồi đẩy xe quay lui.
Mình để dành quầy hải sản này vào đợt chót nhé.
Cô đến lựa mấy loại đồ hộp, nấm, đậu Hòa-lan, măng tây chất vào xe. Thuận tay vơ luôn một két bia lon, một bình sữa chua, chuồi vào ngăn dưới của xe đẩy. Và cứ thế, cô đi qua nhiều quầy hàng, lặng lẽ như chiếc bóng, đôi mắt không bắt gặp một đôi mắt nào, thỉnh thoảng thì thầm một mình không thành tiếng, chẳng mấy chốc chiếc xe đẩy đã đầy các loại thức ăn, thức uống.
Kìa, mình sắp trở lại quầy cá. Hay là thôi? Cá ở chợ Mỹ trông chả hấp dẫn chút nào. Lần khác mình phải trở lại chợ Việt Nam.
Cô nhìn quanh một chốc rồi đẩy xe đến góc chợ bán các loại ngũ cốc như gạo Thái Lan, gạo Ấn Độ, gạo trắng, gạo nâu, các thứ đậu, nhiều loại quá. Góc này tương đối rộng rãi, cô nói thầm, mình dừng lại đây nghỉ một chút nhé, không cản lối đi của người khác. Cô nhìn theo dòng người qua lại tấp nập trước mặt, rồi kéo tay áo len lên nhìn đồng hồ, chau mày, như đang có điều gì phân vân, hay như đang chờ một người nào.
Mà tại sao mình phải làm bộ như vậy. Có gì đâu mà cứ thụt tới thụt lui, lấm la lấm lét. Phải bỏ những tật xấu này đi, nhất là cái tật nhìn đồng hồ. Cô thở dài.
Một chiếc xe đẩy bỗng dừng lại ngay sau lưng cô gái, hẳn là có người muốn mua vài món hàng ở đây. Cô đẩy xe nhích sâu vào góc tường nhường chỗ.
Đúng thế, dù ở xứ này, chợ Việt Nam vẫn vui hơn, náo nhiệt hơn, cô nhủ thầm, nhất là ở khu bán cá. Những con cá bông lau uốn lượn trong lồng kiếng khoe cái sống lưng xanh, cái lườn trắng, những con cua chồng chất lên nhau sùi bọt nước. Tôm hùm thì càng dài ngoằn, tay chân quờ quạng, mắt thô lố. Những khúc cá tươi rói nằm rải trên lớp nước đá vụn, những con hến, con ngao, con hào. Lại có cả ốc. Ốc bưu, ốc hút, ốc gạo, ốc hương, ốc... tiên. Xeo xéo phía đối diện, nào là khô cá thiều, khô cá trạch, cá thu mặn, mắm thu băm. Ở quầy xa hơn một chút lại có nhiều thứ khác, nước mắm cá cơm, nước mắm nhỉ, nước mắm Phú Quốc, nước mắm hai cua, ba cua làm tại Thái Lan. Rồi gà ác nhồi, chân vịt rút xương, rồi đậu xanh cà, hột điều, nước hột é, nước bí đao trong hộp giấy, xưng xáo lon... Hay quá, chả thiếu món gì. Đằng kia, khá xa, là những quầy hàng bán bánh mì đủ loại, bánh ngọt đủ loại, rượu đủ loại.
Và xa hơn nữa, xa thật xa, đi dọc theo con sông nước trong như lọc chảy qua các thôn làng như Vỹ Dạ, Tây Thượng, La Ỷ, Nam Phổ, ven những con hói bèo trôi lềnh bềnh, qua cái cầu gỗ bắc ngang con sông đào ăn thông với sông Hương là đến chợ Nọ. Ngôi chợ thật dễ thương ở làng ngoại của anh. Chợ Nọ! Cái tên nghe ngồ ngộ. Rứa có chợ Tê không hả anh?
Cô kéo tay áo len lên một chút, ô hay, lại định xem giờ, rồi đẩy chiếc xe quay trở lại những lối đã đi qua, kín đáo nhìn quanh, cẩn thận lấy từng món hàng từ trong xe đẩy ra, đặt trở lại vào chỗ cũ trên các kệ hàng. Cứ thế, hết kệ này đến quầy khác, trong vòng không đầy nửa tiếng đồng hồ, chiếc xe đã trống trơn, chỉ còn lại một bao ni-lông đựng mấy quả chuối, vài trái cà chua, vài trái táo. Cô đến đứng sắp hàng trước máy tính tiền.
Họ có theo dõi mình không đấy? Nghe nói nhân viên bảo vệ ở chợ Mỹ ẩu lắm, có biết để ý hay quan sát gì đâu mà mình sợ. Hay họ làm bộ ngơ ngơ, ngáo ngáo? Cùng lắm họ cho mình là mụ điên. Nhưng tháng này mình tới chợ này như thế là ba bốn lần rồi. Lần sau đi chợ khác vậy.
Trả tiền xong, cô đưa bàn tay hất ngược mớ tóc che bên má, bước nhanh ra khỏi chợ, vai đeo lủng lẳng cái túi da, tay xách bịch ni-lông đựng mấy thứ trái cây. Đứng trước cửa chợ lưỡng lự mấy phút, cô bèn rẽ qua phải chứ không đến trạm xe buýt để trở về nhà, mà men theo lề đường đi thẳng. Chưa hết buổi sáng, quả nhiên nắng tốt tuy vẫn se se lạnh, cô thong thả đi mải miết, dáng cao cao, dịu dàng, bước đi nhẹ nhàng, yểu điệu. Sau gần một giờ, cô đến trước một công viên, ngập ngừng một chút, rồi rẽ vào.
Cô là con gái út trong một gia đình gồm bà mẹ, một anh, một chị, và cô. Người cha đã chết trong trại tù cải tạo của cộng sản, người anh vượt biên, định cư ở Mỹ cách đây hơn mười năm, và cô vừa mới được đi Mỹ vào năm 1990 theo diện đoàn tụ gia đình do anh bảo lãnh. Mẹ không chịu rời bỏ quê hương, ở lại với người chị đã có chồng con. Sống với gia đình ông anh gần nửa năm, cô dọn nhà đến ở chung với người bạn gái cùng làm thợ lắp ráp tại một hãng điện tử. Gọi là bạn nhưng mỗi người có lối sống riêng không giống nhau chút nào. Ở chung chẳng qua để giảm bớt tiền thuê phòng.
Thỉnh thoảng cô đến thăm gia đình người anh. Những cuộc thăm viếng thưa dần, không phải vì cô lười hoặc không có thì giờ, cũng không phải vì ông anh lạnh nhạt, ít nói, hai đứa cháu không hề chào hỏi, mà vì người chị dâu. Cô không muốn chị dâu phải gượng gạo đóng vai người tử tế. Những cử chỉ ngượng ngập, những nụ cười khô khan, những cái nhìn lãnh đạm, những câu chào hỏi khách sáo, chiếu lệ, khiến cho cô càng ngày càng thấy ngại. Nhiều lần cuối tuần không biết đi đâu, không biết làm gì cho hết ngày, cô đáp hai chuyến xe buýt, rồi đi bộ qua mấy đỗi đường để đến nhà ông anh nằm sâu trong một cư xá sang trọng. Khi đến nơi, cô mới biết mình không đủ can đảm vào thăm, đứng tần ngần trước cái cổng sắt đóng kín, lẩm nhẩm ôn đi ôn lại mấy mã số điện tử dùng để mở cổng tự động mà cô đã thuộc lòng từ lâu. Cô không dám bấm số, đi quanh quẩn một hồi như người đi bộ tập thể dục, đi những lối có thể tránh được cái nhìn từ cửa sổ ngôi nhà hai tầng của ông anh, có khi đi cả giờ, trước khi trở lại trạm xe buýt để trở về nhà trọ.
Cô sợ những ngày cuối tuần. Một mình trong căn phòng vắng, hết nằm lại ngồi, hết đọc những tờ báo biếu dày cộm đến vặn đủ các băng tần T.V. Mỹ lên xem mà chẳng hiểu gì. Để trấn an, cô nhủ thầm rằng có người học tiếng Anh trong giấc ngủ mà còn được, huống hồ mình ngồi thức. Thế nào cũng có ngày cái đầu u mê của mình sẽ tỏa ra và nghe được cái thứ tiếng rắc rối này. Những khi chán quá, cô lấy bài ra bói lui bói tới dù biết rằng chẳng có linh nghiệm gì. Cũng có lúc cô lấy tiền ra đếm. Cô có kinh nghiệm khi nào buồn ngủ lấy tiền ra đếm là tỉnh người ra ngay, nhưng đếm mãi cũng thấy chỉ có một tờ bạc trăm, ngoài ra là những tờ bạc giấy nhỏ và rất nhiều đồng 5 xu, 1 xu. Tiền ít quá, cô chưa mở trương mục trong ngân hàng, và cũng chưa dám xài thẻ tín dụng. Người bạn gái của Huyên, trái lại, mỗi cuối tuần là một lần họp mặt đánh tứ sắc, nếu không thì cũng đi chơi gần hay xa với mấy nhóm bạn cùng trang lứa, hoặc đi mua sắm, hát karaoke, khiêu vũ, nghe nhạc, tiệc tùng. Cô chưa quen thân ai, không dám và không muốn gia nhập vào những nhóm đó.
Cuối cùng cô tìm ra được một cách giải quyết cho nỗi buồn chán: Đi chợ. Đến các chợ thấy khuây khỏa ngay. Đi theo người ta cũng vui vui, họăc kín đáo xem người ta lựa các món hàng, hoặc có khi đóng cả vai người đi mua, cũng chất đồ vào xe đẩy, cũng đẩy xe đi hết nơi này đến nơi khác, rồi đẩy xe lui đem trả lại gần hết, như hôm nay. Ừ nhỉ, mà muốn mua nhiều món như người ta cũng không được, mình chưa có xe hơi làm sao mang tất cả các món ấy về nhà, chưa có tủ lạnh mang về để vào đâu, cô vừa chợt khám phá ra điều đó.
(Còn tiếp)