Thứ Năm, 2 tháng 9, 2010
“Hiện tượng” Ngô Bảo Châu
Hồ Phú Bông

Trước ma mãnh chính trị thì sự chơn chất của khoa học gia đôi khi lại rơi vào thế chẳng đặng đừng!
Từ lâu lắm, Việt Nam không có thần tượng về học thuật mà chỉ nhan nhãn thần tượng chiến tranh. Sự đói khát thần tượng học thuật nầy bỗng dưng xuất hiện nên phải chụp lấy cơ hội. Đảng rất cần những nhân tài loại nầy để trang trí cho chế độ, còn những nhân tài loại khác về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo, mà không là đảng viên, thì hãy coi chừng! Bọn “diễn biến hòa bình”!
Trước khi giải Fields về toán học thế giới được công bố hôm 19/8/2010 tại Ấn Độ, đích thân ông Phó Thủ tướng, cựu Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đánh hơi được nên đã đến tận nhà riêng của giáo sư Ngô Bảo Châu để thăm viếng! Chuyện hiếm có nầy châm ngòi cho báo giới truyền thông lề phải ca tụng. Ba nhân tài khác của thế giới, cùng đoạt giải Fields về toán học năm nay, đối với Việt Nam thì hình như không đáng kể, mà chỉ có một Ngô Bảo Châu. Độc nhất Ngô Bảo Châu với công trình Bổ đề cơ bản của chương trình Langlands năm 2010!
Vậy Langlands là ai? Tại sao gọi là “Bổ đề”? Bổ đề của chương trình Langlands là gì? Tôi tin rằng ông Thủ tướng cũng không hiểu! Cho phép báo chí lề phải ca ngợi là giải “Nobel toán học” cũng chưa chắc báo chí hiểu! Chỉ căn cứ vào tấm huy chương thế giới đã trao, nên ông Thủ tướng phải ôm, như giữ làm của riêng cho Đảng ông, cho đất nước dù chưa biết có sử dụng, hoặc biết cách sử dụng hay không. Trước kia Đảng còn thờ ơ tài năng lỗi lạc về toán học của ông Nguyễn Bảo Châu thì bây giờ bù lại và, kể từ nay mọi thành quả nghiên cứu toán học mang tên Ngô Bảo Châu hẳn là mang hơi hướm của Đảng, vì đã có hơi ấm từ vòng tay của ông Đảng viên Thủ tướng! Cái ôm thắm thiết nói lên điều đó! “Bổ đề” nói lên điều đó!
Còn với nhà toán học Ngô Bảo Châu, không khéo lại bị “bể đồ”!
Chỉ cần giáo sư Ngô Bảo Châu trước hôm đến hội trường Ba Đình, để được vinh danh, đã vào lăng ông Hồ Chí Minh viếng là đủ rồi! Đảng chỉ cần có thế! Tài năng khoa học tính sau, tùng phục Đảng tính trước. Trước kia, công trình của một kỹ sư cơ khí như ông Trần Đại Nghĩa (?) là mở lò rèn đúc vũ khí, đạn dược trong ngày đầu kháng chiến chống Tây là đủ rồi! Tài năng khoa học Đảng sử dụng chỉ cần có vậy. Những tài năng học thuật loại khác như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Hữu Loan… dám chống Đảng thì phải đi vào bóng tối. Bóng tối cá nhân trong tù ngục, đồng thời cũng là bóng tối của lịch sử Đảng!
Thân phận cá nhân các nhân tài đó tất nhiên phải chịu tất cả nghiệt ngã về mọi thủ đoạn chính trị.
Trân trọng nhân tài là trân trọng giá trị công việc và tư cách phục vụ xã hội của nhân tài nhưng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước kia chỉ coi trọng cái tên, vì bám vào danh tiếng các tên tuổi đó Đảng có thể mưu đồ được sự ủng hộ rộng rãi trong dân chúng cũng như công luận thế giới! Cho nên cung cách nhà nước bây giờ đang tôn vinh giáo sư Ngô Bảo Châu không hẳn là việc chứng minh được tính quý trọng nhân tài của chế độ! Vì bên cạnh một tài năng trẻ Ngô Bảo Châu còn có rất nhiều tài năng trẻ khác đang cố gắng xây dựng một xã hội tự do, dân chủ, công bình và bác ái thì họ bị đưa vào tù ngục. Điển hình mới nhất là giáo sư toán Phạm Minh Hoàng của Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh!
Việt Nam chắc chắn không thiếu nhân tài, nhưng khi họ bị ném vào trong một cái ao nước tù đọng, sình lầy ngập ngụa thì cựa quậy để không bị chết ngộp, đã là may mắn lắm rồi!
Các nước dân chủ đều quý trọng mọi nhân tài. Có thể nói không có nước dân chủ nào không quý trọng nhân tài! Nhưng họ tôn vinh nhân tài không phải bằng khoe mẽ phù phiếm mà tạo điều kiện đặc biệt để nhân tài hoàn toàn được tự do trong nghiên cứu và sáng tạo. Những công trình cao quí nhất đã được thực hiện. Các huy chương cao quý nhất đã được trang trọng trao gắn sau khi xã hội nhận được thành quả công trình nghiên cứu và sáng tạo của họ. Nên giá trị của những huy chương đó là giá trị thực tiễn. Giá trị phục vụ nhân loại. Nhưng với Việt Nam thì ngược lại. Nó chỉ là tấm biển quảng cáo như loại “Tiết hạnh khả phong” thời phong kiến, dành cho phụ nữ biết thủ tiết thờ chồng!
Mọi đất nước luôn luôn cần nhân tài để đóng góp công sức xây dựng về mọi mặt. Một dân tộc hùng mạnh là khi người dân sống trong xã hội đó hài hòa giữa vật chất và tinh thần, chính quyền của dân tộc đó biết hy sinh, trong sạch, nêu gương đoàn kết và thương yêu. Yếu tố tinh thần là các quyền tự do căn bản đã được thế giới công nhận qua Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền. Khi sống trong một đất nước mà mọi quyền tự do căn bản đó bị tước đoạt thì cho dù có nhân danh bất cứ lý do gì cũng chỉ là những tấm biển quảng cáo dùng để đánh lừa công luận!
Và ngày nay, ở các nước văn minh, cho dù chỉ là quảng cáo nhưng cũng bị pháp luật ràng buộc về tính trung thực!
(2/9/2010)