Thứ Ba, 21 tháng 9, 2010
Ghé thăm các Blog
Trong một cuộc nhàn đàm về dân trí và quan trí nước nhà, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nói : “Tôi thấy trình độ dân trí của ta bây giờ rất khá. Họ không ấu trĩ u mê như cán bộ ta lầm tưởng đâu.Trong khi đó nhiều cán bộ của ta lại ấu trĩ, non kém không đủ khả năng đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của dân.” Quả thật, Nhà thơ đã nói không sai chút nào.
Cách đây ít lâu thiên hạ được trận cười bể bụng về một ông giám đốc sở công thương ký văn bản đề nghị các cơ quan chức năng trung ương sớm ban hành quy định xử phạt hành chính đối với người dùng dây to trói cua biển nhằm nâng trọng lượng cua. Ông cho đó là hành vi gian lận thương mại mà không hề biết sở dĩ người ta dùng dây to thấm nước biển trói cua để giữ cho cua sống lâu. Và nếu người bán dùng dây rất to để trói nhằm nâng trọng lượng cua lên từ 20% đến 25% so với trọng lượng thật như ông nói thì tự khắc người mua sẽ trừ bì 20% đến 25% , rất đơn giản. Ông cũng không hề biết chính phủ đã có nghị định Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại. Tóm lại cả luật lẫn đời sống lẫn văn hoá thương mại ông không hề biết, thế mà ông cầm chịch ngành công thương của một tỉnh.
Cái sự mù văn hoá đến nỗi làm quan mà không biết dân là ai lại bảo dân là gian. Làm băng rôn chào mừng ngày giải phóng Điện Biên Phủ là ngày 7/5 / 1945, gọi ngày 30/ 4/ 1975 là ngày giải phóng Thủ đô. Thảm thương thay một vị đại biểu quốc hội thấy trẻ con qua sông bằng cáp đu để đến trường không hề đau xót, lại còn vui mừng coi đó là một sáng tạo của nhân dân. Nhà thơ Trần Đăng khoa kể: “ Hôm vừa rồi, tôi dự buổi mít-tinh truy điệu đồng bào bị thiệt hại trong mấy trận lũ lụt. Có ông đọc điếu văn xong lại vỗ tay hoan hô. Ông ta vỗ trước, rồi mọi người ngơ ngác vỗ theo…” Rõ là cười ra nước mắt.
Có lẽ tấn bi hài rõ nhất về sự mù văn hoá là một ông giám đốc sở GTVT đã chi 181 triệu đồng cho phép Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh phát hành 122 ngàn tờ rơi phát cho các cơ quan, ban ngành… trong toàn tỉnh, đối tượng được tuyên truyền là các em học sinh về an toàn giao thông, nội dung ghi dưới các biển báo miêu tả cuộc mây mưa của đôi trai gái với lời lẽ vô cùng tục tĩu. “Tôi đang đi xe đạp. Thì nhìn thấy một cô gái đang nằm. Chúng tôi vờn quanh nhau. Cho đến khi cô ấy chịu… Chín tháng sau cô ấy gọi từ bệnh viện. Tôi đã được làm bố…”. Những câu khác còn thô tục, khiêu dâm gấp nhiều lần mà chúng tôi không thể trích lại. (theo báo Nhân dân).
Chưa nói đến sự khiêu dâm thô bỉ mà ai cũng thấy, người ta quá ngạc nhiên khi biết ông quan này khi kí duyệt cho phát hành các tờ rơi trên đã không hề biết tuyên truyền là gì. Đến một đứa con nít cũng biết bịa đặt, bóp méo nội dung tuyên truyền là một hành động phản tuyên truyền, thế mà ông không hề biết.
Càng ngạc nhiên hơn khi các ông quan khác đã giải thích cho việc này là do đơn vị chưa nhận được tài liệu tuyên truyền của Ủy ban ATGT Quốc gia gửi đến nên mới… sưu tầm trên mạng. Không lẽ chú thích các biển báo cũng phải chờ cấp trên, không lẽ chưa có tài liệu cấp trên thì lấy tài liệu bậy bạ để thế vào? Nực cười thay, một quan trong tỉnh đã nói: “Hiện chỉ có thể nói nội dung trên tờ rơi tuyên truyền ATGT không lành mạnh, còn có phải khiêu dâm hay không phải chờ kết quả thẩm định.”
Thế là đã rõ, từ việc trói cua bằng dây to đến việc tuyên truyền ATGT bằng sex… tất tần tật phải chờ trên phán xét, chỉ duy nhất việc tầm bậy thì trên không cho làm vẫn cứ làm. Không hề phân biệt được tuyên truyền với phản tuyên truyền khác nhau chỗ nào, không hề phân biệt đùa vui với thô bỉ khác nhau ra sao, đến khiêu dâm là gì cũng không hề biết! Chưa bao giờ quan trí nước nhà thảm hại như lúc này. Than ôi!
Thế này gọi là tuyên truyền ATGT:
Ảnh gốc bằng tiếng Anh tìm thấy trên mạng:
BLOG TRẦN NHƯƠNG
CHUYỆN PHIM LÝ CÔNG UẨN VÀ TRẦN THỦ ĐỘ, BÂY GIỜ MỚI KỂ
Thiên Sơn
Cảnh trong phim “Trần Thủ Độ”. Nguồn: danlambao.com
Có những chuyện không thể nào tin nổi trong ngành điên ảnh. Bộ phim chính thức về “Lý Công Uẩn” được hứa hẹn sẽ đầu tư rất lớn và giao cho hãng phim truyện Việt Nam sản xuất đột ngột xảy ra những cuộc tranh luận lớn, rồi sau đó là sự đình chỉ từ phía Hà Nội. Dự án hoàn toàn đổ vỡ gây hụt hẫng cho rất nhiều người và tâm lý bi quan. Ngay lập tức người ta quyết định làm bộ phim về “Trần Thủ Độ”. Và cùng thời điểm đó, người ta bí mật sản xuất phim “Đường tới thành Thăng Long”.
Trong một buổi họp báo ở Bộ văn hóa gần hai năm trước, tôi đã đặt câu hỏi với những người quản lý có trách nhiệm rằng, tại sao chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long những nhân vật lừng danh trong lịch sử như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung không làm, lại làm về Trần Thủ Độ. Ông ấy là người tiêu diệt nhà Lý. Là người hành hạ Lý Chiêu Hoàng đến thế và là người tạo ra những điều luật dẫn đến loạn luân trong thời nhà Trần. Lúc đó, người có trách nhiệm đã trả lời, chúng ta chưa quy hoạch được đề tài và chưa tổ chức tốt hệ thống kịch bản. Phim “Trần Thủ Độ” không phải là phim 1000 năm Thăng Long.
Tôi đã nhiều lần nêu ý kiến qua các bài báo, rằng không nên và không thể tôn vinh Trần Thủ Độ lúc này. Ông ấy có những đóng góp cho lịch sử, và cũng có những lỗi không thể xem thường. Hãy làm ông ấy vào lúc khác và hãy làm một cách công bình, đừng vẽ thêm công, đừng coi thường cái tội phạm vào luân lý. Các ý kiến ấy vì nhiều lý do đã không được đăng báo. Hầu như ở đâu người ta cũng vứt bài của tôi đi.
Đầu tháng 12 năm ngoái, tôi biết bộ phim “Đường tới thành Thăng Long” chuẩn bị khởi quay. Tôi đã đề nghị tòa soạn cho phép in bài. Nhưng rồi đã không có ý kiến đồng thuận. Tôi đã gọi điện cho một đồng nghiệp ở VietNamnet, nhưng họ nói biết rồi.
Các bộ phim quan trọng đó đều có sự liên kết với phía Trung Quốc và rất đậm chất Trung Quốc. Tại sao lại thế? Tại sao Trung Quốc lại đi làm phim cho Việt Nam lúc này?
Bây giờ người ta dấu nhẹm đi chuyện Trung Quốc cùng hợp tác, đồng sản xuất mà chỉ nói đến công ty Trường Thành sản xuất phim “Đường tới thành Thăng Long”. Kịch bản này do ai viết và cài vào đó những chi tiết nào không hay, không đúng cũng chẳng thấy ai làm rõ. Và tại sao nó lại được làm một cách bí mật che dấu hết mọi thông tin? Khi bộ phim khởi quay ở Trường quay Hoành Điếm, chỉ một mẩu tin nhỏ được đăng. Rồi sau đó không lâu, báo chí đưa tin, nó được xếp vào số những tác phẩm phục vụ ngàn năm Thăng Long, nhưng mọi chi tiết đều bị giữ bí mật.
Tôi nói rõ quan điểm: Ta không làm được phim về Lý Công Uẩn thì thôi, không nên để Trung Quốc làm. Như thế có gì bất nhẫn. Khác nào tổ tiên mình không thờ, lại nhờ người khác thờ hộ. Thật là vô văn hóa và kém chính trị quá. Nhiều người đã không thèm lắng nghe quan điểm đó. Các bài báo nhắc đến điều đó bị cắt.
Bây giờ thì chuyện gì đã xảy ra?
Phim “Trần Thủ Độ” bỏ ra ba triệu đô la đến nay im hơi lặng tiếng, đợi sau lễ ngàn năm Thăng Long mới dám đưa ra. Tại sao? Tại vì người dân và trí thức không chấp nhận tôn vinh Trần Thủ Độ vào lúc này. Nếu làm phim về nhà Trần, sao không làm về Trần Nhân Tông, hay Trần Hưng Đạo? Làm về Trần Thủ Độ lúc này chướng lắm, không thuận. Còn làm về Trần Hưng Đạo thì e đụng chạm với hậu duệ của quân Nguyên. Thế là việc đầu tư sai lầm. Còn Trung Quốc thì đã kịp biến ông Trần Thủ Độ thành một nhân vật tựa như em ruột ông Tào Tháo. Cảnh vật, con người và tư tưởng là phiên bản của phim tàu.
“Đường tới thành Thăng Long” thì trắng trợn hơn. Phim này trở thành một bộ phim tàu hoàn chỉnh được lồng tiếng Việt. Cảnh vật, trang phục, hành động, võ thuật… chẳng khác nào những bộ phim Trung Quốc chiếu tràn lan trên màn hình. Chẳng thấy gì đúng với tinh thần tự tôn, độc lập và trí tuệ của Lý Công Uẩn, đại biểu cho trí tuệ dân tộc ta một ngàn năm trước đâu cả.
Thật vui mừng là cuối cùng bộ phim này đã được chặn lại. Nó là sản phẩm của những kẻ tự khinh rẻ dân tộc mình, những kẻ vọng ngoại, và phạm thượng với các bậc tiền nhân. Khán giả nhiều tầng lớp đã lên tiếng. Đã tẩy chay. Lương tri và tinh thần tự tôn của người Việt đã thức dậy.
Nhiều lần tôi đề nghị hãy chọn tất cả những nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử, quy hoạch thành các cấp độ ưu tiên, có chiến lược đề tài và lộ trình xây dựng dòng phim lịch sử. Nhà nước cần đầu tư và định hướng. Kết hợp giữa ngành sử học, văn học, dân tộc học… Nghiên cứu cho bài bản rồi hãy làm. Phải sản xuất những bộ phim làm sống lại lịch sử dan tộc, khơi niềm tự hào và giáo dục con cháu đời sau vươn lên. Trí tuệ người Việt đủ sức làm phim. Chỉ cần biết tổ chức, khai thác và trọng dụng nhân tài. Nếu có tham khảo nước ngoài thi cần thận trọng với ý kiến của họ, vì họ không thể nào thấu hiểu hết lịch sử ông cha ta như chính chúng ta. Ý kiến ấy từ lâu cũng bị bỏ ngoài tai.
Qua những gì thể hiện ở phim “Trần Thủ Độ” và nhất là phim “Đường tới thành Thăng Long” cùng một vìa bộ phim khác, chúng ta cần cảnh giác với việc liên kết làm phim với Trung Quốc. Hãy đừng để họ nuốt mất mình mà cứ nằm trong bụng họ khen họ giỏi, họ đang giúp mình làm phim.
Thứ sáu ngày 17/9/2010