Thứ Tư, 8 tháng 9, 2010

Ghé thăm các Blog

BLOG ĐÀO TUẤN
http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk
Bán thân báo hiếu
Đăng ngày: 11:07 29-08-2010
Thư mục: Xã hội ba đào

Lại thêm một vụ mua vợ bị cảnh sát hình sự phát hiện tại TP HCM hôm 27-8. 17 cô gái vùng ĐBSCL tuổi mới đôi mươi xếp thành một hàng uốn éo, khua chân đập tay... múa để cho 2 chú rể Hàn Quốc- người trẻ 45 tuổi, người già 56 tuyển chọn.

Không biết đây là vụ thứ bao nhiêu bị phát hiện, cũng không biết sẽ còn bao nhiêu vụ mua bán nữa sẽ diễn ra bởi số bị lộ thường ít hơn rất nhiều so với thực tế. Nhưng rõ ràng đây không còn đơn thuần là câu chuyện xã hội nhỏ của 17 cô gái và 2 ông "chồng" già. Vấn đề nằm ở nguyên nhân xô đẩy các cô vào cuộc bán thân đầy phiêu lưu và không ít tủi nhục.

Phí môi giới chỉ 25 USD. Tiền thưởng cho việc chọn được hàng: 3 triệu đồng. Riêng các cô gái và gia đình họ được bao nhiêu là do "thỏa thuận" với mức chung bình khoảng 1.000 - 2.000 USD/cô tùy theo độ tuổi và nhan sắc. Những con số được hé lộ trong vụ "mua vợ bán thân" cho thấy giờ đây đối với nhiều cô gái hoàn toàn không còn gì gọi là nhân phẩm để có thể nói là rẻ mạt.

Trong những vụ "hôn nhân" này không thể không đặt ra những câu hỏi: Các cô lấy các "ông già ngoại" vì tình yêu? Vì để có một tấm chồng? Hay lấy chồng vì 1-2 ngàn USD để "báo hiếu"? Câu trả lời rất dễ trả lời nếu chúng ta nhìn những bức ảnh các cô bị Cảnh sát hình sự bắt quả tang ngồi dúm dó giơ tay áo che ống kính phóng viên. Các cô chẳng khác gì các cô cave bị bắt trong các cuộc truy quét tệ nạn. Sự cam chịu đó đang cho thấy từ trong ý thức, các cô cũng coi đây là một thương vụ bán mình, có xem chọn, có mặc cả. Chắc chỉ còn thiếu mỗi nước các "chú rể" bắt các cô gái "há miệng xem răng" thì sự man rợ đủ để coi nhiều cảnh đời trong xã hội ngày nay chẳng khác gì các cuộc mua bán nô lệ của một thời kỳ dã man trong lịch sử.
Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,
Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.
Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,
Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.
Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:
Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,
Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.


Đây là những câu đau xót trong bài thơ "Trăng nghẹn" của nhà thơ hành nghề "trồng răng giả" Hoài Tường Phong.

Vầng trăng nghẹn với những cô gái lấy chồng xa đang cho thấy nghèo đói và thất học chưa bao giờ buông tha số phận những cô gái, những người dân ĐBSCL.

Cách đây chưa lâu, đã có hẳn một cuộc hội thảo về bức tranh nghèo đói ở ĐBSCL. Rất nhiều con số còn tồi tệ hơn là cái giá bán thân rẻ mạt đã được đưa ra. Ở chính vùng đồng bằng phì nhiêu cò bay thẳng cánh đó, nông dân đang mất dần ruộng đất, trở thành tôi đòi trên chính mảnh ruộng cũ của mình. Báo cáo của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy 99% số người nghèo là do "không một mảnh đất cắm dùi". Khu vực hàng năm cung cấp 90% lượng gạo xuất khẩu này cũng đang dẫn đầu trong các khu vực về tỷ lệ nghèo đói. Nơi có tới 70% sản lượng trái cây các loại; chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cũng lại là nơi có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao nhất; nông dân tích luỹ thấp và tỷ lệ hộ dân sống nhà tạm bợ cao nhất nước… Tiền Giang, tỉnh duy nhất dám công bố số liệu này đã đưa ra con số tỷ lệ hộ nghèo sống trong nhà tạm bợ lên đến 54%.

Nói về đào tạo nguồn nhân lực, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, GS TS Bùi Chí Bửu có lần đã đưa ra những con số đầy bức xúc: Sinh viên đại học và sau đại học của đồng bằng sông Cửu Long chỉ chiếm hơn... 4% dân số ở độ tuổi 20 – 24. Trong lúc bình quân cả nước gần 1 triệu dân có 1 trường đại học thì ở đồng bằng sông Cửu Long 3,3 triệu dân mới có 1 trường. Và, không ai nghĩ rằng, dân miền sông nước chi tiêu cho giáo dục lại "khiêm tốn" tới mức chỉ hơn 130.000 đ/người/ năm. ĐBSCL đói dạ dày một, thì đói tri thức mười. 89,28% lực lượng lao động chẳng có một thứ nghề ngỗng gì ngoài nghề ăn nhậu. Ngay cả phương tiện sản xuất chủ yếu tại vùng sản xuất lúa hàng hóa lớn nhất nước vẫn chỉ là đôi bàn tay trắng với cái sào xua vịt. Liệu ĐBSCL sẽ tiến bằng cái gì khi 38,9% người nghèo mù chữ và chỉ có khoảng 40% là tốt nghiệp cấp I, thực chất cũng là một hình thức khác của thất học.

Theo VOV: Năm 2005, trước con số tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn chiếm tới 21%, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong một buổi hội thảo, đã lưu ý các nhà lãnh đạo trong vùng: Đừng đặt thành tích của mình trên cái nghèo của dân!

Nhưng những lời cụ Kiệt, lúc đó phát biểu khi đã về vườn, có vẻ chẳng hề lọt tai các vị lãnh đạo đương nhiệm, hoặc tỉnh nọ tưởng cụ đang nói câu chuyện của tỉnh kia. Và thế là các nhà lãnh đạo vẫn luôn lạc quan, luôn hài lòng với tốc độ tăng trưởng GDP và thu nhập bình quân đầu người năm sau luôn cao hơn năm trước của tỉnh mình. Sự lạc quan có được trên một thực tế là “chưa có ai chết vì đói”. Năm 2009, khi các nền kinh tế suy thoái trên phạm vi toàn cầu, tăng trưởng GDP toàn quốc chỉ đạt mức 5,32% thì mức tăng trưởng GDP vùng ĐBSCL được tuyên bố là "cao nhất nước", với 10,08%, GDP bình quân đầu người ước đạt 973 USD, tăng 9,33%. Sang năm 2010, rất nhiều tỉnh tuyên bố phấn đấu mức tăng GDP 15%, dù mục tiêu GPD chung của cả nước được QH thông qua, chỉ rón rén đặt ở mức 6,5%. GDP còn tăng đến đâu, với tốc độ thế nào và ai được hưởng? Rõ ràng đây không phải câu hỏi mà người dân ĐBSCL nói chung và các cô gái nói riêng có thể trả lời được.

Nếu một cô gái được ăn học, sống trong một gia đình không quá nghèo đói thì liệu cô gái đó sẽ chấp nhận tha hương với một ông chồng già có "năng lực tâm thần" chỉ đủ để trả lời Hà Nội là ở Việt Nam? Chính đói nghèo đến vàng mắt tả tơi, chính sự thất học khiến cho người ta không còn biết đến nhân cách, sĩ diện đã khiến các cô gái phải tìm cách xóa đói giảm nghèo bằng cách bán thân. Câu trả lời cho vấn đề rõ ràng không nằm ở các cuộc vây bắt của Cảnh sát hình sự.

Có một vụ hiếp dâm văn nghệ đã xảy ra trong vụ Trăng Nghẹn sau khi bài thơ này được trao giải nhất cuộc thi thơ đồng bằng sông Cửu long. Một số quan chức ở Cần Thơ đề nghị Hoài Tường Phong từ chối giải với lý luận: “Trăng thì phải sáng, thậm chí rất trong sáng chớ không thể nào nghẹn được”. Có người sau đó còn đề nghị ông hoặc sửa 4 câu thơ cuối, hoặc sửa chữ “chưa” thành chữ “sẽ” hoặc “chờ” trong câu thơ kết. Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê.

Khi mà người ta chỉ chấp nhận trăng sáng, khi kết thúc các báo cáo được bắt đầu bằng từ "sẽ" thì rõ ràng câu chuyện bán thân của các cô gái hẳn sẽ còn là câu chuyện dài.

BLOG TRƯƠNG DUY NHẤT
http://truongduynhat.vnweblogs.com/post/1545/252938
CHÍNH PHỦ NHÌN TỪ CÁI… LAP TOP!
truongduynhat 02 Sep, 2010, 00:00 góc nhìn của Nhất

Nếu ai theo dõi các cuộc họp của Chính phủ dạo này sẽ thấy chình ình trước mặt từ Thủ tướng đến tất cả mọi thành viên mỗi người một cái laptop rất to hiệu Sony Vaio (nhìn ảnh chắc là loại xịn).

Có lẽ, đây là dấu hiệu nhìn rõ nhất, cụ thể nhất cho khái niệm “Chính phủ điện tử” lâu nay đang hô hào và dốc tâm xây dựng.

Nhưng nếu chịu khó quan sát tí, sẽ thấy nhiều chuyện khôi hài. Bắt đầu cuộc họp, tất tật laptop đã được bật sẵn. Và dường như suốt phiên họp, từ Thủ tướng đến mọi thành viên, chả ai quan tâm đoái hoài đến cái màn hình laptop trước mặt. Còn cái bàn phím thì càng tất nhiên là không, ít thấy ai đụng vào, dù chỉ một lần. Đa phần vẫn cắm cúi, chúi vào mấy tập tài liệu dày cộp trên bàn. Thi thoảng đến phiên phát biểu, vẫn thấy các vị cầm đọc những tờ giấy chuẩn bị sẵn.

Vì thế, nhìn dòng logo sát ngay dưới hình Quốc huy trên những cái laptop kia, cứ nghĩ Chính phủ đang làm công tác… quảng cáo, tiếp thị cho nhãn hàng Sony Vaio.

Trong thành phần Chính phủ, tôi cũng có quen vài người. Hôm nọ ngồi tiếp chuyện một vị, ổng bất chợt hỏi:
- Nghe nói chú có nhiều bài viết hay lắm, tìm thế nào để đọc được?

Tôi thật thà:
- Ôi, anh nhiều việc thế chắc nói dài dòng không nhớ nổi đâu. Tốt nhất cứ vào gút- gồ gõ chữ Trương Duy Nhất là ra hết !

Vậy mà ổng trợn tròn mắt:
- Gút- gồ là cái chi rứa ?

Thật tình không dám cười vì sợ thất thố! Nhưng rồi về nằm ngẫm mà tự hỏi mãi : Chả nhẽ cái gọi là mô hình « Chính phủ điện tử » nó là vậy sao ?


BLOG KAMI
http://nguoiduatinkami.wordpress.com/2010/09/03/chuyện-vinasin-va-bao-quan-dội-cười/
Vấn đề hôm nay(2): Chuyện Vinasin và Báo Quân đội … cười

Kami
Trong các vấn đề làm đau đầu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào giờ phút này là vấn đề Tập đoàn Vinashin, vì sự sống còn của Vinashin có tầm quan trọng quyết định trong việc chạy đua vào chiếc ghế Tổng Bí thư Đảng CSVN trong năm tới. Thực ra dưới con mắt của các chuyên gia kinh tế thì cái ung nhọt Vinashin đã có biểu hiện nguy hiểm từ rất lâu rổi. Từ trước khi ông Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 103/QĐ- TTg về việc phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Kinh tế Vinashin, và quyết định 104 QĐ – TTg về việc thành lập Công ty mẹ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam với mục đích hình thành Tập đoàn Kinh tế Vinashin đa sở hữu trong đó có sở hữu Nhà nước là chi phối bao gồm các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.

Vì coi Vinashin như ngọn cờ đầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nghe các quân sư quạt “máy” xui dại, với một chiến lược phát triển, với viễn tưởng sẽ xây dựng thành công và đưa những tập đoàn công nghiệp nhà nước hàng đầu thành những tập đoàn kinh doanh lớn theo kiểu định hướng XHCN. Tất cả đều dựa vào mô hình chaebol, là những tập đoàn công nghiệp lớn, quy mô như Samsung, Huyndai… của Hàn quốc, đã đưa Hàn quốc ra khỏi nghèo đói để trở thành một trong những nước giàu có và phát triển. Đó chính là lý do vì sao khoảng 750 triệu đô-la từ cuộc phát hành trái phiếu đầu tiên của Việt Nam ra nước ngoài đã được Thủ tướng Nguỹen Tấn Dũng quyết định chuyển qua cho Vinashin toàn bộ.

Công nhân Nhà máy đóng tàu Dung Quất. Nguồn: AFP


Về hậu quả kinh tế, thiệt hại bước đầu của Vinashin qua kiểm tra sơ bộ cho thấy tập đoàn này đã để lại khoản nợ là 86.000 ngàn tỷ VND, tương đương với 4,3 tỷ đô la Mỹ so với tổng giá trị tài sản hiện có của Vinashin là 104.000 tỷ VND. Số tiền nợ này nhiều tới mức nếu bổ đầu bình quân mỗi công dân nước Cộng hòa XHCN Việt nam, kể từ em bé vừa cất tiếng chào đời đến người chuẩn bị trút hơi thở cuối cùng cũng phải mắc nợ khoảng hơn 1 triệu VND. Trong một thư ngỏ của TS Vũ Triệu Minh gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông TS Vũ Triệu Minh đã nói toạc rằng ” … Chỉ trong một chớp mắt, mỗi người dân Việt Nam phải trả nợ cho Vinashin của ông một triệu đồng đấy. Số tiền này đủ để ông xóa nghèo cho toàn dân Việt Nam trong vòng 20 năm…”

Nhưng tiền bạc chưa phải là chuyện lớn, vấn đề quan trọng là công ăn việc làm và cuộc sống của người lao động của Vinashin. Theo Báo Thanh niên cho biết ” Ngày 4.8, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Đặng Ngọc Tùng có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết chính sách lao động tại Vinashin. Theo công văn này, đời sống của người lao động Vinashin đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiện có 7.314 lao động thiếu việc làm, tập đoàn nợ tiền lương của người lao động 103 tỉ đồng, nợ BHXH 143,9 tỉ đồng.”
Sở dĩ nói tới chuyện nợ nần và khó khăn chồng chất do Vinashin để lại để thấy rằng con đường đưa ông Nguyễn Tấn Dũng vào cái ghế Tổng Bí thư Đảng là hết sức khó khăn và nhiều chông gai. Mà nguyên nhân vì sao vụ việc Vinashin bùng lên vào thời điểm trước Đại hội Đảng CSVN lần thứ XI chỉ còn vài ba tháng? Hình như đây là cú ra đòn quyết định của một số người phe anh Tô Chủ tịch, buộc ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải từ bỏ ước mơ chức Tổng Bí thư, mà phải chấp nhận ngồi lại ghế Thủ tướng trong nhiệm kỳ nữa để giải quyết những hậu quả khổng lồ này, mà theo họ đó là vì lỗi do chính ông Nguyễn Tấn Dũng là người gây nên và phải chịu trách nhiệm.

Việc triều đình đang rối rắm phức tạp nước sôi lửa bỏng như vậy, mà mấy ngày vừa qua trên mục Chính luận của Báo Quân đội nhân dân, cơ quan của Đảng ủy quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng xuất hiện bài viết “Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”: Không thể phủ nhận vai trò kinh tế Nhà nước” của đồng chí Đỗ Phú Thọ, có đoạn nói về vụ việc của Vinashin như sau “Thực tế tại Tập đoàn Vinashin, sau gần một tháng thực hiện việc tái cơ cấu, đổi mới toàn diện tập đoàn theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, đã có sự chuyển biến đáng phấn khởi. Tình trạng công nhân phải nghỉ việc giảm hẳn. Các dự án đóng tàu của tập đoàn được khởi động trở lại. Quyết tâm của cán bộ, công nhân Vinashin là đến năm 2013 sẽ hết lỗ và đến năm 2015 có lãi.”

Một bài chính luận viết về vấn đề kinh tế, nhưng cố gắn vào mục “Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” thì không hiểu là vì lý do và có hàm ý gì? Phải chăng báo Quân đội nhân dân cố ý đưa các đồng chí lãnh đạo của đảng bên phe của anh Tô Chủ tịch đang yêu cầu giải quyết vụ việc Vinashin sang đội ngũ của những thế lực thù địch?

Chuyện đấu đá nội bộ trong Ban lãnh đạo Đảng CSVN ở đây xin không bàn tới, vì tôi không muốn mắc vào cái tội tuyên truyền chống đảng. Nhưng ở đây sở dĩ trích đoạn trên đây của đồng chí Đỗ Phú Thọ trong bài “Không thể phủ nhận vai trò kinh tế Nhà nước” cho thấy có 3 điểm cần bàn tới, vì nó là vấn đề liên quan tới nhận thức của nhân dân đặc biệt là các cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân trong giai đoạn cách mạng mới trước mắt. Quan trọng hơn là cần phải nói đúng và nói rõ sự thật cho họ biết, chứ không được viết theo lối tuyên truyền lạc quan tếu, thiếu tôn trọng thực tế khách quan của tình hình như đồng chí Đỗ Phú Thọ viết. Đó là:
1. Tình hình ở Tập đoàn Vinashin sau một tháng đã thực hiện lệnh khám xét và bắt giữ các đối tượng chủ chốt của Vinashin như Tổng giám đốc Phan Thanh Bình, Tân Tổng Giám đốc Trần Quang Vũ, ông Trần Văn Liêm Tổng giám đốc Công ty vận tải viễn dương Vinashin, Giang Kim Đạt (Trưởng phòng khai thác), Nguyễn Tuấn Dương, tổng giám đốc công ty Cổ phần thép Cửu Long kiêm Tổng Giám đốc Cty Cổ phần thép Cái Lân – Vinashin, ông Nguyễn Văn Tuyên – Giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh. v.v… và sau đây nữa là sẽ tiếp tục bắt thêm những ai nữa chưa biết là đang có chuyển biến đáng phấn khởi.(!?)

2. Tình trạng công nhân phải nghỉ việc giảm hẳn. Các dự án đóng tàu của tập đoàn được khởi động trở lại.

Thế nào là tình trạng công nhân nghỉ việc giảm hẳn? Theo Báo Sài Gòn tiếp thị hôm nay (3/9) cho biết thì theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, đến tháng 6 năm nay, tổng tài sản của tập đoàn Vinashin khoảng 104.000 tỷ đồng, tổng số nợ lên tới 86.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gần 11 lần. Đã có gần 17.000 công nhân bỏ việc, gần 5.000 người mất việc. Tập đoàn hiện có khoảng 7 vạn người đang trong cảnh chạy lương từng bữa. Có lẽ số công nhân nghỉ việc giảm hẳn đó là số lượng công nhân đã buộc phải bỏ việc để đi kiếm việc làm ở chỗ khác?

3. Quyết tâm của cán bộ, công nhân Vinashin là đến năm 2013 sẽ hết lỗ và đến năm 2015 có lãi. Cái vấn đề thứ 3 này của đồng chí Đỗ Phú Thọ phải thừa nhận nó có tính gây cười với bạn đọc rất cao, với số nợ vào khoảng 86.000 tỷ VND tương đương với 4, 3 tỷ đô la Mỹ thì xin hỏi bao nhiêu năm có lãi của Vinashin mới trả nợ hết cả gốc lẫn lãi. Ai làm ăn kinh tế mà cứ ngồi nghe đồng chí Đỗ Phú Thọ “xui” thì chả mấy chốc tiến lên Chủ nghĩa Xã hội kiểu hết thóc giống.

Thực trạng của Tập đoàn Vinashin hiện tại đang ở mức xấu nhất, không chỉ là mọi khoản nợ khi tới đúng hạn là phả trả cho nước ngoài, mà quan trọng hơn cả sự sụp đổ của Vinashin sẽ là sự thất bại và phá sản của nền kinh tế thị trường mang cái đuôi định hướng XHCN của đảng CSVN. Tới mức người ta phải nói thẳng ra là “Nếu để Vinashin phá sản, tất cả sẽ thành đống sắt vụn”.

Bài học thành công của nền kinh tế nước Nhật hẳn người Việt nam có chút nhỏ kiến thức ai ai cũng biết. Người Nhật đã thành công đưa kinh tế của nước Nhật lên hàng thứ 2 trên thế giới chỉ một vài chục năm, bởi vì họ biết chấp nhận sự thật những hạn chế của đất nước họ là nghèo tài nguyên khoáng sản, để dạy cho học trò. Không bao giờ người Nhật họ lạc quan tếu kiểu ngồi “tính cua trong lỗ” theo kiểu “2 hay ba năm hết lỗ và có lãi” như các nhà lãnh đạo Việt nam (hay tự sướng) mà đồng chí Đỗ Phú Thọ cũng mắc phải.

Chuyện làm ăn kinh tế là chuyện quan trọng, nó vừa khó và vừa lớn, nhất là ở mức kinh tế Tập đoàn, nó không phải chuyện vớ vẩn như việc viết chính luận trên báo Quân đội nhân dân, mà đồng chí Đỗ Phú Thọ nhảy vào viết bình luận ba lăng nhăng kiểu trẻ “ăn theo nói leo” thế nào cũng được.

Hôm lễ Quốc khánh mùng 2/9, tôi gặp mấy bác hiện đang là tướng lĩnh cao cấp trong quân đội (đoạn này học theo blogger Trương Duy Nhất) đến nhà chơi, tôi mang chuyện của đồng chí Đỗ Phú Thọ viết trên báo Quân đội nhân dân ra hỏi vui. Bác X. cán bộ lãnh đạo Cục quân huấn Bộ Quốc phòng cười và nói vui “mấy thằng đó nó đang học theo cách báo Tuổi trẻ, chắc Đảng ủy Quân sự trung ương và Bộ Quốc phòng sắp cho ra báo Quân đội cười”(?!)

Tất cả mọi người có mặt lúc ấy cười ồ lên vui vẻ, vì họ toàn là tướng tá cán bộ đã từng công tác ở báo Quân đội nhân dân và Tạp chí văn Nghệ Quân đội trước kia, họ hiểu. Mọi người cười có lẽ vì Báo Quân đội nhân dân là một tờ báo quan trọng hàng thứ 2 của Đảng và nhà nước (Nhưng số người đọc cũng chỉ khoảng hàng thứ 2 từ dưới lên so với các tờ báo khác ở VN). Tiếc rằng có lẽ vì ế khách đọc quá, họ mới cho mục Chính luận viết lăng nhăng chọc tức bạn đọc theo kiểu ‘vui cười” cho đông khách?!

Đây xem ra là một gợi ý mang tính định hướng cho Báo Quân đội nhân dân, để họ xem xem xét để có nên tách mục Chính luận của báo Quân đội nhân dân của các cây bút như Đỗ Phú Thọ, Kim Ngọc, Lê Văn Bảo … để thành lập báo Quân đội… cười. Nhưng có lẽ chưa thực sự hiệu quả, giá như Thủ tướng biết và hay đọc báo thì xin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong giờ phút khó khăn này hãy mạnh dạn báo cáo với Bộ Chính trị, đề nghị đặc cách và rút đồng chí Đỗ Phú Thọ một nhân tài từ Báo Quân đội nhân dân để Bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Vinashin để giải quyết công việc, để làm sao cho biến quyết tâm của cán bộ, công nhân Vinashin là đến năm 2013 sẽ hết lỗ và đến năm 2015 có lãi thành hiện thực. Nhưng với điều kiện nhỏ là nếu như trong vòng 3 năm đồng chí Đỗ Phú Thọ không làm được như vậy, không hoàn thành thì phải nằm sấp xuống và chịu đánh 3 roi vào đít để cảnh cáo tội ăn tục nói phét. Như vậy là một công được cả đôi việc.

Thiết nghĩ đây cũng là một trong những biện pháp giúp cho nền báo chí nước nhà tiến bộ vì loại bỏ bớt được lũ nhà báo “hại”, nuôi chỉ viết láo, viết bậy.

Đỡ tốn tiền thuế của nhân dân.

Hà nội, ngày Bác mất 03/9/2010

BLOG TRƯƠNG DUY NHẤT
http://truongduynhat.vnweblogs.com/post/1545/252668
CỨU NẠN KIỂU… SAR !
truongduynhat 31 Aug, 2010, 16:40 tin tức- sự kiện

Có lẽ, đây là “sự cố» cứu nạn hy hữu có một không hai trong lịch sử hàng hải… thế giới !(Bài viết của nhà báo Nguyễn Minh Sơn gửi cho Trương Duy Nhất blog).

Cuối cùng, vào lúc 21h ngày 25-8, ngư dân trên tàu đánh cá ĐNa 61406 của ông Trần Út đã sống sót trở về đến cảng Đà Nẵng sau 50 giờ bám phao trôi dạt trên biển.

Sự kiện “mất tích” của tàu đánh cá ĐNa 61406 có lẽ là sự kiện duy nhất trong lịch sử cứu nạn hàng hải thế giới. Trưa ngày 23-8, tàu ĐNa 61406 bị chết máy trôi dạt trên biển trong cơn bão số 3. Qua hệ thống Icom, tàu này kêu cứu khẩn cấp. Ban chỉ huy PCBL Đà Nẵng đề nghị Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực II (Danang MRCC) khẩn trương tổ chức cứu nạn. Khoảng 14h cùng ngày, Danang MRCC cho tàu Sar 412 rời cảng Đà Nẵng. Hơn 4 tiếng đồng hồ, tàu Sar 412 tiếp cận được tàu cá ĐNa 61406 cách đất liền 32 hải lý trong lúc bão gây sóng lớn. Tàu Sar 412 dùng phương án buộc dây kéo tàu bị nạn vào đất liền.

Thế nhưng trớ trêu thay, khi vào cách bờ 8 hải lý thì tàu Sar 412 mới phát hiện chiếc tàu cá cùng 10 ngư dân trên đó đã biến đâu mất, không còn phía sau mình nữa. Ngay sau đó, chiếc tàu đánh cá này được tuyên bố “mất tích”.

Suốt 50 giờ đồng hồ con tàu mất tích, Sư đoàn không quân 372 phải điều 2 trực thăng, lực lượng hải quân Vùng 3 điều 1 tàu, lực lượng biên phòng điều 2 tàu cùng với nhiều tàu đánh cá khác của ngư dân quần thảo khu vực tàu mất tích ra sức tìm kiếm. Chi phí hoạt động tìm kiếm này nhẩm tính gần 10 tỷ đồng. Cũng trong 50 giờ con tàu mất tích, thân nhân của những ngư dân tại làng cá Nại Hiên Đông đã lập bàn thờ cầu khấn, khóc lên khóc xuống vật vạ trước nỗi đau mất chồng mất con của họ. Cuối cùng, không phải tàu Sar, con tàu có trách nhiệm cứu nạn đem lại hy vọng cho họ mà chính là hai con tàu đánh cá của Đà Nẵng và Quảng Nam làm nên điều kỳ diệu. Tàu đánh cá ĐNa 90071 của ông Lê Văn Linh và một tàu cá Quảng Nam đã tìm thấy 7 ngư dân bám phao trôi dạt trong tình trạng kiệt sức và 3 ngư dân khác trên thúng chai ở cách đất liền 30 hải lý và họ đã được chính bạn nghề mình cứu sống.
Cách đây đúng 4 năm, ngày 24.8.2006, tàu câu mực QNa 94619 của ông Trần Công Chi ở Quảng Nam bị chết máy và trôi dạt trong bão cách đất liền 300 hải lý và đánh tín hiệu cầu cứu. Vì tàu của Hải đội 2 BĐBP Quảng Nam thùng nhiên liệu không đủ ra đến nơi bị nạn nên cơ quan này cầu cứu lên Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn xin điều tàu Sar đi cứu nạn. Trên đường ra cứu nạn, qua Icom kênh 7903 tàu Sar 412 đã thông báo với tàu QNa 94619 là tàu này chỉ cứu người chứ không cứu tàu, nếu muốn cứu tàu thì phải chi từ 400 đến 500 triệu đồng. Trước việc làm giá kiểu đó, các ngư dân trên tàu của ông Chi nói họ không có tiền nhưng muốn cứu cả phương tiện để làm kế sinh nhai. Tàu Sar 412 không đồng ý và yêu cầu họ làm văn bản xác nhận yêu cầu không cứu nạn qua Trung tâm radio Đà Nẵng. Chiếc tàu QNa 94619 với 26 ngư dân bị nạn sau đó được tàu đánh cá khác kéo về gần bờ và tàu của Biên phòng ra cứu sau 5 ngày lênh đênh trong bão.


Trở lại sự kiện vừa qua, một thủy thủ dày dạn kinh nghiệm của tàu lai dắt ở cảng cho người viết bài này biết việc tàu Sar 412 để đứt dây là một “tai nạn” hiếm khi xảy ra trong ngành hàng hải ngoại trừ trách nhiệm. Thứ nhất có thể dây kéo tàu cũ, không đúng kích cỡ. Thứ hai, ca trực boong vô trách nhiệm. Trong một ca trực boong, sĩ quan boong có trách nhiệm quan sát bao quát toàn bộ hoạt động của con tàu. Việc để một con tàu do mình lai dắt “đứt đuôi” và mất tích lúc nào không hay biết là không bao giờ có. Được biết, Danang MRCC được thành lập cách đây 15 năm với nhiệm vụ như tên gọi của tổ chức này: Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực II. Trung tâm này được trang bị 3 con tàu cứu nạn hiện đại là tàu Sar 412, Sar 274 và Sar 27-01. Được làm việc trên tàu Sar là niềm mơ ước của các thủy thủ với mức lương cao ngất!

NGUYỄN MINH SƠN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét