Thứ Năm, 23 tháng 9, 2010
Ghé thăm các Blog [23/09/2010]
NÊN LO HAY NÊN MỪNG?
Với những ngôi trường trung học có không gian rộng với nhiều họat động ngọai khóa rèn luyện kỹ năng sống và để học sinh có những buổi họat động với thiên nhiên thì làm sao trẻ có thời gian để đối xử nhau bằng nắm đấm?

với nhiều họat động ngọai khóa rèn luyện kỹ năng sống
và để học sinh có những buổi họat động với thiên nhiên
thì làm sao trẻ có thời gian để đối xử nhau bằng nắm đấm?

Với hàm lượng thông tin "cướp giết hiếp" đậm đặc như thế này
thì báo và những người định hướng cho báo chí phải có trách nhiệm
với tình hình bạo lực học đường và xã hội
Hôm nay rảnh vì không viết những bài về giáo dục của người lớn. Nói là người lớn vì đã lo chuyện học MBA thì phải trưởng thành. Dạo qua một vòng các trang báo mạng mới thấy, báo bây giờ không còn gì để viết ngoài chuyện thiếu giáo dục. Đành rằng, nhiệm vụ đưa thông tin trung thực là nhiệm vụ của báo, nhưng hàm lượng thông tin nặng chất hình sự vì chuyện cướp giết hiếp là một điều cần xem lại. Xem lại ở đây không chỉ riêng của trang báo mà phải xem lại cả khách thể: người tổng biên tập của 700 tờ báo cả nước và chủ thể: toàn ban biên tập của từng trang báo riêng.
Trang báo mạng có lượng độc giả đứng vị trí hàng đầu cả nước là trang VNExpress, thử nhìn trang nhất với những tin nổi bật: Ô tô lọt hố địa ngục vì đường lấp cẩu thả, Đại lý bán vé máy bay bắt đầu gửi đơn đòi nợ Hà Dũng, 5 người nước ngòai trộm két bạc ở nhiều công sở, Tác giả vệt nắng cuối trời không muốn làm nhạc sĩ, Tranh cãi gay gắt vì kịch bản khát vọng Thăng Long, Cà phê nằm ở Sài Gòn, Rùa Hòan Kiếm dẫn đầu nguy cơ tuyệt chủng, Tấm lòng người Hà Nội, Một phụ nữ Việt gạ bán tình vì thua bạc, Ngư dân lần đầu bắt được hải cẩu trên phá Tam Giang, Những cái chết bất ngờ trời giáng, Nữ sinh bị đánh hội đồng, quay clip, và Rao tình ở nhà vệ sinh trạm xe búyt Sài Gòn. Nếu làm một thống kê mô tả có tính cảm tính thì có đến 8/13 tin trang nhất báo này là thông tin cướp giết hiếp. Nó chiếm một tỷ lệ 61,5% hàm lượng thông tin chính.
Năm ngoái, cũng loạt bài về giáo dục bậc phổ thông, tôi đã có những bài viết trên báo và trong blog này tâm sự của một người ở góc độ ưu tư cho các thế hệ tương lai của đất nước dưới tình hình xã hội đang xuống cấp về đạo đức, lối sống và tầm nhìn của các nhà cầm cân, nảy mực cho vận mệnh quốc gia, dân tộc. Thiết nghĩ không cần viết nữa, nhưng khi thấy một trang báo mạng được nhiều nguời đọc quan tâm nhất nước, mà có hàm lượng bài viết về những vấn đề cướp giết hiếp cao đến thế làm tôi phải xới lại vấn đề "lề của báo", mà hai ông tổng biên tập cho hết 700 tờ báo trong nước đã đưa ra.
Là người đã từng viết báo nghiệp dư trong thời gian ngắn vừa qua, tôi thấu hiểu khó khăn của các báo trong nước, nhưng tôi lại không thể thông cảm với cách làm báo hiện nay với một hàm lượng thông tin dày đặc làm ảnh hưởng đến tư duy cộng đồng như thế.
Có hai vấn đề cần bàn ở đây, một là hai ông Tổng biên tập của 700 tờ báo cần phải có một tầm tư duy ở mức vĩ mô cho báo chí trong nước. Đành rằng tự do cũng phải có lề: "Tự do của tôi không được phép vi phạm đến tự do của anh và ngược lại. Đó là tự do đích thực." Nhưng ở đây tự do của 2 ông tổng biên tập đã xâm phạm đến tự do ngôn luận của báo chí là buộc báo chí đi theo những gì mà 2 ông qui định. Đó là chủ quan và duy ý chí. Chúng ta đã một thời chủ quan, duy ý chí và đẩy đất nước đến cảnh khốn cùng trong 15 năm sau ngày thống nhất. Không lẽ bây giờ lại dẫm lên vết xe đổ của những năm tháng cũ?
Hai là các báo tự thân phải hiểu và biết biên tập các nội dung bài viết cho cân đối với lượng thông tin được công bố trong ngày. Có những thông tin thuộc về điều tra hình sự thì cũng không nên đưa nhiều kỳ có tính giật gân câu khách, mà làm ảnh hưởng đến tư duy non nớt trẻ thơ, như bài báo Nữ sinh bị 3 bạn gái đánh hội đồng có quá nhiều báo xào nhau và đăng liên tục nhiều kỳ như thế.
Trường học là nơi cần không gian, tránh thiếu ánh sáng và khô-ng ô nhiễm về âm thanh cũng như cuộc sống thường ngày xung quanh. Đó là những tiêu chí chung nhất cho tất cả các bậc học từ tuổi ấu thơ đến sau đại học. Thế nhưng các trường học của chúng ta hầu hết đặt ở trung tâm thiếu đất, nhiều tiếng ồn, gần khu dân cư. Đó là chưa nói đến thiếu thầy cô đủ chất lượng để giảng dạy vì cơ chế đãi ngộ và đào tạo.
Thế nhưng chúng ta lại đi trách trẻ đánh nhau, trong khi trường học của trẻ không có không gian tung tăng và giải quyết tính hiếu động của tuổi mới lớn. Nếu mỗi trường học của chúng ta, có sân vận động để trẻ họat động thể thao, có câu lạc bộ để trẻ tham gia những họat động thiện nguyện và tập học những kỹ năng sống vào đời, thì liệu trẻ có thừa thời gian để giải quyết những tù túng trong tâm lý lứa tuổi mới lớn bằng nắm đấm không? Nếu báo chí không có một hàm lượng cao các đề tài cướp giết hiếp thì có định hướng trẻ trong thời đại thông tin với những trò chơi trên mạng đầy bạo lực không?
Thiết nghĩ, cả hai khách thể và chủ thể của các nơi có trách nhiệm đưa thông tin đến cộng đồng đã nói ở trên, nếu nghĩ cho cùng, thì đều có tính chủ quan và chủ thể đóng vai trò trực tiếp góp phần không nhỏ trong những vấn nạn ở học đường bậc giáo dục phổ thông hôm nay.
Người lớn thì được bộ giáo dục định hướng đến năm 2020 phải có đủ 20 vạn tiến sĩ, nên phải học trường dỏm để mua bằng giả. Trẻ con thì thiếu không gian sống, vui chơi và họat động lành mạnh, nên phải nhiễm độc vì những thông tin bị lề giới hạn của báo chí mà 2 ông tổng biên tập đã đưa ra và trò chơi trực tuyến đầy bạo lực. Một đất nước có nền giáo dục và thông tin như thế thì nên mừng hay nên lo?
Asia Clinic, 13h36'
ngày thứ Năm, 16/9/2010
BLOG ĐINH TẤN LỰC
Cỗ bài tráo mừng tết Nhi Đồng cả nước
Posted on 22/09/2010 by danlambaoblog
Đinh Tấn Lực – Lượng thời sự nhộn nhịp (và nhộn nhạo) chuẩn bị đại hội XI cho thấy các máy phôtô ở đây đều chạy tốt. Không tin xin hãy chịu khó nhín chút thì giờ (chẳng biết làm gì, mà) ghé mắt lướt qua các bản dự thảo báo cáo/chính cương/chiến lược phát triển 2011. Bảo đảm là chúng nhắc nhớ từng đoạn/tiểu đoạn/phân đoạn, thậm chí rất nhiều câu chữ/mệnh đề/khẩu hiệu đã nghe qua (đâu đó) từ hồi giao thừa thế kỷ.
Vẫn rình rang rổn rảng như tiếng xoong nồi khua động át mất tiếng thở dài nối nhau uốn cong hình chữ S thời toàn quốc thiếu đói.
Tức là vẫn rỗng không, từ voi tới sáo, từ niêu tới bụng, từ lý thuyết tới thực tiễn, từ nghị quyết ra tới đời thường…
Tức là, dân bị hạn chế chơi game online, để thì giờ coi đảng chơi game offline: Miệng nói dân chủ/Tay huơ còng sắt.
Nhưng, lần này, sóng đôi: Tin tặc được giải ngân phát triển, thì, Dân chủ cũng được nâng cấp, trong văn bản!
Còn nhớ:
1976, dân chủ được tháo bỏ từ tên nước.
1994, trong đại hội đảo chánh giữa nhiệm kỳ, đảng giương cao khẩu hiệu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”.
2001, trong đại hội toàn đảng chào mừng thiên kỷ mới, đảng bổ xung vào vế phụ phía sau đuôi của khẩu hiệu 7 năm trước, thành: “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
2011, đảng dự trù nêu cao thành quả dân chủ, cho cả nước nhìn ra/thế giới nhìn vào, bằng trò chơi bài tráo: xoay chỗ xoành xoạch ba cái chén úp làm hoa mắt bàn dân, chờ cho thiên hạ “nín thở hồi hộp đến đứng tim”, xong giở cả ba chén để mọi người chiêm ngưỡng, rằng, thấy không, dân chủ đã lên đứng hàng đầu trên cái đuôi của khẩu hiệu có từ 17 năm trước, là “xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Vỗ tay đi chứ! Muốn đi tù à?
Tội nghiệp biết mấy cho nhà báo lão thành Hữu Thọ, đã quên béng cái lề đang khua nạng/lăn xe/gõ móng, mà trả lời chắc nịch đến tầm giựt tít của báo Pháp Luật TP rằng: “Dân chủ là không có vùng cấm”. Chí ít là có 3 điểm đáng nói về vụ này:
Một là (giống như ta có 15 ngàn thẻ nhà báo nhưng không hề có báo giới), hiện ta không có vùng cấm, mà chỉ có các khu vực cấm, hằng hà sa số (nhiều như cát sông Hằng), đếm không xuể/kể không hết. Đơn cử vài chuyện gần đây:
1. Vụ án xe Lexus có liên quan đến nghi can Nông Đức Hải, là cháu đích tôn của đồng chí Nông Đức Mạnh, đương nhiên là phải/cần/tất yếu… cấm tiệt thông tin, và lấp kín bằng bản án dành sẵn cho Kim Anh.
2. Vụ án tình yêu chủ tịch, (các quan đầu tỉnh Hà Giang đua nhau mua dâm nữ sinh cấp 3, do hiệu trưởng cống nạp), có liên hệ tới những giằng co nội bộ của một tay sừng sỏ từng 5 lần cãi lệnh tể tướng, cho nên tuyên giáo TW phải vào cuộc để điều tiết thông tin cho vừa liều lượng, tức là định mức cấm cho rõ ràng, và giải quyết bằng những bản án tiền chế/áp chế dành cho các nạn nhân vị thành niên Thúy/Hằng.
3. Vụ án mạng mới nhất, cách đây mấy hôm tại Sài Gòn, gây ra 3 tử vong cùng lúc, trong đó có một bí thư quận bị cắt cổ, ngay vào thời điểm nhộn nhạo chuẩn bị ráo riết việc cơ cấu nhân sự của đại hội đại biểu Thành Phố cùng đại hội toàn đảng, do đó, các báo in ở đây cũng được chỉ thị đồng loạt cấm đăng…
Hai là, góp ý thế nào và cho ai, khi mà đảng vẫn sợ những lời nói thật? Chưa ai kịp quên lý do tổ chức IDS tuyên bố tự giải thể. Hoặc giả, Gs Phạm Minh Hoàng mới bị bắt giam về tội “hoạt động lật đổ nhà nước”; Gv Đỗ Việt Khoa bị chính thức mất việc; Tt Vũ Minh Trí bị công khai tước bỏ quân hàm; Ts Đỗ Xuân Thọ bị thủ trưởng âm thầm cúp lương…? Hay, thông qua báo cáo 300 trang webs/blogs chuyên đăng tải những phân tích/phản biện/kiến nghị… bị đánh sập trong đợt tin tặc cạy cửa cấp tập trước đại hội nhà văn kỳ 8, rồi tiếp theo là đợt tấn công hiện giờ, với lời quảng cáo “lợi hại hơn xưa”, cùng cái sinh tử lệnh 3 màu hình cầu vai công an mạng?
Ba là, bài phỏng vấn “không vùng cấm” của nhà báo Hữu Thọ chưa kịp ráo mực thì chính đương sự đã bị bịt miệng bằng văn bản Hướng Dẫn 112/HD/BTGTW nhằm “tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội” với các yêu cầu “lợi quyền cốt lõi” như sau:
1. “không để những phần tử xấu lợi dụng diễn đàn công kích, xuyên tạc đường lối, chính sách của đảng, nhà nước ta”.
2. “Đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc quan điểm, đường lối của Đảng, kết hợp đấu tranh trực diện với việc tuyên truyền khẳng định những thành tựu của đất nước”.
3. Cấm tiệt mọi “ý kiến phản bác chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về học thuyết Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, về vai trò lãnh đạo của đảng”.
Thế là tịt.
Cỗ bài tráo dân chủ này không chỉ lăng mạ/sỉ nhục riêng mỗi nhà báo Hữu Thọ, mà là hết cả những ai còn nói được/còn nghĩ được/còn viết được, trên bình diện cả nước.
Nó giải thích rạch ròi từ đâu tòi ra ở xứ ta những lô cốt “chủ trương lớn”; những chỉ thị trên luật; những nhãn mác “dân chủ phương tây là hàng giả”, những mặt hàng nhái “đậm đà màu sắc dân tộc”; những mô mìn ngáng chân dân oan khiếu kiện (với luật mới là cấm khiếu kiện tập thể hoặc gửi tới nhiều nơi, và với 29 dân oan vừa mới bị giải phóng ra khỏi vườn hoa Mai Xuân Thưởng); hay một quốc hội có sở trường giăng tay đuổi chim giữ ruộng…
Nó còn giải thích cả nhu cầu biện minh cho giải pháp nhét bùn lỗ lù ở tầm cấp quốc gia: Lấy nợ cứu nợ. Lấy công làm tư. Lấy cướp chống trộm. Lấy cường bạo để chống nghĩa nhân.
Nó khiến mọi người hồi tưởng đến một nước Kampuchia Dân Chủ (Democratic Kampuchea ) thời Pol Pot. Hoặc liên tưởng tới một chính thể Dân chủ Cộng Hòa Nhân Dân Lào (The Lao People’s Democratic Republic – Sathalanalat Paxathipatai Paxaxon Lao), hay, một nước Dân chủ Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên (Democratic People’s Republic of Korea -DPRK – ) hiện nay. Tức là, “đáng tởm”, ở đây, không chỉ là từ dành riêng cho Dũng.
Sau cùng, nó thố lộ một điều tự thân nó đã cấm: Tình Hình Nguy Cấp Của Diễn Biến Hòa Bình. Cả diễn biến từ bên trong lẫn bên ngoài. Hiển thị bởi trùng trùng những lời nguyền mà đảng không thể bước qua. Bởi áp lực tứ bề. Bởi trò chơi dân chủ ngây ngô mà qua đó, đảng tự rút ván chặt cầu với nhân dân cả nước (mà nó vẫn hằng coi và ngỡ là sẽ có khả năng tiếp tục coi như một tập thể nhi đồng)…
Nỗi sợ này không phải là thiếu cơ sở.
22-9-2010 – Trung Thu 2010.
Đinh Tấn Lực
BLOG LÊ QUỐC QUÂN
SUNDAY, SEPTEMBER 19, 2010
TRÊN TINH THẦN NÓI CHUNG COI NHƯ LÀ TÓM LẠI
Vở diễn đúng theo kịch bản vừa công bố thì hài hước lắm
Bạn tôi bảo: “Đảng cộng sản đã đưa ra dự thảo Nghị quyết đại hội, Quân viết gì đi chứ”.
Tôi nói: “Trên tinh thần, nói chung, coi như là, tóm lại”.
Bạn bảo, “cái gì ?” Tôi hát liền liên tục hai nhịp: “Trên tinh thần nói chung coi như là tóm lại…”
Bạn nghe, nghiêng nghiêng mái đầu. Ừ, nghe qua có vẻ rất đầy đủ, logic.
Nhưng nó là cái gì ?
“Giống dự thảo Nghị Quyết thôi” – Tôi bảo - Đó chỉ là một vỏ ngôn ngữ không chứa một nội hàm nào cả. Nghe như vừa vĩ mô lại vừa vi mô, vừa tổng thể mà lại chi tiết nhưng chẳng có ý. “Trên tinh thần nói chung, coi như là tóm lại” dùng một ngoại diên mù mờ để lừa đảo trí não trong một trật tự có vẻ logic.
Bạn tôi bảo: “Đúng vậy, dự thảo này có thể dùng cho Đảng Cộng sản Tuynisi hay đảng Mác Xít Thổ Nhĩ Kỹ… triển khai thực hiện”. Mấy đảng này mà làm được đúng như cương lĩnh thì họ sẽ nhảy vọt lên thống lĩnh quốc hội dù có đang lìu tìu chưa đến 5% đại biểu.
Nghe nồng nàn và tha thiết lắm, đỉnh cao trí tuệ loài người lắm….
Dự thảo thật là hoành tráng, nghe vang vang, hao hao giống như Ngài chủ tịch hôm nao chém gió phía bên kia địa cầu. Đầy tinh thần quốc tế cộng sản. À, mà sao trong Nghị Quyết thiếu phần sang giúp đỡ giải phóng Palestine hay Nigeria… đẩy mạnh tinh thần quốc tế vô sản để đứng lên lật đổ chủ nghĩa tư bản trên toàn thế giới…
“Vậy thì góp ý đi” – Bạn lại bảo.
Nhưng góp ý ư ?. Tôi hỏi Trần Mạnh Hảo, Phan Thế Hải… Họ bảo quá chán rồi, các anh đã vắt hết tâm huyết cho một lần trong đại hội trước. A Hải bảo, những kiến nghị 5 năm trước vẫn còn nguyên tính thời sự, dùng lại cũng được. Nhưng “Thôi chú ạ” như “nước đổ đầu vịt”, “đàn gảy tai trâu”… Không những thế, sau khi góp ý lần trước, công an Sài gòn theo dõi Nhà văn “ly thân” từng bước, Công an Hà Nội hù dọa anh Hải đủ điều…
Tôi cũng đã từng viết, từng góp ý với một nguồn cảm hứng thôi thúc bởi những người mang áo tơi chăn vịt, những bà mẹ còng lưng trên đám ruộng còm… Tôi đã viết, với tấm lòng tha thiết, mong một thay đổi chân thành… và tôi gặp hạn.
Dẫu sao Nghị Quyết này vẫn có thể dùng để luyện trí não, củng cố văn hóa đọc đang xuống cấp của đại bộ phận dân Việt. Tuy nhiên, kèm theo dự thảo Đảng cầm quyền cần phải xuất bản gấp một từ điển thuật ngữ đảng dùng, bởi vì cách hiểu cuả đảng khác xa cách hiểu của thế giới tiến bộ. Ngôn ngữ đảng dùng là một ngôn ngữ vừa ngoa ngôn, lộng chương vừa tù mù khó hiểu. Câu nào cũng dùng những động từ, danh từ, tính từ, trạng từ “vĩ đại” và “bing boong” nhất.
Tôi nhớ có lần Đức Cha Nguyễn Chí Linh đã chứng minh rằng một Linh Mục ở Địa Phận Thanh Hóa không thể là tác giả của một “Văn bản Hiến đất” mà chính quyền giả mạo làm ra vì trong đó có quá nhiều từ “Thành công, to lớn, vĩ đại, muôn năm, củng cố, tăng cường, đẩy mạnh, chú trọng, trung tâm, then chốt...”.
Lại nhớ, có lần tại Bộ Thủy Sản, Đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi đó là phó thủ tướng, đến phát biểu tại hội nghị toàn Ngành. Ông nhìn những doanh nhân bên trái và nói: “Cần tập trung đất đai của những ngư dân để làm những vùng nuôi tôm lớn có giá trị cao”. Dừng một lúc, Gã nhìn những ngư dân sắp mất đất bên phải, lại tiếp: “tuy nhiên phải giữ gìn đất đai cho những người ngư dân nuôi trồng thủy sản kiếm thêm thu nhập”. Và cuối cùng ông kết luận: “Ưu tiên phát triển trang trại lớn nhưng đẩy mạnh và tăng cường các ao nuôi tôm nhỏ”.
Quả là: “Trên tinh thần, nói chung, coi như là, tóm lại” ai cũng thấy vui. Trước đây Nghị Quyết có rất nhiều từ như: “Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp nhẹ, Tăng cường sản xuất song song với thúc đẩy dịch vụ…” làm cho kinh tế nước ta lạc vào mê hồn trận, phát triển toàn là “mũi nhọn”, theo hình gai quả mít.
Dự thảo Nghị quyết đảng hiện nay đang là như vậy. Nếu ta thay đổi một số cụm từ thì nó cũng chẳng khác gì đại hội X cách đây 5 năm và dự thảo đại hội IX cách đây 10… và cũng như thế nếu lần về dự thảo đại hội VI. Tất cả chỉ là vờn quanh các khái niệm, đánh tráo các nội dung, xóc lại hình thức và be bờ đắp đập các khái niệm đã lạc hậu chờ chực tòi ra….
Nhưng nói chung, kỹ năng viết kịch bản có tiến bộ qua từng đại hội.
Riêng lần này, tác phẩm copy này đã ra đời sớm hơn 1 tháng. Nhưng lẽ ra phải ra cách đây 1 năm khi một người tôi quen làm ở Tạp chí Cộng Sản đã cùng hơn 200 thành viên khác được cử đi Trung Quốc đọc kịch bản Đại hội của họ lần trước và copy gần y nguyên.
“Trên tinh thần, nói chung, coi như là, tóm lại…” Lời văn diễn đúng tiếng Việt về dùng từ, dùng câu và bố cục của toàn bộ bài văn. Nhưng hồn văn thực sự đã chết, không những trong thực tế mà còn trong tâm hồn của những người thiết tha với Tổ quốc.
BLOG NGUYỄN HƯNG QUỐC
Sao họ lại sợ Trung Quốc đến vậy?
Nguyễn Hưng Quốc Thứ Ba, 21 tháng 9 2010

Chia sẻ
• Digg
• Yahoo Buzz
• Facebook
• del.icio.us
• StumbleUpon
Tin liên hệ
• Tự quảng cáo sách mới
• Miền Nam và miền Bắc
• Nhà thơ Lê Văn Tài
• Trung Quốc khuyên Hoa Kỳ trước khi gặp lãnh đạo ASEAN
• Tr(CH)uyện: một số vấn đề mỹ học
Ðường dẫn liên hệ
• Nguyễn Hưng Quốc blog
Liên quan đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc mấy năm gần đây, có hai sự kiện hầu như không ai có thể chối cãi được:
Thứ nhất, Trung Quốc không ngừng lấn hiếp Việt Nam. Lấn trên đất liền, dọc theo các vùng biên giới. Lấn ngoài đảo, từ Hoàng Sa đến Trường Sa. Rồi lấn cả vùng biển bằng cách dành chủ quyền trên gần 80% diện tích biển Đông, bao gồm không những Hoàng Sa (Paracels), Trường Sa (Spratlys) mà cả Pratas (họ gọi là Đông Sa), bãi ngầm Macclesfield (họ gọi là Trung Sa) và bãi cạn Scarborough (họ gọi là Hoàng Nham) qua hình ảnh “con đường lưỡi bò” ngang ngược mà nhiều người đã biết. Không những lấn mà còn hiếp. Hiếp chính phủ Việt Nam, từ quân sự đến chính trị và ngoại giao. Hiếp cả dân chúng, đặc biệt ngư dân bằng cách cấm đánh cá, bắt rồi đòi tiền chuộc, thậm chí, đánh chìm tàu khiến một số ngư dân phải mất mạng.
Thứ hai, khác hẳn với thái độ ngang ngược trắng trợn của Trung Quốc, về phía Việt Nam, người ta chỉ nhìn thấy sự khiếp nhược.
Nói đến sự khiếp nhược, tôi không căn cứ vào những lời phát biểu công khai, phần lớn mang tính ngoại giao, của giới lãnh đạo Việt Nam. Chuyện ông Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, ca ngợi quan hệ hải quân tốt đẹp với Trung Quốc, đồng thời cố ý làm giảm nhẹ ý nghĩa chuyến thăm của tàu hải quân Hoa Kỳ vào đầu tháng 8 và cuộc đối thoại về chiến lược quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mấy tuần sau đó; cũng như việc ông công bố chính sách “ba không” (“không tham gia các liên minh quân sự, hoặc là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào; không cho bất kỳ nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam; và không dựa vào nước này để chống nước kia”) của chính phủ Việt Nam là điều dễ hiểu. Chuyện phát ngôn viên của chính phủ Việt Nam hạn chế việc lên án hay phê phán những hành vi xâm lấn ngạo ngược của Trung Quốc cũng là điều có thể hiểu được, phần nào.
Ai cũng biết, trong quan hệ quốc tế, từ xưa đến nay, những lời phát biểu chính thức của nhà cầm quyền thường nhằm che giấu hơn là công khai hóa những điều họ thực sự đang tính toán. Sắp đánh nhau đến nơi, người ta vẫn ngọt ngào với nhau. Gươm đã dí sát tận lưng, đạn đã lên nòng, người ta vẫn có thể cười với nhau được. Ngày xưa cha ông chúng ta cũng thế. Nguyễn Trãi, trong Bình Ngô đại cáo, xem Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp (thế thù), không thể đội trời chung, vậy mà, trong các bức thư ngoại giao gửi cho Vương Thông, và đặc biệt, trong bài biểu cầu phong, giọng vẫn đầy khiêm tốn, thậm chí, rất mực hạ mình. Quang Trung, trước và sau khi đánh nhau với nhà Thanh, đã sai Ngô Thì Nhậm tiến hành những cuộc vận động ngoại giao đầy hòa hoãn.
Không căn cứ vào những lời phát biểu mang tính ngoại giao, để tìm hiểu thái độ của chính phủ Việt Nam trước sức ép của Trung Quốc, chúng ta chỉ dựa vào những việc cụ thể.
Ở đó, chúng ta thấy gì?
– Cũng chỉ có sự khiếp nhược.
Cấm, thậm chí, đàn áp, thanh niên sinh viên và văn nghệ sĩ xuống đường phản đối hành động xâm lấn của Trung Quốc là khiếp nhược. Cấm, thậm chí, dùng những biện pháp bỉ ổi để đánh phá trang mạng bauxite Việt Nam chỉ vì lý do nó vạch trần và phê phán các âm mưu bá quyền đen tối của Trung Quốc là khiếp nhược. Cấm các cơ quan truyền thông trong nước nêu đích danh Trung Quốc trong việc uy hiếp, thậm chí, bắt cóc và giết hại ngư dân Việt Nam là khiếp nhược.
Nhưng sự khiếp nhược ấy, dù sao, cũng vô hình và vô danh. Chúng ta biết có chủ trương như thế nhưng không rõ ai là người quyết định cái chủ trương ấy. Gần đây, qua báo chí trong nước, chúng ta nhận diện ít nhất vài người hoặc vài cơ quan. Mà toàn là những cơ quan văn hóa ở tầm cao nhất. Và có nhiều ảnh hưởng nhất.
Trước hết là sự kiện Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội nhà văn không dám tham dự festival thơ Đài Bắc năm 2009. Theo bản tin đăng trên vietnamnet ngày 26 tháng 11.2009, nhà thơ Hữu Thỉnh được mời tham dự buổi giao lưu các nhà thơ quốc tế được tổ chức tại Đài Loan ngày 22 tháng 11. Cùng tham dự có một số nhà thơ nổi tiếng ở châu Á khác. Hữu Thỉnh đã nhận lời, nhưng cuối cùng, ông từ chối.
Tại sao từ chối? Bản tin chỉ ghi nhận vắn tắt: “vì nhiều lý do khách quan”.
Nhưng trong bài “Em không phải nhà văn” đăng trên blog của mình, nhà báo Trang Hạ, người làm trung gian giữa Hữu Thỉnh và Ban tổ chức festival ở Đài Loan, kể chi tiết hơn. Theo đó, lý do thực sự mà Hữu Thỉnh nói với Trang Hạ là:
“Bác bảo, [...], bác sợ Trung Quốc.
Em bảo, có nhà thơ Trung Quốc sang tham dự bình thường mà.
Bác bảo, bác chỉ đi sang Đài Loan tham dự Festival thơ với điều kiện, cô Trang Hạ giúp Hội Nhà Văn nối lại quan hệ với Hội Nhà Văn Trung Quốc.
Kinh ngạc tột độ!
Bác bảo, từ 2006 đến giờ, chính xác hơn là từ khi Thiết Ngưng lên làm chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc, “hội nó” đểu lắm đã lờ “hội của bác” đi. Hội Nhà Văn Việt Nam gửi hoa và điện mừng bà Thiết Ngưng lên làm Chủ tịch Hội Nhà Văn TQ, “nó” không thèm trả lời. Hội Nhà Văn Việt Nam gửi hoa và điện mừng Quốc khánh Trung Quốc, “nó” không thèm trả lời. Hội Nhà Văn Việt Nam gửi công văn mời tham gia giao lưu văn hóa, “nó” không thèm trả lời. Hội Nhà Văn Việt Nam mở hẳn cả một Hội Thảo cho “nó” tại Hà Nội, “nó” chỉ gửi một công chức bàn giấy chả biết gì về văn chương sang chiếu lệ. Hội Nhà Văn Việt Nam gửi công văn mời tới 35 nhà văn của “nó” sang Hội nghị quảng bá Văn học VN ra thế giới, mà “hội của bác” đặc cách lo toàn bộ chi phí tàu xe đi lại đủ thứ cho nó, vào tháng 1/2010 sắp tới, nó càng lờ đi coi như câm điếc.
Giờ lỡ nó lấy cớ vì bác đi Đài Loan mà nó không thèm sang Việt Nam, thì hỏng cả việc lớn của bác à? Giờ Trang Hạ liên hệ với Thiết Ngưng để lo liệu vụ này, đảm bảo ăn chắc thì bác mới đi Đài Loan.
Mình bảo, nó không đi đã có một trăm đại biểu nước khác, lo gì? Trang Hạ lấy tư cách gì để mà làm cái việc này?
Bác bảo nhỏ, nhưng khốn nỗi kinh phí của nhà nước chỉ cấp cho các bác để o bế quan hệ với Trung Quốc chứ không phải tiền tỷ hàng năm để làm văn làm chương với quốc tế nào khác. […].
He he mình hiểu ra bản chất vấn đề.”
Chưa hết. Mới đây, nhân những sự cố liên quan đến bộ phim “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long”, chúng ta biết thêm nhiều chi tiết “thú vị” khác liên quan đến nỗi khiếp nhược trước Trung Quốc.
Trong bài “Chuyện phim Lý Công Uẩn và Trần Thủ Độ, bây giờ mới kể”, Thiên Sơn cho biết, gần hai năm trước, sau khi dự án làm phim về Lý Công Uẩn gặp bế tắc do những tranh chấp về quyền lợi giữa các phe nhóm và các cá nhân liên hệ, Bộ Văn hóa quyết định làm phim về Trần Thủ Độ để thay thế. Thiên Sơn đặt câu hỏi: Tại sao? Tại sao, để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, người ta không làm phim về Trần Hưng Đạo, Lê Lợi hay Quang Trung mà lại làm phim về Trần Thủ Độ? Ai lại chẳng biết, Trần Thủ Độ, một mặt, có công xây dựng triều đại nhà Trần, nhưng mặt khác, phạm phải vô số những tội ác tày trời, đặc biệt trong việc tiêu diệt nhà Lý và tạo nên thói loạn luân rất đáng chê trách trong cái dòng họ đứng đầu cả nước.
Vậy tại sao lại làm phim về Trần Thủ Độ mà không phải là ai khác?
Thiên Sơn hỏi. Không ai trả lời cả.
Không trả lời, nhưng người ta biết chọn Trần Thủ Độ thay vì các bậc anh hùng chống ngoại xâm khác là một thất sách về chính trị đối với dân chúng trong nước. Bởi vậy, mặc dù phim ‘Trần Thủ Độ’, với chi phí ba triệu đô la, đã hoàn tất, nhưng người ta chưa dám cho chiếu. Người ta biết là dân chúng, đặc biệt giới trí thức, không chấp nhận.
Nhưng đã biết vậy, tại sao người ta vẫn cứ làm?
Lý do: người ta giao phim ấy cho người Trung Quốc thực hiện và người Trung Quốc đã “kịp biến ông Trần Thủ Độ thành một nhân vật tựa như em ruột ông Tào Tháo. Cảnh vật, con người và tư tưởng là phiên bản của phim Tàu.”
Còn tại sao người ta từ chối làm một bộ phim về Trần Hưng Đạo, chẳng hạn? Thiên Sơn viết: “làm về Trần Hưng Đạo thì e đụng chạm với hậu duệ của quân Nguyên.”
Thế đấy!
Sợ đến độ không dám làm phim để tưởng niệm chính cha ông của mình!
Còn gì để nói nữa không?