Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

BIẾN CỐ VĂN HỌC CỦA THẾ KỶ 21

NGUYỄN HOÀI VÂN

(Tiếp theo và hết)

Ông Tỉnh Trưởng nhấm nháp tách cà phê, từ từ nhả một làn khói xì gà La Havane, rồi nhìn hắn, trả lời:

- Ừ, cái ý kiến làm một công viên có hồ nước ở trước nhà ga xe lửa cũng hay đấy! Nhưng có người lại đòi làm bãi đậu xe. Anh nghĩ sao ?

- Thưa bác, theo quan điểm hoàn toàn thẩm mỹ của cháu thì công viên hơn, nhưng cũng có thể có những ý kiến khác thiên về thực dụng… Nếu đưa vấn đề ra trước Hội Đồng Nhân Dân, không biết bên nào sẽ thắng?


- Rất đơn giản: giả sử cậu đưa đề nghị chỉnh trang bãi đất trước nhà ga để làm một công viên nhỏ có hồ nước, thì chắc chắn cậu sẽ thất bại. Tuy nhiên, nếu cậu đưa ra hai đề nghị riêng biệt, đề nghị một: chỉnh trang bãi đất trước nhà ga, đề nghị hai: làm một công viên nhỏ có hồ nước, thì cậu có nhiều hy vọng thành công.

- Tại sao thế ? Cùng do đa số quyết định cơ mà… Đó là căn bản của dân chủ!

- Đó là điều những người bình thường tưởng tượng. Giới sinh hoạt dân chủ chuyên nghiệp chúng tôi có những tính toán rất khác. Anh thử quan niệm ba nhóm bằng nhau trong Hội Đồng Nhân Dân. Nhóm 1 đồng ý với đề nghị chỉnh trang bãi đất để làm công viên. Nhóm 2 đồng ý chỉnh trang bãi đất, nhưng không đồng ý làm công viên. Có thể họ thích làm bãi đậu xe hay chi khác. Nhóm 3 không đồng ý chỉnh trang bãi đất, cho rằng quá tốn kém, cần dành ngân quỹ cho những ưu tiên khác. Tuy nhiên nhóm thứ 3 này có thể đồng ý làm công viên, nếu quyết định chỉnh trang bãi đất được thông qua.

- Như thế, đề nghị của cháu sẽ chỉ được nhóm 1 ủng hộ, nhóm 2 và 3 chống đối, và sẽ bị bác bỏ.

- Ngược lại, nếu phân chia đề nghị ấy thành 2 đề nghị riêng biệt thì đề nghị đầu tiên “chỉnh trang bãi đất” sẽ được nhóm 1 và 2 ủng hộ, tức sẽ được thông qua với đa số hai phần ba. Đề nghị kế tiếp “làm công viên” sẽ được các nhóm 1 và 3 ủng hộ, tức cũng lại được thông qua với đa số hai phần ba.

- Thật lạ lùng ! Cùng một đề nghị mà chỉ cần phân ra thành hai mảnh thì đang bị bác bỏ bởi một đa số hai phần ba liền được ưng thuận cũng bởi đa số hai phần ba!

- Anh nên nhớ cho thật rõ điều này: chủ yếu trong dân chủ là kỹ thuật. Nắm vững kỹ thuật là gần như nắm chắc phần thắng…

Một cảm giác tự tin dâng lên trong tâm hồn hắn. Hắn tự thấy mình vô cùng may mắn được nằm trong môi trường hạn hẹp của những người nắm trọn các phương tiện của quyền hành. Và không tránh khỏi rùng mình nghĩ đến những người khác.


*


- Bạn hãy thử nhìn vào kính chiếu hậu xem. Chữ IXAT mà bạn đọc là chữ TAXI ghi trên chiếc xe đi theo mình, phải không ?

Tên “Vật lý tài danh” lại làm tài khôn đây! Hắn chuyên bày ra những vấn đề tréo cẳng ngỗng... Trong mấy ngày ở quê ngoại người yêu hắn, ông ngoại và vị giáo sư bảo trợ luận án của nàng đã nhanh chóng liên lạc với một nhà xuất bản danh tiếng nhất thế giới, để “thu xếp” cho hắn một chỗ đứng trong nền văn học thế kỷ 21. Có lẽ khi về đến nhà, trong vài giờ nữa, hắn sẽ có tin tức của họ. Tạm thời, hắn phải chịu đựng tên “vật lý tài danh”, học trò cưng của ông bố vợ tương lai, đang vừa lái xe vừa khoe khoang kiến thức. Hắn ậm ừ:

- Đúng vậy. Kính chiếu hậu đã đảo ngược các chữ viết…

- Thế có khi nào bạn nghĩ tại sao các chữ viết chỉ bị đảo ngược theo chiều phải trái mà không bị đảo ngược theo chiều trên - dưới?

Ông giáo sư của người yêu hắn xua tay:

- Tôi không đồng ý. Anh hãy nhân lúc đèn đỏ mà nhìn vũng nước kia thử xem. Nó phản chiếu đèn hiệu của nhà hàng bên đường theo chiều trên dưới đấy chứ! Đồng thời, nó lại giữ nguyên chiều phải trái. Tại sao lại khác với kính chiếu hậu như thế? Trong khi vũng nước chỉ là một tấm gương được đặt song song với mặt đất?

- Đúng vậy. Thật ra, tấm gương còn nhiều bí ẩn khác. Giáo sư có nhận thấy rằng khi chiếc xe taxi ở phía sau chúng ta chớp đèn quẹo phải thì trong kính chiếu hậu chúng ta cũng thấy đèn chớp phía bên phải chứ không ngược chiều phải trái?

Hắn buột miệng :

- Sự đảo ngược nằm ở chiều trước- sau !

- Chiều trước - sau?

- Đúng vậy. Khi tôi chỉ tay lên trời, trong kính quý vị thấy tôi chỉ tay lên trời. Khi chiếc xe cảnh sát kia chớp đèn bên trái, quý vị thấy nó chớp đèn bên trái, không có đảo nghịch gì cả. Tuy nhiên khi xe cảnh sát từ phía sau chạy đến gần sau xe ta, rồi qua mặt ta, thì trong kính chiếu hậu quý vị thấy nó chạy từ trước đến, tức là ngược lại với chiều đi thực sự của nó. Tóm lại: có sự đảo ngược trước sau.

Người yêu hắn bây giờ mới lên tiếng:

- Này ! Trước sau hay trên dưới gì không biết, nhưng cái ông cảnh sát vừa qua mặt mình ông ấy đang ra dấu bảo mình tắp vào lề đường kia kìa. Bây giờ mới thực sự là lúc cần nói chuyện «phải trái» với ông ta đấy!


*


- Thưa ông, ông đã vi phạm luật giao thông. Ông đã bóp còi trong khu khách sạn quốc tế sau 8 giờ tối. Tôi biên giấy phạt. Ông có thể trả tiền phạt ngay lập tức hay sẽ trả sau, với số phụ trội 10 phần trăm.

- Ơ hay! Luật gì lạ vậy?

- Luật mới, thưa ông. Khách quốc tế là một nguồn lợi lớn cho nước ta. Phải tôn trọng sự nghỉ ngơi của họ.

- Khách nào đi ngủ vào lúc 8 giờ tối?

- Chính phủ ta quan niệm sự nghỉ ngơi bắt đầu từ lúc họ dùng rượu khai vị trước khi vào bàn ăn.

- Làm sao người dân biết nổi những quan niệm sáng suốt ấy của nhà nước ta?

- Không ai có quyền không biết luật pháp.

- Đó là một điều luật?

- Đúng vậy, thưa ông.

- Điều luật ấy được viết ra trong bộ luật nào? Mang số mấy? Được ban hành ngày nào?

- Đây là luật «bất thành văn.»

- «Bất thành văn» làm sao người dân biết được mà tôn trọng? Và nếu người dân không buộc phải tôn trọng điều luật «không ai có quyền không biết luật pháp», vì nó không được ghi ra ở đâu cả, thì họ cũng không bị bắt buộc phải biết và tôn trọng những điều luật khác dù cho chúng có được ghi ra hẳn hoi.

- Vì thế, thưa ông, để khỏi phải đi vào những tranh luận không có lối thoát, tôi xin đề nghị ông nhìn vấn đề một cách khác. Sự kiện «không ai được quyền không biết luật» nếu không phải là một đạo luật, thì phải được coi như một quan niệm hành xử, một phong cách sống, như đã được phân tích bởi Wittgenstein. Không chấp nhận phong cách ấy là phủ nhận toàn bộ hệ thống luật pháp và nền dân chủ pháp quyền của chúng ta. Đương nhiên là ông cũng có quyền làm cách mạng để đập tan cấu trúc của xã hội này và kiến tạo một xã hội khác… Trong trường hợp đó chúng tôi xin ông cảm phiền ký tên vào bản tuyên ngôn cách mạng ở mặt sau tờ giấy phạt…


*


Sau khi đã xét kỹ các lý thuyết về cách mạng để đi đến kết luận rằng hiện chưa đủ các yếu tố khách quan cho một thời kỳ quá độ thuận lợi cho việc phát động đấu tranh, mọi người hoan hỷ đồng ý trả tiền phạt. Để rồi quay sang bàn về luật pháp trong suốt phần còn lại của đường về.

Luật pháp phải chăng là một sự đồng thuận nhằm bảo vệ những người kém thế nhất trong xã hội, như John Rawls quan niệm ? Hay là một sự hợp thức hóa tính thống trị và bạo lực của giai cấp ưu thắng ? Một đàng giảm bớt bạo lực nói chung, một đàng giảm bớt bạo lực bằng cách dành độc quyền bạo lực cho nhà nước ? Thế là bàn sang vấn đề bạo lực. Để rồi đi đến kết luận rằng sự phát triển chưa từng thấy của các phong trào khủng bố hiện nay chính là một hình thức dân chủ hóa bạo lực, khiến bạo lực có tổ chức không còn là độc quyền của nhà nước nữa, mà càng ngày càng thuộc về « tư nhân », về « xã hội công dân » … Dân chủ hóa, cũng như tư nhân hóa, là những trào lưu không thể cưỡng lại nổi của thời hiện đại vậy !

Vừa tra chìa khóa vào cửa, thì một người đạo mạo, trạc tứ tuần, com lê cà vạt hẳn hoi, bước đến bắt tay hắn, mừng rỡ :

- A ! Ông Nguyễn văn X ! May quá ! Chúng tôi cắt người chờ ông ở đây từ ngày hôm qua. Tôi đại diện cho nhà xuất bản Y. Chi nhánh địa phương của chúng tôi không thể chấp nhận sự rủi ro có thể bị một nhà xuất bản khác phỗng tay trên khiến chúng tôi không ký được giao kèo với ông, một vị chuẩn Nobel văn chương. Vì thế, chúng tôi xin mạn phép đường đột đến canh chừng trước cửa nhà ông, để được gặp ông ngay khi ông vừa về đến. Mong không quá làm phiền ông ?

- Không … Xin mời ông vào.

- Đây là chi phiếu 100 ngàn đô la. Một món quà sơ giao. Và đây là vé máy bay mời ông đến Los Angeles, nội trong ba ngày sắp tới, để kịp dự buổi dạ tiệc đầu năm của chúng tôi. Chúng tôi xin được hân hạnh mời ông tham dự buổi lễ ấy cùng với những nhân vật nổi danh hoàn vũ về tư tưởng, văn hoá, nghệ thuật, khoa học, các nhà đầu tư, kỹ nghệ gia, kinh tế gia, các nhà quân sự, chính trị v.v… Điều quan trọng là trong dịp này ông Tổng Giám Đốc của chúng tôi sẽ long trọng ký giao kèo cộng tác với ông trước sự chứng kiến của những người ưu tú nhất trên quả đất này !

- Xin cảm ơn ông …

Và sáng hôm sau, hắn lững thững cầm vé ra hãng máy bay xác định ngày giờ :

- Theo cô thì tôi buộc phải đi trong đêm giao thừa ?

- Đúng thế, thưa ông, không có cách nào khác. Mặc dầu vậy, để cho chuyến đi của ông được thêm phần hấp dẫn, chúng tôi đề nghị ông bay về phía tây thay vì phía đông.

- Lạ vậy, bay theo chiều ấy xa hơn rất nhiều …

- Xa hơn, nhưng có điều rất đặc biệt là ông sẽ có thể mừng giao thừa nhiều lần. Vả lại công ty hàng không chúng tôi đã dự bị năm chai sâm banh cho mỗi hành khách …

- Năm chai ? Nhưng làm sao lại có thể mừng giao thừa nhiều lần trong một đêm ?

- Thưa ông, khi di chuyển về hướng tây thì mỗi khi máy bay vượt qua một múi giờ, ông sẽ lùi lại một giờ. Như thế, khi giao thừa vừa điểm tiếng chuông, ông cùng các chiêu đãi viên và hành khách khác vừa nâng ly mừng năm mới, thì, chì ít lâu sau, ông vượt qua một múi giờ và trở lại 11 giờ đêm. Ông chỉ cần chờ vài phút sau là sẽ được sống lại một lần nữa cái thời điểm thiêng liêng khai mở một tân niên. Và lại nâng ly … Cứ như thế, mỗi khi băng qua một múi giờ trên cuộc hành trình.

- Hấp dẫn ! Nhưng tôi muốn mau đến nơi. Cô làm ơn cho tôi chọn đi về hướng đông.

- Trong trường hợp ấy có thể ông sẽ không được mừng giao thừa.

- Sao thế ?

- Giả sử vào lúc 11 giờ 45 đêm, giờ địa phương, ông đang sửa soạn đón mừng năm mới, thì máy bay vượt qua một múi giờ. Khi ấy, đang từ 11giờ 45 đêm, ông bước thẳng sang 1 giờ 45 sáng ngày hôm sau. Không có 12 giờ đêm. Không có giao thừa. Chúng tôi có bổn phận báo trước để ông khỏi thất vọng.

- Thưa cô tôi nghĩ đây mới chính là yếu tố hấp dẫn của chuyến đi. Vượt trên thời gian, xóa bỏ mốc thời gian. Tôi rất thích ý niệm này. Xin cô vui lòng giữ chỗ cho tôi.


*


Chuyến bay « đêm giao thừa không có giao thừa » khá trống vắng.

Một cụ già :

- Xin lỗi ông, mắt tôi hơi kém, đây có phải là hàng ghế số 14 hay không ? Số ghế của tôi là 14 E.

Hắn trả lời :

- Đúng vậy, thưa cụ, đây là hàng ghế 14. Còn nhiều chỗ trống, xin cụ cứ tự nhiên chọn chỗ ngồi, bất kể số ghế.

- Hay quá ! Tôi thích ngồi gần hành lang để đứng dậy cho dễ. Nhưng quan trọng nhất là tránh được hàng ghế số 13 !

Thiếu nữ ngồi cạnh hắn xen vào, với một nụ cười ranh mãnh :

- Cụ ơi, trên máy bay không có hàng ghế thứ 13 đâu ! Hàng trước mình mang số 12 đấy, cụ thấy không ?

Ông cụ chồm người kiểm chứng « thông tin » của cô hành khách, rồi chau mày, lo lắng :

- Ơ hay ! Thế có nghĩa là chúng ta đang ngồi trên hàng ghế 13, mặc dù ghi số 14 ? Cô nghĩ sao ?

- Theo quan điểm của Platon về sự biệt lập giữa thực chất và tên gọi, thì điều cụ nói hoàn toàn đúng.

Hắn an ủi :

- Thôi, cụ đừng lo. Dù cho có theo thuyết của Platon đi nữa, chúng ta vẫn có thể quan niệm được rằng hãng máy bay đã tháo gỡ tất cả những hàng ghế mang số 13 và cất giữ chúng ở một nơi nào đó.

- Tôi không nghĩ họ mất công làm như vậy, mà tin chắc rằng họ đã lừa gạt chúng ta. Họ đã thay tên gọi, để cố tình gây ngộ nhận về thực chất.

- Một điều khá thông dụng. Nhiều cao ốc ghi lầu 12 bis thay vì lầu 13 …

Cô gái lắc đầu :

- Tuy nhiên, đối với người Pháp thì lầu 13 lại không phải là lầu 13, vì họ gọi lầu một là lầu 0. Người Pháp coi lầu 13 là lầu 12 và lầu 14 là lầu 13 … Nếu theo họ thì không chừng phải sửa lầu 14 thành lầu 13 bis, và vẫn giữ lầu 13, một điều mà những người tin dị đoan khác sẽ không chấp nhận … Làm sao ?

- Hay là mình nghe nhạc ? Chương trình ghi : Mahler : « Lied von der Erde» ... Có mang chút âm hưởng Á Đông. Sẽ làm tâm hồn êm dịu, khỏi lo lắng những chuyện không đâu !

- Lại một thí dụ của sự dị đoan trên những con số đấy ! Mahler sợ sẽ chết sau bài Giao Hưởng số 9 như nhiều nhà soạn nhạc khác : Beethoven, Schubert, Bruckner ... Vì thế ông ta lướt qua con số 9 với ca khúc « Lied von der Erde » này, và soạn ngay hai bài Giao Hưởng khác, sau này mới được đặt là số 9 và số 10. Nếu tôn trọng ý muốn của Mahler thì chúng phải mang số 10 và 11.

- Tức là Mahler không theo triết lý của Platon ?

- Một lầm lẫn tai hại, thưa anh. Bằng chứng là ông ta đã chết trước khi cho trình diễn Giao Hưởng số 9, để lại một Giao Hưởng khác chưa viết xong !

- Tôi rất thích được nói chuyện với cô ...

- Anh lầm rồi. Anh không hề nói chuyện với tôi.

- Sao vậy ?

- Khi vừa lên máy bay, tôi tôi đã uống một loại thuốc ngủ đặc biệt khiến ý thức của tôi ngủ say, nhưng các hoạt động thần kinh khác vẫn nguyên vẹn. Vì ý thức là nguồn của bản ngã, theo duy thức luận, nên anh không thể nói chuyện với tôi trong lúc này.

- Không tin nổi !

- Tại sao ? Ý thức chỉ là bọt nước trên ngọn sóng. Gạt bỏ nó đi, sóng vẫn còn, nước vẫn còn, đại dương vẫn nguyên vẹn, tâm thần vẫn hoạt động bình thường !

- Nhưng cái gì sẽ điều khiển những hoạt động ấy ?

- Lý nhân duyên, thưa anh. Một quy luật không gì thắng nổi. Mọi tư tưởng, mọi hành động đều theo lý nhân duyên, không cần ý thức. Khi ý thức được tắt đi thì luật nhân duyên khiến mọi việc tiến hành một cách tự nhiên, không tốn kém năng lượng, không mệt mỏi, hoàn toàn thuận lợi cho sự nghỉ ngơi, phục hồi sinh lực. Anh cứ xem tờ chỉ dẫn trong hộp thuốc thì rõ.

- Thế khi cô tỉnh dậy, thì những gì chúng ta nói chuyện với nhau bây giờ sẽ coi như chìm vào quên lãng ?

- Không đâu, thưa anh. Dù ý thức tạm ngừng hoạt động nhưng các cơ cấu thần kinh có trách nhiệm thu nhận và ghi nhớ những kỷ niệm vẫn nguyên vẹn. Tôi sẽ vẫn có thể hồi tưởng lại gương mặt khả ái và câu chuyện lý thú với anh … À, đến Los Angeles anh ở khách sạn nào ?

*


Một người đàn bà tuyệt đẹp, trang phục vô cùng sang trọng, bước đến chào hắn :

- Chào mừng ông đặt chân đến thủ phủ của văn minh nhân loại. Tôi là Giám Đốc Ngoại Vụ của Công Ty Xuất Bản và Phát Hành Y. Thay mặt ông Tổng Giám Đốc, tôi được hân hạnh ra đón ông và đưa ông về trụ sở của chúng tôi cho kịp tham dự dạ tiệc mừng tân niên tối nay. Tôi tiếc là thời giờ hơi gấp rút …

Hắn ấp úng vài chữ vô nghĩa, rồi lò tò bước theo người đàn bà đẹp, sau khi phóng nhanh một tia nhìn về phía sau. Vừa kịp thấy cô nàng uống thuốc ngủ đặc biệt khi nãy, đang chật vật đặt hai chiếc va li to tổ bố lên xe đẩy … Hình ảnh cô ta chỉ mờ dần khi hắn chui vào chiếc xe dài loằng ngoằng, ngồi đối diện với người đàn bà đẹp. Cặp chân vô tận xếp chéo sang một bên, hướng về một quầy rượu bằng gỗ quý kẻ bằng những chiếc nẹp vàng chói. Anh bồi mặc đồng phục, mang bao tay trắng, đã chờ sẵn. Bà nhâm nhi Vodka Martini, đôi môi mọng đỏ như trái cerise gắn trên vành ly. Hắn uống coktail trái cây.

- Đây là Lâu Đài của Văn Hóa Thế Giới ! Trụ sở trung ương của Công Ty. Tôi xin được hướng dẫn ông đến phòng nghỉ. Vào đúng giờ ghi trong tấm phiếu này, nhân viên của chúng tôi sẽ đến lo trang điểm và y phục cho ông. À ! đây là đại sảnh. Ở giữa phòng là tác phẩm điêu khắc mới được Công Ty đặt mua. Sẽ khánh thành tối nay đấy. Ông thấy thế nào ?

- Dạ … Một khối vuông … Cân đối … Đơn giản và bình dị. Đồng thời cũng rất sâu sắc …

- Một tổng hợp của nghệ thuật cổ điển và cấp tiến đấy. Ở giữa khối vuông này là một bức tượng lập lại tác phẩm “người suy nhĩ” của Rodin.

- Tức là khối vuông này có thể được mở ra cho chúng ta chiêm ngưỡng bức tượng bên trong ?

- Không. Khối đá hoàn toàn đầy. Nhưng ở khoảng giũa có một phần mang hình dạng “người suy nghĩ”. Đây, may quá ! Có ông Cố Vấn Nghệ Thuật của Công Ty đứng đây, tôi xin nhường lời cho ông ta giải thích rành mạch hơn.

Giới thiệu và chào hỏi xong, người Cố Vấn Nghệ Thuật trịnh trọng tuyên bố :

- Người thường có thể tự hỏi : tại sao trong trái dưa, bức tường, hay trong quả núi không có một tác phẩm điêu khắc ? Vì người bán trái cây, người thợ xây tường, hay Đấng làm nên quả núi không có chủ ý nghệ thuật này. Trong trường hợp của chúng ta, tác giả là một nhà điêu khắc tài danh, và thiên tài của ông ta là đã bao trên một tác phẩm điêu khắc một tác phẩm khác, bằng cùng một loại vật liệu, phủ theo hình dạng của tác phẩm này một cách chính xác, để rốt cuộc đưa đến sự hình thành một khối vuông … Đây là một phần diễn văn tôi sẽ đọc tối nay.

- Thế chắc ông đã ngừa trước những câu hỏi của kẻ ít am tường về nghệ thuật, kiểu như : một tác phẩm điêu khắc, thí dụ tác phẩm “người suy nghĩ”, chỉ có thể là một tác phẩm điêu khắc nếu chúng ta nhìn thấy được nó ?

- Nó có hình dạng của “người suy nghĩ”, tại sao nó lại không là tác phẩm này, dù ta có nhìn thấy nó hay không ? Ý tưởng “người suy nghĩ” được chôn vùi trong một khối vuông thật tuyệt diệu.

- Thế phần nào trong khối đá này mang hình “người suy nghĩ” ? Giả sử ông nói : phần này, thì một phần khác, nhỏ hơn 1 phân trên mỗi cạnh, hay nhích sang bên phải 1 phân, hoặc sang bên trái 1 phân, nhích lên 1 phân, hay nhích xuống 1 phân, có vẫn là tác phẩm điêu khắc mà ông quan niệm hay không ? Có thể Công Ty đã mua vô số bức tượng “người suy nghĩ” được chứa trong khối đá này đấy !

- Càng tuyệt diệu ! Tuy nhiên, trong một bài phỏng vấn, điêu khắc gia đã cho biết kích thước chính xác của “người suy nghĩ” cũng như khoảng cách đối với các cạnh và mặt phẳng của khối vuông. Để tôi xem … Đây ! Ông ta còn cho biết bức tượng quay mặt về hướng nam.

- Thế làm sao biết được mặt nào của khối vuông quay về phía nam, thưa ông ?

- Ừ nhỉ. Làm sao biết được. Tất cả các mặt đều tuyệt đối giống nhau … Người đàn bà đẹp vừa nói vừa gật gù có vẻ khen ngợi sự sáng suốt của hắn.

- Theo quan điểm của tôi, thì điều ấy tùy thuộc chính chúng ta, vào lúc chúng ta quyết định đặt bức tượng như thế nào. Khi quyết định mặt nào là mặt quay về hướng nam, chúng ta được dịp tham gia vào sự sáng tạo thành tác phẩm. Một khía cạnh tuyệt diệu khác !

- Nhỡ khi ông đặt khối đá, lại không có mặt nào quay về hướng nam cả, các mặt đều xéo với các hướng chính, thì sao ? Tác phẩm “người suy nghĩ”, mặt quay về phía nam, sẽ không hiện hữu ?

- Ông đã nêu lên khía cạnh tuyệt diệu tối thượng của tác phẩm đấy ! Khi thì nó hiện hữu, khi thì lại không hiện hữu, chỉ cần xê dịch chút xíu ! Tôi nghĩ ông phải là một thiên tài tương xứng với nhà điêu khắc vĩ đại này mới có nổi những suy nghĩ sâu sắc như vậy. Thật là một vinh dự đã được nói chuyện với ông.


*


Thức giấc, hắn nằm trên giường, buông thả để cho hình ảnh những việc vừa xảy ra tuần tự hiện lên trong tâm tưởng. Buổi dạ tiệc ... Tư thế mới của hắn khiến nhiều nhân vật nổi danh tìm cách quây quần gợi chuyện. Những câu chuyện chót lưỡi đầu môi. Những phô trương nhạt nhẽo. Rồi người đàn bà đẹp … Tấm phao cứu hắn khỏi chết ngộp trong lòng biển cả tầm thường. Có lẽ bà đã đi xa hơn cái trách nhiệm Giám Đốc Ngoại Vụ của Công Ty Xuất Bản vừa ký giao kèo với hắn …

Hắn tự kiểm thảo “lương tâm” của mình. Và tự nhủ : mình chẳng đòi hỏi gì, chẳng cố công bon chen, tranh dành với ai. Mọi việc chỉ tự nhiên đến … Phải chăng hắn đã bước vào cuộc phiêu lưu như người đàn ông nọ bước vào tiệm kẹo chỉ vì đọc tấm biển “xin vào cửa sau” ? “Văn nghiệp” của hắn là gì ? Có thể nào nền văn nghiệp ấy lại là một hiện tượng cụ thể, mặc dù chưa xảy đến ? Hắn nhớ lại những tranh luận về cụ thể và trừu tượng quanh chuyến xe lửa bị xóa bỏ đã làm đau lòng bà cụ nơi nhà ga … Rồi hắn tự hỏi : mình có mơ không ? Chức năng cảm nhận trong hệ thần kinh của hắn có thể nào bất thần trục trặc, như đứa bé đảo lộn cảm giác sầu riêng với dâu ? Hay toàn thể não bộ của hắn đã bị trao đổi với một người khác, một người có văn tài thực sự ? Ý tưởng này buộc hắn phải tự trấn an. Trong hồ sơ “Nguyễn Văn X toàn tập” nằm trong máy vi tính của hắn có những đoạn tự truyện, tiểu sử, hoàn toàn phù hợp với cuộc đời hắn kia mà ! Hắn đã kiểm chứng rất kỹ lưỡng. Không thể có sự lầm lẫn được ! Tức là chính hắn đã viết ra những gì sẽ làm hắn nổi danh, sẽ đưa hắn lên địa vị văn tài vĩ đại nhất của thế kỷ 21 ? “Đã viết” hay “sẽ viết” ? “Sẽ viết” để làm gì cho mất công khi những tác phẩm ấy ĐÃ được viết ? Hắn bỗng thông cảm với cơ quan nọ đã từ chối tài trợ việc thực hiện bộ máy đi ngược thời gian … Hay là hắn thực sự “đã viết” những tác phẩm ấy, nhưng trong tình trạng ý thức ngủ say, như cô nàng uống thứ thuốc ngủ đặc biệt gặp trên máy bay ? Khi loại bỏ được ý thức, phải chăng hắn cũng đã vượt thoát khỏi các mốc thời gian, như trong “chuyến bay đêm giao thừa không có giao thừa” ?

Tuy nhiên, mặc dù những lý luận ấy, một bộ luật bất thành văn nào đó vẫn có vẻ như lên án hắn. Luật bất thành văn … “Một phong cách sống”, như người cảnh sát đã nhận định khi ghi giấy phạt. Với một chọn lựa : con đường cách mạng ! Ừ nhỉ ! Hay là mình từ chối sự áp bức của luật bất thành văn kia, và chọn con đường cách mạng ? Tại sao không ? Hắn tự nhủ. Cứ thử liều lĩnh bước qua tấm gương xem sao ? Sang một thế giới đảo ngược trước sau, phải trái ?

Chiếc giường nước động đậy. Người đàn bà đẹp trở mình … Đôi vai trần, tuyệt mỹ, lộ trên tấm chăn mỏng dịu mềm như nhung. Hơi thở nhẹ nhàng làm chìm nổi những đường cong ẩn hiện dưới chăn. Chẳng còn đâu phong thái của một Nữ Tướng kiêu sang. Chỉ còn một thân mình cuộn tròn ẻo lả chờ được, mơn trớn, vuốt ve …

Một giờ ? Hai giờ ? Vài giờ trôi qua … Hắn khe khẽ nhích người đến bờ giường. Không phải dễ gì thoát được ra khỏi chiếc giường nước bồng bềnh, chìm lún. Ngồi dậy, đầu óc trống trải, hắn lặng lẽ nhìn ra cửa sổ.

Ngoài trời nắng đã lên cao …

Đón chào Biến Cố Văn Học của Thế Kỳ 21.

NGUYỄN Hoài Vân
(Nhân đọc Casati và Varzi)
Tân niên 2007