Thứ Tư, 22 tháng 9, 2010

Đại hội 11 đi về đâu và phục vụ ai?

Nhân dịp trước Hội nghị Trung ương 13 Đặt thẳng vấn đề với ông Nguyễn Phú Trọng: Cương lĩnh Chính trị 2011 sẽ như thế?

* Kéo dài „thời kì quá độ“ là tiếp tục đêm dài của bạo lực và đàn áp !
* Giành độc quyền cho Doanh nghiệp nhà nước là khuyến khích tham nhũng lên ngôi vua !
* Nguy cơ mất nước vì tâm lí tự ti và thái độ hèn nhát cúi đầu cầu vinh của nhóm lãnh đạo !
* Mọi tệ trạng văn hóa-xã hội và vấn nạn mất nước có thủ phạm là nhóm lãnh đạo vô đức, bất tài đang núp dưới bóng đảng độc tài !



Âu Dương Thệ

Kỳ 5 - (Tiếp theo và hết)

Lãnh đạo thoái hóa, bất tài và cúi đầu trước Bắc kinh nhưng lại vẫn muốn leo cao, ngồi lâu để tiếp tục độc quyền!

Tiếp nối cách lí luận chân lí một chiều, lú lẫm trước các tội ác đối với nhân dân và im lặng không dám nói tới kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm của dân tộc, trong phần cuối của bài “Sự phát triển nhận thức của Ðảng ta từ Cương lĩnh năm 1991 đến nay” Nguyễn Phú Trọng đã lập lại các luận điểm cũ rích, lạc hậu và hoàn toàn bất khả thi về „xây dựng Đảng“. Trong đó ông vặn lại dây cót phát thanh: „Đảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn; tăng cường xây dựng Đảng trong sạch…“ Ở đây ông Trọng chỉ lập lại những điều biết rồi khổ lắm nói mãi, nhai lại trong mấy chục năm qua, hoàn toàn không đưa ra một giải pháp mới, một cách nhìn mới nào! Đã thế ông vẫn đưa ra đòi hỏi ngang ngược là, phải tiếp tục giữ độc quyền cho Đảng, tức là độc quyền cho nhóm tham nhũng cả quyền lẫn tiền. Ông khẳng định „Đảng ta là đảng cầm quyền“ và tự tâng bốc „luận điểm này là một bước phát triển mới rất quan trọng về nhận thức của Đảng trong 20 năm qua.“

Chính ông Trọng thừa biết, suốt từ Đại hội 3 (1960) trở đi, khi Đảng Cộng sản trở thành đảng cầm quyền và độc quyền thì trong mỗi Đại hội các yêu cầu „Đảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn; tăng cường xây dựng Đảng trong sạch…“ đều đã được đặt ra. Nhưng trong thực tế suốt gần 60 năm cầm quyền độc đoán Đảng Cộng sản Việt Nam đã không trở thành một chính đảng dân chủ và trong sạch, mà trái lại mức độ độc tài càng tệ hại. Nguy hiểm nữa là đảng này đang trở thành một công cụ của một nhóm người độc tài tham nhũng đang nhân danh Đảng và nhân danh những sự đóng góp và hi sinh của hàng triệu đảng viên và nhân dân cho những mục tiêu trong sáng phục vụ đất nước và bảo vệ tổ quốc để củng cố địa vị cá nhân và làm giầu bất chính !

Khi còn sống cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nhiều lần, từ viết khuyến cáo riêng tới cả công bố công khai, đòi hỏi dân chủ hóa nội bộ Đảng Cộng sản, nhiều tướng lãnh và lão thành cách mạng cũng đã yêu cầu nhóm cầm đầu phải tỏ thiện chí và lòng thành thực, nhưng tất cả đều rơi vào sọt rác và quên lãng. Gần đây nhiều lão thành cách mạng và tướng lãnh cũng viết thư yêu cầu thực hiện dân chủ hóa nội bộ Đảng và đòi một số Ủy viên Bộ chính trị nên nghỉ trong Đại hội 11 -trong đó có Nguyễn Phú Trọng-, nhưng vẫn chỉ là những tiếng kêu trong sa mạc ! Nay đa số đảng viên đã ý thức rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn không có khả năng tự dân chủ hóa nội bộ, bởi vì mọi manh nha như thế sẽ bị nhóm bảo thủ độc tài cấu kết với Bắc kinh lũng đoạn và thanh toán ngay từ trong trứng nước.

Chứng minh điển hình mới nhất về khẩu hiệu giả dối về dân chủ hóa nội bộ „Đảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn; tăng cường xây dựng Đảng trong sạch…“ mà chính Nguyễn Phú Trọng đưa ra lại bị chính Nguyễn Phú Trọng chống lại là, trong các tuần lễ gần đây một số nhân vật có quyền lực trong Bộ chính trị đã chia nhau đi dự các hội nghị của các thành ủy, tỉnh ủy, đảng bộ Quân đội, đảng bộ Công an… để nghe báo cáo của các đảng ủy về công tác chuẩn bị đại hội và phương án nhân sự ở địa phương. Trong các dịp này các ủy viên Bộ chính trị đã ra chỉ thị „bảo đảm Đảng lãnh đạo toàn diện“. Ngay trong các dịp này chính ông Trọng cũng đã ra lệnh phải chọn nhân sự như thế nào ở cấp ủy trong các đại hội ở địa phương: „Cơ cấu là quan trọng, nhưng tiêu chuẩn là quyết định“. Điều này cho thấy, các cấp ủy ở các đảng bộ này vẫn không được phép báo cáo trung thực và độc lập chọn lựa nhân sự những đảng viên có uy tín và khả năng vào cấp ủy ở địa phương hay ngành. Cách ra mệnh lệnh như vậy là tăng cường dân chủ hóa nội bộ hay đang đẩy mạnh tập trung chỉ huy độc đoán của những người có quyền lực?

Những yêu cầu về dân chủ hóa nội bộ Đảng trên chắc chắn không thể nào thực hiện được và ông Trọng cũng thừa biết tại sao nó không thể làm được. Độc tài như một vòng nước xoáy không thể tự dừng lại được, trong đó quyền-tiền là động lực làm cho độc tài càng tàn bạo hơn. Trong một chế độ toàn trị, các chính đảng khác và các đoàn thể công dân vắng bóng, nên Đảng Cộng sản một mình một chiếu, nó không thấy có nhu cầu phải tự dân chủ hóa nội bộ.

Là một lí thuyết gia của Đảng Cộng sản đúng ra ông Trọng phải biết lịch sử thế giới và qui luật chính trị. Trong lịch sử nhân loại hầu như chưa bao giờ một chế độ độc tài (cá nhân hay đảng trị) lại tự trở thành dân chủ. Qui luật chính trị đã cho thấy, chỉ có tiến trình đi ngược lại: Kẻ đã độc tài, kẻ đã ăn bẩn thì sẽ tìm mọi cách tàn bạo hơn để giữ độc quyền và ăn bẩn hơn nữa! Ở điểm này cũng lại đã cho thấy, ông Trọng hoặc đã „lú thật, hoặc đã chối bỏ sự thực, nói thẳng ra là đã dối trá phủ nhận một sự thực khách quan của lịch sử chính trị. Một chính trị gia như ông Trọng mắc cả hai bệnh này thì đã tự phủ nhận vai trò lãnh đạo!
Vì thế, căn cứ vào các sự kiện chính trị và lịch sử thì Đảng Cộng sản Việt Nam khởi đầu là một đảng cách mạng, nhưng từ khi nắm giữ chính quyền một cách độc quyền suốt gần 60 năm nên đã tự biến thể thành một đảng cực kì độc tài và phản động. Những người lãnh đạo của đảng này đã bị quyền-tiền làm tha hóa đạo đức, tàn bạo và đã đánh mất nhân tính, không còn tư cách đại diện cho tầng lớp lao động và dân tộc. Nhưng khi kết luận cho Cương lĩnh Chính trị 2011 Nguyễn Phú Trọng trong bài „Sự phát triển nhận thức của Ðảng ta từ Cương lĩnh năm 1991 đến nay” vẫn lập lại „Ðảng cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc“. Đây là một khẳng định hoàn toàn sai lầm và không còn giá trị. Ông Trọng chỉ lập lại một khẩu hiệu sáo ngữ, lố bịch và không còn biết tự trọng. Những người cầm đầu Cộng sản Việt Nam hiện nay không còn là đại biểu bảo vệ quyền lợi của người lao động và của dân tộc. Từ lâu họ đã tự diễn biến trở thành người bảo vệ cái ghế cao, túi tiền lớn của chính mình và vây cánh. Để đạt được lợi ích cá nhân và phe nhóm họ sẵn sàng đàn áp nhân dân, tù đày các người yêu nước và cúi đầu thỏa hiệp trước những đòi hỏi ngang ngược của bá quyền Bắc kinh !

Một nhóm người không đại diện cho nhân dân mà chỉ đại diện cho chính họ để bảo vệ quyền-tiền, nay đang trương cờ đảng, lợi dụng đảng viên và đánh lừa nhân dân VN. Vì thế, nếu những đòi hỏi Đảng Cộng sản tiếp tục là „đảng cầm quyền“ của Nguyễn Phú Trọng trở thành nội dung chính của Cương lĩnh Chính trị 2011 thì đây là một sự cực kì ngạo mạn, tai họa thảm khốc và thách đố không chỉ với nhân dân VN mà cả với các đảng viên còn tâm huyết và biết quí lòng tự trọng!


* * *


Xét quá trình hình thành và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1930 tới nay thì thấy đặc điểm nổi bật của nó là từ một đảng cách mạng, nhưng từ khi trở thành đảng cầm quyền và độc quyền chuyên chính suốt gần 60 năm nên nó đã biến thể thành một đảng phản cách mạng cực kì phản động. Những người lãnh đạo của nó thuộc thế hệ đầu tiên chỉ có trình độ kiến thức về chính trị và lịch sử thế giới rất thấp và sơ sài. Chính sự ngu dốt này đã khiến họ cuồng tín tin vào tư tưởng không tưởng của Marx và các biện pháp tàn bạo và dã man để cướp và nắm chính quyền của Lenin, Stalin và Mao. Họ đã sùng bái và coi chúng như các đũa thần trong việc tiến lên thiên đường Cộng sản, tin rằng có thể sớm vượt qua giai đoạn quá độ.

Các biện pháp tàn bạo „đấu tố địa chủ“, „trăm hoa đua nở“, „hợp tác xã“, „doanh nghiệp quốc doanh“, „cải tạo“, „đánh phá tư sản mại bản“... đã được thực hiện xuyên suốt gần 60 năm, lúc đầu ở miền Bắc từ sau 1975 ra toàn nước. Các biện pháp này đã được thực thi trong „thời kì quá độ“ đưa đến kết quả rất tàn khốc làm nhân dân VN nghèo đói, tụt hậu, chia rẽ, hận thù. Nhưng thời kì quá độ tàn bạo đã không chấm dứt mà lại kéo dài vô tận ở VN. Khi còn sinh thời, Phạm Văn Đồng, Thủ tướng lâu nhất của chế độ độc tài toàn trị, vào cuối đời đã đưa ra nhận xét rất thành thực về trình độ kiến thức, tư cách đạo đức và khả năng của nhóm cầm quyền: Ngu dốt + quyền lực + tham vọng đẻ ra cuồng tín, độc tài và tàn bạo ! Trong khi đó chính cái nôi của chủ nghĩa Cộng sản - Liên xô - đã tan rã và kéo theo sự sụp đổ của thế giới Cộng sản từ hơn 20 năm nay.

Đúng ra, nếu sáng suốt và có đảm lược thì sự tan rã của Liên xô phải là bài học rất tốt cho Cộng sản Việt Nam. Nhưng thay vì thực hiện chính sách dựa vào dân và đoàn kết dân tộc, những người cầm đầu Cộng sản Việt Nam từ cuối thập niên 80 của thế kỉ trước đã tìm hậu thuẫn từ bên ngoài. Một mặt họ quay đầu thần phục Bắc kinh theo tiêu chí „Đảng Cộng sản Trung quốc trụ được thì Đảng Cộng sản Việt Nam cũng trụ được“ và mặt khác tháo khoán cho bọn tư bản bóc lột nước ngoài vào làm ăn ở VN, miễn là chịu chia chác dollar rộng rãi cho các quan tham nhũng ở trung ương và địa phương. Họ làm việc này không phải là cứu đảng, nhưng là cứu chính họ trong việc giữ quyền và moi tiền! Nhưng các chính sách này đang dẫn tới những hậu quả nguy hiểm và khốc hại cho VN. Nguy hiểm: Vì Bắc kinh đang được đằng chân lân đằng đầu, từ chiếm đóng các hải đảo của VN, đòi kiểm soát ¾ biển Đông, tới bòn rút tài nguyên cả trên đất liền lẫn biển khơi. Khốc hại: Nạn tham nhũng bất trị, tệ mua quan bán tước lộng hành, pháp luật chỉ bảo vệ bọn tham quan và đàn áp dân lành, giáo dục tụt hậu, đạo đức suy đồi !

Nguyễn Phú Trọng, một người cầm chịch quyền lực hiện nay, đã bị tha hóa đạo đức nên không dám nhìn thẳng vào sự thực này, cho nên đã đưa ra các định đề về chính trị, kinh tế, nội trị và đối ngoại rất sai lầm và độc hại dùng làm Cương lĩnh Chính trị 2011 đã được ông giải thích trong bài „Sự phát triển nhận thức của Ðảng ta từ Cương lĩnh năm 1991 đến nay” và đang được đưa vào chương trình làm việc của Hội nghị Trung ương 13 sắp họp để chuẩn bị cho Đại hội 11 vào đầu năm 2011.

Trong đó Nguyễn Phú Trọng chỉ lập lại những luận điểm đã cổ lỗ sĩ cả một thế kỉ trước, nó đã sai lầm và lỗi thời và đã bị thực tế phủ nhận ở ngay các nước đã từng là cái nôi của của chế độ Cộng sản. Trên cơ sở đó ông ta lại vẫn gân cổ đưa ra đòi hỏi ngang ngược „Đảng cầm quyền“ cho Đảng Cộng sản, tức là giành độc quyền tiếp tục cho bọn quan tham nhũng, bất tài và vô đức !

Nếu những quan điểm sai lầm, vọng ngoại, phản động và phản dân chủ như thế của Nguyễn Phú Trọng vẫn trở thành nền tảng của Cương lĩnh Chính trị 2011 của „Đảng cầm quyền“ thì sẽ đẩy lùi VN vào đêm dài vô tận như thời Trung cổ và là một mối nguy rất lớn trước mắt và lâu dài cho toàn dân tộc VN về nhiều mặt:

- Đây sẽ là một sự phản bội linh hồn hàng triệu bộ đội và đồng bào suốt mấy thế hệ qua đã hi sinh vì nghe lời kêu gọi yêu nước để xây dựng một nước VN thật sự tự do, dân chủ và phú cường!
- Đây sẽ là bước cản tiến trình đồng thuận dân tộc cần có, nếu muốn VN sớm vươn lên sánh vai cùng các dân tộc văn minh trên thế giới!
- Đây sẽ là một sự kìm hãm xã hội VN tiếp tục bị kiềm tỏa trong độc tài bạo lực, tụt hậu về kinh tế, thoái hóa đạo đức!
- Đây sẽ là cách mở cửa tốt nhất để phương Bắc có thể thôn tính VN theo kiểu mới không cần tới bom đạn!

Màn đêm bạo ngược dã man như thời Trung cổ đã bao phủ VN gần 60 năm. Nhưng đối với bạo quyền thế vẫn chưa đủ, „thời kì quá độ“ man rợ này vẫn chưa biết bao giờ chấm dứt! Cho nên Nguyễn Phú Trọng vẫn muốn kéo dài nó như trong Cương lĩnh Chính trị 2011 đã ghi rõ. Nó sẽ là kim chỉ nam hành động của bạo quyền trong các thập niên tới!

Tương lai VN và số phận con cháu chúng ta sẽ đi về đâu ? Câu trả lời cho vấn đề cực kì quan trọng và cấp thiết này thật rất rõ ràng: Không thể để những phần tử độc tài, tham nhũng và thần phục Bắc kinh thao túng đất nước tiếp tục được nữa! Đã đến lúc các thành phần trí thức, chuyên viên và thanh niên, kể cả những đảng viên Cộng sản còn biết quí lòng tự trọng và nhiệt huyết với đất nước, phải kề vai sát cánh với nhân dân ngăn chặn những ý đồ đen tối đang dự tính thi thố trong Đại hội 11 sắp tới!



____________________
Tài liệu

• Sự phát triển nhận thức của Ðảng ta từ Cương lĩnh năm 1991 đến nay
• Những định hướng bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991
• Cuonglinh2011.doc. (TTXVN 14.9)


Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử: www.dcpt.org hay www.dcvapt.net