Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2010
Tưởng niệm Nhà văn Thảo Trường

Nhà văn Thảo Trường tên thật là Trần Duy Hinh, sinh năm 1936 - Bính Tý (giấy tờ ghi 1938) tại làng Quang Sán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Vào Nam năm 1954, ông đã trở thành sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa, phục vụ khắp lãnh thổ từ Quảng Trị cho đến đồng bằng sông Cửu Long. Ông bắt đầu cuộc đời cầm bút trong thời gian mới rời trường sĩ quan Thủ Đức, và tác phẩm đầu tiên của ông là cuốn Thử Lửa xuất bản năm 1962. Sau đó ông được mọi người biết đến với các tác phẩm như Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp (1966), Vuốt Mắt (1969), Cánh Đồng Đã Mất (1971), Người Khách Lạ Trên Quê Hương (1972), Cát (1974) và nhiều tác phẩm khác.
"Những miểng vụn của tiểu thuyết" tại phòng sinh hoạt Nhật báo Người Việt, California
Từ biến cố 1975, ông đã là một trong những người bị giam cầm lâu nhất trong các trại cải tạo, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc tổng cộng 17 năm. Từ năm 1993 là năm ông đến Mỹ để đoàn tụ với gia đình vợ con đã sang đây từ 1975, ông lại tiếp tục sáng tác sau gần hai thập niên xa cách với thế giới chữ nghĩa. Cuốn sách đầu tiên của thời kỳ sau cải tạo là Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai xuất bản năm 1995 tại Pháp, từ đó ông tiếp tục xuất bản một cách đều đặn: Đá Mục (1998), Tầm Xa Cũ, Bắn Hiệu Quả (1999), Mây Trôi (2002), Miểng (2006), Thềm Đá Xanh Rêu (2007), Thử Lửa (2007). Tác phẩm quan trọng nhất của ông, tuyển tập Những Miểng Vụn Của Tiểu Thuyết đã được Người Việt xuất bản vào năm 2008. Ông còn một số tác phẩm dự trù sẽ xuất bản: Cây Bông Giấy Trước Nhà (truyện dài), Bên Ngoài Nghĩa Trang (truyện dài), Bố Cáo Thất Tung (truyện dài) Thân Thể Người Ta (truyện dài), Bà Phi (trường thiên tiểu thuyết).
Và để tưởng nhớ ông xin mời bạn đọc xem slide show bằng hình ảnh do ông bà Đinh Sinh Long thực hiện, ghi lại buổi ra mắt sách Những Miểng Vụn Của Tiểu Thuyết của ông được tổ chức vào ngày 31 tháng 8 năm 2008 tại báo Người Việt, với sự hiện diện của nhiều thân hữu thuộc giới văn học nghệ thuật vùng Little Saigon, Nam California.Thảo Trường vừa là người chứng kiến vừa là người tham dự vào cuộc chiến Việt Nam, và cũng là người sống đầy đủ kinh nghiệm giai đoạn sau cuộc chiến – tù cải tạo, rồi cả giai đoạn lưu vong tại Mỹ. Nếu tính chi li thì từ khi vào đời, ông đã sống 17 năm vừa tham dự chiến tranh Việt Nam vừa sáng tác; rồi từ 1975, 16 năm 4 tháng 4 ngày trong tù cải tạo; từ khi qua Mỹ 1993 cho đến khi từ trần: lại vừa chẵn 17 năm, ông tiếp tục viết về các kinh nghiệm sống vừa qua. Đặc điểm của giai đoạn nào cũng được ông thể hiện bằng những nét sắc sảo điển hình trong các tác phẩm của mình.