Thứ Năm, 19 tháng 8, 2010

MỘT THẾ GIỚI HẬU HOA KỲ (THE POST-AMERICAN WORLD)

Tác giả: Fareed Zakaria
Người dịch: Lê Quốc Tuấn

Kẻ thách thức
Kỳ 1

Người Mỹ có thể ca tụng cái đẹp nhưng thực ra họ thường bị chóa mắt bởi những gì đồ sộ. Hãy nghĩ đến Đại Vực (Grand Canyon), California redwoods, Nhà Ga Trung Tâm (Grand Central Terminal), Khu giải trí Disney (Disney World), xe SUV, Quân đội Hoa Kỳ, hãng General Electric, Double Quarter Ponder (với Cheese) và cà phê Venti Latte. Người Âu châu thích sự phức tạp, người Nhật tôn sùng sự gì cực nhỏ. Nhưng quả là người Mỹ ưa chuộng kích cỡ, họ thích cỡ cực đại.

Đấy là lý do vì sao Trung quốc đã làm người Mỹ nhức óc vô cùng. Đấy là một quốc gia đã khiến Hoa kỳ bị còi đi nhỏ lại. Với 1.3 tỉ người, đất nước này có dân số đông gấp bốn lần dân số Mỹ. Trong hơn một trăm năm, giới thương nhân và giáo sĩ Mỹ luôn mơ đến các khả năng - một tỉ linh hồn để cứu vớt, 2 tỉ cái nách hôi để mà khử mùi – nhưng họ chưa bao giờ từng đạt được các giấc mơ ấy. Trung quốc rất lớn, nhưng rất nghèo. Đất lành (The Good Earth), tác phẩm (và cũng là kịch bản, phim ảnh) bán chạy nhất của Pearl Buck, từng giới thiệu đến dung nhan lâu dài của Trung quốc: một xã hội trồng trọt với những nông dân đau khổ, các chủ đất tham lam, bệnh tật và lụt lội, các tai ương và nghèo đói.

Câu nói nổi tiếng và có lẽ đáng ngờ của Napoleon “Hãy để Trung Hoa ngủ, bởi vì khi Trung Hoa thức giấc, nàng sẽ lay chuyển cả thế giới”. Và trong hơn hai trăm năm, Trung quốc như đã theo lời hướng dẫn của ông ta, đã cứ nằm ngủ và đóng một vai trò bé nhỏ trong một vũ trường nơi các quyền lực lớn khác cứ phô diễn các tham vọng của mình. Trong thế kỷ thứ hai mươi, Nhật Bản, từng một thời là kẻ bắt chước theo Trung Hoa, đã giúp đất nước này trong chiến tranh và trong hòa bình.Trong thời Đệ Nhị thế chiến, Hoa Kỳ đồng minh với Trung Hoa và đã viện trợ cho đất nước này, và năm 1945, cho một vị trí trong Hội đồng Bảo An LHQ. Khi Bắc Kinh và Washing ton trở thành thù địch sau khi những người cộng sản chiếm đoạt vào năm 1949, Trung Quốc trượt hẳn tuốt về phía sau. Mao Trạch Đông đã kéo lê đất nước này qua một loạt những tai họa chấn động khiến hủy diệt kinh tế, khoa học và vốn trí thức. Thế rồi vào năm 1979, mọi thứ lại bắt đầu lung lay trở lại.

Sự thức giấc của Trung quốc đang tái định hình cảnh quan kinh tế chính trị, nhưng Trung quốc cũng bị định dạng bởi chính thế giới mà đất nước này đang nổi lên từ đó. Bắc Kinh đang thương thảo với cả hai sức mạnh vốn đang xác định một thế giới hậu Hoa Kỳ rộng rãi hơn - sự toàn cầu hóa và chủ nghĩa quốc gia. Một mặt, kinh tế và khoa học kỹ thuật đang đẩy Bắc Kinh đi vào sự hợp tác hội nhập vào thế giới. Nhưng những sức mạnh tương tự này đang đem lại sự chia rẽ và biến động xã hội trong đất nước và chế độ đang tìm kiếm các phương cách mới để kết hợp một xã hội không ngừng chia rẽ. Trong khi đó, sự phát triển cũng có nghĩa là Trung quốc trở nên có tính quyết đoán hơn, tỏa lên một bóng che lớn hơn trên khu vực và cả thế giới. Nền hòa bình và ổn định của thế giới Hậu Hoa Kỳ sẽ tùy thuộc phần lớn vào sự quân bình mà Trung quốc tác động giữa những lực lượng của sự hòa hợp và bất xứng.

Khi các sử gia nhìn lại những thập kỷ vừa qua của thế kỷ hai mươi, chắc họ sẽ xem năm 1979 như một nguồn nước đổ. Năm đó, Liên xô xâm lăng Afghanistan, tự đào mồ chôn vai trò siêu quyền lực mình. Và cũng năm đó, Trung quốc khởi sự cải cách kinh tế. Chỉ dấu của biến cố sau đã đến vào tháng mười hai 1978 (i) tại một cuộc họp không hẹn trước: Hội nghị toàn thể lần thứ Ba của Uỷ ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, một dịp đặc trưng cho các bài hùng biện rỗng tuếch và tư tưởng mục nát. Trước buổi họp chính thức, tại một phiên họp đã được chuẩn bị, Đặng Tiểu Bình, nhân vật vừa được trao quyền lãnh đạo đảng, đọc một bài phát biểu vốn trở thành một bài phát biểu quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại của Trung Quốc. Ông đã thúc dục chế độ tập chú vào phát triển kinh tế và hãy để cho thực tế - chứ không phải tư tưởng- dẫn đạo lối đi. "Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng" Đặng nói "miễn bắt được chuột là mèo giỏi". Kể từ đó, Trung quốc đã thực hiện đúng như thế, theo đuổi con đường hiện đại hóa thực tiễn một cách tàn nhẫn.

Kết quả thật đáng kinh ngạc. Trung quốc đã phát triển hơn mức 9 phần trăm hàng năm trong gần ba mươi năm, tốc độ nhanh nhất đối với một nền kinh tế lớn trong lịch sử từng được ghi lại. Trong cùng thời gian ấy, Trung quốc đã đưa hơn 400 triệu dân ra khỏi tình trạng nghèo đói, một sức suy giảm chưa từng xảy ra được ở bất cứ nơi đâu vào bất cứ thời điểm nào. Thu nhập của người Trung quốc trung bình đã tăng gần bảy lần. Bất chấp các mặt hạn chế và tụt hậu, Trung quốc đã đạt được - một thay đổi dứt khoát với nghèo đói - giấc mơ của tất cả các quốc gia trong thế giới thứ ba trong một bình diện cực lớn. Nhà kinh tế Jeffrey Sachs đã diễn tả rõ ràng : "Trung quốc là câu chuyện để mà kể lại về sự phát triển thành công nhất trong lịch sử thế giới".

Độ lớn của sự thay đổi ở Trung quốc là gần như không thể tưởng tượng được. Kích thước của nền kinh tế này đã nhân đôi mỗi tám năm trong suốt ba thập niên. Vào năm 1978, đất nước này sản xuất được 200 máy điều hòa không khí, năm 2005, sản xuất được 48 triệu. Ngày nay, mức xuất khẩu trong một ngày của Trung quốc nhiều hơn mức xuất khẩu trong cả năm 1978. Đối với những ai từng đến thăm Trung quốc trong thời gian này, sẽ có nhiều hình ảnh và minh chứng hơn về sự đổi thay mà một người nào có thể nhớ lại. Mười lăm năm trước, khi tôi đến Thượng Hải lần đầu tiên, vùng Pudong ở phía đông thành phố là một vùng quê chưa phát triển. Ngày nay đó chính là khu vực tài chính của thành phố, chật ních với những tòa nhà cao bằng kính và thép, hàng đêm sáng rực như thể những cây Giáng sinh. Khu vực này lớn gấp tám lần hơn Canary Wharf, khu tài chính mới của London và chỉ nhỏ hơn cả thành phố Chicago một chút. Trong khi đó, thành phố Trùng Khánh, bản thân là một kiểu mẫu của Chicago, vốn là thành phố phát triển nhanh nhất thế giới từ một trăm năm trước. Trùng Khánh đang tăng thêm 300 ngàn người mỗi năm, có lẽ ngày nay đã đạt được danh hiệu ấy. Và Trùng Khánh chỉ là cái đầu của một bộ sậu gồm hai mươi thành phố phát triển nhanh nhất thế giới đều thuộc về Trung quốc.

Bất chấp sự thu hút của Thượng Hải đối với người Tây phương, Bắc kinh vẫn là trung tâm của chính trị, văn hóa, nghệ thuật và ngay cả về kinh tế. Thành phố đã được tái tạo đến một giới hạn chưa từng thấy trong lịch sử (so sánh gần nhất có thể là cuộc sửa sang thành phố Paris của Haussmann trong thế kỷ thứ mười chín). Phần lớn nằm trong công cuộc chuẩn bị cho Olympics 2008, Bắc Kinh xây dựng 6 tuyến xe điện ngầm, một hệ thống đường sắt 43 km, một phi cảng mới (dĩ nhiên là lớn nhất thế giới), 25 triệu mét vuông dinh thự mới, 125 kilo mét "vùng cây xanh" và một công viên thi đấu Olympics 12 kilo mét vuông. Khi nhìn vào kiểu mẫu của thành phố Bắc Kinh mới, không khỏi nghĩ đến kế hoạch hùng vĩ của Albert Speer cho thành phố Bá Linh sau hậu chiến, đã được vẽ lên vào những năm 1940, chính là, Albert Speer con, người con trai, cũng là một kiến trúc sư đã thiết kế đại lộ dài 8 km chạy từ Cấm thành đến công viên Olympic. Ông không hề nhìn thấy được một sự so sánh có giá trị giữa sự chuyển hóa thành phố Bắc Kinh và các thiết kế của cha mình đã thực hiện cho Hitler. Công trình này "lớn hơn", "lớn hơn rất nhiều", ông nói (ii).

Mọi thương nhân ngày nay đều có những con số thống kê chóa mắt về Trung quốc, những con số có thể khiến người ta phải câm lặng sững sờ. Và đó thực là những con số đầy ấn tượng - hầu hết các số liệu đó đều sẽ bị vượt qua ngay khi ai đó vừa đọc xong. Trung quốc là nhà sản xuất lớn nhất thế giới về than đá, sắt và xi măng. Đất nước này là thị trường điện thoại di động lớn nhất thế giới. Có 28 tỉ bộ vuông diện tích đang được xây dựng từ năm 2005, nhiều gấp 5 lần hơn Hoa Kỳ. Xuất khẩu của TQ sang Hoa Kỳ đã tăng 1600 phần trăm trong mười lăm năm qua. Ở đỉnh cao của cuộc cách mạng kỹ nghệ, Anh quốc đã được gọi là "công xưởng của cả thế giới". Danh hiệu đó nay thuộc về Trung quốc. Đất nước này sản xuất 2 phần 3 số lượng máy photocopy, lò nướng viba, đầu phát DVD và giày dép của cả thế giới.

Để có được một ý niệm về việc Trung quốc đã hoàn toàn thống lĩnh nền sản xuất giá hạ như thế nào, hãy nhìn vào Wal-Mart. Wal-Mart là một trong những đại công ty lớn nhất thế giới. Doanh thu của công ty này nhiều hơn số doanh thu của Microsoft tám lần và có giá trị đến 2 phần trăm GDp của Mỹ. Công ty này thuê mướn 1.4 triệu công nhân viên, nhiều hơn tổng số công nhân viên của các công ty GM, Ford, GE và IBM gộp chung lại. Huyền thoại của họ về tính hiệu quả - có người muốn cho là tàn nhẫn – chính là nỗ lực để đưa đến cho khách hàng của mình cái giá rẻ nhất. Để đạt được như thế, công ty đã lão luyện về kỹ thuật, vận dụng đưọc sáng kiến và có lẽ, điều có hiệu quả nhất, chính là sản xuất giá thấp. Wal-Mart nhập vào khoảng 1.8 tỉ giá trị hàng hóa từ Trung quốc hàng năm. Tuyệt đại đa số nguồn nguyên liệu ngoại nhập của Wal-Mart là ở đó. Hệ thống cung cấp toàn cầu của Wal-Mart chính là đường cung cấp của Trung quốc.

Trung quốc cũng theo đuổi một chính sách đầu tư và giao thương thông thoáng đặc biệt. Đối với điều này, trong nhiều rất nguyên nhân, đất nước này không phải là một loại Nhật Bản mới. Bắc Kinh đã không hề đi theo lộ phát triển của Nhật (hay Nam Triều Tiên), nghĩa là một chiến lược dẫn đạo bởi xuất khẩu khiến đóng cửa xã hội và thị trường nội địa. (Trung quốc hành động như thế này bởi vì họ không có chọn lựa nào khác do bởi họ thiếu thốn nguồn dành dụm như của Nhật hay Nam Triều Tiên). Hiện nay, tỉ lệ giao thương đối với GDP của Trung quốc là 70 phần trăm, khiến tạo cho đất nước trở nên một trong những nền kinh tế rộng mở nhất trên thế giới. Trong mười lăm năm qua, nhập khầu từ Hoa Kỳ đã tăng gấp bảy lần. Procter & Gamble hiện kiếm được 2.5 tỉ hàng năm từ Trung Quốc, và các mặt hàng quen thuộc như dầu gội Head & Shoulders cũng như tã lót Pampers hết sức là quen thuộc với giới tiêu thụ ở đó. Starbucks tiên đoán rằng đến năm 2010 họ sẽ có nhiều tiệm cafe ở Trung quốc hơn là ở Hoa Kỳ. Trung quốc cũng mở rất rộng cửa với các thương hiệu quốc tế, dù là hàng hóa hay con người. Các kiến trúc sư nước ngoài đã từng xây dựng hầu hết các tòa nhà đẹp đẽ và các công trình phát triển lớn khiến làm nên nước Trung quốc mới. Và khi đi tìm nhân vật chỉ đạo các ngày hội khai mạc Olympics, chương trình biểu diễn của Trung quốc trước quốc tế, họ đã chọn Steven Spielberg, một người Mỹ. Thật khó có thể thuyết phục được là Nhật hay Nam Triều Tiên có thể giao cho một vai trò như thế một người ngoại quốc.

Trung quốc cũng là nước nắm giữ lượng tiền lớn nhất thế giới. Lượng tiền trao đổi ngoại tệ dự trữ của họ là 1.5 trillion, 50 phần trăm nhiều hơn lượng tiền tương tự của đất nước đứng sau đó (Nhật) và nhiều gấp ba lần lượng tiền của cả Liên hiệp Âu châu. Giữ một lượng tiền khủng khiếp như thế có thể là một chính sách khôn ngoan và có thể không, nhưng đấy chính là chỉ dấu của tính co dãn ghê gớm của Trung quốc trước bất cứ cơn chấn động hay khủng hoảng nào. Cuối cùng, chính những kết hợp này đã khiến Trung quốc trở thành độc đáo. Đấy là một đất nước lớn nhất thế giới, một nền kinh tế phát triển mạnh nhất, hãng xưởng lớn nhất, giới tiêu thụ lớn thứ nhì thế giới, người tiết kiệm nhất thế giới và (chắc chắn) đó là nước chi phí đứng hàng nhì thế giới về quân sự. Trung quốc sẽ không thay thế Hoa Kỳ như thể một siêu quyền lực của thế giới. Trung quốc gần như tự mình vượt qua mọi phương diện - quân sự, chính trị hay kinh tế - trong nhiều thập niên, không kể đến sự thống lĩnh trong tất cả các lãnh vực. Nhưng từ nội dung này đến nội dung khác, họ đã trở nên một đất nước quan trọng thứ nhì trên thế giới, đóng góp một phần tố mới tinh nguyên vào hệ thống quốc tế.

(Còn tiếp)

_______________________

i. Theo Robyn Meredith, The Elephant and the Dragon: The rise of India and China and What it means for All of Us (New York: W.W. Norton & Company, 2007) tr. 16

ii. Theo Melinda Liu, “Beijing Reborn”, Newsweek International, Aug. 13, 2007




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét