Thứ Ba, 17 tháng 8, 2010
Giọt lệ Chelsea
Lê Hữu
LTS. Truyện dưới đây là một câu chuyện thời sự có thật phần nào được tiểu thuyết hóa.
LTS. Truyện dưới đây là một câu chuyện thời sự có thật phần nào được tiểu thuyết hóa.
Kỳ 1
“Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?”
(Đôi Bờ, thơ Quang Dũng)

"Đây phải là tấm ảnh đẹp nhất, gây ấn tượng mạnh mẽ nhất của năm hai ngàn," Nghĩa nói.
Trong ảnh, tôi nhìn thấy nhiều khuôn mặt trẻ trung, háo hức, những đôi mắt mở to sáng rỡ, những miệng cười khoái trá, những thân người cố chồm tới, cố vươn tay về phía Tổng thống Mỹ để được bắt tay ông hay chạm được vào người ông. Tổng thống cao lớn, nổi bật giữa đám đông, khuôn mặt rạng rỡ, nụ cười nở rộng, hai cánh tay vươn ra đón bắt những bàn tay, trông giống như một thần tượng nhạc trẻ hay ngôi sao bóng tròn được các fan cuồng nhiệt dàn chào.

Tender moment,
photo by Susan M. Ogrocki
photo by Susan M. Ogrocki
Giọng Nghĩa phấn khích, sôi nổi. Hắn là em của Nhân, bạn tôi. Hai anh em tính nết trái ngược nhau. Tôi lại chơi được cả anh lẫn em.
"Tấm ảnh này có ý nghĩa đặc biệt," tôi nói, "tuy nhiên theo tôi, vẫn chưa hẳn là đã gây ấn tượng mạnh nhất."
"Anh muốn nói tới cái gì khác?" Nghĩa nhíu mày hỏi. "Bài diễn văn của ông Clinton đọc ở Hà Nội chắc?"
"Cũng chưa hẳn," tôi trả lời. "Bài diễn văn và những cái bắt tay đó có thể đoán trước được. Phải là một cái gì khác thật bất ngờ."
"Chịu. Vậy theo anh là cái gì?"
"Thực ra thì cảm xúc mỗi người có khác nhau," tôi cười. "Tôi ít đọc báo, mà chỉ xem tivi. Có một hình ảnh chỉ xuất hiện trên màn hình có mấy giây đồng hồ thôi nhưng thật là bất ngờ, và nói như cậu, đã gây cho tôi ấn tượng thật là mạnh mẽ. Đó là những giọt nước mắt trên khuôn mặt của một cô gái Mỹ tuổi đôi mươi, cô Chelsea, con gái của ông bà Clinton, khi cô đứng cạnh bố mẹ tại một nơi đang được đào xới để tìm hài cốt của một phi công Mỹ. Cô gái đưa tay quệt những giọt nước mắt đang chảy dài trên má. Một tay phóng viên người Mỹ cũng đã ‘chộp’ được tấm ảnh này. Một tấm ảnh có ý nghĩa gấp nhiều lần một bài báo dài."
"Em có xem tivi nhưng mà không để ý tới cảnh ấy, và cũng chưa được thấy tấm ảnh ấy."
"Hôm ấy là ngày đầu của chuyến viếng thăm Việt Nam. Ông bà Clinton được hướng dẫn tới một cái làng nhỏ ở ngoại ô Hà Nội là nơi đang tiến hành việc đào xới để truy tầm hài cốt của một phi công Mỹ bị bắn rơi tại đấy vào tháng 11 năm 1967. Tất nhiên đây cũng chỉ là một màn dàn dựng nặng phần trình diễn như những màn dàn dựng trước đó, có điều lần này chắc phải chu đáo hơn nhiều vì đích thân ngài Tổng Thống Mỹ đến tận hiện trường xem xét… Ông Clinton đứng giữa hai người con trai của viên phi công Mỹ xấu số, đang chăm chú lắng nghe 'báo cáo' về diễn tiến khúc phim chiếc máy bay F-105D của không lực Hoa Kỳ bị bắn rơi trên không phận Bắc Việt ba mươi ba năm về trước, và quá trình tìm kiếm hài cốt của viên Trung Tá phi công tử trận. Chỗ ông đứng là một gò đất cao, nhìn xuống phía bên dưới là khu vực đang được đào xới. Một toán công nhân hỗn hợp Việt và Mỹ đang 'khẩn trương' làm việc. Phía người Việt, phần lớn là phụ nữ, trông luộm thuộm, đầu đội nón lá, hai ống quần xắn cao. Vài thanh niên mặc quần áo bộ đội, áo bỏ ngoài quần, đội nón cối, đi chân không. Nhóm người này đứng xếp hàng ngang thành một dây chuyền và đang chuyền tay nhau những ki đất được đào lên từ một cái hố rộng để đổ lên bờ. Chelsea và mẹ cô đứng phía sau ông bố, mắt cô chăm chú quan sát đám người lam lũ đang 'lao động tích cực' dưới vũng bùn lầy lội, trong lúc tai cô lắng nghe những lời tường thuật phát ra từ một loa phóng thanh về câu chuyện chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi ngay tại chỗ cô đang đứng. Cô đã khóc, và đưa tay quệt những giọt nước mắt trào ra từ khóe mắt... Ống kính quay phim đã tình cờ thu được cảnh đó."
"Không phải tình cờ đâu. Mấy tay phóng viên Mỹ 'nhạy' lắm. Rồi sao nữa, anh kể tiếp đi?"
"Có vậy thôi... Chẳng ai có thể biết đích xác được những ý nghĩ trong đầu cô gái Mỹ trong giây phút đó, nhưng chắc chắn là cô đã phải xúc động ghê gớm lắm. Nếu đấy là những giọt nước mắt của cậu hay của tôi, hay của bất cứ người đàn ông đàn bà nào có mặt trong suốt chiều dài của cuộc chiến tranh ấy thì cũng chẳng có gì đặc biệt lắm; thế nhưng, đây lại là những giọt nước mắt của một cô gái trẻ, mà lại là gái Mỹ, vừa tròn hai mươi tuổi, nghĩa là sanh sau đẻ muộn đến năm năm sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc. Chắc chắn là cô bé ấy đâu có hiểu gì nhiều về cuộc chiến lạ lùng và bi thảm đó... Cho dù là cô ta có ý định tìm hiểu hoặc chịu khó bỏ nhiều thì giờ để làm một cái research về đề tài chiến tranh Việt Nam đi nữa thì nhiều lắm cô cũng chỉ thu thập được một ít kiến thức lờ mờ qua một mớ tài liệu bao gồm sách vở, báo chí, phim ảnh ở các thư viện... Đấy là chưa nói những tài liệu quỷ quái này chẳng biết được viết ra từ phía nào của cuộc chiến. Khi được đi cùng với bố mẹ đến thăm lại 'mảnh đất chiến trường xưa' tại một đất nước xa xăm, nơi từng xảy ra trận chiến lịch sử cũng xa xăm như là truyền thuyết, chắc hẳn cô cũng đã bị thôi thúc bởi sự tò mò và ý định đi tìm lại dấu vết của cuộc chiến tranh tại vùng đất mà hơn năm chục ngàn người lính Mỹ thuộc thế hệ cha anh của cô đã ngã xuống. Vậy mà chỉ mới vừa chạm mặt với một phần rất nhỏ tàn tích của cuộc chiến tranh ấy, nỗi xúc động trong cô đã òa ra khiến cô không sao cầm được nước mắt."
Chúng tôi chấm dứt câu chuyện ở đó và như đã hẹn trước với nhau từ tối qua, Nghĩa đưa tôi đến một quán ăn quen thuộc mà hắn gọi bằng một cái tên hơi dài là "Trung Tâm Cung Cấp Mọi Thông Tin Thời Ðại". Thực ra quán có một cái tên, là tên của nữ chủ nhân. "Trung Tâm" này chỉ là một quán ăn nhỏ trong khu phố người Việt, thực đơn hàng ngày chỉ có café và ít món điểm tâm nhẹ. Những món này chẳng có gì đặc sắc lắm nhưng quán không lúc nào vắng khách, nhờ vào hai lợi điểm: thứ nhất, chỉ cần ngồi ở đây một lúc thôi là có thể nắm bắt được mọi thông tin về đủ thứ chuyện trên đời, từ mọi sinh hoạt trong cộng đồng người Việt cho đến tình hình thời sự trong và ngoài nước; thứ hai, nữ chủ nhân là một bông hoa hương sắc, duyên dáng và thanh lịch, sẵn sàng hầu chuyện với những thực khách hào phóng tại những bàn đông khách hoặc tại quầy cashier. Bông hoa này tuy đã nở rộ, và đã có một đời chồng, những vẫn còn mặn mà, duyên dáng lắm, và lại tỏ ra am hiểu chuyện thời thế, đáp ứng được yêu cầu của những tay ưa đấu láo và tán nhảm. Trước đây tôi cũng có ghé vào quán này vài ba lần với vài ba tên bạn, và tuy rằng cũng có chút thiện cảm với cung cách tiếp đón của nữ chủ nhân, tôi vẫn không ưa cái kiểu tụ tập đàn đúm ở đây chút nào. Khi còn ở Việt Nam tôi đã quá nản cái cảnh ngồi quán café dầm dề cả ngày của những anh chàng vô công rỗi nghề, chẳng có việc chi để làm hay chẳng muốn làm lụng chi cả. Qua tới Mỹ cảnh ấy lại tiếp tục tái diễn khiến tôi thêm ngán ngẩm. Hồi còn ở trong nước thì còn nói là chán đời, không có tương lai, không có lối thoát, thế nhưng qua tới đây rồi lại vẫn tiếp tục... chán đời, tiếp tục ngồi câu giờ ở quán xá sáng trưa chiều tối, sáng say chiều xỉn, gọi là để quên đi nỗi buồn tha hương nơi "đất khách" hay "xứ tạm dung" gì gì đó. Thực tình tôi không hiểu nổi là những anh chàng đó muốn cái gì.
Chúng tôi ngồi vào một bàn quen. Nói là quen chứ thực ra là quen với Nghĩa nhiều hơn là quen tôi. Không khí chuyện trò khá sôi nổi. Câu chuyện thời sự hàng đầu vẫn là cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc giữa hai ứng viên Tổng Thống Mỹ rất là gay cấn, chưa từng có trong lịch sử bầu bán của Mỹ. Sau hơn mười ngày kiểm phiếu, đếm tới đếm lui, đếm ngược đếm xuôi, đếm đi đếm lại, vẫn cứ bất phân thắng bại và nước Mỹ vẫn chưa có Tổng Thống mới. Đề tài kế tiếp là chuyến viếng thăm Việt Nam lần đầu tiên của một ông Tổng Thống Mỹ, sau hai mươi lăm năm kết thúc cuộc chiến tranh dai dẳng trên đất nước này. Những lời bình phẩm về lời lẽ ngoại giao khôn khéo và đầy ẩn ý trong bài diễn văn của ông Clinton tại Hà Nội... Tôi chỉ lắng nghe mà không có ý kiến. Câu chuyện bên những tách café vẫn tiếp tục sôi nổi cho đến lúc Phượng, cô chủ quán, nhẹ nhàng đến bên cạnh bàn.
"Các anh nói chuyện gì vui thế?" Phượng hỏi, giọng Bắc kỳ ngọt lịm.
Câu chuyện tạm ngưng, mỗi người nói một câu để trả lời nàng. Phượng mỉm cười và quay sang phía tôi.
"Lâu quá không thấy anh ghé chơi?" nàng hỏi làm như đây là nhà riêng của nàng vậy chứ chẳng phải quán xá gì. Tôi trả lời lúc này lu bu quá, nhưng mà rất nhớ cái quán này.
"Nhớ quán và nhớ người nữa," Nghĩa thêm vào.
Phượng chỉ mỉm cười, cúi xuống nhìn bức ảnh trên trang báo Mỹ chụp cảnh đám đông người Việt vây quanh ông Clinton trên đường phố Saigon, và nàng có ngay một câu nhận xét:
"Những khuôn mặt này trông trẻ măng. Chỉ xấp xỉ bằng tuổi cô con gái của ông Clinton là cùng."
Tôi ngước lên nhìn Phượng. Ít ra thì cũng có được một người nhắc đến Chelsea.
"Anh Hữu có thấy vậy không?" Phượng hỏi khi mắt nàng chạm ánh mắt tôi. Nàng vẫn còn nhớ được tên tôi.
Thấy quá đi chứ. Tôi rất muốn trả lời là tôi thấy... đôi mắt nàng đẹp lạ.
Ít ngày sau, Nghĩa lại mang đến cho tôi một thứ khác, lần này không phải là tờ báo mà là những trang giấy rời.
"Em có cái này cho anh," Nghĩa nói, đưa tôi một tờ. "Anh đọc thử coi."
Cầm tờ giấy Nghĩa đưa, tôi không đoán ra được là thứ gì. Đọc lướt qua ít hàng, tôi ngước lên hỏi hắn:
"Cậu lấy cái này ở đâu ra vậy?"
"Trên internet. Tìm cái khác lại gặp cái này. Em in ra cho anh."
"Thiệt hay giả đây?" tôi hỏi tiếp.
"Chịu," hắn trả lời. "Làm sao mà biết được. Chuyện ở Mỹ mà, cái gì cũng thiệt, cái gì cũng giả được hết. Em nghĩ là anh thích nó thì em mang lại anh coi cho vui vậy thôi. Chắc là thật vì đâu có ai giả những cái này làm quái gì!... Còn đây là tấm ảnh mà anh nói. Có đúng ảnh này không?" Nghĩa đưa thêm cho tôi một tờ khác. Tấm ảnh in lại cũng khá rõ.
"Đúng đấy. Thì cậu cứ đưa hết một lần cho tôi coi nào. Làm cái trò gì mà cứ thậm thụt vậy."
"Đâu có được," Nghĩa lúc lắc đầu, cười cười. "Những cái này tiền không, đâu có cho anh free được."
Nói vậy nhưng rồi hắn cũng đưa hết cho tôi. Tôi nhìn lướt qua những trang giấy dày đặc chữ mà Nghĩa gọi là "Những trang nhật ký của Chelsea".
"Đã gọi là nhật ký thì sức mấy mà lọt ra ngoài được," tôi nói.
"Chelsea đưa cho một cô bạn đọc, và cô này sau đó đã cho phổ biến trên net. Anh cứ đọc đi rồi biết."
"Cậu cũng tài thật đấy. Đúng là chuyên viên sưu tầm tin tức."
"Tài cán gì đâu," Nghĩa nói, "một đứa bé cũng làm được. Anh chỉ cần gõ mấy chữ 'Chelsea Clinton, Vietnam visit' trong cái khung 'Search' là ra hết. Thời đại bùng nổ thông tin mà."
Nghĩa là tay chịu khó săn lùng tin tức về các sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở đây và hắn rất enjoy công việc này. Không rõ hắn moi được những tin tức đó ở đâu, từ những nguồn nào, hay là có ai đó cung cấp cho hắn. Mỗi khi cần tìm kiếm tài liệu gì, tôi thường phải nhờ tới hắn. Lâu lâu cũng phải khen ngợi hắn ít câu và tỏ vẻ thán phục thì sau đó cần chuyện gì hắn sẽ mau mắn giúp cho. Tôi có được trong tay sớm nhất bài nói chuyện của ông Clinton tại Hà Nội cũng là nhờ hắn. Lần này hắn còn in thêm cho tôi mấy tấm ảnh đặc biệt về chuyến đi Việt Nam của ông Clinton, như ảnh ông duyệt hàng quân danh dự dàn chào, ảnh ông và đoàn tùy tùng ngồi trong một tiệm phở ở Saigon, ảnh bà Hillary và Chelsea tươi cười đội những chiếc nón lá, ảnh gia đình Clinton vẫy tay chào tạm biệt dân Saigon trước khi đáp Air Force One về lại Mỹ, và tất nhiên cả tấm ảnh có những giọt nước mắt của Chelsea nữa.
Tối đó trước khi lên giường ngủ tôi đã bỏ ít thì giờ để đọc những trang giấy Nghĩa đưa. Lướt qua những đoạn tả tình tả cảnh, những tên tuổi một vài người bạn trai của Chelsea, những anh chàng Matthew, Andrew và Jeremy nào đó, tôi chú ý những đoạn dưới đây:
(Còn tiếp)