Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2010

Bài ca hạnh ngộ

Hoàng Quân

Quỳnh Lâm báo tin sẽ đến Ðức trong tuần lễ từ 11.10.2002 đến 17.10.2002. Nisha vội vàng thu xếp “sự vụ lệnh” để công du sang Ðức, đi chợ sắm sửa đầy mấy tủ lạnh, tủ đá, để ba cha con Lộc, Lâm, Liêm sống còn trong thời gian nữ tướng đi xa. Nisha sẽ đáp chuyến xe lửa đêm từ Paris, đến MĂnchen vào sáng sớm. Quỳnh Lâm thì bay từ Stockholm đến phi trường vào buổi chiều. Chúng tôi hồi hộp quá, ngày nào cũng thư từ, nhắn nhủ, dặn dò. Thư nào chúng tôi cũng nhắc nhở nhau giữ gìn sức khoẻ, vì đứa nào cũng “lão” rồi. Khi gặp nhau, tụi tôi nhất thiết phải đầy đủ tinh thần minh mẫn trong thân thể tráng kiện. Ban đầu, tôi định lấy phép trong suốt thời gian gặp mặt, sau, tôi chỉ thu xếp nghỉ được ba ngày.

Sáng thứ sáu, tôi đạp xe ra trạm xe điện, rồi đáp xe vào nhà ga thành phố đón Nisha. Ðây rồi cổng số 21, xe xuất phát từ Paris-Est, toa số 115. Nisha đang đứng ở cửa xe, một va li to, một tay xách túi ny lông, lỉnh kỉnh mấy món bánh đặc sản của Paris- quận 13, hai bịch nhãn lồng bự. Tay kia Nisha ôm một cây trúc. Cảnh cảm động quá, tựa cảnh Kim Cương ở quê lên tỉnh trong vở kịch Lá Sầu Riêng. Thương mi quá Nisha ơi, tao biết mi có cái cột sống già trước tuổi, vậy mà cũng ráng khuân vác cho tao. Lên xe điện là hai đứa bắt đầu hót.

- Tao chỉ đem có ba bộ đồ thôi, còn lại là hàng hóa cho con Lâm đó. May, mày nói không cần gì, thiệt, tao chẳng biết nhét vô đâu nữa. Anh Lộc đã chiết sẵn cây cúc Nhật rồi, nhưng tao không sao cõng đi được.

- Cây trúc là đã quá sức mày rồi. Ðể hồi nào tụi tao qua chơi tụi tao sẽ vời cây cúc về.

Trước khi qua, Nisha hỏi tôi cần mỹ phẩm gì của Paris không. Tôi viết cho Nisha, rằng tôi không cần mỹ phẩm, với lý do:
Bởi vì mắt thấy trời xanh,
Cho nên mắt cũng thanh thanh màu trời.


Nisha mong trời MĂnchen xanh hoài để tôi khỏi cần phải tốn tiền cho phấn mắt.

Ðến gần nhà, trạm xe Johanneskirchen, trời vẫn mưa, đường trơn ướt tiêu điều. Chúng tôi hì hục khiêng đồ đạc ra xe... đạp. Va li to để yên sau, túi đồ ăn nặng trĩu treo nơi tay lái. Tôi đẩy xe đạp. Nisha ôm cây tre. Không có dù, nón, chúng tôi lấy khăn trùm đầu như hai bà cụ người Thổ. Ði dưới mưa hai đứa vẫn chuyện trò dòn dã. Tiếc là tôi không chụp được cảnh đôi bạn chân tình (hay để dấu sai thành đôi bạn chằn tinh!) sánh bước dưới mưa, tình tứ tận mạng.

Nisha bàn với tôi, bây giờ chỉ có hai đứa, chúng tôi sẽ bàn bạc những đề tài cấm kỵ, không thích hợp với đầu óc ngây thơ, hồn nhiên của Quỳnh Lâm. Quỳnh Lâm nghe được chuyện này, chắc sẽ phản đối ầm ỹ. Chúng tôi rù rì với nhau “có những niềm riêng gần như hơi thở...” trong lúc Quang Tuấn đang ngọt ngào: ... Anh là mùa thu, cho Em mơ màng, Anh là lời ru, quấn quít bên nàng... Nisha nhẩn nha: Ừ , Quang Tuấn ca cũng được. Nisha đem đến cho tôi bao nhiêu là quà, tôi thương nhất là hai bài nhạc: Tâm Khúc của Nguyên Chương và Viên đá sầu của Diệu Hương với hàng chữ nắn nót của Nisha: “Chép tặng người mang tâm hồn lãng mạn... như ta”. Tôi cỡi ngựa sắt, phóng ra chợ mua bánh mì. Ðồ ăn sáng đầy bàn, mà cả hai hầu như quá bận rộn với những tâm sự đầy kín trong lòng. Nisha chủ trương “tiên vi chủ, hậu vi khách”, nên cho tôi ưu tiên tỉ tê. Bài luận tả tình tôi nộp cho Nisha chỉ có nhập đề và thân bài, chứ không có kết luận. Tôi nhập đề lung khởi, tức là nói lung tung beng, loạn xà ngầu. Bố cục xem ra rất lủng củng. Không gian, thời gian không liền lạc. Vậy mà Nisha vẫn hiểu được tôi kể gì. Thấy có người dỗ, cái khả năng giọt vắn, giọt dài, tưởng đã ngủ quên, giờ thức dậy.

Nisha tặng cho tôi chiếc khăn quàng cổ, trông rất sang, rất... tây. Hợp ý tôi vô cùng. Nihsa nói:
- Cho đúng cái tính điệu của mày.

- ?

- Hôm mày đi làm bên Paris, ghé lại tao, mày tròng tới mấy cái khăn quàng. Ðến bé Liêm mà còn thấy cái sự... nhiều khăn của mày.

- Thiệt ra cái sự điệu là phụ. Tôi giảng giải. Khăn nhỏ sát cổ, để giữ ấm thanh quản, khí quản và giữ cổ áo ... cho sạch. Khăn vuông to hơn khoác lên vai, cho bờ vai em gầy guộc nhỏ khỏi bị lạnh mà còn... vác cuốc ra đồng. Khi ra đường, trong cái lạnh cắt da, cắt thịt thì mấy cái khăn lụa có nhằm nhò gì. Lúc đó, thì phải quấn khăn len. Mày không biết đó chứ, giữa cái lạnh của 10 độ âm, xe buýt đến trễ thì còn đau khổ gấp mấy lần bị người yêu cho leo cây.

Nisha còn tặng cho tôi chai dầu thơm Weekend của Burberrys.

- Mùi này trẻ trung lắm, hy vọng hợp với mày.

- Cám ơn mày còn nghĩ là tao chưa già khụ. Tôi nghĩ thầm, chớ không phải mày chê tao già chát khi biết tao xịt bay hết mấy chai Chanel No 5.

Ðã đến lúc đi đón Quỳnh Lâm. Tụi tôi chẳng đủ thì giờ mà gỡ đám tơ lòng rối rắm hai đứa vừa trải ra. Trời vẫn mưa tầm tã. Xa lộ bị kẹt xe. Anh Lợi phải đổi đường mấy lần. Ðến nơi khá trễ, máy bay của Quỳnh Lâm lại làm lanh xuống hơi sớm. Tôi sợ Quỳnh Lâm bị hải quan ách lại ở đâu đó. Nàng đã thông báo là có mang theo gần 500 dĩa CD phim chưởng và nhạc karaoke. May quá, Quỳnh Lâm đã xong mọi thủ tục, đã nai nịt gọn gàng đang dáo dác tìm chúng tôi. Tôi cảm thấy lương tâm cắn rứt khi thấy hai túi chữ nghĩa nặng chình chịch Quỳnh Lâm tha cho tôi. Không biết khi nhận hành lý chất lên xe đẩy có văn nhân, võ nhân tốt bụng nào phụ cho Quỳnh Lâm chăng.

Về đến nhà chúng tôi sà xuống mấy va li của Quỳnh Lâm như bầy kên kên. Ai cũng có quà. Tôi được nhiều nhất. Nào là hai bộ truyện kiếm hiệp, tha hồ mà luyện. Nisha nhỏng nhẽo chậm hơn tôi, nên va li Quỳnh Lâm hết chỗ. Nào là Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê, Trần Văn Khê, Trịnh Công Sơn. Ủa, tự nhiên sao tôi lại quan tâm đến hồi ký vậy. Hổng chừng vài chục năm sau, cũng tập tễnh viết hồi ký. Anh Lợi và Nisha chia nhau mấy trăm dĩa VCD chưởng. Lại có mấy bịch cơm cháy để nhâm nhi khi luyện chưởng. Khi Quỳnh Lâm viết điện thư báo tin đã mua “com chay”. Nisha đọc xong, khen thầm là bạn vàng đã hồi tâm, ăn cơm chay. Ai dè, cơm cháy với thịt chà bông, thơm nồng mùi nước mắm, cay xé, ngon điếc tai.

Quỳnh Lâm hỉ hả mân mê món quà tây thanh lịch: cái túi xách Estee Lauder, màu đen, trông điệu lắm. Vậy là khi đi đại tiệc với ông to bà lớn, cô giáo Quỳnh Lâm tha hồ mà ỏng ẹo. Nisha còn tặng cho Quỳnh Lâm chai dầu thơm Innocente của Chloé. Nisha nói:
- Mùi này thoang thoảng, hợp với khí hậu Việt Nam, tao đi lựa mấy ngày trời mới tìm thấy đó.

- Ừ, mùi dễ thương ghê. Tôi hít hít thử. Hợp với Quỳnh Lâm đó.

Không chỉ mùi hợp với Quỳnh Lâm mà cái tên Innocente cũng hợp nữa, tôi nghĩ thầm. Theo một suy nghĩ nào đó, Quỳnh Lâm ngây thơ chứ, hay đúng ra, đơn giản hơn Nisha và tôi. Xét cho cùng, anh Ðức, nhờ cái tính đơn giản của Quỳnh Lâm, có đức. Còn anh Lộc và anh Lợi, vì tâm hồn mẫn cảm của Nisha và tôi, biết có lợi lộc chi không đây.

Buổi tối đầu tiên, sau một ngày chạy lui chạy tới từ nhà ga, phi trường, phố xá, Nisha chẩn bệnh:
- Tụi bây bị trúng gió rồi. Ðể tao cạo gió cho khỏi bệnh ngày mai mình còn đi du hí nữa.

Quỳnh Lâm rất mê màn chữa bệnh này nên tán thưởng ngay. Tôi ngại ngùng, tôi chưa bao giờ dám thử thú đau thương của cạo gió. Nisha chăm chú cạo sột sột trên lưng tôi, xuýt xoa, trời ơi, gió quá trời, chốc chốc lại hỏi, đau không. Tôi tê tái, nghẹn ngào:
- Không đau lắm.

Nhưng khi Nisha đấm lưng cho tôi, tôi mong cho mình bị trúng gió nặng để Nisha đấm lưng cho... tới sáng. Ban chiều Nisha cứ trầm trồ cái chân nến bằng thép đen, uốn hình một cô sơn nữ mang gùi. Tôi gạ:
- Nisha, mày có thích cái chân đèn cầy ngoài phòng khách chui vào va li của mày không?

- Cũng được, nhưng tao muốn có đủ bộ, tức là có luôn cô thôn nữ trên kệ sách ngoài phòng ăn nữa.

- Mày thích gì trong nhà tao thì cứ tự tiện khuân bỏ vào va li, miễn là đừng rinh phu quân của tao bỏ bao là được.

Khi Nisha hỏi tôi có thấy đỡ không, tôi bèn làm bộ đau khổ:
- Tao thấy còn mệt mỏi lắm. Chắc phải đấm lưng thêm lâu lâu nữa.

- Khỉ mốc, dẹp mày đi, đừng có làm bộ, đủ rồi. Nisha phát lên mông tôi một cái, đau điếng.

Sáng hôm sau, chúng tôi chuẩn bị đi lên nhà chị Thành ở Karlsruhe. Nisha chẩn bệnh, phán rằng tôi vẫn còn phải gió. Tôi than thở:
- Tao muốn gội đầu. Tóc đầy những dầu, đủ để chiên chả giò.

- Thôi được, để tao gội cho mày. Lấy khăn lông quấn cổ lại, đừng để cổ bị ướt.

Cảnh Robert Redford gội đầu cho Meryl Streep trong phim Trời Phi Châu làm sao sánh với cảnh gội đầu trong phòng tắm bé tí của chúng tôi. Tôi cảm-động-đậy ghê lắm. Tôi ngồi yên tận hưởng sự săn sóc của Nisha. Tay gãi đầu tôi nhè nhẹ, Nisha đều đều giọng gia huấn ca:
- Tụi bây phải biết giữ gìn sức khoẻ. Già hết rồi, sụm lúc nào không hay. Ðừng bắt chước tụi Tây, tắm rửa tan xà lan, không để ý gió máy gì...

Tội nghiệp Nisha, tính ra Nisha rệu rạo hơn tụi tôi nhiều. Nisha bị đau lưng phải nghỉ đi làm một thời gian dài. Nisha kể vui rằng, bác sĩ nói, nếu phụ tùng của con người mà cũng thay được như xe hơi, thì chắc bác sĩ thay ráo trọi cho Nisha rồi. Tôi gật gù:
- Dzậy, chỉ còn dàn đồng là chiến thôi. Tôi nghĩ thầm với lại bộ thắng nữa, nhưng không dám nói.

Nisha đi qua Ðức, anh Lộc lo lắng lăng xăng, tại Nisha chưa đi đâu một mình bao giờ. Tôi ghẹo Nisha:
- Tại mày lá ngọc cành vàng. Chớ như tao đây, con nhà nông, dù sáng sớm tinh mơ, hay đêm tối mịt mù gì cũng hiên ngang một mình, một ngựa, vác cày ra ruộng.

Tôi làm bộ khép “đôi mi gầy”:
- Mày thấy có thương cái thân già cà khổ của tao không? Vừa lao tâm, lại vừa lao lực.

Nisha nghiêm mặt:
- Ðừng có nhắc đến chữ khổ. Ðời tụi mình như vậy là sung sướng, phúc đức lắm đó.

- Ừ, giỡn chơi tí thôi, chứ tao biết chứ.

Chúng tôi chuẩn bị đi Karlsruhe. Nisha phát cho hai đứa hai viên thần dược Di-Antalvic. Nisha nói là thuốc trị nhức mỏi, chống cảm cúm. Quỳnh Lâm uống xong còn để vỏ giấy trên bàn. Nisha nghiến ngầm:
- Ðứa nào ăn rồi ỉa tại chỗ đây?

- Con Lâm đó. Thuốc của tao còn đây. Tôi mừng quá, vội lên tiếng. Hên là tôi chưa uống chứ không thôi, tôi cũng chung một tội như Quỳnh Lâm.

- Sao mày không uống đi cho rồi mà còn rề lui, rề tới đó?

- Tại tại tao... chết cha, không tìm ra lý do để chạy tội.

- Thôi, đừng có mà chối quanh chối co. Mày uống liền cho tao. Nói thiệt tụi bây, ba đứa mình mà ở chung một nhà, vì ba cái vụ này chắc tao chửi tụi bây tối ngày sáng đêm.

- Có lý. Tưởng tượng mày vừa chửi, vừa đấm lưng thì đã quá. Tao tình nguyện trúng gió hai ngày một lần để được nghe chửi. Tôi còn giỡn cù nhây.

Sáng chủ nhật ở Karlsruhe, lại thêm một đêm nói nhiều chớ ngủ chẳng bao nhiêu. Ba đứa chia phòng trên tầng ba với gia đình Hiền Trọng. Dù mắt còn cay xé vì thiếu ngủ, ba đứa lại mở máy.
Quỳnh Lâm thì một hai là còn đau nhức trong người, xin lương y ra tay cứu nhân độ thế. Tôi thì không hảo món cạo gió, nhưng ghiền món đấm lưng của Nisha. Tôi vờ cằn nhằn:
- Hôm qua tao ít đau, mày cạo gió làm sao, bây giờ tao thấy bịnh quá.

- Ðồ cà chớn, cứu vật, vật trả ơn, cứu nhơn, nhơn trả oán. Nhớ nghen, đứa nào bịnh tao cho ngủm luôn, không thèm chữa, coi thử tụi bây làm sao.

- Tự đó đến giờ mày coi tao là vật nhiều hơn là nhơn mà. Khi thì mày kêu tao là đồ khỉ. Ngang như cua, chậm như rùa, dữ như cọp, lạch bạch như vịt bầu. Dzậy thì tao là vật đứt đuôi con nòng nọc rồi. A, bữa qua mày ám chỉ tao gì gì đó với ngựa Thượng Tứ. Ừ, mà mày nói ngựa Thượng Tứ không phải là ý xấu. Mày cắt nghĩa tao nghe thử coi.

- ...

Chúng tôi nhảy từ đề tài này sang đề tài khác.

Anh Tư từ nhà dưới phóng lên:
- Ba mụ họp chợ um sùm quá. Bòn Bon vừa mắng vốn chủ nhà, rằng ba con mén nói lắm, cười nhiều.

Nhân cơ hội đó, Hiền cũng mét luôn:
- Ba chị tán dốc cái gì mà anh Trọng nhịn cười không nổi. Ảnh trùm mền lại để cười mà vẫn nghe lén tiếp tục.

Ba đứa thót ruột ngó nhau. Chết dở, nãy giờ tưởng mình điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe cho nên bàn bạc bao nhiêu điều quốc cấm. Ráng chịu, cho chừa tật họp chợ bừa bãi.

Anh Lợi và tôi vẽ vời chương trình du sơn, du thủy cho hai nàng. Sẽ đi thăm lâu đài Neu Schwanstein đẹp như trong chuyện cổ tích. Sẽ đi dạo trong lâu đài Nymphenburg trên những thảm lá mùa thu. Sẽ vào phố, đến ngắm Tòa Ðô Chính, ngắm nhà thờ kiến trúc giống như củ hành, rồi dạo trên đại lộ Maximilian rực rỡ... Quỳnh Lâm thì nhất định phải đi đến Làng Thế Vận Hội một lần cho biết. Nàng đã đến Muenchen hai lần rồi mà vẫn chưa... kiến kỳ hình của Làng.

Sáng thứ hai 14.10.02, anh Lợi và tôi đều nghỉ phép. Ðịnh sẽ ra đi khi trời vừa sáng để tận dụng thời giờ. Nhưng tối chủ nhật ba đứa rù rì khuya lắc, khuya lơ. Sáng dậy, cũng sớm, vừa mở mắt là ba đứa cũng mở miệng và lăn qua, lăn lại... nướng cháy đen, cháy đét. Khi tất cả đi đến quyết định đi Salzburg thì đã quá ngọ. Ông trời thì cứ sụt sùi không thua gì Anh Khoa trong nhạc phẩm Em Ðến Thăm Anh Ðêm Ba Mươi. Gần tới biên giới Áo, trời có hơi quang đãng được một chút. Trên núi cao, thấy được một chút tuyết phủ, Nisha suýt xoa:
- Dễ thương ghê.

- Mày làm như bên Pháp không có tuyết vậy.

- Sau này khu vực Paris ít khi có tuyết lắm.

- Ui chao, như tao sáng sáng lầm lũi lội tuyết thì thương hổng nổi...

- ...

Câu chuyện vẫn như bắp rang với tất cả đề tài. Tôi dỏng tai nghe và đóng góp đầy đủ mà vẫn cảm thấy mắt muốn sụp xuống. Lâu dần, anh Lợi đã tập cho tôi một thói quen rất lý tưởng cho cả hai. Hễ cứ lên xe chừng vài phút, là tôi chợp mắt. Anh Lợi cứ thoải mái nhấn ga, không phải nghe những lời bàn lằng nhằng của vợ. Tôi thì ngủ bù cho những ngày đã thiếu ngủ hoặc sẽ không có thì giờ ngủ khi mấy chị em gặp nhau. Như thường lệ, tôi mang cặp kiếng mát lên. Người khác cứ tưởng tôi đang ngắm phong cảnh, chứ ai mà biết được là tôi đang... khò đâu.

- Mày làm cái trò gì vậy Thúy? Trời có nắng đâu.

- Không nắng, nhưng tao nghĩ mang kiếng vào đẹp thêm, thì mang. Tôi giả đò.

- Phu nhân của Lợi sắp sửa ngủ rồi. Anh Lợi giảng giải.

- Lâm cũng sắp sửa ngủ đây. Giọng Lâm nhừa nhựa.

- Ưng ngủ thì ngủ, chớ trời này mà mày mang kiếng tao thấy quái dị quá. Bên Tây, như vậy người ta có nhiều giả thuyết. Hoặc là bị chồng dợt cho bầm mắt. Hoặc là khóc nhiều, mất ngủ, mắt quầng thâm...

- Thôi, thôi đủ rồi. Tao dẹp cái kiếng ngay.

Vẫn không chống cự nổi cơn buồn ngủ... Tôi nghe anh Lợi và Nisha tán dốc. Lơ mơ, tôi nghe anh Lợi nói giỡn với Nisha, rằng kiếp sau anh ước được làm bông hoa để được tôi chăm sóc chu đáo... Có cả đề tài kiếm hiệp. Quỳnh Lâm mang vừa sách, vừa phim qua. Kỳ này tha hồ thuận vợ, thuận chồng mà tát cho hết mấy bộ kiếm hiệp...

Ðậu xe xong, bốn người đi dạo trong mưa tìm đường đến phố cổ. Mới mấy bước, đã gặp một thắng cảnh đầu tiên. Một tiệm áo quần có ghi chữ đại hạ giá tổ tướng. Nisha xông xáo như tướng lãnh ra trận. Quỳnh Lâm theo bén gót. Chớp mắt một cái, hai nàng đã cầm trong tay ba bốn món. Tôi xác nhận đó là hàng hiệu. Quỳnh Lâm khoái chí, như vậy về Việt Nam mặc không sợ đụng. Anh Lợi tranh thủ, nhớ nhà (tôi) châm điếu thuốc...

Mau lên các nàng ơi, thì giờ ngựa chạy tên bay...

Ðã đến giữa phố Salzburg, thành phố quê hương của Mozart, nơi nhạc sĩ đã ra đời vào năm 1756. Những quày hàng chợ phiên bày bán những món quà lưu niệm của quê hương Mozart. Nhiều nhất là sô cô la, loại có hạt dẻ nằm chính giữa. Giấy gói lúc nào cũng có hình nhạc sĩ Mozart và cây đàn vĩ cầm. Không biết ông Mozart ngày xưa có hảo ngọt không. Tôi mù mờ về tiểu sử của Mozart, dù tôi thích rất nhiều tấu khúc của ông. Khi Bê còn bé tí teo, giấc ngủ tối, khi tôi không ru Bê được tôi vẫn hay để cuộn băng nhạc Mozart, với TĂrkische Marsch, Eine Kleine Nachtmusik, trích đoạn của khúc giao hưởng số 40...

Quỳnh Lâm đã đi đến đây với chị Tâm vào mùa đông, buốt giá quá. Bây giờ đang mùa thu. Thành phố lại có vẻ đẹp khác. Hai nàng cứ suýt xoa rằng thành phố dễ thương ghê đi. Anh Lợi đi trước vài bước. Ba nàng mắt thì ngắm nhưng miệng không ngừng nghỉ phát thanh.

(Còn tiếp)