Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

Bắc Hành

Ngự Thuyết

(Tiếp theo)

Kỳ 2

Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, tức là chiến tranh chống Pháp giành độc lập, có những lý do hoàn toàn chính đáng của nó. Trong cuộc chiến ấy, người Cộng Sản đã biết vận động quần chúng, khơi dậy lòng yêu nước của toàn dân, nhưng nhân đấy tìm mọi cách tận diệt những người yêu nước không cùng chính kiến, đó là trọng tội. Tôi nghĩ đến những người theo Pháp chống lại phe Cộng Sản - một số ít có thể là bọn người vong bản bán nước cầu vinh, nhưng đại đa số lâm vào cái thế bị dồn vào chân tường đành phải dựa vào ngoại bang mong tìm một giải pháp khác trên con đường giành lại chủ quyền cho đất nước. Lại còn có người không chấp nhận cộng sản, cũng không chịu nổi thực dân Pháp, sống âm thầm cho hết những ngày còn lại của đời mình, hoặc tìm cách thoát ly ra nước ngoài tiếp tục cuộc đấu tranh. Lại cũng còn có không ít những người theo Cộng Sản vì phóng lao phải theo lao, hoặc vì muốn dựa vào Cộng Sản trong nước và Cộng Sản quốc tế để mưu đồ ích quốc lợi dân, đến khi đi gần hết con đường nhìn lại thấy ngao ngán.

Những nạn nhân của thời cuộc nói trên không phải chỉ có tại Việt Nam mà thôi. Ở những nước độc tài toàn trị khác trên thế giới, hoàn cảnh ấy vẫn xẩy ra hằng ngày hiện giờ.

Còn chiến tranh Đông Dương lần thứ hai thì sao? Gọi đó là cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước” quả không ổn chút nào. Miền Nam lúc ấy đã có kỷ cương vững vàng, đã trở thành một quốc gia dân chủ có chủ quyền trên mọi lãnh vực, đang muốn sống hòa bình, đang nỗ lực kiến thiết, xây dựng để có thể sánh vai với những nước lân bang và cả thế giới, và do đó được nhiều nước trong năm châu bốn biển thừa nhận và đặt quan hệ ngoại giao theo đúng thủ tục quốc tế. Nhưng miền Nam muốn yên mà đâu được yên. Lại bị “giải phóng”. Hai chữ “giải phóng” nghe quá quen thuộc từ ngày chủ nghĩa Cộng Sản ra đời, dần dần nó mang ý nghĩa hoàn toàn khác. Miền Bắc đóng vai trò tiên phong cho khối Cộng Sản để “giải phóng” Miền Nam rồi khối đó sẽ “giải phóng” nốt những nước còn lại của Châu Á trước khi nhuộm đỏ thế giới. Thì Miền Nam lại đứng ra làm “Tiền Đồn Chống Cộng”. Toàn là những nhiệm vụ cao cả vá trời lấp biển, dỏm, nhưng nó đè nặng lên trên một nước nhỏ bé. Một một dân tộc bất hạnh đứng ra làm bia đỡ đạn cho hai phe quốc tế tranh cường. Cảnh nồi da xáo thịt đã diễn ra một cách ghê rợn bằng vũ khí do ngoại bang cung cấp. Khi “cuộc chơi” đã mãn, khi bàn cờ quốc tế đã được sắp lại, Miền Nam bị Đồng Minh bỏ rơi. Và thất thủ. Và những đoàn quân nghèo khổ, đói khát, thiếu thốn mọi bề từ Bắc tràn vào Nam như nước vỡ bờ.

Trong một tài liệu mật được tiết lộ gần đây, theo Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng, cựu tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon gọi cuộc chiến tranh vừa qua là chiến tranh ủy nhiệm. Đó không phải là chiến tranh giữa Bắc và Nam Việt Nam, hay giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt Nam, mà là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cho nên khi Hoa Kỳ đã bắt tay với Trung Quốc, chiến tranh phải chấm dứt trong tình cảnh bi đát cho miền Nam, như đã xẩy ra.

Kẻ thắng trận thẳng tay đày đọa kẻ thua trận. Cả triệu người miền Nam liều chết bỏ nước ra đi, hàng trăm ngàn người vùi thân ngoài biển cả, trong rừng sâu. Oán thù ngùn ngụt chồng chất. Thế giới loài người bàng hoàng. Mang nặng mặc cảm, kẻ thắng trận lại càng sấn tới, càng hung hăng, tàn bạo. Mang đầy lòng tham, kẻ thắng trận lại càng siết chặt bàn tay sắt để bảo vệ những gì đã chiếm đoạt.

Tôi nghĩ đến học giả Trần Trọng Kim và cuốn hồi ký cuối đời của ông, Một Cơn Gió Bụi, ghi lại khá đầy đủ một thời kỳ đầy biến động của lịch sử nước nhà sau 80 năm bị Pháp đô hộ. Ông được vua Bảo Đại mời lập nội các khi Nhật đầu hàng Đồng Minh năm 1945. Chính phủ Trần Trọng Kim chỉ tồn tại hơn bốn tháng từ tháng 4 đến tháng 8, năm 1945, nhưng đã có những đóng góp lớn lao trong việc xây dựng một quốc gia vừa mới giành lại chủ quyền. Tiếc thay, chính quyền kế tiếp không đánh giá đúng mức mà còn lên án những đóng góp ấy.

Trần Trọng Kim là một nhân cách hiếm có, một sử gia uyên bác, công minh, ưu thời mẫn thế. Ông sinh năm 1883 khi nước ta bị Pháp chiếm gần hết, và qua đời năm 1953 khi trận chiến ác liệt bùng nổ tại Phố Buồn Hiu. Qua cuốn hồi ký ấy, người đọc có thể nhận thấy muôn vàn khó khăn mà ông và những người cộng sự phải trải qua trong nỗ lực lèo lái con thuyền bé nhỏ Việt Nam trong cơn bão tố, nhất là phải gánh chịu hậu quả của những thủ đoạn tàn độc của những người đặt quyền lợi đảng phái lên trên tổ quốc. Xin trích dẫn vài ba đoạn trong cuốn hồi ký:
“Việc binh bị trong nước là việc quan trọng đến vận mạng cả nước, mà lúc ấy quân lính và súng ống không có. Kinh đô Huế có tất cả hơn 100 lính bảo an, tức lính khố xanh cũ, và sáu bảy chục khẩu súng cũ, đạn cũ, bắn mười phát thì năm sáu phát không nổ. Các tỉnh cũng vậy, mỗi tỉnh có độ 50 lính bảo an, các phủ huyện thì độ chừng vài chục người.”...

“Việc người Pháp làm ở Đông Dương có nhiều lầm lỗi, ngay từ lúc đầu không chịu thay đổi cái thái độ với người Việt Nam, cứ tưởng lấy võ lực mà đàn áp và dùng quyền mưu mà lừa dối để đem người ta vào tròng như ý mình muốn, không biết rằng lòng người đã thay đổi, nhân trí đã biến thiên, không thể lấy thế lực mà bắt người ta đi lại con đường cũ được. Phàm cái quyền mưu lừa dối là chỉ dùng được khi người ta không biết, nhưng khi người ta biết rõ cái mưu thuật của mình thì cái mưu thuật ấy không có công hiệu nữa.”...

“Đảng Việt Minh cộng sản có tổ chức rất chu mật và theo đúng phương pháp khoa học. Trong khi ông Hồ Chí Minh ở bên Tàu để chờ đợi thời cơ, ở trong nước đâu đâu cũng có cán bộ, ngấm ngầm hành động và tuyên truyền rất khôn khéo. Họ lợi dụng lòng ái quốc của dân chúng mà tuyên truyền Việt Minh không phải là đảng cộng sản, chỉ là một mặt trận gồm tất cả các đảng phái lấy lại độc lập cho nước nhà, vậy nên từ bắc chí nam đâu cũng có người theo.”...

“Ai có vòng xuyến hoa tai họăc đồ gì bằng vàng phải đem nạp chính phủ để tổ chức việc nước. Hết cuộc quyên vàng đến cuộc quyên đồng, đủ mọi thứ. Trong hoàng thành, Việt Minh cho người vào lấy những bảo vật và y phục của các vua chúa đời trước đem ra chợ bán. Khi quân Nhật sắp hàng có đưa trả lại cho chính phủ Việt Nam bốn tấn bạc bằng thoi chở vào để trong cung, số bạc ấy không biết về sau ai lấy mất. Bấy giờ tôi không có tiền, may nhờ chính phủ Việt Minh ở Huế trả tôi 1600 đồng, tiền lương quá nửa tháng cuối cùng của tôi, tôi mới có tiền tiêu.”...

“Đến tháng 3 năm 1949, ông Bảo Đại đã điều đình với chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam được thống nhất và độc lập trong khối liên hiệp Pháp, đại khái theo cái nguyên tắc ông Bảo Đại và tôi đã đưa cho người Pháp khi chúng tôi còn ở Hương Cảng. Giá hai năm trước chính phủ Pháp đi hẳn vào con đường ấy, có lẽ đỡ được bao nhiêu thì giờ và sự tổn hại. Song cái tính con người ta bao giờ cũng thế, cứ để cho đến khi bất đắc dĩ mới chịu làm những việc phải làm, còn thì cứ muốn bám lấy cái lợi một lúc, rồi cứ xoay quanh mãi thành ra hư hỏng việc lớn. Lòng tham của người ta không có bờ bến, nếu không đem cái lòng công minh chính trực mà ngăn ngừa lòng tư dục, thì thường hay có những sự tàn ác, gây ra nhiều nỗi đau buồn.”

“Về phương diện chính trị của người Việt Nam thì chính phủ Việt Minh đã thất sách từ lúc đầu, chưa gì đã đem áp dụng cái chủ nghĩa cộng sản một cách đường đột quá, thành ra ở trong thì dân tình ta thán, mà ở ngoài thì không có ai muốn giúp đỡ.”...
“Người cộng sản, khi đã hành động, hay dùng đến chữ giải phóng. Theo việc làm của họ, tôi vẫn chưa hiểu rõ nghĩa hai chữ ấy. Có phải trước kia có cái cũi giam người, bây giờ họ đem cái cũi kiểu mới đến bên cạnh rồi bảo người ta chạy sang cái cũi mới ấy, thế gọi là giải phóng không? Nếu cái nghĩa giải phóng là thế, thì cũi cũ hay cũi mới cũng vẫn là cái cũi, chứ có gì hơn?”...

“Cái thủ đoạn của Việt Minh là dùng mọi cách bạo ngược, tàn nhẫn, giả dối, lừa đảo để cho được việc trong một lúc. Ngay như họ đối với Việt Nam Quốc Dân Đảng nay nói là đoàn kết, mai đoàn kết, nhưng họ vẫn đánh úp, vẫn bao vây cho tuyệt luơng thực. Khi họ đánh được thì giết phá, đánh không được thì lại đoàn kết, rồi cách ngày lại đánh phá. Dân tình thấy thế thật là ngao ngán chán nản, nhưng chỉ ngấm ngầm trong bụng mà không dám nói ra.”...


“Hiện nay đảng Việt Minh có nước cờ đáng rất cao, là tự mình lui bước đi, để cho đảng chân chính quốc gia đứng ra thực hiện sự độc lập và thống nhất của nước nhà, rồi lập thành một chính thể đúng theo cái nghĩa dân chủ đang thịnh hành ngày nay. Cho các đảng phái được công nhiên lấy nghĩa lý mà tranh đấu trên trường ngôn luận, nhưng không được dùng võ lực mà tranh quyền cướp thế. Làm được như thế, tất nhiên là họ giúp cho nước Việt Nam sẽ có cái địa vị rõ ràng trong quốc tế, không ai xâm phạm được nữa. Khi ấy mọi người trong nước phải quả quyết đi vào con đường kiến thiết, ai nấy đem hết tài lực của mình mà học tập và làm việc để đem nước đến cái trình độ cường thịnh như các nước khác.”

Cho đến nay, đọc lại cuốn Hồi Ký của Trần Trọng Kim viết cách đây hơn 60 năm, ta vẫn thấy có nhiều điều đáng suy gẫm, và đặc biệt là còn mang khá nhiều tính cách thời sự, hiện đại.

Trước khi qua cầu Mỹ Chánh để ra Quảng Trị, chúng tôi ghé lại một ngôi làng cổ, một trong những ngôi làng xưa nhất của Thừa Thiên-Huế, đó là làng Phước Tích. T. nói:
“Để em đưa anh tới chỗ làm đột đột. Phước Tích xưa kia có làm đột đột.”

“Xưa kia. Thế bây giờ còn làm không?”

T. nheo mắt nhìn tôi hỏi:
“Nhưng anh có biết đột đột là cái chi không?”

“Biết chứ. Đột đột là pháo. Pháo nổ độp độp. Phải không? Nhưng T. nói xưa kia, thế bây giờ hết làm?”
“Bây giờ cái nghề xưa đó đang được phục chế,” T. vừa nói vừa cười. “Đặc biệt tại làng này.”
Tôi nghĩ thầm làm pháo thì đặc biệt cái nỗi gì. Đâu chả có. Nhưng tôi lầm. T. giải thích:
“Đột đột không phải pháo. Đó là các loại đồ gốm xưa không tráng men như ấm nước, lu, ghè, hũ, chậu ... Và những om đất nung dùng để nấu cơm. Om một, om hai - om một cho một người ăn, om hai cho hai người ăn. Loại om “đặc biệt” của làng Phước Tích thì để dành tiến Vua. Cơm Vua ăn phải được nấu bằng lửa rơm trong loại om đất ấy mới ngon, lớp cháy mỏng ở đáy om ngon tuyệt. Vua ăn xong, đầu bếp phải xáng om, lấy om mới nấu lứa cơm khác, vì om đã được dùng qua một lần sẽ mất đi mùi thơm tho, có lẽ mùi thơm của đất làng Phước Tích. Nhưng anh đi lâu ngày rứa có biết xáng nghĩa là gì không?”

“Biết chứ. Xáng là ném mạnh cái gì đó xuống đất cho nó bể, nó vỡ. Nhưng sao lại xáng đi, uổng của. Vua không xài để người khác xài.”

“Phải xáng chớ,” T. vui vẻ tiếp tục câu chuyện. “Mình xài đồ của vua, dù là đồ bỏ, rứa là phạm thượng, tội nặng lắm. Vua phong kiến mà.”

Sực nhớ, tôi hỏi:
“Ở đây không thấy người ta làm ruộng. Sao vậy?”

“Có đất đâu mà làm. Hơn nữa đất bị nước mặn. Làm nghề khác vậy. À làng Phước Tích cũng là gốc của họ Hoàng Trọng mà đa số làm nghề dạy học. Họ Hồ Đình khá tiếng tăm cũng gốc ở làng này.”

“Hình như họ Hoàng Trọng, họ ngoại của vua Bảo Đại, ở vùng Cầu Hai hay Túy Vân, Mỹ Lợi gì gì đó chứ.”

“Họ Hoàng Trọng ở đây thuộc nhánh khác,” T. trả lời.

Tại lò nung đột đột, tôi mua ba bình cắm hoa, trong đó có cái hình lục lăng nhỏ và rất đẹp, xong chúng tôi đèo nhau trở lại quốc lộ 1. Tôi ngồi sau phải ôm thêm mấy cái bình đất nung lỉnh kỉnh. Chúng tôi quẹo phải, qua cầu Mỹ Chánh hướng ra Quảng Trị. Xin mở dấu ngoặt, hôm sau khi trở về đến Huế, chỉ cái hình lục lăng còn nguyên vẹn, hai bình kia bể.

Lại dấu binh lửa. Chúng tôi dừng lại bên đường, nhìn vào một nghĩa trang rộng lớn ở cổng vào có hàng chữ “Tổ Quốc Ghi Công”. Vào những ngày cuối tháng 4 năm 1972, Miền Bắc, sau khi vượt vĩ tuyến 17, chiếm cổ thành Quảng Trị, xua quân và xe tăng đuổi theo những đoàn người tỵ nạn chen nhau chạy vô Huế nối đuôi nhau trông như con rắn khổng lồ dài hàng chục cây số. Cộng quân tấn công đoàn người tháo chạy chủ yếu bằng súng cối 61, B 40, đại bác 130. Người chết, trâu bò chết, xe cộ hỏng, nằm ngổn ngang dọc con đường dài từ Quảng Trị vào đến cầu Mỹ Chánh, bắc Thừa Thiên. Con đường ấy sau này được mệnh danh là Đại Lộ Kinh Hoàng thuộc huyện Hải Lăng, Quảng Trị.

Miền Nam cố thủ tại cầu Mỹ Chánh, rồi phản công. Đến giữa tháng 9, 1972, Quân Cộng Hòa chiếm lại Cổ Thành Quảng Trị, kéo cao ngọn cờ. Một thi sỹ nhà binh, Cao Tiêu, làm một bài thơ nổi tiếng về chiến thắng này, được phổ nhạc, Cờ bay, cờ bay, oai hùng trên thành phố thân yêu, vừa chiếm lại đêm qua bằng máu... Trong trận Cổ Thành Quảng Trị, số người chết của cả hai bên lên đến hàng ngàn. Quanh Cổ Thành, xác của quân Cộng Hòa và của quân Cộng Sản nằm la liệt tràn ngập các chiến hào, chồng chất lên nhau. Những tử thi ấy sau đó được kéo lên, người mang giày trận, kẻ mang dép râu. Có cả xác lính giày trận và lính dép râu ôm lấy nhau – lúc sắp lìa đời vẫn còn thù ghét nhau quyết đấm đá nhau thêm lần chót nữa hay sao, hay bỗng chợt cảm thấy cần phải xích lại gần nhau hơn mới có thể hồi tâm nhìn lại những uẩn khúc của cuộc chiến huynh đệ tương tàn đau đớn này?

Quân Bắc Việt rút lui qua bên kia sông Thạch Hãn củng cố lại lực lượng chờ ngày tái chiến, để lại một thành phố tan tành, nhà cửa, chợ búa, chùa chiền, am miếu, nhà thờ, thành lũy, tất cả biến thành bình địa.

(Còn tiếp)