Thứ Năm, 1 tháng 7, 2010

“Tôi Biết Sợ”: “Toàn Dân Trăm Người Như Một”... Ðều Biết Sợ (III)

Nói tóm lại, người có quyền lực thường sợ người yếu thế coi thường mình. Trong chế độ độc tài, tên lãnh đạo nào cũng sợ dân, nhiều khi còn sợ dân hơn là dân sợ hắn. Hãy nhìn vào lịch sử nhân loại từ Ðông sang Tây, ta đều thấy những tên nắm toàn quyền trị dân trong tay luôn luôn ngấm ngầm sợ hãi. Thời xưa thì có Tần Thủy Hoàng. Tên bạo chúa này bắt toàn dân đổ mồ hôi nước mắt ra xây bức Lũy Trường Thành chỉ vì hắn sợ đám man rợ miền Bắc tiến quân sang làm rung chuyển ngai vàng của hắn. Sau khi lập được công thống nhất đất nước, hắn lại sợ đám Nho gia giở trò “hư đốn,” bèn ra lệnh đốt những sách “đồi trụy” và chôn sống những người nào không biết sợ. Hắn đã thoát nhiều vụ mưu sát chỉ vì hắn biết sợ, và biết dùng đủ mọi cách làm toàn dân run sợ, nên không ai đụng được tới lông chân của hắn (Kinh Kha định vào giết hắn, nhưng khi nhìn thấy hắn thì đã run sợ đến nỗi đánh rơi thanh đoản đao, nên không làm được trò trống gì). Cuối cùng tên bạo chúa chỉ còn biết sợ Trời bắt chết, nên đã chi rất nhiều vàng bạc cho các danh lang đi tìm thuốc “tràng sinh, bất tử” cho hắn. Nhưng “người trần mắt thịt” làm sao mà có thể cướp được quyền sinh sát của Trời. Thế là dân Tàu tạm thoát nạn. Sau khi Tần Thủy Hoàng thảnh thơi đi thăm “Suối Vàng,” thì các sĩ phu được dịp ngồi viết hàng ngàn trang sử chửi bới thậm tệ tên bạo chúa đáng ghét này. Hành động hiên ngang của các sử gia này cũng không giúp gì cho dân Tầu thoát khỏi cảnh cùm kẹp thường xuyên xảy ra. Các vị Nho sĩ khả kính vẫn tiếp tục dạy dân Tầu phải có bổn phận “Quân, Thần, Tử,” tức là phải quỳ lạy hết đời bạo chúa này sang đời bạo chúa khác.

Trong thời đại mới, không tên độc tài nào lại mơ tưởng đến chuyện “tràng sinh, bất tử,” nhưng tên nào cũng sợ đám cận thần xông vào giết như trường hợp Brutus đã thỉa dao con chó vào bụng Jules César ngay trước hoàng cung ở La-Mã. (Ta cũng nên biết, Brutus là một cận thần được César yêu mến và tin cẩn, rồi sau đó Brutus cầm đầu đám Thượng Nghị Sĩ nổi lên giết César). Các tên độc tài thời mới không ngây thơ như César. Ta đã thấy từ Hitler tới Sì-Ta-Lin, Mao-Trạch Ðông và Hồ Chí Minh, những tên khát máu này không sợ địch thủ ngoài tiền tuyến bằng sợ đám “công thần” trong cung cấm. Ðiều này Hàn Phi Tử đã từng nhận thấy cách đây hơn hai ngàn năm (cùng thời với Tần Thủy Hoàng). Như ông đã viết: “Loạn sở dĩ do sáu hạng người này [gây ra]: (1) mẹ vua, (2) hậu phi, (3) con cháu, (4) anh em, (5) đại thần, (6) người nổi danh là hiền”. [13]

Nhìn vào lịch sử cận đại ở Việt Nam thì ta mới thấy Hàn Phi Tử quả là một nhà chính trị học tài ba, đã nhìn thấy những nét đặc thù của một xã hội suy vi. Ông Ngô Ðình Diệm lãnh đạo một chế độ suy nhược vì loạn lạc, đã bị giết một cách thê thảm, vì không biết sợ đám người thân cận của ông, vì ông không tin rằng đám người này lại có thể hại ông. Ông đã đi ngược lời khuyên răn của Hàn Phi Tử, nên đã để bốn loại người thao túng chế độ một cách dễ dàng. Ðó là:
(2) Hậu phi - bà Ngô Ðình Nhu (tuy bà này không đóng vai trò một quý phi, nhưng rất được ông Diệm sủng ái nên có nhiều quyền lực trong Dinh Ðộc Lập);
(4) Anh em - ông Ngô Ðình Nhu, Ngô Ðình Cẩn, Ngô Ðình Thục;
(5) Ðại thần - đó là các tướng được ông Diệm coi như “con nuôi”;
(6) Người nổi danh là hiền - đó là các chính khách có uy tín trong xã hội và các vị tu sĩ cao cấp (kể cả giám mục lẫn thượng tọa).


Cái lầm của ông Diệm là ông không biết sợ, không muốn dùng quyền độc tài sinh sát, hoặc không nắm được toàn quyền sinh sát, để bảo vệ chế độ như các lãnh tụ Cộng Sản thường làm. Nói cho cùng, lối suy nghĩ và hành động của ông Diệm cũng không khác gì những người Việt “Quốc Gia.” Ðại đa số chúng ta đều có khuynh hướng đặt tình cảm gia đình, bạn bè lên trên quyền lợi công cộng. Không một ai trong chúng ta có thể nhẫn tâm như các người cộng sản mang cha mẹ ra tòa án nhân dân đấu tố (Trường Chinh). Giờ đây, ta mới thấy một định lý rất đau lòng: trong một cuộc nội chiến ngang ngửa giữa hai phe, phe nào tàn bạo và biết làm cho dân sợ, thì phe đó có nhiều hy vọng thắng hơn. Vì thế, phe Quốc Gia thua trận cũng không có gì là ngạc nhiên. Những trái tim đầy tình người làm sao chọi lại được những trái tim đầy căm hờn!

2. “Bác” làm Các “Cháu” Sợ

Trước hết, chúng ta đều biết trong bất cứ một quốc gia nào, đại đa số công dân đều không ít thì nhiều phải tuân hành theo ý muốn người lãnh đạo, vì người lãnh đạo nắm trong tay một hay nhiều quyền lực như sau: [14]

(1) Quyền uy

Người lãnh đạo nắm được quyền uy vì có uy tín nên được toàn dân mến phục (charisma) vì đã có công lập quốc (như Georges Washington ở Mỹ), hoặc cứu quốc (như Mustafa Kemal ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ghandi ở Ấn Ðộ, v.v.), hoặc dựa vào truyền thống hay luật pháp có uy tín lâu đời (“Thiên Mệnh” ở Trung Hoa dưới thời phong kiến, Hiến Pháp Mỹ, v.v.). Quyền uy của người lãnh đạo sẽ mai một dần dần nếu người lãnh đạo không biết thích ứng với thời cuộc để giải quyết những khủng hoảng trầm trọng cho đất nước. Thí dụ như các vua chúa Nhà Nguyễn, các vị này không biết tìm cách đương đầu với sức mạnh Âu Tây nên đã mất hết quyền uy, và làm cho truyền thống quân chủ cũng mất hết uy tín luôn. Trái lại, vua Chu-La-Long-Quốc ở Thái-Lan, cũng như Minh-Trị-Thiên-Hoàng ở Nhật, đã biết thực hiện những chương trình cải cách cần thiết, nên không làm tổn thương đến truyền thống quân chủ, vì thế con cháu vẫn còn giữ được ngai vàng của mình cho tới ngày nay.

(3) Quyền Tưởng Thưởng

Người lãnh đạo nắm được quyền tưởng thưởng vì có công tạo ra một đời sống an hòa và trù phú cho toàn dân. Ta cũng nên biết quyền tưởng thưởng không làm cho người dân sợ hãi hay mến phục bằng quyền uy. Vì lý do đó, quyền này có tính cách đoản kỳ và sẽ mất hiệu lực khi người lãnh đạo không còn “khả năng nuôi dân.” Lúc đó dân có thể nổi lên lật đổ người lãnh đạo, bằng lá phiếu hoặc bằng những cuộc biểu tình bạo động (như các cụ đã dạy chúng ta câu “bạc như dân”). Ta cũng nên biết, trong các nước tự do dân chủ, người lãnh đạo (tổng thống hoặc thủ tướng) chỉ tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế chứ không trực tiếp “nuôi dân.” Trái lại, trong các chế độ toàn trị (totalitarian regime) người lãnh đạo tìm đủ mọi cách cướp quyền tự lực cánh sinh của dân để nắm độc quyền nuôi dân với mục đích làm cho dân hoàn toàn tùy thuộc vào chế độ. Cuối cùng, “nồi cơm” là “Bác,” “Bác” là “nồi cơm,” theo “Bác” thì ấm no, không theo “Bác” thì đói rách.

(3) Quyền Trừng Phạt

Người lãnh đạo dùng võ lực trừng phạt những hành động “bất tuân thượng lệnh” để bắt người dân phục tòng vì sợ hãi. Trong các chế độ tự do pháp trị, quyền trừng phạt của Nhà Nước bị hạn chế bởi luật pháp, vì thế người dân bình thường chỉ cần phục tòng luật pháp chứ không cần phục tòng tất cả sở thích của người lãnh đạo. Trái lại, trong các chế độ toàn trị, ý muốn của người lãnh tụ có sức mạnh ngang hàng với Ý Trời. Vì thế, dưới chế độ này, luật pháp rất mơ hồ, và thay đổi hàng ngày tùy theo ý thích của người lãnh tụ. Ta cũng nên biết, luật pháp càng mơ hồ bao nhiêu, quyền tự do trừng phạt của người lãnh tụ càng gia tăng lên bấy nhiêu. Như Phạm Văn Đồng đã tuyên bố một câu bất hủ: “Làm luật làm gì ?? nó trói tay mình vào.” Nhiều người không hiểu rõ đặc tính toàn trị của chế độ, nên thường coi luật pháp mơ hồ là một loại “luật rừng.”

Sau khi trình bày vài nét đại cương về quyền lực, bây giờ tôi xin cứu xét phương thức ông Hồ Chí Minh đã dùng để cướp quyền lãnh đạo quốc gia, rồi bành trướng quyền lực đã nắm trong tay thành quyền toàn trị. Bắt “toàn dân trăm người như một” sợ hãi và làm theo ý muốn của mình là một công tác đại quy mô, đòi hỏi những gian kế quỷ quyệt. Ông Hồ không thiếu khả năng này, nên đã thành công trên con đường tiến thủ vì ông biết đi từng giai đoạn, và dùng phương pháp “chia để trị” để tiêu diệt đối phương.

Khi mới bước chân về nước, ông Hồ không có một lực lượng gì đáng kể. Trong hai năm đầu (1945-46), ông không đặt trọng tâm vào nông thôn, vì các đảng “Quốc Gia” không có lực lượng chống đối ông trong các thôn xã hẻo lánh. Hơn nữa, đại đa số nông dân lúc đó rất thờ ơ với thời cuộc, tuy bao nhiêu năm họ đã bị thực dân và phong kiến bóc lột nên phải sống trong cảnh đói khổ cùng cực. Lại còn vụ đói kinh hồn năm Ất Dậu đã làm cho thôn quê miền Bắc hoàn toàn kiệt quệ về tinh thần cũng như thể xác, nên không còn bụng dạ nào nghĩ đến ủng hộ hay chống đối bất cứ một phong trào chính trị nào. Vì thế, ông Hồ chỉ cần lôi cuốn một số trí thức, và tiểu tư sản sinh trưởng nơi thành thị bằng lá bài “Cứu Quốc.” Ta cũng nên biết, giai cấp tiểu tư sản thành thị (nhất là đám trí thức) là thành phần biết rất nhiều về chính sách thực dân của Pháp, nên hồ hởi chui vào bẫy của ông Hồ. Trong khi đó, ông Hồ dùng phương pháp Lê-Nin-Nít (agitprop - vừa tuyên truyền vừa tiêu diệt thành phần đối lập trong các thành phố lớn) để trở thành “Bác,” một hình ảnh “cha già dân tộc.” (Chương trình tuyên truyền này quả là siêu việt, vì theo tiếng ta, “bác” còn có quyền uy hơn “cha” một bậc, dù sao “bác” là người anh của cha. Nhờ đó, “Bác” đã nắm trong tay một chút quyền uy, nhất là trong đám người yêu nước một cách rất ư là lãng mạn - “chỉ biết yêu thôi, mà chẳng biết gì” (thơ).

Sau khi tiêu diệt các đảng phái “Quốc Gia” ở các thành phố một cách dễ dàng vì các đảng này thiếu lãnh đạo, thiếu tổ chức, thiếu đoàn kết, thiếu sự ủng hộ quần chúng, “Bác” trở thành lãnh tụ tối cao, và “Ðảng” trở thành một tổ chức độc nhất nắm độc quyền “chống thực dân.” Khi chiến tranh bùng nổ, thành phần tiểu tư sản thành thị tản cư về nông thôn, tiếp tục hồ hởi giúp “Bác” tổ chức công cuộc chiến đấu dành độc lập. Ở đây, “Bác” phải cạnh tranh quyền uy với giới địa chủ vì nhóm người này có uy tín truyền thống trong đám nông dân đã bao nhiêu thế kỷ nay (tuy rằng giới địa chủ và phú nông thẳng tay lợi dụng cổ tục phong kiến để bóc lột các nông dân nghèo đói). Vì không đủ hậu thuẫn, “Bác” đành phải dựa vào giới tiểu tư sản thành thị đã tản cư về làng để thực hiện chương trình đánh đổ lực lượng “cường hào ác bá.” Các cô, các cậu từ tỉnh về sống nơi bùn lầy nước đọng tự nhiên cảm thấy có bổn phận phải theo “Bác” để giải quyết nạn “Lý Toét” và “Xã Xệ” mà nhóm Tự Lực Văn đoàn đã nhiều năm bôi nhọ trong báo Phong Hóa và Ngày Nay trước hồi 1945.

1   2   3   4